Dung Ngữ Thư Niên
Chương 124: Phiên ngoại – Từ hậu

Edit&Beta: Gà Say Sữa

“. . . Thiên chi lịch sổ tại nhĩ cung, duẫn chấp kỳ trung, thiên lộc vĩnh chung; quân kỳ chi thuận đại lễ, hưởng tư vạn quốc, dĩ túc thừa thiên mệnh.”

Trên tông miếu đại điện, Trần Chủy phụng mệnh tuyên chiếu, đem từng chữ trong chiếu truyền ngôi đọc lên một cách rõ ràng.

Đến khi chữ cuối cùng đọc xong, xung quanh chỉ nghe thấy tiếng khóc nức nở, ta đưa mắt nhìn người trong tông tộc mặc áo trắng đang quỳ dưới đất, thần sắc bi thương.

Thiên tử đứng ở trước ta, vẻ mặt vô cùng bình tĩnh tựa như những gì mà Trần Chủy vừa đọc chỉ là một chiếu thư bình thường giữa rất nhiều bản chiếu thư trong cuộc đời người.

À… có lẽ ta không nên gọi người là Thiên tử nữa, bởi vì chiếu truyền ngôi mới vừa được tuyên đọc.

Ta nhìn xuống dưới thềm, triều thần đứng chật cả điện trong điện ngoài, có người bi thương, có người bình tĩnh. Khuôn mặt của bọn họ, có lẽ trước đây ta đã từng gặp qua nhưng sau này đại khái là sẽ không gặp lại nữa.

…Và cả người ở trước mặt kia nữa!

Mười hai chuỗi ngọc miện, huyền y huân thường, hoa văn đẹp đẽ mới thêu… Không khỏi không thừa nhận y phục kia mặc ở trên người chàng hoàn toàn toát ra một loại khí thế khác biệt.

Cuối cùng cũng kết thúc rồi sao?

Không hiểu tại sao, cả người ta đột nhiên lại nhẹ nhõm hẳn.

******

Ta họ Từ, tên là Từ Bình.

Mẫu thân nói vào năm ta 5 tuổi từng có một tướng sĩ tới nhà, ông ấy sau khi xem tướng mạo của ta liền nói ta có quý khí, ngày sau có thể làm hoàng hậu. Phụ thân nghe xong thì vô cùng vui mừng liền thưởng cho tướng sĩ kia một lượng vàng.

Chuyện này được người lớn trong nhà nhắc suốt hai năm bởi vì không lâu sau thì phụ thân được thăng lên làm Thiếu phủ, đưa cả nhà ta tới Trường An.

Trường An rất lớn, người cũng rất đông.

Lần đầu tiên ta đứng trên đường lớn, thấy ngựa xe lao nhanh trên đường còn bị dọa tới bật khóc.

Phụ thân và mẫu thân cũng rất thích nơi này. Gia cảnh nhà ta sung túc, hầu như cứ cách vài ngày là phụ thân lại mời đồng liêu đến nhà thiết yến, mẫu thân cũng đưa ta đi làm quen với các quý quyến ở Trường An.

Dáng dấp ta không tệ, tính tình cũng không tệ, đây là điều mà rất nhiều người công nhận, chính vì vậy mà ta có rất nhiều bạn. Bọn họ cũng giống như ta, là con gái nhà quan, có điều nhà bọn họ đều có gốc rễ lâu đời ở Trường An, so ra ta cũng không tính là quá xuất sắc. Bọn họ nói chuyện, có lúc ta nghe không hiểu, ngay cả dáng điệu cũng khiến ta không thoải mái. Mẫu thân từng khích lệ ta bất kể lúc trước thế nào thì hôm nay ta cũng là nữ nhi của Thiếu phủ, không thấp kém hơn bất kỳ ai.

“A Bình tương lai có lẽ còn là hoàng hậu ấy chứ.” – Tỷ tỷ cười nói như vậy.

Ta ngoài mặt mỉm cười nhưng trong lòng lại thấy vừa buồn cười vừa nghi hoặc. Hoàng hậu có dáng vẻ như thế nào? Là như ta sao?

Mẫu thân không hiểu sự sợ hãi trong lòng ta, vẫn đưa ta đi khắp mọi nơi, gặp gỡ đủ kiểu người. Ta học cách ăn nói giống như bọn họ, học các cử chỉ ưu nhã, bất luận là gặp kiểu người nào, cao ngạo, ôn hòa, ồn ào hay dí dỏm ta cũng đều mỉm cười đối đãi, gặp phải tranh chấp cũng không sinh sự. Đến năm ta 14 tuổi, cô mẫu từ quê nhà Phần Dương đến Trường An, cầm tay tay ta thán phục nói – “Chỉ mới mấy năm không gặp mà A Bình đã biến thành người Trường An rồi.”

Nghe cô mẫu nói vậy, trong lòng ta không khỏi có mấy phần tự đắc.

Bà ấy nói đúng, ta của ngày hôm nay đã là một quý nữ Trường An chính tông.

Mỗi lần ta cùng đám tỷ muội xuất môn du ngoạn đều có công tử quyền quý trẻ tuổi len lén theo sau xe ngựa. Mấy tỷ muội còn lén cười nói cho ta biết, trong đám huynh đệ của bọn họ có người nào có ý với ta. Dĩ nhiên những chuyện như thế chỉ có thể giấu ở trong lòng, vào lúc không người mới dám đem ra thầm đắc ý một chút.

Từ thị ở Phần Dương là một đại gia tộc, phụ thân và mẫu thân đều một mực cho rằng ta chắc chắn có thể gả vào một quý gia ở Trường An.

“Con muốn gả cho một người tình đầu ý hợp.” – Ta nói với mẫu thân như vậy.

Nhưng mẫu thân chỉ lơ đãng cười – “Vậy sao? Vậy con nói cho ta biết như thế nào mới xem là tình đầu ý hợp?”

“Chính là con thích chàng, chàng cũng thích con.”

Mẫu thân chỉ cười vuốt tóc ta, ý tứ sâu sa nói – “Làm sao con biết người ta cũng thích con?”

Ta định nói điều đó không phải quá đơn giản sao, nhưng ngẫm kỹ thì lại phát hiện ra không trả lời được.

Không bao lâu sau, tỷ tỷ nói với ta hình như phụ thân nhìn trúng con trai trưởng của Phó Tư Đồ nhưng đáng tiếc người ta lại mới thành thân tháng trước, chỉ còn lại một cậu con trai thứ, phụ thân cảm thấy cũng không tệ.

Đại danh của Phó thị, dĩ nhiên là ta đã từng nghe nói. Hoài Nam Phó thị, đại tộc vang danh thiên hạ, đời đời ở Trường An. Đến đời của Phó Tư Đồ, trong nhà có đến mười mấy người làm tới chức Cửu khanh, gia trạch nằm ở thành Bắc – nơi trung tâm dòng dõi quý tộc tụ họp.

Phụ thân ta tuy là Thiếu phủ nhưng thành Bắc đối với nhà ta mà nói là nơi chỉ có thể ngắm mà không thể lại gần, người ở nơi đó đều quyền thế nhất thiên hạ, đích xác là lựa chọn lý tưởng của phụ thân.

Lời của tỷ tỷ nhanh chóng trở thành sự thực, cả nhà ta ra ngoài đạp thanh, trên đường đi vừa khéo gặp cả nhà Phó thị. Nhân duyên của phụ thân ta không tệ vì vậy hai nhà liền kết bạn đồng hành.

Ta cảm thấy ngượng ngùng, nhìn thấy Phó Quân, con trai thứ của Phó Tư Đồ cũng chỉ dám cách mành xe trộm liếc một cái. Y dáng dấp tuấn tú, lúc ngồi trên lưng ngựa vô cùng phong độ, khi cười lên càng làm người khác say lòng. Phó Quân thản nhiên cười nói với người bên cạnh, có khi lại thúc ngựa chạy tới bên cạnh một cỗ xe cười nói gì đó. Ta thấy mành xe hơi vén lên một góc, lộ ra nửa khuôn mặt. Ta nhận ra người đó, là tiểu nữ nhi của Phó Tư Đồ, Phó Cẩn.

Ta từng gặp Phó Cẩn trong mấy chuyến du uyển cùng các quý nữ, tuy con nhỏ nhưng đã được công nhận là một tiểu mỹ nhân. Bất quá vật họp theo loài, người phân theo nhóm, quý nữ trong Trường An cũng không ngoại lệ, Phó Cẩn xuất thân cao hơn ta, bạn chơi cũng toàn là dòng dõi hạng nhất.

Phó Cẩn nhìn huynh trưởng của mình, tựa hồ như bị chọc cười, môi hồng mắt biếc, trên người vận một bộ xiêm y màu hồng cánh sen nom vô cùng yêu kiều.

Xe ngựa đi thẳng một đường đến bên bờ sông Bá, hai bên liễu rủ xanh mướt, án tịch đầy đủ, màn trướng lớp lớp, một thiếu niên từ trong rừng đi ra nhìn thấy người nhà Phó Tư Đồ liền mỉm cười hành lễ.

Ta nhìn thấy hắn thì chợt sửng sốt, gần như quên luôn lễ nghi nữ tử không thể nhìn thẳng người khác.

Đó là Bùi Tiềm.

Là người nổi danh nhất trong đám con cháu quý gia Trường An, đám quý nữ mỗi ngày đều phải đem chuyện của hắn ra bàn luận mấy bận, lỡ như có ngẫu nhiên tình cờ chạm mặt thì cũng không ai dám lên tiếng, đợi hắn đi rồi mới ồ lên xôn xao… Ta nghe đại danh của Bùi Tiềm đã lâu, cũng cảm thấy nhìn hắn đúng là cảnh đẹp ý vui nhưng lại không hề mê luyến như những quý nữ khác. Bởi vì ta biết, cho dù ta cũng xem như xuất thân cao môn, lại cùng sống chung một thành nhưng đối với ta Bùi Tiềm vẫn xa xôi như sao ở trên trời. Vả lại, hắn và Phó Cẩn từ nhỏ đã được định hôn ước.

Bất quá, có thể cùng dự yến du ngoạn với hắn cũng đã là chuyện khiến người ta vui vẻ rồi.

Bùi Tiềm ngồi chung với đám huynh đệ của Phó Cẩn trò chuyện vô cùng vui vẻ, dáng vẻ tự nhiên thoải mái như vậy trước giờ ta chưa từng thấy qua. Ta còn để ý thấy mỗi lần nói đến chuyện gì thú vị là hắn lại liếc mắt về phía Phó Cẩn, tựa hồ như đang quan sát xem nàng có vui vẻ không.

Sau yến tiệc, mọi người đều ra bờ sông tản bộ, ta thấy Bùi Tiềm và Phó Cẩn đi cùng với nhau. Thật ra thì bọn họ nhìn không hề xứng đôi, Bùi Tiềm rất cao còn Phó Cẩn vẫn chỉ là một cô bé chưa nảy nở nhưng lúc Bùi Tiềm nói chuyện với nàng đầu hơi cúi xuống, trong thần sắc mang theo mấy phần cưng chiều. Có lúc dường như hắn nói gì đó chọc giận Phó Cẩn, nàng liền đưa tay nhéo tay hắn một cái, trên khuôn mặt tuấn nhã vô song lại nở một nụ cười tự đắc.

“Đúng là chuyện tốt trên đời đều bị nàng ta chiếm hết cả, phải không?” – Tỷ tỷ thì thầm bên tai ta, có vẻ xúc động.

Ta cười cười, ngoài mặt như thể không để ý nhưng tận khi về đến nhà trong đầu vẫn còn in lại dáng vẻ hai người kia ở cạnh nhau, trong lòng không phải không hâm mộ.

Tình đầu ý hợp, đại khái là như vậy sao?

Chuyện của Phó Quân cũng không có tiến triển gì thêm, mấy ngày sau phụ thân về phủ, nét mặt có vẻ không vui.

“Ngụy Giác sắp về Trường An.” – Ông nói với mẫu thân ta như vậy.

“Ngụy Giác?” – Mẫu thân ta suy nghĩ một chút rồi nói – “Là vị Bắc bộ úy Lạc Dương mà phu quân từng giúp đỡ ư?”

“Đúng vậy.” – Phụ thân thở dài nói, ném một phòng thư lên bàn, lại nhìn ta – “Phụ thân đích thân gửi thư tới nói muốn đem A Bình gả cho con trai của Ngụy Giác.”

Đối với chuyện này, ta chỉ ngạc nhiên nhưng mẫu thân thì lại tức giận.

Ngụy thị xuất thân là vọng tộc ở Hà Tây, là quen biết cũ với Từ thị. Năm đó phụ thân của Ngụy Giác và tổ phụ ta đều làm quan ở trong triều, tương giao cực tốt, mà Ngụy Giác và phụ thân ta cũng là bạn bè từ thời niên thiếu nhưung chỉ dựa vào điều này thì vẫn không đủ.

Lúc trước Ngụy Giác đảm nhiệm chức Bắc bộ úy ở Lạc Dương, từng đắc tội với quyền quý, phụ thân ta phải giúp đỡ nhiều bề mới được tha tội. Hôm nay ông ta tới Trường An làm quan nhưng cũng chỉ là một Kỵ đô úy, so với nhưng quý tộc mà phụ thân cố ý kết giao ở kinh thành thì quả thực là kém xa. Tiếc rằng, tổ phụ vẫn là tổ phụ, cho dù phụ thân có không nỡ thì cũng không dám chống lại lệnh của ông.

Hai tháng sau, cả nhà Ngụy Giác tới Trường An, lúc bọn họ tới cửa bái phỏng, ta cuối cùng cũng nhìn thấy vị hôn phu trong truyền thuyết của mình – Ngụy Đàm.

Năm đó, ta 14 tuổi, Ngụy Đàm bằng tuổi với ta.

Bàn về tướng mạo, dĩ nhiên chàng không tuấn nhã bằng Bùi Tiềm hay Phó Quân, ngũ quan Ngụy Đàm có chút góc cạnh nhưng không hề mất cân xứng, nhìn lại cũng vô cùng anh tuấn. Lần đầu tiên ta nhìn thấy Ngụy Đàm, chàng đứng sau lưng Ngụy Giác, mày kiếm thần sắc ngang tàng khiến mắt ta như sáng lên.

Hôn ước của ta và Ngụy Đàm được quyết định vào năm ta 18 tuổi. Phụ thân vẫn luôn lấy lý do tướng sĩ nói ta không thích hợp gả sớm để trì hoãn nhưng không cưỡng lại được sự thúc giục của tổ phụ, vả lại tuổi tác của ta cũng không tiện kéo dài thêm nữa.

Từ khi quen biết cho đến khi định ra ngày cưới, ta và Ngụy Đàm đã không còn tính là xa lạ nữa. Mẫu thân nói với ta, hôn ước của ta và Ngụy Đàm chỉ là kế tạm thời, nếu gặp được cơ hội phụ thân vẫn sẽ thoái hôn. Nhưng ta không quá để những lời này ở trong lòng bởi vì đối với vị hôn phu này, ta xem như hợp ý.

Sau khi Ngụy Đàm tới Trường An, chỉ chưa đầy hai năm đã tự dựa vào bản lĩnh của mình trở thành thiếu niên vũ lâm lang. Mỗi lần ta cùng các quý nữ tới cung uyển dạo chơi đều có thể nhìn thấy đám thiếu niên Vũ lâm lang cầm kích cưỡi ngựa chạy qua cung cấm làm hấp dẫn không biết bao nhiêu ánh nhìn. Mà trong số đó, Ngụy Đàm chắc chắn là người nổi bật nhất, cùng một thân khôi giáp nhưng mặc ở trên người chàng lại thêm mấy phần khí thế hiên ngang. Thiên tử thường xuyên cho Vũ lâm ở trong cung đấu võ hoặc chơi xúc cúc, Ngụy Đàm luôn là người giành được vị trí đầu bảng. Nhưng khiến cho ta kinh ngạc nhất chính là chàng và Bùi Tiềm có giao hảo vô cùng tốt, có một lần tụ yến, chàng đưa ta về nhà, trên đường về gặp được Bùi Tiềm, hai người nói chuyện có vẻ vô cùng thân thuộc. Ta hỏi ra mới biết hóa ra hai người bọn họ đã quen biết nhau từ lâu.

Vũ lâm Túc vệ quan Đỗ Dần có giao hảo với phụ thân ta, ông ấy từng nói với phụ thân, Thiên tử vô cùng tán thưởng Ngụy Đàm, tương lai chắc chắn sẽ tiền đồ vô lượng. Phụ thân ta nghe xong những lời này chỉ cười mà không nói.

Ta hiểu tâm tư của phụ thân, Ngụy thị xuất thân Hà Tây, đời đời võ tướng, ước mơ của Ngụy Đàm chính là có thể giống như tổ tiên xông pha chiến trường, giành lấy quân công, phong hầu bái tướng. Nhưng phụ thân lại coi thường thứ tiền đồ như vậy, cho dù có phong hầu bái tướng thì chung quy vẫn phải quay về triều làm một Đại tướng bổng lộc thiên thạch, so với quan lại cùng phẩm cấp trong triều thì gian khổ hơn rất nhiều. Bổn triều trọng văn khinh võ, tương lai tiền đồ thế nào cũng chưa rõ được, quan trọng nhất chính là phụ thân cảm thấy ta vốn dĩ có thể gả cho một vương hầu dòng dõi quý tộc vậy mà giờ lại phải gả cho một kẻ “được Thiên tử tán thưởng” để làm gì?

Nói thực lòng, ta cũng cảm thấy có lý nhưng trong lòng từ lâu đã sớm mặc định chuyện sẽ gả cho Ngụy Đàm, sự quan tâm dành cho chàng cũng nhiều hơn so với người khác. Ta cũng giống như những nữ tử khác muốn tặng chút đồ cho vị hôn phu của mình, ví dụ như tự mình thêu khăn tay hoặc khăn vấn đầu, ví dụ như thường xuyên bất ngờ đến cửa cung thăm chàng. Giữa âm thanh ồn ào của đám đồng liêu, ta thấy chàng đỏ mặt nhanh chóng đem đồ ta tặng giấu vào trong tay áo, mỗi lần như vậy trong lòng ta lại âm thầm đắc ý.

Bất quá, Ngụy Đàm thân ở Vũ lâm, số lần chúng ta có thể gặp mặt nhau kỳ thực rất ít, mỗi lần gặp riêng chuyện thân mật nhất mà chàng làm với ta cũng chỉ là nắm tay. Sự lễ độ ôn hòa của Ngụy Đàm khiến cho ta rất thoải mái nhưng đôi khi vẫn cảm thấy như thiếu đi chút gì đó.

Ta nhớ tới Phó Cẩn và Bùi Tiềm, lúc hai người bọn họ ở chung một chỗ thường xuyên cười nói đùa giỡn giống như hai đứa trẻ vậy, vô cùng vui vẻ.

Ta và Ngụy Đàm từng vui vẻ như vậy sao?

Ta thẹn thùng nghĩ cũng thẹn thùng tự hỏi, vui vẻ hay không vui vẻ thì thế nào, dù gì thì ta và chàng cũng đã đính hôn. Ta thích chàng, cho dù bây giờ còn lạ lẫm thì tương lai cũng sẽ có rất nhiều thời gian để từ từ làm quen.

Ta và Ngụy Đàm đính hôn được gần một năm, một ngày nọ ta vào cung ngắm hoa liền thuận đường liền đến cửa cung thăm chàng thế nhưng đến nơi thì chàng lại không ở đó.

“Huynh ấy vừa nói có chuyện gấp nên xin nghỉ rồi.” – Một Vũ lâm đồng liêu với Ngụy Đàm nói với ta như vậy.

“Xin nghỉ?” – Ta kinh ngạc – “Huynh ấy xin nghỉ đi đâu vậy?”

“Hình như là tới chợ Đông.” – Người kia nói.

Ta nghe vậy thì có chút do dự nhưng thấy sắc trời còn sớm liền bảo ngự giả đưa ta tới chợ Đông.

Chợ Đông là nơi vô cùng nhộn nhịp huyên náo, người đến kẻ đi nườm nượp không dứt, cho tới bây giờ ta cũng chưa từng tới đây. Ta ngồi ở trong xe, đưa mắt vô định tìm quanh nhưng lại hoàn toàn không thấy bóng dáng của Ngụy Đàm. Đương lúc nhìn trái nhìn phải thì xe của ta bị một chiếc xe bò chặn đường, tiến không được lùi cũng không xong, lúc này đột nhiên lại nghe được một giọng nói quen tai, ta ghé mắt nhìn qua tấm mành thì thấy một tiểu thương bán hàng rong đang trả giá với khách.

“…Bảy mươi đồng á?” – Tiểu thương kia tuy còn nhỏ nhưng khí thế rất lớn – “Vị công đài này, ngài có thể đi hỏi khắp Đông Tây Nam Bắc thành Trường An xem, bảy mươi đồng mà có thể mua được một góc của cái bàn cờ này thì ta tặng không cho ngài!”

“Vậy ngươi nói xem bao nhiêu?” – Khách nhân hỏi.

“Năm trăm đồng.” – Tiểu thương trả lời.

Ánh mắt người nọ có vẻ không chắc chắn lắm.

“Ba trăm.” – Người nọ nói.

“Năm trăm.” – Tiểu thương kiên quyết nói – “Không kém một đồng.”

“Hàng của ngươi là đồ cũ.”

“Ấy, công đài không biết là bàn cờ cũ quý hơn bàn cờ mới hay sao? Lúc đầu khi ta mua nó tốn những bảy trăm đồng đấy, chẳng qua thấy công đài vừa ý nên bán mở hàng mà thôi, nếu công đài cảm thấy đắt vậy thì…”

Ta thấy tiểu thương kia mặt mũi đường nét tinh xảo giống như thiếu nữ, còn rất quen mặt nhưng lại không nhớ ra là đã từng gặp ở đâu, nhìn thêm một hồi, đáy lòng ta tựa như có tia sáng nháng qua.

Đó là Phó Cẩn, Phó Cẩn của nhà Phó Tư Đồ.

Ta không dám tin vào mắt mình, vội vàng muốn nhìn kỹ lại nhưng đúng lúc này xe ngựa lại lăn bánh, ta đành thất vọng bỏ qua. Đi được khoảng hai ba trượng thì đột nhiên nhìn thấy bóng dáng Ngụy Đàm trong đám đông, ta định lên tiếng gọi nhưng chỗ này quá đông người vì vậy đành phải bảo ngự giả dừng lại rồi tự mình xuống xe.

Xung quanh nhộn nhịp toàn là người, lúc ta đi tới chỗ Ngụy Đàm, thấy chàng đang đứng nép trong góc tường tựa như đang nhìn thứ gì đó. Ta tò mò nhìn theo ánh mắt chàng, Phó Cẩn vẫn còn đứng ở nơi đó đấu võ miệng với vị khách nhân kia còn Ngụy Đàm đàm thì đang nhìn nàng, thần sắc chuyên chú, khóe miệng hơi cong lên. Ta chưa từng nhìn thấy dáng vẻ này của chàng.

Cho dù là đối với ta, chàng cũng chưa từng như vậy.

Giác quan của nữ nhân có đôi khi rất nhạy bén, cho dù chỉ là một cái liếc mắt cũng có thể cảm thấy khác thường.

Ta đứng ở xa nhìn, cho đến khi thị tỳ lên tiếng nhắc nhở mới hoàn hồn lại.

“Nữ quân, tỳ nữ đi mời công tử đến đây nhé.” – Thị tỳ nói.

Nhưng ta lại lắc đầu – “Không cần.” – Dứt lời liền xoay người lên xe.

Sau lần đó, ta giống như thể làm ra chuyện gì chột dạ, mà cũng không thể nói rõ được vì sao lại không kể lại với Ngụy Đàm. Có lẽ ta vốn dĩ là người không ưa xen vào chuyện của người khác, cho dù gặp thiệt thòi hoặc nghi vấn thì cũng sẽ không nói thẳng ra.

Đặc biệt là Ngụy Đàm.

Có lẽ bởi vì trong lòng ta thật sự có chàng cho nên hành sự cũng dè dặt hơn.

Phó Cẩn làm gì ở chợ Đông? Đường đường một quý nữ lại cải trang tới chợ Đông lăn lộn, đến ta cũng thiếu chút nữa là không nhận ra nàng ta, phủ Phó rất thiếu tiền ư?

Còn cả Ngụy Đàm nữa…

Trong lòng ta có tâm sự, cả ngày cứ hoảng hoảng hốt hốt.

Đến chiều tối, Ngụy Đàm lại tới tìm ta.

Có mẫu thân ở đó, bọn ta không thể gặp riêng, cách một lớp bình phong, Ngụy Đàm hỏi – “Hôm nay nàng có đến tìm ta?”

Lời này trực tiếp chạm đến tâm sự trong lòng ta.

“Vâng.” – Ta nhẹ giọng nói – “Nhưng chàng không có ở đó.”

“Ta tới chợ Đông.” – Ngụy Đàm nói.

“Vậy à?” – Tim ta nảy lên một nhịp – “Chàng tới chợ Đông làm gì?”

“Quý Uyên nhờ ta chút việc.” – Ngụy Đàm trả lời – “Hôm nay huynh ấy có việc nhưng lại không rảnh vì vậy ta mới thay huynh ấy đi một chuyến.”

Thấy chàng nhắc đến Bùi Tiềm, lòng ta thoáng thả lỏng. Bùi Tiềm là vị hôn phu của Phó Cẩn, nói như vậy cũng có thể hiểu được.

Ngụy Đàm tuy cũng có lúc khiến người ta nhìn không thấu nhưng chàng chưa từng nói dối ta.

“Nàng tới tìm ta có việc gì không?” – Ngụy Đàm lại hỏi.

Ta bình tĩnh lại, nói – “Đúng là có việc. Ngày kia chàng có thể xin nghỉ không? Phủ quốc cữu mở yến, Biện nữ quân mời ta tới dự còn bảo ta đưa cả chàng đi cùng.”

“Quốc cữu?” – Ngụy Đàm tựa hồ có chút chần chờ.

“Đúng vậy.” – Ta vội nói – “Trong yến tiệc có rất nhiều thanh niên tài tuấn, chàng cũng có thể kết giao thêm bằng hữu, sẽ không buồn chán đâu.”

Tính tình Ngụy Đàm cởi mở, rất dễ kết giao bằng hữu, ta nói như vậy quả nhiên chàng đồng ý.

Sau khi Ngụy Đàm về rồi, cả người ta thở phào nhẹ nhõm. Tuy chàng không nói cho ta biết chuyện của Phó Cẩn nhưng ta cũng không muốn truy hỏi, hiện giờ chuyện quan trọng hơn chính là buổi yến tiệc ở phủ quốc cữu.

Bản thân ta có trù tính riêng của mình

Quốc cữu Biện Hằng thích mở yến ở trong phủ sau đó triệu tập các thanh niên tài tuấn trong kinh tới tham dự thưởng nhạc uống rượu. Người này là huynh trưởng của Biện hậu, hiện nay Biện hậu đang được ân sủng, Biện thị ở trong triều như mặt trời ban trưa, người được Biện Hằng xem trọng có thể một bước lên mây.

Ta và nữ nhi Biện Doanh của Biện Hằng có mối quan hệ không tệ, vài ngày trước ta từng ướm lời hỏi thử, Biện Doanh liền vui vẻ đồng ý. Hôm nay trong lúc cùng du uyển với nhau, Biện Doanh nói với ta, Biện quốc cữu đã từng gặp mặt Ngụy Đàm một lần, bằng lòng mời chàng tới dự tiệc.

Đến ngày thiết yến, ta tới phủ quốc cữu trước. Biện Doanh đưa ta cùng mấy vị nữ quân đến tiểu các trong hoa viên phẩm trà, ngồi bên trong có thể nhìn thấy ngọn giả sơn cách đó không xa, trong đình đài thủy tạ, án tịch bày biện tinh xảo, gia nhân liên tục nối đuôi nhau. Tân khách vận hoa phục mỹ sức vừa cười nói vừa lần lượt nhập tiệc. Quốc cữu Biện Hằng một thân cẩm bào ngồi trên vị trí chủ tiệc đang nói chuyện cùng một nam tử tướng mạo tuấn tú.

“Đó là ai vậy? Trang điểm nom còn đẹp hơn cả nữ tử.” – Một quý nữ dùng quạt lụa che nửa mặt, khẽ cười nói.

“Đó là yết giả tân nhiệm Phó Xạ ,” – Biện Doanh nói – ” Mới được cất nhắc lên.”

Các quý nữ sáng tỏ.

Trong đình viện, đèn đuốc sáng rực như ban ngày, khách khứa náo nhiệt, toàn là các nam tử trẻ tuổi mỹ mạo, mỗi người một vẻ, quả là cảnh đẹp ý vui. Ta âm thầm tán thưởng mắt chọn khách của Biện quốc cữu, không bao lâu sau, một bóng người quen thuộc xuất hiện ở trong đình.

Hôm nay, Ngụy Đàm vận một thân áo bào lụa mộc, lưng thắt đai ngọc, bước chân nhanh nhẹn hữu lực.

“Đó là ai vậy?” – Có người hỏi

Biện Doanh nhìn về phía ta, đưa tay áo che miệng cười nói – “Cái này phải hỏi Từ Bình.”

Ta hơi thẹn, chỉ mím môi cười.

Lại nhìn về phía buổi tiệc, gia nhân đã dẫn Ngụy Đàm tới bái kiến Biện quốc cữu. Biện quốc cữu nở nụ cười thân thiết nhìn Ngụy Đàm, hình như đang cùng chàng hàn huyên. Dẫu sao Ngụy Đàm vẫn còn trẻ tuổi, có thể nhìn ra thần sắc có chút cẩn trọng.

Nhưng điều khiến ta bất ngờ nhất chính là lúc Ngụy Đàm vào nhập tiệc, Biện quốc cữu lại đích thân sắp xếp cho chàng ngồi ở vị trí đầu tiên bên dưới ông ta. Biện Doanh cũng không khỏi kinh ngạc, nói với ta – “Phụ thân ta quả nhiên rất tán thưởng Ngụy Đàm.”

Trong lòng ta cũng vô cùng vui mừng.

Trăng sáng vằng vặc trên cao, từ tiểu các cũng có thể nghe thấy tiếng đàn hát du dương của ca kỹ, lương thần mỹ cảnh như vậy khiến người xem như thể chìm đắm. Ta vừa cùng đám quý nữ nói chuyện vui đùa nhưng vẫn không quên liếc về phía bên yến tiệc.

Biện quốc cữu cùng tân khách uống rượu chuyện trò, đôi lúc lại phát ra tiếng cười, có người nâng rượu kính Ngụy Đàm, chàng cũng không từ chối, đã uống rất nhiều. Lúc này, Biện quốc cữu chợt đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cầm một bình rượu đi về phía Ngụy Đàm. Ngụy Đàm liền vội vàng đứng lên.

Sắc mặt Biện quốc cữu đã đỏ gay, nhìn Ngụy Đàm cười híp mắt, ông ta nói gì đó rồi giơ bình rượu lên. Ngụy Đàm cũng nâng chén rượu lên, cạn sạch cùng Biện quốc cữu. Biện quốc cữu uống xong cũng không rời đi mà lại chìa tay ra với Ngụy Đàm, vị trí của ta ngồi không thể nhìn rõ ông ta đã làm gì nhưng trong nháy mắt đó, Ngụy Đàm đột nhiên lại giật phắt tay lại.

Ta sửng sốt.

Bữa tiệc lặng đi một lát rồi nhanh chóng nổ ra một tràng cười, Biện quốc cữu cũng cười nhưng cả người Ngụy Đàm lại tựa hồ như cứng còng lại. Một hồi sau, chàng thi lễ với Biện quốc cữu, đem chén rượu đặt xuống án sau đó phất tay áo rời đi.

Thấy Ngụy Đàm bỏ đi, tiếng cười hơi ngừng lại, Biện quốc cữu đứng ngây tại chỗ nhìn theo, nụ cười trên mặt dần sượng trân.

Các quý nữ cũng trố mắt nhìn nhau.

“Sao vậy?” – Biện Doanh hỏi.

Ta không biết phải trả lời như thế nào, đành vội vã đứng lên bước nhanh ra ngoài.

“Mạnh Tĩnh!” – Ta bảo ngự giả đánh xe với tốc độ nhanh nhất cuối cùng cũng đuổi kịp Ngụy Đàm ở trước cửa Ngụy phủ.

“Đã xảy ra chuyện gì vậy?” – Ta gấp gáp hỏi – “Sao đột nhiên chàng lại bỏ về?”

Ngụy Đàm nhìn ta, trên mặt không biểu lộ gì. Chàng càng im lặng thì ta lại càng có thể cảm nhận được cơn giận của chàng.

Chuyện vừa xảy ra, chỉ cần là người sáng suốt cũng có thể đoán được vài phần. Biện quốc cữu thích kết giao với những thanh niên trẻ tuổi tài tuấn, mà ta từng nghe nói ông ta ở trong phủ có nuôi luyến đồng. Đám công tử quần lụa chốn Trường An thích mua vui tìm lạc thú, đủ các thể loại, nuôi luyến đồng kỳ thực cũng không phải chuyện gì hiếm lạ Chỉ là ta không ngờ tới Biện Hằng đường đường là quốc cữu vậy mà lại công khai quấy rối người khác trên yến tiệc, mà cũng không ngờ Ngụy Đàm lại phản ứng thái quá như vậy.

“Quốc cữu…” – Ta vừa ngượng vừa hổ thẹn, ấp úng hỏi – “Quốc cữu lúc nãy…”

Sắc mặt Ngụy Đàm càng trầm xuống, ta thấy trán chàng nổi gân xanh liền vội vàng ngậm miệng.

“Ta không sao.” – Cuối cùng, Ngụy Đàm hít sâu một hơi, bình tĩnh lại nói với ta.

Trong lòng ta thoáng an tâm lại, trong đầu xoay chuyển, an ủi nói – “Phía bên quốc cữu chàng không cần lo lắng, ta rất thân thiết với phu nhân, nữ quân nhà họ, giải thích một chút là ổn.”

Ánh mắt Ngụy Đàm rét lạnh.

“Giải thích?” – Chàng cười nhạt – “Không cần giải thích, Ngụy Đàm ta cho dù không sống được ở đất Trường An cũng không cần ông ta khai ân coi trọng.”

Ta cau mày nhưng biết chàng đang giận dữ đành mềm giọng nói – “Chuyện tối nay chỉ là ngoài ý muốn, quốc cữu cũng là do uống say, chàng chớ hành động theo cảm tính.”

“Cảm tính?” – Ngụy Đàm nhìn ta – “Quốc cữu làm ra chuyện bỉ ổi như vậy, ta bất bình ngược lại lại biến thành hành động theo cảm tính?”

Giọng điệu Ngụy Đàm có chút sắc nhọn, ta cũng tức giận nói – “Vậy chàng muốn thế nào? Những kẻ muốn trèo cao trong thành Trường An này xếp cao như tường thành, quyền thế của quốc cữu hiện nay không phải chàng không biết Chàng cho rằng để lấy được một chỗ ngồi trong yến tiệc của ông ta dễ dàng lắm sao? Ta muốn chàng kết giao với ông ta chẳng qua cũng là vì hy vọng chàng có được một tiền đồ tươi sáng mà thôi.”

“Tiền đồ tươi sáng, chính là giống như tiền đồ của cái kẻ tên Phó Xạ kia sao?” – Ngụy Đàm nhìn chằm chằm vào ta, ánh mắt lạnh lùng, – “Nếu ta muốn tiền đồ, ta sẽ tự mình phấn đấu, con đường lệch lạc như vậy, ta khinh thường đi.”

Ta nóng nảy nói – “Ta cũng không phải là khuyên chàng khuất phục, có quyền có thế ở Trường An cũng không phải chỉ một mình quốc cữu. Mạnh Tĩnh, ta biết chàng muốn giống như tổ phụ chàng, lấy công huân nơi sa trường để kiến công lập nghiệp ở Trường An, nhưng đó là tổ phụ chàng. Tuy hiện nay chàng được Vũ lâm coi trọng nhưng tương lai thì sao? Biết bao nhiêu người làm Vũ lâm lang mười mấy hai mươi năm cuối cùng cũng chỉ là một Quân tào, ngay cả cơ duyên lập công cũng không có nổi. Chàng bây giờ đương lúc còn trẻ tuổi, nếu như có được một quý nhân tương trợ thì việc lớn coi như thành công một nửa rồi.”

Ánh mắt Ngụy Đàm càng thâm trầm.

“Giờ không còn sớm nữa, nàng trở về đi.” – Chàng lạnh nhạt nói.

Ta ngẩn ra, mất một lúc mới hiểu được đây là lệnh đuổi khách.

“Ta chỉ muốn tốt cho chàng.” – Ta không dám tin vào tai mình.

Ngụy Đàm tựa hồ như có chút mệt mỏi.

“Ta biết, đa tạ.” – Chàng nói.

Ta đưa tay muốn kéo tay Ngụy Đàm nhưng nửa chừng lại hạ xuống.

Trên đường trở về nhà, cả người ta cứ luôn lạnh run lên, cảm giác vừa thất bại vừa tủi thân, không kìm được nước mắt. Ta hao hết tâm tư chẳng qua cũng chỉ là muốn Ngụy Đàm có thể được phụ thân coi trọng nhưng chàng lại xem thường…

Ta lau nước mắt, càng suy nghĩ càng cảm thấy mình giống như một kẻ ngốc.

Phụ thân đã sớm nói với ta hôn sự này không thể coi là thật nhưng ta vẫn không từ bỏ hy vọng mà đâm đầu vào.

“… Con làm sao biết người ta cũng thích con?” – Ta chợt nhớ tới lời của mẫu thân.

Đúng vậy, ta làm những điều này chỉ bởi vì ta thích Ngụy Đàm, nhưng, chàng có thích ta ư?

Dáng vẻ của Ngụy Đàm khi nhìn Phó Cẩn ngày hôm đó đột nhiên lại hiện lên trong đầu ta. Ta nhắm mắt lại, lòng rối như tơ vò, không biết nên làm như thế nào mới phải.

Sau khi về đến nhà, mẫu thân ra đón, nhìn thấy dáng vẻ của ta thì lấy làm kinh hãi.

“Không phải con đến dự tiệc ở nhà Quốc cữu hay sao, đã xảy ra chuyện gì vậy?” – Bà hỏi.

Ta không biết phải trả lời thế nào chỉ lắc đầu nhưng mẫu thân dường như lại hiểu.

“Là Mạnh Tĩnh sao? Ta nghe nói nó cũng đi cùng con, là nó bắt nạt con?”

Lời này như chọc đúng vào tâm sự trong lòng, ta không nhịn được ôm lấy mẫu thân khóc.

“Sau này không cần để ý đến tên tiểu tử đó nữa!” – Giọng của phụ thân từ thượng đường truyền đến, ông đi tới cầm một tờ giấy đưa cho ta mỉm cười nói – “Thiên tử hạ chiếu chọn phi cho hoàng tử Châm, vi phu đã đem họ tên con báo lên phủ Phụng Thường rồi.”

Lời của phụ thân cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Hoàng tử Châm là con đẻ của Biện hậu, được rất nhiều thế lực ủng hộ lập làm trữ quân. Phụ thân không hề do dự tới Ngụy phủ, lấy lý do ta ốm yếu làm cái cớ thoái hôn với Ngụy Đàm.

Ta không biết Ngụy Giác có phản ứng như thế nào nhưng từ sau lần tranh chấp đó Ngụy Đàm liền trở về vũ lâm, nghe nói Tiên đế phái bọn họ đi Lạc Dương, phải nửa năm sau mới trở về.

Cũng vừa khéo.

Thời điểm phụ thân từ hôn, ta cực kỳ khổ sở, ăn không ngon ngủ không yên, chung quy vẫn là không từ bỏ được Ngụy Đàm. Nhưng ta lại không thể cãi lại phụ thân bởi vì ta biết ông làm như vậy cũng chỉ là muốn tốt cho ta. Mong muốn của ta cùng phụ mẫu, Ngụy Đàm không cho được vậy thì chẳng bằng nhịn đau mà cắt đứt.

Ngụy Đàm cuối cùng cũng trở về, ta nghe nói chàng từng muốn đến nhà ta chất vấn nhưng rốt cuộc lại không đến.

Đến khi bọn ta gặp lại nhau lần nữa là lúc ta được tuyên vào cung học lễ nghi, trên đường trở về thì nhìn thấy Ngụy Đàm.

Xung quanh không một bóng người, ta và chàng đối mặt với nhau, trong nháy mắt liền dừng chân lại.

“Nàng nhập cung.” – Ngụy Đàm nhìn, ta thần sắc bình tĩnh

“Ừm.” – Ta gật đầu.

“Chuyện từ hôn là nàng bằng lòng?”

Đây là chất vấn của chàng với ta sao?

Ta nhìn Ngụy Đàm, cười nhạt – “Mạnh Tĩnh, nếu như hôn sự của chúng ta không phải do tổ phụ hai bên quyết định thì chàng sẽ lấy ta sao?”

Ngụy Đàm có chút sửng sốt.

Môi chàng giật giật, không kịp trả lời thì đã có tiếng bước chân truyền đến, có người tới.

Ta không nhiều lời nữa, chỉ khẽ gật đầu với Ngụy Đàm sau đó xoay người rời đi.

Âm thanh phía sau nhanh chóng không còn nghe thấy nữa, ta không biết Ngụy Đàm vẫn đứng ở nơi đó hay là đã đi rồi nhưng ta không một lần quay đầu lại.

Nếu như không phải do tổ phụ hai bên thì có lẽ ta và chàng bất quá cũng chỉ coi như có quen biết, vốn dĩ đã không phải là người chung một đường, bây giờ mỗi người một ngả cũng tốt…

Có lúc ta cảm thấy thế gian này thật kỳ diệu bởi vì mỗi người đều không cách nào biết trước được dáng vẻ trong tương lai của đối phương. Người vốn dĩ cao cao tại thượng có thể trong nháy mắt rơi xuống bùn đen, thế giới mà ta tưởng là kiên cố không gì sánh nổi nói không chừng lại rơi vỡ tan tành vào lúc ta không phòng bị nhất.

Ví dụ như Phó thị.

Ta biết được tin tức Phó thị bị diệt tộc chính là vào lúc đang ở trong cung học phép tắc với nữ sử.

Một gia tộc huy hoàng, người người ngưỡng vọng như vậy, chỉ vì một phút giận dữ của thiên tử mà bị nhổ cỏ tận gốc trong đêm. Toàn gia Phó thị đều nằm trong danh sách xử quyết, từ Phó Tư Đồ cho đến Phó Quân tướng mạo anh tuấn, chỉ duy có Phó Cẩn là được Lưu Thái hậu bảo vệ an toàn. Ta nghe nói Lưu thái hậu vì bảo vệ Phó Cẩn mà thẳng thừng tuyên bố không nhận nhi tử, Thiên tử không còn cách nào khác chỉ đành thuận theo.

Một người ngoài cuộc như ta, khi nghe được tin tức này cũng kinh hồn bạt vía nhưng mặt khác lại không khỏi thầm vui mừng. Chuyện này tuy nói là do Thiên tử bất mãn với Phó thị nhưng thực chất lại là thắng lợi của Biện hậu. Phó thị ủng hộ đứa con do tiên hoàng hậu sinh hạ là hoàng tử Sâm, còn Biện hậu thì tất nhiên là muốn con đẻ của mình là hoàng tử Châm kế vị. Bây giờ Phó thị ngã xuống, địa vị của hoàng tử Châm coi như là vững chắc.

Ta từng được gặp cả hai vị hoàng tử, hoàng tử Sâm nho nhã, lạnh nhạt ít lời; hoàng tử Châm hoạt bát, thích tụ họp vui chơi. Bình tâm mà nói thì hoàng tử Sâm càng có phong độ của trữ quân nhưng chung quy tình thế mạnh hơn người. Sau khi Phó thị bị diệt tộc, Lưu thái hậu e sợ Biện hậu làm hại hoàng tử Sâm liền đưa cả ngài ấy vào trong cung Thái hậu, đáng tiếc chưa tới một năm thì thái hậu đã hoăng thệ, Phó Cẩn bị gả tới Lai Dương còn hoàng tử Sâm được phong làm Tế Nam vương.

Chuyện tranh đoạt hoàng vị đời nào cũng có, người trong thiên hạ cũng đã nhìn mãi thành quen, chỉ là không ai ngờ bão táp lại đến nhanh như vậy. Sau khi Lưu thái hậu hoăng thệ, Thiên tử cũng nhanh chóng băng hà, Biện thị muốn lập hoàng tử Châm làm đế, tộc huynh của tiên hoàng hậu Cao Mịch dấy binh làm phản, Trường An nhất thời lâm vào hỗn loạn. Ta bị kẹt ở trong cung, mỗi ngày đều lo lắng sợ hãi. Biện hậu bị Cao Mịch dùng rượu trấm* độc chết sau đó Lương Châu mục Hà Quy dẫn quân xông vào Trường An dẹp loạn, giết chết Cao Mịch. Tất cả đều cho rằng mọi chuyện đến đây là chấm dứt nhưng rốt cuộc Hà Quy cũng không phải người lương thiện gì.

*(chim trấm_giống chim có chất độc nói trong truyền thuyết, dùng lông của nó ngâm rượu, uống vào là chết ngay)

Phụ thân tìm đủ mọi cách cứu ta từ trong cung ra ngoài sau đó lập tức rời khỏi Trường An.

Thiên hạ đã đại loạn, các lộ quân phiệt giao tranh, đến quê cũ Phần Dương cũng không tránh được kiếp nạn này

Chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủi, một thời thịnh thế phồn hoa tan biến như mây khói. Ta ở Phần Dương, nghe nói hoàng tử Sâm đã lên làm Thiên tử, Trường An, Lạc Dương đều bị phá hủy trong binh loạn, ngoài những điều này còn thường nghe được tin tức của một số người quen biết. Bọn họ hoặc là chết trong chiến loạn, hoặc là đi theo Thiên tử sống cuộc sống lang bạt kỳ hồ, hoặc là đầu phục các lộ quân phiệt, hoặc tự lập thành quân phiệt.

Đến một ngày, phụ thân từ ngoài trở về báo cho chúng ta biết một chuyện lớn, Ngụy Giác đã bình định Lương Châu, Hà Sáo, Thiểm Tây, đón Thiên tử đến Ung Châu, không lâu sau sẽ tới Phần Dương.

Chuyện này đích xác là chuyện lớn, ta và mẫu thân nghe xong, rất lâu không thốt được lên lời.

Ngụy Giác gặp lại phụ thân nhưng dường như không hề có khúc mắc, vẫn nhiệt tình giống như gặp lại bạn cũ nhiều năm xa cách. Ông ta nói với phụ thân, Thiên tử đã định đô ở Ung Châu, nay đang triệu tập lại các triều thần cũ, hy vọng phụ thân có thể về triều.

Phụ thân cân nhắc hồi lâu cuối cùng đồng ý.

Lúc ta gặp lại Ngụy Đàm chính là ở Ung Châu.

Chàng cưỡi ngựa, dẫn theo quân sĩ chạy trên đường lớn, rất nhiều người đều bàn tán, đó là Đại công tử. Ta đứng ở bên đường, xa xa nhìn chàng, so với mấy năm trước thì người kia đã cao lớn hơn nhiều lắm, đã không còn là chàng Vũ lâm lang mang theo mấy phần ngây thơ thủa nào.

Người trong thời loạn đều khó giữ lấy thân, nhà ta cũng không ngoại lệ. Chỉ vẻn vẹn hai năm mà nhà cửa ruộng đất thành hoang phế, gia sản phân tán, phụ thân cơ hồ đã đuổi gần hết nô bộc cũ. Sau khi tới Ung Đô, phụ thân ta vẫn là Thiếu phủ nhưng cuộc sống không thể bì với những ngày tháng trước kia ở Trường An, có thể nói là một trời một vực, như mây với bùn. Triều đình mới ổn định, bổng lộc vô cùng ít ỏi, mắt thấy đã sắp sửa hết năm mà đến rượu thịt cũng không chuẩn bị nổi.

Một tối nọ, ta vừa từ trong phòng của mẫu thân đi ra thì chợt nghe thấy tiếng vó ngựa dừng trước cửa nhà. Lòng ta khẽ động, vội vàng bước ra xem thì đã thấy gia nhân mở cửa. Người đứng ở ngoài bóng lưng thẳng tắp, còn người hầu đi theo thì đang hì hụi khuân ba bốn cái giỏ trúc vào trong nhà.

Thân ảnh kia, cho dù là trong bóng đêm ta cũng có thể nhận ra.

“Mạnh Tĩnh.” – Ta cực kỳ kinh ngạc, bước lên phía trước.

Ngụy Đàm nhìn ta, khẽ gật đầu.

“Năm mới sắp đến, phụ thân bảo ta mang tới chút quà.” – Chàng nói.

Ta nhìn mấy giỏ trúc, cúi đầu cảm ơn sau đó bảo gia nhân mang vào.

“Cáo từ.” – Ngụy Đàm nói xong liền xoay người định đi.

Ta vội vàng gọi với theo – “Mạnh Tĩnh!”

Chàng quay đầu lại.

Ta nhìn chàng, cảm thấy có quá nhiều điều muốn nói nhưng lại chẳng thể thốt ra miệng.

“Chàng vẫn khỏe chứ?” – Ta nhẹ giọng hỏi.

Ngụy Đàm trầm mặc.

“Vẫn khỏe.” – Ngụy Đàm nhỏ giọng trả lời, dứt câu liền xoay người lên ngựa.

Ta đứng ở bên cạnh cửa nhìn theo thân ảnh kia biến mất giữa mưa tuyết và bóng đêm.

Ngụy Đàm tựa hồ như biết tình hình nhà ta không được tốt, từ đó về sau cứ cách vài ngày là chàng lại đưa chút đồ đến, có lúc là gạo, có lúc là thịt, có lúc lại là vải vóc, đa số đều là đồ dùng hàng ngày.

Mẫu thân ta cảm thán nói, rốt cuộc thì Ngụy Giác vẫn là người trọng nghĩa. Nhưng ta lại không nghĩ vậy, ta cảm thấy những thứ đó đều là do tự Ngụy Đàm đưa tới.

Nhưng vì sao chàng lại làm vậy?

Ta nhớ tới bóng lưng của người nọ, nhớ tới những ngày tháng tốt đẹp chúng ta từng có với nhau, đột nhiên cảm thấy như thể mây mù của hai năm qua bị quét sạch trong thoáng chốc, ngay cả hít thở cũng thông thuận.

Tiết trời trở nên ấm áp nhưng chiến sự lại liên miên, Ngụy Đàm rời khỏi Ung Đô đi xuất chinh.

Mỗi ngày ta đều tới miếu cung, không cầu gì khác chỉ nguyện chàng bình an. Ba tháng sau, chàng theo Ngụy Giác trở về, nghe nói Lạc Dương đã được thu phục.

Trong lúc ta còn đang vui mừng vì được gặp lại Ngụy Đàm thì phụ thân từ trên triều trở về mang theo một tin tức.

“Phủ Phụng Thường dâng tấu xin Thiên tử lập hậu. Thiên tử hạ lệnh tuyển chọn trong số nữ nhi của bách quan, Thừa tướng vừa ý con.” – Ông mỉm cười nói với ta.

Ta nghe xong chỉ cảm thấy đầu óc trống rỗng, sau đó đột nhiên xoay người chạy ra ngoài.

Ta tự ý xuất môn, chạy xuyên qua đường phố cùng dòng người đến chân thành. Mỗi ngày Ngụy Đàm đều tuần thành qua đây, ta quả nhiên gặp được chàng.

Ngụy Đàm thấy ta thì vô cùng kinh ngạc.

“Phụ thân chàng muốn ta gả cho Thiên tử.” – Ta thở hổn hển, nói với chàng như vậy.

Ngụy Đàm dường như đã biết chuyện này cho nên không hề có vẻ kinh ngạc.

Chàng lùi lại, gật đầu – “Đúng vậy.”

Lòng ta đột nhiên cảm thấy bất an, nhìn chàng – “Chàng thì sao? Chàng nghĩ như thế nào?”

“Ta?” – Ngụy Đàm nhìn ta – “Chuyện này là do phụ thân ta và phụ thân nàng quyết định, vả lại tiến cung làm hoàng hậu vốn là tâm nguyện của nàng.”

Những lời này khiến cho lòng ta trầm xuống, vừa kinh ngạc, cả người như lạnh run.

“Những đồ dùng kia đều là tự chàng đưa tới.” – Giọng ta yếu ớt, lẩm bẩm nói – “Trong lòng chàng vẫn có ta, không phải sao?”

“Từ Thiếu phủ từng giúp đỡ phụ thân ta, ta chỉ là muốn hoàn trả ân tình này.” – Ngụy Đàm nhỏ giọng nói – “Nàng có còn nhớ lúc trước nàng từng hỏi ta nếu không phải do tổ phụ chúng ta định ra hôn ước, ta có muốn cưới nàng không?”

Chàng chăm chú nhìn ta, cười khổ – “Sau đó ta đã suy nghĩ rất lâu, nàng nói đúng, chúng ta từ khi bắt đầu đã là sai rồi.”

Sai rồi ư?

Ta đứng trên thềm son nhìn Ngụy Đàm, phía sau lưng chàng, Phó Cẩn đứng ở vị trí các phu nhân, toàn thân hoa phục.

Ngụy Đàm nói, chàng và ta là sai lầm.

Vậy thì, đối với chàng, Phó Cẩn mới là đúng người ư?

Ta vẫn nhớ lúc ta nghe được tin Phó Cẩn gả cho Ngụy Đàm, trong lòng không khỏi chấn kinh. Khi Quách thị đưa Phó Cẩn vào cung bái kiến ta và Thiên tử, ta nhìn nàng ta, thật lâu không dời mắt.

Năm năm trôi qua, mỗi người đều có một kiếp nạn phải tự mình trải qua. Ta hy vọng rồi lại thất vọng, gả cho Thiên tử, lại đánh mất đứa con của mình. Phó Cẩn gả tới Lai Dương, yên lặng không một tiếng động, chẳng ngờ sau đó lại tái giá với Ngụy Đàm.

Thứ mà ta muốn, nàng ta lại có được chẳng chút phí công.

Ta vừa hận vừa đố kỵ, từng giễu cợt hỏi Ngụy Đàm – “Chàng và Bùi Tiềm là bạn tốt, hiện giờ lại cưới tình cũ của y, đây là vì chăm sóc cố nhân?”

Vẻ mặt Ngụy Đàm bình thản – “Chuyện này không phiền nàng bận tâm.”

Bọn họ đích xác là không cần ta bận tâm. Người ngoài đều đồn thổi bọn họ phu thê tình thâm nhưng ta không tin, cho đến tận lần gặp mặt dưới trời tuyết tảng sáng hôm đó. Ở trước mặt ta, Ngụy Đàm vội vã kéo tay Phó Cẩn rời đi mà không hề quay đầu lại, lúc đó ta mới hiểu được dự cảm khác thường trong lòng mình khi thấy Ngụy Đàm chăm chú nhìn Phó Cẩn rất nhiều năm về trước là thật.

Chàng nói, bọn ta là sai lầm, hóa ra đã sớm có nguyên do.

Đáng thương không gì lớn hơn là lòng chết*. Từ giây phút đó, tất cả nhớ nhung của ta dành cho Ngụy Đàm đều tan thành tro bụi.

*(Nguyên văn: Ai mạc đại vu tâm tử_ là nửa đầu trong câu danh ngôn “Ai mạc đại vu tâm tử, nhi nhân tử diệc thứ chi” của Trang Chu. Dịch nghĩa: Đáng thương không gì lớn hơn là lòng chết (tuyệt vọng như đã chết), rồi thứ đó mới là người chết.)

Ta vốn tưởng rằng mình sẽ đau khổ đến phát điên.

Nhưng ta lại không như vậy.

Có lẽ ta vốn là một người lạnh lùng tàn nhẫn

Có lẽ từ trước đến nay ta chỉ biết đến đạo sinh tồn, gặp phải tử lộ tuyệt đối sẽ không đâm đầu vào.

Ta vẫn sống ở trong cung, làm hoàng hậu, bất kể là trải qua họa Triệu Tuyển hay khi thanh kiếm của Ngụy Giác chỉ thẳng vào trước ngực Thiên tử.

“Đau không?” – “Lúc Thiên tử băng vết thương ở tay cho ta đã hỏi như vậy.

Ta nhìn người, dường như đây là lần đầu tiên ta nhìn kỹ vị phu quân này.

Tuổi của hai chúng ta chỉ sàn sàn bằng nhau nhưng tình cảnh gian nan, sự ức hiếp của quyền thần cùng chí hướng kìm ném trong lòng, tất cả nhưng điều đó đã khiến cho một nam tử trẻ tuổi tài hoa phong nhã chỉ trong một sớm bạc hết cả mái đầu.

Ta và người thành hôn đã được ba bốn năm nhưng luôn kính nhau như khách, đặc biệt là sau khi ta sảy thai thì lại càng xa lạ. Tính ra thì số câu mà ta nói với người trong một ngày còn ít hơn cả số câu thị trung hầu hạ nói. Người lâm hạnh phi tử khác, sinh hài tử, ta không hề đố kỵ mà ngược lại còn an bài người chăm sóc, xử lý hết thảy chuyện vụn vặt.

Nhiều khi ta cũng cảm thấy buồn cười, nhìn khắp thiên hạ có lẽ cũng chẳng thể tìm được một đôi vợ chồng bù nhìn nào hòa thuận hơn chúng ta.

“Không đau” – Ta đáp.

“Không đau làm sao được.” – Thiên tử nói – “Nhìn thấy cả thịt đây này.”

Ta cười nhạt nói – “Thấy thịt thì thế nào, cho dù một kiếm đó của Thừa tướng thật sự chém xuống thì thiếp sống hơn hai mươi năm cũng đã đủ rồi.”

Thiên tử lặng im.

“Thật ra nàng không cần ngăn cản.” – Thiên tử nói – “Thừa tướng còn chưa dám giết trẫm.”

“Vậy thì nếu lần sau Thừa tướng lại tới, bệ hạ cảm thấy kẻ nào đáng ghét thì cứ sai kẻ đó chắn ở phía trước là xong.” – Ta nói.

Thiên tử ngẩn ra rồi lập tức cười lên.

Ta cũng cười.

Câu đùa này thật ra rất vô vị, chẳng có điểm nào là buồn cười cả nhưng ta và người cứ nhìn nhau càng cười càng to, có điều không phải vì vui vẻ mà là vì bất lực.

“Đừng đi.” – Thiên tử băng bó cho ta xong, cuối cùng thốt lên như vậy – “Nàng và ta đều là người không còn chốn để quay về, dù sao cũng chỉ có thể sống thêm hơn hai chục năm nữa, xem kịch một chút cho vui cũng tốt.”

Ta nhìn người một hồi rồi lại dời mắt đi nơi khác, không nói tiếng nào.

Ta không phải là người không có chốn để quay về. Phụ mẫu mặc dù luôn xem địa vị hoàng hậu của ta là niềm kiêu ngạo nhưng bọn họ vẫn rất thương ta. Nhiều lần mẫu thân vào cung thăm ta, nhắc tới tình thế hiện giờ thì rất lo lắng. Bà bảo ta chỉ cần ta bằng lòng, phụ thân có thể đi cầu Ngụy Giác phế đi ngôi vị hoàng hậu này để cho ta xuất cung. Dù sao thì ý đồ của Ngụy Giác khi đưa cháu gái nhập cung cũng chính là vì muốn nhắm tới ngôi vị hoàng hậu.

Ta không khỏi động tâm, nói với mẫu thân thư thư cho ta suy nghĩ vài hôm.

Nếu như những lời này được nói ra vào cái ngày Ngụy Đàm dắt Phó Cẩn xoay người rời đi thì có lẽ ta sẽ lập tức đồng ý với mẫu thân nhưng hôm nay ta lại do dự. Nguyên nhân bởi vì ta còn một đứa con.

Nói cho chính xác thì đứa trẻ đó không phải do ta sinh ra mà là con của Kỷ quý nhân đã bị Ngụy Giác bức tử. Lúc ta nhận nuôi thì đứa trẻ mới chỉ được hai tháng tuổi.

Tên của đứa trẻ là Lệ, lúc mới được đưa vào trong cung của ta nó cứ khóc mãi không ngừng làm ta cũng thấy phiền. Nhưng sau này nhờ sự chăm sóc tận tình của nhũ mẫu nên đứa trẻ cũng dần khá lên Mỗi lần nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt nho nhỏ ấy là lòng ta lại trở nên mềm mại. Có lẽ vì quá bận rộn với thằng bé cho nên ta cũng không còn khí lực để nghĩ ngợi linh tinh như trước, mỗi lần ra khỏi cửa là chỉ tâm tâm niệm niệm xem khi nào thì nó đói, khi nào thì nên đi ngủ.

Ta nghĩ đây có lẽ là cảm giác khi làm mẹ, chắc là trời xanh rủ lòng thương cho ta một chút hồi báo, đền bù cho đứa con yểu mệnh kia của ta. Nếu như ta bỏ đi thì một chút an ủi nho nhỏ này cũng không còn nữa.

Thiên tử rất thương yêu đứa con trai này, mỗi ngày đều tới thăm, thậm chí còn thường xuyên nghỉ lại trung cung. Ta và Thiên tử trở nên gần gũi hơn phần nhiều lý do là vì Lệ nhi, phần còn lại có lẽ là vì do cùng chung cảnh hoạn nạn với nhau.

Ta phát giác hóa ra Thiên tử không hề trầm mặc ít nói như vẻ ngoài, gặp chuyện thú vị người vẫn có thể hào phóng cười to, không bởi vì nghịch cảnh mà u sầu. Thiên tử là một người cha chu đáo, tự mình dạy Lệ nhi học nói, học đi. Có lúc, chúng ta cho người hầu lui hết, cùng thằng bé chơi đùa, cả nhà ba người vừa nói vừa cười, mỗi thời khắc đều vô cùng vui vẻ.

Ta nhìn phu quân cùng hài tử, trong lòng đột nhiên nảy ra một khao khát mãnh liệt, cảm thấy nếu như có thể sống như vậy mãi thì cho dù có trở thành thường dân cũng chẳng sao.

Có lẽ ta đã chẳng còn gì để mất nữa, sau khi ý niệm này xuất hiện ta bỗng nhiên trở lên cố chấp một cách lạ thường.

Thiên tử có gánh nặng của thiên tử, mỗi một năm trôi qua lại càng thêm chồng chất khiến cho người không thể chịu nổi.

“Nàng đi đi.” – Trước khi người bế con gái của Ngụy Đàm và Phó Cẩn rời đi, đã nói với ta như vậy – “Quốc trượng đã chờ sẵn ở bên ngoài Vinh An Môn, trong cung hỏa hoạn, Vũ lâm giữ cửa cung tất sẽ nhanh chóng có mặt, nàng có thể nhân cơ hội này đưa Lệ nhi ra ngoài.”

“Còn người thì sao?” – Ta hỏi, âm thanh hơi chút run rẩy.

Người lộ ra một nụ cười kỳ dị.

“Nàng có còn nhớ những lời ta đã từng nói không? Cho dù chỉ sống hơn hai mươi năm, coi như xem tuồng cũng tốt.” – Thiên tử nhìn về phía tường thành sáng rực nói – “Ta phải đi xem vở tuồng cuối cùng này.”

Ta hít sâu một hơi nói – “Thiếp xem cùng bệ hạ.”

Thiên tử nhìn ta, ánh mắt như đầm sâu không đáy nhưng không nói gì, chỉ bảo Hoàng Thiệu ngăn ta lại rồi xoay người rời đi.

Ta không nghe theo lời người, lúc đại điện bốc cháy, ta dẫn theo Lệ nhi bí mật chạy ra ngoài cung, quả nhiên gặp được phụ thân. Ta nhân lúc ngự giả không đề phòng, đẩy ngã hắn rồi tự mình đánh xe. Phụ thân và mọi người phía sau đều lớn tiếng gọi nhưng ta không quay đầu lại, chỉ vội thúc giục ngựa chạy về phía trước.

Trong lòng ta loạn như ma nhưng lại không hề do dự lấy một khắc. Tuy không chắc chắn được việc mình làm là đúng hay sai nhưng đây là lần đầu tiên ta không hề trốn tránh mà dốc hết toàn lực đi thực hiện.

Ta gặp được Bùi Tiềm, đến khi cả hai bọn ta chạy đến được cổng thành thì Thiên tử đã đứng ở chỗ tường chắn mái.

Gió thổi tung y phục của người, giống như thể lúc nào cũng thể cuốn người bay đi.

Ta không buồn để ý đến bất kỳ điều gì chạy về phía Thiên tử, lớn giọng gọi người. Vừa nhìn thấy ta, sắc mặt người đột nhiên trở nên khiếp sợ, thần thái trong mắt cũng không còn tĩnh lặng nữa…

********

Con đường hoàng cung dài đằng đẵng, một hàng xe ngựa cùng quân sĩ chờ đợi ở phía cuối đường chuẩn bị đưa chúng ta tới đất phong. Đàn Dương Công là tước hiệu của Thiên tử sau khi thoái vị.

Lệ nhi thấy xe ngựa liền vui vẻ chạy tới, ta gọi với theo bảo thằng bé chạy chậm một chút.

Tiếng chuông khánh văng vẳng vọng lại từ phía xa, điệu khúc quen thuộc, ta nhận ra là tiếng nhạc trên đại điện. Thiên tử đang đi liền đột nhiên dừng bước quay đầu nhìn lại, tường cung quá cao che khuất hết tầm mắt, chỉ có thể nhìn thấy một mảng trời vuông vức như bị bổ ra.

“Như thế này, là xong ư?” – Người thấp giọng hỏi.

Ta im lặng.

Ta hiểu suy nghĩ trong lòng người, một khi rời khỏi nơi này thì tất cả gánh nặng trên vai người đều trở thành dĩ vãng.

“Bệ hạ hận thiếp không?” – Im lặng một lát, ta hỏi.

Thiên tử kinh ngạc nhìn ta.

Ta nhẹ giọng nói – “Chuyện ngày hôm nay vốn không phải là tâm nguyện của bệ hạ.”

Thiên tử chăm chú nhìn ta, lộ ra vẻ cười khổ, kéo tay ta, giọng điệu chậm rãi, bình tĩnh mà lạnh nhạt – “Vì sao phải hận, nếu chết rồi thì còn nói gì đến tâm nguyện nữa.” – Người dừng một chút, lại nói – “Còn nữa, sau này phu nhân không thể xưng hô với ta như thế nữa.”

Ta ngơ ngẩn trong chốc lát mới hiểu ra.

Người xưng “ta”, còn gọi ta là “phu nhân”

Ta nhìn vào mắt người, trên môi nở một nụ cười – “Dạ, phu quân.”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương