Giấy Sống
-
Chương 47: “âm Dương Giới”
Bạch Chuẩn gật đầu: “Lên thuyền.”
Chiếc thuyền kia lay động ra khỏi khóm hoa lau, khẽ dựa vào gần bờ.
Rõ ràng bác lái thuyền nhìn thấy bọn họ có rất nhiều hành lý, nhưng không xuống giúp mà chỉ ngồi ở đầu thuyền yên lặng ngồi đợi.
Để lộ đôi mắt rất tròn bên dưới mũ rơm.
Bạch Chuẩn khẽ nói với Hoắc Chấn Diệp: “Anh ở lại, không cần phải vào đâu.”
Hoắc Chấn Diệp đã ngửi thấy mùi máu tanh, sao có thể để Bạch Chuẩn một mình dấn thân vào nguy hiểm.
Hắn nhìn thuyền, sợ rằng chiếc thuyền này không phải đi tới trấn Hưởng Thủy, ít nhất thì bọn họ cũng không sang cùng một bờ với nhóm hành khách lúc trước.
Hoắc Chấn Diệp bế cả người Bạch Chuẩn lên, dán sát vào tai cậu: “Đừng nói linh tinh, nếu cậu đi, sao tôi có thể không theo cùng được chứ?”
Đôi mi dài của Bạch Chuẩn khẽ chớp, quét qua tai Hoắc Chấn Diệp: “Sau khi vào nhất định phải cẩn thận.”
A Sinh không nhìn ra cũng không ngửi được gì, mỗi tay xách một vali nhảy lên thuyền.
Ba người lên thuyền, bác lái thuyền không đợi thêm người nữa.
Chiếc thuyền nhỏ hẹp này của ông ta chỉ chở được ba người, dường như đặc biệt chuẩn bị cho nhóm người Bạch Chuẩn.
Chèo chống xuống, thuyền rời khỏi bờ hướng về trung tâm mặt nước, Bạch Chuẩn lập tức sửa đổi tích cách kiệm lời của mình, cậu hỏi: “Bác ơi, có gánh hát nào từng lên trên trấn không ạ?”
Bác lái thuyền đưa mái chèo, đội chiếc mũ rơm ngồi ở đầu thuyền, ánh trời chiều chiếu xuống phác họa ra cái bóng bán nguyệt.
Trời chiều, mái chèo, khóm lau, đây đáng lẽ phải là một hình ảnh rất đẹp, nhưng bác lái thuyền lại cười ha ha, giọng nói vừa trầm vừa khàn: “Có, mọi người đều thích nghe hí.”
A Sinh vốn dĩ không cảm thấy gì, nghe xong câu đó thì giật mình.
Cậu ta nhìn Bạch Chuẩn, dần dần hiểu được, chỉ sợ gánh hát Cát Khánh đã đi lên chiếc thuyền này.
Trong phút chốc, trên thuyền không ai nói thêm gì, chút nắng chiều cuối cùng đều bị nước sông cắn nuốt.
Trừ tiếng nước và tiếng cỏ lau quẹt qua thuyền thì không còn âm thanh nào khác.
Ánh sáng của đèn lồng giấy chỉ có thể chiếu sáng một khoảng mặt nước phía trước, mặt nước yên tĩnh, nhưng dưới thuyền thỉnh thoảng lại truyền tới âm thanh “thùng thùng”, giống như là có đàn cá quất đuôi vào đáy thuyền.
Bạch Chuẩn khép mắt lại, không nói lời nào.
Hoắc Chấn Diệp lấy hộp bật lửa bạc ra, bật lửa lên dí sát vào gần mạn thuyền.
Thứ đen kìn kịt trong nước giống như cá bơi, vừa nhìn thấy ánh lửa, lập tức nhao nhao trốn xuống đáy nước.
Hoắc Chấn Diệp không nhìn rõ được rốt cuộc thứ đó là gì, nhưng con thuyền bất chợt nghiêng về phía hắn, suýt chút nữa đã đập vào mạn thuyền.
Bàn tay buông lỏng, bật lửa tí thì rơi vào nước.
Nhưng hắn đưa tay bắt được, ngọn lửa vừa xoẹt qua lòng bàn tay hắn, “cạch” một tiếng, nắp hộp đóng lại.
Hắn ngẩng đầu lên, nhìn thấy bác lái thuyền vẫn ngồi ở đầu thuyền.
Nhưng khi ông ta quay đầu, đôi mắt càng thêm sáng rực trong bóng đêm, phản chiếu ánh sáng của đèn lồng.
Lại là hai tiếng “thùng thùng” nữa, A Sinh nghe vậy run cả da đầu, cậu ta hỏi: “Bác ơi, dưới nước có thứ gì vậy?”
“Là cá.” Bác lái thuyền cười nhạt, “Dưới sông có cá lớn, rất thích làm ồn.”
Hoắc Chấn Diệp bỏ bật lửa vào trong túi, hắn vươn tay ra nắm chặt lấy tay Bạch Chuẩn.
Nãy giờ Bạch Chuẩn vẫn nhắm mắt, tay bị Hoắc Chấn Diệp nắm lấy cũng chỉ khẽ rung mi chứ không rút tay về: “Sợ rồi à?”
“Có hơi.”
Trong tình huống quỷ dị thế này, Hoắc Chấn Diệp lại sinh ra tâm tư lãng mạn.
Người khác ngồi thuyền là đêm trăng ngồi thuyền dạo Tây Hồ, hai người họ lại ngồi thuyền trên sông hoang vắng không có trăng sao.
Còn cả một võ sinh tinh thần căng thẳng, cùng với một ông bác không biết là người hay ma.
Hoắc Chấn Diệp nắm lấy đầu ngón tay hơi lạnh của Bạch Chuẩn.
Ngồi trong khoang thuyền, gió lạnh từ từ thổi tới, cõi lòng không gợn sóng, khóe miệng hắn càng lúc càng vểnh cao lên, lẳng lặng nở nụ cười.
Mặc dù A Sinh cảm thấy có gì đó không đúng, nhưng cậu ta đã từng theo sư công đi khắp nơi.
Nếu như đi đường bộ gặp nạn thì mọi người còn có thể cùng nhau cố gắng, nhưng đi đường thủy nhất định không thể đắc tội bác lái thuyền, đặc biệt là ở con sông hoang vắng, cỏ lau um tùm thế này, dựa vào bản thân thì không thể ra nổi.
A Sinh nhìn Hoắc Chấn Diệp, cậu ta không biết trong lòng Hoắc Chấn Diệp nghĩ gì, thấy hắn còn khẽ cười, cậu ta chỉ có thể nuốt nước bọt.
Không hổ là đệ tử Thất Môn, đồ đệ của Thất gia, gặp phải chuyện này mà cũng cười được.
Thuyền đi vòng vèo, đi rất lâu, cuối cùng cũng lên tới bờ, bác lái thuyền đứng dậy: “Đến rồi.”
Hoắc Chấn Diệp bế Bạch Chuẩn như ban nãy, A Sinh bê xe lăn và hành lý theo sát phía sau hai người.
Cậu ta không muốn ở trên chiếc thuyền này thêm một giây phút nào nữa.
Đi lên bờ chưa được mấy bước là tới một cổng đá.
Sau cổng đá là mấy bậc thang, trên cổng đá khắc ba chữ lớn màu đỏ “Trấn Hưởng Thủy.”
A Sinh nhìn thấy cổng đá thì thở phào một hơi, may mà cuối cùng cũng tới trấn Hưởng Thủy rồi.
“Thất gia, chúng ta lên thôi.”
Bạch Chuẩn nhìn nơi này rất nhiều trúc, gió thổi khẽ mang theo hương thơm lá trúc thoang thoảng như có như không.
Cậu khẽ nhướng mày, phong thủy ở nơi đây không giống như vùng đất độc.
Bác lái thuyền vẫn đứng ở đầu thuyền, híp mắt tiễn bọn họ.
Hoắc Chấn Diệp hỏi: “Một ngày có mấy chuyến thuyền, khi nào thì thuyền rời trấn ạ?”
Bác lái thuyền ngạc nhiên, dường như ông ta chưa từng nghĩ tới chuyện đưa bọn họ ra khỏi trấn.
Hoắc Chấn Diệp hỏi vậy, ông ta gõ gõ tẩu thuốc nói: “Ban ngày, ban ngày ra khỏi trấn.”
Ba người bước lên cầu thang, trước mắt nơi nơi giăng đèn kết hoa, không ngờ buổi tối trấn này lại náo nhiệt như vậy.
Hai bên đường có quầy bán trà, gánh hàng bán hoành thánh, đâu đâu cũng là người chen chúc nhau.
A Sinh ngó hoành thánh trên gánh còn nóng hôi hổi, cảm thấy hơi đói, cả đoạn đường ngồi trên xe đều ăn lương khô, hoành thánh nhân thịt cá còn kèm cả nước canh, nước dãi cậu ta sắp rơi xuống đến nơi.
Bà lão bán hoành thánh chào mời cậu ta: “Chàng trai ăn một bát hoành thánh nhân cá đi, cá này đều bắt dưới sông, tươi lắm đấy.”
Vừa nói, bà ta vừa lấy bát ra.
Hoành thánh cá đầy đặn giống như đồng nguyên bảo, vỏ trong suốt, thịt cá lóng lánh, A Sinh nuốt nước bọt: “Thất gia, chúng ta ăn hoành thánh rồi tìm nơi để ở sau nhé.”
Bạch Chuẩn nhìn chằm chằm vào mắt A Sinh: “Tôi không đói.”
A Sinh ngẩn ra, Bạch Chuẩn vừa dứt lời, bụng cậu ta đa vang lên một tiếng to.
Ngửi thấy mùi hoành thánh, A Sinh càng đói hơn, nhưng cậu ta nhớ rõ lời của sư công, tất cả đều phải nghe theo Thất gia.
Gần như là vừa quay đầu, bụng A Sinh đã đói tới mức hoa cả mắt, chân như nhũn xuống.
Khi đi ngang qua quán trọ, A Sinh nhìn thấy bên trong vẫn sáng đèn, cảm thấy lúc này chắc chắn vẫn còn thứ gì ăn.
Vào quán trọ rồi thì Bạch Thất gia sẽ không từ chối nữa đâu nhỉ?
A Sinh xách theo vali, chạy đầu tiên: “Ông chủ, cho chúng tôi ba gian phòng.”
Ông chủ đang tính toán, nghe vậy ngẩng đầu lên liếc nhìn cậu ta: “Không còn phòng.”
“Vậy chúng tôi thuê hai gian, hai gian thì chắc là có chứ?”
Ông chủ lắc bàn tính: “Không còn phòng nữa đâu, nhà họ Tần đã bao trọn quán trọ cho gánh hát ở rồi.”
A Sinh ngơ ngác, gánh hát gì? Bọn họ mời thêm một gánh hát tới hả?
“Trong trấn có miếu thổ địa, mấy người có thể tới miếu ở tạm một đêm.” Trấn nhỏ thế này không đủ quy cách để Thành Hoàng trấn thủ, nhưng vẫn phải có miếu thổ địa.
Ông chủ chỉ đường cho bọn họ, A Sinh xách vali lên.
Cậu ta đói muốn xỉu, nhưng vẫn phải nhịn tới miếu thổ địa bên cạnh.
Miếu thổ địa vô cùng cũ nát, rõ ràng nhìn trên trấn thì phồn hoa nhưng thổ địa lại không có hương khói gì, càng chẳng có ai trông coi.
Trong miếu đặt cả quan tài nữa.
Bạch Chuẩn vào miếu châm nhang, sau đó cắm vào trong lư hương lâu ngày không có ai dùng tới.
Ánh lửa bừng lên, từng hạt bụi vàng bay xung quanh miếu, không có gió nhưng vẻ cũ nát này bay đi không ít, cả ngôi miếu thoạt nhìn sống động hơn nhiều.
A Sinh đặt hành lý xuống, đầu tiên quét dọn ngôi miếu này một lượt.
Cậu ta thu dọn qua loa xong, đói không chịu được nữa: “Tôi lên trấn mua chút đồ ăn cho Thất gia và Hoắc sư huynh nhé, mọi người không thể nhịn đói được.”
Hoắc Chấn Diệp và A Sinh cùng nhau quét dọn, miễn cưỡng dọn ra được một góc cho Bạch Chuẩn.
Hắn mở vali đồ lấy bánh mì Pháp, dùng dao nhỏ cắt thành miếng và đưa cho A Sinh.
“Ăn cái này.” Hoành thánh vô cùng thơm, thơm tới mức ngay cả Hoắc Chấn Diệp còn muốn ngồi xuống ăn một bát.
Nhưng Bạch Chuẩn đã nói không được thì chắc chắn không được, cậu vốn dĩ thích ăn hoành thánh nhất mà.
Bánh mì này đương nhiên không thể so sánh với hoành thánh.
A Sinh nhìn bánh mì, trong lòng lại nhớ tới hoành thánh.
Hoắc Chấn Diệp nhìn thấy cậu ta nuốt nước miếng, cười nói: “Cậu đã từng nghe chuyện hoành thánh máu chưa?”.
Đam Mỹ Hài
A Sinh nghe vậy nổi hết cả da gà.
Vừa nghĩ tới cả bát hoành thánh đều không phải là cá thật, cơn thèm ăn vơi đi bảy phần.
Ăn bánh mì còn hơn, mặc dù cứng đấy nhưng mà an toàn.
Hoắc Chấn Diệp cũng gặm bánh mì, nhưng hắn đưa cho Bạch Chuẩn bánh mì mềm kẹp chân giò hun khói.
Bạch Chuẩn lười biếng ăn hai miếng bánh mì thịt hun khói, liếc mắt nhìn Hoắc Chấn Diệp.
Cậu nhìn thấy rõ ràng, thứ trong nồi kia không chỉ có hoành thánh máu.
A Sinh ra ngoài lấy nước, Bạch Chuẩn nói: “Đừng tới gần giếng, trong trúc có nước, muốn lấy nước thì chặt trúc ra.”
Trong trúc có dịch trúc tươi, vỗ ống trúc, nếu như âm thanh vang thì bên trong không có nước, âm thanh trầm đục thì dùng dao đâm vào sẽ có nước chảy ra.
A Sinh cầm ấm đi tìm nước.
Hoắc Chấn Diệp liếc mắt nhìn quanh miếu, nhíu mày.
Hắn thì không sao nhưng Bạch Chuẩn yếu ớt thế kia, sao có thể ở nơi này được chứ.
Trong đây vừa bẩn, phòng còn thoáng gió.
Hoắc Chấn Diệp ôm một đống củi to bước vào, nhóm lửa lên, hơi ấm lan tỏa khắp cả căn phòng.
Ngoại trừ cỗ quan tài đặt ở giữa miếu là có chút đáng sợ ra, thì còn tốt hơn là ngủ nơi hoang vắng.
Hoắc Chấn Diệp gảy khúc gỗ khiến lửa càng cháy càng lớn, thêm chút ấm áp cho ngôi miếu đổ nát này.
Hắn nhìn Bạch Chuẩn: “Rốt cuộc đây là đâu?”
Chắc chắn không phải là trấn Hưởng Thủy, nhưng có lẽ cũng gần giống như trấn Hưởng Thủy.
A Sinh tới đây cũng không cảm tháy nơi đây có gì khác lạ.
“Tôi đoán đây là Âm Dương Giới.” Do tình cờ nên gánh Cát Khánh mới được bác lái thuyền đưa tới đây.
“Đoán sao? Vậy làm thế nào để chứng thực?”
Bạch Chuẩn liếc Hoắc Chấn Diệp, thực ra cũng không khó để chứng thực, cậu chậm rãi đứng dậy đi về phía trước.
Cành cây trong tay Hoắc Chấn Diệp rơi vào đống lửa, hắn kinh ngạc nhìn thấy màn trước mắt: “Cậu, cậu có thể đứng dậy hả?”
Vậy trước đây tại sao phải ngồi xe lăn làm gì? Bởi vì lười? Hay là vì vui? Hay là vì muốn được hắn bế ra bế vào? Suy đoán cuối cùng khiến cho lòng Hoắc Chấn Diệp sung sướng.
Bạch Chuẩn lườm hắn, chỉ ở nơi này thì chân cậu mới có thể sử dụng được.
Dù sao cũng bớt được rất nhiều phiền phức.
“Đi thôi.” A Sinh còn chưa về, không đi tìm cậu ta, chỉ sợ cậu ta sẽ chẳng về được nữa.
A Sinh lấy đầy hai ấm nước, khi vung tay lên bổ trúc lại nghe thấy cách đó không xa có người đang luyện giọng.
Cậu ta xách dao đi tìm, tìm được mấy bước đã thấy một sân khấu kịch.
Cờ của gánh hát Cát Khánh treo ở nơi đó, hai bên có biển hoa mừng diễn hí, sân khấu treo cờ màu, phía sau còn dựng một cái lều, thoạt nhìn chính là hậu đài.
A Sinh tràn đầy vui mừng, cuối cùng cũng tìm được sư huynh, sư tỷ.
Cậu ta bước mấy bước qua đó, mấy tiểu sư đệ của cậu ta đang biểu diễn lộn nhào trên sân khấu, từng cú lộn nối tiếp nhau liền một lúc lộn hơn hai ba mươi vòng, khiến cả hiện trường đều kinh ngạc.
Bên dưới khán đài đã dần dần ngồi hơn phân nửa.
A Sinh vừa mới định đi tới hậu đài, hỏi xem tại sao sư huynh sư tỷ lại nán lại đây lâu như vậy, sư công già cả rồi ở nhà đợi cũng sốt ruột.
A Sinh vừa mới định vén màn lên, chợt nghe thấy tiếng chiêng chống.
Từ nhỏ cậu ta đã bái sư bước vào Bát Môn học hí, vừa nghe tiếng chiêng đã biết ngay hát khúc nào.
“Lục Quốc Đại Phong Tương”, bảy ngày hát minh hí, ngày đầu tiên là tặng thần, khúc này chỉ có thể hát vào buổi tối ngày đầu tiên.
A Sinh buông tay xuống, một bàn tay trắng nõn đặt lên vai cậu ta, móng tay sơn màu đỏ thẫm.
A Sinh quay lại: “Sư tỷ!”
Chút nghi ngờ vừa nảy sinh trong lòng hoàn toàn mất dạng khi nhìn thấy sư tỷ.
Sư tỷ cười khanh khách, chọc ngón tay lên trán cậu ta: “Thằng nhóc này sao lại chạy tới đây rồi, có phải lén lút trốn đi không?”
“Không phải, tôi tới đây để tìm mọi người.” A Sinh nhớ tới Trần sư huynh lúc trước cũng đến tìm người, “Sư tỷ, sư tỷ có nhìn thấy Trần sư huynh không?”
“Anh ấy tới sớm hơn cậu mấy ngày, hậu đài bận rộn quá cho nên ở lại giúp đỡ.” Nói xong còn chỉ lên sân khấu, “Nhìn xem.”
Chử sư tỷ vừa mới trang điểm, mặt tô trắng, vẽ hoa đào, mặc quần áo hát hí, kéo lấy cánh tay A Sinh: “Đói chưa? Để sư tỷ dẫn cậu đi nếm hoành thành cá của trấn này nhé, tươi lắm đấy.”
Vừa nói vừa kéo A Sinh ra khỏi rạp hát hí, chiêng bắt đầu sắp nổi lên rồi.
Những quán ăn kia đều nằm ở bên ngoài rạp hí, người tới xem đều nhao nhao móc tiền mua đồ ăn vặt mang vào nghe hí.
A Sinh ngửi được mùi canh tươi ngon, bụng kêu ầm lên.
Cậu ta thoáng cảm thấy có gì đó không đúng, nhưng đầu óc lại mơ hồ: “Sư tỷ, cái này ăn được không ạ?”
Sư tỷ cười, trâm cài bên mai lắc lư: “Ăn đi, sư tỷ mời.”
Bà lão bưng lên một bát hoành thánh, đặt trước mặt A Sinh.
A Sinh mơ màng, trước mắt ngoại trừ hoành thánh ra thì không còn nhìn thấy thứ gì khác, cậu ta múc một thìa hoành thánh lên.
Đang định đưa vào miệng, trước mắt đột nhiên xuất hiện một bàn tay, trên tay là một đồng tiền cổ.
A Sinh nhìn qua lỗ đồng tiền, thấy trong thìa chính là một con mắt tròn ủng.
Tròng mắt kia đang nhìn chằm chằm cậu ta.
A Sinh hét lên sợ hãi đẩy bát hoành thánh ra.
Nếu như không phải Hoắc Chấn Diệp đỡ, cậu ta đã ngã ra đất mất.
Chử sư tỷ ngồi đối diện A Sinh, hoành thánh vừa được mang lên, cô ta đã vội vã múc một miếng lên, khẽ hút lớp vỏ, cắn thịt bên trong, khuôn mặt hiện lên vẻ tham lam.
Lưỡi đỏ liếm khóe môi: “Ăn đi, tươi lắm đấy.”
A Sinh quay đầu nôn thốc.
Cậu ta nôn mấy miếng, ngẩng đầu nhìn thấy Bạch Chuẩn vẻ mặt ghét bỏ đứng tránh phía sau Hoắc Chấn Diệp thì ngạc nhiên quên mất cả nôn: “Thất Thất… Thất gia… ngài có thể đi đường rồi ạ?”
___________________
Lời tác giả: Hoắc – Rất muốn nhân cơ hội làm gì đó – Thất.
Bạch – Đứng dậy được – Thất.HẾT CHƯƠNG THỨ BỐN MƯƠI BẢY.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook