PHẦN BỐN: NHỮNG MỤC TIÊU

MỤC ĐÍCH:

1/ Cho bạn biết mục tiêu quan trọng ra sao trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn.

2/ Giải thích tại sao phần đông không bao giờ đề ra mục tiêu.

3/ Nhận dạng các loại mục tiêu nên có.

4/ Giải thích rõ ràng đặc tính của các mục tiêu.

5/ Giải thích đặc biệt cách đặt định mục tiêu.

6/ Tiến trình chi tiết để đạt mục tiêu.

�T KHÔNG?

TẦM ĐÍCH BẠN KHÔNG THỂ THẤY

Đối với nhiều người, danh tiếng của Howard Hill hẳn vang dội như tiếng chuông. Có lẽ anh là tay xạ tiễn nổi danh nhất. Anh bắn chính xác đến nỗi hạ được cả voi, cọp Bengal, bò mộng xứ Cape bằng cung tên nữa. Chính mắt tôi đã từng thấy Howard biểu diễn “liên châu tiễn”, mũi tên đầu cắm giữa hồng tâm, mũi tên sau chẻ đôi mũi tên trước. Nghe đến đây, hẳn bạn phải trợn mắt ngạc nhiên. Song nếu khỏe mạnh, có thể bạn còn bắn giỏi hơn cả Howard Hill trong những ngày thành công nhất đấy. Bạn có thể bắn “liên châu tiễn” giỏi hơn cả Howard Hill hoặc bạn chẳng bao giờ bắn được phát nào ngoài mấy mũi tên đùa chơi thời thơ ấu mà thôi. Dĩ nhiên, nếu bịt mắt Howard Hill lại và dẫn anh đi lòng vòng vài lượt thì tôi tin chắc bạn phải bắn giỏi hơn anh rồi.

Hi vọng bạn cho lối so sánh đó là kỳ quặc và rồi tự nhủ: “Điều đó dĩ nhiên rồi. Làm sao một người không thấy hồng tâm lại bắn trúng đích được”. Bạn nói chí lý. Giờ tôi xin phép hỏi bạn thêm một câu khác nhé. Nếu Howard Hill không bắn trúng nổi hồng tâm vì không thấy đường thì liệu anh có bắn trúng khi không có hồng tâm không? Bạn có một hồng tâm hay một đích điểm không? ĐẠT ĐẾN MỤC TIÊU MÌNH KHÔNG CÓ CŨNG KHÓ NHƯ PHẢI TRỞ VỀ NƠI MÌNH CHƯA BAO GIỜ TỚI VẬY.

Không đề ra những mục tiêu rõ ràng, chính xác, bạn sẽ không thể hiểu được hết tiềm năng ẩn tàng trong mình. Bạn không bao giờ được “là một kẻ” lang thang vô định, “mà phải là” một người có ý nghĩa đặc biệt. Bạn và những mục tiêu của bạn như thế nào? Chúng đã được xác định rõ ràng hay vẫn còn mù mờ?

HOẠT ĐỘNG – HOẶC HOÀN TẤT

Người không mục tiêu cũng giống như thuyền không lái, trôi dạt mông lung, để rồi cuối cùng vất vưởng trên bờ chán chường, thất vọng và thảm hại. Nhà sinh học vĩ đại người Pháp, John Henry Fabre, đã có lần làm một thí nghiệm lý thú với loại sâu Processionary, đây là loại sâu theo đuôi con đầu đàn một cách mù quáng nên mới có tên đó (Processionary: đám rước) Fabre cẩn thận xếp chúng sát bên nhau vòng theo mép bình bông thành một vòng tròn. Giữa bình bông, ông xếp đầy lá thông là thức ăn của loại sâu này, rồi bắt đầu cho chúng di chuyển. Thế là con này nối đuôi con kia, đánh vòng tròn hết giờ này qua giờ khác. Chúng vòng quanh miệng bình như vậy được đúng bảy ngày rồi lả tả theo nhau rớt xuống chết vì đói, bên cạnh đống thức ăn ngon lành cách đó không đầy 15 cm, chỉ vì đã lẫn lộn giữa hoạt động và mục đích.

Nhiều người trong chúng ta cũng lầm lẫn y như vậy nên chỉ mù quáng theo chân đám đông, gặp chăng hay chớ chứ chẳng có đích điểm gì cả. Mọi việc họ làm đều vì thói quen, vì “ai cũng làm như vậy cả”.

Họ giống hệt như ông chồng được vợ nhờ tới tiệm thực phẩm mua dăm bông. Khi mang dăm bông về, bà vợ hỏi sao ông ta không bảo người bán cắt bỏ mẩu đuôi giùm. Người chồng mới hỏi lý do thì vợ trả lời là vì xưa nay vẫn thấy mẹ mình làm như vậy. Tiện thể bà mẹ vợ đang chơi ở đó nên hai vợ chồng kéo lên hỏi bà vì sao phải cắt bỏ khúc đuôi dăm bông thì bà đáp là tại thấy mẹ mình làm vậy nên bắt chước theo. Thế là cả ba đều quyết định gọi điện cho bà ngoại để hỏi cho rõ điều bí mật lưu truyền qua ba thế hệ ấy. Người bà liền cho hay sở dĩ bà cắt bỏ khúc đuôi dăm bông là vì lò nướng của bà nhỏ nên không nướng cả khúc được. Như vậy là bà có lý do hẳn hoi còn bạn thì sao?

SỐNG THẾ CHỈ THẤT BẠI MÀ THÔI

Phải chăng những người không thành công ở đời đều đã thực sự vạch kế hoạch để thất bại? Tôi không nghĩ vậy. Vấn đề là họ chẳng hoạch định gì cả. Mục tiêu ở đời quan trọng đến thế mà sao chỉ có rất ít người thực sự đặt định mục tiêu của mình một cách rõ ràng? Thưa, có bốn lý do chính:

Thứ nhất, không ai cho họ biết “điều đó” cả. Nghe nói thì có, được chỉ dạy thì không.

Thứ hai, họ không biết cách làm.

Thứ ba, họ sợ không đạt được mục tiêu sẽ rắc rối to.

Thứ tư, vì tự ti mặc cảm. Họ nghĩ mình không xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp ở đời.

Nghĩ như vậy thật sai lầm. Lý lẽ và đường lối vạch ra trong sách này sẽ giúp giải quyết bốn lý do trên nếu bạn thực sự suy cứu. Trong phần này, tôi sẽ “bán” cho bạn các mục tiêu và giúp bạn biết cách đặt định chúng. Phần hai và hầu như toàn bộ cuốn sách đều nói về hình ảnh tự thân của bạn để bạn biết yêu thích chính mình hơn. Như vậy là bạn đã có đủ mọi bước đường và phương thức để xứng đáng đạt được mọi sự tốt đẹp ở đời, mọi việc bây giờ là tùy ở nơi bạn.

Bạn sợ hãi ư? Đừng lo, hãy nhìn thẳng vào vấn đề. Bạn sợ hãi, không muốn cam kết gì cả, chỉ vì không muốn mất mặt trước bạn bè chứ gì? Hoặc giả bạn sẽ không lộ ra với ai về mục tiêu của mình trừ phi biết rõ họ không những tin mình có thể đạt mà còn muốn mình đạt được mục tiêu đó nữa, cho chắc ăn chứ gì? Như vậy có khác gì những người quyết định không đặt định cho mình mục tiêu rõ ràng nào cả để nếu không hoàn thành còn có cớ bào chữa vì mình đâu có mục tiêu nào. Đối với họ, cách này xem ra an toàn và không gặp “rủi ro” nào cả.

Tuy nhiên, tôi sẽ vạch cho bạn thấy lý luận đó cũng chẳng “an toàn” hơn việc đậu tàu trong bến vì “sợ” ra khơi gặp bão, máy bay nằm ụ trên phi cảng vì “sợ” cất cánh sẽ rơi, ngôi nhà bỏ không vì “sợ” đến ở sẽ bị sập. Trái lại, tàu đậu lâu tất sẽ bị rêâu phong bám, máy bay nằm ụ mãi tất sẽ bị gỉ sét ăn, ngôi nhà bỏ không hoàn toàn sẽ bị mưa gió hại. Phải, đặt định mục tiêu cũng có nguy hiểm, nhưng nguy hiểm vì không có mục tiêu còn lớn gấp bội. Lý do hết sức đơn giản, cũng như tàu được đóng để đi biển, máy bay được chế để bay lượn trên trời, nhà được xây cất để làm chỗ dung thân thì con người được tác tạo cũng có một mục đích. Mục đích đó là gặt hái những điều trong tầm tay để đóng góp cho sự thăng tiến của xã hội. Mục tiêu trong đời sẽ giúp bạn trở nên hữu ích hơn cho mình và cho đời.

MAI MÌNH ĐI ACAPULCO

Giả dụ, một người bạn đáng kính, đáng trọng gọi điện thoại cho bạn báo rằng: “Bạn thân mến, có tin mừng cho bạn đây. Nếu muốn, bạn có thể đi với chúng tôi đến tham quan Acapulco miễn phí trong vòng ba ngày. Tám giờ sáng mai sẽ lên đường. Chúng tôi còn đủ chỗ cho vài người. Ông chủ sẽ đưa chúng ta đi bằng phản lực riêng và mình sẽ ở tại biệt thự của ông ngay trên bờ biển”. Phản ứng đầu tiên của bạn có lẽ là “tuyệt quá, nhưng mình còn nhiều việc lắm, chẳng hiểu có thể sắp xếp xong không”. Bạn vừa tính trả lời như vậy thì người vợ hiền có sáng kiến đề nghị bạn hẹn người bạn chờ cho ít phút đã. Thế rồi hai vợ chồng bạn bắt đầu bàn bạc kế hoạch. Bạn sẽ tự hỏi trước nhất: “Giờ anh phải làm gì đây?”. Rồi bạn lấy giấy, viết ghi ra tất cả những việc phải làm, đoạn xếp thứ tự ưu tiên. Cuối cùng, uỷ quyền lại cho nhân viên một số việc rồi gọi điện báo lại với bạn: “Bạn ơi! Tôi đã sắp xếp được rồi. Mai mình đi nhé!”.

Tôi xin bảo đảm là trong hai mươi bốn giờ còn lại ấy, bạn sẽ làm được nhiều việc hơn ngày thường nhiều!

Vậy tôi xin hỏi thêm: Tại sao hằng ngày bạn không làm như đang chuẩn bị để mai đi Acapulco? Tạ sao bạn không kê ra những việc cần làm trong ba ngày tới rồi hành động như mình chỉ còn một ngày để làm cho xong thôi? Ông chủ tiệm thực phẩm của tôi ngày xưa thường nói: “Điều đó sẽ buộc anh phải suy nghĩ tốt hơn”, bạn phải động não mà suy nghĩ, hoạch định và ủy nhiệm trước khi bắt tay vào việc. Bạn có thể hoàn thành được nhiều việc hơn khi bạn thực sự đi Acapulco hay bất cứ nơi nào bạn muốn trong những ngày mai của đời mình. Tại sao ư? Tại vì bạn sẽ thay đổi từ một người “lang thang vô định” thành “một người có ý nghĩa đặc biệt”. Đời bạn có hướng đi.

Người ta hay phàn nàn là không có đủ thì giờ trong khi vấn đề chính là không có hướng đi. Rất nhiều “chuyên gia” nói: đáng lẽ chúng ta phải bị bắt vì tội “sát nhân” khi giết hết thì giờ mới đúng. Xong nghĩ cho cùng, phải nói rằng tội giết “thì giờ” không phải là sát nhân là là “tự sát”. Thời gian có thể là đồng minh nhưng cũng có thể là kẻ thù, điều đó hoàn toàn tùy thuộc nơi bạn, mục tiêu của bạn và sự cương quyết tận dụng từng phút giây bạn có thể có được.

KHÔNG CÓ MỤC TIÊU – KHÔNG CÓ THI ĐẤU

Thử áp dụng vào trận thi đấu chung kết bóng rổ giành chức vô địch ta sẽ thấy mục tiêu quan trọng đến mức nào. Đội bóng nào cũng được ủng hộ nhiệt tình và được chuẩn bị sẵn sàng về mặt thể lý cho cuộc thi đấu. Bầu không khí thật sôi nổi và các cầu thủ hồi hộp thấy rõ trước trận tranh chức vô địch này. Họ trở lại phòng thay đồ và nghe huấn luyện viên dặn dò lần cuối: “Nhớ cho kĩ nghe. Bây giờ hoặc không bao giờ đấy. Chúng ta thắng hay bại chỉ trong đêm nay thôi. Không ai nhớ người đàn ông đẹp nhất trong đám cưới cũng như không ai nhớ đội hạng nhì cả. Cả mùa bóng tùy thuộc mỗi đêm nay thôi”.

Các cầu thủ đã đáp ứng lại. Họ phấn khích đến độ chen nhau muốn long cả cánh cửa để ra sân. Nhưng vừa đến sân họ liền chựng ngay lại, bối rối vì thất vọng và giận dữ chỉ lên hai tấm bảng cuối sân trống trơn, không còn rổ. Họ gào lên, ai có thể thi đấu không mục tiêu cho nổi. Không có mục tiêu, làm sao ghi bàn, làm sao biết mình ném trúng hay trật được. Và tất nhiên họ sẽ chẳng bao giờ thi đấu nếu không có rổ cả. Rổ trong thi đấu bóng rổ quan trọng đến thế đấy! Còn bạn thì sao? Bạn có thể thi đấu trong trận đấu cuộc đời mà không có mục tiêu được không? Nếu được, thì đâu là bàn thắng?

CUỘC SỐNG ĐÁNG GIÁ

Tại các nhà an dưỡng và hưu dưỡng trên khắp nước ta thường có một hiện tượng thú vị là tử suất giảm một cách ngoạn mục trước những ngày lễ, những ngày kỷ niệm đặc biệt như cưới hỏi, sinh nhật... Rất nhiều người tự đặt cho mình mục tiêu là phải sống thêm một lễ giáng sinh, một ngày kỷ niệm, một dịp quốc khánh nữa... và khi các ngày lễ ấy qua đi, ý chí muốn sống giảm bớt thì tử suất lại đột ngột gia tăng. Thật thế, cuộc sống có giá trị và chỉ đáng duy trì khi còn mục đích để sống. Ai cũng biết mục đích cuộc đời quan trọng tới mức nào nhưng do cố ý hoặc vô tình, nhiều người vẫn tiếp tục buông trôi theo dòng đời như “một kẻ lang thang vô định” hơn là sống như “một người có ý nghĩa đặc biệt”.

MỤC TIÊU CÓ THỂ LÀ CON NGỰA THẮNG GIẢI

Julie quí chú ngựa Irish hết sức, nhưng hiện cô đang tức tối, đau đớn, thất vọng, mệt mỏi, chán nản và buồn khổ vô cùng. Bao tuần qua, cô miệt mài tắm rửa, chải lông, săn sóc và huấn luyện nó cho một cuộc thi lớn. Cô thức từ ba giờ sáng để chải chuốt nó. Cô tết bờm thật đẹp, thắt đuôi thật oai, phủ lưng lộng lẫy móng sáng loáng... Yên cương, dây thắng và bàn đạp cứ bóng nhoáng dưới ánh mặt trời. Riêng cô thì hệt như một con búp bê xinh đẹp khi bước vào trường đua. Nhưng điều gì đã đến? Chẳng có gì hết, phải, tuyệt đối không có gì hết. Con Irish mà ai cũng nghĩ sẽ vượt rào dễ như bỡn ấy đã không chịu nhảy, thậm chí không chịu nhấc giò lên nữa mới tức chứ. Giấc mơ đoạt giải ôm ấp bấy lâu nay cộng với bao nhiêu ngày đêm mệt nhọc hóa thành công cóc.

Năm ấy Julie Ziglar mới mười sáu tuổi. Trước thất bại ê chề ấy, cô đã quyết định xăn tay áo lên đạt cho kỳ được điều cô ấp ủ bấy lâu nay là một con ngựa đoạt giải mới chịu thôi.

Cô ra giá bán con Irish, quảng cáo trên báo và nhất mực giữ giá đến cùng trước những tay lái ngựa. Bán xong, cô gởi tiền vào trương mục tiết kiệm và bắt đầu đi tìm con ngựa ước mơ. Cô đi coi khắp các chuồng ngựa trong vùng, đọc tất cả các mục quảng cáo bán ngựa cho tới khi tìm được con Butter Rum, một con ngựa thiến thuần giống mới hai năm tuổi. Vừa trông thấy nhau, Julie và Butter Rum đã “mê nhau” ngay. Xong có một trở ngại nhỏ Butter Rum mắc giá hơn Irish nhiều, mà Julie lại không chịu nhận tiền của ba má. Tuy nhiên rồi cũng đâu vào đấy cả vì Julie là một cô gái tin rằng nếu đã muốn thì phải làm cho kỳ được. Cô cũng tin ở nguyên tắc đạt đích cơ bản là: CỨ TIẾN XA HẾT MỨC ĐÃ, KHI TỚI ĐÓ, BẠN SẼ LUÔN CÓ THỂ THẤY XA HƠN NỮA. JULIE ĐÃ MUA CON BUTTER RUM SAU KHI dùng tiền bán con Irish bỏ cọc và xin trả góp số tiền thiếu. Rồi cô đi làm để trả nợ. Cô mướn người chuyên môn huấn luyện cho Butter Rum và tự lo trả học phí. Cô và Butter Rum cùng nhau khổ luyện ngày đêm và chẳng mấy chốc cả hai đã đoạt được rất nhiều giải thưởng. Giờ thì tường phòng Julie đã treo kín những tấm huy chương đủ màu, và cô đã kiếm được một số tiền lớn gấp bốn lần rưỡi số cô phải bỏ ra để mua và huấn luyện con Butter Rum. Điều lý thú trong câu chuyện này, ngoài việc Julie là con gái tôi, còn ở chỗ nó nhắc ta nhớ rằng nếu muốn một điều gì đó, chúng tôi phải đề ra mục tiêu rõ ràng mới được. Khi đã có mục đích rõ ràng rồi thì chúng ta khó mà thất bại nổi.

KHAI THÁC NĂNG LƯỢNG

Lần đầu tiên tôi được may mắn bay ngang thác Niagara cách đây khá lâu. Khi đến gần thác, viên trưởng đoàn phi hành liền loan báo trên loa: “Thưa quí khách, thác Niagara đang ở bên trái quí khách. Quí khách nào chưa từng trông thấy thác từ trên không xin mời sang bên trái chiêm ngưỡng cảnh kỳ vĩ này!”. Tôi làm theo lời anh và dù còn cách xa nhiều dặm, tôi cũng đã trông thấy và cảm nhận được sức mạnh vô song của nó qua những giọt nước tung toé văng cao cả trăm bộ ấy.

Ngắm nghía những giọt nước văng cao, tôi chợt nghĩ. Bao tỉ tỉ tấn nước từ độ cao 180 bộ đã đổ xuống thành giòng nước xiết chảy lãng phí từ bao ngàn năm trước cho tới ngày một người đặt ra kế hoạch khai thác một phần năng lượng đáng sợ này. Ông đã khai thác một phần nước đổ không vô ích vào một mục tiêu đặc biệt tạo nên hàng tỉ KW/g điện cho công nghiệp, qua đó hàng ngàn ngôi nhà được thắp sáng, hàng tấn thực phẩm được thu hoạch, hàng vạn sản phẩm được chế tạo và phân phối. Biết bao công ăn việc làm cho người lớn, trẻ em được dạy dỗ, đường xá được kiến thiết, các cao ốc và bệnh viện được xây dựng, nhờ ở nguồn năng lượng mới này. Còn vô vàn ích lợi khác nữa và tất cả đều nhờ ởû một người có kế hoạch khai thác một phần năng lượng của dòng thác Niagara vĩ đại này, để hướng nó vào một mục tiêu đặc biệt. Đó cũng chính là điều tôi xin bạn thực hiện đấy.

MỤC TIÊU? CHO AI?

Tự điển định nghĩa mục tiêu là mục đích hoặc một chủ định. Nó là một kế hoạch, một điều gì đó mà bạn muốn thực hiện. Tôi thành thực khi bảo rằng dù bạn là ai, ở đâu hay làm gì thì bạn cũng phải có mục tiêu.

Người mẹ, người cha, nhà buôn, người nội trợ, sinh viên, công nhân, bác sĩ, lực sĩ, ai cũng phải có mục tiêu cả. Có lẽ bạn không thể thắp sáng được cả thành phố như thác Niagara nhưng VỚI NHỮNG MỤC TIÊU RÕ RÀNG, BẠN SẼ GIẢI PHÓNG ĐƯỢC NĂNG LỰC CỦA MÌNH VÀ MỌI SỰ SẼ BẮT ĐẦU. MỤC TIÊU THIẾT YẾU RA SAO, BẠN CỨ THỬ TƯỞNG tượng là Sir Edmund Hillary, người đầu tiên trèo tới đỉnh Everest, đang cắt nghĩa cho bạn lý do giúp ông có thể lập được kỳ công đó thì biết. Chả lẽ ông lại bảo bạn là một hôm đang đi quanh quẩn chơi thì tự nhiên thấy mình đã ở trên đỉnh núi à. Hoặc chủ tịch ban giám đốc General Motors giải thích với bạn là ông đạt đến địa vị đó bằng cách là siêng năng làm việc rồi người ta cứ thăng chức dần cho tới lúc làm chủ tịch, bạn có tin không? Dĩ nhiên, đây chỉ là chuyện khôi hài song nếu bạn nghĩ mình có thể hoàn thành được một điều có ý nghĩa nào đó mà không hề có mục tiêu thì còn khôi hài hơn nhiều.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương