Hoàng Nhan Đoạt Phách
Chương 18: Vào thư phủ dò la động tịnh

Cái phụ trung niên ngắm nghía Lệnh Hồ Bình từ đầu xuống gót chân rồi hỏi chàng:

- Cách xưng hô công tử thế nào? Tiểu huynh đây đắc tội với công tử ra sao mà công tử lại dùng vỏ đậu phộng trêu chọc gã.

Lệnh Hồ Bình cũng nhìn cái thị trung niên thấy mụ mặc áo ba túi biết là địa vị của mụ ở Cái Bang không thấp kém. Nếu chẳng là phân đà chúa thì ít ra cũng là một tên chủ sự.

Chàng liền ung đặt hai tay trước ngực, mười ngón ngửa lên như cái dù rồi mỉm cười nghiêng mình đáp:

- Tiểu sinh là Lệnh Hồ Bình, vừa rồi có chuyện vô tâm, bây giờ xin tạ tội với đại nương cùng tiểu huynh đệ.

Cái phụ trung niên coi thủ thức của chàng biết chàng không phải người ngoài. Mụ nghe chàng báo danh lại càng kinh hãi, vội khép nép đáp lễ nói:

- Té ra là Lệnh Hồ công tử. Xin lượng thứ cho tiện thiếp có mắt mà không biết núi Thái Sơn.

Lệnh Hồ Bình cất giọng ôn hòa đáp:

- Đại nương dạy quá lời.

Cái phụ trung nên ngửng đầu lên hỏi:

- Chuyến này công tử tới Đồng Quan có chỗ nào dùng đến tệ bang chăng?

Lệnh Hồ Bình gật đầu đáp:

- Phải rồi. Tại hạ mời đại nương đến chỉ vì có chút việc phải nhờ cậy. Nguyên tại hạ muốn gặp Âu Dương trưởng lão. Cảm phiền đại nương tìm cách liên lạc cho.

Cái phụ hỏi:

- Âu Dương lão nhân gia ba bữa trước còn ở đây, dường như vừa mới đi phân đà Hán Trung. Nhưng cái đó cũng không sao, tiểu phụ phái người rượt theo, may còn đuổi kịp. Công tử định ở lại Đồng Quan bao lâu?

Lệnh Hồ Bình đáp:

- Tại hạ chưa nhất định.

Cái phụ hỏi:

- Khi kiếm được Âu Dương trưởng lão rồi sẽ báo cho công tử bằng cách nào?

Lệnh Hồ Bình đáp:

- Xin khuất tất lão nhân gia đến tòa phá miếu tạm trú mấy bữa, tại hạ tự mình tới đó kiếm lão nhân gia.

Cái phụ chúc câu vạn phúc rồi nói:

- Xin tuân lời công tử. Tiện thiếp về phân đà phái người đi ngay.

Lệnh Hồ Bình thấy tiểu khiếu hóa muốn đi theo Cái phụ, liền vẫy tay cười nói:

- Tiểu huynh đệ! Ở lại đây. Ta có chuyện muốn nói với tiểu huynh đệ.

Tiểu khiếu hóa đưa chân Cái phụ ra khỏi cửa miếu rồi quay lại, cặp mắt nhấp nháy nhìn Lệnh Hồ Bình tựa hồ để tìm hiểu chàng lưu gã lại làm gì.

Lệnh Hồ Bình giơ tay ra nói:

- Đưa cây gậy trúc lại đây.

Tiểu khiếu hóa trong lòng ngờ vực cầm gậy đưa lại.

Lệnh Hồ Bình đón lấy cây gậy hỏi:

- Vừa rồi bản công tử lấy vỏ đậu phộng bắn tiểu huynh đệ ba lần, tiểu huynh đệ cũng lấy cây gậy trúc này đánh bản công tử một đòn, như vậy đã được chưa?

Tiểu khiếu hóa lắc đầu đáp:

- Không được.

Lệnh Hồ Bình hỏi:

- Sao lại không được?

Tiểu khiếu hóa đáp:

- Tiểu tử chưa đánh.

Lệnh Hồ Bình cười hỏi:

- Tiểu huynh đệ không đánh vì kém bản lãnh, cái đó không thành vấn đề, nhưng tiểu huynh đệ đã vung gậy lên rồi phải không?

Tiểu khiếu hóa gật đầu đáp:

- Đúng vậy! Coi như hòa rồi.

Lệnh Hồ Bình cười hỏi:

- Kể là hòa cũng được đi, nhưng tiểu huynh đệ chửi câu “Con bà nó” thì sao?

Tiểu khiếu hóa cãi:

- Công tử không động thủ khi nào tiểu tử dám thóa mạ? Cái đó cũng coi là hòa.

Lệnh Hồ Bình nói:

- Tiểu huynh đệ đối đáp khá lắm.

Tiểu khiếu hóa lại nói:

- Bây giờ công tử muốn mắng tiểu tử một câu cũng được nữa.

Lệnh Hồ Bình cười đáp:

- Bản công tử chỉ đánh người chứ chẳng mắng ai.

Tiểu khiếu hóa giật nảy người lên nói:

- Không được.

Lệnh Hồ Bình cười hỏi:

- Sao lại không được?

Tiểu khiếu hóa đáp:

- Công tử mà đánh thật sự thì nhất định tiểu tử phải chết.

Lệnh Hồ Bình cười nói:

- Nếu vậy tiểu huynh đệ phải nghe ta một điều.

Tiểu khiếu hóa yên tâm gật đầu đáp:

- Hay lắm!

Lệnh Hồ Bình đi vào giữa sân dùng cây gậy trúc vạch một ô vuông lớn. Trong ô vuông lớn lại chia thành mười hai ô vuông nhỏ. Mười hai ô này, có ô vạch một khoanh tròn “O”, có ô vạch gọng vó “X”.

Đoạn chàng đứng ngay người lên quay lại nhìn tiểu khiếu hóa vẫy tay nói:

- Lại đây!

Tiểu khiếu hóa ra chiều thích thú chạy vào giữa sân.

Lệnh Hồ Bình trỏ những ô vuông nói:

- Trước hết đi qua bên này rồi từ bên kia đi trở về. Lúc đi bước vào những ô “O”, lúc về bước vào những ô “X”. Nếu đi trật phải bắt đầu lại và đi tám trăm lần.

Tiểu khiếu hóa nhăn nhó cười đáp:

- Tám trăm lần nhiều quá!

Lệnh Hồ Bình gật đầu nói:

- Hay lắm! Vậy thì đổi thành ngàn lần.

Tiểu khiếu hóa ngơ ngác:

- Cái đó...

Lệnh Hồ Bình mỉm cười hỏi:

- Sao? Có muốn điều chỉnh nữa không?

Tiểu khiếu hóa thở dài đáp:

- Được rồi! Ngàn lần thì ngàn lần.

Dứt lời, quả nhiên gã bước vào toàn những ô tròn “O”, rồi theo những ô “X” chạy trở về.

Gã đi đi về về mấy lượt tựa hồ chẳng khó khăn gì. Sau gã cất bước thật lẹ như thanh đình điểm thủy.

Lệnh Hồ Bình chăm chú theo dõi gật đầu mỉm cười. Tiểu khiếu hóa chạy một hồi rất lấy làm đắc ý lớn tiếng hỏi:

- Bao nhiêu lần rồi?

Lệnh Hồ Bình mỉm cười bình tĩnh đáp:

- Hai trăm sáu mươi tám lần. Đi lộn một bước. Bây giờ phải bắt đầu lại.

Tiểu khiếu hóa sịu mặt dừng bước lại nói:

- Tiểu tử mỏi chân rồi.

Lệnh Hồ Bình hắng dặng một tiếng đáp:

- Cái đó tùy tiểu huynh đệ.

Dứt lời chàng muốn đi lượm cây gậy.

Tiểu khiếu hóa sợ quá vội la lên:

- Tiểu tử xin chạy, tiếp tục xin chạy...

Gã chạy trật hai lần, phải mất nửa giờ mới gắng gượng chạy xong ngàn lần. Lệnh Hồ Bình ngửng đầu trông trời chiều rồi quay lại nhìn tiểu khiếu hóa ngồi dưới đất thở hồng hộc. Chàng cười hỏi:

- Lần sau tiểu huynh đệ còn dám thóa mạ người nữa không?

Tiểu khiếu hóa quay mặt đi đáp:

- Không biết.

Lệnh Hồ Bình cười hỏi:

- Sao lại không biết?

Tiểu khiếu hóa đáp:

- Chờ tiểu tử khôi phục lại khí lực có thể chạy ngàn lần nữa rồi sẽ trả lời công tử.

Lệnh Hồ Bình cười ha hả nói:

- Hay lắm! Hay lắm!

Đoạn chàng đi ra ngoài miếu.

Tiểu khiếu hóa gọi giật lại:

- Công tử hãy dừng bước.

Lệnh Hồ Bình quay lại cười hỏi:

- Phải chăng tiểu huynh đệ lại đủ khí lực chuẩn bị chạy ngàn lần?

Tiểu khiếu hóa quỳ mọp xuống khấu đầu đáp:

- Xin công tử tha thứ cho.

Lệnh Hồ Bình cười lớn hơn đáp:

- Hay lắm, hay lắm! Kể như tiểu huynh đệ còn có đầu óc. Đứng dậy đi! Tiểu huynh đệ nghỉ cho đủ sức mà chạy đến gẫy chân thì thôi. Tiểu huynh đệ chạy đủ mười vạn lần thì sau này có mở miệng thóa mạ người dù không đánh lại đối phương, muốn chạy trốn không thành vấn đề nữa. Ha ha!...

Lệnh Hồ Bình về đến khách điếm, ba lão Thượng, Phùng, Thiềm chờ đã lâu rồi.

Chàng đảo mắt nhìn ba lão hỏi:

- Sự tình ra làm sao?

Huỳnh y tổng quản Thượng Nguyên Dương đáp:

- Thư đại hiệp hy vọng công tử qua bên đó chuyện trò mấy bữa. Lão nhân gia muốn nhân cơ hội này đàm luận lâu dài với công tử. Lão bảo không phản đối việc cầu thân, chỉ còn hỏi lại Thư cô nương rồi sẽ quyết định.

Lệnh Hồ Bình không ngớt gật đầu nói:

- Như thế là phải, như thế là phải...

Lam y tổng quản Phùng Giai Vận hỏi:

- Vậy theo ý công tử thì chúng ta đi ngay chứ?

Lệnh Hồ Bình trong lúc nhất thời không tỏ vẻ gì, chàng ngẫm nghĩ rồi ngửng đầu lên hỏi:

- Về vụ tiểu đệ lưu liên phong nguyệt, lão nhân gia có hỏi gì không?

Thanh y tổng quản Thiềm Thế Quang lên tiếng:

- Về điểm này lão gia ngẫu nhiên để cập tới, nhưng Thiềm mỗ đã giải thích nói là mỗi lần công tử đến trường sở đó đều vì mục đích riêng riêng biệt, tỷ như lần này để trừng trị Nhân Yêu Kim Linh Quan. Lão nhân gia nghe xong yếu sự gật đầu lia lịa nói: Con người trẻ tuổi hay đâu chầu đấy là sự thường.

Lệnh Hồ Bình thở phào một cái nói:

- Đã vậy chúng ta dọn qua bên đó.

Mọi người tới Thư phủ vào lúc lên đèn.

Phong Vân Kiếm Thư Khiếu Thiên được quản sự thông báo, thân hành dẫn hai tên thanh khách, tám tên đệ tử mở rộng cửa lớn xuống thềm nghênh tiếp.

Đây là lần thứ nhất Lệnh Hồ Bình hội kiến với nhân vật nghe danh từ lâu là Phong Vân đại hiệp Thư Khiếu Thiên.

Phong Vân đại hiệp nổi tiếng võ lâm còn ở dưới Kỳ Sĩ Bảo và Linh Đài Tam Lão, nhưng thánh thủ kiếm thuật ngang hàng với chưởng môn chín phái lớn. Lão đã ngoài bảy mươi tuổi, mình cao tám thước, mặt mũi vuông vắn, mũi cao trán rộng, hàm râu chùng xuống ngực, cặp mắt lấp loáng ánh thần quang. Khí thế rất oai nghiêm.

Lệnh Hồ Bình coi tướng mạo Phong Vân Kiếm không khỏi ngấm ngầm thở dài lẩm bẩm câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”.

Một nhân vật nghi biểu đường đường, suốt đời vùng vẫy giang hồ, gây được oai danh đâu phải chuyện dễ? Không ngờ đến lúc tuổi già còn muốn dựng bang lập phái làm hại võ lâm cho thỏa mãn tư dục không hiểu để làm gì?

Chủ khách vào nhà an tọa rồi qua mấy câu khách sáo, đã thấy người nhà bầy tiệc

rượu.

Bữa tiệc kéo dài đến canh hai chủ khách mới chia tay giải tán.

Lệnh Hồ Bình vào ngủ trong thư phòng rất lịch sự. Thượng, Phùng, Thiềm mỗi người ở một gian sương phòng đối diện.

Lệnh Hồ Bình trằn trọc hồi lâu không ngủ được. Sự thực chàng uống khá nhiều rượu, nhưng đó chẳng phải nguyên nhân chủ yếu làm chàng thao thức.

Chàng còn một điều thủy chung không giải đáp được tức là Phong Vân Kiếm Thư Khiếu Thiên bàn chuyện thiên nam địa bắc, cười nói tự nhiên, nhưng tuyệt không nhắc tới Kỳ Sĩ Bảo, hoặc thân thế mấy vị kỳ sĩ. Chàng tự hỏi:

- Chẳng lẽ hai lần trước ở khách điếm ta đã nghe lộn?

Nếu bảo chàng nghe lộn thì vụ lập lôi đài ở Tương Dương giải thích cách nào?

Tiền Đa Ích và Văn Hữu Đạo đã dẫn dụ chàng đến Tương Dương làm chi?

Theo lời Thư Mỹ Phụng thì tiền treo giải thưởng đả lôi đài không bận gì đến họ Dương, chẳng lẽ cũng là chuyện giả?

Trường hợp chàng không nghe lộn thì trên bữa tiệc sơ kiến hôm nay là cơ hội rất tốt để hỏi tới, sao lão lại bỏ qua?

Hôm sau Thượng, Phùng, Thiềm ba lão vào thư phòng cáo biệt Lệnh Hồ Bình nói là ra đi lâu ngày sợ lão trang chúa không yên dạ, phải về ngay Tương Dương.

Lệnh Hồ Bình biết ba lão này đến Long Môn chứ không phải về Tương Dương, nhưng chàng chẳng có lý do nào để cưỡng lưu họ, đồng thời chàng cũng không cần lưu họ lại làm gì. Chàng giả vờ tỏ vẻ quyến luyến rồi để ba người ra đi.

Ba lão đi chưa lâu, bữa tiệc chiều hôm ấy hai vị thanh khách lại xuất hiện. Một vị tên gọi Từ Dật Tiêu, ngoại hiệu Nhàn Vân Khách, còn một người là Phương Chí Nghĩa, ngoại hiệu Phù Bình Sinh.

Trong bữa tiệc đêm trước hai người tự khiêm là không hiểu võ công phải nương tựa lão chủ nhân trong việc ẩm thực. Nhưng chúng không che mắt được Lệnh Hồ Bình. Chàng vừa ngó thấy đã nhận ra bản lãnh chúng dù chẳng hơn ba lão Thượng, Phùng, Thiềm thì cũng không kém.

Lệnh Hồ Bình lúc này thấy hai người làm bộ tươi cười giả dối tiến vào thư phòng biết là chúng đã có chủ ý gì đây, liền dùng bất biến đối phó với vạn biến.

Chàng giả vờ như không thấy gì tươi cười nghinh tiếp, chào hỏi.

Hai bên thi lễ xong, Lệnh Hồ Bình hỏi:

- Lúc ba vị tổng quản ra đi có đến cáo biệt hai vị không?

Nhàn Vân Khách đáp:

- Có, có. Bọn tại hạ rất tiếc không thể lưu ba vị đó ở lại chơi mấy bữa.

Lệnh Hồ Bình nói:

- Sau này còn nhiều cơ hội.

Phù Bình Sinh nói:

- Ba vị tổng quản đều là nhân vật hào kiệt lỗi lạc hiếm có. Công tử đã tới đây không nên vội vã ra về như họ. Hãy ở lại mấy bữa cũng chẳng sao.

Lệnh Hồ Bình nghĩ bụng:

- Có phải ta bảo ba lão về đâu. Hai tên này coi mặt đã ghét, nghe nói càng vô vị.

Chàng không ngờ chúng đưa câu chuyện chán ti, liền hắng dặng rồi cười hỏi:

- Thư lão tiền bối đã ra sảnh đường chưa?

Nhàn Vân Khách đáp:

- Bọn tại hạ tới đây cũng vì chuyện đó. Lão nhân gia có chút việc phải xử lý đã đi Trường An từ sáng sớm. Lúc ra cửa lão nhân gia có dặn chuyến đi này chỉ trong vòng bốn năm ngày sẽ trở về. Lão còn nhắc bọn tại hạ bồi tiếp công tử đi chơi mọi chỗ. Công tử mới đến Đồng Quan lần đầu phải không?

Lệnh Hồ Bình gật đầu đáp:

- Đúng thế.

Bây giờ chàng đã dần dần hiểu ra chỗ dụng tâm của Phong Vân Kiếm. Lão không muốn mạo hiểm quá nên phái hai tên thanh khách này dùng phương pháp dương đông kích tây thử xem có đạt được mục đích chăng? Vạn nhất cách này không thông sẽ tìm biện pháp khác.

Ba người tiến hành, trời hãy còn sớm, Nhàn Vân Khách và Từ Dật Tiêu đề nghị vào quán nghỉ chân uống trà. Dĩ nhiên Lệnh Hồ Bình không phản đối.

Khi ba người cất bước định đến trà lâu thì phía sau bỗng nghe có tiếng vó ngựa dồn dập. Tiếp theo mé đông thành xuất hiện năm con khoái mã.

Hai gã Từ, Phương coi rõ mấy tên hán tử kia rồi, sắc mặt hơi biến đổi.

Nguyên năm người kỵ mã này chẳng phải ai xa lạ chính là những tên hung ác gọi chung là Động Đình Ngũ Sát: Âm Dương Kiếm Khấu Lỗ, Thiểm Điện Đao Tân Tật, Mê Hồn Thủ Hoa Tử Niên, Kim Cương Chỉ Nghiêm Tam Hữu, Kim Kích Ôn Hầu Lữ Công Vọng.

Lệnh Hồ Bình tuy chưa gặp mặt năm người này nhưng coi phục sức cùng khí giới đã biết chúng là ai rồi.

Chàng lại thấy hai gã Từ, Phương sau khi nhìn rõ Ngũ Sát đều biến sắc, chàng không khỏi ngấm ngầm kinh dị.

Nguyên Động Đình Ngũ Sát lớn mật làm càn nhưng không dám đối địch với Phong Vân Kiếm, vậy hai tên Từ, Phương đã làm tân khách ở Thư phủ thì còn sợ gì?

Năm con khoái mã chạy trong chớp mắt đã đến trước mặt. Đi đầu là Kim Kích Ôn Hầu Lữ Công Vọng.

Lúc này Kim Kích Ôn Hầu Lữ Công Vọng ngồi trên lưng ngựa đã ngó thấy hai gã Nhàn Vân Khách và Phù Bình Sinh.

Bỗng nghe hắn khẽ “Ủa” một tiếng dừng cương ngựa quay lại nhìn bốn người đi sau đánh tay ra hiệu, miệng lớn tiếng hô:

- Từ huynh và Phương huynh!...

Lệnh Hồ Bình chợt tỉnh ngộ, lẩm bẩm:

- Té ra là vụ này.

Nhàn Vân Khách và Phù Bình Sinh hiển nhiên rất tức giận Kim Kích Ôn Hầu chẳng hiểu gì. Chúng nghe tiếng hô hoán mặt lạnh như tiền, quay đầu đi chẳng hỏi gì đến.

Kim Kích Ôn Hầu Lữ Công Vọng láo liêng cặp mắt chợt ngó thấy Lệnh Hồ Bình đứng bên hai gã, liền hiểu nguyên nhân lãnh đạm của chúng. Nhưng hắn là người cấp trí làm bộ sa sầm nét mặt cười khạch một tiếng nói:

- Quả là đồ bất lịch sự.

Đoạn hắn giật cương cho ngựa chạy đi.

Lệnh Hồ Bình quay lại hỏi:

- Năm người đó là ai?

Từ, Phương ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao? Năm thằng cha đó mà công tử không biết ư?

Lệnh Hồ Bình lắc đầu đáp:

- Tại hạ chưa từng gặp qua.

Từ Dật Tiêu hỏi:

- Vậy công tử đã nghe ai nhắc tới danh hiệu Động Đình Ngũ Sát chưa?

Lệnh Hồ Bình làm bộ sửng sốt hỏi:

- Động Đình Ngũ Sát ư?

Phù Bình Sinh Phương Chí Nghĩa đáp:

- Chính thị. Gã vừa lên tiếng hô hoán là lão ngũ tên gọi Kim Kích Ôn Hầu Lữ Công Vọng. Bốn tên đi sau là lão tứ Kim Cương Chỉ Nghiêm Tam Hữu, lão tam là Mê Hồn Thủ Hoa Tử Niên, lão nhị là Thiểm Điện Đao Tân Tật và lão đại là Âm Dương Kiếm Khấu Lỗ.

Lệnh Hồ Bình hỏi:

- Nghe nói năm vị sát tinh này khó chơi lắm. Vừa rồi gã đã hô hoán hai vị, sao hai vị không lý gì đến?

Từ Dật Tiêu khịt mũi đáp:

- Gã không ra giống người... Hà... hà...

Phương Chí Nghĩa giải thích thêm:

- Câu chuyện như thế này: Năm ngoái năm tên đó có việc ra ngoài quan ải. Lúc qua đường đưa thiếp vào phủ xin ra mắt lão chủ nhân, có ý muốn mượn ít tiền xài. Như người ta thì tùy tiện phát lạc cũng xong rồi, nhưng lão chủ nhân nói là đã rửa tay gác kiếm nên cẩn thận một chút. Kết quả chẳng những tặng hậu lễ, lại còn thết đãi ân cần. Năm thằng cha đó được sủng ái rồi bất cứ gặp người trong phủ ở đâu cũng huynh huynh đệ đệ làm bộ thân thiết.

Gã thở dài nói tiếp:

- Bọn tại hạ vẫn băn khoăn nếu vụ này đồn ra ngoài, không hiểu người ta sẽ nghĩ

sao?

Lệnh Hồ Bình lắc đầu đáp:

- Thế thì Phương huynh lầm rồi.

Phù Bình Sinh ngạc nhiên hỏi:

- Lệnh Hồ huynh bảo sao?

Lệnh Hồ Bình nghiêm nghị đáp:

- Nhận xét của tiểu đệ trái ngược với hai vị. Tiểu đệ cho là hành động của hiền chủ nhân rất xứng đáng. Từ địa phương nhỏ bé này lão nhân gia cũng bất chấp lời khen chê, chỉ biết lấy lê dân làm trọng. Bụng dạ người thường không thể đo được.

Hai gã Từ, Phương nghe chàng nói vậy rất đỗi ngạc nhiên. Chúng không ngờ Lãng Đãng công tử đối với vụ này chẳng những không chê trách lão chủ nhân giao du với Ngũ Sát mà còn ca tụng là một việc rất hợp đạo lý.

Hai gã ngoài sự kinh ngạc không khỏi mừng thầm tự nhủ:

- Anh chàng Lệnh Hồ công tử này chẳng phải là người khó đối phó.

Ba người vừa đi vừa nói chuyện bất giác đã đến trà lâu.

Cửa quán mới mở, hãy còn thắp đèn. Một tên tiểu nhị ngáp dài đang quét nhà

dưới.

Ba người lên lầu đều tưởng bọn mình là toán khách đầu tiên, không ngờ trên lầu đã có ba người ngồi. Một lão già áo quần rách rưới ngồi ở góc đông bắc, đang lắc lư cái đầu rất lớn, tay khẽ lắc bầu rượu vào bên tai. Cặp lông mày chữ bát nhăn tít lại dường như trong bầu sắp hết rượu.

Trong góc nhà khác hai hán tử trung niên võ phục ngồi, coi như hai vị tiêu sư. Hai vị tiêu sư này ngồi đối diện tựa hồ đang tranh luận điều gì. Một người xua tay la lên:

- Không đúng, không đúng.

Hán tử kia hỏi:

- Sao lại không đúng?

Hán tử này đáp:

- Tiểu đệ dám đánh cá với Trương huynh nếu vụ huyết án ở Lam Điền không phải là kiệt tác của Lãng Đãng công tử thì Tiêu mỗ quyết bò xuống mà đi từ cửa đông ra cửa tây thành Đồng Quan.

Hai gã Từ, Phương thộn mặt ra đương trường.

Lệnh Hồ Bình từ từ lắc đầu ra hiệu cho hai gã đừng lên tiếng. Đoạn chàng lờ đi như không có chuyện gì dẫn hai gã vào ngồi một góc bàn cạnh cửa sổ trông ra đường.

Ba người đều mặc nho phục không làm cho hai hán tử trung niên chú ý.

Lại nghe hán tử họ Trương nói:

- Tiêu huynh lấy gì làm chứng cứ mà quyết đoán như vậy?

Hán tử họ Tiêu đáp:

- Dĩ nhiên phải có chứng cứ.

Hán tử họ Trương hỏi:

- Chứng cứ gì?

Hán tử họ Tiêu đáp:

- Một là chỉ có Lãng Đãng công tử mới làm việc này. Trước kia bọn Lân Hương Tú Sĩ, Tái Bắc Nhân Hùng, Quan gia huynh đệ cũng vậy.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương