Hoàng Lan Trong Mưa
Chương 11: Nhật ký của mẹ

Mỗi chúng ta đều có một người mẹ! Mẹ luôn là người đẹp nhất trong trái tim ta!

Sớm chủ nhật đầm ấm, mẹ nấu bún cá cho cả nhà, hương thì là bay nức mũi, nước cà chua sánh đỏ óng ánh. Tôi đứng rửa rau thơm bụng cũng khẽ sôi sôi. Em Sương hôm nay không phải đánh thức, nó chạy từ trên phòng tầng hai xuống ôm chầm lấy mẹ, dụi dụi cái bím tóc vào lưng mẹ, nó nhũng nhiễu.

“Sương yêu mẹ nhất!”

Á, tôi gato quá, không thể nhường nó thêm, tôi bỏ chỗ rau trong thau đang xả nước, sang bên cạnh cũng ôm mẹ một cái, tôi lườm nó chế:

“Phong cũng yêu mẹ nhất!”

Nó khẽ buông mẹ ra lườm tôi.

"Hừ!"

“Hừ…” Tôi nhại lại nó.

Cùng nó đi song song ra bàn, mẹ nhìn hai anh em tôi lắc đầu cười, nó quay lại mách mẹ:

“Mẹ ơi! Anh Phong bắt nạt Sương!”

Mẹ quay ra cười:

“Thôi đừng trêu em nữa!”

Tôi nhăn nhở.

“Làm sao không được chứ! Đây vốn là niềm yêu thích nhất của con!” Tôi quay sang em Sương đang làm cái vẻ mặt nũng nịu, quả quyết phát ra một tràng Hoa ngữ: “Ngươi có biết ta chờ đợi giây phút này đã bẩy năm rồi không?”

Mẹ khựng tay lại, bất giác rơi một giọt nước mắt, vội vàng quay đi. Vừa lúc này tôi cũng nhìn sang, tự trách mình ăn nói thật không suy nghĩ. Không muốn em Sương phát hiện tôi chữa:

“Lần này tha cho em!”

“Hi hi…”

Mẹ cũng đã quay lại mắt còn long lanh nhưng đã nở một nụ cười, có lẽ mẹ đã khóc vì hạnh phúc. Tôi cũng yên lòng, nháy mắt tôi hỏi nó:

“Chuyện của em thế nào rồi?”

Nó phồng má, mày nhếch lên lo lắng nói:

“Chưa xong anh ạ!”

Tôi tỏ vẻ lo lắng:

“Có ổn không đấy! Không cần anh giúp thật sao?” Tôi gợi ý.

Mẹ đã bưng khay với bốn bát bún cá thơm nồng ra, đặt xuống bàn mẹ tò mò hỏi:

“Hai anh em con có bí mật gì thế?”

Tôi ngổi thẳng lưng, mắt liếc nhìn sang em Sương, thấy hai má nó cũng đỏ dần dần. Tự nhiên hai đứa cùng quay sang mẹ, luống cuống nói:

“Không có gì ạ!”

Hai anh em tự nhiên bị lọt hố, cùng tròn miệng quay xuống với bát bún. Mẹ lắc đầu lại cười:

“Hôm nay hai đứa lạ lắm đấy nha!

Tôi liếc sang đã thấy Sương đang rón rén lấy đũa gắp bún, vị ngọt của nước dùng khiến cái má hồng đào của nó dần dần trắng trở lại.

Bố cũng vừa từ trên lầu xuống, bố cười thơm vào má mẹ một cái.

“Meo!”

Em Sương thật là phá đám quá, mặt bố hơi đỏ vì ngại nhưng vẫn nói:

“Chúc mừng sinh nhật em!”

“Chúc mừng sinh nhật mẹ!” Hai đứa tôi hùa theo.

Dù là quà của tôi em Sương và bố đều thống nhất để đến tối tặng, nhưng mà mẹ cũng đã rất vui, với mẹ thì bố, tôi và em Sương là món quà lớn nhất, mẹ cười mãi mà hai mắt vẫn long lanh.

Bố ăn vội bát bún còn chưa hết, đã dắt cái xe cup 82 đi dạy thêm cho lớp tại chức, em Sương kéo tay tôi theo ra ngoài sân thủ thỉ:

“Tí nữa anh làm giám khảo duyệt nha!”

“Duyệt?”

Tôi còn chưa hiểu chuyện gì, nó đã cười khuất tất nói:

“Lát anh sẽ biết!”

Ngoài trời gió lạnh, nắng yếu ớt phủ kín cả khung trời, mẹ mặc chiếc áo măng tô dạ màu trắng sứ, đeo túi xách, trang điểm nhẹ nhàng đi ra ngoài. Mẹ thật đẹp khiến cả tôi và em Sương đều ngỡ ngàng.

“Mẹ ra ngoài có việc, tiện thể lúc về đi chợ luôn, con ở nhà không được bắt nạt em đâu đấy!” Mẹ dặn tôi.

Số là mỗi ngày chủ nhật được nghỉ tôi thường huấn luyện cho em Sương tập nấu cơm, lau nhà, rửa bát. Tôi không phải bắt nạt, mà thực sự con bé rất nhác, năm nay đã mười hai tuổi mà ngay cả nấu cơm cũng không nổi, lần nào nó nấu là y như rằng cơm không sống nhão. Thời bây giờ nấu cơm bằng nồi điện, chỉ có việc cho vừa nước mà còn quá khó khăn với nó, cuối cùng nó chọn phương pháp là đo bằng ngón tay. Nhìn nó loay hoay đến là thương, nhưng tôi vẫn tự nhủ mình phải cứng rắn, đành đóng giả làm một ông anh khó tính vậy.

Mẹ đi rồi, nó phồng má e dè nhìn tôi nhắc lại lời mẹ:

“Mẹ nói rồi, không được bắt nạt em.”

Tôi tròn mắt tỏ vẻ nghiêm nghị, nó xị mặt lườm tôi:

“Thôi được rồi, vì hôm nay là sinh nhật mẹ nên miễn cho em đấy.”

“Phong ca, tối hảo đa!”

Nó phát Hoa ngữ và lập tức bay ra ngoài cổng, chạy sang nhà Bảo Nhi bấm chuông, rồi chắp tay sau lưng đứng chờ. Nhìn cái điệu đó của nó giống y như bố vậy, không biết là nó học từ khi nào? Tôi cũng chờ chủ nhân của căn nhà xuất hiện nên vẫn đứng nán lại nhìn theo nó.

Bảo Nhi ra mở cổng, cô Tâm Phương cũng đứng cạnh.

“Cháu chào cô!” Nó vội vã quay sang Bảo Nhi: “ Mình bắt đầu tiếp đi chị!”

“Mẹ ơi! Con xin phép sang nhà Chin Su(1) chơi!” Bảo Nhi nói với mẹ.

Cô Tâm Phương trong lòng không vui, cô nhìn Bảo Nhi rồi lại nhìn sang phía tôi. Cô vốn là người cẩn trọng, giữ ý nên dù chỉ là trước mặt của em Sương thì chắc chắn cũng sẽ không công khai phản đối chúng tôi.

Bảo Nhi không chờ mẹ đồng ý, em Sương đã kéo tay cô ấy sang nhà. Đứng lại giờ chỉ còn mình tôi, cô Tâm Phương có vẻ rất trách tôi, tôi ái ngại tự nhủ với mình sẽ đối xử thật tốt với Bảo Nhi, bây giờ dù mẹ cô ấy có trách mắng tôi cũng đành cam chịu.

Tôi cúi đầu tạ lỗi với cô từ xa, rồi quay vào trong nhà.

Tôi dọn dẹp vài thứ dưới nhà, trời càng lúc càng ảm đạm, mưa phùn rơi mịt mờ trên phố. Bảo Nhi và em Sương thì đang ủ mưu trong phòng của Sương.

Bíp…bíp…

Chiếc điện thoại Nokia 3230 cổ lỗ sĩ của tôi rung chuông nhè nhẹ.

“Alo! Cháu nghe đây ạ!”

Đầu dây bên kia giọng cô bán hoa lanh lảnh:

“Phong đấy à! Cô biết là trời đang mưa nhưng ở nhà hàng Dạ Lan có khách đặc biệt đặt mấy trăm bông hồng. Cô lại đang bận khách không đi được, con đi giao giúp cô nhé!”

“Vâng được, không sao đâu cô! Cháu tới liền!” Tôi mừng rỡ trả lời.

Thường thì những lúc đông khách cô ấy vẫn nhờ tôi giao hoa giúp, tôi rất nhiệt tình nên cô trả cao hơn cả thuê xe ôm. Tôi vội vã mặc chiếc áo bạt măng tô của ông nội phóng xe đi trong cơn mưa.

Nhà hàng Dạ Lan ở trên bở Tây Hô có lẽ vì hôm nay trời mưa nên đặc biệt vắng khách, cả tầng một không có lấy một bóng người. Cô tiếp tân cao như siêu mẫu, mắt kẻ phấn hồng, mặc cái mini juyp, tôi đoán là cô ta không sợ lạnh. Nhìn bộ áo mưa lôi thôi và đống hoa hồng lớn thấm ướt nước, cô ta ái ngại chỉ lên tầng hai nói:

“Hoa lẻ để dưới này, còn bó hoa lớn anh mang lên trên tầng cho khách, nhớ cởi áo mưa không ướt hết sàn gỗ nhà em!”

Em? Cô ta nhìn có lẽ nhiều hơn tuổi tôi, mặc kệ tôi cởi áo mưa vắt lên yên xe, bỏ giầy ở ngoài bậc thềm, vội vã mang bó hoa lên tầng hai.

Bó hoa lan cắm điểm hoa hồng nhạt quả thật là sang trọng, đi giao hoa nhiều lần tôi cũng áng chừng được bó hoa này không dưới hai triệu đồng, không biết ông khách nào mà chơi sang đến vậy?

Tầng hai cũng đặc biệt vắng khách, tôi tính sẽ hỏi nhân viên chỗ khách ngồi nhưng lại chẳng có ai, thôi thì đành tự mình tìm.

Không phải tìm lâu vì tôi thoang thoáng nghe giọng một người đàn ông nói chuyện ở bàn cuối gần phía ban công, nơi này chia cách với phòng chính rộng ở giữa bởi một tấm bình phong trạm khắc công phu. Tôi nhanh chân ôm bó hoa lại gần.

“Hôm nay anh đặc biệt thuê trọn gói nhà hàng này để em đỡ ngại!” Giọng người đàn ông nghe có chút quen thuộc.

“Xin lỗi anh! Hôm sinh nhật anh em bận không đến được!” Giọng người đàn bà nhẹ nhàng trả lời.

Tôi khựng người lại sau bức bình phong, giọng nói này sao thân thuộc đến thế, khẽ hé mắt nhìn ra, bà ấy mặc áo măng tô màu trắng sứ, tôi suýt đã đánh rơi bó hoa trong tay, cố giữ chặt, bàng hoàng tự hỏi:

“Tại sao lại là mẹ?”

Người ngồi đối diện kia, giọng nói ấy… không lẽ…

Tôi nhón chân nhìn sang chính là Bác Hùng, trong đầu không hiểu vì sao lại miên man đặt ra nhiều câu hỏi.

“Chúc mừng sinh nhật lần thứ bốn mươi của em! Vậy là chúng ta làm bạn được ba mươi năm rồi em nhỉ! Mới thoáng đó mà đã ba mươi năm rồi!” Giọng bác Hùng càng về sau càng chậm lại.

Tôi quyết định lặng im nghe câu chuyện.

“Thực sự phải cảm ơn anh rất nhiều! Anh Tuấn và hai đứa con em nếu không nhờ có anh giúp đỡ không biết giờ ra sao nữa!” Mẹ nói giọng cảm kích.

“Anh làm như vậy là vì em!” Bác Hùng chen vào lời mẹ.

Mẹ ngừng lại, nhìn nét mặt mẹ có vẻ bối rối. Bác Hùng bất chợt cầm lấy hai bàn tay của mẹ đang đặt trên mặt bàn, rồi chuyển sang ngồi sát ghế mẹ. Nhìn mặt ông ấy có cái gì đó không đáng tin. Tôi toan bước ra lên tiếng nhưng nghĩ đi nghĩ lại có vẻ như vậy quá thất thố.

Mẹ rụt vội tay lại, vẫn lặng im không đáp, tôi cũng yên tâm nghe tiếp câu chuyện.

“Hoàng Lan! Em biết rõ ngày ấy anh yêu em như thế nào! Tại sao em lại chọn Tuấn chứ không phải anh?”

Nghe Bác Hùng nói vậy không hiểu vì sao trong lòng tôi cũng sinh ra một phần cảm thông, thì ra trước đây bác ấy cũng từng yêu mẹ,

“Anh nhắc lại chuyện cũ làm gì! Chúng ta đều đã có gia đình, con cái cũng đã lớn cả rồi!”

Tôi cảm thấy tự hào về mẹ.

Đột nhiên bác Hùng tiến đến sát ôm lấy hai bờ vai của mẹ, tôi giật mình một lần nữa, toan bước ra nhưng chợt nghe mẹ nói:

“Em rất tôn trọng anh! Xin anh giữ thể diện một chút!” Mẹ gỡ tay bác ấy ra, quay sang phía bên cửa kính.

Tôi có cảm giác bác Hùng không phải người tốt như chúng tôi vẫn thường nghĩ, nhưng nếu tôi xuất hiện ngay bây giờ có khi nào sẽ khiến mẹ khó xử hơn không?

Bác Hùng có vẻ điểm tĩnh lại ngồi xuống ghế, xoay xoay ly rượu vang ở trong tay nói:

“Sáu năm rồi anh vẫn mong có một chỗ đứng trong tim em…! Thực ra không phải anh thừa tiền cho Tuấn vay để trả nợ, công việc ở công ty anh dạo này cũng rất khó khăn, bất động sản thì đóng băng, anh cũng đang rất cần tiền”

Bác Hùng dừng lại nhìn về phía mẹ tôi tiếp:

Anh nói thẳng vào vấn đề luôn, anh vẫn có thể duy trì mà không cần đến số tiền đang cho gia đình em vay với một điều kiện: Em phải trở thành bồ của anh!”

Bác ấy đã lật rõ ván bài của mình, tôi những tưởng mẹ sẽ tức giận nhưng khi mẹ quay lại tôi thấy hai hàng nước mắt đã ngân đầy:

“Anh làm em thất vọng quá! Hóa ra tình bạn ba mươi năm giữa chúng ta anh cũng không coi ra gì! Tất cả nhưng gì anh làm sáu năm qua thực chất chỉ là vì muốn chiếm đoạt em, muốn trả thù Tuấn đúng không?” 

Lời nói của mẹ mỗi lúc một mạnh mẽ, bác Hùng đã dừng việc xoay ly rượu vang đỏ, mắt không rời khỏi khuôn mặt thống khổ ấy, ngay cả tôi cũng chưa bao giờ thấy mẹ giận như thế.

Mẹ nói xong bưng mặt khóc chạy thẳng xuống lầu, tôi theo phản xạ cũng vội quay mặt đi, có lẽ mẹ quá buồn nên khi chạy qua cũng không phát hiện ra tôi. Dù sao như vậy cũng tốt, nếu mẹ nhìn thấy tôi lúc này không biết mẹ sẽ như thế nào.

“Hoàng Lan! Hoàng Lan…” Bác Hùng ngồi lặng ở đó một lát mới gọi với theo.

Ngoài trời đang mưa, tự nhiên thấy lo lắng cho mẹ, đặt vội bó hoa xuống bàn gần đó, tôi vội đi xuống tầng một.

Xuống đến nơi đã không thấy mẹ đâu, khoác qua cái áo bạt măng tô, cũng không thèm cái cúc, tôi phóng xe ra ngoài trời mưa.

Đường phố gió lạnh cùng với mưa bụi phây phây hắt vào mặt tôi, lang thang như thế chả biết đã bao lâu, cuối cùng cái cổng nhà thân thuộc cũng hiện ra. Tôi bừng tỉnh mở cổng đi vội vào nhà xem mẹ đã về chưa.

Mùi thơm của cháo sườn với hành hoa tỏa ra đến tận ngoài hiên, tôi đoán chắc là mẹ đã về, tôi cẩn thận lau khô đầu và treo áo mưa bên hiên rồi mới vào nhà. Mẹ đúng là đang nấu cháo sườn heo, nhưng tâm trạng mẹ có vẻ buồn, nhìn mẹ tự nhiên tôi cảm thấy chạnh lòng, muốn đến an ủi mẹ nhưng không biết phải nói sao.

“Con đi làm về rồi đấy à!” Mẹ hỏi.

“Vâng ạ!” Tôi ngập ngừng trả lời.

Có vẻ mẹ không phát hiện có gì đó khác lạ ở tôi, đủ thấy tâm trạng mẹ không tốt, tôi sợ đứng thêm một lúc nữa có thể tôi sẽ khóc không chừng, tôi vội chào mẹ lên phòng mình.

Bên ngoài trời mưa cũng đã bắt đầu tạnh, những ánh nắng yếu ớt chiều xuống bóng cây hoàng lan trước cửa sổ phòng tôi. Tôi cứ miên man suy nghĩ về con người của bác Hùng, lo lắng không biết mẹ sẽ một mình đối mặt với chuyện này ra sao? Lại không hiểu vì sao bố có thể nợ nần đến hơn hai tỷ đồng.

Buổi chiều tôi được em Sương đặc cách cho vào phòng để làm nhiệm vụ “đóng thế” và “duyệt”, tạm gạt những tâm tư rối bời, tôi bị mấy trò tinh nghịch của em Sương khiến cho tư tưởng cũng thoải mái trở lại.

Ba giờ chiều bố đi làm về, bố lại cũng bị Sương lôi lên phòng “tập vai”. Mẹ tò mò lắm nhưng vẫn miệt mài chuẩn bị nồi lẩu ấm cúng dưới nhà, để mặc bốn người chúng tôi ra sức bí mật.

Màn đêm rơi xuống phố, đèn vàng óng thay cho ánh mặt trời. Em Sương bắt mẹ dẫn sang mời cô Tâm Phương với Bảo Nhi. Cô Tâm Phương không sang chỉ có một mình Bảo Nhi xuất hiện.

Mở đầu buổi tiệc từ phòng em Sương, bố làm nhân viên hộ tống mẹ, mẹ bị bịt mắt dẫn lên cầu thang, vừa đi mẹ vừa cười nói:

“Anh từ khi nào lại nhiễm mấy cái trò nghịch phá của hai đứa nó vậy?”

“Là anh bị lôi kéo thôi!” Bố trả lời.

Cánh cửa phòng hé mở với tiếng nhạc du dương, bố tháo chiếc khăn bịt mắt mẹ ra. Mẹ có vẻ quá bất ngờ, căn phòng trong ánh nến lung linh phát sáng, những ngôi sao nhỏ và vầng trăng khuyết trên tường cũng đặc biệt nhấp nháy. Tiếng hát thanh thanh vọng ra từ bộ loa bé nhỏ, chính là giọng hát của em Sương:

“Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời. Ấp trong đáy lòng, có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần…”

Mẹ đưa tay lên miệng, xúc động sắp rơi lệ, em Sương đang đứng múa sau chiếc ri đô, lúc chiều có xem qua cảnh này nhưng giờ xem lại tự nhiên tôi vẫn toát lên một cảm giác lâng lâng khó tả. Con bé này quả là nghịch ngợm, nhưng suy cho cùng thì nó cũng thất đáng yêu.

Bảo Nhi kéo cái ri đô. Con bé từ trong mặc chiếc váy voan màu trắng như công chúa bước ra trong tiếng hát:

Mẹ chợt tỉnh giấc, và mẹ nhìn thấy hình hài nhỏ bé như thiên thần. Tiếng con khóc òa, mắt mẹ lệ nhòa, cám ơn vì con đến bên mẹ...”.

Em Sương bước đến ngả vào lòng mẹ, nó cũng có năng khiếu diễn xuất quá trời, cái trò nũng nịu này cơ bản ngày nào nó chả làm với mẹ. Bố đứng ngoài vỗ tay quá trời, xít nữa thì đã quên mất đoạn phải phối hợp.

“…nhìn cha con, cha đang rất vui, giọt nước mắt lăn trên khóe môi.

Con hãy nhìn kìa, cha đang khóc vì con...”


Lúc đầu chỉ nói là phối hợp, ai dè bố cũng rơi nước mắt thật. Mẹ thì khỏi nói, từ đầu tới cuối mẹ vẫn để hai tay che miệng, hai mắt thì rưng rưng lệ vì hạnh phúc. Cho đến tận khi khúc nhạc ngừng hẳn mẹ vẫn đứng lặng ở đó, phải đợi đến khi chúng tôi ùa ra thi nhau tặng quà thì mẹ mới hết ngạc nhiên.

Sau tiết mục trình diễn nghịch ngợm và cảm động của em Sương, cả nhà phi xuống với nồi lẩu của mẹ, chúng tôi trò chuyện rôm rả đến gần mười giờ đêm, tôi mới xin phép bố mẹ đưa Bảo Nhi về nhà cô ấy.

Trời đêm lờ mờ những ánh sao xa tít, cảm tưởng như gió mùa Đông Bắc đã vừa đi qua. Hai chúng tôi ngồi lại bên chiếc ghế đá dưới gốc hoàng lan trò chuyện rất lâu, chốc chốc Bảo Nhi lại cười.

***

Ở trên ban công mẹ với bố vẫn đứng dưới gió đông theo dõi cuộc trò chuyện của chúng tôi. Trong đầu có chút băn khoăn bố hỏi mẹ:

“Em lo lắng chuyện gì à?”

“Thực sự em không thích con bé!” Mẹ trả lời.

Bố có vẻ ngạc nhiên hỏi lại:

“Anh thấy con bé rất tốt mà!”

“Em không nói là con bé không tốt, em quý nó như con gái em. Chỉ có điều nó quá vô tư, nó chưa hiểu được cuộc sống này nhiều cạm bẫy như thế nào. Hoàn cảnh của chúng ta khác xa con bé, hai đứa chúng nó ở bên nhau liệu có hạnh phúc không?

Bố không nói gì thêm, bởi lẽ mọi chuyện xảy ra như bây giờ lỗi lớn thuộc về bố. Bố cứ nhìn mãi về hai cái bóng nhỏ nhỏ dưới đèn phố của hai chúng tôi, cuối cùng khẽ nói với mẹ:

“Em đã nói với con chưa! Anh sợ nó sẽ sốc đấy!”

Mẹ rớm lệ:

“Tất cả cũng là tại anh, năm đó anh nhất quyết đem nó sang ông bà ngoại, để đến bây giờ một người làm mẹ như em cũng không có cái quyền quyết định!”

Bố ôm lấy hai bờ vai gầy của mẹ, muốn nói một lời xin lỗi nhưng không sao thốt ra được. Mẹ hít một hơi dài nói:

“Em tính sau giỗ bố sẽ gọi người bán ngôi nhà đi…”

(1) Tên gọi hồi còn nhỏ của em Sương

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương