Hoàng Quyền
Chương 42: Hồi phủ

Tháng Sáu, Trường Hi năm thứ mười lăm, Thu Thượng Kỳ nhậm phong Chinh Bắc thống soái, cầm theo hai mươi vạn đại quân ngày đêm Bắc tiến.

Cùng tháng, tại Đế Kinh, Hộ – Công hai bộ phụng mệnh Đế vương cùng đại diện Yến gia Nam Hải mật đàm cách thức đưa giống cừu quý thâm nhập Đại Việt.

(Hộ – Công hai bộ: Hộ bộ và Công bộ.)

Yến gia mạnh tay viện trợ không hoàn lại giống cừu quý trong ba năm đầu, ba năm sau thì lấy lợi tức một phần ba. Yến gia hào phóng chi rộng, Đế vương hài lòng ra mặt, liền ban danh ‘hoàng thương’, quản lý tất cả việc buôn bán kinh doanh giữa Nam Hải và hoàng thành.

Hai việc trên đều có bàn tay của Tri Vi nhúng vào, song bề ngoài lại chẳng ai hay.

Ngày chọn Chinh Bắc thống soái, quan quân trong triều đã có một phen tranh cãi nảy lửa, âu cũng do lần xuất chinh này thoạt tiên phải thắng, sau mới thu quân, dùng hòa khí dụ dỗ, lung lạc lòng dân. Thế nên, thống soái phải là người anh dũng quả cảm, mưu mô thao lược chinh chiến dạn dày. Hai thứ tính cách đối lập này phải có cùng trong một con người. Mà những năm kiến quốc, do chứng đa nghi Tào Tháo nên Thiên Thịnh đế đã khai tử một loạt các tướng soái có cơ tạo phản để thanh trừng, trấn yên triều cục.

Cuối cùng, Đế gia đành để đô đốc năm quân Thu Thượng Kỳ lấy công chuộc tội, rồi lệnh cho lão tướng Thuần Vu Hồng làm phó soái, cốt để đôi bên cân bằng, bổ khuyết cho nhau.

Kẻ đoái tội lập công thì luôn khó lòng vực nổi khí thế anh hào. Thu Thượng Kỳ nơm nớp bất an vội đi gõ cửa cậy nhờ ‘thế điệt’ năng đáo qua phủ coi sóc Thu gia khi ổng vắng nhà.

“Thế điệt.” Mái tóc hoa râm nay trắng sợi bạc sau mấy ngày hao tâm quá độ, Thu Thượng Kỳ khẩn thiết cầm tay Tri Vi, hết lòng gửi gắm: “Triều chính rối ren, mấy vị thế huynh thế đệ của con hãy còn trẻ người non dạ, nay chuyện trong nhà ngoài phủ, thế phụ đều nhờ con cả.”

Rồi nheo đôi mắt già, tầm ngầm suy tính – Tuy đối sách ‘diệt Việt’ của Ngụy Tri vẫn chưa rõ thành bại, tước hiệu phong hàm hẵng chưa thể có, song ai cũng biết bệ hạ tán thưởng kẻ trẻ tuổi anh tài này ra sao, tương lai hẳn sẽ hằng hà sao sa vinh hoa bổng lộc. Mà đám quý tử mọn tài phủ nhà, ngày trước còn Ngũ hoàng tử, cũng dựa dẫm ăn hơi được chút công danh, giờ qua chính biến, ngọn núi chống lưng liền bị di dời, phe cánh ở lại đến hắt hơi nhảy mũi cũng phải che miệng ghìm tiếng. Nay thân già phải đi chinh chiến, lỡ rủi bỏ mạng ngoài chốn sa trường, đại nghiệp, gia quyến biết phải làm sao? Lúc này còn không mau bám lấy cây cao, há nào còn đợi đến khi bão quét, lũ càn?

Thế nên mới khẩn khoản gửi gắm làm vậy, chỉ mong thế điệt niệm tình chi giao, lưu tâm để mắt tới Thu gia chút đỉnh.

“Thế phụ xin hãy an lòng.” Tri Vi thật tâm giãi bày: “Thu gia cũng là nhà con, gia quyến trong nhà cũng là người thân. Hễ có con, tất sẽ có Thu gia.” Rồi đặt một chiếc túi gấm vào tay Thu Thượng Kỳ: “Qua sông Xương Thủy, bên kia thảo nguyên, thế phụ hẵng mở chiếc túi này ra.”

Thu Thượng Kỳ cầm rồi mừng lắm – Ngụy Tri thông tuệ, trên dưới đều hay, binh kế chắc hẳn được giấu trong này!

Đoạn hớn hở nhanh tay cất vào ngực áo, sau đó bịn rịn giã biệt chia ly.

Hùng binh rầm rộ viễn chinh, hành quân nghìn dặm, còn cách biên giới vài bước chân, Thu Thượng Kỳ kìm lòng không đậu bèn len lén giở túi ra xem.

Hai mươi vạn đại quân tức thì tròn dẹt thất kinh khi thấy chủ tướng đột nhiên hộc máu, lăn đùng ngã ngửa từ trên lưng ngựa xuống đất ngất xỉu.

Gió cuốn bay mảnh giấy nhỏ, liu hiu liệng chếch vài vòng rồi đáp xuống mặt sông Xương Thủy, đôi dòng nắn nót chân tình nhắn gửi dần dà trầm lắng, chìm xuống đáy sông, khiến thế gian không người thứ hai đọc được nội dung tâm thư.

[Thu gia chính là nhà con, gia quyến trong nhà chính là người thân, thế phụ là cữu cữu con, phu nhân thế phụ là cữu mẫu con. Kể từ bữa nay, của họ chính là của con, đa tạ cữu cữu, chúc mừng toàn gia.

Phượng Tri Vi kính bút.]

(Tỷ đểu thí mồ luôn, cơ mà một khi tỷ đã công khai thân phận thì luôn có cách ngăn chặn cậu mình sai quân cấp báo về nhà)

Ngụy phủ cách Thu gia có mươi bước chân.

Tri Vi thả bộ, thư thái đếm bước, chừng như dăm trượng cách trở cứ phiêu sái thong dong xích gần như thế.

Không có thừa cơ hãm hại, bị đuổi khỏi nhà; không có đêm đông buốt giá thít manh áo mỏng lạnh ngắm tuyết rơi; không có kỹ viện nhơ nhuốc chen chân giữ phận tạp dịch thấp hèn; không có giữa phố vu oan, tránh quân truy sát trong Thanh Minh viện; không có hoàng gia tranh đấu, kẹt giữa nghịch án thái tử để rồi thuận đà nương thế từng bước lên mây.

Yến Hoài Thạch cùng Thuần Vu Mãnh cũng nối gót theo sát Tri Vi. Yến công tử mặt mày rỡ rạng, nom còn tự mãn hơn cả cô. Chính sự thì sắp cùng Hộ – Công hai bộ bàn bạc xong xuôi, nhà thì đã sai khoái mã đưa tin đánh tiếng, chẳng mấy chốc, các vị trưởng bối trong tộc sẽ khăn áo chỉnh tề, ngựa xe trẩy kinh, khi ấy, ngợi khen tán thưởng là điều dĩ nhiên. Nghĩ đoạn bèn him him đôi mắt, chỉ hận không thể viết bốn chữ ‘đời người đắc chí’ lên mặt. (Đời người đắc chí? -> Lúc đắc chí nhất của đời người)

Thuần Vu Mãnh thì được giữ chức kỵ tào tham quân Trường Anh – Sách vệ. Trong ba đội hộ vệ ‘Huân, Vũ, Sách’ của Trường Anh thì Sách vệ chính là cận vệ hoàng gia, được phép cư ngụ tại nội đình cung vua. Hắn vốn chưa đủ tư cách để vào Sách vệ, nhưng sau chính biến, Trường Anh bị thanh tẩy hàng loạt, chức trống khuyết nhiều nên cha hắn mới đến cậy nhờ phó soái Chinh Bắc. Ông nội thì đang bệ vệ chức lớn quan cao, há nào lại để cháu trai hứng lấy thiệt thòi?

Trước kinh biến, may nhờ Tri Vi khuyên can trì hoãn nhậm chức hiệu úy Trường Anh nên Thuần Vu Mãnh mới tránh được tai vạ, giờ hắn phục cô lắm lắm, nguyện làm tôi tớ cận hầu, hết lòng sùng bái tin theo.

Cố Nam Y thì luôn duy trì cự ly hai thước cạnh cô, không xa chẳng gần, với tay là có thể tới.

Đến nơi cả bốn cùng dừng, sau loạt tiếng chân nhốn nháo, cổng lớn Thu phủ lập tức nghênh chào, gia đinh lớn nhỏ vội sắp hai hàng song song tiếp đón. Trương đại tổng quản vồn vã tiến lại hành lễ bái kiến: “Ngụy đại nhân, phu nhân có lời mời ngài tới hậu hoa viên để được thiết đãi trò chuyện.”

Tri Vi liếc xéo lão ta, nhớ ngày bị đuổi, phu nhân có nói để cô ‘ra ngoài lánh nạn’ nhưng ai nấy đều ‘quên’ sắp xếp nơi tá túc ăn ở cho cô, chỉ mặc cô lang thang đầu đường xó chợ, tự mình giành giật miếng cơm manh áo. Trước khi khăn gói rời đi, chính lão quản gia này đã đến tận phòng nhe nanh múa vuốt đe nẹt, sau còn nhổ ngay mẩu thịt dắt răng nguyên ngày xuống dưới chân cô.

Hôm nay lão phải cúi đầu khom lưng bái chào cô thế này.

Nhếch môi cười nhạt, uất hận nuốt đến tận giờ, thiết nghĩ cũng chẳng cần chấp nhặt, tính toán với thứ mạt rệp như lão làm chi. Bèn dời mắt, điềm nhiên tiến thẳng vào trong rồi nói: “Phu nhân chỉ mời ta, phỏng? Vậy phiền ông dẫn hai vị đây đến tiền sảnh hầu trà, còn hậu hoa viên, tự ta sẽ đi tìm. Nhà của thế phụ cũng như nhà của ta, về sau chớ nên khách khí.”

Quản gia nghệch mặt, như thế đâu được, toan với theo ngăn cản thì Cố Nam Y bỗng lù lù đi qua chỗ lão.

Dẫu hắn bước thẳng chẳng hề ngoái đầu hăm dọa nhưng lão lại thấy trước mắt như chắn một bức tường cao lừng lững, kinh hãi, lão hoảng hốt giật lùi, xém chút xô đổ bức bình phong dựng ngay bên cổng. (Thời nhà Minh lưu hành loại bình phong treo trên bức tường đặt cạnh cổng để làm vật trang trí)

Tri Vi thản nhiên dẫn Cố Nam Y lướt ngang qua lão, rẽ vào lối khác.

Cô không tiến thẳng vào hậu hoa viên mà tìm dãy hành lang tiếp hợp không người lai vãng tháo lớp mặt nạ. Mặt nạ gỡ bỏ để lộ gương mặt hóa trang mày rậm da vàng mà cô đã dùng suốt ngần ấy năm sống trong Thu phủ. Từ lúc trông thấy Thiều Ninh đến giờ, cô biết khuôn mặt thực của mình tốt nhất là nên vĩnh viễn giấu đi.

(Hành lang tiếp hợp: loại hành lang này có nửa bên là tường nhà, nửa bên là lan can.)

Sau đó cô quặt sang hướng Tây Bắc, nhắm thẳng chái nhà lụp xụp nằm thu trong một ngõ khuất để đi.

Mới tới cuối dãy hành lang khúc khuỷu thì đã gặp ngay mấy kẻ đang bưng trà bánh điểm tâm từ dưới gian bếp đi lên nhà chính.

Tri Vi nom họ rồi nhếch môi cười.

Khi xưa giáp mặt thiệt thòi

Nay đây gặp gỡ, nợ đòi gấp trăm

Đám người đương trò chuyện rôm rả kia chẳng phải mấy bà quản bếp hay sao? Còn kẻ ẽo ợt đi trước dẫn đầu chẳng phải mụ An đại nương đã tặng cô một cái bạt tai nảy lửa đấy ư?

Cùng lúc, đám người nọ cũng trông thấy cô. Sau thoáng sững sờ, có kẻ bĩu môi khinh nhờn: “Ối dào, tưởng ai, hóa ra là Phượng tiểu thư của nhà chúng ta~”

An đại nương thì dè chừng hơn, mụ chăm chăm nheo mắt đánh giá cô trên dưới một lượt. Thứ cô đương vận là trường bào lụa biếc dệt kim, vải êm như mây, màu thanh như nước. Do phục trang dệt kim mới được đặc chế dùng cho ngày hè nên giá thành ngất ngưởng, trước mắt, chúng chỉ được coi là hàng tiến vua. Bộ trường bào này, Thiên Thịnh đế mới hậu thưởng cho Tri Vi hai ngày trước, và cũng chỉ có vài người trong cung là có diễm phúc được hưởng như cô. (Thiều Ninh là một, Ninh Dịch là hai, giờ đến Tri Vi là ba. Đế gia thấy ưng người nào thì thưởng người đó.)

Do quá hiếm nên phận tỳ nữ trong phủ đô đốc như An đại nương càng vô phúc được ngắm được sờ, đâm ra cứ ngỡ đây là hàng thường. Thêm cả, vải này mặc lên chỉ thấy thanh, thấy nhã, không hề quyền quý cao sang giống kiểu vinh quy áo gấm về làng, thành thử nom rồi dạ càng thêm vững, mụ bèn kháy khỉa: “Trông Phượng tiểu thư như nhặt được của nả, phát tài qua đêm ấy nhỉ? Ngó bộ quần áo bất nam bất nữ trên người kìa, có phải ‘công tử’ tiệm nào tặng cho không thế?”

Cả đám liền bụm miệng cười khúc khích, mặt mày lộ vẻ rẻ rúng khinh khi. Tri Vi ngoái sang, cười đáp: “Đại nương dạo này khỏe không? Nom dáng đại nương thì ắt hẳn là sống tốt rồi.”

“Đại tiểu thư cần gì phải bày đặt thân thiết hỏi han!” Mụ nguýt rõ dài: “Tôi đây bổng lộc đề huề, hiển nhiên là sống tốt rồi. Phu nhân bữa trước còn ban vàng ban bạc, cất công mua trang viên cho tôi nghỉ ngơi dưỡng lão nữa kìa. Aiz, bảo sao phận già tôi đây lại không nguyện lòng phục dịch Thu gia đến ngày hơi tàn sức kiệt cơ chứ?”

Mấy ả xung quanh liền xúm lại đấm lưng, bóp vai nịnh nọt. Như hoa thơm mật ngọt giữa đàn ruồi bu, mụ liếc xéo Tri Vi rồi tiếp lời: “Tiểu thư coi mòi cũng lăn lộn tốt đấy nhỉ? Bữa nay về phủ thăm hỏi phu nhân, phỏng? Phu nhân hẵng đang bận bịu thiết đãi khách quý, chờ khách về rồi, tiểu thư có cần đại nương tôi đây mở lời xin phu nhân cho gặp chút không? Song tôi đây cũng phải nói trước, hễ về đòi chia tài sản, Thu gia dù có chức lớn phủ to cũng chẳng tiếp nổi cái ngữ hám của hám tiền bại hoại gia phong đâu đấy!”

Tri Vi mỉm chi cười cười, tay chống lan can, mặc nhiên để mụ ta tự biên tự diễn.

Vốn đang vênh vang đắc thắng, đột nhiên bắt gặp ánh nhìn của cô, mụ liền im bặt.

Ánh mắt trầm u, chẳng chút cười cợt, thậm chí một tia phẫn nộ, tủi hổ hay những thứ cần có cũng chẳng thấy đâu, chỉ hun hút tĩnh lặng như vực nước sâu, tựa hồ thần tiên vòi vọi trên ngàn mây cao đánh mắt nom xuống lũ ruồi vo ve dưới đất.

Chợt nhận ra, không tức vì chẳng đáng để tức!

Rùng mình, sực nhớ đến ánh mắt u trầm lúc bị bạt tai, nhớ đến nụ cười ngọt ngào khi tay chạm vai, nhớ đến lời nói rỉ tai khiến mụ kinh hãi suốt mấy đêm dài.

Liền rúm ró sợ sệt, song cạnh cô chẳng thấy bóng dáng hộ vệ tháp tùng, bèn nhớ mấy tháng bên ngoài, đâu nghe tin cô chim sẻ bỗng hóa phượng hoàng hay gì đại loại như thế. Nghĩ vậy, gan mật như càng lớn thêm: “Mặt dạn mày dày đứng chắn ở đấy làm chi? Định để bọn ta lỡ giờ bưng bê đãi khách đấy à?”

“Phải ha! Còn mặt dạn mày dày đứng chắn ở đây làm chi?” Tri Vi cười mỉa, quay đầu nói với Cố Nam Y nãy giờ chỉ đứng khuất sau hành lang: “Thiếu gia à, có kẻ đang mắng tôi kìa.”

Cố Nam Y bèn bày ra vẻ nghi hoặc – Thông cảm cho Cố thiếu gia, hắn chưa từng thấy đàn bà con gái đâm chọc lẫn nhau bằng lời thế này bao giờ, trong nhận thức của hắn, phải chỉ tay day mặt, phải vung dao động kiếm mới là thù địch, mới cần xuống tay diệt trừ.

Tri Vi ghé lại thì thầm: “Bọn họ đã tát tôi một cái…”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương