Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 18: Bây giờ nàng đã nghe ai Gặp anh ghé nón chạm vai chẳng chào

Khất đại-phu nói:

– Tên Trần Lữ kia có nội công Âm-nhu giống hệt nội công của phái Long-biên. Nhưng y lại dùng năm thứ nọc độc là: nọc rắn, nọc rết, nọc bò-cạp, nọc nhện-độc, nọc tằm-núi hợp lại với phân chim quạ và ma-hoàng. Năm loại độc này khi trộn với phân chim quạ, sẽ giữ nguyên độc chất trong người. Thêm ma-hoàng để độc chất dễ nhập vào da người ta. Trong năm thứ nọc độc, mỗi thứ nhập vào một tạng trong người. Nọc Rắn nhập Tâm, nọc Rết nhập Phế, nọc Bò-cạp nhập Can, nọc Nhện nhập Tỳ, nọc Tằm nhập Thận. Vì vậy không có cách gì cứu chữa được.

Chu Bá hỏi:

– Sư phụ! Tại sao nội công phái Trường-bạch lại giống nội công phái Long-biên. Hai bên ở cách nhau hàng mấy vạn dặm?

Khất đại-phu thở dài:

– Tất cả cùng một nguồn gốc mà ra. Nguyên khi Vạn-tín hầu Lý Thân cầm đầu anh hùng Lĩnh Nam sang đấu trước sân rồng Tần Thủy-Hoàng, trong đó có chín người đệ tử của ngài. Ngài ra lệnh khởi diễn cuộc đấu, ngày đầu chỉ lấy hòa. Thỉnh thoảng mới tấn công để đối phương trổ hết sở trường ra. Rồi tối về, thầy trò tóm tắt tất cả chiêu thức của họ lại, tìm lấy một yếu quyết võ công, đưa ra thế phá. Sau hơn 15 ngày đấu, thầy trò Vạn-tín hầu tìm ra khắp Trung-nguyên chỉ có 18 nguyên tắc võ học. Hầu hết đều thiên về Dương-cương. Một lần nữa ngài tìm ra thứ nội công Âm-nhu, phá nội công Dương-cương của Trung-nguyên. Nội công Âm-nhu này chỉ cần luyện một năm, có thể phá người luyện nội công Dương-cương đã tập đến 5 năm. Ngài đem nội công ra dậy cho tất cả 9 người. Sau khi đánh Hung-nô, xây Vạn-lý trường-thành xong, ngài cùng đệ tử trở về Âu-lạc. Tần Thủy-Hoàng giữ nhị đệ-tử của ngài là Trần Mạnh-Chi lại, lĩnh chức Nội-giám hiệu-úy thống lĩnh cấm quân, Trần Mạnh-Chi được phong hầu, lấy vợ Trung-nguyên, sinh con đẻ cái ở vùng Trường-bạch, lập môn phái dạy học trò. Đời thứ năm thì đổi khác. Phan Huy được sư phụ sai đi tiểu trừ một bọn dùng thuốc độc giết người, vô ý bị chúng bắt. Chúng dùng nọc độc để tra khảo y phải khai ra bí quyết võ công. Y vận công chống độc. Nội công y cao, y lại thông minh, nên dù bị kẻ thù dùng thứ tự năm thứ nọc độc, y chống được cả. Cuối cùng kẻ thù lấy phân chim bắt ăn, để phân chim cùng độc chất hành hạ y. Y vận công chống lại đến nổi mê man. Kẻ thù sợ y chết, nấu Ma-hoàng đổ vào cho y uống. Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh, y vẫn vận công chống độc. Hai hôm sau y tỉnh dậy trong đêm, thấy người khỏe mạnh như thường, nội lực tăng tiến. Y vận công phá gông cùm, tìm giết kẻ thù. Khi y vận chưởng giết kẻ thù thấy mùi tanh hôi bốc ra, kẻ trúng chưởng bị đau đớn khủng khiếp, rồi mới chết. Y trở về phúc trình sư phụ. Sư phụ khuyên y bỏ lối luyện độc chưởng. Y không nghe cứ bí mật luyện. Cho đến một hôm bị sư phụ bắt được, đuổi y ra khỏi sư môn. Phan Sùng tức Xích-My là hậu duệ của y vậy.

Đào Kỳ ngồi im bây giờ mới xen vào:

– Cùng gốc ở Vạn-tín hầu, tại sao phái Trường-bạch, Long-biên rồi Tản-viên, rồi Cửu-chân lại khác nhau?

Khất đại-phu thở dài:

– Tiểu hữu hỏi câu này thực phải. Nguyên khi rời Trung-nguyên về Âu-lạc. Vạn-tín hầu chế ra nội công Âm-nhu, Trần Mạnh-Chi học được nội công này, vì vậy nội công Âm-nhu phái Trường-bạch giống nội công phái Long-biên.

Ngừng một lúc ông tiếp:

– Khi về đến Âu Lạc ông tập trung hết các chiêu thức ngoại công như quyền, chưởng của các phái Trung-nguyên. Ngài dậy đệ tử là Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung. Vì bấy giờ Vũ Bảo-Trung lĩnh chức Tư-mã của Âu Lạc thống lĩnh quân đội. Người thống lĩnh quân đội cần học võ công phá võ công Trung-nguyên để đánh giặc ngoại xâm. Muốn xử dụng những võ công phá võ công Trung-nguyên đó, phải học nội công Dương-cương. Do vậy Vạn-tín hầu chế nội công Dương-cương khắc chế nội công Trung-nguyên cho phù hợp với chiêu thức khắc chế võ công Trung-nguyên. Con cháu, đệ tử Trung-tín hầu sau lập ra phái Cửu-chân. Phái Cửu-chân thường đỉnh lập, tránh đụng chạm với người Việt, mà chỉ chú ý đến chống ngoại xâm. Vì vậy đời đời được anh hùng Lĩnh Nam kính trọng.

Chu Bá gật đầu tỏ vẻ hiểu biết:

– Sư phụ! Thì ra là vậy. Trước đây con lấy làm lạ rằng võ công Cửu-chân song kiệt không hơn chúng con làm bao. Nhưng Đinh-hầu, Đào-hầu được chúng nhân tôn phục, kính trọng tuyệt đối. Hơn hẳn nhạc phụ con là Lục-trúc tiên sinh. Chính vì uy đức yêu nước chống giặc?

Khất đại-phu gật đầu:

– Đúng thế! Đất Lĩnh Nam mình, người ít, đất rộng. Bên cạnh Trung-nguyên người đông, đất hẹp. Họ luôn muốn chiếm đất mình, vì vậy người Lĩnh Nam đặt võ đạo chống ngoại xâm lên hàng đầu. Ai chống ngoại xâm được kính trọng... Để ta tiếp, Vạn-tín hầu dạy con cháu nội công Âm-nhu, kiếm pháp thần thông. Con cháu người lập ra phái Long-biên. Vì vậy nội công Long-biên với Trường-bạch giống nhau. Tuy nhiên người tập võ công Cửu-chân muốn luyện võ công Long-biên cũng dễ dàng, vì cùng một nguồn gốc. Do đó Đào tiểu hữu gặp sư huynh, Nguyễn Phan được sư huynh dạy Long-biên kiếm pháp, mà chỉ mấy ngày luyện xong. Còn cháu Phương-Dung lấy chồng rồi, luyện võ công Cửu-chân cũng thành công là thế.

Việc Đào Kỳ học kiếm pháp của Nguyễn Phan dạy lại cho Phương-Dung ai cũng biết. Còn chuyện Phương-Dung được chồng dạy võ công Cửu-chân thì không ai biết. Nay nghe Khất đại-phu nói, mọi người ngơ ngác nhìn nàng. Phương-Dung xấu hổ hỏi:

– Tiên sinh, sao tiên sinh biết cháu luyện võ công phái Cửu-chân?

Khất đại-phu cười:

– Gì mà ta không hiểu! Nội công của cháu thuần Âm-nhu. Khi đối chưởng với Dương-cương bao giờ cũng lùi lại một bước hóa giải kình lực đối phương. Nhưng mấy lần cháu xuất thủ ngoài trận tuyến. Ta thấy cháu vận Dương-cương chống kình lực đối thủ, không chịu lùi bước. Rồi sau đó đổi ra Âm-nhu, xuất kiếm chiêu, thì ta biết cháu tập võ công Dương-cương của Cửu-chân.

Đô Dương gật đầu bái phục:

– Tiên sinh quả đúng là một tiên ông như người đời gọi. Tiên sinh chỉ liếc mắt, mà đã biết rõ nguyên ủy mọi việc. Thưa tiên sinh, cháu còn một chuyện thắc mắc, là bộ Văn-Lang võ học kỳ thư, rõ ràng do phò mã Sơn Tinh chép ra, tức gốc của võ công Văn-lang, tại sao trong đó lại có lẫn võ công của Vạn-tín hầu?

Khất đại-phu nhìn Đào Kỳ nói:

– Điều này Đào tiểu hữu biết rõ hơn ta. Nguyên khi An Dương vương đánh nhau với Hùng-vương, phò mã Sơn Tinh đấu với Vạn-tín hầu. Sơn Tinh dùng võ công Tản-viên, Dương cương, lấy căn bản là Phục Ngưu thần chưởng. Còn Vạn-tín hầu dùng Long-biên kiếm pháp Âm-nhu mà thắng. Khi chiếm được Văn-Lang, Vạn-tín hầu cướp cây đồng côn tượng trưng uy quyền của Hùng vương, trong đó chép võ công Tản-viên, tức võ công Văn-Lang. Ngài đem ra nghiên cứu, thấy võ công Tản-viên đạt đến cao độ bậc nhất Dương cương. Ngài tiếc rẻ một pho kỳ thư võ học. Ngài ngồi ngẫm nghĩ chế ra 36 chiêu Âm nhu cùng tên với 36 chiêu Dương cương, nhưng nội công lại thuộc Âm nhu, cách vận sức, chiêu số hoàn toàn khác các chiêu kia. Ngài khắc thẻ đồng, bỏ chúng vào trong cây đồng côn. Cây đồng côn đó sau thuộc đại đệ tử của ngài là Trung-tín hầu. Trung-tín hầu tuẫn quốc. Cây gậy vẫn để ở đền thờ ngài. Đào tiểu hữu có cơ duyên khám phá ra, mà học được đủ cả 36 chiêu Phục Ngưu thần chưởng cả Cương lẫn Nhu.

Tiên-yên nữ-hiệp hỏi:

– Thúc-phụ, cháu thấy có điều kỳ lạ là cây côn đồng chứa 200 thẻ đồng bên trong. Vậy mà từ Trung-tín hầu đến Đào Kỳ xử dụng tại sao không có tiếng kêu lóc cóc. Đã có tiếng kêu thì người cầm cây côn phải khám phá ra chứ.

Đào Kỳ trả lời:

– Khi cháu xử dụng cây côn đồng đấu với Vũ Hỷ, đã thấy hơi khác lạ. Cháu dùng kiếm gõ vào thấy lạch cạch. Lúc thợ rèn cho gậy vào lửa đốt, mối hàn ở đầu gậy chảy ra. Nắp gậy lộ khe hở. cháu dùng dao cạy, thì thấy bên trong ngoài 200 thẻ đồng, còn chứa đầy cát. Chính cát đã làm cho gậy với thẻ đồng không gây tiếng động.

Chu Báthắc mắc:

– Trước nhạc phụ con là Lục-trúc tiên sinh chỉ biết có 12 chưởng trong 36 chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Cả 12 chiêu đều thuộc Dương-cương, không có chiêu nào thuộc Âm-nhu cả là tại sao?

Khất đại-phu đáp:

– Vạn-tín hầu chế ra nội công, chưởng pháp Phục-ngưu Âm-nhu, chứ ngài không xử dụng được chưởng pháp bằng Dương-cương. Vì ở đời làm gì có người vừa luyện được Âm-nhu lẫn Dương-cương một lúc bao giờ? Do đó bí lục Phục-ngưu thần chưởng Âm-nhu chỉ có Vạn-tín hầu biết. Còn Phục-ngưu thần chưởng Dương-cương chỉ có đệ tử Tản-viên biết xử dụng. Nhưng dần dà chưởng pháp bị mai một đi. Chưởng này, mỗi chiêu phát ra kình lực mạnh vô song. Đánh từng chiêu một, địch có thì giờ xen vào phản công. Nếu thuộc cả 36 chiêu, xử dụng như mây trôi, nước chảy, như thành đồng, vách sắt đối thủ không sao trở tay kịp. Thế rồi Đào tiểu hữu học nội công Dương-cương của Cửu-chân. Y có kỳ duyên tìm được bộ Văn-lang võ học kỳ thư, y không hiểu ất giáp gì cứ tự luyện lấy. Y luyện cả Dương-cương lẫn Âm-nhu. Khi y luyện sắp thành thì gặp ta. Ta đem lý thuyết hòa hợp chân khí thảo luận với y. Y tìm cách hợp hai thứ nội công lại không được. Trong lần thám thính Thái-hà trang, y đấu nội lực với Phong-châu song quái, giữa lúc nguy nan, y đâm liều vận sức cương-nhu cùng một lúc. Không ngờ thành công đánh Song-quái bị thương nặng.

Đào Kỳ nói:

– Khất đại-phu, hồi đầu cháu chỉ có thể phát chiêu hoặc Dương, hoặc Âm. Sau lần đó cháu có thể phát ra một lúc tay phải Dương tay trái Âm, hoặc ngược lại. Hiện cháu vẫn nghĩ rằng một ngày nào đó, hậu thế có người tài trí phát minh ra phương thức hòa hợp, đang giao chiến, thì dù bên tay phải hay trái phát chiêu khi Âm khi Dương. Như vậy có lúc cả hai bên đều Dương hoặc cả hai bên đều Âm, hoặc bên Âm bên Dương rồi thình lình đổi ngược lại.

Giao-Chi nghe các đại tôn sư võ học bàn luận võ công, nàng biết thân phận võ công mình kém nhất, nên chỉ ngồi nghe. Bây giờ mới xen vào:

– Thái sư-thúc, cháu có một thắc mắc mà cho đến nay không giải đáp được. Hồi đại hội Tây-hồ Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa còn là hai cô gái, võ công kém cháu và Hoàng sư tỷ xa. Thế rồi hơn hai năm nay, võ công hai người cao đến độ cháu không ngờ. Trong trận đánh Dương-bình quan, Võ-đô, Phùng sư-tỷ dùng hai người như là chiến tướng xung trận. Cháu thật không hiểu nổi.

Khất đại-phu cười:

– Cháu không hiểu là phải, từ trước đến giờ ta chỉ biết có 16 chưởng Phục-ngưu, dạy cho Quế, Quỳnh. Công lực chúng lại thua cháu xa, xử dụng Phục-ngưu thần chưởng làm sao phát huy được? Kịp đến khi Đào tiểu-hữu đây có lòng quảng đại đem tất cả bộ Văn-lang vũ học kỳ thư trao cho ta nghiên cứu. Ta dạy chúng nội công Dương-cương của Văn-lang rồi dạy chúng đủ 36 chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Trong 36 chiêu nếu chúng xử dụng rời rạc, khi đấu với cháu, chỉ vài chưởng là cháu đã thắng chúng. Nhưng chúng xử dụng đủ 36 chiêu. Chiêu nọ đối chiêu kia, thành một dây liên miên bất tuyệt, như thành đồng vách sắt, nên võ công đã trở thành huyền ảo vô song.

Phương-Dung hỏi:

– Trong trận đấu Tây-hồ, cháu thấy tiên sinh dùng một thứ nội công kỳ lạ không phải của Tản-viên, thắng Lục-trúc tiên sinh. Phải chăng là do tiên sinh chế ra?

Khất đại-phu ngoắc tay cười:

– Cháu thực thông minh. Nguyên ta hợp giữa y học và võ học. Ta thấy luyện nội công mãi thì khí tức vận ra tay. Nhưng nó lớn như một cái cột, sức không mạnh. Vậy tại sao ta không phát ra từng kinh lạc một, có phải mạnh hơn không? Sau bao nhiêu năm luyện tập. Ta biết vận khí vào từng kinh một. Ta nhận thấy rằng Đốc-mạch tổng hợp các kinh Dương. Nhâm-mạch tổng hợp các kinh Âm. Ta vận khí luân lưu theo Đốc mạch, rồi dồn tay một lúc, kình lực mạnh khủng khiếp. Ngược lại chân khí tụ vào Nhâm-mạch rồi vận ra bàn tay, thì hóa ra chân khí nhu hòa. Ta luyện thành công phương pháp này, nên trước đây bản lĩnh ta thua sư đệ rất xa. Mà hôm ở Tây-hồ, ta đánh y mất hết công lực là thế. Y dồn chân khí ra tay như một cây cột. Còn ta thu về Đốc-mạch rồi dồn sang các kinh Dương ở tay là: Thủ dương-minh Đại-trường kinh, Thủ thái-dương Tiểu-trường kinh, Thủ thiếu-dương Tam-tiêu kinh. Vì vậy dương kình ta với sư đệ ngang nhau. Ta biết vận khí vào đơn điền, đưa đến Nhâm-mạch, chuyển qua ba kinh Âm ở tay là Thủ thái-âm Phế kinh, Thủ thiếu-âm Tâm kinh, Thủ khuyết âm Tâm-bào kinh, kình lực thành nhu hòa. Khi sư đệ dồn chân khí Dương-cương sang ta, ta để các chân khí đổ vào các kinh dương, chuyển về Đốc-mạch đưa sang Nhâm-mạch. Bao nhiêu chân khí của sư đệ dồn vào người ta, ta hóa mạnh, còn sư đệ kiệt quệ là thế.

Chu Bá hỏi Đào Kỳ:

– Đào tam-lang, tôi nhớ một hôm ở Thái-hà trang. Một mình người đấu nội lực với Phong-châu song quái. Chỉ một lúc sau Song-quái đều bị kiệt lực, đó là ngươi dùng phương pháp của sư phụ tôi phải không?

Đào Kỳ gật đầu:

– Hôm đó tôi mới gặp tiên sinh, được người mang về chữa bệnh cho, rồi chúng tôi thảo luận về võ học, y học. Do đó tôi học được phương pháp này của người. Trong lúc đấu với Song-quái, nội lực của tôi chỉ có thể ngang với một quái, mà phải đấu với hai người. Vì thế trong lúc nguy cấp, tôi áp dụng liều, hú họa mà thắng. Do đó tôi phát huy được nội lực Âm-Dương một lúc.

Trương Minh-Đức lại hỏi:

– Đào đại-ca! Tôi nhớ có lần Tường-Quy kể rằng đại-ca dùng một chiêu trong Phục-ngưu thần chưởng là Ác ngưu nan độ nhưng không có một chút kình lực nào, đấu với đại sư-bá Đức-Hiệp, khiến người bị kiệt lực. Có phải đại-ca dùng chiêu Âm-nhu của Vạn-tín hầu không?

Đào Kỳ gật đầu:

– Đúng đó, tôi học được 36 chiêu Phục ngưu thần chưởng trong đồng côn. Nhưng tôi chỉ có thể vận khí ra tay phải Dương, tay trái Âm hoặc ngược lại. Khi giao đấu với Lục-trúc tiên sinh ngoài hải đảo để cứu thân phụ tôi. Tay trái tôi phát chưởng Âm-nhu, tay phải tôi phát chưởng Dương-cương. Vì vậy tôi thắng người chỉ có trong ba chiêu là thế. Chứ thực sự công lực tôi lúc bấy giờ kém người xa.

Đô Dương khâm phục:

– Đào hiền đệ, nếu một ngày nào đó, hiền đệ có thể tay phải đang phát chiêu Dương thình lình phát chiêu Âm. Ngược lại tay trái cũng thế, thì trên thế gian này không ai có thể là đối thủ của hiền đệ được nữa, có phải thế không?

Khất đại-phu thêm vào:

– Khó lắm! Khó lắm. Như khi tay trái đang vận khí Dương-cương, muốn chuyển qua Âm-nhu hay ngược lại, phải mất bốn tiếng đập tim, có khác gì đưa đầu cho đối phương cắt. Vì vậy chỉ có thể tay phải vận Dương-cương, tay trái vận Âm-nhu là đã cao lắm rồi. Chứ còn đang phát chiêu bên phải từ Dương sang Âm, bên trái từ bên Âm sang Dương muôn ngàn lần khó khăn. Khó khăn là đang từ Dương, từ Âm muốn đổi ngược lại phải hóa giải chân khí đã vận trong người đã. Làm sao mà hóa giải được

Trần Công-Minh hỏi:

– Như Huyền-âm độc chưởng của Trần Lữ đánh vào người sư muội đây, chân khí Âm-nhu, độc khí nằm ở tay. Vậy với nội công Dương-cương của Đào tam-lang có thể đẩy được độc chất của sư muội ra ngoài không?

Khất đại-phu lắc đầu:

– Ta đã nghĩ đến điều đó. Bây giờ ta dùng nội công Dương-cương đẩy vào Thủ-tam dương kinh của Tiên-yên, lập tức chất độc lại chạy sang Thủ-tam âm kinh và ngược lại. Vì ngươi nên biết trong lục kinh, Thủ-tam âm, Thủ-tam dương, mỗi kinh Âm, Dương đều có Lạc-mạch thông với nhau. Như Thủ thái-âm Phế kinh tại huyệt Liệt-khuyết có Lạc-mạch thông sang Thủ-dương minh Đại-trường kinh. Ngược lại Thủ-dương minh Đại-trường kinh tại huyệt Thiên-lịch có Lạc-mạch thông Thủ-thái âm Phế kinh.

Phương-Dung sáng mắt lên nói:

– Nếu như tiên sinh vận khí đẩy vào Thủ tam-dương, Đào tam-lang đẩy vào Thủ tam-âm, như vậy độc sẽ chạy ra khỏi người phải không?

Khất đại-phu lắc đầu:

– Không được, hoàn toàn không được?

Phương-Dung xịu mặt xuống hỏi:

– Thưa tiên sinh tại sao thế?

Khất đại-phu nói:

– Độc chất khi nhập vào tay, theo kinh mạch nhập tạng phủ. Nếu ta dùng chân khí thúc vào tạng phủ, độc đẩy ra được. Nhưng Tiên-yên sẽ bị nát tạng phủ ra mà chết. Muốn chữa bệnh này phải có cách gì, biến đám độc khí trở thành không trong người, mới khỏi bệnh.

Khất đại-phu móc trong bọc ra một hộp thuốc đưa cho Tiên-yên nữ-hiệp:

– Cháu hãy cầm hộp thuốc này mỗi ngày uống ba viên vào lúc sớm mai, ba viên vào lúc tối. Tuy không chữa được bệnh cho cháu, nhưng cháu cũng đủ sức chống bệnh, không đến nỗi bỏ mạng. Trong thời gian đó ta tìm bắt tên Trần Lữ kiếm thuốc giải cho cháu.

Tiên-yên nữ-hiệp cũng biết sơ về thuốc, bà hỏi:

– Thúc phụ, thuốc này tên là gì vậy?

Khất đại-phu cười:

– Thuốc không có tên, do ta chế ra. Nguyên vùng núi Tản-viên có nhiều muỗi. Muỗi đốt người lên cơn sốt rét cách nhật. Nguyên do vì muỗi hút chất độc ở cây cỏ trong rừng. Khi nó đốt người đầu tiên dùng vòi châm vào da, nhả chất độc vào người theo vòi, rồi mới hút máu. Chất độc đó vào máu chạy khắp cơ thể. Chất độc của muỗi và máu làm huyết bị hư hoại, chất độc theo máu vào Can, Tỳ, Tâm. Tâm bị chất độc vào, làm thành bệnh. Y kinh nói rằng: Tâm chủ thần chí. Khi tâm có chất độc, thần chí u mê. Tỳ bị chất độc vào, không hoạt động đều, do vậy công năng sinh huyết kém đi. Người hóa ra vàng vọt. Can bị chất độc thì sưng lớn. Vì vậy người bị muỗi đốt vào mới làm cho gan sưng lớn. Bụng họ thường chướng lên.

Ông nhìn Tiên-yên nữ hiệp nói:

– Ta dùng Hà-thủ-ô pha lẫn với Quế-chi, Phục-linh, Đào-nhân chế ra thứ thuốc này. Hiệu năng của Hà-thủ-ô là ích tủy, thiêm tinh, điều hòa lao huyết như vậy được coi là vị chính để trị bệnh hoại huyết do chất độc. Nó có khả năng chống độc ở Tâm, Tỳ, Can. Còn Phục-linh để bổ Tỳ, đẩy thấp ra ngoài. Đào-nhân an thần, ngủ được, bổ tâm-huyết. Còn Quế-chi thông dương, cũng là để chống độc chất.

Tiên-yên nữ hiệp bỏ ba viên thuốc vào miệng nuốt. Bà ngồi nhắm mắt vận khí, một lát thì sắc mặt bà hồng hào, hơi thở nhẹ nhàng. Bà nói:

– Thuốc của thúc-phụ thật là thần diệu.

Khất đại-phu nói:

– Ta cần phải bắt tên Trần Lữ, khảo nó, bắt khai ra phép luyện Huyền-âm thần chưởng, rồi nghiên cứu ra phương pháp khử độc hầu cứu những người khác trong thiên hạ. Phương-Chi, cháu ngồi im, nhắm mắt, buông thả kình lực. Để ta vận khí chuyển bớt chất độc ra ngoài cơ thể cháu. Có như vậy mới không nguy hiểm.

Tiên-yên nữ hiệp ngồi xếp chân nhắm mắt dưỡng thần.

Khất đại-phu bảo Đào Kỳ:

– Này bạn nhỏ, ngươi vận khí Âm-nhu về đơn-điền. Chuyển qua Nhâm-mạch, đưa lên Thượng-tiêu rồi phát ra ở Thủ-khuyết-âm Tâm-bào kinh, phát Lĩnh-nam chỉ tại huyệt Trung-xung cho ta xem thử?

Đào Kỳ nói:

– Thưa tiên sinh, hôm trước tiên-sinh phát minh ra Lĩnh-nam chỉ pháp đặt trên nguyên tắc: Một là vận khí ra Dương-kinh rồi chuyển chân khí vào Lạc-mạch, xuất chỉ ở tĩnh-huyệt Âm-kinh. Như chúng ta vẫn dẫn khí vào kinh Tam-tiêu, không xuất chỉ ở huyệt Quang-xung, mà lại phát ra ở huyệt Trung-xung. Hai là vận khí ra Dương-kinh rồi xuất chỉ ở tĩnh-huyệt của nó. Như vậy vận khí ở Thủ-dương minh Đại-trường kinh rồi xuất chỉ ở huyệt Thương-dương.

– Đúng! Vì vậy Lĩnh-nam chỉ là chỉ pháp Dương-cương. Ta không tập nội công Âm-nhu. Tiểu hữu đã tập rồi. Vậy tiểu hữu thử vận nội công Âm-nhu rồi chuyển qua Âm-kình phát chỉ xem sao.

Đào Kỳ ngồi ngay ngắn, vận khí cho lưu thông khắp vòng Tiểu chu-thiên. Lập tức trên đầu chàng có một làn khí trắng mờ mờ bốc lên. Chàng quy liễm chân khí vào đơn-điền, đưa lên Thượng-tiêu chuyển vào Tâm-bào rồi dẫn tới vai theo Thủ khuyết âm Tâm-bào kinh tới đầu ngón tay. Ngón tay chàng run lên mãnh liệt. Chàng đưa tay lên phát chỉ nhưng không kết quả.

Chàng lại vận khí một lần nữa, lần này tay rung động mãnh liệt, chàng chỉa ngón tay lên không, chỉ lực phát ra Xì một tiếng. Tiếp theo tiếng choang rất lớn. Khắp phòng phủ một luồng khí lạnh kinh người.

Thì ra Đào Kỳ ngồi gần bệ thờ. Lúc chàng phát chỉ, trúng phải bát hương bằng đồng, bát hương bật tung khỏi bàn thờ.

Phương-Dung đứng lên nhặt bát hương để lại chỗ cũ, thấy thủng một lỗ bằng đầu ngón tay.

Khất đại-phu vỗ tay reo:

– Thành công rồi! Từ nay ta đặt Dương-chỉ là Lĩnh-nam cương chỉ. Còn Âm-chỉ gọi là Lĩnh-nam huyền-âm chỉ. Bây giờ Đào tiểu hữu vận khí, dùng ngón tay ấn lên huyệt Dũng-tuyền dưới bàn chân Phương-Chi, vận Huyền-âm chỉ đẩy ngược trở lên.

Đào Kỳ tuân lời đứng trước mặt Tiên-yên nữ hiệp. Chàng quỳ xuống vận Huyền-âm chỉ đẩy vào huyệt Dũng-tuyền của bà. Lập tức người bà rung động mãnh liệt. Khói trắng bốc lên đỉnh đầu như một làn sương. Giữa lúc đó thì Khất đại-phu chĩa ngón tay trỏ phát ra Lĩnh-nam chỉ đến véo một cái vào huyệt Đại-trùy của bà. Người bà đang lạnh toát bỗng thấy nóng bừng lên. Hai huồng Âm, Dương chỉ của Đào Kỳ và Khất đại-phu dồn vào người bà, hòa hợp làm một. Khiến bà cảm thấy cái đau đớn của độc chưởng từ từ tiêu tan. Một lát sau, người bà toát ra mùi hôi tanh không thể tưởng tượng được.

Khất đại-phu hô lớn:

– Ngưng lại.

Đào Kỳ thu nội lực lại, Khất đại-phu giảng:

– Chúng ta dùng Âm, Dương chỉ, đẩy chất độc ra ngoài người Phương-Chi. Song chỉ tạm thời không nguy hiểm mà thôi.

Từ khi Mã Viện đi rồi, mọi người xoay quanh câu chuyện võ công khử độc, bây giờ Phương-Dung mới có dịp hỏi Trần Công-Minh:

– Sư bá! Tại sao sư bá và các vị sư huynh Ngũ-phương thần-kiếm lại đi chung với nhau? Giữa đường gặp Mã Viện trong trường hợp nào để xảy ra cớ sự.

Trần Công-Minh kể lại tất cả chi tiết xảy ra, từ khi Nghiêm Sơn đem quân đánh Thục, cho tới khi Trưng Trắc trở về Lĩnh Nam, cùng những biến chuyển xung quanh việc Hàn Tú-Anh.

Phương-Dung tuy thông minh, giỏi điều quân, nhưng những suy nghĩ sâu xa về quốc sự nàng thua xa Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nàng hỏi:

– Như vậy Trưng sư tỷ cùng các vị sư thúc, sư bá cùng quyết định rằng chúng ta phải làm bằng này việc. Thứ nhất cho Quang-Vũ biết mẹ đẻ là Hàn Tú-Anh. Hàn Tú-Anh là mẹ nuôi của Nghiêm đại-ca. Chính Nghiêm đại-ca đã nghe lời nhũ mẫu cứu Quang-Vũ. Thứ nhì cho Quang-Vũ biết vụ này, để gây cho trong triều Hán hai phe là phe Thái-hậu, phe Quang-Vũ xung đột nhau. Như vậy triều Hán sẽ yếu đi để Thục có thì giờ cũng cố các vùng mới chiếm. Thứ ba cứu bằng được Hàn Tú-Anh, đưa vào Lĩnh Nam làm con tin, khiến Quang-Vũ không dám xâm lăng Lĩnh Nam. Hầu chúng ta có thời giờ cũng cố binh lực, chia ba thiên hạ với Quang-Vũ. Thứ tư cứu Nghiêm đại-ca, đưa về làm Hoàng-đế, phục hồi thành một nước hùng mạnh, chịu điều kiện xưng thần với Quang-Vũ, như An-Dương vương đối với Tần Thủy Hoàng xưa kia. Còn nếu như Quang-Vũ cứ nhất định chiếm Lĩnh Nam. Chúng ta cùng Công-tôn Thuật đánh thẳng lên Lạc-dương.

Trần Công-Minh gật đầu:

– Sách lược thì như thế. Còn chi tiết thì Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, với cháu thực hiện.

Phương-Dung suy nghĩ rồi nói:

– Như vậy chúng ta phải làm ngay ngày mai mới kịp. Phải ra tay trước khi Mã thái-hậu tìm được Hàn Tú-Anh. Chúng ta cần có phái đoàn đột nhập hoàng-thành, nói cho Quang-Vũ biết mẹ mình đang bị Mã thái-hậu truy lùng. Y có thể ra lệnh cho các nơi không tuân mật chỉ của Mã thái-hậu. Trong khi đó chúng ta cùng tìm Hàn Tú-Anh. Cũng đêm nay chúng ta cứu Nghiêm đại-ca ra khỏi nhà tù. Nội trong một ngày phải làm xong, nếu không sáng ngày thứ ba quân của Hoàng sư tỷ và thái-tử Công-tôn Thuật tới Trường-an. Đạo của sư bá Cao Cảnh-Minh tới Thiên-thủy, thì hỏng mọi sự. Nhất là ngăn làm sao không cho Mã Viện yết kiến Quang-Vũ trước khi quân Thục tới Trường-an.

Tiên-yên nữ hiệp nói:

– Thế này: Cứu Nghiêm Sơn thì Phương-Dung, Khất đại-phu, Đô Dương, Chu Bá. Còn yết kiến Quang-Vũ thì Trần sư huynh, Ngũ phương thần kiếm, Đào Kỳ và tôi. Tuy nhiên cần đề phòng lỡ chúng ta bị bắt hết, còn có kẻ báo cho mọi người biết. Vậy Đặng sư đệ cùng với Cao sư huynh, Giao-Chi, Cảnh-Nham, Cảnh-Khê, Trương Minh-Đức ở đây đợi tin tức. Nếu sau một ngày không thấy chúng ta về, phải sai Thần-ưng mang thơ cho Hoàng Thiều-Hoa.

Mọi người tiếp tục đi ngủ. Sáng hôm sau vừa thức giấc, Giao-Chi đã kêu lớn lên:

– Lưu Thương, Phùng Dị với Trương Minh-Đức đâu rồi?

Từ lúc vào miếu Phương-Dung trói Phùng Dị, Lưu Thương vào gốc cây phía sau, giao cho Trương Minh-Đức canh gác. Bây giờ nghe Giao-Chi nói vậy. Nàng chạy ra phía sau thấy mất hai con ngựa. Dây trói Phùng, Lưu bị cắt đứt bỏ ở đó. Mọi người đổ ra tìm dấu vết chúng thấy xác Trương Minh-Đức bị bóp cổ chết, quẳng ở bụi cỏ, trên cổ còn có vết tím bầm.

Đô Dương thở dài:

– Chúng ta sơ ý, để hai tên đó cọ tay vào cây, làm đứt dây trói. Chúng thừa dịp bóp cổ Trương Minh-Đức. Ăn cắp ngựa chạy trốn. Chắc chúng chạy về Trường-an. Ngày mai là ngày chẵn, Quang-Vũ không thiết triều. Vậy chúng ta cần hành động gấp. Bởi ngày kia Quang-Vũ thiết triều, Phùng, Lưu sẽ tâu hết kế hoạch của chúng ta cho Quang-Vũ.

Cả đoàn vội vã lên ngựa hướng Trường-an tiến. Trời vừa sáng, cửa thành mở, mọi người vào trong. Đô Dương dẫn cả đoàn đến nhà một người thân, trong trang trại lớn phía Đông thành. Tới nơi Đô Dương lấy vải, vẽ bản đồ các cung trong thành Trường-an.

Tiên-yên nữ hiệp nói:

– Bây giờ chúng ta ăn rồi đi nghĩ. Đợi tối hãy hành động. Chu Bá, Đô Dương thông thuộc đường lối, cùng cung cách của cấm binh, sẽ cùng Phương-Dung, Khất đại-phu giả làm cấm quân. Tìm chỗ giam Nghiêm Sơn cứu y ra. Cần nhất đừng để lộ tung tích, tránh giao tranh. Bất đắc dĩ phải giao tranh, thì tìm cách chạy vào hoàng-cung.

Đặng Đường-Hoàn ngạc nhiên:

– Chạy vào cấm cung ư? Như vậy chẳng hóa ra nguy hiểm ư?

Phương-Dung đáp:

– Sư bá! Đúng đấy, khi lộ tung tích, chúng ta chạy vào hoàng-cung ẩn náu. Dễ gì chúng tìm ra? Chứ nếu cứ trên đường chạy, chúng sẽ đưa quân đuổi bắt. Dù có cánh cũng không thoát.

Tiên-yên nữ-hiệp tiếp:

– Trần sư huynh với tôi, Ngũ-phương thần-kiếm và Đào Kỳ lẻn vào cung. Giữa đêm yết kiến Quang-Vũ trình bày vụ Hàn Tú-Anh.

Giao-Chi bàn:

– Cháu là gái còn nhỏ tuổi, để cháu đi dọ thám tin tức trong thành Trường-an, chắc chúng không nghi ngờ gì. Biết đâu chẳng có biến chuyển gì chăng?

Tiên-yên nữ hiệp gật đầu:

– Được cháu đi, ta cho Đô Dương theo cháu để tiện giúp đỡ.

Giao-Chi lấy ngựa cùng Đô Dương đi.

Hai người cỡi ngựa dạo khắp thành Trường-an. Trường-an là kinh đô thời Cao-Tổ nhà Hán xây cất lên. Trải qua mười mấy đời vua, đến đời Vương Mãng cướp ngôi. Quang-Vũ đời đô về Lạc-dương. Tuy thành bị cơn binh lửa vừa qua, nhưng đã kiến thiết lại. Dân cư đông đúc, phồn thịnh. Hiện Quang-Vũ ở Trường-an. Y mang theo 20 vạn quân, đóng trong thành 10 vạn, còn 10 vạn đóng ở Hàm-dương, cố đô nhà Tần, cách Trương-an khoảng 40 dậm. Còn quân sĩ của Tần-vương, trấn thủ Trường-an, đóng ở Phù-phong, Vị-nam. Trong thành binh tướng đi lại rầm rập. Dân chúng vui vẻ. Bọn binh sĩ thấy Giao-Chi, Đô Dương mặc quần áo sang trọng, tư thái khác thường, cho rằng họ là một cặp vợ chồng quan tước không dám gây sự.

Đối với Giao-Chi, Trường-an là một thế giới mới lạ. Cái gì nàng cũng hỏi, cũng muốn xem, muốn mua. Trong khi đó Đô Dương tuổi đã trên 30, kinh nghiệm đời nhiều, nhất nhất Giao-Chi muốn gì chàng cũng chiều hết. Chàng làm Thái-thú Phù-phong một thời, vàng ngọc không thiếu gì. Đi đến chiều Giao-Chi đã mua sắm đủ thứ.

Bản tính phụ nữ bao giờ cũng thế, thích mua sắm tất cả những loại quần áo, lụa là khác lạ. Giao-Chi mua một lúc hơn 10 tấm lụa, gấm khác nhau. Nàng là đệ tử Sài-sơn, khéo tay. Nàng định may mấy bộ quần áo gửi về biếu bố mẹ. Nàng thân với Phùng Vĩnh-Hoa, Phương-Dung, Thiều-Hoa và Trưng Nhị. Nàng muốn may cho mỗi người mấy bộ nữa. Đô Dương thấy nàng mua nhiều lụa, thản nhiên như không. Chàng chỉ biết đi theo trả tiền, chất lên ngựa. Giao-Chi xuất thân là con gái yêu của lạc-hầu, tiền rừng bạc biển đã quen. Nàng tiêu tiền không cần tính toán.

Đang đi tự nhiên Giao-Chi hỏi:

– Đô đại-ca này, đại-ca làm tới Thái-thú, tước phong hầu, tại sao đại-ca không lấy vợ đi?

Đô Dương thủng thẳng trả lời:

– Lúc đầu bản tính thích giang hồ, tôi theo Nghiêm đại-ca sang Trung-nguyên, rồi giúp Quang-Vũ, tôi đâu có muốn được phong hầu? Tôi những định về Lĩnh Nam cưới vợ nhưng chưa có dịp.

Giao-Chi cười:

– Bây giờ trở về Lĩnh Nam, đại-ca lại không kịp nữa rồi. Vì với tài của đại-ca, thì phải làm tướng cầm quân đánh Hán, làm sao có thời giờ để cưới vợ.

Đô Dương lắc đầu:

– Tại sao lại không? Đào tam đệ có vợ mà vẫn cầm quân đấy thôi? Huống hồ sư muội cũng biết võ công, cũng biết xung phong hãm trận...

Từ lúc gặp Giao-Chi, trong lòng Đô Dương đã định nhờ Tiên-yên nữ hiệp đứng ra hỏi nàng làm vợ, nên lúc nào chàng cũng coi Giao-Chi là vợ. Bây giờ chàng buột miệng nói, làm Giao-Chi ngượng quá suýt nữa đánh rơi roi ngựa.

Ở nhà Phương-Dung cùng mọi người chờ đợi, tới chiều Giao-Chi và Đô Dương trở về.

Đô Dương nói:

– Quang-Vũ hiện ở cung Trường-lạc với Tường-Quy. Trong đó tuyệt đối không cho bá quan văn võ lai vãng. Đúng ra y tới đây bắt Nghiêm đại-ca rồi về. Nhưng mới cướp được Tường-Quy, nên muốn ở lại cùng Tường-Quy thưởng xuân, vì sợ về Lạc-dương hoàng-hậu, phi-tần sẽ kiếm chuyện.

Đô Dương chỉ lên bản đồ nói:

– Chúng ta từ Đông thành vượt tường vào hoàng thành, là cung Vĩnh-lạc. Đi lên phía Bắc là Bắc-cung, rồi tới lầu Thúy-hoa, điện Gia-đức. Từ điện Gia-đức đi về phía Tây là điện Ôn-minh, phía trái điện Ôn-minh là cung Trường-lạc. Phía phải điện là cung Vị-ương.

Đô Dương đã mua được đủ quần áo cấm quân cho mọi người. Chàng nói:

– Chúng ta mặc quần áo cấm quân vào hoàng thành cho dễ. Khi đối diện với Quang-Vũ thì thay quần áo Lĩnh Nam.

Nhờ có bộ áo cấm quân, cả đoàn người nhập hoàng-thành dễ dàng. Nhập hoàng-thành rồi, Tiên-yên nữ hiệp bảo mọi người thay quần áo Lĩnh Nam mặc vào, hầu giữ quốc thể.

Tiên-yên nữ hiệp bảo Trần Công-Minh, Đào Kỳ, Ngũ-phương thần kiếm đến cung Trường-lạc. Đây là cung điện rất lớn có đến trăm nóc nối tiếp nhau. Họ chờ trời tối hẳn men theo hành lang mà đi. Đi qua 6 dãy hành lang, tới một chỗ đèn đuốc sáng trưng, giáp sĩ canh gác nghiêm mật. Tiên-yên nữ hiệp đoán rằng Quang-Vũ đang ngự ở đây. Tám người vọt lên mái nhà. Cứ nóc nọ chuyền nóc kia, tới lầu thứ ba, nghe thấy tiếng nhã nhạc du dương chuyền ra. Tiên-yên nữ hiệp, Nam-thành vương đều là người phái Sài-sơn tinh thông âm nhạc, biết đó là nhã nhạc vua dự tiệc. Tám người bám cửa sổ, ghé mắt nhìn vào: Bên trong Quang-Vũ đang ngồi trước án, đầy đồ ăn trân quý. Cạnh đó một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ cùng ngồi. Phía trước đoàn thị nữ múa hát theo điệu nghê thường, đàn sáo du dương.

Nhìn thiếu nữ Đào Kỳ giật bắn người. Nàng chính là Chu Tường-Quy. Chàng đã nghe Trương Minh-Đức nói Tường-Quy bị Quang-Vũ bắt vào cung nên chàng không đến nỗi kêu thành tiếng.

Đào Kỳ để ý nhìn Quang-Vũ, thấy da trắng nhợt. Mặt lưỡi cầy, trán nhọn đầu tròn, xuống dưới cằm thì thóp lại. Cằm hơi vênh ra trước. Mắt chiếu tia sáng khá tinh anh.

Chàng nghĩ thầm:

– Mình cứ tưởng vua chúa thì tướng mạo uy phong khác thường. Thế mà Quang-Vũ chẳng có gì đặc biệt cả. Mình nghe nói mẹ của Quang-Vũ là hoa khôi, nổi tiếng một thời. Tại sao con trông chẳng hợp nhãn tý nào cả? Có lẽ Quang-Vũ có tướng mạo giống cha hơn giống mẹ.

Hết bản nhạc, Quang-Vũ ra lệnh cho nhạc công, cung nữ ra ngoài hết. Chỉ còn hai cung nữ đứng phục thị hai bên. Quang-Vũ bưng chung rượu đưa cho Tường-Quy nói:

– Ái khanh hãy uống chung rượu này, để ghi nhớ đêm xuân chúng ta ở cố cung Tiên-đế. Nơi Trường-lạc cung này, trước đây Cao-Tổ nhà trẫm đã nghe tấu nhạc, tận hưởng những ngày thần tiên. Bây giờ Nghiêm Sơn bị bắt, Thục bình xong, bốn phương phẳng lặng. Trẫm được ái khanh là một thiên tiên từ Lĩnh Nam tới đây với trẫm. Trên thế gian này không ai được hưởng thanh phúc bằng trẫm nữa.

Tường-Quy vẻ mặt như bất đắc dĩ, cầm ly rượu nhấp một chút:

– Đa tạ hồng ân hoàng-thượng! Thần thiếp không uống được rượu.

Rồi nàng cầm chung dâng lên. Quang-Vũ cầm chung rượu uống hết, rồi lại rót chung khác uống. Tường-Quy chưa từng uống rượu bao giờ, sau khi uống một chung nhỏ, mặt nàng ửng hồng. Dưới ánh đèn trông càng thêm quyến rũ. Ngoài này tim Đào Kỳ đập liên hồi, chàng như say, như tỉnh. Nhớ lại ngày đầu tiên hai người gặp nhau ở Thái-hà trang, du ngoạn Cổ-loa cố đô của Âu-lạc. Tối về nàng cùng chàng xuống du thuyền của Lê Đạo-Sinh, ngắm trăng nước, nàng đàn cho chàng nghe. Bây giờ chàng tìm lại cái say đắm thủa trước. Hình ảnh cũ hiện lên, ngày chàng đến Đăng-châu, ôm nàng trong tay, rồi bị nàng đâm một kiếm, đánh một chưởng suýt bỏ mạng. May nhờ Phương-Dung cứu thoát. Thế rồi đêm đó chàng được em họ là Đào Phương-Dung giúp chàng gặp Tường-Quy trên hoang sơn. Chính đêm đó nàng đã cho chàng hết cả. Đến ngày chàng lên đường đi Mê-linh, nàng gửi cho chàng bộ quần áo lụa xanh. Bộ quần áo này nàng đã mặc liên tiếp nửa tháng, để giữ hơi nàng vào quần áo. Từ đấy, cứ đêm đêm chàng đem bộ quần áo ra ôm vào lòng mà ngủ. Sau này Lê Đạo-Sinh đem giam chàng với Tường-Quy xuống khoang thuyền, trong hai tháng trời. Chàng với nàng sống với nhau như cặp vợ chồng trăng mật. Nhưng rồi chàng thoát khỏi tay Lê Đạo-Sinh, đánh Lê bị thương nặng. Kịp đến khi Nghiêm Sơn phong chàng làm Trấn-viễn đại tướng quân, mang quân đánh Kinh-châu. Chàng tìm không thấy nàng, cho rằng nàng đã chết, chàng khóc hết nước mắt ra bờ sông tế vọng. Không ngờ bây giờ nàng hãy còn sống, đang ở bên Quang-Vũ kẻ thù của dân Lĩnh Nam.

Quang-Vũ nâng chung mời Tường-Quy uống rượu, nàng cúi đầu nói:

– Thiếp chưa từng uống rượu xin Hoàng-thượng ân xá cho thiếp cái tội không hầu rượu Hoàng-thượng được.

Quang-Vũ ngây người nhin vẻ đẹp của nàng mắt đầy vẻ đắm đuối. Nhìn con mắt Quang-Vũ, Tường-Quy chợt nảy ra ý nghĩ so sánh những người tình qua trong đời nàng. Trương Minh-Đức là chồng nàng thật. Nhưng y đần độn, không biết thưởng thức sắc đẹp của nàng. Đào Kỳ là một tình nhân lý tưởng. Nàng yêu thương rất xâu xa, không biết bây giờ chàng ở đâu? Còn Quang-Vũ, nàng sợ hơn là yêu. Tuy nhiên sau khi uống chung rượu vào, nhìn con mắt tóe lửa của Quang-Vũ, nàng cũng muốn ngã vào lòng y.

Quang-Vũ đã hơi say, y ôm Tường-Quy vào lòng. Tường-Quy là con nhà võ, nàng né tránh hai tay y rất dễ dàng. Quang-Vũ ôm hụt, y lại đưa tay ôm nàng lần nữa, lần này nàng lại né tránh và nói:

– Hoàng-thượng đại xá! Thần thiếp là gái có chồng. Hoàng-thượng là chúa tể muôn dân, hai bên cách biệt nhau quá xa. Xin hoàng-thượng đừng bắt thiếp phải thất tiết.

Quang-Vũ mắt đỏ ngầu, nhìn nàng như con thú say mồi. Y đưa tay chụp lần nữa, lần này Tường-Quy không dám tránh né. Quang-Vũ ôm nàng vào lòng, ghé miệng hôn lên môi. Nàng nhắm mắt lại buông lỏng cuộc đời. Quang-Vũ ôm nàng mân mê một lúc, rồi đặt nàng lên một chiếc giường gỗ sơn son thiếp vàng, có chạm hai con rồng chầu.

Đến đây Trần Công-Minh huýt sáo. Lập tức Tiên-yên nữ hiệp, Đào Kỳ, Ngũ-phương thần kiếm cùng vượt cửa sổ, nhảy vào trong. Như đã phân phối trước, Hắc-kiếm trấn cửa Bắc, Bạch-kiếm trấn cửa Tây, Lam-kiếm trấn cửa Đông, Xích-kiếm trấn cửa Nam.

Tám người vào phòng đều là đại cao-thủ, bước chân nhẹ như chim, Quang-Vũ vẫn không hay biết. Y lần tay cởi áo Tường-Quy. Tiên-yên nữ hiệp là phụ nữ, bà quay mặt đi không muốn nhìn cảnh đó, bà đến trước cái bàn ngồi. Trần Công-Minh ra đóng cửa lầu chặn không cho người ở dưới lên cứu.

Đào Kỳ ngồi vào bàn trên để đầy trái cây. Chàng cầm một trái cây nhỏ, vận Dương-khí vào tay búng ra. Trái cây quay tròn với tốc lực rất mạnh, kêu lên tiếng vo vo, từ từ bay tới trúng vào cùi chỏ Quang-Vũ đánh bộp một cái. Quang-Vũ đang say men tình tự nhiên thấy cánh tay mất hết kình lực y vẫn không để ý, cho rằng mình say rượu. Y tiếp tục đưa tay cởi áo Tường-Quy. Đào Kỳ lại cầm một trái cây, vận Âm-kình búng ra. Trái cây quay đi rất mau, nhưng không một tiếng động trúng vào đầu gối Quang-Vũ. Y mất kình lực, ngã ngồi xuống đất, y loạng choạng đứng dậy, mới chợt thấy trong phòng nhiều người đột nhập, định kêu lên, thì một trái cây bay trúng miệng, âm thanh không phát ra được nữa.

Y biết nguy hiểm vội vàng nhảy lên rút thanh Thượng-phương bảo kiếm treo ở đầu giường, hướng Đào Kỳ chém xuống một nhát. Đào Kỳ không đứng dậy, đưa hai ngón tay kẹp cứng thanh kiếm. Quang-Vũ vùng vẫy giật ra, nhưng thanh kiếm như bị đóng đinh vào tường, không nhúc nhích. Biết gặp đối thủ lợi hại, y vung quyền đánh vào mặt Đào Kỳ. Đào Kỳ đưa tay kẹp cổ tay y. Y cảm thấy đau thấu xương, giật tay về, cánh tay không sao nhúc nhích được.

Y hoảng kinh mở miệng kêu lớn, Đào Kỳ búng một cái trái cây trúng vào miệng y. Chàng nắm vai y để ngồi xuống cạnh long sàng.

Tường-Quy thấy Quang-Vũ bồng nàng lên giường đưa tay cởi quần áo, nàng nhắm mắt lại để mặc y làm gì thì làm. Một lúc sau thấy y không động đậy gì, mở mắt ra nhìn, nàng thấy trong phong có 8 người, trong đó Đào Kỳ đang chiết chiêu với Quang-Vũ.

Tâm sự Tường-Quy thật khó diễn tả nỗi. Trước sau nàng coi Trương Minh-Đức là một tên ngố làm dơ bẩn thân thể ngọc ngà của nàng. Bao nhiêu tình ý nàng dồn cho Đào Kỳ. Rồi Đào Kỳ lấy vợ là Phương-Dung, đẹp như nàng, võ công kiến thức bỏ xa nàng. Rồi gia đình nhà chồng bị suy sụp, thân thể phiêu bạt. Bây giờ nàng gặp Quang-Vũ. Y say mê nàng đến điên đảo thần hồn. Từ khi gặp nàng, y lưu nàng lại trong cung. Nhưng nàng cứ nhất quyết cự tuyệt định tự tử. Y phải nhượng bộ. Bây giờ y đưa nàng ra Trường-an, để hưởng ngày xuân đẹp, nàng cảm động, bắt đầu yêu thương y. Hồi nãy tuy chống đối, nhưng gọi là lấy lệ. Nàng đã nhắm mắt mơ màng, mặc cho y thỏa tình xuân, lại gặp Đào Kỳ. Nàng ngồi trên long sàng im lặng xem vở kịch đi về đâu?

Đào Kỳ cầm con lân bằng ngọc để trên án thư. Chàng vận âm kình bóp mạnh, con lân bể ra. Chàng bóp mấy cái nữa, con lân hóa thành bột. Chàng rắc bột trước mặt Quang-Vũ.

Quang-Vũ đang say men tình. Y tuy đã tìm cách giữ Tường-Quy ở trong cung Lạc-dương hơn nửa tháng, nàng khóc lóc, kháng cự. Mỗi lần y muốn gần, thì nàng lại đòi tự tử. Tâm lý đàn ông ở thời nào, ở giai cấp nào, ở hoàn cảnh nào cũng thế. Khi họ yêu thương một người đàn bà, họ muốn ôm, muốn cấu xé, muốn nuốt người đàn bà đó. Khi họ đã thõa mãn rồi lại hay chán. Đối với những người đàn ông ở giai cấp vua, quan thời xưa tại Á-châu, họ có hàng trăm cơ thiếp, mỹ nữ. Cơ thiếp, mỹ nữ, hầu hết được tuyển trong những gia đình giàu có, tuổi từ 13 đến 16. Hóa cho nên những thiếu nữ này được đưa đến vua chúa, họ không có một chút ý niệm, kinh nghiệm về đàn ông, về phòng the. Họ tỏ ra vụng về sợ hãi. Cho nên bậc vua chúa đến với họ được một lần, hai lần là chán chường. Thỉnh thoảng có những thiếu nữ, thiếu phụ tuổi trên 20, thường đã có chồng, có người yêu, hoặc là kỹ nữ xuất thân từng trải mùi đời. Họ có nhiều kinh nghiệm về đàn ông, về phòng the. Họ lọt vào cung cấm của vua chúa. Họ có tài làm cho các đấng vua chúa say mê đến điên đảo thần hồn như Tây Thi, Trịnh Đán làm sụp đổ sự nghiệp Ngô Phù Sai. Vì hai nàng được Phạm Lãi huấn luyện trước khi dâng cho vua Ngô. Triệu Phi-Yến làm nghiêng ngả giang sơn nhà Hán vì nàng đã có chồng. Bị Hán-đế cướp đêm nhập cung. Dương Ngọc-Trân tức Dương Quý-phi, đã từng trải mấy người đàn ông rồi mới tới tay Đường Minh-Hoàng, suýt làm đổ giang sơn nhà Đường. Người đẹp gần đây nhất là Trần Viên Viên, làm chết năm ông vua là Sùng-Chinh, Long-Võ, Vĩnh-Lịch, Phụng-thiên vương Lý Tự-Thành, Chu-đế Ngô Tam-Quế, nàng xuất thân kỹ nữ ở Tô-châu.

Quang-Vũ xuất thân con Trường-sa vương có dòng máu lãng mạn của mẹ là Hàn Tú-Anh. Sau khi cha, anh chết, nối tiếp sự nghiệp trùng hưng nhà Hán. Nay sự nghiệp đã thành, không còn chinh chiến nữa. Trong lòng sinh ra khuynh hướng hưởng thụ. Một hôm y gặp Tường-Quy ở trong hoàng-thành Lạc-dương, sắc đẹp của thiếu phụ 21 tuổi tươi như hoa nở, khiến y ngây ngất, rồi không kiềm chế được. Y sai cung nữ tìm cách lưu Tường-Quy lại. Quang-Vũ sai đặt tiệc cùng nàng nghe hát uống rượu...đòi hỏi. Nàng cương quyết chống cự. Nàng xuất thân con nhà võ, võ công tuy không bằng Hoàng Thiều-Hoa, Trần Năng, nhưng với bản lĩnh nàng Quang-Vũ không xâm phạm được.

Càng bị chống đối, Quang-Vũ càng như điên, như cuồng, càng say mê nàng. Khi đi Trường-an, y ra lệnh mang nàng theo. Trải qua gần hai tháng ở Trường-an, nay nàng mới thuận tình cho y được như ý muốn. Y cảm thấy như bay bổng lên trời. Đang lúc sắp sửa lên tuyệt đỉnh Vu-sơn thì bị một số người lạ mặt đe dọa.

Đào Kỳ hỏi:

– Tôi hỏi thực hoàng-thượng, đầu người có cứng bằng con lân này không?

Chàng xòe bàn tay ướm thử vào đầu Quang-Vũ, điệu bộ làm như sắp bóp bể đầu y.

Quang-Vũ hoảng kinh rú lên một tiếng.

– Xin đại hiệp tha mạng cho trẫm. Đại hiệp muốn gì trẫm cũng xin tuân theo.

Đào Kỳ nói:

– Nếu tôi bóp mạnh, đầu hoàng-thượng sẽ vỡ ra làm nhiều mảnh. Vậy tôi yêu cầu hoàng-thượng ngồi im, không được tri hô.

Chàng nói tiếng Hán bằng giọng của Nghiêm Sơn. Quang-Vũ thấy chàng nói giọng Trường-sa thì hỏi:

– Ngươi ở Trường-sa hay Linh-lăng.

Đào Kỳ nói:

– Tôi ở Lĩnh Nam chưa hề đến Trường-sa hay Linh-lăng.

Quang-Vũ cụt hứng cãi:

– Rõ ràng ngươi nói giọng Trường-sa chứ đâu phải Lĩnh Nam? Người Lĩnh Nam nói tiếng Việt, chứ đâu nói tiếng Hán?

Đào Kỳ buông y ra, nói:

– Ta là người Việt ở Lĩnh-nam. Nhưng ta ở cạnh một người nói giọng Trường-sa là tỷ phu. Ngươi có muốn biết tên tỷ phu ta không? Tỷ phu ta rất thân với ngươi.

Quang-Vũ hỏi:

– Ta sinh trưởng ở Trường-sa. Tiên-đế trấn nhậm Trường-sa, ta có rất nhiều người thân nói giọng Trường-sa. Vậy tỷ phu ngươi là ai?

Đào Kỳ nói gằn:

– Y là Nghiêm Sơn.

Quang-Vũ nghe đến tiếâng Nghiêm Sơn biết điều bất hảo sẽ tới. Y nhìn mặt Đào Kỳ, thấy chàng bớt khắt khe, hỏi:

– Các ngươi là ai? Đến đây định làm gì?

Tiên-yên nữ hiệp đến ngồi trước mặt y nói:

– Để tôi giới thiệu các người này cho hoàng-thượng biết. Đây là Nam-thành vương Trần Công-Minh ở Giao-chỉ.

Quang-Vũ gật đầu:

– Trẫm nghe Tô Định mật tấu về Nam-thành vương làm giặc ở Giao-chỉ chống lại triều đình.

Trần Công-Minh nổi cộc, ông tát Quang-Vũ hai cái nẩy đom đóm mắt:

– Mi là tên Hán hai chân, đồ chó đẻ, đồ khốn kiếp. Đất nước của mi, mi xưng Kiến-Vũ thiên tử, đất nước của tao, tao xưng Nam-thành vương, tại sao mi bảo tao làm phản? Vậy tao cũng bảo mi làm phản, chém cái đầu chó má của mi, mi nghĩ sao?

Quang-Vũ đau quá nói:

– Xin Nam-thành vương tha cho trẫm. Trẫm sẽ phong người làm Nam-thành vương thực thụ.

Trần Công-Minh rút kiếm đưa mấy nhát trên đầu Quang-Vũ, làm y hoảng hồn, y co rút đầu lại. Ông nói:

– Lĩnh Nam là đất nhà ta. Ta là Nam-thành vương không phong chức cho Quang-Vũ thì thôi. Tại sao Quang-Vũ lại phong chức cho ta?

Tiên-yên nữ-hiệp tự giới thiệu:

– Tôi là Tiên-yên nữ hiệp Trần Thị Phương-Chi. Tôi là sư phụ của Phùng Vĩnh-Hoa, nữ quân-sư đạo quân Hán-trung, đánh vào Thục.

Quang-Vũ gật đầu:

– Trẫn đọc tấu chương của Ngô Hán, nói rằng Phùng Vĩnh-Hoa tài sắc vẹn toàn, điều khiển ba quân tiến đánh 9 thành của Thục, Trẫm sẽ phong cho Phùng Vĩnh-Hoa làm công-chúa.

Miệng tuy nói thế, nhưng Quang-Vũ cũng đoán ra được phần nào những người hiện diện hôm nay vì lý do gì.

Tiên-yên nữ hiệp chỉ Đào Kỳ:

– Vị này là Đào Kỳ giữ chức Trấn-viễn đại tướng quân, điều khiển đạo quân Lĩnh-nam tiến vào Thành-đô đầu tiên. Y là sư đệ của Lĩnh-nam vương phi.

Quang-Vũ đã nghe nói rất nhiều về Đào Kỳ. Y thấy Đào Kỳ có tài, muốn dùng để thay Nghiêm Sơn, y nói:

– Thì ra Đào tướng quân, trẫm nghe nói nhan sắc của Đào phu-nhân khuynh quốc, kiếm thuật thần thông, thâm mưu viễn lự. Còn tướng quân võ công bậc nhất thiên hạ, trí mưu hơn người. Trẫn đợi sau khi bình Thục xong, sẽ phong cho ngươi làm Tả tướng-quốc, tước Hán-trung vương. Hôm nay tướng quân vào đây có việc gì?

Tiên-yên nữ-hiệp chỉ Ngũ-phương thần kiếm nói:

– Đây là Ngũ-phương thần kiếm, người đã giúp Cảnh-Thủy hoàng-đế tiến chiếm Trường-an, giết Vương Mãng, được ban cho Thượng-phương bảo kiếm.

Hoàng-kiếm đưa thanh kiếm cho Quang-Vũ coi. Y thấy đầu thanh kiếm có con rồng, trên khắc chữ Ngự tứ Thượng-phương bảo kiếm, dưới khắc chữ Thượng trảm hôn quân, hạ trảm gian thần.

Quang-Vũ nói:

– Vậy thì ra đại công thần của bản triều. Tại sao Ngũ-phương thần kiếm lại cùng ba vị này đến đây khó dễ trẫm?

Tiên-yên nữ hiệp cười gằn:

– Ngũ-phương thần kiếm hôm đến đây để trảm đầu hôn quân.

Quang-Vũ run run hỏi:

– Trẫm một thanh gươm, phất cờ, trùng hưng đại nghiệp tổ tiên. Sao lại gọi là hôn quân?

Hoàng-kiếm thấy y run sợ quá nói:

– Được để tôi nói cho hoàng-thượng nghe tội lỗi của mình. Tôi hỏi hoàng-thượng. Nếu có người Hán, có mẹ không nhận, lại đi nhận người hại mẹ mình làm mẹ. Hoàng-thượng xử như thế nào?

Quang-Vũ khẳng khái:

– Con không nhận mẹ, chỉ còn là cầm thú. Trẫm sẽ chặt đầu tức khắc.

Hoàng-kiếm đáp:

– Nếu một đại thần cũng phạm tội trên?

Quang-Vũ nói:

– Đã làm tới đại-thần, phải làm gương cho dân chúng, thế mà lại bất hiếu, còn để làm gì? Phải chém đầu đem bêu khắp chợ để noi gương.

Hoàng-kiếm giọng đanh thép hơn:

– Còn thân làm hoàng-đế, có mẹ không thờ, đi tôn thờ một người hại mẹ mình đến không còn đường sống. Ngày ngày ngồi trên ngai vàng ban phúc cho thiên hạ, mà không nhận mẹ mình thì phạt như thế nào?

Quang-Vũ lắc đầu:

– Sai rồi, mẫu hậu trẫm họ Mã, hiện ở Lạc-dương. Trẫm vẫn thần hôn định tỉnh, kính lễ như thiên tiên, sao có chuyện đó được?

Hoàng-kiếm gằn từng tiếng:

– Mã thái-hậu không phải là mẹ đẻ của hoàng-thượng đâu. Mẹ của hoàng-thượng họ Hàn tên Tú-Anh, hiện đang bị Mã thái-hậu truy lùng rất gắt, không biết giờ này có còn sống được chăng?

Quang-Vũ ngẩn người ra:

– Có chứng cớ nào không?

Tiên-yên nữ hiệp đưa cho Quang-Vũ cuốn nhật ký của Hàn Tú-Anh, chép từ khi gặp Trường-sa Định-vương cho đến khi Nghiêm Sơn đem quân đánh Thục. Rồi bà kể vắn tắt cho Quang-Vũ nghe chuyện Mã thái-hậu chiêu mộ nhiều cao thủ để làm việc này.

Gần đây Quang-Vũ thấy Mã thái-hậu bỏ nhiều tiền bạc chiêu mộ cao thủ, sai họ đi làm việc bí mật. Y tưởng rằng thái-hậu cùng lo việc ổn định giang sơn cho mình, nên không chú ý. Tới các đại thần như Tam-công đều kính nể Thái-hậu vô cùng. Nhất nhất Thái-hậu đưa ý kiến gì là Tam-công nghe răm rắp. Quang-Vũ là người hiếu thảo. Y không dám trái ý mẹ. Bây giờ nghe Hoàng-kiếm nói, y thấy mình như người mê ngủ mới tỉnh. Quang-Vũ cầm tập sách nhỏ đọc sơ lược một lần, rồi lại đọc lần thứ nhì. Y lắc đầu tỏ vẻ không tin:

– Trẫm không tin điều này.

Trần Công-Minh nói:

– Dễ lắm, trong những người theo hầu ngươi, có Dư Thúy-Nham nuôi ngươi từ nhỏ phải không? Ngươi cứ đòi Dư-thị lên đây, tra hỏi, thì ra ngay, chứ có khó gì đâu?

Bạch-kiếm nói:

– Còn nữa, phàm người đàn bà nào đã sinh con một lần, da bụng nhăn nheo như vảy cá. Ngươi với Mã thái-hậu đã là tình mẹ con, khi thần hôn định tỉnh, ngươi cứ thử xem bụng bà thì rõ: da bụng bà mịn màng, chứng tỏ bà chưa từng sinh nở bao giờ.

Xích-kiếm trấn cửa Nam, mở cửa ngó đầu ra ngoài, thấy một cung nữ đang ngồi ngủ gật ở đó, bảo thị:

– Hoàng-thượng cho triệu Dư Thúy-Nham lên gấp.

Cung-nữ vội vàng xuống lầu ngay. Bạch-kiếm nói:

– Trong chỗ kín của ngươi có mụn nốt ruồi son rất lớn. Bàn tay ngươi có ba gạch song song với nhau, ngươi có biết không?

Quang-Vũ giật mình nói:

– Sao? Sao ngươi biết?

Hoàng-kiếm nói:

– Thì mẫu thân ngươi nói như thế. Ta muốn khám xem có đúng hay không?

Quang-Vũ xòe bàn tay, quả có ba đường chỉ nằm song song, như ba sợi chỉ căng thẳng. Y nói:

– Còn chỗ kín quả có nốt ruồi son lớn, ngươi khỏi cần khám, ta công nhận là đủ rồi.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương