Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 26: Tương giang song hậu

Công chúa Vĩnh Hòa vẫy quận chúa Chu, Triệu. Cả ba đến trước mặt Hàn Tú Anh quì xuống, rập đầu lậy:

– Kẻ hạ thần là công chúa Vĩnh Hòa thuộc giòng Cảnh Thủy hoàng-đế, và hai quận-chúa thuộc giòng Triệu công, Tần công, bái kiến Thái-hậu. Kính chúc Thái-hậu trường thọ an khang.

Hàn Tú Anh vẫy tay nói:

– Công-chúa thuộc giòng Cảnh-Thủy hoàng-đế à? So vai vế thì là vai chị Quang-Vũ. Người coi ta là thím cũng quí rồi. Việc gì phải dùng danh xưng thái-hậu, công-chúa, mất thân mật.

Giọng bà nhu mì, nhẹ nhàng. Bà cầm tay công-chúa Vĩnh Hòa, ngắm nhìn một lúc rồi nói:

– Cháu giống mẫu thân cháu như hai giọt nước vậy. Ta ở Quế-lâm, nghe tin phụ hoàng tuẫn quốc. Xích Mi định cưỡng bức mẫu hậu cháu. Mẫu hậu cháu đã thung dung đập đầu vào cột đá. Ta đau xót vô cùng.

Vĩnh Hòa nước mắt chan hòa hỏi:

– Thái-hậu cũng biết mẫu hậu cháu sao?

Hàn Tú Anh vuốt tóc nàng nói:

– Chúng ta là sư tỷ, sư muội. Mẫu hậu cháu là sư tỷ, lớn hơn ta một tuổi. Ta là sư muội. Chúng ta nổi tiếng Tương-giang song-hậu. Chơi với nhau từ tuổi hoa niên. Cùng xinh đẹp như nhau. Chúng ta học đàn, học hát một thầy. Cả hai đều mơ ước lấy được người chồng văn nhân nhu nhã. Nhưng rồi tai vạ xẩy đến. Gia đình suy xụp, chúng ta rơi vào kỹ viện. Với tài sắc chúng ta, chẳng bao lâu danh tiếng truyền khắp nước. Một ngày kia thân mẫu cháu gặp văn nhân từ xa, ngưỡng mộ tìm đến. Chàng bỏ tiền chuộc mẫu thân cháu ra khỏi kỹ viện. Hai người như bóng với hình. Tình yêu nồng thắm khi du ngoan trên sông, ngắm trăng. Chàng làm từ, nàng hát. Khi lên núi hái hoa, thổi tiêu. Cả thành Trường-sa đều biết tiếng. Thanh thiếu niên nam nữ ai cũng ước được mối diễm tình như vậy.

Chàng bỏ tiền, xây một ngôi nhà bằng đá ở ngoại thành Trường-sa. Trong vườn trồng trăm thứ hoa thơm cỏ lạ. Tính sư tỷ của ta thích hoa đào. Chàng trồng hơn nghìn cây đào quanh nhà. Dân chúng gọi căn nhà của hai người là Đào-hoa trang. Ngày nay tên đó đổi là Đào hoa thôn.

Bà ngưng một lúc, mơ màng ôn lại truyện cũ rồi tiếp:

– Hạnh phúc được hai năm, thì chàng nói thực: Chàng họ Lưu tên Huyền. Đương kim thế tử của Trường-sa Định-vương. Sau này sẽ kế nghiệp cha, trấn thủ Trường-sa. Sư tỷ ta khóc hết nước mắt. Ngươi có biết tại sao không?

Công chúa Vĩnh Hòa đáp:

– Chắc mẫu hậu cháu, không thích làm vương phi.

Hàn Tú Anh lắc đầu:

– Sai rồi! Nguyên giữa chị em chúng ta có mối thù với Trường-sa Định vương.

Công-chúa Vĩnh Hòa, cùng mọi người đều bật lên tiếng kêu ngạc nhiên:

– Ủa?

Hàn Tú Anh thở dài:

– Sư tỷ của ta, tức mẫu hậu cháu họ Chu tên Mẫu Đơn. Thân mẫu bà có sắc đẹp tuyệt thế. Một ngày kia, Trường-sa vương trông thấy. Ông say đắm như điên, như khùng, mưu cướp lấy. Bọn quan lại dưới quyền tâng công, vu cho thân phụ nàng mưu phản. Chúng đem quân vào nhà. Đào được nhiều gươm đao ở vườn, khép tội, giết ông, bắt bà nộp cho Trường-sa vương. Bà treo cổ tự tử. Chính vì vậy chúng ta mới bị lọt lầu xanh.

Câu truyện càng ngày càng đi vào chi tiết bi thảm. Khiến mọi người đều im lặng theo dõi. Hàn Tú Anh tiếp:

– Truyện tình lãng mạn của hai người đến tai Trường-sa vương. Vương nổi giận lôi đình. Ông triệu hồi thế-tử ra điều kiện quyết liệt. Thế tử phải chọn một trong hai: Một là giữ ngôi thế-tử, kế nghiệp nhận sắc phong Vương, phải bỏ Chu Mẫu Đơn. Hai là lấy Chu Mẫu Đơn, thì mất ngôi thế-tử. Phụ hoàng của cháu chọn điều thứ hai.

Bà thở dài:

– Phụ hoàng cháu là người một thứ nòi tình. Ông thản nhiên dọn ra Đào trang ở với Chu Mẫu Đơn.

Truyện tình của hai người vang danh thiên hạ. Kẻ thì chê phụ-hoàng của cháu hư thân mất nết. Đường đường là thế tử, trái lời cha say mê kỹ nữ. Ngược lại các danh sĩ Trung Nguyên, không ngớt lời ca tụng mối tình của hai người. Chính tiên đế nhà ta, nhờ anh bỏ ngôi thế-tử, ngài mới được lên thay, vẫn cho là anh hành động đúng. Ngài thỉnh thoảng vẫn trốn ra Đào-trang thăm anh. Ca ngợi hạnh phúc của anh. Ngài thèm được mối tình lãng mạng như vậy, tuy không nói ra.

Khi tiên đế gặp ta rồi cùng ta quyến luyến, phụ thân cháu khuyên tiên-đế hãy trở về với ngôi thế-tử. Đợi sau khi phụ vương qua đời, bấy giờ đi tìm tình yêu cũng chưa vội. Nếu như tiên-đế bắt chước anh, khiến phụ vương đau buồn thành bệnh. Cả hai anh em trở thành những đứa con bất hiếu. Tiên-đế nghe lời khuyên của anh, trở về yên vị giữ ngôi thế-tử.

Công chúa Vĩnh Hòa gật đầu:

– Phụ hoàng cháu thực là người đa tình.

Bà tiếp:

– Phụ hoàng cháu là người tài kiêm văn võ, nhưng nhất tâm chỉ biết có mẫu thân cháu mà thôi. Cho đến khi Vương Mãng cướp ngôi. Người dấy binh giết Vương Mãng, lên ngôi Hoàng-đế, hiệu là Cảnh-Thủy. Người có ba người em kết nghĩa, lớn nhất tên Lý Điệt, thứ nhì tên Chu Huy, thức ba tên Xích My. Người phong tước công cho cả ba. Giao cho Lý Điệt chức Tư-đồ, Chu Huy chức Tư-không, Xích Mi chức Tư-mã. Quyền trong thiên hạ giao cho ba em. Nhưng nào ngờ, Xích Mi say mê mẫu hậu ngươi. Y tìm cách lân la gần gũi. Mẫu hậu ngươi chống đối. Biết truyện bại lộ, khó toàn mạng. Y nổi loạn giết ba người anh kết nghĩa. Cướp vợ của nghĩa huynh. Mẫu hậu ngươi quyết tự tử để bảo toàn danh tiết.

Trần Năng hỏi:

– Tâu thái-hậu! Tại sao Phan Sùng lại có tên là Xích Mi?

Hàn Tú Anh đáp:

– Y xuất thân chưởng môn phái Trường-bạch. Phái này luyện Huyền âm độc chưởng. Người nào công lực đạt tới độ tối cao, râu tóc đều hóa đỏ hết. Phan Sùng võ công cực cao. Râu tóc y đỏ hoe. Người đời gọi y là Xích Mi.

Trần Năng hỏi Phan Anh:

– Phan tiểu vương gia. Dường như người nào trúng Huyền âm độc chưởng thì cách ngày lên cơn đau đớn không bút nào tả xiết. Sau 7 lần 7 là 49 ngày, kiệt lực mà chết. Có đúng thế không? Đệ tử phái Trường-bạch, luyện độc chưởng cũng thế. Hàng năm phải có thuốc giải của chưởng môn phát cho nếu không cũng đau đớn mà chết. Vì vậy đệ tử phải tuyệt đối trung thành. Nếu không thì không có thuốc giải, sẽ chết trong cơn đau đớn. Vậy bây giờ ai là chưởng-môn phái Trường-bạch?

Phan Anh nói:

– Tôi không biết cách chế thuốc giải. Từ khi Tiên phụ tạ thế. Trong bản phái chỉ còn một người biết chế thuốc giải là Thái sư phụ Mao Đông Các. Không biết giờ này người qui ẩn ở đâu. Hàng năm tôi phải về tổng đàn bản phái, nhận thuốc giải.

Trần Năng cười:

– Bây giờ thì Huyền-âm độc chưởng không còn mối lo nữa. Tôi đã học được Thiền-công. Nếu luyện tập trong một thời gian ngắn nữa. Tôi có thể dùng Lĩnh-nam chỉ, vận Thiền công trị Huyền-âm độc chưởng cho người khác.

Nói rồi nàng vận chân khí Không tâm, Vô-tưởng theo kinh mạch. Phóng chỉ vào gốc cây. Xùy một tiếng, gốc cây lủng lỗ sâu đến hơn đốt ngón tay.

Hàn Tú Anh ngồi mơ màng nghĩ đến mối diễm tình năm xưa của bà với Trường-sa vương. Mới ngày nào, yêu yêu, thương thương, nhớ nhớ. Bây giờ kẻ nằm dưới mồ này. Người ngồi đây. Đúng như Tăng Giả Nan Đà nói: Đời là Vô-thường.

Công chúa Vĩnh Hòa hỏi tiếp:

– Tâu thái-hậu, thế còn truyện của thái-hậu?

– Vì phụ hoàng ngươi bỏ ngôi thế-tử ra Đào-gia ở, nên khi Trường-sa vương băng hà, người em thứ, tức tiên-đế lên ngôi Trường-sa vương. Lúc đó tiên-đế đã có vương phi, mỹ nữ, nhưng không có con. Ta ở kỹ viện được ba năm. Một buổi chiều, nhàn du dạo chơi Tương-giang, gặp văn nhân đang chèo đò. Chàng thấy ta ngây người ra nhìn, làm một bài từ ca tụng sắc đẹp của ta. Ta cảm động, ngâm bài từ của chàng. Từ đấy chàng với ta thường gặp nhau. Chàng kể rằng quê ở Nam-dương. Tới Trường-sa theo học, định lập nghiệp bằng khoa cử. Chúng ta bí mật gặp nhau một thời gian. Tình yêu như trái cây chín, nó phải rụng. Đã đến lúc chúng ta không xa nhau được nữa. Ta rời kỹ viện, đến Đào-thôn ở với sư tỷ Chu Mẫu Đơn. Hàng ngày chàng vào thành học, chiều trở về nhà. Chúng ta sống những ngày hạnh phúc nhất trên thế gian.

Sau ba năm, chúng ta có hai đứa con. Đứa lớn tên Lưu Diễn, đứa nhỏ tên Lưu Tú. Ta muốn dời đi nơi khác sống. Vì sợ hai đứa con lớn lên, biết mẹ là kỹ nữ, chúng sẽ khổ sở lắm. Ta đem ý ấy nói với chàng. Chàng cương quyết không chịu. Ta nói thế nào cũng không được. Một hôm ta cho con hầu, theo chân chàng vào thành Trường-sa, hầu biết nhà thầy dạy của chàng. Ta dự định tìm đến thầy, nhờ ông khuyên chàng. Tỳ nữ theo dõi cả buổi, trở về nói rằng chàng chính là Trường-sa vương. Ta nghe mà nghẹn cả người. Ta không tin, đích thân dò theo, quả nhiên đúng.

Trở về Đào-trang, ta trách thế-tử Lưu Huyền, sư tỷ Chu Mẫu Đơn rằng tại sao biết chàng là Trường-sa vương, lại dấu ta? Ngươi có biết thế-tử nói sao không? Ông an ủi ta: Ông không thích làm vương, chỉ thích hạnh phúc. Khi sống cạnh Chu Mẫu Đơn, tự thấy mình lên tiên, mới bầy kế cho em trai, giả văn nhân nghèo gặp ta. Vì vậy hai cặp tình nhân sống ở Đào-trang, mà ta không biết họ là anh em.

Công chúa Vĩnh Hòa nói:

– Cháu nghe mẫu hậu kể: Phụ-hoàng có hai anh em. Một người giống cha, một người giống mẹ. Người ngoài nhìn vào, không biết là anh em.

Hàn Tú Anh tiếp:

– Đúng vậy! Chiều chàng trở về! Ta cật vấn. Chàng thú thực, xin lỗi ta. Chàng nói: Nhờ anh, nhờ chị dâu mà người biết mùi tình yêu. Chứ với địa vị thế-tử, rồi Trường-sa vương thì nào vương-phi, nào phi tần... Bảo sao nghe vậy. Làm gì có tình yêu? Tình yêu như bông hoa, tự nó có hương. Khi một thiếu nữ bị bắt làm tỳ thiếp, bảo họ yêu thương. Họ cũng không biết yêu là gì? Giả thử họ có biết, chưa chắc họ đã yêu, đã thương.

Chàng an ủi ta rằng: Trong phủ Trường-sa vương. Nào vương-phi, nào phi-tần, nào mỹ nữ. Không ai cho chàng đứa con. Bây giờ chàng đưa ta về phủ, không ai có thể nói ra nói vào được câu nào. Chàng nói là làm. Chàng xin phép thái-phi, đón ta về phủ. Thái-phi thấy Lưu Diễn, Lưu Tú giống chàng như đúc thì mừng lắm. Bà thương yêu hai cháu, đích thân nuôi dưỡng, dậy dỗ.

Công chúa Vĩnh Hòa hỏi:

– Tâu thái-hậu! Thế rồi tại sao thái-hậu lại lưu lạc xuống Quế-lâm cho tới ngày nay?

Hàn Tú Anh ngơ ngẩn nhìn trăng tiếp:

– Thái-phi xuất thân danh giá. Bà không muốn trong phủ Trường-sa vương có một kỹ nữ. Nhất là mẹ Lưu Diễn, Lưu Tú sau sẽ lên kế nghiệp cha, kỹ nữ trở thành thái-phi. Cho nên, cho đến...

Hàn Tú Anh đầm đìa nước mắt:

– Một ngày kia chàng đi vắng. Thái-hậu bảo ta đến đền Thần Nông làm lễ cầu cho các con, vì chúng không được khỏe. Ta vâng lời lên xe cùng vệ sĩ đi. Không ngờ đến ven rừng chúng đánh xe đưa ta vào một khe suối định giết.

Tất cả mọi người chưa biết truyện đều kêu lên:

– Úi cha!

– Ối trời!

– Ái chà!

– Ta khóc lóc hỏi tại sao? Họ nói rằng: Giữa họ với ta không thù, không oán. Gan họ có to bằng trời, cũng không giám vô phép với một thứ phi của vương-gia, chứ đừng nói là giết chết. Chẳng qua họ tuân lệnh thái-phi mà thôi. Giữa lúc chúng sắp ra tay, thì một võ tướng đang đi săn xuất hiện. Chỉ mấy hiệp, ông giết chết bọn võ sĩ, cứu ta, hỏi tên họ, quê quán ta ở đâu để đưa ta về. Ta thố lộ thân thế. Ông nghe truyện, kinh hoảng nói: Thế thì vương-phi không thể trở về vương-phủ nữa. Tôi cũng không tiếp tục làm quan được nữa. Thôi, tôi đành từ quan, rời nơi hang cọp nầy.

Trần Năng đã biết sơ câu truyện. Nàng hỏi:

– Dường như ông tướng đó họ Nghiêm tên Kim Bằng. Người Quế-lâm. Lĩnh chức Phấn-uy tướng quân thì phải?

Hàn Tú Anh gật đầu:

– Hùng phu nhân! Ngươi đã biết truyện ta rồi ư? Có phải Nghiêm Sơn kể cho ngươi nghe không?

Trần Năng đáp:

– Tâu thái-hậu! Tôi trẻ người, đâu đáng để cho Nghiêm vương thuật cho nghe câu truyện thâm cung bí sử của triều Hán? Vương thuật cho sư phụ tôi nghe. Sư phụ tôi tức là thúc phụ người.

Vương Hồng hỏi:

– Thế Nghiêm tướng quân cũng vì sắc đẹp của thái-hậu, mà bỏ chức tước trở về điền dã?

Hàn Tú Anh lắc đầu:

– Không! Ông là chính nhân hiệp sĩ, vì võ đạo, hy sinh cứu ta. Nghiêm đại hiệp có đứa con trai, cùng tuổi với Lưu Tú. Nhỏ hơn Lưu Tú mấy tháng. Tên là Nghiêm Sơn.

Nghiêm Sơn giúp Quang-Vũ khởi nghiệp. Danh vang thiên hạ. Ai cũng nghe danh. Song nguồn gốc xuất thân của chàng rất bí mật. Có người bảo chàng là em cùng mẹ khác cha với Quang-Vũ. Có người bảo chàng là anh em con cô cậu với Quang-Vũ. Cũng có người bảo chàng là người Việt, không phải người Hán. Bây giờ mới thấy, lời đồn đó đều có căn nguyên.

Hàn Tú Anh lại tiếp:

– Nghiêm phu nhân bị cảm, mất sữa. Ta vì không cho Lưu Tú bú, sữa căng không chịu được. Ta xin Nghiêm đại hiệp cho ta được nuôi Nghiêm Sơn. Ta theo Nghiêm đại hiệp về Quế-lâm ẩn thân. Đợi sau này, con ta lên ngôi vương, ta sẽ tìm, để mẫu tử trùng phùng… Còn truyện sau này thế nào công-chúa biết cả rồi.

Diễm tình của Cảnh-Thủy hoàng-đế với Chu Mẫu Đơn. Hận tình của Trường-sa vương với Hàn Tú Anh, trước sau do ba người thuật lại. Đầu tiên, Trần Tự Sơn thuật với Khất đại-phu. Vương chỉ nhấn mạnh vào điều: Vương là người Việt, liên hệ với Quang-Vũ vì nhũ mẫu Hàn Tú Anh. Lần thứ nhì vương thuật tại điện Vị-ương cho Quang-Vũ nghe. Vương nhấn mạnh vào mối oan khiên của Hàn Tú Anh phải chịu. Hàn Tú Anh thuật lại, dưới con mắt của một nòi tình.

Tăng giả Nan Đà an ủi thái-hậu:

– Trường-sa vương vì ham mê sắc đẹp của thân mẫu Chu Mẫu Đơn, mà hại cả nhà nàng tan nát. Đời con là Cảnh-Thủy hoàng-đế lại bị Xích Mi giết chết, vì say mê sắc đẹp của hoàng hậu Chu Mẫu Đơn. Đúng là tiền oan nghiệp chướng.

Công-chúa thở dài:

– Xích Mi thực là người tàn ác, bất nghĩa. Không hiểu sao khi đại quân đánh chiếm Trường-sa, giết Xích Mi rồi, không giết tuyệt cả nhà y, mà giam vợ y trong thành làm gì. Vương tướng quân! Ngươi là Đô-sát của Trường-sa, ngươi chắc biết sự thật?

Vương Hồng đáp:

– Niên hiệu Kiến-vũ nguyên niên (25 sau Tây lịch), Quang-Vũ lên ngôi đánh đuổi Xích Mi. Hắn rút về Trường-sa. Năm sau Nghiêm Sơn sai Đặng Vũ đem quân đánh Xích Mi ở hồ Động-đình, chiếm Trường-sa. Y rút về Linh-lăng. Niên hiệu Kiến-vũ thứ 3 (27 sau Tây lịch), Nghiêm Sơn đích thân mang Đặng Vũ, Phùng Dị đánh Linh-lăng. Xích Mi chết trong quân. Đặng Vũ giết hết ba họ của Phan Sùng. Có một số tỳ nữ không bị giết. Vì họ là tỳ nữ từ thời tiên-đế, rồi trải qua thời Vương Mãng, Xích Mi cũng vẫn bị giữ lại. Đặng Vũ thương tình tha cho họ về quê làm ăn, Đặng cầm tù hơn mười tỳ nữ, thuộc loại tin cẩn của hắn mà thôi. Chánh phi của Xích Mi bị điệu ra chém cùng một lúc với hơn ngàn người. Có đâu còn sống đến ngày hôm nay.

Ông quay lại hỏi Phan Anh:

– Chúng ta hiện không còn là mệnh quan của nhà Hán. Ngươi núp ở đây nghe ta bàn truyện Lĩnh Nam, hẳn đã biết rồi. Những thù oán giữa Xích Mi với Cảnh-Thủy hoàng-đế, với triều Đông-hán, chúng ta không cần biết. Vậy ngươi có thể kể cho ta nghe, tại sao mẫu thân ngươi không bị giết. Hiện còn giam ở Trường-sa? Ngươi có nói thực, ta mới cứu được mẫu thân ngươi.

Phan Anh ngần ngừ muốn nói. Quận-chúa Lý Lan Anh nhìn Xích Anh rồi lại nhìn mọi người. Nàng nghĩ thầm:

– Ở đây đông người. Nhưng hầu như họ đều thù nghịch với triều Hán, ta phải làm sao giết vợ chồng Phan Anh, trả thù cha? Khúc-giang ngũ hiệp là sư phụ ta với công-chúa thực. Ngặt vì người là anh hùng Lĩnh Nam, đâu có chịu vì Kiến-Vũ thiên-tử mà ra tay? Các người hứa thả chúng, ta xin cũng vô ích. Mấy thiếu nữ Lĩnh Nam tại đây, đang cầm quân đánh Trường-sa. Tuy họ cứu thái-hậu thực. Song chẳng qua vì Lĩnh-nam vương Nghiêm Sơn chứ chẳng phải vì nhà Hán. Nhờ họ ra tay trừ ác, họ sẽ nói: Quang-Vũ còn ác hơn. Trường-sa tam-anh là Đô-úy, Đô-sát, tướng-quân của Trường-sa. Bây giờ họ đã theo Khúc-giang ngũ hiệp phản Hán phục Việt, hy vọng gì nhờ cậy họ bắt Xích Anh cho mình? Thôi, ta đành im lặng, đợi thoát khỏi nơi nầy rồi sẽ tính.

Nàng nói với Phan Anh:

– Ngươi sợ công-chúa với chúng ta giết mẫu thân ngươi, trả thù năm xưa ư? Ngươi đừng sợ, chúng ta có ba chị em, sáu người hộ vệ, võ công tầm thường làm sao địch lại ngươi? Ngươi không nói rõ mẫu thân ngươi làm cách nào thoát lưỡi kiếm của Đặng Vũ, không bị giết. Hiện bị giam giữ thì Hàn tướng quân làm sao cứu được?

Phan Anh hiểu ra. Y nói với Vương Hồng:

– Vương đại hiệp, tôi xin nói thực. Khi Trường-sa thất thủ. Tôi ẩn trốn trong dân gian. Còn mẫu thân tôi được một người tỳ nữ, mặc quần áo hoàng hậu của người, thế thân. Vì vậy Đặng Vũ tưởng thị là mẫu thân tôi, giết đi. Thực mẫu thân tôi vẫn còn sống. Bị cầm tù bấy lâu nay.

Vương Hồng làm Đô-sát. So với ngày nay là chức vụ coi về Công-an, cảnh sát. Ông lại là người tinh tế cẩn thận. Bao nhiêu tù tại Trường-sa đều biết mặt. Trong lao xá tuy có giam mấy người cung nữ của Xích Mi để lại. Ông đã phóng thích hết từ lâu. Chỉ còn một người duy nhất bị câm. Y thị không thân thích, xin được ở lại. Ông thương tình, để thị coi việc nấu ăn cho tù nhân. Vì nàng câm, người ta gọi nàng là Á nương.

Ông nghĩ thầm:

– Á nương không thể nào là mẹ Phan Anh. Phan Anh năm nay đã ba mươi tuổi rồi. Còn Á nương, tuổi không quá bốn mươi. Như vậy chắc có điều gì gian dối đây. Đã vậy ta cứ giả vờ, rồi dò manh mối sau.

Ông nói với Phan Anh:

– Ta đã hứa với ngươi, thì phải thực hiện. Sáng mai ngươi theo ta về Trường-sa mà đón mẫu thân.

Hàn Tú Anh hỏi Trần Năng:

– Hùng phu nhân! Phu nhân vì nghĩa tử của tôi là Nghiêm Sơn, cứu tôi, tôi xin đa tạ thâm tình đó. Nhưng… nhưng con tôi là Kiến-Vũ thiên tử. Nó được anh hùng Lĩnh Nam trợ giúp đánh Thục. Nó trở mặt với các vị, các vị cũng trở mặt với nó. Tình thế thành thù nghịch. Phu nhân hãy nói thực. Phu nhân cứu tôi là vì Nghiêm Sơn hay vì Quang-Vũ?

Phật Nguyệt đáp thay Trần Năng:

– Hàn thái-hậu! Người hiểu lầm chúng tôi rồi. Cách nay mấy hôm, chính tôi đi thám thính Trường-sa mới biết âm mưu của Mã thái-hậu. Mã thái-hậu sai Trương Linh mang mật chỉ cho cháu là Mã Anh giết người. Vô tình chúng tôi biết truyện. Giữa đường thấy người hoạn nạn, ra tay. Chứ chúng tôi không hề vì Quang-Vũ hay vì Nghiêm đại ca. Ý thái-hậu nghĩ rằng, chúng tôi sẽ làm khó dễ thái-hậu, trả thù Quang-Vũ ư? Thái-hậu hiểu lầm chúng tôi rồi. Nếu chúng tôi muốn hại thái-hậu, thì chúng tôi đã để Phan Anh giết thái-hậu. Việc gì phải ra tay. Thái-hậu là mẹ Quang-Vũ, là nhũ mẫu Nghiêm đại-ca. Nhưng với việc Quang-Vũ phản chúng tôi, cả hai không liên hệ gì với nhau.

Công-chúa Vĩnh Hòa hỏi Trưng Nhị:

– Tôi là công-chúa, hai sư muội của tôi là quận-chúa nhà Đại-hán, được lĩnh Thượng-phương bảo kiếm trong tay. Chúng tôi hiện là kẻ thù của các vị, vậy các vị đối xử chúng tôi ra sao đây?

Trưng Nhị phất tay, ôn tồn nói:

– Công chúa là đệ tử của Khúc-giang ngũ-hiệp thì thuộc vai em của Trần đại ca, vai cháu của Khất đại-phu. So vai vế, chúng ta ngang nhau. Vậy chúng ta cùng con một nhà. Chúng tôi không coi công-chúa là kẻ thù đâu.

Nàng nói với Hàn Tú Anh:

– Bá mẫu, chúng cháu đây là hào kiệt Lĩnh Nam. Cùng Trần huynh kết nghĩa, tiếng là bằng hữu, nhưng tình thâm còn hơn cốt nhục. Bá mẫu được Trần-công, thân phụ Trần đại-ca cứu mạng một lần. Bá mẫu chắc là rõ tâm tính người Lĩnh Nam. Khi Trần-công biết bá mẫu bị Trường-sa vương-phi chủ mưu hạ sát. Người hiểu việc cứu bá mẫu sẽ kết thù oán với vương-phi. Nếu người ham muốn công danh phú quí hơn võ đạo, đã giết bá mẫu để phi tang. Thế mà Trần công lập tức từ bỏ quan chức, đẫn bá mẫu về Quế-lâm lánh nạn. Bấy giờ bá mẫu đương tuổi hai mươi, đẹp như một vị thiên tiên. Phàm người đàn ông nào cũng thế, thấy nữ sắc, dù chết cũng phải chiếm cho bằng được. Như Xích Mi chẳng hạn, thấy chánh thê hoàng-đế Cảnh-Thủy diễm lệ, tú nhã, y đành giết nghĩa huynh, làm phản, đoạt giai nhân. Thế mà trước bá mẫu, ở tuổi hai mươi, đẹp như vậy. Trần-công bỏ quan chức, dẫn bá mẫu đi trốn, không vì sắc đẹp mà vì võ đạo, vì đạo lý Lĩnh Nam. Trong thời gian ở với Trần-gia, trên dưới kính trọng bá mẫu, không một ai giám bờm xơm. Người Lĩnh Nam có câu Cha nào con ấy. Rau nào sâu ấy. Đời Trần-công thế nào, đời chúng cháu cũng thế.

Trần Năng tiếp lời:

– Trần-công vì võ đạo, đạo lý mà giúp bá mẫu. Huống hồ chúng cháu ngày nay đang kéo cờ đại nghĩa, phục hồi Lĩnh Nam, càng phải trọng đạo lý. Trần đại ca đối với chúng cháu không hề phân biệt Vương gia với thôn nữ. Vì vậy chúng cháu xả thân giúp Đại-ca đánh Thục. Sau chỉ vì Mã Thái-hậu muốn che dấu Quang-Vũ truyện bà cùng Trường-sa Thái phi giết bá mẫu, quyết hại Trần đại-ca. Vật cùng tất phản, uốn hóa quá cong. Chúng cháu vì sự nghiệp Lĩnh Nam mà chống Hán. Chứ chúng cháu không hề thù oán Quang-Vũ.

Hàn Tú Anh cất tiếng ôn nhu nói với Trưng Nhị:

– Trưng cô nương! Tôi biết cô nương phi thường bậc nhất đất Lĩnh Nam. Trong lần mang quân từ Lĩnh Nam sang đánh Thục. Nghiêm Sơn về thăm tôi. Y nói rất nhiều về cô nương. Y bảo rằng: Người Hán trọng nam khinh nữ, do vậy Trung nguyên không sản xuất được nữ lưu tài giỏi. Đất Lĩnh Nam thì nam cũng như nữ, nên nữ lưu anh hùng rất nhiều. Sau lần đánh Thục, y sẽ ban lệnh cho đất Lĩnh Nam trọng vọng nữ lưu. Y hỏi: Tại sao không có nữ huyện-úy, nữ huyện-lệnh, nữ thái-thú? Y là người thông đại, mới cử cô nương với Phương Dung, Vĩnh Hoa làm quân sư. Nhưng… nhưng…

Bà nghẹn ngào, giọt lệ ứa ra nói:

– Y chỉ vì trọng nghĩa, nghe lời tôi, đem thân đi cứu tiên-đế, tuy cứu không xong. Nhưng cũng mang được thi thể táng ở chỗ này. Y xả thân cứu Lưu Diễn, Lưu Tú, rồi kết nghĩa cùng Lưu Tú, một tay dựng lên nghiệp cho Lưu Tú thành Quang-Vũ. Chúng nó vừa là anh em nuôi vừa là anh em kết nghĩa. Khổ thay Quang-Vũ không biết chúng là anh em nuôi. Quang-Vũ không biết có tôi ở trên đời nầy. Nên mới ra cớ sự. Dù sao anh hùng Lĩnh Nam đã chống Quang-Vũ. Lĩnh Nam người tài như rừng, như biển, chắc chắn giang sơn Đại-hán khó bảo toàn. Cô nương! Cô nương bảo tôi phải làm sao để vẹn toàn cho cả hai đứa con của tôi?

Trưng Nhị thở dài:

– Bây giờ, chỉ có một đường cuối cùng: Bá mẫu đi Trường-an. Chúng tôi bảo vệ bá-mẫu khỏi bị Mã thái-hậu hại. Tôi giúp Quang-Vũ mẫu tử trùng phùng. Bá mẫu đứng giữa khuyên Quang-Vũ hoà hoãn với Nghiêm đại ca, trả Lĩnh Nam cho người Việt. Nếu Quang-Vũ thuận, hàng năm chúng tôi chịu tiến cống xưng thần. Bằng Quang-Vũ không thuận. Chúng tôi quyết đập tan cơ nghiệp nhà Hán, dựng lên một triều đại mới, yếu hèn, không còn uy lực đánh Lĩnh Nam nữa.

Tiếng Trưng Nhị trong trẻo, vẻ mặt cương quyết, hùng khí tỏa ra như trăm ngàn đội quân gươm giáo đang sát phạt. Hàn Tú Anh từng trải việc đời. Bà biết Trưng Nhị nói thực. Nàng nói được là làm được. Phút chốc, bà cảm thấy mối nguy sắp xảy ra cho Quang-Vũ. Nhược bằng bà không về Lạc-dương khuyên can Quang-Vũ, thì giữa Lĩnh Nam với Trung-nguyên sẽ có chiến tranh. Quang-Vũ tuy có nhiều văn thần võ tướng theo phò, mà phiá sau còn Mã thái-hậu, với đồ đảng, lúc nào cũng chỉ muốn hại. Thêm vào đó, Thục với mấy chục vạn binh hùng. Sự an nguy của xã tắc một sớm một chiều sẽ đến. Đến như Tăng Giả Nan Đà, một người có tâm Bồ Đề, thoát khỏi cảnh tham, sân, si. Vượt ra ngoài vòng sinh tử, mà cũng không lên tiếng ngăn cản Trưng Nhị được một câu.

Khúc-giang ngũ-hiệp, Trường-sa tam-anh nghe Trưng Nhị nói, hùng khí bốc dậy, họ nghĩ: Từ xưa đến giờ phàm người Lĩnh Nam, khi nghe đến thiên tử Trung-nguyên, là nghĩ đến thần phục. Lần đầu tiên họ nghe một cô gái Lĩnh Nam, đưa ra lời nói hùng tráng đe dọa hoàng-đế Trung-nguyên. Lời đe dọa đanh thép, hợp lý.

Công chúa Vĩnh Hòa tiếp:

– Trưng cô nương! Xin cô nương bớt khắt khe với Kiến Vũ thiên-tử. Vì thiên-tử không biết rõ thân phận mình với Lĩnh-nam vương mà ra. Chúng tôi với Khúc-giang ngũ-hiệp là chỗ thâm tình thầy trò. Tôi với hai quận-chúa xin hết sức mình, đứng làm trung gian phía Hán. Khúc-giang ngũ-hiệp, trung gian phía Lĩnh Nam. Chúng ta mau đi Lạc-dương thuyết phục thiên-tử. Không biết ý cô nương như thế nào?

Trưng Nhị thấy đối phương xuống nước. Nàng gật đầu:

– Được! Song tôi không phải hoàng-đế Lĩnh Nam. Cần có sự đồng ý của anh hùng Lĩnh Nam mới quyết định được truyện đó. Bây giờ xin mời tất cả quí vị ghé bản dinh quân Thục. Chúng tôi cử người hộ tống Hàn thái-hậu, công-chúa và hai quận-chúa đi Lạc-dương. Không chừng giờ này chúng tôi đã chiếm Trường-an, bao vây Lạc-dương rồi cũng nên. Đất Lĩnh Nam chúng tôi, mới chỉ mang theo một số anh hùng, chứ chưa xuất phát hết. Tại đây chúng tôi có: Sư-bá Lại Thế Cường lớn nhất rồi tới sư thúc Trần Năng, sau đến tôi, Hồ Đề, Lê Chân, Phật Nguyệt. Sáu chúng tôi, chỉ mấy ngày đánh chiếm phân nửa Ích-châu. Chiếm trọn Kinh-châu. Nếu mai này ngọn cờ chỉ xuống phía Nam, thì Nam-hải, Tượng-quận, Quế-lâm chỉ cần mấy ngày lập lại cố quốc. Quang-Vũ tưởng giết Trần Tự Sơn là anh hùng Lĩnh Nam như rắn mất đầu. Y lầm quá. Y giam Trần Tự Sơn, mà chỉ mấy ngày giang sơn đã nghiêng ngửa. Dù sau này có giết hết những người sang Trung-nguyên, thì còn những người ở quê nhà, sẽ phất cờ đòi lại đất cũ. Nào, mời thái-hậu, công-chúa, quận-chúa tới dinh Thục, chúng ta đi Trường-an.

Hàn Tú Anh biết Trưng Nhị tuy nói rằng mời nhưng kỳ thực ra cầm chân bà với công chúa ở dinh Thục. Song tình thế khiến bà không thuận cũng không được.

Quận-chúa Lý Lan Anh chỉ Trương Linh:

– Tên nầy là Việt kị hiệu úy Trương Linh. Y phản Hán, bất tuân lệnh Thượng-phương bảo kiếm, chúng tôi giết y, chắc Trưng cô nương không cấm cản?

Tăng Giả Nan Đà chắp tay hướng Lý Lan Anh xá một xá:

– Lý quận-chúa! Xin quận-chúa từ bi hỷ xả tha mạng cho Việt kị hiệu-úy. Trương tướng quân chẳng qua tuân chỉ của Mã thái-hậu mà thôi. Việc Mã Thái-hậu đối xử tàn tệ với Hàn thái-hậu, là oan nghiệp từ kiếp trước. Nếu bây giờ công chúa giết Trương tướng-quân, nghiệp chướng không trừ được. Oán hận càng chồng chất.

Hàn Tú Anh hỏi:

– Đại-sư! Xin Đại-sư giảng cho chúng tôi biết thế nào là Nghiệp chướng. Vì thú thực với Đại-sư, ngày hôm nay duyên may đưa nay, tôi mới được biết đạo Phật lần đầu. Những lời nói cao xa của Đại-sư, tôi hoàn toàn không hiểu.

Tăng Giả Nan Đà đáp:

– A Di Đà Phật! Thiện tai, thiện tai! Hàn thí-chủ, chữ Nghiệp tôi dịch từ tiếng Phạn Karma mà ra. Có thể dịch là Nhân quả nữa. Thuyết này hơi giống thuyết Định mệnh của Nho gia. Con người ở kiếp này do Thiện và Ác rạo ra từ kiếp trước. Trong kiếp trước, mình thường làm những việc lành bằng chính bản thân mình, bằng lời nói hay bằng ý tưởng thì cái Nghiệp đời nầy được cái Nhân đời trước theo giúp mình, ấy là Thiện Nghiệp. Nhược bằng đời trước mình làm những chuyện ác độc bằng thân, ngữ, ý, thì đời nay cái Nghiệp theo sát để trả mình bằng những tai vạ, khổ sở đây là Tội nghiệp. Do nghiệp xấu hay tốt mà chúng sinh được vào trong sáu cõi Tiên, Thần, Người, Ngạ quỉ, Súc sinh đó là Biệt Nghiệp.

Trần Năng ngắt lời Tăng Giả Nan Đà:

– Thưa sư phụ! Còn nếu như một số người cùng chung nhau làm ác sẽ thành Cộng nghiệp ác hoặc làm lành sẽ thành Cộng nghiệp thiện có đúng thế không?

Tăng Giả Nan Đà gật đầu:

– Đúng vậy, Hùng phu nhân nghe ít mà giác ngộ thực nhiều.

Hàn Tú Anh hỏi:

– Không biết kiếp trước, tiên-đế nhà Đại-hán đã làm những gì, mà nay con cháu phải chịu nhiều tai nạn như vậy?

Hồ Đề cười:

– Hàn thái-hậu hỏi câu đó thực phải. Tôi không nói gì xa xôi. Chỉ ngay việc Cao Tổ nhà Hán dựng nghiệp do tam kiệt: Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín. Ngoài ra còn không biết bao nhiêu tướng sĩ xả thân giúp cho thành đại nghiệp. Sau khi đại nghiệp thành rồi, bản thân họ bị giết đã đành. Gia đình, họ hàng nhà họ cũng bất toàn nữa. Ác nghiệp nảy sinh từ đó mà ra.

Tăng Giả Nan Đà chắp tay:

– A Di Đà Phật! Thiện tai! Thiện tai!

Trưng Nhị tiếp lời Hồ Đề:

– Như thái-hậu thấy: Nhờ tam kiệt mà Cao Tổ thành đại nghiệp. Khi thành đại nghiệp Cao Tổ đối xử với tam-kiệt ra sao? Quan Thái-sử lệnh nhà Hán, Tư-mã Thiên chép: Trương Lương dĩ khứ, Tiêu Hà dĩ ngục, Hàn Tín dĩ trảm. Nghĩa là Trương Lương phải bỏ đi tu để thoát thân. Tiêu Hà bị giam vào ngục. Còn Hàn Tín bị giết cả ba họ. Đau đớn không? Tư-mã Thiên phê bình Hàn Tín: Hán đắc thiên hạ đại để do Tín vi công. Nghĩa là nhà Hán được thiên-hạ đều do công Hàn Tín. Cái ác nghiệp Cao Tổ nhà Hán gây ra từ đó chứ đâu?

Lý Lan Anh suy nghĩ một lúc, hỏi:

– Đại sư! Đại-sư nói về Luân hồi. Vậy có thể nào những người thời Cao Tổ lại đầu thai làm người đời nay không?

Tăng Giả Nan Đà gật đầu:

– Hẳn là thế! Bần tăng không thuộc Hán sử, không rõ cho lắm.

Trưng Nhị tiếp:

– Quận-chúa cứ tưởng tượng xem. Xưa Cao Tổ nhà Hán kết nghĩa với Sở Bá Vương, rồi bức Bá Vương tự tử ở Ô-giang. Thế thì có thể Xích Mi xưa kia là Hạng Vương đầu thai, giết Cảnh-Thủy hoàng-đế cùng Ngụy-công, Tấn công. Có thể Trần đại-ca kiếp trước là Cao Tổ. Quang-Vũ là Hàn Tín. Xưa Cao Tổ được Hàn Tín khuông phò, thành đại nghiệp rồi giết cả ba họ Tín. Thì nay một tay Trần đại-ca xây dựng đại nghiệp cho Quang-Vũ, rồi Quang-Vũ bị bắt giam.

Trần Năng nghĩ một lúc rồi tiếp:

– Còn truyện Thích Cơ nữa. Lúc sinh tiền, Cao Tổ sủng ái Thích Cơ, muốn nhường ngôi cho con Thích Cơ là Triệu-vương Như Ý. Sau Trương Lương bày mưa cho thái-tử, được Cao Tổ truyền ngôi cho. Khi Cao Tổ băng hà rồi. Lã Thái-hậu bắt Thích Cơ khoét mắt, cắt lưỡi, gọt đầu, cắt gân chân tay, bỏ vào chuồng lợn. Bà đánh thuốc độc chết Triệu-vương Như Ý. Biết đâu Lã thái-hậu chẳng đầu thai làm Hàn thái-hậu. Thích Cơ chẳng đầu thai làm Mã thái hậu đòi nợ xưa.

Mặt trời đã lên cao. Trưng Nhị nói với Trường-sa tam-anh:

– Phiền ba vị trở về Trường-sa. Nắm lấy quân sĩ, bắt sống Mã Anh, tôi đem quân Thục đến tiếp viện với các vị. Cần nhất tránh đổ máu, giữ nguyên chủ lực quân sĩ. Vì chúng ta còn tiến đánh Linh-lăng.

Hàn Bạch nói:

– Trưng cô nương! Đô-úy của Linh-lăng là Hàn Đức, em ruột tôi. Chỉ cần một bức thư, Linh-lăng sẽ đổi chủ. Để tôi viết thư ngay.

Hồ Đề hú lên một tiếng, đoàn Thần-hổ, Thần-báo cùng đứng dậy. Nàng vẫy tay, các Hổ tướng, Báo tướng, cầm gươm chỉ huy rút quân.

Trưng Nhị rời Vương-sơn. Công-tôn Thiệu nghe nàng trở về vội ra đón. Trưng Nhị vào trướng, tường thuật sơ qua các chi tiết rồi nói:

– Trường-sa, Linh-lăng coi như xong. Công-tôn vương-gia, bây giờ chúng ta tạm để Hàn Bạch trấn thủ Trường-sa, Hàn Đức trấn thủ Linh-lăng. Còn Vương Hồng, Chu Thanh đi các huyện an dân, cắt cử người của mình vào chức vụ mới. Chiếm quận Kinh-châu xong, việc cần thiết nhất là vương-gia phải đi an dân các mặt, chỉnh đốn quân mã. Bởi quân mã đều là quân Hán đầu hàng. Không cẩn thận, đại quân Hán từ Lạc-dương kéo tới chúng phản lại thì nguy tai. Sau khi chỉnh đốn, chúng ta tiến lên Nam-dương, Uất-lâm đánh về Lạc-dương. Trường-sa, Linh-lăng của Lĩnh Nam, tôi xin mượn binh Thục giúp đỡ.

Sáng hôm sau Trưng Nhị thăng trướng. Các tướng sĩ tề tựu đông đủ. Nàng ra lệnh:

– Trấn-đông tướng-quân Vũ Chu dẫn ba vạn quân đi tiên phong, có sư muội Hồ Đề, sư thúc Trần Năng trợ giúp tiến vào tiếp thu Trường-sa. Mang theo Phan Anh, Trần Nghi Gia.

– Đô-đốc Phạm Sư dẫn năm vạn quân đi sau, có sư bá Lại Thế Cường, sư tỷ Lê Chân trợ giúp, đóng ở phía Đông.

– Đại quân sẽ đi sau, đóng ở phía Bắc.

Ba quân rộn rịp lên đường. Đây là lần ra quân đầu tiên của Lĩnh Nam sau khi được giải phóng. Đoàn tiên phong gần tới, trong thành khói bốc lên đen nghịt. Quân reo dậy đất.

Vũ Chu nhiều kinh nghiệm chiến trường. Y nói với Trần Năng.

– Hùng phu nhân, theo Trưng quân-sư, thì Tượng-quận tam-anh vào trong thành bắt Mã Anh, hạ cờ Hán xuống. Mà sao lại có tiếng quân reo, lửa cháy? Tôi nghi có biến bất lợi. Xin phu-nhân định liệu.

Hồ Đề bàn:

– Bất kể biến cố gì. Nếu cửa mở, ta cứ tiến thẳng vào thành. Còn cửa đóng, ta bao vây. Đợi đại quân đến, sẽ định liệu sau.

Hồ Đề gọi Hoàng Hổ, Hắc Hổ lại dặn nhỏ mấy câu. Nàng gọi người giữ đội Thần-ưng trinh sát, thả chim ưng lên trời. Thần-ưng vỗ cánh bay bổng về hướng Trường Sa. Tới thành Trường-sa, bay lượn trên trời, nhào lên bổ xuống mấy lần. Hồ Đề quan sát một lúc nói:

– Trong thành Trường-sa có biến. Quân sĩ đôi bên đang đánh nhau tại cửa Đông và Nam. Cửa Bắc không có quân phục.Vũ Chu dẫn quân đến cửa Bắc, quả nhiên không thấy quân sĩ trên vọng lầu. Hồ Đề lên tiếng gọi, trong thành không đáp lại. Vũ Chu cho dừng quân, nghe ngóng.

Hồ Đề bàn:

– Tôi cho voi phá cổng thành xem sao?

Nàng cho voi tiến lên trước. Lấy ngọn giáo cho vòi cuốn lại. Nàng hú lên một tiếng, vòi voi phóng ra, chiếc giáo cắm ngập vào cửa thành. Cứ như thế một lúc, trên mười ngọn giáo xuyên trên cánh cửa. Nàng tuyền quân sĩ cột giây vào từng ngọn giáo, rồi cho voi kéo. Ầm một tiếng, cửa thành vỡ tung. Hồ Đề reo lên. Nàng xua đoàn Thần-hổ vào trước, đoàn Thần-báo vào sau. Vũ Chu truyền quân tiếp ứng.

Vũ Chu tiến về phía cửa Đông, quả nhiên quân sĩ ở đây dàn ra hai bên đánh nhau. Tượng-quận tam-anh, đấu quyết liệt với ba tướng Hán. Võ công chúng không thua gì ba ông. Trần Năng tinh mắt, nàng nhận được Hàn Bạch đánh với Đức Hiệp, Vương Hồng đánh với Hoàng Đức, Chu Thanh đánh với Hàn Thái Tuế. Chúng là đệ tử đắc ý của Lê Đạo Sinh. Quân sĩ chia làm hai, hỗn chiến.

Trần Năng nói với Vũ Chu:

– Ba vị kia là Tượng-quận tam-anh. Phe chúng ta. Còn tên kia là Mã Anh. Chúng ta hãy giúp Tượng-quận tam-anh.

Vũ Chu lệnh quân sĩ đánh bọc phía trái. Hồ Đề cho đội Thần-hổ bọc phía phải. Đội Thần-báo bọc phía sau.

Vũ Chu quát lớn:

– Hai bên dừng tay!

Tượng-quận tam-anh nhảy lùi lại. Lệnh quân sĩ ngưng chiến.

Vũ Chu chỉ Mã Anh nói:

– Quân của ngươi đã bị bao vây tứ phía, đầu hàng đi là tốt, bằng không, ta hô một tiếng, đội Thần-hổ, Thần-báo xông vào ăn thịt các ngươi ngay.

Mã Anh chỉ Vũ Chu nói:

– Bọn Thục chúng bây thực hèn hạ. Dựa vào đám Lĩnh Nam đánh với ta. Ta vì tin người, bị Tượng-quận tam-anh đâm sau lưng.

Trần Năng chỉ Đức Hiệp nói:

– Đức Hiệp, Hoàng Đức, Hàn Thái Tuế, các sư đệ đi đâu đây?

Từ trước giờ, ba người này coi Trần Năng chỉ ngang hàng với Tường Quy dù nàng là đệ tử của Trần Đại Sinh. Họ cho rằng, nàng mới nhập môn, công lực không được là bao. Họ vung tay, cũng đủ hạ nàng. Đức Hiệp hỏi:

– Sư tỷ! Sư bá đâu? Tại sao sư tỷ lại ở đây?

Trần Năng cười:

– Sư phụ ta như tiên ông, nay đây mai đó, chữa bệnh cho người. Lão nhân gia không có ở đây. Còn ta ư? Ta chiếm Trường-sa. Trường-sa là đất Lĩnh Nam mà!

Đức Hiệp lại hỏi:

– Sư tỷ, ngươi đang cùng Lĩnh-nam vương đánh Thục, phù Hán, sao bây giờ lại phản Hán phù Thục vậy?

Trần Năng cười:

– Có gì mà không hiểu. Trước kia chúng ta giúp Hán, với mục đích đòi lại Lĩnh Nam. Bây giờ Hán nuốt lời, muốn đô hộ Lĩnh Nam muôn thủa. Thì chúng ta chống Hán. Ta mượn binh Thục chiếm lại đất tổ!

Đức Hiệp cười:

– Thì ra các ngươi đã phản Hán. Ta nói cho các ngươi biết. Kiến-Vũ Thiên-tử mới xuống chiếu hợp các quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận thành Quảng-châu. Sư phụ ta được phong làm Thứ-sử Quảng-châu, tước Uy-viễn đình-hầu. Ta được phong làm Thái-thú Quế-lâm, sư đệ Vũ Nhật Thăng được phong Đô-úy giúp ta. Sư đệ Hoàng Đức được phong Thái-thú Nam-hải, sư đệ Ngô Tiến Huy làm Đô-úy Nam-hải. Sư đệ Vũ Hỷ làm Thái-thú Tượng-quận, sư đệ Hàn Thái Tuế làm Đô-úy Tượng quận. Chúng ta trên đường nhận chức, ghé thăm Thái-thú Mã Anh. Vừa gặp bọn tam-anh làm phản, chúng ta ra tay tiểu trừ.

Vũ Chu không nói không rằng, phóng chưởng đánh Đức Hiệp. Đức Hiệp vung chưởng đỡ. Bùng một tiếng. Cả Đức Hiệp lẫn Vũ Chu đều lui trở lại hai bước. Đức Hiệp tự thị võ công mình cao nhất Lĩnh Nam, chỉ thua có sư phụ, sư bá và Đào Kỳ. Bây giờ, lần đầu tiên y mới gặp đối thủ.

Còn Vũ Chu, y là cao thủ của phái Thiên-sơn. Võ công y còn cao hơn cả Công-tôn Thiệu, lần trước y thua Phật Nguyệt vì kiếm pháp của nàng ảo diệu, chứ không phục về công lực. Bây giờ đấu với Đức Hiệp, y mới biết ngoài gầm trời nầy, còn có gầm trời khác.

Trần Năng nói:

– Đức Hiệp, đáng lý ra, ngươi với ta cùng môn hộ, ta phải bênh vực ngươi. Nhưng ngươi đi theo bọn Hán, tàn hại dân Lĩnh Nam. Vì vậy ta đứng ngoài mặc ngươi với Vũ tướng quân tranh tài cao thấp.

Mã Anh nói:

– Ngoại trừ Tượng-quận tam-anh ra, nếu có người nào thắng được ba vị Thái-thú Đức Hiệp, Hoàng Đức và Hàn Thái Tuế, ta xin đầu hàng.

Hồ Đề vỗ tay nói:

– Được, ở đây ta có ba người: Vũ tướng quân, ta với Trần sư-tỷ. Chúng ta sẵn sàng đấu với ngươi. Nào trận thứ nhất, ta đấu với ai đây?

Trần Năng, Vũ Chu đều biết Hồ Đề không phải đối thủ của bất cứ ngoài nào trong bọn Đức Hiệp. Trước đây Hồ Đềà giám cả gan đấu với Công-tôn Thiệu. Nàng dùng Thần-ưng, Thần-xà, Thần-phong mà thắng đối thủ. Bây giờ thấy nàng thách đấu với bọn Đức Hiệp, thì biết nàng có mưu kế gì chắc thắng, mới ra tay. Hai người không ngăn cản.

Đức Hiệp đề phòng trước nói:

– Điều kiện tiên quyết, không được dùng người khác trợ chiến, dù bằng lời nói, hay ám khí.

Hồ Đề nói:

– Được, nếu ta dùng người khác trợ chiến, coi như thua.

Nói rồi nàng cầm roi da vùng lên quất vào mặt Đức Hiệp. Y không né tránh, giơ tay bắt roi. Roi da của Hồ Đề có đến 50 sợi, mỗi sợi có một cái móc câu bằng thép. Đức Hiệp đưa tay bắt, định giật mạnh đoạt roi. Hồ Đề buông tay. Cây roi bật mạnh cuốn lấy người y. Một đám phấn trắng từ cán roi tung bay mù mịt. Đức Hiệp không đề phòng, khi khám phá ra điều bất hảo đã trễ. Y hít phải phấn trắng, người say say. Mắt đau nhức, chịu không được, y đưa tay dụi mắt, càng thấy đau nhức hơn. Y còn đang luống cuống, Hồ Đề giật lấy roi, quất vào người. Hoàng Đức thấy sư huynh lâm nguy, phóng chưởng cứu.

Trần Năng đứng sau Hồ Đề. Nàng thấy Hoàng Đức lâm chiến. Vội vận khí đẩy ra một chưởng, đánh vào lưng y, cứu Hồ Đề.

Hoàng Đức thu chưởng về, đỡ chưởng của Trần Năng, nàng nhảy lui lại nói:

– Sư đệ! Trận thứ nhất Đức Hiệp thua rồi. Vì ngươi nhảy vào trợ chiến.

Hồ Đề cười nói với Đức Hiệp:

– Vừa rồi ngươi tưởng ta phóng chất độc! Đâu có, đó chẳng qua là một chút phấn bột pha hồ tiêu. Ngươi bị trúng phấn hồ tiêu. Chẳng có gì nguy hiểm cả. Ha, ha, ngươi mắc mưu ta rồi.

Đức Hiệp bị mắc mưu Hồ Đề không chối cãi được. Y đành lùi lại.

Hoàng Đức bước ra nói:

– Không biết vị nào sẽ đấu với ta?

Trần Năng nói:

– Sư đệ! Ta đấu với ngươi.

Hoàng Đức cười:

– Sư tỷ! Ngươi không phải là đối thủ của ta đâu.

Trần Năng không nói, không rằng, phóng chưởng đánh liền. Hoàng Đức thấy chưởng lực của nàng hùng mạnh vô cùng, kinh ngạc, vung chưởng đỡ. Hai chưởng chạm vào nhau, cùng là chiêu Ác ngưu nan độ, Trần Năng thì đứng nguyên. Thái độ ung dung nhàn nhã. Còn Hoàng Đức bật lui lại hai bước. Mặt y tái nhợt. Y thấy rõ nội công của Trần Năng, bên trong dường như bao hàm một thứ âm nhu kỳ lạ, hóa giải công lực của y mất tăm mất tích.

Y tự hỏi:

– Con nhỏ nầy mới được sư bá thu làm đệ tử. Trong đại hội hồ Tây, công lực của y thị không hơn gì Tường Quy, Minh Châu, Chu Quang. Thế mà mới hơn một năm. Công lực thị đã đến mức ngang với ta là tại sao? Nội công của thị rõ ràng là nội công Tản-viên, mà sao lại có sức hóa giải công lực của ta? Ta nghe sư phụ nói: Sư bá với Đào Kỳ chế ra một thứ nội công mới. Cương nhu hợp nhất. Sư bá dùng nội công đó, thắng sư phụ trong đại hội Hồ Tây. Không lẽ con nhỏ nầy được sư bá dốc túi truyền cho? Dù sư bá có dốc túi truyền, cũng phải luyện tập hàng chục năm mới kết quả. Chứ có đâu mau như vậy?

Từ khi Trần Năng được nghe kinh Lăng-già, Bát-nhã của Tăng Giả Nan Đà, nàng phối hợp Thiền của nhà Phật vào với nội công, công lực của nàng đã biến đổi thành một thứ nội công mới. Mấy hôm nay nàng chú tâm luyện lại. Dần dần đến trình độ tùy tâm xử dụng. Chiêu vừa rôi phát ra, giống như chiêu nàng đã đánh thắng vợ chồng Phan Anh. Vì vậy Hoàng Đức làm sao hiểu nổi?

Hoàng Đức đoán già: Trước đây Trần Đại Sinh thắng sư phụ y là Lê Đại Sinh bằng một thứ nội công kỳ lạ, chắc Trần Năng xử dụng thứ nội công đó. Cho rằng công lực Trần Năng không được là bao, y phát chiêu Thanh ngưu ư hà chụp xuống đầu nàng. Trần Năng cũng phát chiêu Thanh ngưu ư hà đỡ. Lần nay nàng áp dụng Vô tướng, không tâm. Bình. Chưởng của Hoàng Đức dính liền vào chưởng của nàng. Hoàng Đức thấy chưởng lực của mình tuôn ra bao nhiêu, mất hết bấy nhiêu. Y kinh hãi, muốn thu trở về, nhưng không sao gỡ ra được nữa. Y nghiến răng dồn chân khí ra, càng dồn ra càng mất tích.

Đức Hiệp đứng ngoài thấy sư đệ lâm nguy. Vung chưởng tấn công vào lưng Trần Năng. Trần Năng ung dung vung tay trái đỡ. Bộp môt tiếng, Đức Hiệp cảm thấy chân khí chạy nhộn nhạo, lồng ngực như muốn nổ tung. Y bật lùi đến ba bước mới ngừng lại được.

Y suy nghĩ thực kỹ rồi mới ra hiệu cho Hàn Thái Tuế, hai người cùng vung chưởng tấn công một lúc. Trần Năng khoanh tay trái một cái, chưởng lực phát thành vòng tròn, cắt ngang chưởng lực hai người. Thế là chưởng của nàng dính vào chưởng của Đức Hiệp và Hàn Thái Tuế.

Vũ Chu đứng ngoài kinh sợ đến ngẩn người ra. Vì trước đây y đã đấu chưởng với Trần Năng. Nàng chỉ chịu được hai chưởng của y muốn mất mạng. Thế mà nay, chưởng lực y ngang với Đức Hiệp. Tại sao Trần Năng có thể ung dung đấu với cả ba người. Y tự hỏi: Có phải ngày nọ Trần Năng nhường y hay không? Nếu không tại sao hôm đó nàng chịu lui bước. Mà hôm nay một mình đấu với ba cao thủ, cao thủ nào công lực cũng ngang với y. Hai bên đấu nội lực với nhau được một lúc, bọn Đức Hiệp choáng váng mặt mày, ngã ngồi xuống đất.

Trần Năng thu chưởng về nói:

– Các sư đệ đi đi thôi. Ta không muốn gà nhà bôi mặt đá nhau.

Bọn Đức Hiệp quay lại. Mã Anh đã biến đâu mất. Còn quân Hán thì đầu hàng. Quân Thục chiếm thành rồi.

Trần Năng chỉ ba con ngựa nói:

– Các sư đệ, lên ngựa đi đi thôi.

Hoàng Đức ra roi cho ngựa chạy. Y ngoái cổ lại hỏi:

– Sư tỷ, võ công ngươi thắng chúng ta đâu có phải là võ công của Tản-viên?

Trần Năng cười:

– Đúng thì cũng đúng, mà sai thì cũng sai.

Trưng Nhị đến trách Trần Năng:

– Sư-thúc, ngươi thả ba tên đó ra, sau nay chúng ta tiến về Lĩnh Nam sẽ gặp khó khăn không ít.

Trần Năng nói:

– Sư phụ dặn: Bất cứ giá nào, cũng đừng giết người đồng môn, đừng để cho người ngoài giết người đồng môn trước mặt mình. Bản lĩnh ta đã vượt xa bọn chúng. Bắt chúng lúc nào mà chả được.

Chiều hôm đó có tin Đô-úy Linh-lăng Hàn Đức, bắt giam thái-thú, làm chủ Linh-lăng. Các huyện thuộc Linh-lăng đều đầu hàng. Thế là chín quận Kinh-châu bình định xong.

Tiếp thu Trường-sa, Hàn Bạch ra lệnh thả tất cả tù nhân. Ông bảo Phan Anh:

– Đây, ta mở cửa thả hết tù nhân. Vậy ai là mẫu thân ngươi, ngươi đón về.

Vợ chồng Phan Anh đứng trước cổng lao xá, chờ đến người cuối cùng ra khỏi. Y vẫn không tìm thấy mẹ.

Hàn Bạch nhớ một điều bảo quân hầu:

– Ngươi dẫn Á Nương ra đây cho ta.

Quân hầu dẫn Á Nương ra. Phan Anh trông thấy Á Nương thì gọi lớn:

– Tiểu Lan, ngươi đấy ư?

Á Nương bay lâu nay câm, bây giờ mới lên tiếng:

– Thái-tử, người vẫn còn sống ư?

Hai người ôm lấy nhau mà khóc. Phan Anh hỏi:

– Mẫu thân ta đâu?

Tiểu Lan nói:

– Hoàng-hậu được cung nữ giả trang chịu chết thay. Người bị giam trong tù mấy tháng, lâm bệnh mà thác. Nô tỳ đem xác chôn ở cửa Bắc. Thái tử muốn viếng mộ, tiểu tỳ xin dẫn đường.

Phan Anh hỏi Hàn Bạch:

– Hàn đại hiệp, tuy người này không phải mẫu thân của tôi, nhưng là tỳ nữ thân tín của nhà tôi. Y thị rất trung thành, giả câm bấy lâu. Mong đại hiệp cho tôi lĩnh y thị đi.

Hàn Bạch gật đầu. Phan Anh cùng Tiểu Lan, và vợ lên ngựa ra đi.

Trưng Nhị ghé tai Hồ Đề nói nhỏ mấy câu. Hồ Đề gật đầu, bước ra khỏi trướng.

Tối hôm đó, cơm xong. Hồ Đề nói nhỏ với Trưng Nhị:

– Chúng hiện đang ở hồ Động-đình, giữa hòn đảo nhỏ.

Trưng Nhị gọi Trần Năng, Phật Nguyệt, Hồ Đề, Lê Chân cùng lên ngựa ra đi. Nàng nói dối Công-tôn Thiệu rằng:

– Nhân khi vừa thắng Hán. Chị em chúng tôi ngao du phong cảnh, ngắm hoa dưới trăng. Vương-gia đừng bận tâm, chậm lắm sáng mai chúng tôi trở về.

Tuy làm việc với nhau không lâu. Công-tôn Thiệu cũng biết mấy thiếu nữ Lĩnh Nam võ công cao cường, mưu lược kinh nhân, mà tính tình nhu nhã, thích cảnh đẹp. Huống chi hồ Động-đình là nơi phát tích ra hai vị Quốc-mẫu Lĩnh Nam. Giữa mùa xuân, trăm hoa đua nở, họ kéo nhau ngoạn cảnh cũng là sự thường.

Ra khỏi thành Trường-sa, Lê Chân hỏi:

– Trưng sư tỷ, chúng ta đi bắt Phan Anh phải không?

Trưng Nhị gật đầu:

– Người ta bảo Đông-triều nữ hiệp tính tình bề ngoài như bộc trực, mà sự thực bề trong thâm như biển quả đúng. Sao sư muội biết chúng ta đi bắt Phan Anh?

Lê Chân cười:

– Gì mà không biết. Ngay khi Phan Anh trả lời Khúc-giang ngũ-hiệp em đã thấy chỗ sơ hở lớn của y. Y nói rằng mẫu thân bị giam ở thành Trường-sa. Võ công y đâu có tầm thường, tại sao không vào nhà ngục cứu mẹ ra? Mẹ của Phan Anh tức vợ Xích Mi. Y thị là hoàng-hậu, chúng nhân ai cũng biết. Khi đánh Trường-sa, quân Hán bắt được thị, mà thị có thể cải trang cho kẻ khác chết thay là một điều vô lý. Thứ ba nữa vì cứu mẹ, y để ra mấy năm lên núi Vương-sơn rình mò bắt Hàn Tú Anh đổi lấy mẹ càng vô lý. Vụ án Hàn Tú Anh mới vỡ gần đây. Thực sự chỉ có đại ca Tự Sơn, Khất đại-phu Trần Năng biết. Làm sao y hay mà rình mò? Chính ngay Mã thái-hậu cũng chỉ nghi ngờ Tú Anh còn sống, chứ đâu có biết gì về bà? Thế rồi khi gặp Tiểu Lan, mắt hai người lộ vẻ xảo trá.

Hồ Đề giật mình hỏi:

– Lê sư tỷ biết rất rõ sao không nói ra? Để nguyên vậy, lỡ Phan Anh mưu đồ việc gì lớn bên trong thì sao?

Lê Chân hứ lên một tiếng:

– Bên cạnh chúng ta có Trưng Nhị, thâm cơ, viễn lự, việc gì chúng ta phải lo lắng làm chi. Khi Phan Anh và Tiểu Lan đi, Trưng sư tỷ chả đưa mắt cho Hồ sư tỷ. Sư tỷ hiểu ý sai Thần-ưng theo chúng là gì? Bây giờ Thần-ưng đã biết chỗ ẩn của vợ chồng Phan Anh, chúng ta cứ việc đến nơi dò xét, bắt được chúng chứ có khó gì đâu? Điều quan hệ là chúng ta cần điều tra xem Phan Anh rình rập ở lăng Trường-sa vương với mục đích gì? Y Cho Tiểu Lan nằm vùng ở lao xá Trường-sa làm gì?

Trưng Nhị dặn:

– Trong khi đấu chưởng với Phan Anh cũng như Tiểu Lan phải cẩn thận, chưởng của chúng là độc chưởng. Hôm trước Trần sư-thúc trúng độc chưởng Phan Anh, may nhờ vị Phật-gia Tăng Giả Nan Đà giúp đỡ mới trục được chất độc ra.

Trần Năng tiếp:

– Vị Phật-gia nầy thực từ bi, hỷ xả. Ông không trực tiếp dạy, mà chỉ đọc kinh giữa thinh không. Ai có duyên phước thì lĩnh hội được.

Phật Nguyệt gật đầu:

– Đúng đó. Như hôm đầu, trên hồ Động-đình, em có duyên hiểu được một vài khía cạnh của Thiền, áp dụng vào việc luyện kiếm. Kiếm pháp Long-biên là một kiếm pháp vô song. Nhưng có một khuyết điểm, khi xử dụng kiếm, trên một trăm chiêu trở đi, đầu óc mệt mỏi. Do vậy kém linh hoạt. Tăng Giả Nan Đà giảng cho em nghe về Tiền Duyên rồi dạy em cách trấn nhiếp tinh thần. Bây giờ em có thể xử dụng đến nghìn chiêu, đầu óc minh mẫn như thường.

Trưng Nhị đáp:

– Hôm trước ở lăng Trường-sa Định-vương. Ngài đọc lại những gì đã giảng cho chúng ta, toàn là đoạn đầu kinh Lăng-già, một đoạn kinh Bát Nhã. Tôi cũng học một thứ võ công, nội công với Trần sư-thúc. Mà chỉ Trần sư-thúc lĩnh hội được, áp dụng vào nội công, biến thành một thứ nội công khác hẳn. Nội công Tản-viên thiên về cương mãnh, đầy sát thủ ghê gớm. Bây giờ nội công của sư thúc biến thành một thứ nội công nhu hòa, chỉ hóa giải công lực đối phương mà thôi. Công lực sư thúc bây giờ đâu có thua gì Thái sư-thúc nữa?

Phật Nguyệt hỏi:

– Em nghe ở vùng Liêu-đông Trung-nguyên có một phái võ. Họ luyện công, chuyên để làm tiêu công lực người khác. Họ bị võ lâm Trung Nguyên thù ghét vô cùng. Không ngờ Tăng Giả Nan Đà cũng biết thứ đó.

Trần Năng lắc đầu:

– Không giống nhau chút nào cả. Nội công phái Liêu Đông dùng độc chất, làm tiêu công lực đối phương. Dù đối phương không tấn công mình. Còn nội công của Tăng Giả Nan Đà chỉ làm tiêu tan, hóa giải những gì đối thủ tấn công mình mà thôi. Nếu đối thủ không tấn công mình thì không sao. Như Phan Anh dùng độc chưởng đánh tôi, tôi vận công, đẩy ra ngoài, chứ không hại y.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương