Giỏi Văn Không Khó
C14: Làm Sao Để Viết Không Bị Rối?

Chào mọi người mị trở lại đây, tuần trước mị có nhận được hai câu hỏi thế này:


Sau thời gian suy nghĩ mị giải đáp nó cho các bạn đây, sở dĩ mị gom hai câu hỏi trong một chủ đề vì nó tương đối đơn giản, dễ giải đáp.

Ở câu hỏi của bạn @danggllie, bạn băn khoăn về vấn đề ngắt câu, không biết lúc nào thì nên ngắt câu và bạn cảm thấy đôi khi ngắt đúng nó lại không được mượt, không được mạch lạc.

Mị có thể chia câu hỏi của bạn thành hai phần như sau:

1. Lúc nào thì nên ngắt câu.

Theo kinh nghiệm của mị thì câu chấm hết khi nó diễn đạt đủ ý. Nếu câu chưa diễn đạt hết ý mà bạn ngắt thì câu sẽ trở nên lủng củng, rời rạc. Nếu câu đã diễn đạt đủ ý rồi nhưng bạn không ngắt mà cứ viết nối thêm ý khác vào thì sẽ khiến câu trở nên dài và người đọc khó theo dõi vì ý quá lan man, không có hệ thống, không phân chia rạch ròi.

2. Làm sao để câu văn mượt mà, mạch lạc.

Câu có nhiều dạng khác nhau tùy vào mục đích sử dụng nhưng mị chia nó ra hai loại lớn một là câu ngắn, hai là câu dài. Câu ngắn là những câu có một cụm chủ vị, diễn đạt gãy gọn, dứt khoát, tiếp cận với người đọc một cách trực tiếp, ví dụ:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là câu nói hay.

Trong đó Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là chủ ngữ còn là câu nói hay là vị ngữ. Bạn thấy đấy, nó vô cùng trực tiếp, nó đập vào mắt người đọc ngay lập tức và ý văn vô cùng rõ ràng, vô cùng dễ hiểu, ai cũng có thể nắm bắt được văn ý ấy.

Câu dài là câu có nhiều hơn một cụm chủ vị, bên cạnh đó nó còn có các thành phần câu khác như cụm danh từ, tính từ, phụ chú... Tùy khả năng biến hóa của người viết. Câu dài uyển chuyển và không truyền tải trực tiếp văn ý đến người đọc. Đôi khi văn ý còn bị ẩn và người đọc phải suy ngẫm mới tìm ra ý văn thực sự. Câu dài khó viết hơn câu ngắn vì nó đòi hỏi trình độ lập luận cao. Việc viết câu dài sao cho không lan man lơ lửng cũng là một kĩ thuật. Thế nên các bạn đang tập tành viết thì đừng ôm đồm câu văn dài làm gì, bạn chỉ gặp rắc rối không đáng có mà thôi, trước mắt cứ viết câu ngắn và vừa (câu từ hai đến ba cụm chủ vị trở xuống) là được rồi. Sau này thông thạo hơn thì muốn viết câu dài đến mấy mà chẳng được?

Ví dụ về câu văn dài:


Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là lời dạy sâu sắc mà ông cha ta truyền lại, là quả ngọt, là sự lắng đọng của bề sâu văn hóa, đạo đức và tư tưởng, nó dạy cho chúng ta về lòng biết ơn, về cái nghĩa tình của đồng bào, nó răn chúng ta sống có tình người, đừng bạc bẽo như vôi đá vừa nhận ơn người đấy nhưng thoắt quay lưng đã phủi sạch.

Trong câu trên, chủ ngữ chính vẫn là: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây còn vị ngữ chính là toàn bộ đoạn là lời dạy sâu sắc mà ông cha ta truyền lại, là quả ngọt, là sự lắng đọng của bề sâu văn hóa, đạo đức và tư tưởng, nó dạy cho chúng ta về lòng biết ơn, về cái nghĩa tình của đồng bào, nó răn chúng ta sống có tình người, đừng bạc bẽo như vôi đá vừa nhận ơn người đấy nhưng thoắt quay lưng đã phủi sạch. Trong vị ngữ tiếp tục có nhiều cụm chủ vị khác nhau: nó dạy cho chúng ta về lòng biết ơn, về cái nghĩa tình của đồng bào, nó răn chúng ta sống có tình người, đừng bạc bẽo như vôi đá vừa nhận ơn người đấy nhưng thoắt quay lưng đã phủi sạch.

Toàn bộ ý của câu văn trên đều hướng đến mục đích duy nhất là diễn giải ý nghĩa của câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây và không bàn về bất kì khía cạnh nào khác vì vậy nó mạch lạc dù nó dài, người đọc vẫn có thể tiếp nhận nó một cách dễ dàng. Các vế trong câu bổ sung cho nhau, ý trước khẳng định, ý sau diễn giải. Ý sau bổ sung ý nghĩa cho ý trước. Các ý trong câu đều hỗ trợ, hô ứng với nhau, không có ý nào thừa thãi hay lạc quẻ cả, chính điều đó tạo nên sự mạch lạc và trọn vẹn.

Giả như mị không ngắt nó như vậy mà ngắt thế này thì câu sẽ trở nên xàm củ cải ngay:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là lời dạy sâu sắc mà ông cha ta truyền lại. Là quả ngọt. Là sự lắng đọng của bề sâu văn hóa. Đạo đức và tư tưởng. Nó dạy cho chúng ta về lòng biết ơn. Về cái nghĩa tình của đồng bào. Nó răn chúng ta sống có tình người. Đừng bạc bẽo như vôi đá, vừa nhận ơn người đấy, nhưng thoắt quay lưng, đã phủi sạch.

Nói chung ý văn thì vẫn vậy nhưng ngắt câu kiểu này sẽ khiến người đọc rất mệt mỏi, cảm giác như đang leo núi ấy TvT hơi thở cứ bị nén rồi dồn nén rồi dồn, văn ý rời rạc lủng củng dù lời văn khá mượt. Thế đấy, hãy chú ý đến điều này nhé, ngắt câu khi đủ ý. Nếu ý ngắn thì viết câu ngắn nếu ý dài thì viết câu dài, ý đã hết rồi thì chấm câu chứ đừng tham lam add thêm ý nữa. Nếu ý chưa hết thì cũng đừng vì câu quá dài mà ngắt rồi bỏ lửng phần ý thừa sang câu thứ hai, như thế sẽ khiến câu trở nên không trọn vẹn.

Rùi giờ mình chuyển sang câu hỏi của bạn @susin1012, vấn đề của bạn là bạn muốn viết thân bài sao cho cô đọng súc tích, tạo điểm nhấn. Bạn thường bị rối khi viết thân bài, dù bạn đủ ý nhưng do viết quá rối nên không đọng lại được điều gì.

Trước khi đi vào trả lời câu hỏi, mị muốn đặt ra cho bạn một câu hỏi khác: Bạn có bao giờ lập dàn ý khi viết bài không? Hãy trả lời cho mị nhé.

Tại sao mị lại hỏi bạn ấy về vấn đề dàn ý? Bởi vì bí quyết giúp mị viết bài cô đọng súc tích chính là dàn ý. Sau khi ngồi đợi một thời gian trong hồi hộp các bạn nhận được đề bài, vừa đọc đề các bạn chưa kịp ngẫm nghĩ gì về luận đề thì ý đã nảy đôm đốp trong đầu các bạn rồi. Các bạn lao vào luận đề như thiêu thân, viết xoành xoạch những gì mà các bạn đã học vào, các bạn thường không dành thì giờ để hệ thống các ý đúng không?

Những học sinh giỏi không bao giờ làm thế, khi nhận được đề, việc đầu tiên mà họ làm không phải lấy giấy ra viết bài. Họ sẽ lướt mắt qua luận đề, đọc lướt rồi đọc thật chậm rãi dăm ba lần. Những ý tưởng và kiến thức vẫn nảy ra liên tiếp trong đầu họ nhưng họ có thể kiềm chế nó lại và tập trung vào các vấn đề mà bài yêu cầu. Sau khi đã hiểu rõ được luận đề, họ sẽ khoanh vùng kiến thức cần sử dụng. Các bạn học rất nhiều tác phẩm, đọc vô vàn sách nhưng không phải thứ gì cũng áp dụng được vào bài. Nếu các bạn chỉ biết dồn hết những gì mình học vào bài thì đó không phải là viết văn mà là trả bài trên giấy. Viết văn là trình bày vấn đề một cách hệ thống, có lập luận bằng một góc nhìn mới mẻ, có chiều sâu.

Thế nên việc mà những học sinh giỏi làm tiếp theo không phải là đổ hết mọi thứ họ biết vào bài. Họ sẽ khoanh vùng kiến thức, lựa chọn những kiến thức trọng tâm nhất, thuyết phục nhất và dùng nó chứng minh làm sáng tỏ luận đề. Khoanh vùng kiến thức chỉ là bước đầu tiên của việc làm bài, sau đó họ sẽ hệ thống các ý trong đầu lại thành một chuỗi lập luận chặt chẽ để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất mà họ phải làm: Làm sáng tỏ luận đề.

Hệ thống những lập luận ấy chính là dàn ý.


Dàn ý là la bàn giúp các bạn không bị lạc giữa bể văn ý trong đầu. Nó giúp các bạn nhìn rõ hơn mọi việc, biết sắp đặt các ý và có thể loại bỏ những ý không cần thiết trong quá trình viết để tiết kiệm thời gian. À, dàn ý mà mị nói không phải là dàn ý chi tiết hệt như cái barem điểm mà các bạn vẫn thường thấy đâu nhé. Dàn ý mà mị nói chính là là dàn ý cơ bản.

Thông thường đối với một bài nghị luận văn học, dàn ý cơ bản sẽ gồm các bước sau:

- Giải thích luận đề.

- Khẳng định tính đúng đắn của luận đề.

- Phân tích chứng minh luận đề. Trong quá trình này các bạn sẽ có:

+ Luận điểm 1. Dẫn chứng 1.

+ Luận điểm 2. Dẫn chứng 2.

+ Luận điểm n. Dẫn chứng n.

Các luận điểm sẽ được đưa ra cho đến khi nào bạn mổ xẻ đủ các khía cạnh của luận đề thì thôi.

- Phân tích chứng minh xong các bạn sẽ khẳng định lại luận đề một lần nữa.

Sau khi hoàn thành chuỗi ý trên, bạn có được phần lớn điểm của bài văn.


Tiếp theo, để có được điểm nâng cao, bạn cần thêm một bước đó là dẫn chứng so sánh thêm một vài tác phẩm (Có thể là tác phẩm của cùng một nhà văn hay của những nhà văn khác) hoặc nêu ra một góc nhìn mới mẻ hơn về luận đề. Bằng cách này bạn sẽ nâng bài viết lên một tầm cao mới và thể hiện với giáo viên rằng bạn không chỉ học kiến thức cơ bản mà còn tìm tòi những kiến thức chuyên sâu.

- Kết bài.

Mị sẽ dùng ví dụ minh họa cho các bạn rõ hơn, chúng ta có đề văn sau:

Đừng nói trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt (Gamzatov). Suy nghĩ của anh chị về nhận định trên? Cảm nhận về Đôi mắt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, đại thi hào đã vượt ra khỏi Đề tài như thế nào?

Sau khi đọc luận đề, chúng ta đại để nắm được những vấn đề quan trọng như sau: Trước tiên cần giải thích ý nghĩa của câu nói Đừng nói trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt. Câu nói này có ý nghĩa gì? Nó nói lên điều gì? Tại sao người ta lại dùng Truyện Kiều của Nguyễn Du để làm cứ liệu mổ xẻ nó?

Người ra đề sẽ không bao giờ cho bừa tác phẩm để bạn chứng minh luận đề đâu. Giữa tác phẩm và luận đề cần chứng minh có một mối liên hệ ẩn. Bằng cách tìm ra mối liên hệ đó bạn sẽ nắm được trục đường chính để làm sáng tỏ luận đề.

Ở đây, giữa câu nói của Gamzatov và Truyện Kiều thực sự có liên hệ, Gamzatov nói Đừng nói trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt có nghĩa là ông ấy đề cao vấn đề đôi mắt hơn đề tài. Đối với Gamzatov, tác phẩm nghệ thuật không phải là sản phẩm của một đề tài nào đó mà là kết tinh từ đôi mắt của nhà văn. Nhà văn nhìn ngắm hiện thực, tìm thấy cái hay cái đẹp, những cái đáng viết trong hiện thực rồi biến nó thành tác phẩm. Tác phẩm ấy không bị bó buộc bởi bất cứ khuôn khổ nào, bất cứ giới hạn nào. Nó là những gì mà nhà văn mắt thấy tai nghe, những thứ chạm vào trái tim nhà văn. Câu nói trên còn có một ý nghĩa nữa là những người làm nghệ thuật chân chính thì không nên bị bó buộc vào một đề tài, viết những thứ sẵn có, những thứ khuôn được đặt hàng mà phải biết trải nghiệm và cảm nhận cuộc sống bằng đôi mắt của mình. Ở khía cạnh nào đó, câu này có thể liên hệ đến câu nói của Nam Cao: Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có....

Đá đông đá tây một hơi đá lại luận đề, thế thì câu nói của Gamzatov có liên hệ gì với Truyện Kiều? Đây là vấn đề chủ chốt đấy! Các bạn nhớ lại mà xem, Truyện Kiều được hình thành như thế nào? Vâng đó là tác phẩm do Nguyễn Du phóng tác từ tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của nhà văn Trung Hoa Thanh Tâm tài nhân sống vào thời Minh. Như vậy có thể nói, Truyện Kiều được hình thành từ một đề tài có sẵn, không phải do Nguyễn Du hoàn toàn sáng tạo nên. Tuy nhiên Truyện Kiều đã vượt ra khỏi khuôn khổ của Kim Vân Kiều truyện bởi nó không đơn thuần là chuyện tình ngang trái giữa tài tử và giai nhân nữa mà nó là kiếp người, kiếp đời, vẽ nên bối cảnh rối ren của chế độ phong kiến suy tàn Việt Nam dưới thời Nguyễn. Nó gióng lên tiếng chuông về thân phận người phụ nữ và thốt lên những tiếng hát cá nhân đầu tiên, bước đầu trong quá trình giải phóng con người khỏi cái ta chung để trở về với cái tôi nhỏ bé, mạnh mẽ mà đẹp đẽ nao lòng. Truyện Kiều không còn là tác phẩm được viết dựa trên một thứ gì có sẵn nữa mà nó được kết tinh từ đôi mắt của Nguyễn Du, đôi mắt trông thấy sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời (Mộng Liên Đường chủ). Dù nó viết về thời Minh nhưng bối cảnh đó không phải là bối cảnh của xã hội nhà Minh mà là bối cảnh của xã hội phong kiến Việt Nam được Nguyễn Du nhìn, xem, chứng kiến, trải qua trong bao nhiêu năm trưởng thành và lưu lạc. Không có tác phẩm nào phù hợp với luận đề hơn nó nữa.

Đấy, chí ít khi cầm luận đề trong tay, đọc luận đề, trong đầu bạn phải nảy sinh được những suy luận cơ bản như thế. Sau khi đã xác định được hướng đi của luận đề, bạn bắt tay vào hệ thống các ý vào dàn ý cơ bản, hãy lấy giấy nháp và thảo vài dòng:

1. Mở bài: Mình có thể dùng câu nói của Nam Cao để đi vào câu nói của Gamzatov. Câu nói đó là Văn chương... bla bla... chưa có). Các bạn viết đơn giản miễn sao các bạn hiểu là được.

2. Thân bài:

- Giải thích: Đề tài là gì? Đôi mắt là gì? Tại sao lại trao cho đôi mắt mà không phải là đề tài? Đây là vấn đề liên quan đến lý luận văn học, cụ thể là phạm trù nhà văn và quá trình sáng tác. Nhà văn sáng tạo tác phẩm thông qua lăng kính chủ quan, thông qua cái nhìn, cái cảm riêng, bắt lấy vẻ đẹp của hiện thực để tạo nên tác phẩm. Câu nói của Gamzatov khẳng định sự sáng tạo nghệ thuật luôn bắt nguồn từ cuộc sống chứ không hề bị bó buộc trong đề tài nào. --> Đây là một nhận định đúng đắn.

- Phân tích chứng minh thông qua tác phẩm truyện Kiều:

Trước khi đi vào phân tích cần giới thiệu sơ qua về Nguyễn Du, về Truyện Kiều và quá trình hình thành nó. Nhấn mạnh cuộc đời gian truân lưu lạc của Nguyễn Du và phong cách sáng tác chính của ông để rồi đánh bật lên Truyện Kiều là tuyệt tác để đời của Nguyễn Du, kết tinh tất cả tài hoa của đại thi hào.


Luận điểm một: Cảm nhận về đôi mắt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

Đây là lúc các bạn vận dụng bài giảng của cô đây, những vấn đề nổi cộm trong truyện Kiều là gì? Thân phận người phụ nữ, xã hội đồng tiền, tình yêu thủy chung, Cái tôi bị vùi dập và chi phối bởi cái ta dù vậy nó vẫn ngời sáng và cất tiếng hát. Vòng xoáy thời cuộc...

Bạn sẽ dùng tác phẩm để dẫn chứng.

Luận điểm hai: Đại thi hào đã vượt ra khỏi đề tài như thế nào?

- Truyện Kiều khởi nguồn từ Kim Vân Kiều truyện nhưng không đơn thuần là câu chuyện về tình yêu nam nữ. Dù bối cảnh là nhà Minh nhưng thực chất nó chính là hình ảnh phản chiếu của xã hội Việt Nam.

- Nguyễn Du sáng tạo Truyện Kiều trên một thể thức hoàn toàn khác với Thanh Tâm tài nhân, Kim Vân Kiều truyện là tiểu thuyết chương hồi viết về ba nhân vật chính Kim, Vân, Kiều trong khi Đoạn trường tân thanh là truyện thơ Nôm với cốt truyện xoay quanh nhân vật chính Thúy Kiều và những đau đớn như đứt từng khúc ruột mà nàng đã trải qua trong đời. Kim Vân Kiều truyện chủ yếu xoay quanh vấn đề tình và khổ trong khi đọc Truyện Kiều, người ta nhìn thấy rất nhiều thứ khác, về xã hội kim tiền tàn bạo, về cuộc đời gian truân của những người lắm tài nhưng bị trời cao ghen ghét, về chìm trôi của cuộc đời phụ nữ, về thế giới tăm tối của nhà chứa, về khắc nghiệt của phận làm lẽ, về người anh hùng không đắc thời phải chết đứng, về tiếng nói cá nhân bị đàn áp, bị chà đạp, bị bóp nghẹn. Kim Vân Kiều truyện xoay quanh tình còn Đoạn Trường tân thanh cho ta thấy bức tranh xã hội phong kiến và cuộc đời đau khổ của những con người trong đó.

- Tổng hợp luận điểm một và hai, khẳng định lại vấn đề. Trước tiên là khẳng định Truyện Kiều - Một tác phẩm kết tinh từ đôi mắt của Nguyễn Du, một thiên trường ca huyền vĩ về tình yêu, về cuộc đời. Sau đó khẳng định lại luận đề, câu nói của Gamzatov là triết lý đúng đắn, là sao bắc đẩu cho những ai theo đuổi nghiệp văn chương chân chính.

- Phân tích mở rộng: Từ câu nói của Gamzatov có thể thấy rằng những ai muốn trở thành nhà văn nhà thơ chân chính thì phải bước ra ngoài và trải nghiệm, phải viết tác phẩm kết tinh từ trái tim mình chứ không phải những thứ được đặt hàng hay giao sẵn. Dẫn chứng thêm câu nói của Paul Theroux: Văn chương không phải là môn trượt tuyết hay trượt băng nghệ thuật. Mẹ của bạn sẽ không biến bạn thành nhà văn. Lời khuyên của tôi cho bất kỳ người trẻ nào muốn trở thành nhà văn là: Hãy rời khỏi nhà. (Nguồn: quantrimang.com)

- Kết bài.

Đấy, sau khi có dàn ý thì bạn cứ bắt tay vào viết thôi, bảo đảm không bao giờ rối. Dàn ý trên kia là mị giảng giải cho các bạn hiểu chứ thật sự dàn ý mà mị làm trên giấy chỉ có mấy dòng thôi.

Đây là dàn ý mà mị sẽ viết trên giấy còn những ý lớn, những dẫn chứng đều nằm trong đầu mị cả. Thông thường mị chỉ mất năm phút để lập dàn ý này thôi và ngoáy bút nhanh đến độ mị không đọc được nó luôn (nhưng mị vẫn biết đại ý nó đi theo con đường nào bởi vì mị tạo ra nó). Sau này nếu mị đang viết mà không đủ giờ, mị cũng căn cứ vào dàn ý đó mà gạch bỏ những vấn đề không quan trọng để tiết kiệm thời gian.

Ví dụ:

Mị cứ nhìn vào dàn ý và tự điều chỉnh thôi. Quan trọng là cân đối được thời gian làm bài. Bằng cách này bạn không bao giờ bị rối khi làm bài. Bạn có sẵn đường đi nước bước rồi chỉ cần ung dung thực hiện.

Còn về cách lập luận... Các bạn nhớ đoạn diễn dịch và quy nạp chứ? Diễn dịch là từ một ý diễn giải ra nhiều ý còn quy nạp là từ nhiều ý cô đọng thành một ý. Những đoạn văn trong văn nghị luận là liên tiếp những đoạn diễn dịch và quy nạp đặt cạnh nhau. Khi giải thích bạn sử dụng diễn dịch, khi trình bày luận điểm luận cứ bạn sử dụng diễn dịch. Khi khẳng định vấn đề bạn dùng quy nạp. Vận dụng diễn dịch và quy nạp một cách nhuần nhuyễn thì bạn sẽ đạt được khả năng lập luận sắc sảo, mạch lạc thôi.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương