Gian Thần! Quỳ Xuống Cho Trẫm
Chương 13: Giáo dục là vấn đề khó khăn

Hoa sơn trà từng bông lớn bông lớn, nở ở khắp mọi nơi. Giữa cảnh trời với những cánh bươm bướm sặc sỡ chuồn chuồn bay múa, thướt tha nhẹ nhàng. Mạch nước trong suốt chảy siết, lượn vòng quanh khe hở giữa những cánh hoa sơn trà, mềm mại uyển chuyển.

Minh Trọng Mưu vô cùng thích thú ngắm nghía bức họa mình tự vẽ, tổng kết thành bốn chữ: Ý vị tuyệt vời.

Lạc khoản cũng nhất định phải viết cho thật đẹp, như vậy mới thể hiện được uy nghi của hoàng đế Vạn Triệu của triều đình ta.

(Lạc khoản là dòng chữ viết nhỏ để tên họ và ngày tháng ở trên các bức họa hay các bức đối trướng.)

Minh Trọng Mưu nhấc bút, phất ống tay áo dài, đang muốn lặng lẽ viết, thì lại phát hiện ra quá khó để hạ bút.

Trước đây, chữ của hoàng đế Vạn Triều là theo lối chữ Thảo tùy hứng bừa bãi, nét bút vô cùng mạnh mẽ cứng cáp, từng đường từng nét đều thể hiện rõ ràng phong phạm của con nhà võ.


(Chữ Thảo là lối chữ được viết rất nhanh, bút pháp phóng khoáng, khác với chữ Khải – kiểu chữ chuẩn mực, dễ nhận biết, dễ đọc, nhưng phải viết rất nhiều nét thì chữ Thảo lại có thể viết liên miên nối tiếp nhau chỉ bằng một nét.)

Minh Trọng Mưu từ nhỏ đã chỉ có một ước mơ là khoác áo giáp thống lĩnh binh lính, xông pha nơi chiến trường, liều mạng với kẻ địch. Nước Di sang xâm phạm, Minh Trọng Mưu chỉ là không thèm chấp, đọc từng cuốn từng cuốn binh thư, lại nghiên cứu từng cuốn từng cuốn, quên ăn quên ngủ, hận không thể an giấc ngàn thu cùng chúng, luyện võ cũng giống như vậy, Vĩnh Lưu hoàng đế, tức huynh trưởng tiên hoàng, đã từng mời thầy dạy võ xuất sắc nhất trong thiên hạ, truyền thụ võ nghệ cho Minh Trọng Mưu, Minh Trọng Mưu nhớ tới quãng thời gian ở trên chiến trường, nên đối với các loại binh khí cán dài như kích, thương, đều muốn sao được vậy, giao đấu với người khác, khoan không nói tới thân phận hoàng tử của hắn, khiến người khác cố ý muốn nhường, thì cũng chẳng có ai có thể địch lại được ba bốn chiêu của Minh Trọng Mưu.

Minh Trọng Mưu thường nói với mọi người rằng: “Đời người quý giá, đạo lý võ thuật rộng lớn, trẫm không hiểu hết được.” Vậy là đủ để thấy lòng si mê của hắn đối với võ thuật.

Bởi vậy chữ của Minh Trọng Mưu cũng thiên về mực đậm, thiên về cứng cáp, thiên về tùy hứng.

Đây cũng là chính là nguyên nhân hắn không nói gì đã trực tiếp đề bạt phó tướng Úy Trì Chính thân từng làm thủ vệ ngoài biên tái trở thành Binh bộ Thượng thư.

Nhưng ngày hôm trước, Tạ Lâm bắt hắn vẽ công bút, tịnh tâm dưỡng khí, “Bệ hạ cái gì cũng tốt, duy chỉ có tính bạo lực quá nặng, trọng võ, nhưng không trọng mưu kế, kích động, không biết sử dụng tâm cơ. Bệ hạ đã muốn dù Thái Sơn có sập mặt vẫn không biến sắc, thì ngày thường tâm phải tĩnh, nôn nóng hấp tấp sẽ tự mất đi, cổ nhân nói, tu thân dưỡng tính, gặp chuyện tất sẽ không kinh sợ, bệ hạ hãy tự mình suy nghĩ thêm.”

(Công bút là lối vẽ có từ xưa, trước hết vẽ bằng bút nét mảnh hình vẽ rồi sau dùng màu tô lên, làm sao để càng giống thực tế càng tốt. Lối vẽ này tỉ mỉ, công phu, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ.)

Nói xong, Tạ Lâm liền lấy công bút ra để làm mẫu, hướng dẫn Minh Trọng Mưu vẽ tranh, từng đường nét từng bức họa đều có dụng ý cả.

Rồi lại để Minh Trọng Mưu tự luyện tập, đích thân vẽ vài bức, từ từ nắm vững các kỹ năng.

Mỗi lần Minh Trọng Mưu vẽ tranh không biết cách trau chuốt sao cho tinh tế tỉ mỉ, Tạ Lâm đều lấy tay mình giữ lấy tay hắn, hướng dẫn từng nét từng nét một.

Lúc ôn hòa, khi bình tĩnh.

Trong lòng Minh Trọng Mưu thấy rúng động, mu bàn tay dường như cảm nhận được lòng bàn tay ấm nhuận của Tạ Lâm ngày hôm đó dính lên tay mình. Tay Tạ Lâm nhỏ hơn tay hắn rất nhiều, ngón tay thanh mảnh vô cùng, đầu ngón tay mịn nhẵn, chỗ khớp thường cầm bút, có một lớp chai, rõ ràng là ngày thường rất hay viết lách.

Mấy năm trước, hắn cũng giống như vậy, dạy mình viết chữ, thư pháp. Tạ Lâm từng nói:

“Thư pháp, cũng giống như người đi đường, đứng phải nghiêm, đi phải ngay, từng nét ngang từng đường mác càng phải ngay ngắn thẳng tắp, người ngay ngắn, thì nét bút cũng ngay ngắn.”

Vì thế Minh Trọng Mưu luyện tay tuy rằng tùy hứng bừa bãi, nhưng chữ lại “đi phải ngay, đứng phải nghiêm”

Nhưng trẫm sao lại không cảm thấy thư pháp giống như người đi đường nhỉ? Ân sư ngày đó, thì ngày nay lại là gian thần của triều đình, còn dạy bảo trẫm, đi phải ngay, đứng phải nghiêm nữa cơ à?

Thật đúng là nực cười.

Mấy ngày này luyện công bút, Tạ Lâm nhấn mạnh tính Minh Trọng Mưu bạo lực nóng nảy, nên toàn phải luyện môn này.

Đừng thấy Minh Trọng Mưu đắc ý mà lầm, bức tranh chim chóc hoa cỏ trước mặt này, cũng là do Tạ Lâm cầm tay Minh Trọng Mưu để vẽ, từng chút từng chút phác thảo một hiện ra. Tạ Lâm muốn Minh Trọng Mưu chỉ vẽ tranh theo lối công bút, nhưng lại không nhắc gì đến việc lạc khoản có phải cũng cần dùng lối chữ Khải, chữ Lệ tinh tế tỉ mỉ không.

(Chữ Lệ là kiểu chữ thông dụng trong công văn, kiểu chữ này rất phổ biến giữa thế kỷ thứ 3 và 2 TCN.)

(Chữ Khải là cải biển từ chữ Lệ và bắt đầu phổ biến vào thế kỷ 3 CN. Đây là kiểu chữ chính thức, chuẩn mực, dễ nhận biết, dễ đọc nhất và vẫn là phổ thông nhất trong số các kiểu viết chữ Hán hiện nay.)

Kiểu chữ Thảo bừa bãi này mà rơi xuống bức tranh kia, Minh Trọng Mưu cứ cảm thấy dường như có đôi chút không ổn.

Nghĩ tới nghĩ lui, rốt cuộc chẳng viết được chữ nào.

Minh Trọng Mưu hừ một tiếng, quăng cây bút sang một bên, tự nhủ qua hai ngày nữa nắm chắc được yếu lĩnh của chữ Lệ chữ Khải rồi, sẽ đề lạc khoản sau.

Minh Trọng Mưu đang suy nghĩ lung tung, thì lại nhìn thấy tổng quản nội giám Lại Xương, thở hồng hộc chạy từ ngoài cửa lớn vào, khuôn mặt trắng trẻo nần nẫn của gã thái giám ba mươi tuổi đỏ hây hây, nhìn trông rất hay, ngay cả chiếc mũ cũng nghiêng lệch sang một bên. Vì cuống quýt, nên suýt chút nữa là hai chân xoắn cả lại với nhau, cả người loạng choạng.

Minh Trọng Mưu nạt: “Sao lại hoang mang hoảng loạn như thế hả, có việc gì!”.

“Bệ hạ!”

Lại Xương nhệch miệng, dường như muốn cười, nhưng lại có vẻ như sắp khóc, hắn quỳ sụp xuống sàn,

“Bệ hạ, đại tướng quân…… đại tướng quân ngài ấy……”

Minh Trọng Mưu cả kinh, “Đại tướng quân làm sao?”.

“Trấn Viễn Uy Võ đại tướng quân ngài ấy……” Lại Xương thở hổn hên, “Ngài ấy hồi triều rồi!”.

X﹏X

Trấn Viễn Uy Võ đại tướng quân Hầu Thiết Tranh, từ giờ trở đi sẽ hồi triều.

Đối với Đại Sở mà nói, đây là đại sự. Và cũng là đại sự khiến lòng người rạo rực.

Hầu Thiết Tranh tuổi đã ngoài tứ tuần, lúc hai mươi tuổi, đã ở chốn sa trường, trải qua hai mươi năm, mới leo được chức vị như ngày hôm nay, binh mã đại quyền tất cả đều quy về dưới trướng của ông ta. Người cũng như tên, cuộc đời suốt mấy chục năm liều mạng chém giết với nước Di, khiến cả người ông ta cứng rắn như sắt thép, hoàn toàn không chút sợ hãi, cao lớn sừng sững cùng năm tháng, trong mắt của vị đại tướng anh hùng mọi việc chẳng có gì đáng để e ngại.

Đừng thấy Úy Trì Chính giờ trong triều đang hữu dụng mà lầm tưởng, trong mắt những người có tâm tư riêng thì, người có thể tranh cao thấp với Tạ Thừa tướng, chỉ có duy nhất Trấn Viễn Uy Võ đại tướng quân mà thôi.

Tất cả mọi người đều chú ý đến phản ứng của Thừa tướng Tạ Lâm.

Nhưng lại nghe nói hôm đó ở phủ Thừa tướng, khi có sứ giả tới, báo cáo chuyện đại tướng quân hồi triều cho Tạ Lâm.

Lúc ấy Tạ Lâm đang vẽ tranh, sau khi nghe tin này xong, tay cầm bút cũng không hề dừng lại, hắn chỉ khẽ cười khẩy, và không nói gì thêm.

Nụ cười khẩy ấy, hàm nghĩa quá nhiều, khiến người ta phải suy đoán suốt một thời gian dài.

Những người hiểu hàm nghĩa của nụ cười ấy, thì đoán rằng, đại tướng quân hồi triều, hiển nhiên là có ý do của nó.

Lý do đó là gì?

Hầu Thiết Tranh trấn giữ biên cương mười mấy năm, nhưng suốt cả một thời gian dài lại không thể giải quyết được nước Di. Từ một nước nhỏ, dần dần phát triển thành một nước lớn, và còn có xu thế lớn thêm nữa. Vì muốn bình ổn khói lửa chiến tranh, cư nhiên lại phải sử dụng đến con gái trong nhà, dùng loại chính sách hòa thân khom lưng quỳ gối với một đất nước nhỏ bé hơn.

Đó là sai lầm của Hầu Thiết Tranh.

Hơn nữa, giờ thiên hạ vừa mới yên ổn, con gái của đại tướng quân Hầu Vận Vi gả cho vua nước Di xa xôi, mang theo kỹ thuật canh tác nông nghiệp, dập tắt khói lửa chiến tranh.

Nghĩa là võ lực của đại tướng quân Hầu Thiết Tranh hoàn toàn vô dụng.

Trấn giữ biên cương? Triều đình sâu sắc cảm nhận được rằng ông ta là người tài nhưng dùng không đúng chỗ.

Binh mã đại quyền tất cả đều ở trong tay tướng quân, triều đình cảm thấy cực kỳ bất an, nên phải triệu hồi. Đoán rằng, chỉ cần tìm thời gian thích hợp một chén rượu tước mọi binh quyền, hoặc là nghiêm trọng hơn, tống ông ta vào ngục, bịa ra một tội danh nào đó, chém ông ta rơi đầu. Nhiều nhất chẳng qua cũng chỉ là một vết sẹo to bằng cái bát thôi mà, trong sử sách sẽ viết đẹp đẽ cho ông ta một chút, vậy là được rồi.

Thế nên lần này Hầu Thiết Tranh hồi triều, không chỉ là chưa chắc được thăng quan tiến chức, mà sợ là còn nguy hiểm đến tính mạng nữa.

Nhưng ông ta lại không thể không quay về. Chỉ cần ông ta muốn giữ lại cái mạng này, nghĩ tới việc ít nhất cũng được lưu danh sử sách, thì ông ta phải quay về.

Những điểm này, e là Tạ Lâm đã nhìn thông hiểu thấu được từ lâu rồi, vì thế nên mới cười khẩy.

Đại tướng quân Hầu Thiết Tranh đã như cá nằm trong rọ, yết hầu đã sớm bị Tạ Lâm không chế chặt chẽ trong lòng bàn tay, chỉ thiếu xiết một cái nữa mà thôi.

Mà ngược lại, hoàng đế Vạn Triệu vừa qua tuổi hai mươi, nhưng tâm nhãn vẫn còn hơi non.

Đại tướng quân hồi triều, hùng dũng oai phong bước vào Quan Trung, oai phong hùng dũng tiến vào kinh thành. Đội quân của đại tướng quân, quanh co kéo dài dằng dặc đến hơn ba mươi mấy dặm, quan trọng là một nửa đội quân Hầu Thiết Tranh chia ra vẫn còn đang đóng tại biên cương.

Hầu Thiết Tranh đang ở độ tuổi ngoài tứ tuần, phong thái hiên ngang, hai chân cưỡi trên mình ngựa, ánh mắt không hề liếc ngang liếc dọc, sống lưng thẳng tắp như một cây thương, hai hàng mày dày rậm, nằm chắc chắn phía trên đôi mắt lấp lánh có thần. Không ai có thể hoài nghi, người đang ở tuổi ngoài bốn mươi kia, lại không phải là binh mã đại nguyên soái.

Minh Trọng Mưu thân là hoàng đế, nên đã đích thân ra nghênh đón, cũng không chịu thua kém chút nào, hơn nữa hắn anh dũng ngời ngời, mặt mũi lãng tử tuấn tú, tuy đăng cơ chưa lâu, tự mình chấp chính chưa lâu, nhưng đã rất có phong phạm của bậc đế vương, khiến người khác phải nể phục.

Hầu Thiết Tranh lập tức xuống ngựa, hô to “Bệ hạ”, vừa nói được hai chữ, thì đã nghẹn ngào không thốt nổi lên lời. Những thuộc hạ khác thấy đại tướng quân xuống ngựa, nên cũng nhất loạt xuống ngựa theo, khấu đấu với hoàng đế Vạn Triệu, không ngừng hô “Vạn tuế”.

Người ngựa đại tướng quân dẫn theo rất đông, người nào người nấy đều hét to vạn tuế, bách tính thấy vạn tuế, cũng khấu đầu, nhất thời, chốn kinh thành trọng yếu, tiếng hô vạn tuế vang lên không ngớt.

Đi theo phía sau Minh Trọng Mưu chính là Binh bộ Thượng thư Úy Trì Chính, nhìn thấy thượng cấp trực tiếp của mình ở ngay trước mắt, không kìm được lệ nóng dâng lên hốc mắt, nếu không vì e ngại thân phận, thì chỉ sợ là cùng quỳ sụp hai chân xuống trước đại tướng quân rồi, sau đó sẽ nâng chén cười nói vui vẻ, đàm đạo dưới ánh nến, nói những chuyện trên dưới năm ngàn năm, kể việc cũ, bàn việc ngày nay trong triều, thề tận trung với xã tắc, tận trung với bệ hạ.

Minh Trọng Mưu chắp tay, xúc động mỉm cười, thản nhiên nhận lễ, giờ phút này, ít nhất là trong giờ phút này, vị hoàng đế Vạn Triệu vừa qua tuổi hai mươi, đã thể hiện được hết mọi uy nghi, vạn người khấu đấu với mình, đều là cam tâm tình nguyện cả. Qua một lúc lâu sau, Minh Trọng Mưu mới cho tất cả bình thân, sải bước đến, vỗ vai Hầu Thiết Tranh,

“Hầu tướng quân là trọng thần lương tướng của triều đình ta, là công thần của trẫm, trẫm nhất định sẽ ban thưởng hậu hĩnh cho khanh.”

Mọi người đều tưởng rằng, thời điểm Hầu Thiết Tranh đặt chân đến kinh thành, thì cũng là lúc ông ta bị tước binh quyền, ai ngờ, thái độ Minh Trọng Mưu thản nhiên, lập tức ban thưởng ban nghìn lượng hoàng kim, thưởng áo bào đỏ, cùng ngồi với vua, cùng uống chung một vò rượu, đãi ngộ như là mấy Thừa tướng Tạ Lâm vậy —— Chỉ sợ là Tạ Lâm cũng chưa được từng được hưởng đãi ngộ tốt như thế.

Rượu đang uống đến độ ngà ngà say, thì Minh Trọng Mưu đột nhiên nhớ tới Tạ Lâm, nhìn khắp xung quanh, lại không thấy bóng dáng Tạ Lâm đâu, không khỏi cau mày, ngoắc ngoắc tay với Lại Xương, thấp giọng nói:

“Tạ Thừa tướng đâu?”.

Lại Xương nhớ tới ngày hôm qua, lúc đến phủ Thừa tướng, nói rằng bệ hạ muốn Thừa tướng và bệ hạ, cùng nhau nghênh đón Trấn Viễn Uy Võ đại tướng quân Hầu Thiết Tranh, nhưng Tạ Lâm vẫn vẽ tranh vững vàng như Thái Sơn, lúc vung bút, cũng không biết đã nghĩ gì, mà đột nhiên đuôi mắt mang theo ý cười. Lại Xương sợ nhất là nụ cười của Thừa tướng đại nhân, bèn vội vàng lấy tay bưng kín mắt lại. Lúc ấy chỉ nghe Tạ Thừa tướng nói:

“Ông quay về nói với bệ hạ, rằng Tạ Lâm thân thể không khỏe, nên phải ở nhà nghỉ ngơi.”

Lại Xương nhớ lại, nên cũng đọc theo,

“Bẩm bệ hạ, Thừa tướng đại nhân nói, thân thể ngài ấy không khỏe, chỉ có thể ở nhà nghỉ ngơi, lấy việc vẽ tranh để tu thân dưỡng tính, không thể đến được.”

“Vẽ tranh?”

Minh Trọng Mưu nheo nheo mắt lại, “Vẽ tranh gì?”.

Lại Xương đần độn không biết cái miệng rộng của bản thân đã nói sai, khơi lên lửa giận của hoàng đế bệ hạ, hắn ra sức nhớ lại, ra sức tìm kiếm lời hay ý đẹp:

“Nô tài thấy, hình như là tranh sơn thủy, nước và mực được pha rất đều nhau, Thừa tướng đại nhân vừa vung bút, là bức tranh lập tức được hoàn thành, khiến người ta chỉ xem thế là đã thấy đủ rồi. Cảnh sông núi nước non, nô tài nhìn vào, liền cảm thấy tâm trí dường như rộng mở, trong lòng giống như thể đột nhiên ngộ ra điều gì đó, Thừa tướng đại nhân quả nhiên là người có tấm lòng rộng lớn.”

Ngụ ý trong đó, đương nhiên là Tạ Lâm là người có tấm lòng rộng lớn, tuyệt không phải là vì đại tướng quân hồi triều mà cảm thấy bị gạt bỏ. Ngài ấy không tới đích thân cùng nghênh đón đại tướng quân, quả thực là vì thân thể không khỏe.

Nhưng có vẻ Minh Trọng Minh không nghe ra được ngụ ý trong nhưng lời này, chỉ nghĩ Tạ Lâm pha nước và mực vẽ với nhau để vẽ tranh, hiển nhiên là kỹ thuật tả ý rồi.


(Tả ý là lối vẽ chủ trương dùng hội họa để diễn tả tư tưởng, không phải để truyền thần sự vật. Mọi vật được vẽ theo cái thấy bằng tâm tư của họa gia, thể hiện chính tâm hồn của tác giả. Bức tranh nói lên tâm tư, cảm xúc, dao động, thái độ của chính con người. Lối vẽ này tương tự lối vẽ biểu ý của Tây phương, trái ngược với lối vẽ công bút.)

Tạ Lâm nghiêm túc ra lệnh cho mình luyện vẽ công bút, nói cái gì mà tính khí bạo lực, thiếu kiên nhẫn, phải tu thân dưỡng tính, gặp biến không sợ hãi. Hại bản thân hắn phải dè dặt cẩn thận, dùng bút phác thảo, tỉ mỉ miêu tả, chỉ sợ vẽ sai nét nào đó, vẽ một bức tranh, mà cần đến mấy canh giờ liền. Ngay cả lạc khoản, gần như là phải từ bỏ lối chữ cuồng Thảo mà bản thân thường dùng, nghĩ rằng sẽ dùng lối chữ Lệ nhỏ công bút để viết.

Việc này đối với người trọng võ khinh văn như Minh Trọng Mưu mà nói, quả thực chính là lấy mạng hắn.

Nhưng bản thân Tạ Lâm thì sao, lại dùng kỹ thuật vẩy mực tả ý, tức là lối vẽ chỉ cần vẽ ý của bức tranh, nhưng lại không cần đến kỹ thuật tỉ mỉ trau chuốt.

Thế mà Tạ Lâm lại nói, đó cũng là cách tu thân dưỡng tính hả?

Vậy thì sao không dạy cho mình? Ngược lại còn bảo mình học vẽ công bút, khiến Minh Trọng Mưu cảm thấy những kỹ thuật mình học thật là đàn bà, dùng hết tâm trí mà vẫn sâu sắc cảm thấy uất nghẹn.

Bởi vậy có thể thấy, hoặc là Tạ Lâm đang lừa gạt mình, hoặc là muốn bỡn cợt với đương kim hoàng đế.

Kỹ thuật công bút và tả ý, đều có thể tu thân dưỡng tính, nhưng Tạ Lâm lại chỉ dạy mình học thứ kỹ thuật công bút nghẹn họng đó.

Lừa gạt và bỡn cợt, thì đều là đại bất kính.

Hoàng đế Vạn Triều hoàn toàn không ngờ được rằng bốn chữ “tu thân dưỡng tính” kia, là những câu dư thừa, những từ mà Lại Xương không nên nói ra nhất, nên đã bị sự “đại bất kính” của Tạ Lâm chọc tức khiến cho cả người phát run.

Thân hình cao lớn thắp tắp của Minh Trọng Mưu, liền đứng bật dậy, cầm vò rượu ném đập vào chiếc bàn bằng đất nung bên cạnh, vỡ tan thành, dọa khiến Hầu Thiết Tranh ngồi gần đấy giật mình nhảy dựng lên, sau đó tức giận quát:

“Lại Xương, mời Tạ Thừa tướng từ trong phủ Thừa tướng tới đây cho trẫm.”

Lại Xương thấy bệ hạ nổi cáu, đang định vãi ra quần mà đi, thì lại nghe Minh Trọng Mưu cười lạnh nói:

“Nhớ bảo Tạ Lâm ôm theo bức tranh của hắn tới, trẫm muốn để các thần tử của trẫm cùng được quan sát,” hắn nghiến răng nghiến lợi nói, “Kỹ thuật tả ý cao siêu của Tạ thừa tướng!”.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương