Giang Bắc Nữ Phỉ
Quyển 3 - Chương 222

Phong Quân Dương có thể bỏ Giang Nam mà giữ Giang Bắc đã làm Thần Niên khá bất ngờ, suy nghĩ trong lòng cũng thoáng thay đổi. Giờ nghe Ôn Đại Nha mỉa mai Phong Quân Dương, vẻ mặt Thần Niên bình thản, chỉ nói: “Câu này nói trước mặt ta thì thôi, nhưng phải giữ miệng cho tốt, đừng nói trước mặt Trịnh Luân”.

Ôn Đại Nha nghe thế cười hì hì: “Xem cô kìa, tôi dù có ngốc cũng không ngốc tới mức đến trước mặt Trịnh tướng quân mắng chủ nhân của hắn”.

Thần Niên chậm rãi gật đầu: “Vậy thì tốt”.

Một lát sau, Ôn Đại Nha lại không nhịn được cong khóe miệng lên, cười nói: “Tôi thấy Phong Quân Dương có thể đã biết thái độ làm người của Tiêu Hầu Nhi, cô nghe hắn sửa tên cho gã đi, Tiêu Đắc Hầu, Tiêu Đắc Hầu, hiềm Tiêu Hầu Nhi vô đức nên mới thêm cho gã chút đứ hạnh(*) thôi!”.

(*) Chữ Đắc (得) và chữ Đức (德) đồng âm

Thần Niên chưa bao giờ nghĩ đến điều này, nghe thế hơi giật mình, chờ khi suy nghĩ kĩ càng, bất giác mỉm cười, nói: “Đúng là thế thật”.

Hai người đang cười nói thì Trịnh Luân từ ngoài đi vào, ánh mắt dừng lại trên khuôn mặt Thần Niên một lát rồi mới hỏi: “Nói gì mà phấn khởi thế?”.

“Không có gì, Ôn đại ca vừa kể chuyện cười.” Thần Niên thuận miệng đáp, chuyển đề tài, hỏi Trịnh Luân, “Đúng rồi, Tống Diễm hiện đến đâu rồi?”.

Trịnh Luân chợt sầm mặt xuống, trầm giọng đáp “Nam Tú”.

Hạ Lan Uyên lui về Bắc ở thành An Hạ, Tống Diễm một mạch truy kích theo, dốc binh lực hùng hậu cho trận Nam Tú, ra chiều muốn quyết một trận sống mái với Hạ Lan Uyên. Mà ba vạn kỵ binh của Trịnh Luân và nghĩa quân Thần Niên dẫn dắt lại lặng lẽ núp ở Tây Bắc An Hạ, ngăn cản đường lui của Hạ Lan Uyên.

Trịnh Luân nói: “Với tình hình trước mắt, muốn thắng Hạ Lan Uyên không khó, cái khó là làm thế nào mới có thể hoàn toàn tiêu diệt y, tiêu trừ hậu họa vĩnh viễn”.

Thần Niên cũng biết nếu muốn hai châu Thanh, Ký yên ổn, chỉ đánh đuổi Hạ Lan Uyên là chưa đủ. Trịnh Luân còn phải mang binh về phía Nam, hoặc là tiến đến Tây, không thể ở lại Ký Châu lâu dài. Nàng ngẫm nghĩ, nói: “Vẫn phải nghĩ cách thuyết phục Tiết Thịnh Hiển xuất binh thì mới được việc”.

Trịnh Luân giương mắt nhìn Thần Niên, hỏi: “Cô có đoán được tâm tư của Tiết Thịnh Hiển?”.

Thần Niên cân nhắc một lát, đáp: “Người đó cũng không có dã tâm xưng hùng, chỉ một lòng muốn tự bảo vệ mình. Nếu ta không đoán sai, Tiết Thịnh Hiển muốn nửa vời trông ngóng, chờ sau khi thiên hạ bình định sẽ xưng thần với người thắng. Đến lúc đó, chỉ cần y có thể sảng khoái dâng Ký Châu lên, phàm là quân chủ độ lượng một chút cũng đều có thể để y sống nốt quãng đời còn lại trong phú quý”.

Suy nghĩ của Trịnh Luân cũng không khác Thần Niên nhiều lắm, gật đầu nói: “Đúng là như vậy. Thế nên, hiện tuy cô giỏi khua môi múa mép nhưng cũng chưa thuyết phục được Ký Châu xuất binh”.

Thần Niên nhíu mày trầm mặc một lát, chợt nảy ra một ý, đưa mắt nhìn Trịnh Luân, cực kì hứng thú lên tiếng: “Ta đột nhiên nghĩ ra một cách, không cần Tiết Thịnh Hiển xuất binh cũng có thể khiến cho Hạ Lan Uyên lui về Bắc”.

Trịnh Luân nghe thế hai mắt sáng lên, nói: “Nói ra nghe thử”.

Giữa tháng Tư, thăm viếng giữa Nam Tú và Ký Châu bỗng đâu nhiều hơn. Bởi An Hạ kẹp giữa hai thành này, Hạ Lan Uyên cũng ít nhiều hay tin, sinh lòng nghi ngờ, đặc biệt dẫn theo người phục giữa đường nối Nam Tú và Ký Châu, quả nhiên chặn được một bức thư Tiết Thịnh Hiển ở Ký Châu gửi cho Trịnh Luân.

Trong thư, Tiết Thịnh Hiển ban đầu biểu đạt sự cảm kích của mình với việc Phong Quân Dương đồng ý phong vương cho y, sau lại lấy cớ mình vô năng vô đức, uyển chuyển cự tuyệt lời đề nghị. Một bức thư rõ dài, chỉ đoạn sau cùng là có ích: Binh Ký Châu ít ỏi, chỉ có thể tự bảo vệ mình, thật sự không sức lực nào cùng đánh Tiên Thị với Trịnh Luân, nhưng vì tận trung với triều đình, y vẫn sẵ lòng giao ba nghìn binh đến vây công An Hạ, dùng để uy hiếp.

Nói đến Hạ Lan Uyên đã có thể làm thống soái một quân, đương nhiên là cũng có đầu óc hơn người, tuy chỉ thấy bức thư này nhưng cũng có thể đoán được đại khái trước sau sự việc. Y vân vê tờ thư trầm tư im lặng, nhưng một thuộc cấp bên cạnh lại không giữ nổi bình tĩnh, nói: “Tướng quân, rốt cuộc là có ý gì?”.

Hạ Lan Uyên nghe vậy cười một cái, nói: “Trịnh Luân muốn khuyên Tiết Thịnh Hiển xuất binh, liền mượn danh Phong Quân Dương cho y một miếng bánh ngon. Không ngờ Tiết Thịnh Hiển nhát gan, cũng không phải hạng ngu, y không chịu mắc lừa nên dùng ba nghìn binh để đối phó Trịnh Luân”.

Thuộc cấp kia lại hỏi: “Chỉ ba nghìn binh thì có thể làm gì?”.

Hạ Lan Uyên cười cười đáp: “Giả vờ giả vịt, dọa nạt chúng ta”.

Chẳng mấy chốc, thám báo Hạ Lan Uyên cử đi khắp nơi báo tin trở về: Đại quân của Tống Diễm sau khi tạm nghỉ ngơi chỉnh đốn ở Nam Tú lại đánh về hướng Bắc. Đồng thời, ba vạn binh tinh nhuệ của Trịnh Luân và nghĩa quân của Tạ Thần Niên cũng từ phía Tây tới, áp sát đến thẳng An Hạ. Mà sườn Bắc Ký Châu cũng xuất hiện bóng dáng của đại quân Ký Châu.

Thành An Hạ nhỏ, không thể cố thủ, nếu Hạ Lan Uyên không muốn bị Trịnh Luân vây chết thì chỉ có nước trước khi người Hạ vây kín phải chọn một phía phá vòng vây ra ngoài. Phía Nam, phía Tây và phía Bắc đều có đại quân, mà phía Đông tuy không có đại quân song lại vướng nhiều núi, quân đội lấy kỵ binh làm chủ như Tiên Thị một khi bị người đuổi vào đó mà muốn thoát ra ngoài tuyệt không dễ dàng.

Tiên Thị người đông ưa mạo hiểm, nếu chưa từng chặn được bức thư của Tiết Thịnh Hiển, Hạ Lan Uyên chắc chắn sẽ mạo hiểm đột phá phía Nam, nếu có thể thành công, còn có thể thừa dịp Nghi Bình không người, đoạt được thành Nghi Bình. Nhưng một khi đã chặn được thư, Hạ Lan Uyên liền nảy ra ý khác. Y hỏi thám báo trở về từ phương Bắc: “Quân Ký Châu có khoảng bao nhiêu nhân mã?”.

Thám báo kia đáp: “Nhìn lều trại nối liền không ngớt, ước chừng có mấy vạn người”.

Hạ Lan Uyên nghe xong không khỏi cười ha ha: “Chỉ với tính khí của Tiết Thịnh Hiển, sao có thể lấy toàn bộ vốn liếng ra mạo hiểm, đó tất nhiên là kế nghi binh của người Hạ. Chúng ta cứ tiếp tục lui về Bắc, quận Lăng Hòa địa thế bằng phẳng, dẫn Trịnh Luân vào đó quyết chiến là thích hợp nhất!”.

Ngay tức khắc, Hạ Lan Uyên liền vứt bỏ thành An Hạ, dẫn đại quân về phía Bắc. Quân Ký Châu đang chặn đường lui về Bắc của y, Hạ Lan Uyên phái một vạn nhân mã đi trước dò xét, quân Ký Châu không chiến mà đi. Hạ Lan Uyên càng cho rằng đây là ba nghìn binh Tiết Thịnh Hiển phái đến để đối phó Trịnh Luân, để lại hậu quân yểm trợ, chính mình dẫn hơn mười vạn đại quân đi về phía Bắc.

Bởi Ký Châu càng đi về Bắc thì địa thế càng bằng phẳng, rất khó giấu quân mai phục, Hạ Lan Uyên dẫn quân đi một mạch mấy ngày, suốt dọc đường bình an vô sự. Chạng vạng ngày hôm đó, đại quân dựng trại đóng quân trên một gò đất gần bờ sông. Truy binh phía sau đã cách rất xa, ai nấy khó tránh sinh lòng khinh nhờn, đến cả tường gỗ bảo vệ đại doanh cũng chỉ xây sửa sơ sài, ứng phó cho qua chuyện.

Hành quân mấy ngày liền, binh lính đều đã mệt mỏi, chưa đến đêm đã ngủ say như chết. Mà thời khắc đó, cách nơi này vài chục dặm về hướng Bắc, Thần Niên chỉ dẫn theo một nghìn khinh kỵ binh, lặng lẽ chờ trong một cánh rừng, đã nai nịt gọn gàng chờ xuất phát.

Bức thư Tiết Thịnh Hiển viết cho Trịnh Luân là giả, ba nghìn quân Ký Châu cũng là giả, tất cả mọi chuyện chẳng qua đều là kế sách Thần Niên và Trịnh Luân nghĩ ra, cố tình dụ Hạ Lan Uyên lui về Bắc, để y đi đường trót lọt mà mất cảnh giác, sau đó Thần Niên dẫn kỵ binh thừa dịp đêm khuya đánh úp, làm rối loạn lòng quân của Hạ Lan Uyên, Trịnh Luân thì lĩnh ba vạn nhân mã khác, đợi quân địch mệt mỏi rồi tấn công phía trước, chờ Hạ Lan Uyên cắm đầu đến đó. 

Thần Niên đeo trên mặt chiếc mặt nạ Trịnh Luân tặng nàng, chỉ lộ ra vẻ trầm tĩnh và trấn định trong đôi mắt. Nàng quay đầu sang nhìn Linh Tước bên cạnh, hỏi: “Giờ nào rồi?”.

Linh Tước đáp: “Đã gần đến giờ Tý(*)”.

(*) Tương ứng với khoảng thời gian từ 23:00 ngày hôm trước đến 01:00 ngày hôm sau.

Thần Niên chậm rãi gật đầu, trầm giọng nói: “Đi thôi”.

Hai cô gái đi đầu thúc ngựa tiến lên trước, dẫn theo một nghìn khinh kỵ binh về phía đại doanh Tiên Thị. Bởi dưới chân chiến mã đều buộc vải dày, vó ngựa đạp trên mặt đất không phát ra quá nhiều tiếng vang, mọi người lặng lẽ vòng ra phía sau đại quân Tiên Thị, mãi đến khi cách đại doanh ba bốn dặm mới đẩy nhanh tốc độ, gấp rút xông thẳng vào đại doanh.

Việc thừa dịp đêm khuya đánh lén này, Thần Niên đã từng làm một lần lúc giữ Nghi Bình, lần này làm lại là ngựa quen đường cũ. Người Tiên Thị canh phòng lỏng lẻo, chờ khi có phản ứng thì đã không kịp, chỉ thấy kỵ binh quân địch vọt vào đại doanh, tiếng chém giết rung trời, nhất thời cũng không phân biệt được rõ đối phương có bao nhiêu nhân mã, trong doanh nhất thời đại loạn.

Có điều người Tiên Thị cũng rất dũng mãnh, sau phút bối rối ban đầu, rất nhanh đã có tướng lĩnh tổ chức cho nhân mã phản kích. Thần Niên dẫn quân xung phong liều chết trong đại doanh Tiên Thị một trận, vốn nghĩ có thể giết Hạ Lan Uyên là tốt nhất, không ngờ không tìm thấy, lại trông người Tiên Thị cũng ào ào lên ngựa, vội ra hiệu cho mọi người lùi lại.

Hạ Lan Uyên bị kẻ khác tập kích doanh trại, sao chịu từ bỏ đồ, vội phái binh điểm tướng, dẫn người đuổi theo. Thần Niên không sợ y đuổi, chỉ sợ y không đuổi. Nàng dẫn Hạ Lan Uyên đi về hướng Bắc, dụ thẳng vào vòng vây của Trịnh Luân.

Đây là một trận ác chiến, bắt đầu từ nửa đêm Thần Niên tập doanh cho đến tận tối ngày hôm sau, Trịnh Luân mới lấy ít thắng nhiều, hoàn toàn đánh tan đại quân của Hạ Lan Uyên. Hạ Lan Uyên bị giết giữa trận, người Tiên Thị chết quá nửa, tàn binh còn lại bỏ chạy về Bắc.

Trịnh Luân phái kỵ binh một mạch đuổi riết phía sau, chỉ chờ lúc tàn binh Tiên Thị đứng lại nghỉ ngơi liền xông lên hò la đòi giết, đám Tiên Thị sợ đến mức lại vắt chân lên cổ chạy trốn. Cứ như thế, mãi đến Lăng Hòa, rất nhiều binh Tiên Thị vừa chết vừa chạy, có thể còn sống trở lại quan ngoại không đủ một hai phần mười quân số ban đầu.

Đến đây, Ký Châu mới có thể yên ổn.

Trận này làm rất nhiều tướng lĩnh thành danh, mà nổi danh nhất, chính là thủ lĩnh nghĩa quân đã nghĩ ra kế sách này, hơn nữa còn tự dẫn binh tập kích đại doanh Tiên Thị giữa đêm - Tạ Thần Niên. Trên dưới nghĩa quân đều hết sức vui mừng. Linh Tước lại càng vui mừng thay Thần Niên, nói: “May mà Trịnh Luân cũng coi như hiểu chuyện biết điều, ghi tạc công lao này lên người đại đương gia, bằng không, tất cả chúng tôi quyết phải tìm hắn tính sổ!”.

Song Thần Niên không muốn được chiến công này, lại càng không hiểu vì sao Trịnh Luân phải ghi công cho nàng.

Sau đại thắng, không thể thiếu màn luận công ban thưởng.

Trước kia Hạ Lan Uyên dẫn binh từ Bắc Ký Châu đánh đến Nghi Bình, cướp giật rất nhiều vàng bạc châu báu, lần này quân Tiên Thị tan tác chạy trối chết, sức đâu mà quan tâm đến chỗ của cải ấy nên đều bị Trịnh Luân đoạt được. Trịnh Luân chỉ lấy một phần vàng bạc khen thưởng tướng sĩ trong quân mình, tất cả phần còn lại đều dành cho nghĩa quân. Tướng sĩ nghĩa quân tuy nói đến vì chữ “nghĩa”, nhưng quá nửa vàng bạc ai mà không ham, hành động lần nàyTrịnh Luân rất được lòng nghĩa quân.

Trong lễ mừng công, Phương Huân và mấy thủ lĩnh nghĩa quân khác đến kính Trịnh Luân không ít rượu, thấy Trịnh Luân uống rượu cực kì sảng khoái, trong lòng càng cảm thấy thân thiết, uống đến phút cuối cùng đã cùng xưng huynh gọi đệ. So với sự náo nhiệt bên chỗ Trịnh Luân, phía Thần Niên lại quạnh quẽ hơn nhiều. Nàng không uống được rượu, bất kể ai đến kính cũng chỉ nhấp môi cho xong chuyện. Hơn nữa vì nàng là nữ tử trẻ trung xinh đẹp, mọi người cũng không tiện miễn cưỡng khích lệ nàng uống rượu, vài lần như thế, tất cả đều bỏ quên nàng, sôi nổi đến chỗ Trịnh Luân.

Thần Niên cũng không so đo mấy việc này, ngồi trong chốc lát, dứt khoát nhân dịp không ai chú ý, một mình đi ra bên ngoài. Chờ khi ra khỏi nơi đóng quân một đoạn, tiếng động rầm rĩ phía sau mới dần lắng xuống, cuối cùng ẩn hẳn vào màn đêm.

Giờ đã là chớm hạ, nước sông lên cao, cỏ cây um tùm, thi thoảng có tiếng côn trùng râm ran vang lên trong lùm cỏ, không cảm thấy tiếng huyên náo, lại càng tôn lên sự yên ả giữa đêm hè.

Trăng đầu trời cao, cảnh đêm vừa khéo.

Cho đến lúc này, trong lòng Thần Niên mới dần dần thanh tĩnh. Trận đại chiến này họ lấy ít thắng nhiều, giết vô số địch, hoàn toàn xoay chuyển thế cục hai châu Thanh, Ký, song trong trái tim nàng lại chẳng hề vui sướng mà chỉ có nỗi hoang mang mờ nhạt. Những người Tiên Thị đã chết kia, bất luận họ hung ác tàn bạo, đúng người đúng tội đến đâu thì họ vẫn có huyết mạch giống như nàng.

Bọn họ, cũng coi như người cùng tộc với nàng.

Tạ Thần Niên nhận ơn sâu của người Hạ, nhưng mẫu thân của Tạ Thần Niên, nghĩa phụ nuôi nàng khôn lớn đều là người Tiên Thị, họ liệu có vui lòng khi thấy nàng dẫn theo đại quân giết chết đồng bào của mình như thế? Liệu có vui lòng khi hai tay nàng dính đẫm máu tươi của người Tiên Thị?

Bất chợt, nàng rất nhớ con gái Tiểu Bảo. Từ năm ngoái đưa Triêu Dương Tử và Tiểu Bảo về trấn nhỏ trong núi, để đảm bảo an toàn, nàng chưa từng quay lại đó, giờ tính ra đã là hơn nửa năm. Tiểu Bảo hẳn đã biết đi rồi chứ? Rồi cả chuyện học nói, không biết con có biết gọi nàng là mẫu thân không, liệu có ai dạy cho con không?

Đôi mắt Thần Niên chợt nóng lên, nàng nằm ngửa người lên bụi cỏ êm cạnh bờ sông, im lặng nhìn trời sao xuất thần.

Không biết bao nhiêu lâu sau, chợt nghe xa có tiếng bước chân truyền đến, men bờ sông chậm rãi đến gần. Nhịp bước người tới trầm ổn, đặt xuống đất nhẹ vô cùng, hiển nhiên là cao thủ võ công. Thần Niên sinh lòng cảnh giác, vẫn chưa đứng dậy ngay, chỉ khẽ khàng nghiêng đầu nhìn theo tiếng, tới khi bóng người đó vào tầm nhìn mới nhận ra là Trịnh Luân.

Thần Niên hơi bất ngờ, vội từ dưới đất đứng dậy, nói với Trịnh Luân: “Trịnh tướng quân?”.

Trịnh Luân hình như cũng vừa mới phát hiện ra nàng, dừng khựng lại một chút rồi mới tiếp tục đi đến chỗ Thần Niên, miệng lại lãnh đạm hỏi: “Sao một mình ra đây?”.

Thần Niên cười một cái, đáp lại: “Sợ uống rượu nên trốn ra”.

Trên mặt nàng mang nét cười, nhưng giọng nói lại hơi khàn. Trịnh Luân không khỏi nhìn vào mắt nàng, thấy mắt nàng còn đỏ hoe, hiển nhiên là vừa mới khóc. Thấy thế, trái tim hắn như bị ai đó bóp nghẹt, đau đớn khó chịu, cuối cùng lại hỏi Thần Niên mà không hề nghĩ ngợi: “Sao lại khóc?”.

Thần Niên sững sờ một lát, vô thức sờ sờ lên má, lấp liếm: “Khóc đâu mà khóc? Trịnh tướng quân uống nhiều, hoa mắt rồi”.

Trịnh Luân bị đám Phương Huân chuốc cho rất nhiều, đầu óc đã bị rượu thiêu cháy đến chóng mặt từ lâu, nghe thế lại đột nhiên tiến lên một bước, vươn tay lau khóe mắt Thần Niên, sau đó cho nàng xem giọt nước mắt trong lòng bàn tay mình, hỏi: “Đây là cái gì?”.

Động tác này của hắn không hề báo trước, Thần Niên nhất thời kinh ngạc ngây ra, đã quên cả phản ứng. Trịnh Luân thấy đôi mắt đẹp của nàng trợn lên, cánh môi khẽ nhếch, vẻ mặt kinh ngạc nhìn mình, chỉ cảm thấy khí huyết cuồn cuộn trong lòng, không thể khắc chế tình cảm được nữa, cúi đầu hôn lên môi nàng.

Thần Niên giờ mới bừng tỉnh, vội nghiêng đầu né sang một bên, giơ tay điểm huyệt Khúc Trì bên khuỷu tay Trịnh Luân, làm cho tay hắn lỏng ra. Nàng lui về phía sau vài bước, quát: “Trịnh tướng quân, xin ngươi tự trọng!”.

Trịnh Luân chợt cứng người, giờ mới ý thức được mình vừa làm gì, kinh hoàng nhìn Thần Niên: “Ta, ta, ta…”.

Thần Niên không ngờ hắn lại rượu say loạn tình, có ý cợt nhả mình, trong lòng buồn bực xấu hổ cực độ, làm sao còn nghe hắn giải thích, chỉ lạnh lùng lườm Trịnh Luân một cái rồi xoay người toan bỏ đi.

Trịnh Luân thấy thế càng thêm hoảng hốt, vội đuổi theo phía sau, gấp giọng nói: “Tạ cô nương, Tạ cô nương!”.

Thần Niên vốn tức giận, thấy hắn vẫn dám bám theo không dứt, dứt khoát dừng lại quay ngoắt người, lạnh lùng nhìn Trịnh Luân, hỏi: “Trịnh tướng quân, ta thấy ngươi uống rượu đến váng đầu rồi?”.

Nụ cười nàng lạnh như băng, ánh mắt sắc lẹm, quanh người đằng đằng sát khí, làm Trịnh Luân thấy rùng mình, đầu óc lập tức tỉnh táo lại. Sau khi chuyện tối nay qua đi, trong lòng nàng nhất định sẽ coi hắn là đồ vô sỉ chớt nhã, không chỉ không nói chuyện với hắn, sợ là đến gặp hắn cũng chẳng muốn gặp, chỉ trốn tránh hắn, lánh xa hắn.

Vừa nghĩ như thế, trong lòng Trịnh Luân cảm thấy xót xa buồn khổ khôn kể. Hắn bất giác nhắm mắt, trầm mặc một lát, giãy giụa trước lúc chết: “Tạ cô nương, xin lỗi, ta thật sự uống rượu váng đầu, vừa rồi nhất thời hoa mắt, nhìn nhầm cô thành Vân Sinh”.

Thần Niên sững sờ: “Vân Sinh?”.

Trịnh Luân chậm rãi cúi đầu, môi lại nở nụ cười khổ sở, như tự giễu mà nói: “Cô cũng biết, ta luôn thương mến Vân Sinh tiểu thư. Chỉ tiếc ta và nàng hữu duyên vô phận, ngay cả tâm tư này cũng không dám để nàng biết. Vừa rồi cũng không biết tại sao, giữa lúc ngẩn ngơ lại cho rằng nàng đứng trước mặt ta”.

Thần Niên nửa tin nửa ngờ lời hắn nói, nàng và Vân Sinh tuy là chị em cùng cha khác mẹ, nhưng mặt nũi hai người cũng không giống nhau lắm, theo lý thuyết không nên nhận nhầm. Có điều Trịnh Luân cũng thực sự uống rất nhiều rượu, có lẽ vì nhớ nhung Vân Sinh quá độ nên mắt say mơ màng nhận sai người.

Chuyện đã đến nước này, bất kể Trịnh Luân nói thật hay vờ, miễn nàng vẫn chưa muốn trở mặt với hắn thì cũng chỉ có thể chấp nhận lời giải thích của hắn. Đầu óc Thần Niên dần tỉnh táo lại, cân nhắc trước sau một phen, lạnh nhạt nói với Trịnh Luân: “Trịnh tướng quân nếu không có tửu lượng, sau này uống ít thôi, đỡ phải say đến mức không phân biệt được ai với ai”.

Nàng có thể nói ra câu này, chứng tỏ không hề chấp nhặt việc này với hắn. Nhưng Trịnh Luân lại thoáng thấy mất mát trong lòng, hắn miễn cưỡng cười một cái, nói nhỏ: “Xin lỗi”.

Thần Niên nhìn hắn hai cái rồi không để ý nữa, xoay người đi về đại doanh. Vừa mới vào quân doanh, đúng lúc gặp Ôn Đại Nha ra ngoài tìm nàng, Ôn Đại Nha liếc nhìn phía sau lưng nàng một cái rồi mới hỏi: “Có nhìn thấy Trịnh tướng quân không?”.

Thần Niên vốn định nói không có, nhưng nghĩ lại rồi đổi ý, thần sắc tự nhiên đáp: “Có thấy. Có phải các huynh chuốc nhiều cho hắn, ta thấy hắn lánh ra chỗ không người nôn trộm kia kìa”.

Ôn Đại Nha nghe thế thở phào nhẹ nhõm, trên mặt không nén nổi vẻ tươi cười, nói: “Cũng không phải tôi chuốc mà là đám Phương Huân, chuốc cho Trịnh tướng quân đi không nổi luôn, không tránh khỏi uống nhiều rồi”.

Nghe hắn nói thế, Thần Niên lại tin lời Trịnh Luân vừa nói thêm vài phần, thầm nghĩ chẳng lẽ chính nàng đa nghi quá mức, thật sự đổ oan cho Trịnh Luân? Trịnh Luân vẫn luôn phản cảm với nàng, cho dù hai quân hợp tác, hai người họ không thể không tiếp xúc, hắn cũng luôn giữ thái độ lãnh đạm với nàng, nói năng thận trọng, không nên nảy sinh suy nghĩ khác mới phải.

Nàng đang thầm suy ngẫm, Ôn Đại Nha lại nhìn xung quanh, kéo nàng sang một bên, hỏi nhỏ: “Đại đương gia, hiện giờ Ký Châu cũng đã yên ổn rồi, trong lòng cô có tính toán gì không?”.

Thần Niên nghe thế khẽ nhướng mày. Ôn Đại Nha phân vân một lát rồi mới nói: “Tôi vừa nghe ý của bọn Phương Huân, chỉ một lòng muốn Tây tiến”.

Trước khi đại chiến, Phong Quân Dương đã truyền mật lệnh đến, muốn Trịnh Luân sau khi diệt Hạ Lan Uyên hãy dẫn binh Tây tiến, giải vây cho Thái Hưng. Trịnh Luân cũng không đặc biệt giấu Thần Niên việc này, trong lời nói vẫn có ám chỉ.

Thần Niên hiểu Phong Quân Dương muốn dốc toàn lực đoạt Giang Bắc trước, sau đó mới đòi lại Giang Nam. Nàng càng hiểu rõ, quyết sách này với tình huống hiện giờ mà nói là tốt nhất. Nhưng nếu nàng cũng dẫn nghĩa quân Tây tiến, muốn giao đấu với nghĩa phụ hoặc Lục Kiêu, bọn họ không phải là Hạ Lan Uyên, bất kể chống lại ai trong số đó, e là nàng cũng không thể tiếp tục lý trí bình tĩnh.

Nhưng chuyện đã tới nước này, không cho phép nàng trốn tránh tiếp nữa. Nếu đã đưa ra lựa chọn, cho dù tương lại phải đối mặt với điều gì cũng phải cắn răng kiên trì tiếp. Thần Niên trầm mặc một lát, nói: “Nếu muốn chống lại Tiên Thị, bảo quốc an dân, luôn phải đánh bật Tiên Thị ra ngoài, trả lại yên bình cho Giang Bắc mới được”.

Ôn Đại Nha đi theo Thần Niên từ năm Vĩnh Ninh thứ hai, biết Thần Niên đưa ra lựa chọn này nhất định hết sức khó khăn, trong lòng bỗng thấy không đành lòng, nghĩ ngợi rồi nói: “Đại đương gia, nếu không thì chúng ta cứ ở lại Ký Châu đi, bên kia đã có mấy chục vạn đại quân rồi, danh tướng nhiều vô số, làm sao còn dùng đến những người chúng ta nữa”.

Thần Niên biết ý tốt của Ôn Đại Nha, bất giác chua xót cười, nhưng lại không nói gì, chỉ chậm rãi lắc đầu.

Ôn Đại Nha không biết nàng có ý gì, muốn hỏi kĩ nhưng lại sợ chạm phải chỗ phiền lòng của Thần Niên, đang lưỡng lự thì thân vệ của Trịnh Luân từ trong doanh trại tìm đến, thấy Thần Niên và Ôn Đại Nha, khách khí hành lễ nhà binh, lại cất giọng cung kính hỏi Thần Niên: “Tạ đại đương gia, có nhìn thấy tướng quân nhà tôi không?”.

Thần Niên không biết Trịnh Luân vì sao đến giờ còn chưa quay lại, chỉ nói: “Vừa rồi có gặp bên ngoài doanh trại, các người ra bờ sông tìm xem”.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương