Hỏa thần: Cửu Hà long xà (BẢN DỊCH)
-
Chapter 18 quyển 3: Kim Mặt Rỗ bán thuốc
Ngũ Đấu thánh cô dựng pháp đài cao ở cửa Thiết Sát Am Hầu Gia Hậu, dâng hương bái lạy, bấm tay niệm quyết, bảo kiếm hóa thành vệt sáng bay đi, nháy mắt lại bay về, thánh cô thu kiếm vào tay áo, ở giữa không trung lại có một cái đầu hồ ly đầm đìa máu rơi xuống, màu lông vàng vọt, chết không nhắm mắt, trong miệng còn đang hộc ra bọt máu, nhìn là biết vừa chặt xuống luôn. Người xem xung quanh thấy vậy, ai nấy đều trố mắt cứng họng, im lặng như tờ. Ngũ Đấu thánh cô lấy ra một chiếc khăn trắng đắp lên đầu hồ ly, nói cho bách tính biết đã trừ được yêu hồ, không cần lo lắng nữa. Lúc ấy vẫn có nhiều người mê tín, thấy đúng là yêu hồ tác quái thật, thiện nam tín nữ quỳ rạp một vùng dưới đài, cúng bái thánh cô.
Tin Ngũ Đấu thánh cô phi kiếm trảm yêu hồ ở Thiết Sát Am vừa truyền ra, cả thành Thiên Tân nổ tung, đều nói trên đời có thần tiên, nhưng trước kia liệu có ai thấy? Giờ lại thấy được thần tiên sống, chuyện này không thể nào là giả được! Mà Ngũ Đấu thánh cô còn chưa rời đi, ở lại Thiết Sát Am, phát đại nguyện* khuyên giáo một tòa bảo tháp, để phụng dưỡng cho bảo kiếm trảm yêu, theo cách nói của cô kiếm này tên ‘Tinh Đình Kiếm’, chính là cổ kiếm trong thời kỳ Tàn Đường Ngũ Đại**, chỉ cần nhang đèn không dứt, là có thể vĩnh viễn giữ cho một phương bình an.
Thiên Tân Vệ rồng rắn lẫn lộn, đủ hạng người tin đủ mọi thứ, đối với Ngũ Đấu thánh cô này, có người tin có người không tin. Ai không tin nói cô ta giả thần giả quỷ, lừa tiền người khác; ai tin thì quỳ bái cô, cung phụng cô như Bồ Tát sống. Chính phủ cũng không tiện nhúng tay, chỉ đành mắt nhắm mắt mở, các thiện nam tín nữ có tiền bỏ tiền, có sức ra sức, sửa sang lại tường viện phòng ốc trong Thiết Sát Am, người tới đây thắp hương nối liền không dứt, thiện nam tín nữ thay phiên nhau trông giữ nhang đèn. Thánh cô chỉ đóng cửa đả tọa ở hậu đường, không để ý tới chuyện gì, ai tới cũng không gặp.
Hay có câu ‘tai nghe là giả, mắt thấy là thật’. Lưu Hoành Thuận nghe người ta nói vậy thì thấy khó mà tin được, nhưng lại từng nghe tiên sinh kể chuyện nói, thời Tàn Đường Ngũ Đại có nhiều kiếm tiên, có thể chém đầu người khác từ nơi ngoài ngàn dặm, nghe cho đã cái tai thôi, có ai từng thấy thật? Thế nhưng từng lúc Ngũ Đấu thánh cô phi kiếm trừ yêu tới nay, trong thành không có thêm loạn gì nữa.
Có gì viết nấy, qua mấy ngày sau, vào một buổi sáng nào đó, Lưu Hoành Thuận mang Đỗ Đại Bưu đi ăn sáng ở cửa sông Tam Xá, thấy bên bờ sông có gánh hàng rong bán cá ươn tôm thối. Vùng cửa sông Tam Xá có nhiều người nghèo, bán cá ươn tôm thối cũng không có gì kỳ lạ, đều là vớt được từ trong sông, cá nhỏ tôm nhỏ cái gì cũng có, cũng không cần nhặt lựa, đổ hết vào thùng to bán lẫn với nhau, rao bán theo cân, nói là cá ươn tôm thối đều vì trong đấy có con thì nhỏ có con thì vỡ, cũng không phải vừa ươn lại thối, đem đi nấu ăn không chết người được, bởi vì giá rẻ nên có không ít người tới mua. Bên cạnh người bán có một đứa trẻ, khoảng tầm năm sáu tuổi, quần áo trên người vừa bẩn vừa nát, mụn vá chồng mụn vá. Lúc Lưu Hoành Thuận đi ngang qua, vừa nhìn là thấy điểm không đúng, cũng không phải do nó mặc đồ rách quá đến mức thần kỳ, con cái nhà nghèo không phải cởi truồng đã là không tệ rồi, chỉ là chân trái đứa trẻ này đi chiếc giày vải rách, chân phải lại mang chiếc giày đầu hổ, được thêu rất đẹp đẽ, bên trên có một chiếc móc bạc, giày như vậy ít nhất phải hai ba đồng một đôi, dân nghèo sao mà mua nổi. Trong mắt Lưu Hoành Thuận không chứa nổi một hạt cát, lập tức tiến lên tra hỏi – một người bán cá ươn tôm thối ở bên bờ sông, một ngày có thể kiếm được mấy đồng? Lại bằng lòng cho đứa trẻ đeo chiếc giày tốt như thế? Huống hồ lại chỉ có một chiếc giày, đây rốt cuộc là đứa nhỏ bị lừa tới, hay là trộm được chiếc giày này?
Người bán cá ươn tôm thối thấy là Lưu Hoành Thuận, không nhận lời này, bèn kể lại một năm một mười chuyện chiếc giày. An phận thủ thường làm buôn bán nhỏ, một không dám trộm hai không dám lừa, nào có lá gan làm vật, mấy ngày trước có đánh lưới bên bờ sông, thì nhìn thấy một thứ lúc ẩn lúc hiện trong nước, trắng trắng nhìn như củ sen, trong lòng lấy làm lạ, cửa sông Tam Xá mọc củ sen từ bao giờ vậy? Anh ta bèn lấy gậy móc lên xem, thì ra là một chiếc đùi người, ngâm trong sông vừa trắng vừa sưng, đã bị cá rỉa gần hết rồi, trên chân mang chiếc giày đầu hổ, có thể thấy đó là chiếc giày chết. Nhưng người bán lại không để bụng chuyện này, những năm tháng ấy trong sông có rất nhiều giày chết, không có gì phải ngạc nhiên, cảm thấy chiếc giày đầu hổ này rất tốt, chỉ là không gom được thành đôi, mỗi một chiếc thôi cũng chẳng bán được, ném thì lại tiếc, con anh ta lướn như vậy rồi nhưng chưa từng được đi giày nào tốt thế, bèn tháo ra cho con anh ta mặc.
Lưu Hoành Thuận hỏi rõ tiền căn hậu quả, bảo người bán cởi chiếc giày trên chân con xuống, mang về Sở Cảnh sát Miếu Hóa Thần đặt lên bàn xem xét tỉ mỉ nhiều lần, chỉ thấy trên mặt giày thêu một đầu hổ, thành đỏ đế trắng, chỉ vàng uốn lượn, con hổ được thêu có đầu có đuôi, miệng ra miệng răng ra răng, ở mắt con hổ là hai cái móc bạc, không phải sư phụ già có tay nghề trong thành thì không làm được, đứa trẻ đeo giày này không giàu thì quý. Tuy nói dựa theo tập tục cũ, giày chết không thể tiến vào phần mộ tổ, nhưng đứa trẻ nhà giàu mà chết, bình thường sẽ tìm một nơi khác để chôn, hoặc là đưa vào miếu để nuôi dưỡng, sao lại ném vào trong sông ta? Lưu Hoành Thuận càng nghĩ càng thấy không đúng, không tra ra manh mối gì thì trong người cứ không yên, bèn dứt khoát mang giày đầu hổ vào thành, có ý muốn tìm hiểu nguồn gốc, tra ra xem đây là con cái nhà ai.
Cũng không khó tra lắm, trong Thiên Tân Vệ phàm là buôn bán làm ăn thì đều có các bang các phái khống chế, muốn hỏi xem giày này tới từ đâu, cứ tới tìm nghề giày là được. Bả đầu*** nghề giày quan sát xong, bèn nói cho Lưu Hoành Thuận chỉ có sư phụ của ‘Đồng Thăng Hòa’ mới làm được, không sai vào đâu. Lưu Hoành Thuận lại đi tìm ‘Đồng Thăng Hòa’ hỏi thăm, biết được tổng cộng chỉ từng làm hai đôi giày đầu hổ như thế, đều bán hết rồi, ông chủ Chu Quan Ngân Hào**** mua. Thế nhưng Lưu Hoành Thuận ngẫm lại thì thấy không đúng, ông chủ Chu có tiền, dưới trướng cũng có không ít người, nhưng mà đủ tiền không đủ người, hai vợ chồng không con không cái, mua hai đôi giày để ai đeo?
Lưu Hoành Thuận nghĩ, nếu mang chiếc giày này tới cửa tra hỏi, không đánh nhau thì không được, bởi vì ‘giày’ giống ‘tà’, người nhà giàu kiêng kỵ nhất cái này (cả hai từ đều đồng âm xié), lại nói ông chủ Chu không con, nhưng lại mua hai đôi giày đầu hổ cho trẻ con mang, trong này chắc chắn có ẩn tình, có hỏi cũng sẽ không nói, ngược lại còn đánh cỏ động rắn, đành phải kêu ‘Liễu cao nhi’ dò hỏi từ bên ngoài. Nhưng ai ngờ tra tới tra lui, hỏi người Chu gia từ trên xuống dưới không biết cái gì. Tuy Lưu Hoành Thuận nóng ruột, nhưng cũng không có cách nào. Có điều ‘nếu muốn người không biết, trừ phi mình đừng làm’, trên đời này làm gì có bức tường nào gió không lọt qua được, giấy chung quy không thể gói được lửa. Chu trạch có một phu xe, bởi vì mắc nợ nên thừa dịp trời tối y vào nhà ăn trộm, vô tình nghe được hai vợ chồng ông chủ Chu nói chuyện trong phòng. Mấy ngày hôm sau y đi thủ tiêu tang vật, bị ‘Liễu cao nhi’ nhìn ra manh mối, bắt y lại. Vì muốn cầu Lưu Hoành Thuận tha cho y một lần, nên phu xe đành khai chuyện này ra. Nghe thế Lưu Hoành Thuận mới biết được, thì ra ông chủ Chu mua hai đôi giày đầu hổ để đưa vào Thiết Sát Am! Đúng như câu nói ‘tai vách mạch rừng’. Muốn biết chuyện tiếp theo thế nào, hãy lắng nghe phân tích sau đây.
*Đại nguyện ý chỉ những nguyện vọng đến chết không đổi, lúc sống lại vẫn có nguyện vọng ấy, trải qua vô số kiếp nó như một chiếc thuyền qua sông tới hải dương rộng lớn, trả qua luân hồi cuồng phong sóng lớn cuối cùng bình yên đi tới bỉ ngạn.
**Tàn Đường Ngũ Đại chỉ thời kỳ bắt đầu từ khởi nghĩa nông dân (khởi nghĩa Hoàng Sào) vào cuối thời Đường, tới lúc Bắc Tống tiêu diệt thế lực còn sót lại của mười nước. Trong ấy lại chia ra hai thời kỳ Tàn Đường (loạn thế cuối thời Đường) và Ngũ Đại (thời Ngũ Đại Thập Quốc). Loạn thế cuối thời Đường tương đương với những năm cuối Đông Hán, thời Ngũ Đại Thập Quốc tương đương với thế chân vạc Tam Quốc, là thời kỳ mấy chính quyền cùng tồn tại, quân phiệt cát cứ kéo dài.
***Bả đầu: Cách gọi trước giải phóng, chỉ những người đứng đầu phường hội khống chế một phương hoặc một nghề nào đó.
****Quan Ngân Hào chỉ vùng Đông Bắc Thiên Tân. Thời cổ, Quan Ngân Hào là cơ quan tài chính do chính phủ xây dựng.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook