Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên
Chương 120: Khẩn trương sắp xếp việc nhà

Lần này Bùi quản gia tận tai nghe cô nương thản nhiên nói lý lẽ rồi. Có muốn tiến tới cũng không được, huống chi chuyện sức khỏe của Mạc tiểu thơ còn phải nhờ cậy người ta.

– Được, ta hiểu được.

Haiz, Mai mỉm cười nhẹ nhõm. Ông ngoại và cậu hai cũng thở ra, xem qua vị này cũng không phải ỷ mạnh hiếp yếu, cũng hiểu lý lẽ. Bùi Nghĩa liếc nhanh phản ứng người Nguyễn gia, xem ra chỉ có mấy người là biết bí mật trong hai lớp ván đáy ghe.

Tối qua lúc tháo chiếc ghe ra mọi người ngạc nhiên nhìn mấy món được sắp xếp bên trong. Chắc chắn mấy thứ này đặt vào để làm cái ghe giữ cân bằng tốt hơn, nhưng nó hoạt động thế nào? Quan trọng hơn là ai nghĩ ra?

Xưởng đóng ghe ào cũng có vài mẹo nhỏ giữ làm bí mật của mình. Mỗi chiếc ghe ở mỗi xưởng xuất ra luôn có khác biệt, nhưng đây là cơ cấu cân bằng rất lạ, đơn giản mà hiệu quả. Thật sự là bí mật gia truyền của Lê gia ở Đông Hồ sao? Từ Đông Hồ đến đây mấy ngày đường, Bùi gia vẫn chưa vươn tay tới đó, cũng nên để tâm là vừa.

Bùi quản gia thấy căng thẳng đã qua, tươi cười nói:

– Bùi gia ở Trấn trên có mấy mẫu đất ruộng trong vùng trũng. Dùng loại ghe này quả thật tiện lợi. Muốn đặt thêm hai chục chiếc, không biết có thể xong trước khi nước lên năm nay không?

Hả, hai chục chiếc, trúng mánh rồi!

Ông ngoại nhìn cậu hai như hỏi ý. Cậu chắp tay nói:

– Hai chục chiếc quả thật hơi nhiều. Năm nay nước lên sớm, có thể giao trước độ mười, mười lăm trước được không? Ta đương nhiên sẽ dốc sức làm, nhưng thực sự không dám hứa chắc.

Ông ngoại như cân nhắc, rồi tiếp lời cậu.

– Hơn nữa, đường từ Đông Hồ đến đây xa xôi, không thể chuyển nhiều trong một lần. Có thể gây chú ý, nhà lão đơn chiếc, gây quá nhiều chú ý không tốt lắm.

Mai gật gật đầu, ông ngoại nói đúng ý cô. Mà cô tin là Bùi gia cũng sẽ không thích chuyện phô trương này. Dùng hai mươi chiếc ghe đi thăm đồng trũng sao? Cô không tin đâu.

Bùi quản gia gật đầu hô phải, nói:

– Nguyễn bá nói phải. Như vầy đi, mỗi lần giao khoảng ba hay năm cái là được. Chỉ giao đến bến ở trấn trên, phần còn lại ta sẽ tiếp.

– Vậy thì tốt quá, chuyện này coi như thành. Đa tạ Bùi đại nhân chiếu cố.

Ông ngoại điềm đạm trả lời, còn chắp tay khách khí nói.

A, còn chưa bàn chuyện đặt cọc, thanh toán sao nữa mà? Hơn hai trăm quan lận đó ông ngoại. Mai đưa mắt qua lại nhìn mấy người lớn, mua bán mà, nên bàn chi tiết sòng phẳng mới khỏi mích lòng sau này chứ, mà không ký văn tự giấy tờ gì sao.

Bùi Nghĩa nhìn ánh mắt tiểu cô nương sáng rực lên lúc nghe chuyện hai chục chiếc ghe, biểu hiện nét mặt đó rất rõ ràng. Thì ra cũng tham tiền chứ không phải bất cần. Nhưng mà làm mua bán thì nên là như vậy. Ông gật đầu ra hiệu cho quản gia.

– Đây là năm mươi quan tiền đặt trước. Sau này khi giao ghe thì sẽ trả tiền thêm. Nguyễn bá thấy được không?

– Tất nhiên được, lão không rành chữ nghĩa, Bùi quản gia có văn tự không?

– A, không cần đâu. Cứ theo giá là 240 quan, nhớ như vậy là được.

– Đa tạ, đa tạ.

Cậu hai bước lên nhận tiền rồi trao túi cho Mai đứng sau lưng ôm. A, năm mươi quan, là mười đỉnh bạc, có thể mở ra đếm không ta? Mai đưa tay lần lần mấy đỉnh bạc mát lạnh qua lần vải.

Công sức mình nghĩ ra “mẹo” giữ thăng bằng cho cái ghe hột vịt không uổng chút nào. Nhìn từ bên ngoài ai cũng nghĩ cái ghe dễ lật ngang, nhưng Mai đã thiết kế ghe có hai lớp ván đáy, ở giữa hai lớp ván là một vài chi tiết nhỏ để ghe tự cân bằng khi người chèo đứng nghiêng, hoặc với tay nghiêng người khi đi câu, giăng lưới. Nếu không gặp sóng lớn hoặc lực xô ngang quá mạnh thì bảo đảm ghe không lật được.

Những nhà bình thường, mua ghe về đâu dám “bửa” ghe ra xem dưới đáy làm gì. Còn những xưởng ghe khác, nhìn thấy hai lớp đáy và mấy chi tiết bên trong thì sẽ mất một đoạn thời gian mới hiểu và bắt chước. Lúc đó nhà Mai đã bán được một số ghe, có tiếng tăm rồi nên cô không ngại.

Nhưng Bùi gia lại khác, hôm qua thấy Trương Bàn thúc gật đầu hài lòng, Mai đoán họ sẽ xem xét kỹ cái ghe. Mười hai quan với họ không là gì, lại thêm họ đi nhiều biết rộng thì rất nhanh sẽ phát hiện ra bí mật dưới đáy ghe.

Ha ha, mà nhờ vậy nhà cô mới có đơn hàng này, tốt quá!

Trước khi ra về, Bùi quản gia cười hỏi cô:

– Lê cô nương ở lại đây bao lâu?

Gì chứ, mới mua giúp mấy cái ghe giờ đã muốn đòi hồi đáp rồi!

– Dạ, cháu và Vĩnh ca ở lại đây lâu. Bùi bá đừng lo lắng, chợ phiên tới cháu xin ông ngoại lên trấn thăm bá.

– Được, chúng ta vẫn ngụ ở dược quán. Tiễn khách xong, mọi người thở phào vừa nhẹ nhõm vừa vui mừng. Đúng là không quen giao tiếp người quyền quí, giữ lời giữ miệng còn giữ dáng, thật là mỏi.

Ông ngoại ngồi vào ghế dài hỏi Bình ca:

– Bình thường cha cháu đóng bao lâu một cái?

– Dạ, gần mười ngày một cái. Còn tùy có bao nhiêu người, gỗ còn hay hết nữa.

– Ừ, con thu xếp về nhà phụ đóng, nếu làm xong trước khi nước lên càng tốt. A Tấn, cháu cũng về.

– Dạ, ông ngoại. Mà hai ba hôm nữa mới sửa xong ghe cho Đoàn bá.

Ngoại ngẫm nghĩ rồi quay sang hỏi cậu hai:

– Con cần theo a Vĩnh, a Mai lên trấn nữa không? Họ vẫn muốn hai đứa nhỏ lên đó.

– Con biết, a Mai nói mỗi chợ phiên lên một buổi cũng không ngại. Để a Sinh theo về Đông Hồ luôn đi cha. Dù sao ngày mai có Hào đến.

– Ừ, cứ sắp xếp như vậy. Nhà mình còn rượu không? Ta phải ghé nhị thúc và Trần huynh nữa?

Câu sau là ông xoay qua ván hỏi bà ngoại.

– Còn, ông về nhà mới đi hay giờ đi luôn.

– Thôi, về nhà rồi đi.

Theo lời ông ngoại sắp xếp ai lo làm việc nấy. Mai đã giao túi bạc cho bà ngoại. Cô ở lại bên này xem Bình ca sửa cái ghe của Đoàn bá.

Lúc ăn cơm chiều, ông ngoại dặn mấy đứa không nói ra ngoài. Người trong làng có hỏi thì nói là họ đặt mua thêm ba chiếc, vậy thôi. Còn chi tiết sự tình thì ông chỉ nói cho trưởng họ và Trần lão biết. Ngày mai, đệ đệ tam tẩu thứ năm tên năm Âu cũng đến giúp làm ở tiệm.

Nương sắp xếp chuẩn bị về Đông Hồ, a Phúc cứ nhăn nhăn. Nhóc vừa muốn ở lại đây coi xe ngựa vừa muốn về với nương. Vĩnh ca nhắc nương đến xin với Đỗ lang y được ở lại đây. Ca ấy có muốn về cũng không được.

Nhà cậu ba đến thật sớm, mang theo con gà và một túi nếp. Bà ngoại cằn nhằn thì mợ ba cười cười dạ dạ nhưng nhanh tay đổ nếp vào thùng. Bây giờ Mai mới nhớ a Bạch là ai, là cô nhóc cỡ ba bốn tuổi, da dẻ trắng trẻo, người tròn vo. Nghe nói lúc mới sanh da con bé đã trắng như bông bưởi, nên cả nhà kêu là Bạch luôn. Lỡ da đen thì kêu là mực, hắc, à là miên. Ở hiện đại người ta thấy ai da đen cũng gọi là miên.

Bé Bạch đã nói được thành câu ngắn, rất ngoan ngoãn, hèn chi bà ngoại và mợ đều cưng. Đàn ông và mấy đứa con trai đều đi ra ngoài tiệm cúng để a Hào lạy tổ xin học nghề. Trong nhà, nhóm đàn bà dọn cơm, đợi cúng xong mới ăn sáng.

A Bạch thấy Mai và Vĩnh ca đang bắt sâu và hái lá già trong vườn quăng cho gà ăn cũng lần lần bước ra. Mai thấy bé thì ngoắc tay kêu lại gần. Góc vườn nhà ngoại có quài chuối đã sắp chín, nải phía dưới cùng đã ửng vàng. Cô hái mấy trái đưa cho a Bạch, con bé ngần ngừ rồi cũng lấy.

– Muội biết lột vỏ không?

Con bé gật gật nhưng không ăn, nói:

– Chút nữa, ăn cơm xong mới được ăn.

À, thì ra là vậy. Để cô bé ở đó chơi, cô quay lại công việc với Vĩnh ca.

– Ca có nghe nói cây nào làm thuốc nhuộm màu đỏ không?

– Để làm gì?

Mai kể Vĩnh ca chuyện hồng lạp. Bây giờ tháng sáu rồi, cô vẫn chưa biết làm sao để nhuộm màu cho mấy cây đèn. Chắc là không kịp cho dượng năm bán vào rằm tháng bảy này. Chuyện đóng ghe gần như chiếm hết tâm tư nên cô không nghĩ ra cách, đành phải vậy, đâu thể phân thân.

Tam tẩu thấy mợ ba thỉnh thoảng quan sát a Mai thì lại nghĩ tới mình trước đây. Lúc vừa về làm dâu, thấy mọi người có vẻ chiều chuộng a Mai thì không khỏi lo lắng. Mấy cô nương nhà khá giả thật khó chiều, không biết có làm khó dễ gì không? Nhưng mà dù sao cũng ở tận Đông Hồ, mình ráng chịu đựng vài ngày cũng xong.

Chỉ là mình lo nghĩ nhiều rồi. Căn bản a Mai rất ít lời, không để tâm nhiều chuyện mình làm. Thỉnh thoảng a Mai như suy nghĩ mông lung. Giờ thì mình ước gì a Mai ở đây. Mới chưa đầy tháng mà nhà chồng đã bán được mấy cái ghe, hôm qua là hai mươi chiếc, mấy trăm quan tiền. Chưa bao giờ mình nghe đến số tiền lớn như vậy, chớ đừng nói là thấy.

Tối qua nhìn a Mai sắp xếp mấy phần tiền mang về Đông Hồ, rồi để lại bao nhiêu cha chồng lo việc vận chuyển rất rành rẽ. Mình chỉ đứng phía xa nhìnmà đã hồi hộp lúc thấy mấy đỉnh bạc sáng loáng.

Tự nhiên mình có cảm giác hơi sợ Mai, giống như mợ ba bây giờ vậy. Nhờ Mai nhắc nên a Hào đến đây học đóng ghe, đệ đệ mình cũng vậy. Nếu chuyện mua bán thuận lợi, thì sẽ có tiền mua sắm thêm đồ dùng trong nhà; rồi làm ruộng, một nhà sẽ đủ ăn đủ mặc rồi.

Lúc ăn cơm Mai lại biết thêm chuyện vui. A Bạch đúng là dễ thương, rất háo ăn. Ai gắp cho cái gì cũng ăn hết, không nhanh không chậm từng món đi qua cái miệng nhỏ. Mà sức ăn cũng lớn, hai chén cơm với đồ ăn đầy ăn hết. A Phúc có vẻ rất thích con bé, mấy món bánh mứt trong nhà đều cho nhóc. Mà con nhóc không e ngại, ai cho đều nhận cất một bên. Ha ha, chắc là đồ ăn vặt cả ngày đây, hèn chi cả người tròn vo.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương