Giờ Đang Nơi Đâu
Chương 145: Ngoại truyện 4: Đậm sâu (1)

Nếu một kẻ bình thường như tôi may mắn được ai đó phỏng vấn trước khi chết, nhất định tôi sẽ kể về năm mình mười bốn tuổi. Trên ngọn đồi ở tây bắc Luân Đôn năm 1921, tôi có thể ngồi trong lớp học trên đỉnh đồi nhìn ra toàn bộ Luân Đôn. Tuổi mười bốn có gì đáng nhớ? Đám bạn đồng trang lứa của tôi đột nhiên nôn nóng tranh giành mượn mấy cuốn sách số lượng ít ỏi như “Bird Song” và “Lorna Doone” từ thư viện, cũng vì thế mà chúng thường hay đánh nhau. May mắn là hai cuốn sách này đã từng vào tay tôi, nhưng không quá hai phút, thậm chí còn chưa mở ra trang nào, chỉ mới nhìn thấy cạnh bìa sách, có mấy trang không biết vì sao lại sẫm màu —— tiếc là tôi còn chưa có cơ hội kiểm tra thì cuốn sách đã bị giật đi.

Về sau khi có cơ hội đọc lại hai cuốn sách này, tôi chỉ cảm thấy thật đáng tiếc, vì “Người tình của phu nhân Chatterley” không thể ra đời sớm hơn, nếu không thì đám thanh thiếu niên lần đầu tiên tiếp xúc về tình dục và bạo lực nhất định sẽ nổi điên. Cuối tuần, một số người trong số họ lái xe đến vùng ngoại ô phía bắc hoặc đến thành phố Bath trêu chọc bạn gái, tới tối khuya Chủ nhật mới quay về, giẫm lên những viên gạch nằm dưới bụi tường vi bên ngoài tòa nhà ký túc xá mà trèo vào phòng.



Bạn cùng phòng tôi là ngoại lệ. Con ta là con trai út của một Tử tước, là một chàng trai tuấn tú có tương lai của đế quốc Anh, tôi cho rằng cậu ta là người an phận hiếm thấy. Nhưng vào buổi tối nào đó, bàn tay ở bên giường đối diện vươn qua dịu dàng sờ má tôi, buồn bã hỏi: “Tse, hôn con gái có cảm giác gì?” Tôi tưởng cậu ta xem tôi là một cô gái cầu mà không được khiến cậu ta nuối tiếc, nên sau khi có người bạn gái đầu tiên, tôi cũng thành thật trả lời câu hỏi cậu ta từng hỏi, nhưng sau đó chàng trai tuấn tú đầy tương lai đó đã không từ mà biệt rời khỏi ký túc xá.

Nhớ lại chuyện này, tôi thực sự may mắn vì gia đình Montgomery có mái tóc tươi tốt và xương cốt chắc khỏe, nếu không cậu ta sẽ giống như Edwin hoặc Dương, một tuần bị ném vào đầm lầy ba lần, bị nhổ nước bọt vào bữa trưa, thậm chí còn bị người khác vây ép trêu chọc trong phòng tắm.

Đám người này từng ép Dương da vàng gầy gò phải uống nước trong bồn cầu, còn lén đặt cho cậu ta một cái tên tiếng Anh là “Looty”… Hôm đó tôi đến gần phòng tắm, mấy người bạn da trắng của tôi nhường đường cho tôi, cũng vì thế mà tôi thấy rõ vẻ mặt của Dương đang nằm trong phòng tắm khi ngước đôi mắt đục ngầu nhìn sang, mắt cậu ta đỏ hoe, răng nghiến chặt, hai mắt sáng bừng, cố kìm nén không để nước mắt chảy xuống.

Nhưng ngoài tình dục và bạo lực ra thì đám thiếu niên này còn lại gì? Thầy giáo bộ môn Triết học Xã hội người Đức tên von Hoffmann, sau khi chứng kiến ​​các hành động không đứng đắn trong phòng tắm thì đã uyển chuyển nhắc đến trong lớp, cũng gọi đó là “vỡ lòng”. Đúng, chính là vỡ lòng. Nếu không phải vì cái từ này, tôi nghĩ có lẽ tôi đã sống khác rồi. Nói không chừng có thể trở thành một nhà triết học.

3.

Bọn họ dùng câu phức mới học được trong lớp tiếng Anh để chế giễu chiếc áo choàng bằng lụa của Dương, châm biếm giáo viên toán học ăn bữa trưa xong sẽ mở cúc áo thứ sáu trên áo nịt, không ngừng tơ tưởng về cặp ngực của nữ giáo viên dạy thay trong lớp kịch, rồi lại phàn nàn bài tập về nhà siêu khó của môn khoa học và tiếng Latin, song, lại chẳng một ai than vãn về giáo viên lịch sử cả.

Bài giảng của Klose luôn hài hước, thầy cũng thường xuyên ăn mặc tươm tất, có khiếu hài hước lạnh lùng đậm chất Anh và sự tự giễu kiểu Đức, nói về mọi thứ từ trời nam cho đến biển bắc. Tôi rất hiếm khi bày tỏ đánh giá cao trực tiếp với người đó, nhưng thầy ấy là ngoại lệ. Tôi không phải là học sinh xuất sắc, trái lại còn là cậu học trò bất hảo, không tuân thủ kỷ luật, thường xuyên cúp tiết, học toán hay Latin đều rất dở. Nhưng tôi chưa bao giờ vắng mặt tiết của thầy ấy, cũng gần như nhớ hầu hết mọi câu nói thầy ấy từng nói. Ngoài lịch sử cổ đại và đương đại ra, tôi nhớ rất rõ về Columbus, về Napoleon, về Đế quốc Byzantine và Đế chế Ottoman, về vị tướng Clausewitz. Tôi thích cách thầy ấy giảng bài, cho đến khi thầy ấy quả quyết nói với sự ngạo mạn của người Anh rằng: “Đế  quốc mặt trời không bao giờ lặn* chinh phục thế giới bằng súng, vi khuẩn và vi rút.”

(*Cụm từ “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn” đã được sử dụng để miêu tả những đế quốc với lãnh thổ rộng lớn đến nỗi luôn luôn có một phần lãnh thổ của nó nằm trong ban ngày.)

Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn… Kiêu ngạo biết mấy. Tôi nhớ thầy ấy từng nói trường trung học tư thục Anh đang nắm giữ tương lai của Đế quốc Anh trong cả thế kỷ, đây là một trong số đó. Nhớ đến ánh mắt của Dương trong phòng tắm, đột nhiên lúc này tôi mới chợt nhận ra, Dương đang cầu cứu tôi. Tôi mất kiên nhẫn hỏi Klose, “Trung Quốc có thiếu những thứ này không?” Thầy ấy nói: “Thế thì phải hỏi người Trung Quốc đã.” Thế là có người cười to quay sang hỏi Dương: “Vì sao người Trung cứ đánh thua hoài vậy?” Tôi nhận ra đó là York, một trong số những kẻ đã làm nhục Dương ở phòng tắm ngày hôm đó.

Chẳng mất sức để đè cậu ta xuống dưới đất mấy.

Cậu ta ngã xuống, đau đớn hét lên: “Zoe, cậu có bị điên không?”

Ngay khi tôi vừa nhấc ghế của cậu ta lên thì Klose đã bắt lấy cổ tay. Thầy ấy đã gần bốn mươi, nhưng chiều cao chỉ xấp xỉ tôi. Tôi ngoái đầu nhìn vào đôi mắt xanh da trời gần như trong suốt của thầy ấy, gần như ngay lập tức ý thức được, mình có thể quật ngã thầy ấy xuống đất giống như York.

Và thế là tôi đã làm, sau đó cũng bị đồng bọn của York lao đến đấm túi bụi. Cả trán và khóe mắt đều bị thương, nhưng vẫn còn đỡ hơn đám bọn nó. Bọn nó có đứa gãy xương sườn, có đứa gãy cổ tay. Trong cuộc họp kỷ luật, họ yêu cầu tôi phải xin lỗi York và Klose. Tôi hỏi tại sao, họ nói, nếu được tha thứ thì tôi mới có cơ hội ở lại trường.

Tất nhiên là tôi từ chối. Chẳng cần nhọc công lựa chọn làm gì.

4

Trước ngày rời trường, quản lý của cha tôi ở Pháo đài Brat, Ireland đã chạy đến và thu xếp hành lý cho tôi. Đứng bên ngoài bức tường gạch đỏ, tôi phát hiện mình chẳng hề lưu luyến chút gì về nơi tôi đã sinh ra lớn lên này. Có vẻ Dương còn đau lòng hơn tôi, khuyên tôi hãy xin lỗi Klose, thậm chí còn nói nhiều hơn cả mấy bà vợ của cha tôi, khuyên tôi nên tôn sư trọng đạo, khuyên tôi tạm thời nhân nhượng để ở lại Anh mà hoàn thành việc học.

Tôi hỏi cậu ta, “Tại sao cậu lại đến Anh?”

“Vì tôi có thể theo đuổi học vấn ở đây, lúc về quê có thể có tương lai tươi sáng.”

Tôi luôn thấy câu trả lời của cậu ta rất thú vị. Thậm chí cả khi không hỏi thêm, tôi biết cậu ta sẽ nói tiếp: “Trung Quốc đã bị đánh bại hơn một trăm năm, ở đó khó mà cầu học được.”

Những quý ông người Anh tương lai mà lúc này đang là những cậu ấm cô chiêu đều đến nói lời tạm biệt với tôi, có người ôm tôi nói sẽ đến Viễn Đuông tìm tôi, một số khác lại khóc bảo, Zoe, không phải cậu muốn trở thành triết gia sao? Cậu phải ở lại…

Tôi vắt óc suy nghĩ mới nhớ ra mình từng nói những lời như vậy. Đừng quan tâm, tôi chỉ buột miệng nói thế thôi.

Tạ Trạch Ích mà không làm triết gia thì đúng là đáng tiếc.

Vậy Tạ Trạch Ích có thể trở thành gì đây?

Mà dường như trở thành gì cũng không quan trọng.

5

Đấy chính là bài học vỡ lòng nực cười đầy bi ai của tôi, đặc biệt và tàn khốc đẫm máu hơn bất cứ một ai; nhưng bài học vỡ lòng này lại khiến tôi gặp khó khăn vì tương lai và cuộc sống của mình. Cảm giác này cứ như tôi đang bám víu trong góc tối, khó nhọc giữ lấy dưỡng khí, cố gắng vươn ra khỏi vũng bùn, đơm hoa kết trái, thật sự chẳng hề dễ dàng. Nhưng cho đến tận lúc chết cũng chẳng một ai nhìn thấy, chẳng một ai quan tâm. Tất cả chỉ là phí công vô ích.

Thật ngột ngạt làm sao.

Nếu có người nào đó bằng lòng đồng hành cùng tôi, tôi cũng sẵn sàng dùng tâm hồn và thể xác không thú vị của mình để khiến cô ấy vui vẻ, coi như vẫn còn chút hy vọng.

6

Cô ấy nói cô ấy không muốn rời khỏi Hương Cảng, cũng không muốn rời xa tôi.

Cô ấy bảo tôi nghĩ cách cầu xin cha tôi.

Cầu xin Tạ Hồng ư, nói dễ thật, dễ như việc Dương đã thuyết phục tôi xin lỗi Klose.

Cô ấy nói cô ấy yêu tôi. Nhưng nếu như sinh sớm hai mươi năm nữa, nói không chừng cô ấy sẽ yêu Tạ Hồng kiếm tiền khi đất nước gặp khó khăn, sống sung sướng trong xã hội người Anh. Vừa có thể diện, hài hước lại biết tán tỉnh.

Thật mỉa mai làm sao.

Đây không phải là lỗi của cô ấy. Suy cho cùng thì làm gì có cô gái nào lại phải lòng một Tạ Trạch Ích nhàm chán, vô hồn, không còn lại gì sau khi không có của cải sung túc của cha mình?

Cô ấy không sai.

Chỉ là tôi có vấn đề.

Tôi nên cảm thấy áy náy mới phải. Tôi hỏi: “Hương Cảng có gì đáng để quyến luyến?”

Chúng tôi đang đứng trên ban công trên tầng cao nhất của khách sạn, chùm đèn neon tỏa sáng ngay trên đỉnh đầu mình. Tôi đang hút thuốc, trong túi áo khoác có một viên kẹo trái cây từ một cửa hàng Do Thái. Đàn ông và phụ nữ cùng khiêu vũ trong khách sạn, lính Tây ở ngoài đường cái thì lại đang lăng mạ người thương nhân cường tráng bằng tiếng Anh, người đó nghe không hiểu nên cũng không phản bác.

Tất cả điều này thật vô lý. Thế là tôi hỏi: “Liệu Hương Cảng có sa đọa không?”

“Tại sao anh lại nói như vậy?”

“Nếu không thì cứ chờ thử xem. Đến khi Hương Cảng sa đọa thì anh sẽ đi xin Tạ Hồng nhé?”

Câu trả lời của thái độ bỡn cợt là một cái tát tai, đáng lắm. tiếc là lực không đủ mạnh, đầu chẳng lệch, chỉ có tàn thuốc rơi xuống đất.

7

Cô ấy đã đi rồi. Người trong khách sạn vẫn nhảy nhót khiêu vũ, thương nhân vung tay đánh viên cảnh sát, trong tiếng chửi rủa đã nhảy lên xe điện rời đi. Người trong xe rào rào vỗ tay, người phương Tây thì thở hổn hển. Chỉ có điếu thuốc lá trên đất đã tắt, không sao, trong túi tôi vẫn còn một viên kẹo, đút kẹo vào miệng nhai, ngay tới không khí xung quanh cũng toàn mùi dưa hấu.

Lúc đó tôi tôi chỉ muốn mình có một người đồng hành cùng tôi rời khỏi chốn vũ trường. Cô ấy chỉ biết trên người tôi có mùi thuốc lá cô ấy ghét, nhưng không biết rằng trong túi áo tôi có viên kẹo từ cửa hàng Do Thái tôi đã chuẩn bị cho cô ấy.

Trên người cô ấy có hơi thở phương Đông, dáng vẻ cô ấy mặc sườn xám khiến tôi đắm say.

Nếu như gặp cô ấy, nhất định mỗi ngày đi ngang qua khu chợ, tôi sẽ mang cho cô ấy một đóa hoa.

Tôi không biết đến khi nào mình mới gặp cô ấy. Trước khi tôi hoàn toàn chìm xuống đáy biển, không biết cô ấy có thể cảm nhận thấy không.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương