Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh
Quyển 4 - Chương 61

Tôi thẫn thờ ngắm nhìn gương mặt gầy guộc, vằn vện nếp nhăn của chàng:

- Chàng bằng lòng từ bỏ triều đình, giáo phái và bộn bề công việc chính sự để ra đi cùng em ư?

- Em còn nhớ di chúc của Kháp Na không? Đệ ấy không muốn ta lao tâm khổ tứ vì giáo phái và hoài bão thống nhất đất Tạng mà muốn ta nghĩ cho bản thân mình, sống cho bản thân mình.

Vầng trán chàng vằn vện những nếp nhăn của tuổi tác, đuôi mắt chàng cũng vậy, chỉ cần khẽ chớp mắt, những vết chân chim lại hằn rõ. Chàng lấy ra trong ngực áo viên ngọc Linh hồn mà Kháp Na trao cho tôi trong đêm tân hôn, tôi đã buộc nửa sợi dây màu lam vào đó. Sau khi bị đẩy trở lại nguyên hình, tôi không còn linh khí để có thể hóa phép cất giấu viên ngọc nên chàng đã giữ giúp tôi.

Chàng đặt viên ngọc lên đỉnh đầu tôi, vuốt ve mái tóc màu lam của tôi, vẻ mặt ngập tràn hạnh phúc:

- Giờ đây ta đã có thể ôm em vào lòng, tuy còn hơi đau nhưng niềm vui này đã vượt tầm kỳ vọng của ta. Ta chỉ cầu mong có thế. Giống như Kháp Na vậy, được cùng người mình yêu rong chơi, ca hát trên đồng cỏ giữa mùa xuân, chèo thuyền trên sông khi hạ về, thưởng thức trái chín khi thu sang và dạo chơi trên tuyết trắng, ngăm hoa mai nở khi đông tới. Ước mơ ấy ta chưa bao giờ dám thổ lộ, Nhưng hôm nay, ta muốn được sống cho bản thân mình. Ta muốn được là mình. Em bằng lòng ở bên ta chứ?

Tôi gật đầu rối rít, vít chặt tà áo tăng ni của chàng, vùi đầu vào lòng chàng, bật khóc nức nở. Chúng tôi quen nhau đã hai mươi lăm năm, gần nửa đời người đã trôi qua, nhưng chưa bao giờ chàng thổ lộ tình cảm như vậy. Nước mắt tôi ướt đầm ngực áo chàng, chiếc áo tăng ni của chàng nhàu nhĩ, hình ảnh trác tuyệt, khôi ngô của một bậc cao tăng đã bị tôi hủy hoại. Vậy mà chàng vẫn cười thật tươi, thật hạnh phúc. Trong mắt tôi, chàng vẫn điển trai, phong thái vẫn bất phàm như ngày nào, chàng vẫn là chú bé mười ba tuổi với ánh hào quang rạng rỡ trong lần đầu gặp gỡ đầu tiên ấy.

Tháng Ba năm đó, Bát Tư Ba trình tấu chương lên Hốt Tất Liệt xin nghỉ ốm. Trung Đô là vùng ẩm thấp, không tốt cho bệnh hô hấp của chàng, chúng tôi muốn dọn đến một nơi khô ráo hơn để chàng tĩnh dưỡng. Hốt Tất Liệt đã ra lệnh cho tất cả các danh y trong kinh thành đến khám bệnh cho Bát Tư Ba. Nhưng sau khi bắt mạch cho quốc sư, tất cả các thầy thuốc đều tấu trình lên Nhà vua tin dữ: Vì quá lao tâm lao lực, căn bệnh kinh niên của quốc sư được dịp phát tác, giờ đã vô phương cứu chữa. Quốc sư không còn sống bao lâu nữa...

Hốt Tất Liệt không thể tin nổi một người trẻ hơn ngài những mười chín tuổi mà sức khỏe lại suy sụp nghiêm trọng nhường vậy! Nghe theo lời khuyên giải của Khabi, ngài đã phê chuẩn cho phép Bát Tư Ba lui về nghỉ dưỡng. Bát Tư Ba muốn đến vùng Lâm Thao ở Lương Châu vì chàng có một trang viên do Hốt Tất Liệt ban tặng ở đó. Khí hậu nơi đó khô ráo nơi Trung Đô, sẽ tốt hơn cho người bị bệnh hô hấp kinh niên như chàng.

Tháng 3 năm 1271, hoa đào nở rộ trong chùa Đại Hộ Quốc Nhân Vương, sắc đỏ rợp trời, rực rỡ. Gió mát thổi qua cành lá, cuốn theo những cánh hoa phớt hồng bay lượn trên không trung rồi đỗ xuống bờ vai Bát Tư Ba. Chàng đứng đó, giữa lớp lớp hoa bay, lặng nhìn một lần sau cuối người em trai thứ hai và các đệ tử, vẫy tay từ biệt họ rồi ôm tôi vào lòng, bước lên xe ngựa.

Chàng chỉ đưa một vài đệ tử thân cận đi theo, trong đó có đại đệ tử Drakpa Odzer, người đã theo chàng hai mươi năm qua. Trước lúc ra đi, chàng đã sắp xếp để Rinchen thay chàng gánh vác trọng trách của một quốc sư trong triều đình của Hốt Tất Liệt.

Hốt Tất Liệt tổ chức buổi đưa tiễn Bát Tư Ba vô cùng long trọng ở cổng Sùng Thiên. Nhà vua dặn dò chàng rất nhiều, hết đoạn đường này đến đoạn đường khác, không muốn rời xa. Thực ra, trong lòng cả hai người đều có chung dự cảm rằng đây có thể là lần từ biệt cuối cùng.

Ngày xuân nắng ấm, cỗ xe lộc cộc lăn bánh, cành liễu đung đưa trong gió mát ở hai bên đường, Trung Đô khuất xa dần. Ba mươi bảy tuổi, Bát Tư Ba mang theo cơ thể ốm yếu, bệnh tật, rời khỏi Trung Đô, kể từ đó cho đến lúc cuối đời, chàng không trở lại kinh thành nức tiếng trong lịch sử Trung Quốc này lần nào nữa.

Trong khoảng thời gian một năm sau đó, đế quốc của Hốt Tất Liệt có những biến động to lớn. Tháng Mười một năm đó, chúng tôi nhận được tin từ Trung Đô: Viên đại thần người Hán Lưu Bỉnh Trung dâng tấu chương, đề nghị đổi quốc hiệu thành Đại Nguyên.

Hốt Tất Liệt đã phê chuẩn và lệnh cho Lưu Bỉnh Trung lập ra bức chiếu thư có tên gọi “Kiến quốc hiệu chiếu”[1]. Nước Mông Cổ sẽ đổi tên thành “Đại Nguyên”, Đại hãn Mông Cổ thành Hoàng để Trung Nguyên. Mọi người phải thay đổi cách xưng hô từ “Đại hãn” thành “Bệ hạ”.

Sự thay đổi này có ý nghĩa vô cùng to lớn với cả một người đau ốm đang sinh sống ở tận vùng Lâm Thao xa xôi. Tước hiệu quốc sư của Bát Tư Ba đã được Hốt Tất Liệt tôn lên một bậc, thành đế sư, có nghĩa là thầy giáo về tôn giáo của người đứng đầu thiên hạ!

Kể từ khi Bát Tư Ba nhận phong tước vị đế sư, trong triều đình nhà Nguyên mới bắt đầu xuất hiện chức vị này. Nếu đế sư viên tịch thì phải lập người kế nhiệm. Nếu đế sư đau ốm, phải rời xa triều chính một thời gian dài thì sẽ ủy thác cho người thay thế. Dù lúc này Bát Tư Ba không còn ở Đại Đô nhưng lòng tín nhiệm và tôn sùng của Hốt Tất Liệt đối với chàng không hề suy giảm. Nhà vua ban bố một đạo chỉ, khẳng định rằng, chức vị đế sư sẽ do người nhà họ Khon đảm nhiệm. Điều đó có nghĩa là, đế sư đời tiếp theo chắc chắn sẽ do Dharma đảm nhiệm.

Về sau, Hốt Tất Liệt đã giữ đúng lời hứa, mười bốn đời đế sư trong suốt chiều dài lịch sử của nhà Nguyên đều do người của phái Sakya đảm nhiệm.

~.~.~.~.~.~

- Kể từ khi Thành Cát Tư Hãn lập nước đến giai đoạn này, người Mông Cổ đều tự xưng mình là nước Đại Mông Cổ. Khi Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại hãn, nước Đại Mông Cổ đã phân tách thành một số hãn quốc lớn trải dài khắp châu Âu và châu Á, các hãn quốc này không có bất cứ mối quan hệ phụ thuộc nào. Trung tâm thống trị của Hốt Tất Liệt di dời về đất Hán, xây dựng triều đình, tiếp nối truyền thống của các vương triều Trung Nguyên, bởi vậy cần có quốc hiệu để công bố với dân chúng rằng, triều Nguyên là triều đại mới, kế tiếp của các triều đại phong kiến Trung Nguyên. Cũng tức là tuyên bố với thần dân Trung Nguyên: Nhà nước mà Hốt Tất Liệt cai trị không chỉ là một hãn quốc của người Mông Cổ mà là sự kế tục của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Chàng trai trẻ gật đầu:

- Đúng vậy. Cũng giống như nhà Thanh sau này, khi dân tộc Mãn Châu hòa nhập với dân tộc Trung Hoa, nhà Thanh đã trở thành một trong những vương triều của Trung Nguyên.

Tôi giải thích kĩ hơn về ý nghĩa của chữ “Nguyên”:

- Lưu Bỉnh Trung là một trong những đại thần người Hán nổi tiếng nhất đầu thời Nguyên vì ông ấy đã lập ra quốc hiệu cho quốc gia với cương vực rộng lớn chưa từng có này. Tấu chương của ông viết rằng: Các vương triều trước đây như nhà Tần, nhà Hán đều đặt tên nước bằng tên của vùng đất nơi vương triều được lập nên. Nhà Tùy, nhà Đường thì đặt tên nước bằng tên vùng đất được ban phong. Tất cả những tên gọi đó đều không làm toát lên sự vĩ đại của vương triều mình. Trong Kinh dịch có câu: “To lớn thay! Nguyên khí của đất trời.” Chúng ta hãy mượn ý này để đặt quốc hiệu là “Đại Nguyên”.

Chàng trai trẻ thốt lên kinh ngạc:

- Thì ra nguồn gốc tên gọi của triều Nguyên xuất phát từ ý nghĩa đó. Tôi còn nhớ, thủ đô của triều Nguyên là Đại Đô nhưng lúc trước cô thường gọi là Yên Kinh, sau đó lại là Trung Đô. Vậy đến thời điểm nào mới bắt đầu gọi là Đại Đô?

Lúc này đã là nửa đêm, thời tiết giá buốt. Tôi lấy thêm cho cậu ta một tấm thảm rồi đáp:

- Đến năm thứ hai, tức năm Chí Nguyên thứ chín, tức tháng 2 năm 1272, Hốt Tất Liệt đã chấp nhận lời đề nghị của Lưu Bỉnh Trung, đổi tên Trung Đô thành Đại Đô. Từ đây, Đại Đô chính thức trở thành thủ đô của triều Nguyên.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Chiếu thư về việc đổi quốc hiệu. (DG)

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương