Được Hời Chú Ruột Của Chồng Cũ
13: Điêu Khắc Đôi Lửng Ngọc


(*) Ngọc khắc hình đôi lửng là một di vật văn hóa của triều đại nhà Thanh với chất liệu ngọc bích dày và bé, kỹ thuật chạm khắc rỗng tròn, tay nghề điêu luyện tạo hình hai con lửng thân mật.

"Lửng đôi" còn là từ đồng âm của "niềm vui nhân đôi", ẩn dụ cho niềm vui của sự kết đôi.

(Nguồn: Baidu)
Sơ Vãn đột nhiên kiếm được nhiều tiền như vậy, cuối cùng cũng cảm thấy nhẹ nhõm.
Không có tiền thì làm việc gì cũng chẳng có sức, chỉ có thể đi nhặt nhạnh những bộ quần áo rách.

Nhưng bây giờ có tiền rồi, đương nhiên là có thể hào phóng hơn.
Sơ Vãn chạy đến chợ đen để đối chứng chỉ ngoại hối lấy nhân dân tệ.

Trên thực tế, chứng chỉ ngoại hối ngày nay vẫn còn rất phổ biến và cô còn có thể trao đổi được một số thứ với người nước ngoài mà nhân dân tệ không thể làm được.
Việc chuyển đổi ngoại tệ thành nhân dân tệ trên thị trường chợ đen thường là 1:1,1 hoặc 1:1,2.

Vì cô quá nóng lòng muốn đổi nên một trăm năm mươi ngoại tệ đã nhanh chóng được đổi thành một trăm bảy mươi nhân dân tệ.
Thế là cứ như vậy, lần này cô bán đi một bức tượng khắc Phật và kiếm về hai trăm hai mươi tệ, có thể coi như là một món hời lớn.

Trừ lần trước bỏ tiền khắc ngọc ra, hiện trong tay cô còn khoảng hai trăm chín mươi tệ, đó cũng không phải là một số tiền nhỏ.
Phải biết rằng tiền lương hàng tháng của rất nhiều người cũng chỉ từ ba mươi đến bốn mươi nhân dân tệ.

Vậy mà chỉ trong những ngày này, cô đã có thể kiếm được nửa năm tiền lương trang trải của những người công nhân thành thị.
Với chiếc túi nặng trịch tiền, Sơ Vãn liền muốn mua một ít vải để may quần áo.

Nhưng khi đến cửa hàng, cô mới nhận ra rằng cửa hàng ba tầng từ trong ra ngoài đều chật kín người, tất cả bọn họ đều điên cuồng mua sắm.

Cô rất muốn vào xem thử nhưng không thể so bì kịp những thanh niên luôn miệng hét lớn đòi mua tất cả, càn quét tất cả.

Sơ Vãn đành phải hỏi thăm một chút mới biết được rằng, sau khi đất nước cải cách và mở cửa, việc phân phối vé để mua sắm bắt đầu không còn hiệu lực.

Tuy nhiên nguồn cung trên thị trường vẫn đang bị thiếu hụt, dẫn đến tình trạng hết hàng mỗi khi người dân mua đồ.

Vả lại nếu không còn vé, ai cũng sợ giá cả sẽ bị tự do hóa trở nên đắt đỏ hơn.

Lo lắng sau này không mua được vải, bây giờ ai nấy cũng cố gắng vơ vét toàn bộ tiền tiết kiệm của mình ra, điên cuồng mua vải, giá gì cũng phải mua được.
Chuyện này nghe qua có vẻ buồn cười, dù sao chỉ cần có tiền thì về sau không sợ không mua được những thứ này.

Nhưng quan trọng người nào người nấy cũng chỉ là dân thường, không thể nào có cái nhìn xa trông rộng như vậy.


Trước những biến động trong lịch sử, mọi người đều bị tích tụ quá nhiều vấn đề bất ổn và sự hoảng loạn dần lan rộng, vì vậy mà họ mới liều mạng chộp lấy để tích trữ.
Hiển nhiên Sơ Vãn không thể mua được cái gì, bởi vì ngay cả cô đang có tiền, nhìn cảnh này cô cũng không muốn mua vải.
Nên bây giờ cô đành đi mua một ít kem, mua thêm hai chai rượu, một hộp thuốc lá và một ít thịt rau, rồi mang đến nhà Hồ Tuệ Vân.
Lúc mẹ của Hồ Tuệ Vân nhìn thấy những thứ này, bà vô cùng sửng sốt: "Vãn Vãn, con đang làm gì vậy, tự nhiên lại mua nhiều thứ thế!"
Sơ Vãn: "Hôm nay con đột nhiên tới thăm thôi.

Cô à, cô đừng hỏi về những thứ này làm sao có được nữa mà.

Dù sao cũng là những thứ đứng đắn!"
Mẹ Hồ vốn không chịu nhận nhưng Sơ Vãn nhất quyết kiên trì đưa đến, mẹ Hồ đành miễn cưỡng nhận lấy.

Nhưng bà vẫn luôn miệng càm ràm một hồi lâu với Sơ Vãn, nói rằng cô quá khách sáo rồi.
Sơ Vãn chỉ cười không nói.
Cô rất thích sống trong nhà của Hồ Tuệ Vân nhưng cô lại thấy xấu hổ khi ở nhờ quá lâu trong nhà của người khác.

Cô chỉ cảm thấy thoải mái khi được cho đi những thứ này.
Tối nay mẹ Hồ hầm cá làm canh, món canh cá thực sự rất ngon.

Sơ Vãn còn ăn một bát lớn bánh trôi nhân mè nóng hổi, khiến mũi cô đổ đầy mồ hôi.

Sau khi ăn xong, cô ăn thêm một ít khoai lang nướng bếp trước khi đi ngủ.
Trước khi thiếp đi, trong lòng cô thầm nghĩ, trên tay cô có nhiều hơn hai trăm tệ như vậy cũng không giữ được lâu.

Cô có hơi ngứa tay, thôi thì ngày mai lại dạo một vòng, sau khi về thì đến Lục gia để xem rồi mua vài thứ mang tặng.
Ngày hôm sau Sơ Vãn lại đến chợ sáng Ngọc Uyên Đàm vào buổi sớm, nhưng không ngờ hôm nay cục Di tích Văn hóa lại đến sớm hơn nữa, ngay tức khắc đã bắt giữ được một nhóm người đang ngầm trao đổi vài di vật văn hóa.

Những người khác có xuất hiện ở khu vực này cũng đã nhanh chóng ẩn nấp, núp ở một góc quan sát.
Khi Sơ Vãn nhìn thấy cục Di tích Văn hóa, cô cũng lập tức ẩn mình đi, bởi vì cô mới bị bắt gặp vào ngày hôm qua, đề phòng lỡ có người nhìn thấy cô và nhớ ra.
Thực ra cô không muốn đến Phan Gia Ngoan nữa, vì cô e rằng một số người bán hàng đã quen thuộc với cô.

Nếu bị quen mặt thì thực sự không dễ mặc cả, người ta cũng sẽ không tự mình đưa búa mặc cô muốn đập chỗ nào thì đập.
Cô suy nghĩ một lúc về việc tìm một nơi khác, cuối cùng cô nảy lên một ý nghĩ, đó là chợ cầu Bạch Kiều.
Chợ đồ cổ ở Bắc Kinh không hẳn là chỉ có một vài nơi, chợ đêm Phan Gia Ngoan đã sớm tồn tại từ những năm đầu, còn chợ sáng Ngọc Uyên Đàm đến nay cũng chỉ có mười mấy gian hàng, nhưng tám giờ sáng là đã phải dẹp sạp.
Sơ Vãn vốn nghĩ đến việc đổi gian hàng sang một địa điểm mới, nhưng hôm nay đi chợ cầu Bạch Kiều, cô cũng không định ôm quá nhiều hy vọng.

Bởi vì trong ấn tượng của cô, chợ Bạch Kiều ở thời đại này có lẽ quy mô vẫn chưa lớn.


Nhưng nào ngờ được sau khi đến nơi, cô lại phải vui mừng khôn xiết, ở đây có đến tận mấy chục gian hàng.
Chợ Bạch Kiều lớn hơn chợ sáng Ngọc Uyên Đàm một chút, những người bán hàng dựng sạp ở đây giống như những người nông dân vùng ngoại ô, họ trải từng túi vải trên mặt đất và bày bán mọi thứ.
Sơ Vãn cố gắng giữ bình tĩnh và lắng nghe những người khác mặc cả ở đây, có vẻ như cô đã nghe ngóng được họ thường là nông dân đến từ các vùng ngoại ô Bắc Kinh, chủ yếu là từ Hà Bắc, huyện Hùng, Ôn An và Đại Thành.

Đối với những món đang được bày bán, ở đây có tất cả các loại, bình hoa, ngọc bích, nghiên mực, cũng như là đồ đồng.

Đồ ở đây rất rẻ, rẻ đến mức hoa cả mắt.
Có vẻ như những người nông dân này đã lén lút lấy vài thứ được giấu trong nhà của họ và bán chúng đi, bởi vì muốn tránh khỏi "(*) phá tứ cựu" nên họ không dám nói ra, chỉ âm thầm trục lợi trong khi mọi thứ trông như đang diễn ra tốt đẹp.

(*)"Phá trừ cựu tư tưởng, cựu văn hóa, cựu phong tục, cựu tập quán" hoặc "Phá tứ cựu, lập tứ tân" đều là khẩu hiệu hành động của trào lưu Cách mạng Văn hóa Trung Quốc từ năm 1966.

Bốn điều cần tiêu diệt này là tất cả "tư duy cũ", tất cả "văn hóa cũ", tất cả "thói quen" và "phong tục cũ" tại Trung Quốc.

(Nguồn: Wikipedia)
Đương nhiên, cũng có một số người biết những thứ này có thể bán lấy tiền, gặt hái được quả ngọt, được đà nhân tiện gom góp từ người thân, bạn bè ở các làng xung quanh.
Sơ Vãn dạo một vòng cũng nhìn được kha khá món.

Bình hoa lớn vẽ hình hoa hồng cuối đời nhà Thanh có giá không quá mười lăm tệ, lọ hoa thời nhà Minh chỉ vài chục đồng.

Nhiều người đến mua sắm xung quanh cũng đã bắt đầu giao dịch, riêng Sơ Vãn thì vẫn chưa hành động.
Cô đã rút được bài học từ tượng đá kia, cô sẽ không bao giờ tự mình gây rắc rối cho bản thân một lần nữa.

Cho dù bình hoa mang phong cảnh xanh trắng Khang Hy có tốt đến đâu cũng không dễ mang theo, lại đâu thể tiếp tục ghé vào nhà người ta nói đợi người, thực sự không được chút nào.
Vì vậy nếu muốn thu thập, cô phải thu thập các vật nhỏ như ngọc bích, nhằm tích tiểu thành đại.
Đi loanh quanh một hồi, cô đột nhiên thấy một người bán hàng ở phía đằng xa.

Người nọ đang lấy những thứ trong chiếc túi vải bụi bẩn và nhuốm phân bón của hắn.
Hắn lấy ra hai con khỉ bằng gốm, những món đồ bên trong túi va chạm nhau, tạo ra âm thanh lạch cạch.
Khi Sơ Vãn nghe thấy âm thanh này, cô liền cảm thấy nó hơi giòn và có lẽ cô đã quá quen với âm thanh này.
Cô thản nhiên hỏi: "Ông chủ, trong túi của ông còn có gì nữa không?"
Người nông dân nghe thấy câu hỏi, hắn thản nhiên nói: "Còn ống chỉ!"
Sơ Vãn: "Ống chỉ, là cái dùng trên guồng quay sao?" Thấy cô có vẻ thích thú, người nông dân lấy nó ra và đặt xuống cho Sơ Vãn xem.
Lúc này trời vừa sáng, Sơ Vãn cầm nó trên tay soi kỹ thì thấy đó là một phiến ngọc bích dài, bên trên vẫn còn những sợi bông do nông dân kéo thành sợi.

Cô kéo những sợi bông thừa sang một bên và khẽ chạm vào ngọc bích, mặt trên của phiến ngọc được chạm khắc hoa văn, có một đầu phượng hoàng với khuôn mặt kỳ lạ, thêm đôi cánh tao nhã, cứng cáp và đặc biệt.
Dựa vào trực giác của cô, cô biết đây là ngọc trắng của triều Hán.


Hẳn là Thụy Ngọc, loại ngọc mà quý tộc triều Hán thường đeo, biểu thị cho địa vị.
Cô bèn hỏi: "Cuốn chỉ này bao nhiêu tiền?"
Người nông dân tình cờ liếc nhìn và giơ hai ngón tay ra.
Sơ Vãn nhướng mày, suy nghĩ đây là ý gì, hai mươi tệ hay hai trăm?
Nếu là hai trăm tệ, thật ra cũng có thể mua, tiền không lỗ lắm, nhưng cô quả thực không cam lòng.

Đó không phải là vứt hết tiền trong tay đi sao?
Nhưng hai mươi tệ thì hơi rẻ, dù sao đây cũng không phải là ngọc bội bình thường, cho dù hiện tại ở chợ cũng có thể bán được ngọc trắng từ thời Hán với giá hời.
Mà người nông dân trước mắt nhìn thoáng qua cũng không phải là đang bán đồ của mình, vậy thì có thể là từ xẻng đất.

Đoán chừng hắn mua đồ ở nông thôn chỉ có mấy tệ, rồi vào thành bán đi.

Với tình hình này, có lẽ lần giao dịch này sẽ không thành công như ý.
Người nông dân nhìn Sơ Vãn đang do dự, nói: "Cô còn muốn bao nhiêu nữa?"
Hắn vừa nói vừa lấy ra hai cái nữa, nhìn qua kiểu dáng có phần giống nhau, chỉ là hoa văn trên mặt không giống nhau.
Cô cũng thản nhiên đáp: "Hơn ba mươi tệ, cứ nói tôi biết đi."
Người nông dân: "Bớt nói nhảm, năm mươi tệ, cô muốn thì lấy!"
Nói đến đây, bên cạnh có mấy người khách đang dần nhìn về phía này, Sơ Vãn thấy thế lập tức dùng cơ thể khẽ ngăn tầm mắt từ bên ngoài, nói: "Ông chủ, vậy thì bốn mươi tệ."
Ngay lập tức, cô lấy ra bốn tờ "Đại đoàn kết" và vẫy chúng về phía người đàn ông: "Được không?"
(*)Vào những năm 1980, những mảnh "Đại đoàn kết" là mười nhân dân tệ.

(Nguồn: Baidu)
Đây cũng có thể coi là một cách mua hàng ở chợ đồ cổ ngoại thành, rút tiền ra cho xem, đối phương lúc đầu sẽ không muốn bán, nhưng nhìn thấy sự đồng điệu tuyệt đối của (*) những bông hoa, cuối cùng họ cũng sẽ bị lay chuyển.
(*)Phía dưới các con số mệnh giá của các tờ tiền thường là hình vẽ của những bông hoa.
Quả nhiên, người nông dân vừa nhìn thấy, hai mắt hắn lập tức sáng lên: "Được, thành giao!"
Vì vậy, Sơ Vãn đưa bốn mươi tệ cho người nông dân, bọc ba miếng ngọc bích vào trong những tờ báo cũ, rồi nhét vào túi áo khoác đệm bông của cô, nhanh chóng rời đi.
Khi đến một nơi vắng vẻ, cô lấy nó ra và lau đi bụi phân bón dính trên đó.

Cuối cùng cô cũng thấy được vẻ mềm mại và tinh xảo của ngọc bích, từng đường nét chạm khắc vô cùng tỉ mỉ.
Cô cực kỳ hài lòng và chẳng muốn làm gì hơn, vì vậy cô chỉ đi dạo xung quanh.

Bất chợt, cô lại nhìn thấy một cặp đôi lửng chạm khắc bằng ngọc bích ba màu.
"Lửng" có nghĩa là "Huân", đôi lửng ngụ ý hạnh phúc kép, cũng có nghĩa là hạnh phúc nhân đôi cho một trăm năm, thường được tặng cho những cặp trẻ tuổi đã hoặc sắp kết hôn.
Điểm mấu chốt là tác phẩm chạm khắc này có lớp ngọc dày và lớp sơn phủ rất đều, đặc biệt được chạm khắc tinh xảo, sử dụng kỹ thuật chạm khắc hình tròn với tạo hình hai con lửng đối đầu với nhau, bốn chân và đuôi được nối vào nhau, trông như đang rượt đuổi nô đùa.
Sơ Vãn vuốt ve nó một lúc, cảm thấy rất thích, nhưng cô giữ nó cho riêng mình cũng vô ích mà thôi.

Bởi vì đối với cô, kết hôn hay không lại là một chuyện khác nữa.

Cô thầm nghĩ, có lẽ nên tặng nó cho Lục Thủ Nghiễm.
Chú Bảy cho cô mười tệ, đương nhiên cô phải báo đáp lại anh.

Nhưng nếu cô trả lại tiền cho anh, anh chắc chắn sẽ không nhận.


Vậy nên tặng quà cho anh là được nhất, dù sao anh lớn tuổi như thế cũng sẽ sớm lập gia đình thôi.
Cô chọn thêm chiếc lược chải tóc, sau khi mặc cả một lúc, cuối cùng hai món này có giá tổng cộng là hai mươi lăm nhân dân tệ.

Cô nghĩ sau khi làm sạch chiếc lược này thì có thể đem đi tặng cho ông Lục.
Mặc dù ông nội của cô nói rằng cô có thể đòi hỏi ông Lục bất cứ thứ gì mà cô muốn, bởi vì như thế nào cô cũng đều được hoan nghênh, nhưng cô không cho là bản thân cô đủ táo tợn như vậy.
Với những món đồ này trong tay, cô vội vã đến nhà họ Lục.
Ông Lục sống ở hẻm Vũ Nhân, ngõ Nam Lạc Cô, đó là một ngôi nhà có sân rất gọn gàng.

Nghe nói ngôi nhà này từng là nơi ở của Tổng quản Nội vụ phủ nhà Thanh.

Nó được xây dựng rất cẩn thận, mái lợp ván ngói vừa cứng vừa dốc xuống trước hiên nhà, có ba phòng ở mỗi phía đông, tây, nam và bắc.

Những căn phòng được nối với nhau bằng hành lang dài và góc cạnh.

Một sân như vậy dường như có thể chứa được hàng chục người nếu ở đó là một gia đình bình thường.

Tuy nhiên, những người con trai của ông Lục trước giờ đều ra ở riêng.

Ông có năm người con trai và hai người con gái, người lớn nhất cũng khoảng năm mươi tuổi.
Hầu hết các con trai của ông Lục ở độ tuổi này đều đang nắm giữ những chức vụ quan trọng, tự nhiên đơn vị công tác sẽ tự bố trí chỗ ở tốt cho họ.

Còn những người chức vị có phần thấp hơn thì sẽ được sắp xếp ở trong khu tập thể của đơn vị.
Vì vậy, chỉ có một mình ông Lục sống trong ngôi nhà lớn như vậy, các con cháu của ông thỉnh thoảng cũng sẽ đến đây nên hầu hết họ đều có phòng riêng ở Lục gia.
Sơ Vãn đi dọc theo con hẻm đến trước cửa nhà, vừa định đi vào thì bị bảo vệ bên cạnh chặn lại.
Người bảo vệ nhìn cô và yêu cầu cô xuất trình giấy tờ tùy thân.
Sơ Vãn hơi ngạc nhiên một chút, cô nhìn người bảo vệ một cách nghi ngờ.
Người bảo vệ vẫn chỉ giữ một tư thế đứng thẳng với khuôn mặt nghiêm túc và đầy trách nhiệm.
Sơ Vãn: "Tôi tới tìm ông Lục, anh có thể đi vào báo một tiếng được không?" Người bảo vệ đang định đáp lời thì cửa lớn bỗng mở ra, một người phụ nữ đeo tạp dề và xách một giỏ rau đi ra, đôi tay có phần thô ráp, có vẻ như là một bảo mẫu.
Khi người phụ nữ nhìn thấy Sơ Vãn, bà ta đánh giá cô mấy lần, sau đó cau mày nói: "Cô định thu gom rác à? Nhà của chúng tôi mới được dọn dẹp ngày hôm qua, không còn gì đâu."
Bà ta cũng quay lại nói với anh lính canh: "Tiểu Triệu, cậu nên nghiêm khắc hơn một chút đi.

Đừng để loại người gì cũng vào được trong nhà, nếu không thì còn ra thể thống gì."
Sơ Vãn mỉm cười thật khẽ, phớt lờ người phụ nữ và chỉ nói với người bảo vệ: "Đồng chí, tôi biết anh là người bảo vệ của ông Lục.

Mong anh hãy chuyển lời nhắn giúp tôi nếu anh nhìn thấy ông ấy, chỉ cần nói Vãn Vãn đến thăm ông." Nói xong, cô quay đầu bỏ đi một mình.
Cô không hề cảm thấy khó chịu chút nào, bởi vì bằng cách này, cô đã có thể thực hiện được ý định "đến thăm và chào hỏi ông Lục" mà không cần phải ở lại Lục gia vài ngày.

Còn người phụ nữ không biết là bảo mẫu hay là ai khác kia, chắc hẳn cũng sẽ bị mắng và bị trừng phạt.

Nhưng khi đi đến đầu ngõ, cô lại tình cờ gặp một người đi xe đạp.
Người đàn ông khoảng hai mươi tuổi, khuôn mặt tái xanh, anh ta sững sờ khi nhìn thấy Sơ Vãn.
Sơ Vãn cũng sửng sốt.
Con đường duyên phận thật hẹp, Lục Kiến Thời, thế mà ta đã gặp lại nhau!.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương