Cây già bám những dây khô,

Quạ bay về đậu nhấp nhô bóng chiều.

Nhà ai nước chảy ven cầu,

Gió thu, ngựa ốm về đâu đêm rừng.

Phương tây chiều xuống bâng khuâng,

Thân du tử mãi lưng chừng chân mây.

Nơi đây không có cây già bám những dây khô, cũng không có nước chảy ven cầu mà chỉ thấy thấp thoáng núi đồi xa xăm, giữa rừng cây trùng điệp là một con đường thênh thang xuyên suốt từ nam chí bắc.

Khi chiều tà đã buông xuống phương tây, con đường lại thêm phần vắng lặng, duy chỉ một người một ngựa thong thả mà đi.

Con ngựa vốn là một con tuấn mã, toàn thân trắng tuyết. Người trên lưng ngựa toàn thân vận y sam nguyệt sắc, niên kỷ không quá độ đôi mươi. Y trông như không vội lên đường gì, đầu hơi cúi thoáng mang tâm sự. Bốn bề một vùng tĩnh lặng, chỉ có tiếng vó ngựa đơn điệu khua từng nhịp đều, càng làm dậy thêm không khí u trầm tịch mịch.

Vừa hay sự yên ả đã nhanh chóng bị phá vỡ: một hồi vó câu cấp bách vọng lại từ xa, cuối đường có hai thân ảnh dần dần hiện lên.

Trên con ngựa chạy trước là một trung niên tướng mạo đẫy đà vận y sam đỏ thẫm, khuôn mặt hồng hào tựa như một vị đại tài chủ. Giống như muốn cùng người đẫy đà kia hợp thành một cặp thú vị, trên con ngựa theo sau là một người gầy gò, thân hình lêu khêu, đằng xa nhìn lại trông giống hệt thân tre. Hắn mặc một bộ y phục màu xanh nhạt, dù không chói mắt như người mập mạp kia nhưng được cắt may rất vừa vặn *** xảo, hiển nhiên chủ nhân cũng là người có thân thế.

Lúc hai con ngựa đuổi kịp người thanh niên thì đột nhiên kiềm hãm tốc độ, song hành cùng y.

Người mập mạp chắp tay cười rạng rỡ: “Vị tiểu huynh đệ này, cho hỏi đường nào đi tới Trầm gia trang vậy?”

Người thanh niên đưa mắt quan sát hai người nọ, khẽ cười nhàn nhạt: “Phải chăng nhị vị muốn đến chúc thọ cho Trầm lão gia?”

Người mập mạp ngớ người ra, đoạn ha hả cười to: “Thì ra ba chúng ta là bạn đồng hành. Tiểu huynh đệ cũng đến Trầm gia mừng thọ à?”

Người thanh niên thoáng cười mà rằng: “Cũng gần như vậy.” Đoạn y đưa tay chỉ về phía trước, “Qua khỏi vùng núi này chừng hai ba dặm sẽ đến nơi.”

Vốn hai người mập ốm này muốn gấp rút lên đường cho kịp, giờ nghe lộ trình không còn xa lắm liền thấy yên lòng, bèn thong thả đồng hành với người thanh niên kia. Họ vừa đi vừa trò chuyện rôm rả.

Người thanh niên lên tiếng hỏi: “Dường như đây là lần đầu tiên hai vị đến Trầm gia trang, không biết hai vị quen biết thế nào với Trầm lão gia?”

Hai người mập ốm đưa mắt nhìn nhau, rồi người mập mạp nói: “Thật không dám giấu giếm gì huynh đệ, chúng ta nghe đại danh của Trầm lão gia đã lâu, chỉ tiếc là không có duyên sơ ngộ. Chuyện quen biết thì càng không dám nói tới, lần này chúng ta đến là vì nhị công tử của Trầm gia…”

Ánh nhìn của người thanh niên thoáng lay động: “Thì ra nhị vị là bằng hữu của Trầm nhị thiếu gia sao?”

Người mập mạp thở dài một hơi: “Thật là hổ thẹn, chúng ta làm sao dám nhận hai chữ ‘bằng hữu’ đó chứ. Tại hạ vốn cũng xuất thân từ chốn giang hồ, về sau mở một tửu lâu ở kinh thành, cũng xem như có chút tiếng tăm. Nào ngờ một năm trước kẻ thù ngày xưa tìm tới gây sự. Hắn dẫn theo một đám tay sai suýt nữa đã phá nát tửu lâu của ta rồi. Cũng may lúc đó có Trầm nhị công tử đi ngang đã ra tay trượng nghĩa tương trợ. Thế nên hai chữ ‘bằng hữu’ này thật không dám nhận, Trầm nhị công tử chính là đại ân nhân của tại hạ.”

Người gầy gò liền tiếp lời: “Tại hạ cũng giống như Thân huynh đây. Nửa năm trước ta có nhận một chuyến bảo tiêu tới Thái Nguyên Phủ, lúc đi qua chân núi Thái Hành thì có kẻ cướp tiêu. Kẻ này chính là tên đạo tặc tung hoành khắp con đường độc hành Giang Bắc năm xưa. Tại hạ đây đạo hạnh ít ỏi thấp kém, hiển nhiên không cách chi chống lại được, đành trơ mắt nhìn số bạc bảo tiêu bị cướp đi. Đúng lúc Trầm nhị công tử đi ngang đã giết chết tên đạo tặc đó.”

Hắn cười gượng gạo nói tiếp: “Số bạc bảo tiêu này là của một vị quan lớn trong kinh thành, số lượng thật sự rất nhiều. Nếu lỡ đánh mất thì cả nhà ta chắc đành ôm nhau tự vẫn thôi. Trầm nhị công tử quả thực đã ban ơn tái sinh cho ta…”

“Cho nên khi nghe sắp đến đại thọ của Trầm lão gia, nhị vị bèn lập tức lên đường ngay, trước là để chúc thọ, sau là để tạ ơn?”

Cả hai đồng thanh trả lời: “Đúng thế.” Dứt lời lại cười khổ não: “Chỉ e thân phận bọn ta tầm thường, ngay cả một tấm thiếp mời cũng không có, mạo muội tiến vào thế này không biết…”

Người thanh niên ngắt lời: “Nhị vị có lòng tri ân báo đáp, chính là tính cách của người trung nghĩa. Thiết nghĩ Trầm gia trang nhất định sẽ hoan nghênh nhị vị.” Nói xong y hướng về cả hai mỉm cười yên ủi.

Không hiểu sao dù tướng mạo người thanh niên này không thể nói là tuấn mỹ cho lắm nhưng nụ cười kia lại rung động nhân tâm vô cùng, khiến đối phương rất yên lòng vững dạ. Nhất thời cả hai cảm thấy khoan khoái hẳn ra.

Người mập mạp dò hỏi: “Xem ra quan hệ của tiểu huynh đệ với Trầm gia cũng không phải đơn giản.”

“Cũng bình thường.”

“Ta nghe nói lúc vị Trầm nhị công tử này ra đời thì Trầm phu nhân từng nằm mộng thấy một trăm con phượng hoàng nhất tề nhảy múa, cho nên mới đặt tên cho y là ‘Phượng Cử’. Thật có chuyện kỳ lạ này à?”

“Nghe đồn là vậy.”

Người mập mạp lại thở dài một tiếng: “Vị Trầm nhị công tử này quả nhiên không phải là người tầm thường. Nghe nói lúc y năm tuổi đã bắt đầu luyện kiếm, mười một tuổi đã giết được tên đạo tặc khét tiếng Liên Thiên Vân, từ đó danh chấn giang hồ và được ca tụng là Thần Đồng…”

Người gầy gò góp lời: “Đương thời Trầm lão gia được mệnh danh là Thần Kiếm Chấn Giang Hồ, thanh danh lẫy lừng khắp chốn. Hổ phụ không thể sinh khuyển tử, Trầm nhị công tử làm sao thua kém ngài ấy được?”

Người mập mạp lại nói tiếp: “Càng hiếm thấy là Trầm nhị công tử không những võ công cao cường mà lại còn kiếm đảm cầm tâm, cầm kỳ thi họa không cái nào không *** thông. Nghe nói y từng cùng đại kỳ vương Cố Thánh Tử đánh cờ ba ngày ba đêm bất phân thắng bại nữa.”

[2: Múa kiếm thì thấy rõ sự gan dạ, đánh đàn thì thấy rõ lòng cao đẹp, ý chỉ bậc tài hoa.]

Người gầy gò thở dài cảm thán: “Trầm lão gia có được một đứa con như vậy cũng không uổng một đời anh minh rồi.”

Người mập mạp phụ họa thêm: “Mai sau con ta mà được một nửa của Trầm nhị công tử thôi, có bắt ta chết ngay bây giờ ta cũng mãn nguyện.”

Người gầy ốm bỗng sửng sốt như nhớ ra điều gì: “Trầm nhị công tử xuất sắc như thế mà không hiểu sao Trầm đại công tử lại vô danh bặt tiếng đến vậy kìa?”

Người mập béo đáp ngay: “Ta có biết chuyện này. Trầm đại công tử tên là Trầm Nhạn Thạch. Nghe nói bất luận tướng mạo võ công hay tài trí tên tuổi đều kém xa nhị đệ của mình, cho nên không thường xuyên hành tẩu giang hồ. Nghe nói Trầm lão gia cũng không thích y cho lắm.”

Người ốm ngạc nhiên hỏi lại: “Cùng là huynh đệ với nhau mà sao lại thua xa tới vậy?”

Người mập đáp: “Vậy là huynh không biết rồi. Mẫu thân của Trầm nhị công tử chính là nữ hiệp nổi danh khắp giang hồ năm xưa, tài nữ Nhạc Minh Tiên. Còn mẫu thân của vị Trầm đại công tử kia nghe đồn chỉ là nữ tử của một nhà tầm thường, may mắn được gả vào Trầm gia thì hạ sinh con trai ngay.”

“Hèn gì…”

Người thanh niên nãy giờ vẫn yên lặng mỉm cười nghe hai người kia trò chuyện, lúc này mới chợt lên tiếng: “Đã đến Trầm gia trang rồi.”

Hai người vội đưa mắt nhìn sang, quả nhiên thấy một tòa trang viện cao lớn đứng sừng sững phía trước. Cửa trang viện có treo một tấm biển lớn, trên mặt sơn ba chữ to màu vàng kim “Trầm gia trang.” Vì Trầm gia trang nằm ở nơi hẻo lánh nên phần đông người chúc thọ đã đến đây trước hai ngày. Cổng trang vì vậy luôn giữ mở rộng, có vài tên gia đinh đang đứng ngoài để nghênh tiếp khách quý.

Người mập mạp chợt nhớ ra vội nói: “Tiểu huynh đệ, chúng ta đi chung nãy giờ mà vẫn chưa xưng danh tánh nữa. Tại hạ là Thân Công Viễn.”

Rồi hắn quay sang chỉ vào người gầy ốm: “Còn vị huynh đài này là Quách Vân Thiên của Chính Nam tiêu cục.”

Người thanh niên mỉm cười, chắp tay đáp lễ lại:

“Tại hạ là Trầm Nhạn Thạch.”

Chú thích:

Bài thơ “Thiên tịnh sa – Thu tứ 天淨沙-秋思” của Mã Trí Viễn 馬致遠, bản dịch thơ do cư sĩ Liên Hoa sưu tầm.

5

枯籐老樹昏鴉,

小橋流水人家,

古道西風瘦馬。

夕陽西下,

斷腸人在天涯。

Khô đằng lão thụ hôn nha,

Tiểu kiều lưu thuỷ nhân gia,

Cổ đạo tây phong sấu mã.

Tịch dương tây hạ,

Đoạn trường nhân tại thiên nhai.

Kiếm đảm cầm tâm: Trong bài thơ “Tuế vãn hoảng nhiên hữu hoài 岁晚恍然有怀” của Ngô Lai吴莱 có câu: “Tiểu tháp cầm tâm triển, trường anh kiếm đảm thư 小榻琴心展, 长缨剑胆舒.” Về sau người đời dùng “kiếm đảm cầm tâm 剑胆琴心” để miêu tả sự cương nhu tương hỗ và nhâm hiệp nho nhã trong truyện kiếm hiệp.

Kiếm sắc bén mà uy mãnh, cầm thanh nhã lại đa tình.

Hữu kiếm mà vô cầm, ý nói kiếm chỉ là vũ khí để giết người; hữu cầm mà vô kiếm, ý nói cầm trở thành loại cảm thán nhất thời. Cầm và kiếm, một cương một nhu cùng ở một nơi sẽ tạo thành sức mạnh uyển chuyển uẩn tàng. Phàm ý nghĩa sâu xa của hai vế này là khiến người mê mẩn cả tâm thần.

Đó là lý do chuyện xưa ‘Bá Vương biệt cơ’ đã làm xúc động biết bao lòng người, từ sớm anh hùng mỹ nhân vốn là kiếm cầm hảo hợp.

‘Sức nhổ núi, khí trùm đời’ (Nhữ Thành dịch) của Hạng Vũ đương nhiên là kiếm, lúc đối mặt với chiến mã bên bờ Ô Giang, ông ngửa mặt lên trời ca lời bi tráng, là cầm trong kiếm.

Nhất đại mỹ nhân Ngu Cơ chất lệ tình thâm, đương nhiên là cầm, lúc nàng vì anh hùng mà kiên quyết tự vẫn, là kiếm trong cầm.

Anh hùng mỹ nhân nguyên là kiếm và cầm hòa vào nhau tạo nên một cảnh giới bi thương ước lệ. Cảm giác cầm kiếm giao hòa hân hoan, càng khiến người muốn trở thành một nam nhân vẹn toàn cầm ái.

Song những gì quá tuyệt mỹ cuối cùng đều biểu lộ sự hư không.

Một người nam tử Hán có “kiếm đảm” luôn luôn vì lợi ích nghiệp lớn mà thô tục lỗ mãng, một vị tiên sinh có “cầm tâm” thì lại thường nhu nhược ôn hòa. “Kiếm đảm cầm tâm” đích thực là một cảnh giới rất hoàn mỹ, nhưng cũng rất khó đạt tới. Có điều chính bởi sự mong được mà không với được càng làm tăng tính say mê, giống như trẻ con mê mẩn chuyện cổ tích vậy

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương