Nếu mỗi người đều trồng một đóa hoa sen trong lòng, thế thì cũng chính là trồng xuống cả từ bi. Bạn chỉ cần dùng ánh nắng và mưa móc tưới thẫm cho nó, dùng tấm lòng lương thiện và tình cảm ấm áp nuôi dưỡng nó, thì sẽ bừng nở đóa hoa tinh khiết.

Chúng sinh vạn tướng, không chỉ là nói dung nhan của chúng sinh, mà còn cả tâm tính và tình cảm của chúng sinh. Quả thực, người trên đời này không có dung nhan giống nhau, cũng không có tính tình giống nhau. Dù có trùng hợp, cũng chỉ là tương tự và gần giống, mỗi người đều có điểm người khác không thể thay thế. Còn tính tình và hàm dưỡng của một người thì có thể quyết định dung nhan người đó là đẹp hay xấu.

Cái gọi là phúc hữu thi thư khí tự hoa[1], cũng là ý đó. Trong lòng có sách vở, khí chất tự nhiên trầm tĩnh ưu nhã; trong lòng chứa cỏ rơm, thì chỉ là hoang nguyên lổn nhổn. Mừng giận buồn vui, yêu hận tình thù của một người, cho dù không biểu đạt ra, cũng sẽ thông qua tâm tính bộc lộ trên mặt. Những người từng trải sóng gió cuộc đời, trên mặt họ lưu giữ vẻ tang thương. Còn người sống yên ổn, trên mặt biểu hiện dáng vẻ bình tĩnh và thư thái. Chúng ta đều biết, thời gian là lưỡi dao, tuổi tác lớn dần lên, nó sẽ từng nhát từng nhát khắc dấu vết xuống khuôn mặt một thời tuấn tú. Khi thấy tuổi tác già đi, lại không sức vãn hồi, chỉ có thể trách năm tháng vô tình, hay là con người vô tình. Năm tháng vẫn mãi xanh, chính bạn để nó trôi qua một cách vô ích.

[1] Bụng chứa sách vở tất mặt mày sáng sủa.

“Phật nói mọi việc có nhân quả, ma nói tất cả đều ở ta. Chúng sinh vạn tướng đều vô tướng, thành Phật thành ma đều là ta.” Trong mắt Phật, mọi việc đều có nhân quả, mọi thứ của hôm nay, là do tất cả của hôm qua, mọi thứ của hôm nay, lại sẽ kiểm chứng tương lai. Còn ma nói tất cả đều do tự mình, tranh với trời, tranh nhau với vận mệnh, nhưng cũng chỉ là từ ván cờ này nhảy vào ván cờ khác, nào đã từng có giải thoát thực sự. Chúng sinh vạn tướng, cũng là vô tướng, tôi vẫn là tôi đó, bạn vẫn là bạn đó, có điều ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay, vậy mà dung nhan hôm nay đã đổi thay.

Từ sau khi Kelzang Gyatso cử hành điển lễ tọa sàng ở cung Potala, cục diện chính trị Tây Tạng dần dần đi vào ổn định. Vị Phật sống trẻ tuổi này mỗi ngày học tâp nghiên cứu kinh văn, chẳng có bao nhiêu tạp niệm hồng trần. Sau khi tự mình chấp chính, chỉ muốn hoằng dương Phật pháp, không có lòng tranh đoạt quyền lực. Chính sự của địa phương Tây Tạng, chủ yếu do đại thần triều Thanh đóng ở Tây Tạng quản lý. Trận chiến tranh đoạt mấy mươi năm ấy dần dần bình lặng trong dòng chảy năm tháng. Người dân lương thiện cũng nhạt quên cuộc chiến máu tanh giữa Đệ Ba Sangye Gyatso và Lha-bzang Khan, lãng quên cái chết của Sangye Gyatso và Lha-bzang Khan. Nhưng họ trước giờ không thể quên Đạt Lai thứ 6 Tsangyang Gyatso, vì thơ tình của Ngài lưu truyền lại vẫn luôn vang vọng lâu dài trên bầu trời của thành Lhasa, thậm chí của cả cao nguyên Thanh Tạng.

Vì không quên được thơ tình của Tsangyang Gyatso, do đó cũng không quên được vị Phật sống này, không quên được mọi chuyện quá khứ của Ngài, cũng không quên được câu đố về sự mất tích của Ngài ở hồ Thanh Hải. Có lẽ trong những tín đồ ấy, có nhiều người đến chết vẫn kính yêu Tsangyang Gyatso, họ sẽ kiên trì truy tìm tung tích của Ngài. Nhưng tôi tin rằng, đa số mọi người sẽ hiểu được tùy duyên, chẳng thà trông nom gia viên của mình, vì Ngài cầu nguyện, cũng không muốn đi quấy nhiễu kiếp trước đời này của Ngài. Họ đã tin Kelzang Gyatso là linh đồng chuyển thế của Tsangyang Gyatso, thế thì họ nên thành tâm ủng hộ vị Phật sống mới, dùng điều đó để chứng thực tín ngưỡng không đổi của họ.

Tsangyang Gyatso gửi thân ở thảo nguyên Alxa, từ sau khi Lha-bzang Khan chết, cơn ác mộng của Ngài cũng đã kết thúc. Sau khi Kelzang Gyatso được xác lập làm Đạt Lai mới, Tsangyang Gyatso càng như trút bỏ gánh nặng, chỉ có cục thế an ổn, Ngài mới có thể an ổn. Vua Khang Hy nhà Thanh cũng không truy cứu tung tích của Ngài nữa. Đã lập Kelzang Gyatso làm Đạt Lai thứ 6, thì có nghĩa Tsangyang Gyatso đã qua đời, hoặc có thể nói Tsangyang Gyatso sớm đã bị nhà vua phế truất, hơn nữa Đệ Ba Sangye Gyatso và Lha-bzang Khan lần lượt chết đi, lại càng không rảnh chú ý đến câu đố về sự mất tích của Tsangyang Gyatso ở hồ Thanh Hải. Hiện nay Tsangyang Gyatso sống ở Alxa tự do tự tại, không cần lo lắng bị người đời phát giác ra lai lịch của Ngài mà đem đến phân tranh không cần thiết cho vùng đất bình yên này.

Những năm này, phần lớn thời gian của Tsangyang Gyatso đều dành cho Alxa, dành cho tất cả chúng sinh ở Alxa. Ngài từ bi độ lượng, hoằng dương Phật pháp, là Thượng Sư được người Alxa tin thờ kính yêu. Thảo nguyên Alxa đã lưu truyền quá nhiều câu chuyện đẹp đẽ thần kỳ về Tsangyang Gyatso, Ngài chính là một vị Phật có thần thông và pháp lực, vì chúng sinh mở rộng cửa Ban Nhược, dẫn đến thánh cảnh Bồ Đề. Do đó, những người tín ngưỡng Phật giáo ấy càng thêm tin tưởng sâu sắc tu vi Phật học cao thâm của Thượng Sư, cũng lẽ đương nhiên trở thành tín đồ kiên định không dời của Ngài. Sức cuốn hút của Tsangyang Gyatso ở Alxa, không mảy may thua kém lúc Ngài ở cung Potala. Họ tin Ngài như tin Phật tổ.

Tất cả mọi chuyện, đều lấy từ “Bí truyện” của Ngawang Lhundrup Daji, vị này tự xưng là cao đồ của Tsangyang Gyatso, vì sư phụ của mình ghi lại những sự tích truyền kỳ.

Đúng thế, dung nhan hôm nay đã thay đổi. Trong “Bí truyện” của Ngawang Lhundrup Daji, miêu tả dáng mạo của Tsangyang Gyatso, khiến người rất mực ngạc nhiên vui mừng. Nói Ngài dù đến hơn sáu mươi tuổi vẫn giữ được dung nhan tuấn mỹ, sáng chói hơn người. Dù Ngài quần áo lam lũ trà trộn trong đám ăn mày ở phố chợ, cũng có thể bị nhận ra. Mà những điều này không chỉ bởi vì dung mạo tuấn nhã phong lưu của Ngài, còn bởi vì thân thể Ngài có thể tỏa ra mùi hương lạ, mùi hương ấy giống như hương liệu cúng Phật, khiến lòng người thư thái trầm tĩnh. Miêu tả như thế là xuất phát từ lòng sùng bái và yêu quý của Ngawang Lhundrup Daji đối với sư phụ, cũng là vì si mê của các tín đồ thành kính đối với Tsangyang Gyatso.

Chúng ta nên tin Tsangyang Gyatso những năm cuối đời vẫn dung nhan tuấn mỹ, mặt như gió xuân, mắt chứa nước thu. Cái gọi là tiên phong đạo cốt, chính là nói khí chất của một người, dù trải qua bao nhiêu biến đổi, vẫn có thể ung dung điềm đạm, trầm tĩnh bình thản. Một người sáng suốt, thấu triệt, trên người sẽ vô ý bộc lộ ra khí độ siêu phàm thoát tục, cao quý mà ưu nhã, sâu sắc mà bình tĩnh.

Do đó bất kể sau khi Tsangyang Gyatso mất tích ở hồ Thanh Hải, lưu lạc bao nhiêu năm chốn giang hồ, chịu bao nhiêu mưa tuyết gió sương, nhưng với tu vi Phật học và tố dưỡng nội tâm của Ngài, dung nhan của Ngài sẽ không già nua quá sớm, ngược lại sẽ càng thêm trong trẻo sáng láng cùng với tu vi của Ngài. Vì lòng Ngài hiền lành từ bi, thông thấu độ lượng, ngày dài tháng rộng, những hào quang không che được ấy sẽ lộ ra trong dung mạo và khí chất. Ngài lúc đó, bất kể nội tâm hay vẻ ngoài, đều hẳn là tinh khiết đẹp đẽ.

Tôi tin rằng những người có tín ngưỡng, những người nội tâm từ bi lương thiện, dù dung nhan của họ có đẹp đẽ hay không, nhưng trong cốt cách của họ đều sẽ toát ra một vẻ đẹp tĩnh lặng gột hết phấn son. Vẻ đẹp ấy khiến tất cả những ai tiếp xúc đều có thể yên ổn mà bình tĩnh. Từ bi là một sức mạnh, có thể cứu rỗi nhiều người trầm luân trong tội ác, cũng sẽ cảm nhiễm nhiều người hoang mang trong trần thế. Nếu mỗi người đều trồng một đóa sen trong lòng, thế thì cũng chính là trồng xuống cả từ bi. Bạn chỉ cần dùng ánh nắng và mưa móc tưới thẫm cho nó, dùng tấm lòng lương thiện và tình cảm ấm áp nuôi dưỡng nó, thì sẽ bừng nở đóa hoa tinh khiết.

“Một ý nghĩ thành Phật, một ý nghĩ thành ma, giữa thiện và ác, nhân quả đời trước. Ngắm Phật tổ cầm hoa mỉm cười, chỉ than người đời mắt đục nhìn vật, nghe Phật pháp Đại Thừa[2] của Phật tổ, chỉ mong người đời lòng yên tịnh không sóng.” Đời người có quá nhiều chọn lựa, nhưng chúng ta cần kiên trì niềm tin và theo đuổi của mình, thành Phật thành ma, chỉ là giữa một ý nghĩ. Khi ngắm Phật tổ cầm hoa mỉm cười, lòng yên tịnh không gợn sóng, cần gì phải lo sợ năm tháng như lưỡi dao, vô tình gọt giũa dung nhan?

[2] Đại Thừa (mahāyāna) còn gọi là Đại Thặng tức là “cỗ xe lớn”, “bánh xe lớn”, là một trong hai trường phái lớn của đạo Phật. Trường phái kia là Tiểu Thừa (hīnayāna) hay Tiểu Thặng, nghĩa là “cỗ xe nhỏ”, “bánh xe nhỏ”. Đại Thừa tập trung vào việc mở đường giác ngộ cho chúng sinh, Tiểu Thừa lấy sự giác ngộ bản thân làm trọng.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương