Duyên
Quyển 1 - Chương 1: Giấc mộng xuân thu - Lòng như gương sáng, chẳng vướng bụi trần

Cung Chúc Tân Xuân! Tặng Ngay 30% Giá Trị Nạp Từ Ngày 29/1 Đến Hết Ngày 3/2 (Tức Từ Mồng 1 Đến Mồng 3 Tết!), Nhanh Tay Lên Các Bạn Ơi!!!

Bồ đề nào phải cây,

Gương sáng đâu là đài.

Vốn không có gì cả,

Sao vướng bụi trần ai?

Lục Tổ Huệ Năng

Tới nay vẫn cho rằng, hồng trần và cõi Phật, chỉ cách nhau một ngưỡng cửa mà thôi, trong cửa là lòng thiền mây nước, ngoài cửa là sóng đục cuộn trào. Nhà Phật tin duyên, bởi thế ngưỡng cửa này, cách người rất xa, bằng khoảng cách giữa đời này kiếp trước, lại cũng rất gần người ta, chỉ trong một hơi thở. Bao người theo đuổi một đời mà không sao đạt đến cánh cửa Bát Nhã. Lại có bao người, chỉ một ánh nhìn xuống, một lần Duyên ngoái lại, đã ngộ được thiền ý. Lục Tổ Huệ Năng thuộc loại thứ hai, một gốc bồ đề, một đài gương sáng, đã định sẵn một đời ngài là truyền kỳ của Thiền tông.

Trong ký ức, Lục Tổ Huệ Năng giống như một đóa sen xanh ngồi nghiêm giữa tòa mây, tỏ lòng thấu tính[1], khoáng đạt tự tại. Trước đây, ngài cũng như ngàn vạn chúng sinh, chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi trôi dạt giữa phàm trần. Cha mất sớm, ngài và mẹ nương tựa bên nhau, đốn củi kiếm ăn, sinh mạng tầm thường như cây cỏ, thấp kém như sâu kiến. Định mệnh sớm đã an bài, chỉ cho ngài một chuyến ngao du hồng trần ngắn ngủi, rồi vẫy tay từ biệt. Phật tính và tuệ căn chảy trong mạch máu ngài, để rồi một lần, trên đường đi bán củi về nhà, ngài tình cờ nghe được kinh Kim Cương, từ đó kết thành mối duyên khó gỡ với Phật. Ngài hiểu rõ, mình chỉ là một vị khách giữa trần gian, như cánh bèo trôi qua dòng nước, cõi trần gió mây vạn tượng, chẳng qua là phong cảnh nhìn thoáng rồi quên. Bởi thế, ngài dễ dàng nói lời từ biệt, bỏ hết trăm vị của đời người, từ nay ngũ uẩn[2] giai không, lục trần3 phi hữu.

[1] Nguyên văn: Minh tâm kiến tính. Minh tâm hay kiến tính ý nghĩa không khác mấy. Minh tâm là nhận rõ bản tâm chân thật, biết rõ cái tâm nào chân thật và cái tâm nào giả dối. Kiến tính là ngầm nhận hay thấy rõ tính chân thật của chính mình.

[2] Năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, gồm: Sắc (thân xác của con người), Thụ (những cảm giác vui khổ của thân và tâm), Tưởng (nhớ lại những hình ảnh vui khổ của thân và tâm), Hành (những sự biến chuyển thay đổi của tâm niệm), Thức (sự hiểu biết phân biệt để tạo thành cái biết ở trong tâm).

[3] Trần ở đây có nghĩa là phần vật chất, hay những cảnh vật chung quanh con người. Lục trần gồm: Sắc (màu sắc, hình dáng), Thanh (âm thanh phát ra), Hương (mùi vị), Vị (chất vị do lưỡi nếm được), Xúc (cảm giác như cứng, mềm, nóng, lạnh...), Pháp (những hình ảnh, màu sắc, hương vị được lưu lại từ năm trần ở trên).

Sự ra đi của ngài, vốn không có duyên do, nhưng sau này tôi đọc kinh Kim Cương, lại lờ mờ hiểu ra rằng, tất thảy đến đi, đều có nhân quả. Kinh Kim Cương dạy: "Phàm thứ có tướng, đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, thì thấy Như Lai." Hết thảy pháp tướng, đều không phải bản thân thực tướng, không cố chấp, không tham lam, đem tấm lòng không linh tự tại mà ứng đối hết thảy, ấy gọi là thong dong. Cuối kinh còn chép bốn câu kệ: "Tất cả pháp hữu vi, như mộng, ảo, bọt, bóng, như sương cũng như chớp, nên coi như thế vậy." Ý tứ hàm súc ở đây, càng tỏ rõ Phật tính.

Phật độ kẻ có duyên, không phải ai tay nâng quyển kinh, tai nghe tiếng tụng là ăn quen bén mùi, ngộ được tính không. Mỗi con người, giữa hồng trần cuộn sóng này, đều là một chiếc thuyền dong buồm đi xa tắp, Phật dạy quay đầu là bờ, nhưng đâu mới là bến bờ bạn muốn neo đậu? Phật nhất định sẽ nói, thế gian gió bụi vô chủ, tòa sen mới là chốn về của chúng sinh. Lẽ nào neo thuyền bên bờ liễu của nhân gian, là chấp mê bất ngộ ư? Thưởng thức hết gió xuân trăng thu, là tham sân dục si ư? Nếu ai có duyên pháp nấy, thì mời người cứ ngồi giữa bồ đoàn, một ngọn đèn xanh, một chiếc mõ gỗ, mấy cuốn kinh sách, dốc lòng tu tập, đạm bạc qua ngày. Tôi cũng mặc lòng lưu luyến khói lửa nhân gian, mấy gian phòng ngói, một mảnh sân con, giữ lấy tháng năm, an khang hạnh phúc.

Những người thề cùng sống chết với hồng trần, lại bị khói lửa thế tục hun đốt đến nhạt nhòa nước mắt, bị đao gió kiếm sương đâm thủng trăm ngàn lỗ, cũng không nén nổi oán than, đời người sao lắm nực cười, thế sự sao vô thường quá. Bọn họ cảm thán hiện thực quá tàn khốc, tất cả công danh lợi lộc, tình ái và hết thảy phồn hoa, đều chỉ là ảo giác, như hoa trong gương trăng dưới nước. Vỗ ngực tự xưng chịu được thời gian giày vò, có thể một hơi uống cạn chén trà đậm vị thế gian, vậy mà, chỉ một lần chia lìa ngắn ngủi, một chút bạc bẽo tình đời, đã khiến bọn họ không kịp trở tay. Giữa cơn hoảng loạn, chỉ biết chọn trốn chạy, tìm kiếm từ bi trong một góc nào đó, nơi sen nở rồi lại khép.

Đó là một quãng năm tháng bồ đề, có sự thanh bạch và bình thản mà người đời vẫn hướng tới, có thể xoa dịu mảnh linh hồn yếu đuối của chúng ta. Năm ấy Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tuổi đã cao, nóng lòng truyền y bát, bèn bảo các đệ tử viết bài kệ trình lên, hòng kiểm tra mức độ tu hành của từng người. Thần Tú làm bài kệ rằng: "Thân như cây bồ đề, lòng như đài gương sáng. Phải thường thường lau quét, chớ để bụi vương đài." Huệ Năng nghe xong cũng tụng một bài kệ: "Bồ đề nào phải cây, gương sáng đâu là đài, vốn không có gì cả, sao vướng bụi trần ai?" Hoằng Nhẫn biết được, bèn truyền y bát cho Huệ Năng, chọn làm truyền nhân. Huệ Năng tu hành chưa được lâu như Thần Tú, nhưng bài kệ của ngài lại tỏ lòng thấu tính hơn, chẳng vướng bụi trần. Có thể thấy rằng, tu hành là ở tấm lòng, hết thảy đều bắt nguồn từ giác tính và đốn ngộ, lòng không nghĩ ngợi thì chẳng còn phiền não. Không phải ngồi tĩnh tọa trên bồ đoàn, giữ cho lòng không tạp niệm, mới coi là tham thiền. Cần phải biết rằng, trong khi thực hiện hết thảy những hoạt động bình thường như ăn mặc ở đi, đều có thể lĩnh hội cảnh giới thiền.

Lục Tổ Huệ Năng nhận thức được lòng mình, từ đó thông đạt nhiều giáo lý nhà Phật. Ngài tham thấu hết mừng giận buồn vui, sinh lão bệnh tử đời người, quên cả sự tồn tại của bản thân, đạt đến cảnh giới vứt bỏ mọi ý niệm để được thanh tĩnh, cũng chính là cảnh giới Niết Bàn mà nhà Phật vẫn nói. Liệu mấy ai có thể đạt đến mức độ thiền định và siêu thoát như vậy? Thậm chí người thật sự ngộ được hiểu được bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng từ bài kệ của ngài, chúng ta có thể trừ bỏ bớt đôi ba tạp niệm, đạt được phần nào thanh tĩnh. Từng có chuyện mấy nhà sư cùng giảng kinh, chợt trong điện có cơn gió lay ngọn phướn, vị sư này nói rằng gió thổi, vị sư kia lại cho là phướn lay. Đương lúc tranh luận không thôi, Huệ Năng chợt bảo: "Không phải gió thổi, cũng không phải phướn lay, mà là người nhân từ động lòng." Có thể thấy rằng, lòng xao động tức là vạn vật xao động, từ đó thể nghiệm hết thảy khổ não trên đời; lòng không động, tức là không thương tổn, thanh tịnh tự tại, vui mừng bình thản.

Đọc một chương trong "Hồng Lâu Mộng", đoạn Bảo Thoa chấm một vở kịch, khúc "Ký sinh thảo" trong vở đó rất có thiền ý:

"Anh hùng chùi nước mắt,

Xử sĩ tiếc chi nhà.

Lạy Di Đà, cắt tóc dưới tòa sen Phật.

Hết duyên pháp, chớp mắt thành ly biệt,

Trần trùi trụi, đi về không vướng víu.

Tìm đâu tá, nón mưa áo khói một mình đi?

Mặc kệ ta, giày rơm bát vỡ theo duyên đến[1]"

[1] Tất cả những đoạn văn thơ trích từ Hồng Lâu Mộng trong cuốn sách này đều sử dụng bản dịch Hồng Lâu Mộng của nhóm Vũ Bội Hoàng.

Giả Bảo Ngọc nghe xong như ngộ ra, sau khi trở về, cũng viết một bài kệ: "Người chứng, ta chứng, lòng chứng, ý chứng. Đã không có chứng, mới gọi là chứng. Không có gì chứng, mới là chỗ đứng." Đại Ngọc đọc được, còn viết thêm một câu phía sau: "Không có chỗ đứng, mới thực can tịnh." Cũng nhờ thế, mới dẫn tới việc Bảo Thoa kể lại câu chuyện Lục Tổ Huệ Năng tham thiền, cùng bài kệ Bồ Đề này. Về sau Bảo Ngọc rũ bỏ hồng trần, nhập vào cửa Không, quả đã thấu triệt tỉnh ngộ. Sự giác ngộ của cậu ta phải trải qua bãi bể nương dâu, hiểu rõ phồn hoa ngày cũ chỉ là giấc mộng kê vàng, tỉnh mộng rồi, tự biết chốn quay về.

Lục Tổ Huệ Năng không chỉ tham thiền tu Phật vì bản thân, mà bài kệ của ngài, cùng "Lục Tổ Đàn kinh" mà ngài để lại sau khi viên tịch, đều là kinh điển của Thiền tông. Ngài không xui khiến những kẻ đang ngụp lặn giữa hồng trần như bạn như tôi buông bỏ tất cả, chọn lấy con đường lánh xa thế tục, chỉ mong những kẻ thân ở thế tục như chúng ta có thể thanh đạm tự chế, bớt phần nào chấp niệm, thêm đôi chút thiện tâm. Có vậy, thói đời mới bớt được vài phần bạc bẽo, trong những tháng ngày bình thường dung dị, cũng có thể cùng đức Phật tu một lá bồ đề.

Giữa long đong phàm trần, chúng ta như những chú dạ oanh bị vận mệnh giam hãm, khoác bộ lông hoa lệ, nhưng vĩnh viễn không thể bay thoát khỏi đêm tối mênh mang. Vạn vật hữu tình, kẻ hữu tình đều có Phật tính, dùng tâm thế bình lặng mà đối xử, cũng không quan trọng là tàn khuyết hay là viên mãn. Có lẽ chúng ta chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi trôi dạt, không đến không đi; một chén nước sôi bình đạm, không màu không vị; nhưng cuối cùng, đều thành một nắm đất vàng, bị tháng năm phủ đầy rêu biếc, bao trùm lên một đời dung dị.

Sau khi Lục Tổ Huệ Năng viên tịch, chân thân không hề bị hủy, đến giờ vẫn được bảo tồn tại chùa Nam Hoa, thờ phụng trong tháp Linh Chiếu. Cũng như bài kệ của ngài, được một nghiên mực Đoan Khê, một ngọn bút thành thực, ghi lại vào kinh sách, sau đó lưu truyền suốt nhiều triều đại, mà hàng chữ trên mặt giấy Tuyên Thành vẫn rành rành đen trắng phân minh. Ngài ngồi giữa bồ đoàn, một lời điểm hóa, lòng như gương sáng, chẳng vướng bụi trần. Chúng ta cũng gửi thân giữa hồng trần, giữ lòng bình thản, tỉnh táo ung dung, bình an tự tại.

Cung Chúc Tân Xuân! Tặng Ngay 30% Giá Trị Nạp Từ Ngày 29/1 Đến Hết Ngày 3/2 (Tức Từ Mồng 1 Đến Mồng 3 Tết!), Nhanh Tay Lên Các Bạn Ơi!!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương