Hiệp Cốt Đan Tâm
Chương 33: Bốn bề vắng lặng không tăm cá Tứ phía phong sương đường chập chùng

Công Tôn Yến nghĩ:

"Mình phải đùa với y để y khỏi rầu rĩ nữa". Rồi nàng len lén vốc một nắm cát vãi về phía Lệ Nam Tinh.

Lẽ ra Lệ Nam Tinh đã có thể nghe thấy, nhưng lúc này nỗi buồn đang xâm chiếm lòng chàng. Hơn nữa đây là căn cứ địa của nghĩa quân, chàng không hề đề phòng có người đánh lén. Nên khi Công Tôn Yến ra tay thì chàng mới phát giác có người.

Công Tôn Yến vãi cát vào huyệt tiếu yêu của chàng, Lệ Nam Tinh cười hì một tiếng. Nếu bị đánh vào huyệt tiếu yêu sẽ cười không ngớt cho đến khi đứt hơi mà chết.

Nhưng Công Tôn Yến chỉ vãi một nắm cát, vả lại nàng không mạnh tay, công lực của Lệ Nam Tinh lại hơn nàng, cho nên chỉ cười một tiếng thì huyệt đạo đã bị chàng vận khí hóa giải cho nên không cười nữa.

Công Tôn Yến bước ra cười hì hì, Lệ Nam Tinh ngạc nhiên:

"Té ra là muội, muội cũng thật nghịch ngợm".

Công Tôn Yến cũng cười:

"Muội không thích khúc nhạc thê lương như thế, huynh hãy thổi khúc nhạc nào nghe vui tai được không?".

"Xin lỗi, huynh không biết".

"Vậy muội hát cho huynh nghe nhé?".

Lệ Nam Tinh không muốn làm nàng cụt hứng:

"Hay lắm, hay lắm. Muội hát đi!".

Công Tôn Yến hát rằng:

"Có chàng thiếu hiệp chẳng biết mùi vị buồn tẻ là gì.

Lên lầu cao ngâm nga khúc nhạc trải lòng mình".

Bài ca này chê cười những người trẻ tuổi không bệnh mà rên rỉ, Lệ Nam Tinh nghĩ bụng:

"Làm sao muội biết tâm sự của ta?" Rồi cười khổ:

"Công Tôn cô nương, tôi thật ngưỡng mộ cô nương".

"Ngưỡng mộ điều gì?".

"Ngưỡng mộ cô là một tiểu cô nương không biết lo không biết buồn".

"Huynh đừng làm ra vẻ già dặn, chẳng qua huynh chỉ lớn hơn muội vài tuổi, năm nay muội đã mười chín, đã không còn là một tiểu cô nương nữa!".

Lệ Nam Tinh cười rằng:

"Được, coi như là đại tiểu thư".

Công Tôn Yến bĩu môi:

"Chúng ta đừng đấu khẩu nữa, huynh bảo muội không biết âu sầu, vậy huynh âu sầu chuyện gì?".

"Sao muội biết ta âu sầu?".

"Huynh làm sao gạt được muội, suốt quãng đường huynh cứ lặng lẽ, ai mà không biết? Mỗi lần thổi tiêu, huynh lại thích thổi khúc nhạc đau khổ này".

Lệ Nam Tinh nghĩ thầm:

"Không ngờ tiểu nha đầu này lại quan tâm mình đến thế". Chàng cười rằng:

"Ta chẳng có chuyện gì lo buồn cả. Nhưng trên đời này có hai loại người, một loại giống muội, đều cảm thấy lạc quan với tất cả mọi chuyện. Một loại người giống ta, bi quan nhiều, lạc quan ít. Đó chẳng qua là do tính cách mỗi người mà thôi!".

Công Tôn Yến lắc đầu:

"Muội không tin, chả lẽ mỗi người sinh ra đều có tính cách không đổi sao? Tại sao huynh cứ lặng lẽ không vui, chắc là có nguyên nhân gì đó?".

"Có lẽ hoàn cảnh xuất thân của huynh không giống muội. Huynh lớn lên ở đảo hoang ngoài biển khơi, từ nhỏ không có bằng hữu cho nên tính tình cô độc".

Công Tôn Yến cười:

"Theo muội thấy, bề ngoài huynh tuy lạnh nhưng lòng rất nhiệt tình".

Lệ Nam Tinh cười:

"Thật vậy ư? Hình như muội còn hiểu huỳnh hơn cả bản thân huynh!" Rồi chàng thầm nhủ:

"Mình chỉ tưởng nàng là ả nha đầu không hiểu chuyện, té ra nàng lại tinh tế đến thế, coi như cũng có thể là tri kỷ của mình".

Công Tôn Yến tiếp tục:

"Lệ đại ca, huynh nói không sai. Bằng hữu phải quan tâm nhau. Nếu huynh có chuyện gì không vui, nên nói với người khác sẽ đỡ buồn hơn.

Nhưng e rằng trong lòng huynh, muội chẳng thể là bằng hữu của huynh được!".

Lệ Nam Tinh nói:

"Đừng nói như thế. Công Tôn cô nương, tôi ..." Công Tôn Yến ngẩng đầu lên nhìn chàng, hỏi:

"Thế nào?".

"Tôi rất cảm kích ý tốt của cô nương. Nhưng phiền não của tôi là do tự chuốc lấy, chẳng liên quan gì đến người khác. Tôi tin rằng rồi dần dần mọi chuyện sẽ qua.

Sau này tôi sẽ cho cô nương biết".

"Bây giờ huynh không chịu nói với muội, muội cũng không ép, nhưng mong phiền não của huynh sẽ mau chóng qua đi".

"Ồ hình như có người kêu ta. Đêm đã khuya, cô nương hãy quay về trước".

Công Tôn Yến nghiêng tai lý nó nghe, quả nhiên hình như Tần Nguyên Hạo đang gọi Lệ Nam Tinh. Nàng tuy vô tư hồn nhiên, nhưng lúc này hoa tình vừa mới nở, nàng sợ bị Tần Nguyên Hạo nhìn thấy, bèn bảo rằng:

"Được, muội về trước đây.

Huynh hãy ngủ cho khỏe, ngày mai muội sẽ lại đến tìm huynh".

Sau khi Công Tôn Yến bỏ đi, Lệ Nam Tinh ngồi lặng lẽ nhìn sao trời, lòng thầm nhớ Sử Hồng Anh, chàng bất giác rơi nước mắt.

Tần Nguyên Hạo kêu lên:

"Lệ đại ca!" Tiếng chân càng lúc càng gần. Lệ Nam Tinh lau nước mắt:

"Tôi ở đây".

Tần Nguyên Hạo nói:

"Té ra huynh ngồi thổi sáo một mình ở đây, đệ tìm đến khổ. Lý Mậu đã đến!" Lệ Nam Tinh hỏi:

"Còn Kim Trục Lưu?".

"Nhưng Kim Trục Lưu vẫn chưa tới!".

Lệ Nam Tinh ngạc nhiên:

"Tại sao?".

"Nghe nói một mình y đi Tây Xương. Lý Mậu vừa tới, đệ đã ra tìm huynh. Nếu muốn biết rõ ràng huynh hãy hỏi Lý Mậu".

Lại nói Công Tôn Yến sau khi trở về nữ doanh, suốt đêm nằm trên giường mà cõi lòng xao xuyến, nàng xoay qua trở lại, khó khăn lắm mới đi vào giấc ngủ. Đến khi tỉnh dậy thì nghe Phong Diệu Thường kêu:

"Nha đầu lười biếng, hãy mau thức dậy.

Ta và tỷ đi gặp một tỷ tỷ mới đến".

Công Tôn Yến ngồi dậy, hỏi:

"Là ai thế!" "Tỷ tỷ này tên gọi Thạch Hà Cô, là vị hôn thê của Trần Quang Chiếu. Trần Quang Chiếu cũng là bằng hữu của Kim Trục Lưu". Hai người đang nói thì Trúc Thanh Hoa và Thạch Hà Cô đã bước vào. Công Tôn Yến gặp mặt Thạch Hà Cô, đang định hỏi nàng thì Trúc Thanh Hoa đã nói:

"Có một người đã ra đi!" Công Tôn Yến hỏi:

"Là ai?" Trúc Thanh Hoa nói:

"Là Lệ Nam Tinh!" Công Tôn Yến thất kinh:

"Lệ đại ca đi đâu?".

Thạch Hà Cô kể:

"Là thế này, khi chúng tôi đi ngang Lư Châu nghe nói anh em Sử Bạch Đô và Tứ đại hương chủ của Lục Hợp bang đang đi ở phía trước chúng tôi, đã vào đến Tây Xương. Kim Trục Lưu nghe tin này rất nôn nóng. Chúng tôi vốn định đi vòng qua Tây Xương vào thẳng đây, Kim Trục Lưu biết tin này thì một mình chạy đến Tây Xương".

Phong Diệu Thường cười:

"Đêm qua chúng tôi đã bàn với Trúc lão tiền bối nên tiếp ứng Kim Trục Lưu như thế nào". Cả bốn người ngồi trò chuyện một hồi thì ai nấy tản ra đi làm việc của mình.

Đêm nay Công Tôn Yến lại không chợp mắt được, nàng chợt nghĩ:

"Tại sao mình cứ nhớ đến y? Chả lẽ mình đã thích Lệ đại ca?" Nàng chợt phát hiện bí mật trong lòng mình nên không khỏi đỏ mặt.

Công Tôn Yến là thiếu nữ dám yêu dám nhận, nàng nghĩ thầm:

"Nam nữ thương yêu nhau là chuyện thường tình, dù mình thích Lệ đại ca cũng chẳng phải là chuyện xấu hổ. Lệ đại ca mạo hiểm vì bằng hữu, tại sao mình không thể mạo hiểm vì y?

Mình sẽ đến Tây Xương giúp Lệ đại ca. Ai cười thì mặc họ. Được, cứ như thế".

Công Tôn Yến nghĩ xong rón rén ngồi dậy đẩy cửa sổ lẻn ra ngoài.

Công Tôn Yến vội vàng xuống núi nên không mang lương khô. Nàng thi triển khinh công chạy một mạch đến trời sáng bất giác cảm thấy hơi đói. Ở giữa chốn hoang vắng không có gì ăn, Công Tôn Yến chỉ đành chạy vào rừng hái quả dại.

Lúc này trời đã cuối thu, mùa đông sắp tới nhưng khí hậu ở cao nguyên tây bắc còn lạnh hơn cả mùa đông ở Giang Nam. Công Tôn Yến tìm kiếm cả buổi trời mà chẳng có thứ gì cho vào bụng được. Nàng thở dài, thầm nhủ:

"Mình đành nhịn đói chạy tiếp". Vừa ra khỏi rừng khí trời đột nhiên thay đổi, hoa tuyết rơi xuống trắng xóa, Công Tôn Yến đang buồn bực, chợt nghe như có tiếng xe ngựa, nàng vui mừng thầm nhủ:

"Có người đến thật là tốt". Nàng nghĩ chưa dứt chợt nghe có tiếng quát tháo.

Công Tôn Yến trèo lên cây cao nhìn ra ngoài rừng. Nàng thấy có hai người ăn mặc như võ quan đang chặn chiếc xe la tra hỏi. Trên xe có bảy tám người, trong đó chỉ có một ông già, còn lại đều là phụ nữ, trên tay cầm các loại nhạc khí, hình như là những nghệ nhân hát xướng trên giang hồ.

Hai võ quan nọ quát:

"Xuống mau, xuống mau! Các người là ai, từ đâu đến, đang đi đâu?".

Công Tôn Yến nhìn thấy hai võ quan nọ không khỏi thất kinh.

Hai võ quan này một cao một thấp, người cao thân hình khôi ngô, đầu trọc lóc láng bóng như bôi dầu, người thấp hai huyệt thái dương nhô cao, trong eo cắm một đôi phán quan bút. Công Tôn Yến tuy chưa từng gặp hai người này, nhưng vừa nhìn bộ dạng thì có thể đoán được lai lịch.

Công Tôn Yến thầm nhủ:

"Hai người này đầu sao cũng là nhân vật thành danh trên giang hồ, cả phụ nữ yếu đuối mà cũng bức hiếp. Mình không thể không ra mặt được. Nhưng cha bảo bản lĩnh của hai người này hơn mình".

Nghĩ chưa dứt, chỉ thấy người trên xe đều đã xuống. Ông già đáp rằng:

"Chúng tôi là gánh hát ở Xuyên Tây, đang đến Tây Xương".

Số là người cao chính là Bành Cự Vinh, còn kẻ thấp sử dụng cây phán quan bút chính là Liên Thành Hổ. Bành Cự Vinh kêu lên:

"Ồ, té ra là đến Tây Xương. Người là chủ gánh hát?" Ông già cúi người đáp:

"Đúng thế". Không biết có phải vì ông ta hoảng sợ hay không mà khi nói thì giọng run run. Bành Cự Vinh kéo ông qua một bên:

"Được, ngươi hãy nghỉ ngơi". Khi kéo ông ta thì đầu ngón tay đã âm thầm bóp vào mạch môn của ông già, vừa thử biết ngay ông già chẳng hề có nội lực, ông già tựa như biết đối phương chỉ cần dồn nội lực vào mình sẽ chết ngay cho nên ngoan ngoãn đứng sang một bên. Bành Cự Vinh buông tay, lòng thầm nhủ:

"Dù Hà lão đại có biến thành tro mình cũng nhận ra, người này không biết võ công, giọng nói lại chẳng giống, chắc không phải Hà lão đại".

Liên Thành Hổ chợt chỉ một thiếu nữ trong đám nói:

"Ả là ai?" Ông già đáp:

"Là dưỡng nữ của tôi". Trên tay thiếu nữ cầm một cái lê hoa giản, Liên Thành Hổ hỏi:

"Người có biết kể chuyện sách không?" Thiếu nữ cúi đầu đáp:

"Đã học vài năm, nhưng hát không được hay lắm". Liên Thành Hổ nói:

"Hát một đoạn cho ta nghe thử".

Thiếu nữ chợt đỏ ửng mặt, cầm lê hoa giản mà tay run run, ông già giục:

"Đừng sợ, đại nhân sẽ không làm khó con, con cứ hát một đoạn".

Rồi nàng cất giọng hát một đoạn trong Tây xuân ký, tuy giọng hát hơi run nhưng nghe cũng tạm được. Hai người Liên, Bành lắng nghe khẩu âm của nàng, quả thực có mang khẩu âm miền Xuyên Tây, lòng thầm nhủ:

"Con gái của Hà lão đại hát giọng Sơn Đông, xinh xắn hơn ả này nhiều, nhưng thân hình lại rất giống nhau, bọn chúng đi lại trên giang hồ rất giỏi thuật cải trang, phải coi kỹ hơn chứ đừng để ả gạt".

Liên Thành Hổ nhìn thiếu nữ với ánh mắt dò xét rồi chợt bảo:

"Rút cây ngân châm trên đầu ngươi cho ta xem thử?".

Ngân châm cũng chẳng phải là vật hiếm gì, nhưng trên cây ngân châm có khắc hình con chim phượng đang múa trông rất sống động. Cây ngân châm chỉ bằng ngón tay út nhưng hình con chim phượng hiện lên rất rõ ràng! Liên Thành Hổ khen rằng:

"Thủ công thật tinh tế!" Bành Cự Vinh hừ một tiếng rồi nói:

"Ngươi chỉ là một nữ tử hát xướng, sao lại có vật trang sức quý giá như thế này?".

Ông già khúm núm cười rằng:

"Đây là sính lễ của nó, vị hôn phu của nó làm việc trong ngân lâu, tay nghề rất giỏi, chính hắn đã khắc cây ngân châm này".

Liên Thành Hổ hỏi:

"Tại sao không khắc vật khác mà lại khắc chim phượng?".

Ông già nói:

"Điều đó thì tôi không biết, chắc là lấy theo ý nghĩa loan phượng hòa minh".

Công Tôn Yến không nhìn thấy rõ, cây ngân châm nhưng nghe họ hỏi đáp như thế thì không khỏi thất kinh:

"Té ra đó là Thái Phượng tỷ tỷ. Thuật dị dung của tỷ ấy thật khéo léo, nếu không có cây ngân châm này mình đã không nhận ra".

Lần này hai người Bành, Liên mang quà của Tào Chấn Dung đến Tây Xương tặng cho Soái Mạnh Hùng. Soái Mạnh Hùng là tướng cầm trọng binh, Tào Chấn Dung muốn lôi kéo y cho nên phái hai thủ hạ đắc lực từ xa mang quà đến.

Lại nói hai người Bành, Liên nhìn thấy cây ngân châm liền nghi hoặc, lòng thầm nhủ:

"Giọng nói và diện mạo tuy không giống, nhưng lại biết kể chuyện sách, biết hát sách, hình chim phượng khắc trên cây ngân châm hợp với tên ả. Nếu đúng là ả này, mình sẽ bắt về dâng cho Tào công tử".

Liên Thành Hổ trầm ngâm một lát rồi hỏi gặng:

"Các người đến Tây Xương làm gì?".

Ông già trả lời:

"Ngày kia là đại hôn của Soái tướng quân, ngài đã mời chúng tôi đến góp vui. Đây là thiệp mời".

Liên Thành Hổ phất tay, gạt:

"Không cần xem nữa, ta không nghi ngờ các ngươi nói dối, nhưng bọn ta phải dắt ả này đi".

Ông già cả kinh:

"Nó là trụ cột trong gánh hát chúng tôi, chuyện này ...".

Liên Thành Hổ cười:

"Chính vì điều đó ta mới dắt ả đi!".

Ông già run rẩy:

"Nhưng chúng tôi cũng phải đến Tây Xương, tại sao ngài lại dắt nó đi?".

Liên Thành Hổ đáp:

"Xe la của các ngươi đi rất chậm, ngựa của bọn ta chạy nhanh. Ta dắt ả đi cùng, ngày mai có thể đến Tây Xương". Té ra Liên Thành Hổ đã nghi ngờ thiếu nữ này chính là Hà Thái Phượng, cho nên y muốn dắt nàng đi trước, đến phủ tướng quân thì chỉ cần dùng nước sạch rửa mặt có thể khiến nàng lộ ra mặt thật. Hà Thái Phượng thầm thất kinh, đang suy nghĩ cách ứng phó, Liên Thành Hổ đã cười:

"Nào, ta và nàng cùng ngồi một ngựa, nàng đừng sợ, ta sẽ không bắt nạt nàng".

Nói chưa đứt thì chợt nghe tiếng ngựa hí rất thê lương. Hai người Bành, Liên vội vàng quay đầu nhìn, cả hai không khỏi biến sắc, Liên Thành Hổ há hốc mồm.

Té ra sau khi cả hai xuống ngựa thì hai thớt ngựa gặm cỏ bên bìa rừng, nhưng lúc này chợt chạy lồng lên, trên mông hai thớt ngựa cắm một cây trủy thủ sáng quắc.

Hai người Liên, Bành vừa lo vừa giận, đồng thanh quát:

"Tên tiểu tặc ở đâu dám ám toán ngựa của ta?" Rồi không thèm để ý đến Hà Thái Phượng nữa mà vội vàng đuổi theo.

Công Tôn Yến phóng hai ngọn trủy thủ rồi cố ý phát ra tiếng cười. Hai người Liên, Bành một người đuổi theo ngựa, một người chạy vào rừng tìm kiếm. Bản lĩnh thật của Công Tôn Yến thua Bành Cự Vinh nhưng khinh công lại hơn hẳn y. Mà Bành Cự Vinh ở chỗ sáng, nàng ở chỗ tối, cây trong rừng um tùm, Công Tôn Yến có ý muốn bỡn cợt y, làm sao để cho y tìm ra được.

Công Tôn Yến dụ cho y chạy ra xa rồi mới lẳng lặng quay trở lại.

Bành Cự Vinh tìm không thấy càng thất kinh. Y chỉ tưởng bản lĩnh của kẻ địch hơn hẳn mình, sợ rằng trong rừng sẽ bị ám toán nên vội vàng chạy ra.

Lúc này Liên Thành Hổ đã đuổi kịp theo hai thớt ngựa, nhưng ngựa lại chảy máu quá nhiều, tuy chưa chết nhưng cũng không thể dùng được nữa. Hai người bàn bạc một hồi, Liên Thành Hổ hơi nhát gan, nói:

"Khinh công của người ấy giỏi như thế, không biết có phải là Kim Trục Lưu không?".

Bành Cự Vinh đáp:

"Chỉ cần chúng ta đi cùng nhau thì tên tiểu tử Kim Trục Lưu chẳng làm gì được" Liên Thành Hổ:

"Không biết y có còn đồng bọn hay không, theo tôi thấy, chi bằng chúng ta cứ chạy gấp đến Tây Xương có lẽ tốt hơn. Dù sao ả này cũng đến Tây Xương, cử để ả đi một mình vậy. Không lo chẳng có cách tìm ra lai lịch của ả".

Lúc này bọn chúng đã mất ngựa, nếu dắt theo thiếu nữ này càng phiền hơn.

Công Tôn Yến thấy bọn chúng đã đi xa mới bước ra gặp Hà Thái Phượng, Hà Thái Phượng vừa lo vừa mừng, reo:

"Công Tôn muội muội, té ra muội nấp trên cây giúp tỷ. Nhưng tại sao muội đến đây?".

Công Tôn Yến trả lời:

"Nói ra thì dài, vậy còn tỷ?".

Hà Thái Phượng nói:

"Lúc nãy muội không nghe thấy ư? Tỷ đến Tây Xương mãi nghệ!".

Công Tôn Yến:

"Muội không tin tỷ chịu đến góp vui cho Soái Mạnh Hùng. Mau nói thực!".

Lúc này Hà Thái Phượng mới nói:

"Góp vui là giả, hành thích là thực". Công Tôn Yến thất kinh, kêu:

"Soái Mạnh Hùng võ nghệ cao cường, không thể đùa được!".

Hà Thái Phượng nói:

"Chính vì y võ nghệ cao cường cho nên chúng ta mới phải hợp lực với nhau". Rồi nàng giải thích:

"Đây là kế hoạch của Lý Đôn! Ngày kia có rất nhiều hảo hán đến 'góp vuí cho Soái Mạnh Hùng".

Công Tôn Yến gật đầu:

"Đúng thế, nghe nói tỷ và Lý Đôn đã thành thân. Tỷ phu đâu?" Hà Thái Phượng đáp:

"Chàng đã đi trước". Công Tôn Yến nhìn ông chủ gánh hát râu tóc bạc phơ mà lòng thắc mắc, nàng buột miệng:

"Lão bá này là ...".

Hà Thái Phượng nói:

"Người là bằng hữu của cha tôi, đúng là một chủ gánh hát.

Muội tưởng ..." Công Tôn Yến cười gượng:

"Muội cũng tưởng là cha của tỷ cải trang.

Thuật dị dung của tỷ thật khéo léo".

Hà Thái Phượng hỏi:

"Tỷ đã nói xong chuyện của tỷ, còn muội thì sao?" Công Tôn Yến cười:

"Muội cũng muốn nhờ tỷ cải trang để muội đi theo gánh hát này".

Rồi nàng lần lượt kể lại mọi chuyện cho Hà Thái Phượng. Hà Thái Phượng mới nói:

"Điều này thì dễ, tỷ có dịch dung đơn, sau khi cải trang đảm bảo sẽ không ai nhận ra muội". Rồi nói:

"Nếu muội không bận chuyện gì, ngày kia có thể cùng nghĩa quân núi Đại Lương đánh thẳng vào Tây Xương".

Công Tôn Yến hỏi:

"Sao tỷ biết nghĩa quân sẽ đánh vào Tây Xương? Muội cũng từ Đại Lương ra đây, tại sao không biết tin này?".

Hà Thái Phượng nói:

"Theo kế hoạch của Lãnh Thiết Tiều ở phía Tiểu Kim Xuyên thì tối ngày kia sẽ đánh vào Tây Xương, ông ta cầm một toán nghĩa quân đang đến núi Đại Lương hợp với Trúc Thượng Phụ, cha của tỷ phụ trách liên lạc giữa Tiểu Kim Xuyên với núi Đại Lương, có lẽ chiều tối hôm nay sẽ tới nơi".

Hai người bàn bạc một hồi, Hà Thái Phượng lấy đồ nghề ra cải trang cho Công Tôn Yến trở thành một người bệnh trong gánh hát.

Lại nói Lệ Nam Tinh một mình đến Tây Xương, lúc này cũng đang gặp khó khăn cho nên không vào thành được!

Chàng vốn muốn dùng khinh công, nửa đêm lẻn vào Tây Xương, nhưng khi đến nơi bất giác sợ lạnh mình.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương