Hồng Lâu Mộng
Chương 85: Giả Chính được thăng chức lang trung

Giả Chính được thăng chức lang trung

Tiết Bàn lại gây nên tù tội

Dì Triệu đang ở trong nhà mắng Giả Hoàn thì nghe Giả Hoàn ở nhà ngoài phát cáu lên nói:

- Con chẳng qua làm đồ cái ấm mất một tý thuốc, con bé kia cũng chưa phải chết ngay, thế mà nó đã mắng con rồi đẻ cũng lại mắng, vu vạ cho con là có ác ý, định giày vò cho con chết đi hay sao? Rồi đây con còn lấy mạng con bé ấy đi nữa kia! Xem các người làm cái gì! Cứ bảo bọn họ coi chừng đấy.

Dì Triệu vội vàng ở trong nhà chạy ra, bịt lấy miệng nó và nói:

- Mày cứ quen miệng nói nhảm, người ta mà nghe thì sẽ lấy mạng mày trước.

Hai mẹ con cãi cọ một hồi. Dì Triệu nghe những câu nói của Phượng Thư, càng nghĩ càng tức, cũng không cho người đến an ủi gì cả. Qua vài hôm bệnh của Xảo Thư cũng khỏi. Từ đó hai nhà càng thêm giận nhau.

Một hôm Lâm Chi Hiếu vào thưa:

- Hôm nay là sinh nhật của Bắc Tĩnh vương, xin ông lớn chỉ bảo.

Giả Chính dặn:

- Cứ theo lệ năm trước mà sắm, rồi trình với ông Cả biết, và đưa lễ sang là được.

Lâm Chi Hiếu vâng lời, đi ra lo liệu.

Một chốc, Giả Xá sang bàn với Giả Chính dẫn bọn Giả Trân, Giả Liễn, Bảo Ngọc đi mừng thọ Bắc Tĩnh vương. Người khác thì không cần bàn, duy có Bảo Ngọc ngày thường rất mến dung mạo uy nguy của Bắc Tĩnh vương, chỉ mong sao được gặp mặt luôn, bèn vội vàng thay quần áo theo sang phủ Bắc Tĩnh. Bọn Giả Xá, Giả Chính gửi trình cái thiếp ghi chức tước, tên họ đưa vào phủ rồi đứng chờ ở ngoài. Một lát sau, một người thái giám ở trong ra tay bấm mấy hạt châu. Thấy bọn Giả Xá, Giả Chính, anh ta cười hì hì và nói:

- Hai vị lâu nay có khỏe mạnh không?

Giả Xá, Giả Chính và ba anh em Giả Trân cũng vội vàng chạy lại chào hỏi.

Viên thái giám nói:

- Vương gia bảo mời vào.

Năm người theo viên thái giám vào trong phủ. Qua hai lần cửa, vòng quanh một dãy điện, mới đến cửa nội cung. Đến trước cửa, mọi người dừng lại, viên thái giám vào trước trình với vương gia. Bọn thái giám nhỏ ở cửa đều đến đón chào.

Một chốc, viên thái giám kia ra nói:

- Xin mời vào.

Năm người kính cẩn theo vào. Bắc Tĩnh vương mặc đồ lễ phục, đã đứng đón ở hành lang ngoài cửa điện. Trước tiên là Giả Xá, Giả Chính đến chào rồi lần lượt đến Giả Trân, Giả Liễn, Bảo Ngọc đều lại chào và hỏi thăm sức khoẻ.

Bắc Tĩnh vương chỉ nắm lấy tay Bảo Ngọc và nói:

- Ta lâu nay không thấy anh, rất là nhớ. - Rồi ông ta lại cười và hỏi: - Viên ngọc của anh vẫn tốt đấy chứ?

Bảo Ngọc khom lưng thi lễ và thưa:

- Nhờ phúc vương gia, viên ngọc vẫn còn tốt.

- Hôm nay anh tới, chẳng có gì quý mời anh xơi. Chúng ta nói chuyện thôi.

Nói đến đó, mấy người thái giám già vén màn lên. Bắc Tĩnh vương nói: "Xin mời" rồi tự mình đi trước. Bọn Giả Xá đều khép nép theo vào. Trước hết Giả Xá xin Bắc Tĩnh vương nhận lễ. Bắc Tĩnh vương nói vài câu khiêm tốn. Giả Xá quỳ xuống rồi bọn Gia Chính cũng lần lượt làm lễ.

Bọn Giả Xá lại kính cẩn lui ra. Bắc Tĩnh vương dặn bọn thái giám mời bọn họ ngồi chung với các bà con, thết đãi tử tế, chỉ giữ Bảo Ngọc ở lại nói chuyện và cho phép ngồi. Bảo Ngọc đập đầu tạ ơn, rồi ghé mình ngồi trên cái đôn phủ nệm thêu đặt bên cửa, nói chuyện về việc đọc sách và làm văn bài. Bắc Tĩnh vương rất mến, lại cho uống trà và nói:

- Hôm qua quan tuần phủ họ Ngô vào yết kiến hoàng thượng, có nói về việc lúc ông nhà ta nhận chức học chính, làm việc chí công, bọn học trò thuộc hạ rất là kính phục. Lúc Ngô tuần phủ yết kiến hoàng thượng, hoàng thượng cũng có hỏi, ông ta hết sức đề cử, đủ biết đó là tin mừng của ông nhà ta.

Bảo Ngọc vội vàng đứng dậy, chờ nghe xong câu chuyện, rồi mới thưa:

- Đó là ơn điển của Vương gia và thịnh tình của cụ lớn Ngô.

Đang nói thì thấy viên thái giám nhỏ vào thưa:

- Các vị quan lớn ở ngoài đều ở điện trước, xin chuyển lời tạ ơn Vương gia đã ban yến.

Nói xong dâng một tờ thiếp ghi những lời tạ yến và thỉnh an. Bắc Tĩnh vương nhìn qua một tý, lại trao cho viên thái giám nhỏ và nói:

- Biết rồi, nói với họ là ta xin lỗi đã làm phiền họ.

Viên thái giám nhỏ kia lại thưa:

- Cơm Vương gia thưởng riêng cho anh Giả Bảo Ngọc cũng đã dọn rồi.

Bắc Tĩnh vương liền sai viên thái giám kia dẫn Bảo Ngọc đến một ngôi nhà nhỏ nhắn xinh đẹp, sai người tiếp đãi. Bảo Ngọc ăn cơm xong, lại qua tạ ơn. Bắc Tĩnh vương lại nói mấy câu chuyện, rồi bỗng cười và bảo:

- Lần trước thấy viên ngọc của anh, ta thích lắm, về nói hình dạng với người nhà, rồi cũng làm một viên khác. Hôm nay vừa gặp lúc anh đến đây, ta cho anh đưa về mà chơi.

Nói xong, sai viên thái giám nhỏ lấy ra, tự tay Vương gia đưa cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cầm lấy tạ ơn, rồi lui ra. Bắc Tĩnh vương lại sai hai thái giám nhỏ dẫn Bảo Ngọc đến với bọn Giả Xá rồi cùng ra về.

Giả Xá về chào Giả mẫu, rồi về nhà mình. Giả Chính thì dẫn ba người đến hỏi thăm sức khỏe của Giả mẫu xong rồi kể lại việc ở phủ Bắc gặp những người nào. Bảo Ngọc thuật lại câu chuyện quan lớn Ngô đề cử lên hoàng thượng cho Giả Chính nghe.

Giả Chính nói:

- Quan lớn Ngô ấy là chỗ quen biết cũ với ta, cũng là người trong bọn chúng ta, và cũng có khí khái.

Giả Chính lại nói thêm mấy câu chuyện phiếm nữa. Giả mẫu bảo:

- Anh về đi nghỉ thôi.

Giả Chính lui ra. Bọn Giả Trân, Giả Liễn, Bảo Ngọc đều theo đến cửa. Giả Chính nói:

- Các anh trở lại ngồi tiếp chuyện bà.

Nói đoạn, Giả Chính về phòng. Vừa ngồi được một tý thì thấy một a hoàn nhỏ thưa:

- Ông Lâm Chi Hiếu ở ngoài có việc xin thưa với ông lớn.

Nói xong nó đưa lên một bức thiếp màu hồng, trên viết tên họ của Ngô tuần phủ. Giả Chính biết là ông ta đến chào, liền bảo con hầu nhỏ gọi Lâm Chi Hiếu vào. Giả Chính ra đứng ngoài thềm.Lâm Chi Hiếu vào thưa:

- Hôm nay Ngô tuần phủ đến thăm, tôi đã thưa với ông ta rằng ông còn đi vắng nên ông ta đã về rồi, nghe nói hiện nay Bộ Công khuyết chức lang trung, người ngoài và người trong bộ đều đồn đại là ông lớn sẽ được thực thụ chức ấy.

- Chờ xem đã.

Lâm Chi Hiếu nói vài câu nữa rồi lui ra.

Giả Trân, Giả Liễn và Bảo Ngọc đi ra. Bảo Ngọc lại quay vào nhà Giả mẫu thuật lại việc Bắc Tĩnh vương đối đãi với mình ra sao, và đưa viên ngọc cho mọi người xem.

Giả mẫu bảo:

- Cất đi, đừng có làm mất. Viên ngọc của cháu đeo cho tử tế, đừng có làm lẫn lộn đi.

Bảo Ngọc liền lấy viên ngọc đeo trên cổ xuống và nói:

- Viên ngọc của cháu đây này. Hai viên ngọc khác nhau xa, lẫn sao được. Cháu đang định thưa với bà, đêm hôm trước, lúc cháu ngủ, lấy ngọc xuống, treo trong màn ánh sáng lóe ra, cả màn đều đỏ rực.

Giả mẫu nói:

- Lại nói nhảm rồi. Đó là vì cái diềm màn màu hồng, ánh đèn chiếu vào, tự nhiên nó đỏ đấy thôi.

- Không phải, lúc đó đèn đã tắt rồi, cả nhà đều lối đen, mà cháu vẫn trông thấy viên ngọc.

Hình phu nhân và Vương phu nhân đều phì cười.

Phượng Thư nói:

- Đó là tin mừng đấy.

Bảo Ngọc nói:

- Tin mừng gì?

Giả mẫu nói:

- Cháu không hiểu đâu, hôm nay mệt cả ngày, cháu về nghỉ thôi, đừng ở đây mà nói nhảm nữa.

Bảo Ngọc lại đứng một lát, rồi về trong vườn.

Giả mẫu lại hỏi tiếp

- Phải đấy. Các người sang thăm dì Tiết, có nói đến việc ấy không?

Vương phu nhân nói:

- Định sang thăm ngay, nhưng vì cháu Xảo nhà chị Phượng lại ốm, nên con để chậm mất hai ngày. Hôm nay mới sang. Chúng con đã nói việc ấy, dì Tiết cũng bằng lòng, nhưng nói hiện giờ thằng Bàn đi vắng, cha cháu mất rồi, phải bàn với cháu Bàn rồi hãy lo liệu.

Giả mẫu nói:

- Như vậy cũng phải, nhưng đã như thế thì hãy khoan nhắc đến, chờ cho bên dì Tiết bàn bạc chắc chắn rồi sẽ nói chuyện.

Bảo Ngọc về phòng mình, bảo Tập Nhân:

- Vừa rồi cụ và chị Phượng có vẻ úp mở, tôi chẳng hiểu gì cả.

Tập Nhân nghĩ một lúc rồi cười, nói:

- Cái đó tôi cũng không đoán ra, nhưng vừa rồi khi nói chuyện, cô Lâm có ở đấy không?

- Cô Lâm vừa ốm dậy, mấy lâu nay có đến bên nhà cụ đâu?

Đang nói chuyện thì nghe ở nhà ngoài Xạ Nguyệt và Thu Văn cãi nhau. Tập Nhân hỏi:

- Hai chị lại làm cái gì thế?

Xạ Nguyệt nói:

- Hai đứa chúng tôi đánh bài, nó được tiền của tôi, nó lấy. Đến khi nó thua lại không chịu trả. Cái đó còn được, nhưng nó lại còn ăn cướp hết tiền của tôi nữa.

Bảo Ngọc cười nói:

- Mấy đồng tiền, quan hệ gì? Đố ngốc không được làm ồn lên nữa!

Nghe nói, hai người chỉ ngồi lẩm bẩm trong miệng.

Trong nhà Tập Nhân dọn dẹp cho Bảo Ngọc đi ngủ.

Nghe câu nói vừa rồi, Tập Nhận biết ngay là họ bàn việc hỏi vợ cho Bảo Ngọc. Nhưng sợ Bảo Ngọc hay có những ý trẻ con, nếu nhắc đến, không khéo lại gợi ra cho anh ta bao nhiêu câu nói ngớ ngẩn. Tập Nhân cố ý làm như không biết, nhưng đối với chị ta đó là việc quan trọng nhất. Đêm nằm, Tập Nhân có ý định: Chi bằng sang gặp Tử Quyên, xem có tăm hơi gì không thì tự khắc biết. Hôm sau, Tập Nhân dậy sớm, sắm sửa cho Bảo Ngọc đi học rồi, chị ta chải đầu rửa mặt, thong thả đến quán Tiêu Tương, gặp Tử Quyên đang hái hoa. Thấy Tập Nhân đến, Tử Quyên cười hì hì nói:

- Mời chị vào trong nhà ngồi.

Tập Nhân nói:

- Ngồi rồi đây, em hái hoa à? Cô đâu?

- Cô tôi vừa chải đầu rửa mặt xong, đang chờ hâm thuốc đấy.

Tử Quyên vừa nói vừa cùng Tập Nhân đi vào. Thấy Đại Ngọc đang ngồi xem sách.

Tập Nhân cười lấy lòng và nói:

- Không trách cô hay mệt, mới ngủ dậy đã xem sách. Cậu Bảo nhà chúng tôi đi học mà được như cô thì hay biết mấy?

Đại Ngọc cười, đặt sách xuống. Tuyết Nhạn bưng đến một khay trà trong để một chén thuốc, một chén nước. Một a hoàn nhỏ bưng ống đờm và chậu súc theo sau.

Tập Nhân đến định dò tin, nhưng ngồi một lúc, không biết khơi mào như thế nào, lại nghĩ Đại Ngọc là người hay nghi ngờ, mình dò chẳng được tin gì mà lại chạm lòng cô ta thì thật không hay. Vì vậy Tập Nhân chỉ ngồi một lát hỏi vơ vẩn rồi cáo từ. Vừa đến cửa viện Di Hồng bỗng thấy có hai người đang đứng ở đấy, Tập Nhân không tiện đi thẳng lại. Một người trông thấy vội vàng chạy đến. Tập Nhân nhìn lại thì ra Sừ Dược, liền hỏi:

- Anh làm gì đấy?

- Vừa rồi cậu hai Vân đến, cầm một mảnh thiếp đưa vào cho cậu Bảo xem. Hiện cậu ta đứng đây chờ tin.

- Cậu Bảo hôm nào cũng đi học, anh không biết hay sao? Còn chờ tin với tức gì?

- Tôi đã nói với cậu ấy, cậu ấy bảo nói với chị và chờ tin chị đấy.

Tập Nhân đang định nói, thì thấy Giả Vân thong thả bước lại gần. Tập Nhân vội vàng nói với Sừ Dược:

- Anh nói với cậu ấy, tôi biết rồi, chốc nữa sẽ đưa cho cậu Bảo xem.

Giả Vân muốn tới nói chuyện với Tập Nhân, chỉ cốt gần gũi làm quen nhưng lại không dám hấp tấp, cứ thong thả đi vào. Vừa tới gần đã nghe Tập Nhân nói câu ấy, nên hắn đành phải đứng lại. Đằng này Tập Nhân đã quay người đi vào phía trong rồi. Giả Vân đành buồn rầu, cùng Sừ Dược ra về.

Đến chiều, Bảo Ngọc về phòng, Tập Nhân thưa lại:

- Hôm nay cậu hai Vân ở bên kia có đến.

- Đến làm gì?

- Cậu ta có mang theo một bức thiếp nữa.

- Ở đâu? Đưa đây tôi xem.

Xạ Nguyệt liền vào nhà lấy ở trên giá sách đưa lại. Bảo Ngọc đỡ lấy xem thấy trên phong bì đề: "Thúc phụ đại ân nhân an bẩm" (Kính trình lên chú), liền nói:

- Thằng bé này sao không nhận ta là cha nữa?

- Sao thế?

- Năm trước, lúc nó biếu cây hải đường trắng cho tôi, nó gọi tôi là cha. Bức thiếp hôm nay trên phong bì nó lại đề là chú, không phải nó không nhận tôi là cha nữa là gì?

- Cậu không biết thẹn mà hắn cũng không biết thẹn! Hắn to xác như thế lại nhận cậu là cha, không phải không biết thẹn là gì. Nói cho đúng ra thì cậu ngay cả...

Nói đến đó, chị ta đỏ mặt và mỉm cười.

Bảo Ngọc cũng hiểu ý và nói:

- Cái ấy cũng khó nói, tục ngữ có câu: "Ông sư không con mà con hiếu lại nhiều". Tôi thấy nó sắc sảo, vừa ý nên mới nhận như thế, nếu nó không bằng lòng, tôi cũng chẳng thiết.

Vừa nói Bảo Ngọc vừa bóc bức thiếp. Tập Nhân cũng cười nói:

- Cái cậu hai Vân kia cũng có vẻ tinh quái, khi thì định dòm người ta, khi lại lén lén lút lút, đủ biết con người bụng dạ không ngay thẳng.

Bảo Ngọc chỉ chú ý mở bức thiếp ra xem, không để ý gì đến lời nói của Tập Nhân. Tập Nhân thấy Bảo Ngọc xem bức thiếp, lúc đầu nhăn mày, sau lại cười, lại lắc đầu, cuối cùng có vẻ rất là bực. Chờ xem xong rồi, Tập Nhân mới hỏi:

- Trong thiếp nói gì thế?

Bảo Ngọc không trả lời, xé tan bức thiếp làm mấy mảnh. Tập Nhân thấy tình hình như thế, cũng không tiện hỏi, liền nói:

- Cậu ăn cơm rồi có xem sách không?

- Buồn cười cho thằng Vân, dám bậy bạ như thế?

Tập Nhân thấy hỏi một đường trả lời một nẻo, liền mỉm cười hỏi:

- Vậy là việc gì thế?

- Hỏi làm gì! Chúng mình ăn cơm rồi nghỉ thôi, trong bụng tôi bực bội lắm.

Bảo Ngọc nói xong bảo a hoàn nhỏ thắp đèn lên, đem bức thiếp đã xé, đốt đi.

Một lát, bọn a hoàn nhỏ dọn cơm lên, Bảo Ngọc cứ ngồi ngẩn người ra. Tập Nhân vừa dỗ vừa chọc, giục mãi Bảo Ngọc mới ăn được một miếng, liền đặt đũa xuống, rồi rầu rầu nằm nghiêng trên giường, một lúc bỗng ứa nước mắt. Tập Nhân và Xạ Nguyệt đều không hiểu đầu đuôi ra sao.

Xạ Nguyệt nói:

- Tự dưng vô cớ, làm sao cậu lại như thế? Chỉ tại anh Vân, anh "Vũ" nào đó, chẳng biết việc gì, đem cái thiếp quái quỷ đấy đến, làm cho cậu cười cười, khóc khóc như người điên. Nếu cứ trời đất này, hết bực nọ đến bực kia thì ai mà chịu được.

Nói đến đó, chị ta cũng chảy nước mắt.

Tập Nhân đứng một bên bật cười, khuyên:

- Em ạ, em cũng đừng làm phiền người ta nữa. Một mình cậu ấy cũng đủ rồi, em lại cũng như thế nữa. Chẳng nhẽ việc trong bức thiếp ấy liên can đến em hay sao?

Xạ Nguyệt nói:

- Đừng nới nhảm! Ai biết trên thiếp hắn viết lời bậy bạ gì, sao chị lại kéo bừa người ta vào đấy? Nếu như thế thì trên thiếp ấy có lẽ cũng liên can đến chị đấy!

Tập Nhân còn chưa trả lời thì nghe Bảo Ngọc ở trên giường cười phì lên một tiếng, lồm ngồm bò dậy, rũ áo, và nói:

- Chúng mình ngủ đi thôi, đừng làm ồn lên nữa. Ngày mai tôi còn phải dậy sớm để học đấy.

Nói xong lại nằm xuống ngủ.

Hôm sau, Bảo Ngọc dậy chải đầu rửa mặt rồi đi học. Vừa ra đến cửa, chợt nhớ điều gì, liền bảo Bồi Dính đứng chờ một chút rồi vội vàng quay lại gọi:

- Chị Xạ Nguyệt đâu rồi?

Xạ Nguyệt chạy ra hỏi:

- Sao cậu lại trở về?

- Hôm nay thằng Vân có đến thì chị nói với nó không được quấy rầy ở đây nữa. Nếu nó còn quấy thì tôi sẽ trình với cụ và ông lớn đấy.

Xạ Nguyệt vâng lời.

Bảo Ngọc vừa quay mình đi ra ngoài, thì thấy Giả Vân hoảng hốt chạy đến. Thấy Bảo Ngọc, hắn liền chào và nói:

- Thưa chú, xin có lời mừng chú!

Bảo Ngọc cứ tưởng là câu chuyện hôm qua, liền nói:

- Thằng này to gan thật! Không biết người ta có chuyện gì hay không, cứ tới quấy rầy.

Giả Vân cười, nới:

- Chú không tin cứ nhìn xem. Người ta đã đến cả rồi, đang ở cửa ngoài đấy.

Bảo Ngọc càng hoảng lên, bảo:

- Mày nói cái gì thế?

Đang nói thì nghe bên ngoài có tiếng người ồn ào.

Giả Vân nới:

- Chú nghe đấy, không phải là gì?

Bảo Ngọc càng ngờ vực, chợt nghe một người gào lên:

- Các người không có phép tắc gì cả! Ở đây là chỗ nào mà các người dám ồn lên như thế!

Người kia nói:

- Ông lớn thăng quan kia mà. Sao lại không cho chúng tôi ăn mừng? Nhà khác mong cho người ta đến mừng mà không được đấy.

Bảo Ngọc nghe nói mới biết là Giả Chính được thăng chức lang trung, người ta đến báo tin mừng. Bảo Ngọc mừng quá đang định đi thì Giả Vân theo sau nói:

- Chú có vui không nào? Nếu việc hôn nhân của chú mà xong nữa thì thật là hai lần mừng đấy.

Bảo Ngọc đỏ mặt lên, nhổ toẹt một cái và nói:

- Hừ! Đồ đáng chết! Mày liệu mà xéo đi.

Giả Vân đỏ mặt lên nói:

- Sao chú lại thế? Tôi xem rồi chú có...

Bảo Ngọc sầm nét mặt lại, và nói:

- Có cái gì?

Giả Vân đứng im không dám nói nữa.

Bảo Ngọc vội vàng đến trường, thấy Giả Đại Nho cười, nói:

- Ta vừa nghe nói cha cháu được thăng chức, hôm nay cháu cũng đi học à?

Bảo Ngọc cười và nói:

- Cháu đến gặp cụ, rồi để qua bên nhà cha cháu.

- Hôm nay không cần đến, cho cháu nghỉ một ngày đấy. Nhưng không được về vườn chơi đâu nhé. Cháu đã lớn tuổi rồi, tuy chưa biết lo liệu gì, cũng nên học tập các anh mới được.

Bảo Ngọc vâng lời trở về. Vừa đến cửa thứ hai, thấy Lý Quý chạy lại đón, đứng một bên, cười nói:

- Cậu đã về à? Tôi vừa định đến trường mời cậu.

- Ai bảo thế?

- Cụ vừa sai người đến Viện Di Hồng tìm cậu. Các cô bên ấy nói cậu đi học rồi. Cụ sai người ra bảo tôi xin phép cho cậu mấy hôm. Nghe nói còn có hát xướng ăn mừng đấy, không ngờ cậu đã về đây rồi.

Bảo Ngọc đi vào cửa thứ hai, thấy bọn a hoàn và các bà già đều mặt mày hớn hở. Trông thấy Bảo Ngọc họ đều cười nói:

- Cậu Hai đến giờ mới về à? Mau mau vào mừng cụ đi.

Bảo Ngọc cười và đi vào trong nhà, thấy Đại Ngọc ngồi sát phía trái Giả mẫu; bên phải là Tương Vân rồi đến Hình phu nhân, Vương phu nhân và tất cả bọn chị em Thám Xuân, Tích Xuân, Lý Hoàn, Phượng Thư, Lý Văn, Lý Ỷ, Hình Tụ Yên đều ở đấy, chỉ không thấy Bảo Thoa, Bảo Cầm và Nghênh Xuân mà thôi.

Bảo Ngọc mừng quá, không biết nói gì, vội vàng chúc mừng Giả mẫu, Hình phu nhân, Vương phu nhân và đi chào hỏi tất cả chị em, rồi cười và nói với Đại Ngọc:

- Em đã khoẻ thật chưa?

Đại Ngọc cũng mỉm cười nói:

- Khoẻ lắm rồi, nghe nói anh cũng mệt, đã khoẻ chưa?

- Khoẻ rồi! Đêm hôm nọ, tôi tự nhiên đau bụng, mấy hôm nay hơi đỡ, liền đi học ngay, cũng không sang thăm em được.

Đại Ngọc không chờ Bảo Ngọc nói hết lời, đã ngoảnh đầu nói chuyện với Thám Xuân.

Phượng Thư đứng giữa nhà cười, nói:

- Hai anh chị này hình như không phải hàng ngày ở chung một chỗ, mà là một đôi khách lạ, cứ quen nói cái lối khách sáo như thế! Thật đúng như người ta nói: "Kính nhau như khách" đấy. 1

Câu nói ấy khiến cho mọi người đều cười. Đại Ngọc đỏ mặt lên, nói cũng không tiện, không nói cũng không xong, im lặng một chốc rồi mới nói:

- Chị thì hiểu cái gì!

Mọi người lại càng cười ồ lên.

Một chốc Phượng Thư nghĩ lại, mới biết là mình lỡ lời, đang định tìm cách nói lảng, chợt nghe Bảo Ngọc nói với Đại Ngọc:

- Em Lâm, cái thằng Vân đúng là đồ quỉ sứ!

Nói đến đó, Bảo Ngọc mới nghĩ lại, liền im bặt, làm cho mọi người lại cười ồ lên, hỏi:

- Nói cái gì thế?

Đại Ngọc cũng chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, thấy người ta cười cũng cười theo.

Bảo Ngọc lúng túng không biết làm thế nào, liền nói tiếp:

- Vừa rồi tôi nghe nói có người định đưa ban hát đến, vậy là hôm nào đấy?

Mọi người đều nhìn Bảo Ngọc mà cười.

Phượng Thư nói:

- Chú ở ngoài nghe nói, thì chú tin cho chúng tôi biết, bây giờ chú còn hỏi ai đấy.

Bảo Ngọc nhân dịp liền nói:

- Để tôi ra ngoài hỏi xem.

Giả mẫu nói:

- Đừng có chạy ra ngoài ấy, một là sợ người đến báo tin mừng họ cười; hai là hôm nay cha mày vui mừng, mà đụng phải mày, không khéo lại đâm giận đấy.

Bảo Ngọc vâng lời rồi đi ra.

Giả mẫu hỏi Phượng Thư:

- Ai nói chuyện đưa ban hát đến?

- Nghe đâu bên nhà ông cậu Hai nói, hôm sau tốt ngày, sẽ đưa một ban hát mới đến mừng cụ và ông Hai, bà Hai.

Nói đến đó, chị ta lại cười và nói tiếp:

- Không những tốt ngày mà lại là ngày tốt nữa đấy! Ngày sau lại là...

Chị ta lại nhìn Đại Ngọc mà cười. Đại Ngọc cũng mỉm cười. Vương phu nhân nói:

- Phải đấy, hôm sau là ngày sinh nhật của cháu ngoại 2 đấy.

Giả mẫu nghĩ một lúc rồi cười nói:

- Ta già rồi, việc gì cũng lú lấp, may có con Phượng, thật là viên "cấp sự trung" 3 của ta. Đã thế thì rất tốt, nhà cậu của họ mừng cho họ, thì nhà cậu của cháu cũng mừng sinh nhật cho cháu, lại không tốt à?

Câu ấy làm cho mọi người cùng cười, và nói:

- Cụ nói câu nào cũng đều hay như văn chương trong sách, chẳng trách có phúc to như thế!

Đang nói thì Bảo Ngọc vào, nghe nói thế lại càng hoa tay múa chân mừng không kể xiết. Một lúc sau, mọi người đều ăn cơm ở nhà Giả mẫu, rất là vui vẻ.

Ăn xong, Giả Chính đi tạ ơn về, qua nhà thờ lạy tạ, về khấu đầu trước Giả mẫu, đứng nói vài câu, rồi đi ra chào khách. Ở đấy bà con liên tiếp xe ngựa rộn ràng, áo xiêm chen chúc, thật là:

Hoa nở đúng mùa ong bướm rộn;

Trăng vừa tròn bóng biển trời xa.

Qua hai ngày như vậy thì đến ngày ăn mừng. Ngày hôm ấy, sáng dậy, bà con nhà Vương Tử Đằng đưa một ban hát đến dựng ngay sân khấu ở trước nhà khách của Giả mẫu. Bên ngoài đàn ông đều mang lễ phục chầu chực. Bà con đến mừng, ngồi hơn mười bàn rượu. Vì là ban hát mới, lại thấy Giả mẫu cao hứng nên họ đem cái bình phong bằng pha lê ngăn nhà sau ra, trong đó cũng tiệc rượu. Trên hết là bàn dì Tiết, có Vương phu nhân và Bảo Cầm ngồi tiếp; phía bên kia là bàn Giả mẫu, có Hình phu nhân và Tụ Yên ngồi tiếp; phía dưới còn hai bàn để không. Giả mẫu bảo gọi bọn con gái đến mau.

Một chốc Phượng Thư dẫn bọn a hoàn xúm xít đưa Đại Ngọc đến. Đại Ngọc chỉ mặc chiếc áo mới, mà xinh đẹp như nàng tiên xuống cõi trần, bẽn lẽn mỉm cười, ra chào mọi người. Bọn Tương Vân, Lý Văn, Lý Ỷ đều nhường cô ta ngồi trên, Đại Ngọc nhất định không chịu.

Giả mẫu cười nói:

- Hôm nay cháu cứ ngồi thôi.

Dì Tiết đứng dậy hỏi:

- Hôm nay cô Lâm cũng có việc mừng à?

Giả mẫu cười:

- Ngày sinh nhật của cháu đấy.

Dì Tiết nói:

- Chao ôi! Thế mà tôi quên mất.

Rồi bà ta chạy lại, nói với Đại Ngọc:

- Tha lỗi cho tôi hay quên nhé, để chốc nữa bảo em Cầm đến mừng thọ cô.

Đại Ngọc cười nói:

- Không dám.

Rồi mọi người ngồi xuống. Đại Ngọc để ý xem, chỉ không thấy Bảo Thoa liền hỏi:

- Chị Bảo có khỏe không? Tại sao không sang?

Dì Tiết nói:

- Đáng lẽ nó phải sang, nhưng vì không có ai coi nhà, nên không sang được/

Đại Ngọc má ửng hồng, mỉm cười nói:

- Bên nhà dì bây giờ lại thêm chị Cả nữa, làm sao còn cần chị Bảo coi nhà? Chắc là chị ấy sợ nhiều người nhộn nhịp, nên không thích đến chăng. Cháu thì nhớ chị ấy lắm.

Dì Tiết cười nói:

- Cảm ơn cháu nhớ đến nó. Nó cũng thường nhớ chị em cháu, hôm sau sẽ bảo nó đến để chị em nói chuyện.

Nói đến đó thì bọn a hoàn tới rót rượu và dâng đồ ăn. Bên ngoài ban hát bắt đầu hát. Trước hết diễn vài vở tuồng chúc mừng. Đến vở thứ ba thì thấy Kim Đồng, Ngọc Nữ, cờ phướn, tàn quạt, dẫn một người đóng vai nữ, mặc áo vũ y, trên đầu đội cái khăn đen, ra hát mấy câu rồi vào. Mọi người không hiểu là tích gì. Nghe người bên ngoài nói: Đây là tích "Chết trên trời" trong vở "Nhị châu ký" mới soạn ra. Người đóng vai nữ là Hằng Nga bị đày xuống cõi trần, sắp đi lấy chồng, may nhờ Phật Quan Âm giác ngộ cho nên cô ta chưa đi lấy chồng thì đã chết. Lúc này chính là lúc lên cung trăng đấy, nghe trong hát:

Đời chỉ cho phong tình là hay,

Nào biết đâu trăng thu, hoa xuân dễ mờ héo ngay,

Hầu như quên hẳn cả cung quảng hàn này.

Vở thứ tư là "Ăn cám". Vở thứ năm là: "Sư Đạt Ma đem đồ đệ qua sông". Trên sân khấu đang diễn ra cảnh "Lâu đài mịt mù trên mặt biển" 4 rất là vui nhộn. Mọi người đang cao hứng, chợt thấy người nhà họ Tiết sồng sộc chạy vào, mồ hôi như tắm, nói với Tiết Khoa:

- Cậu Hai về mau đi. Mời cả bà về nữa. Ở nhà có việc rất kíp.

Tiết Khoa nói:

- Việc gì thế?

- Về nhà sẽ hay.

Tiết Khoa không kịp cáo từ, liền chạy về ngay.

Dì Tiết nghe đoạn, mặt tái như gà cắt tiết, cũng vội vàng đứng dậy, dẫn Bảo Cầm chào mọi người rồi lên xe về ngay. Thấy vậy ai nấy đều lấy làm kinh ngạc. Giả mẫu nói:

- Hãy cho người sang bên ấy xem có việc gì, chúng ta cần phải để ý đấy.

Mọingơời đều nói: "Vâng".

Phủ Giả vẫn hát xướng như cũ. Dì Tiết về nhà thấy hai người nha dịch đang đứng ở cửa thứ hai, có mấy người làm công ở hiệu cầm đồ tiếp chuyện và nói:

- Chờ bà tôi về, thế nào cũng có cách xử trí.

Đang nói thì dì Tiết đi vào. Bọn nha dịch thấy một số đông đàn ông đàn bà xúm xít chung quanh một người đàn bà già, biết ngay là mẹ Tiết Bàn. Họ không dám làm gì, cứ buông tay đứng hầu, nhường cho dì Tiết vào. Dì Tiết vào đến sau nhà khách, đã nghe có tiếng khóc to, đó là tiếng Kim Quế. Dì Tiết vội vàng chạy vào, thấy Bảo Thoa ra đón, nước mắt ròng ròng.

Bảo Thoa thấy mẹ liền nói:

- Mẹ nghe rồi chứ? Đừng có hoảng lên, cần nhất là phải lo liệu đã.

Dì Tiết cùng Bảo Thoa vào tới nhà, vừa đến cửa, nghe người nhà nói, bà ta khiếp quá, người run cầm cập, vừa khóc vừa hỏi:

- Nó đánh ai thế?

Bọn đầy tớ trả lời:

- Bây giờ bà chưa cần hỏi căn vặn làm gì? Mặc dầu đánh chết ai cũng cứ phải đền mạng cả, giờ hãy bàn xem phải lo liệu như thế nào mới được.

Dì Tiết vừa khóc vừa nói:

- Còn bàn bạc gì nữa.

Bọn đầy tớ nói:

- Theo ý chúng tôi, đêm nay phải thu xếp tiền bạc, cùng cậu Hai gấp rút đi gặp cậu Cả, tìm một ông thầy kiện cho khá, cho họ một ít tiền, trước hết lo liệu cho khỏi tội chết đã, rồi sẽ nhờ phủ Giả xin với quan trên. Lại còn có bọn nha dịch ở ngoài kia, bà hãy đem mấy lạng bạc cho họ về đi đã, để chúng ta tiện việc lo liệu.

Dì Tiết nói:

- Chúng ta phải đi tìm nhà kia, cho họ tiền bạc để tống táng, lại giúp đỡ cho một số nữa. Nguyên cáo mà không kêu nài thì việc sẽ êm dần.

Bảo Thoa ở trong màn nói ra:

- Mẹ ạ! Không được đâu. Việc ấy mà cho họ tiền thì họ càng quấy dữ. Lời của chú nhỏ vừa nói là đúng.

Dì Tiết lại khóc và nói:

- Ta cũng không cần tính mạng gì nữa. Phải đến đó gặp nó rồi ta cùng chết với nó là xong.

Bảo Thoa hoảng lên, một mặt khuyên, một mặt ở trong màn bảo người nhà:

- Mau mau cùng cậu Hai đi lo liệu thôi.

Bọn a hoàn vực dì Tiết vào. Tiết Khoa vừa đi ra, thì Bảo Thoa dặn:

- Có tin tức gì thì sai người về ngay, còn các ngươi thì cứ ở đấy mà trông nom lo liệu.

Tiết Khoa vâng lời ra đi. Bảo Thoa đang khuyên dì Tiết thì Kim Quế thừa cơ nắm lấy Hương Lăng và gào lên:

- Ngày thường bọn mày cứ khoe nhà chúng mày đánh chết người, chẳng can gì, cứ việc đi vào kinh. Mày cứ đem những lời lẽ ấy xui giục cậu đánh chết người, ngày thường cứ khoe có tiền, có thế, có bà con giỏi. Giờ đây tao xem cũng khiếp sợ cuống quít chân tay lên đấy. Sau này cậu Cả có mệnh hệ nào, không về được, bọn mày ai làm việc nấy, chỉ bỏ một mình tao chịu tội thôi.

Nói đến đó, Kim Quế khóc ầm lên.

Dì Tiết nghe vậy càng tức giận ngất người. Bảo Thoa cũng cuống lên chẳng biết làm thế nào.

Đang lúc nhốn nháo thì Vương phu nhân sai một a hoàn lớn đến hỏi tin tức. Bảo Thoa tuy biết mình là người nhà phủ Giả rồi, nhưng một là việc ấy chưa nói rõ; hai là đang lúc cấp bách, đành phải nói với a hoàn:

- Bây giờ đầu đuôi câu chuyện chưa được rõ ràng, chỉ mới nghe nói anh tôi ở ngoài đánh chết người, bị huyện bắt đi, cũng không biết định tội như thế nào. Vừa rồi cậu Hai mới đi dò xem, hễ có tin tức gì sẽ báo cho dì bên ấy biết. Chị về cho tôi gửi lời cảm ơn dì đã nghĩ đến, sau này chúng tôi còn có biết bao nhiêu điều nhờ đến các ông các cậu bên ấy.

A hoàn vâng lời ra về.

Dì Tiết cùng Bảo Thoa ở nhà, chẳng biết xoay sở ra sao. Qua hai ngày, thì thấy người hầu về, cầm một phong thư giao cho a hoàn nhỏ đưa vào.

Bảo Thoa mở ra xem, thấy trong thư viết:

"Việc giết người của anh Cả là lỡ tay chứ không phải cố ý. Sáng nay cháu đã đứng tên làm một tờ giấy trình lên nhưng chưa thấy quan phê. Lời khẩu cung của anh Cả trước đây rất là bất lợi, hãy chờ khi nào tờ trình của cháu được chấp nhận, mở phiên tra hỏi khác, nếu khai lại cho khéo thì sẽ khỏi phải tội chết. Mau mau lấy ở hiệu cầm đồ năm trăm lạng nữa để tiêu dùng cho kịp, nhất thiết đừng chậm! Và xin bác yên lòng. Còn các việc khác thì hỏi thằng nhỏ".

Bảo Thoa xem xong, đọc rõ đầu đuôi cho dì Tiết nghe.

Dì Tiết lau nước mắt, nói:

- Xem như thế thì sống hay chết cũng chưa có gì chắc chắn cả.

Bảo Thoa nói:

- Mẹ đừng đau buồn, chờ gọi thằng nhỏ vào hỏi rõ hãy bàn.

Rồi cho a hoàn nhỏ ra gọi thằng nhỏ vào.

Dì Tiết liền hỏi:

- Mày kể rõ việc cậu Cả cho ta nghe.

Thằng nhỏ nói:

- Chiều hôm nọ nghe cậu Cả nói chuyện với cậu Hai, làm con sợ ngẩn người.

1      Ngày xưa vợ chồng Khước Khuyết kính nhau như khách. Ở đây Phượng Thư mượn câu này để đùa Bảo Ngọc và Đại Ngọc.

2      Tức Đại Ngọc.

3      Tên một chức quan, ở đây ý nói được người giúp việc giỏi.

4      Một hiện tượng không khí thường xuất hiện ở sa mạc hoặc ở bể, những khói mù nổi lên như lâu đài.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương