Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 15: Hồ mã tê Bắc phong Việt điểu sào nam chi

Sầm Bành lại phát chiêu thứ ba. Lần này Đào Kỳ đổi cách vận khí. Một tay chàng phát chiêu Thiết kình phi chưởng của Cửu-chân theo Thủ-tam-dương kinh đỡ vào Âm-Dương chưởng của Sầm Bành. Một tay chàng phát chiêu Ngưu ngọa ư sơn của Tản-viên, vận khí theo Thủ-tam-âm kinh đỡ vào Chu-sa chưởng của y. Binh, binh, hai tiếng, tuyết bay trắng xóa trời đất. Tuyết rơi xuống hết, mọi người thấy Đào Kỳ ung dung, tư thái nhàn nhã. Còn Sầm Bành tái nhợt, lui lại đến hai trượng thắng bại đã rõ.

Sầm Bành nói:

– Đào Kỳ, ta đánh khắp Trung-nguyên, chỉ bại dưới tay Xích-My Phan Sùng vì độc chưởng của y. Còn phái Thiên-sơn, thì Thiên-sơn lão tiên là người lớn, không thèm đấu với hậu bối, ta chưa biết rõ. Duy chỉ có Vương Nguyên hợp Âm, Dương, cương, nhu làm một, đấu ngang tay với ta. Ngoài ra còn Điền Sầm, Triệu Khuôn dùng chưởng Dương chống nổi ta. Song họ đã trên 40 tuổi. Công lực thâm hậu. Lần đầu tiên một người trẻ tuổi như ngươi chịu được ba thứ chưởng của ta. Chưởng đầu hòa hợp Cương, Nhu phát ra như mũi dùi. Chưởng thứ nhì hợp Âm-Dương, Chu-sa. Ngươi chống được nội lực của ta, không bị thương thực là hiếm có. Đến chiêu thứ ba ta thấy ngươi phát hai thứ chưởng khác nhau. Chưởng Dương-cương rõ ràng từ nội công, chiêu số đều khắc chế với võ công của ta. Còn Âm-nhu chưởng pháp thuộc Dương-cương mà sao nội công lại Âm-nhu. Giỏi! Ngươi là Lĩnh-nam dị nhân. Ta quyết đấu với ngươi. Hãy đỡ chưởng thứ tư của ta.

Hai tay y phát chưởng thuần dương kình lực như núi lở. Đào Kỳ vận sức phát chiêu Ngưu hổ tranh phong vận khí nhu kình thành ra như không có. Hai chưởng gặp nhau xì một tiếng. Chưởng của Sầm Bành mất tăm, mất tích. Y kinh hoảng nhảy lui lại hai bước, rồi đánh liền ba chưởng. Đào Kỳ thong thả dùng toàn chiêu Dương cương thuộc Phục ngưu thần chưởng đấu với y đến 50 hiệp vẫn ngang sức.

Thiên-sơn lão tiên thấy vậy nói:

– Hai bên cùng luyện tới mức tối cao về Dương cương, dù đánh nhau đến 10 ngày thì cũng hòa mà thôi.

Thình lình Đào Kỳ đổi cách phát chưởng. Chàng phát toàn chưởng Âm-nhu của Phục-ngưu. Được gần mười chưởng Sầm Bành đã luống cuống rõ rệt.

Thiên-sơn lão tiên nói:

– Vạn-tín hầu Lý Thân là thần nhân, với nội công Âm-nhu của người, khắc chế nội công Trung-nguyên. Chỉ mười chưởng nữa thì Sầm Bành nguy mất.

Đào Kỳ thấy vậy thì đã rõ sự lợi hại của Phục-ngưu thần chưởng Âm-nhu. Bấy giờ chàng lại muốn thử nghiệm lối vận công theo kinh mạch của mình. Giữa lúc Sầm Bành phát hai chưởng Âm-Dương, Chu-sa đánh tới. Chàng vận chưởng Âm-nhu đỡ Chu-sa chưởng. Chưởng Dương-cương đỡ chưởng Huyền-âm. Bộp một tiếng, tay của hai người dính chặt vào nhau. Đào Kỳ thấy người rung động một cách mãnh liệt. Hai luồng chân khí của Sầm Bành ào ào tấn công vào người chàng. Chàng ung dung vận khí vào đơn-điền, rồi chuyển về Đốc-mạch, phát ra Thủ-dương-minh Đại-trường kinh, Thủ-thiếu-dương Tam-tiêu kinh và Thủ-thái-dương Tiểu-trường kinh. Chỉ một nháy mắt, Đào Kỳ đã đàn áp được chưởng Chu-sa của Sầm Bành. Điều này dễ hiểu: Tuy hai bên cùng Dương-cương. Song Đào Kỳ vận khí ra ba kinh Dương, như ba mũi dùi tấn công. Sầm Bành nhăn mặt lùi một bước, để hóa giải bớt kình lực của Đào Kỳ. Còn tay kia Đào Kỳ vận khí và Thủ-tam-dương kinh, gặp phải Âm-Dương chưởng của địch thủ. Âm, Dương đụng nhau tranh đấu bất phân thắng bại.

Đấu một lúc, Đào Kỳ đã hiểu rõ khả năng lối vận khí ra kinh mạch của mình. Thình lình chàng vận khí ra đơn-điền, huyệt Trung-uyển rồi chuyển ra Thủ-thái-âm Phế kinh, Thủ-thiếu-âm Tâm kinh và Thủ-khuyết-âm Tâm-bào kinh. Hai tay đang từ Dương sang Âm. Sầm Bành cảm thấy Chu-sa chưởng cuồn cuộn bị hóa giải. Còn Âm-Dương chưởng bị đẩy lùi trở lại. Y kinh hoàng nhưng không biết làm sao thu nội lực về được.

Thiên-sơn lão tiên hỏi Khất đại-phu:

– Đào huynh đệ còn nhỏ tuổi, mà đã có công lực ngang với bọn ta. Y hòa hợp được cả với hai thứ chân khí, thực hiếm có trên thế gian. Còn tên Sầm Bành, y cũng là một thiên tài. Lĩnh-nam lão tiên, ngươi mau nói Đào tiểu đừng biến chưởng thành chỉ giết y. Người như thế giết đi thực uổng.

Thực ra Thiên-sơn lão tiên muốn nhắc Đào Kỳ biến chưởng thành chỉ giết Sầm Bành, trừ đi một tai họa cho Thục. Song ông làm như cứu y vậy.

Đào Kỳ tỉnh ngộ:

– Ta chẳng nên giết y làm gì. Ta áp dụng phương pháp quy liễm chân khí, thu hút nội lực của y, khiến y thành người tàn tật cũng đủ rồi.

Chàng từ từ thu nội lực, cho chân khí Sầm Bành tràn vào người chàng. Hai luồng Cương, Nhu của y đánh lẫn nhau. Đào Kỳ thư thả quy liễm vào đơn điền.

Sầm Bành đang đấu nội lực với Đào Kỳ, y thấy nội lực Đào Kỳ kỳ ảo không thể lường được. Bỗng nhiên thấy nội lực chàng yếu dần. Y mừng quá dồn chân lực sang, cảm thấy người rung động, rồi chân khí ào ào biến mất. Y kinh hoàng muốn thu nội lực về, nhưng không được nữa.

Người ngoài cuộc chỉ có Thiên-sơn lão tiên và Khất đại-phu là biết. Còn tất cả đều không rõ, ai sẽ thắng, ai sẽ bại. Khoảng tàn một bữa ăn, người Sầm Bành run lên bần bật.

Đào Kỳ thấy như vậy y cũng đủ thành tàn phế, chàng thu chân khí lại. Bỗng Sầm Bành cắn vào lưỡi mình. Máu đỏ loang ra, y phun máu vào mặt Đào Kỳ, Thiên-sơn lão tiên hô lớn:

– Đào tiểu hữu! Cẩn thận, Ngũ-độc hóa huyết đơn.

Nghe Thiên-sơn lão tiên nhắc, Đào Kỳ tỉnh ngộ. Vì hôm hội quân ở Quế-lâm, Nghiêm Sơn kể cho chàng nghe rằng: Sầm Bành thường cất trong người ba viên thuốc cực độc gọi là Ngũ-độc hóa- huyết đơn. Khi gặp nguy cấp, y cắn vỡ viên thuốc ra, lẫn với máu, rồi phun vào đối phương. Thuốc không thì không nguy hiểm. Song thuốc với máu thành một thứ độc dược. Trúng da thịt ai, hóa thành nước vàng, lan khắp cơ thể. Lát sau chỉ còn lại bộ xương. Còn Sầm Bành đã uống thuốc ngừa nên vô sự.

Hai người ở gần nhau. Y phun máu ra ngoài sức tưởng tượng. Đào Kỳ tránh không kịp. Chàng thấy mùi máu tanh hôi kỳ lạ, biết rằng nguy hiểm. Cháng phát tay phóng chiêu Loa thành nguyệt ảnh, đánh y văng ra để tránh máu vào người mình.

Sầm Bành bị một chiêu như núi lở, băng tan. Người y vỡ làm năm sáu mảnh, văng ra xa. Máu me, ruột gan đỏ lòm trên tuyết.

Nhưng một giọt máu đã trúng mặt chàng. Chàng thấy ngứa định đưa tay lên gãi. Thì Khất đại-phu vọt người lên gạt tay chàng:

– Chớ có gãi! Ngồi xuống vận tất cả chân khí theo sáu Dương-kinh, rồi tỏa ra ngoài da.

Đào Kỳ vội làm theo. Trên đầu chàng bốc lên làn khói trắng, rồi cái ngứa ngáy khó chịu biến mất.

Công-tôn Tư hỏi:

– Lĩnh-nam lão tiên. Xin lão tiên giảng cho đệ tử nghe, nguyên do nào Đào huynh đệ trúng phải chất độc của Sầm Bành.

Khất đại-phu nói:

– Trước khi đấu võ. Ta thấy y bỏ vào miệng một viên gì khá lớn bằng quả nhãn, mà không thấy y nhai. Cho đến khi lạc bại, y mới nhai, rồi cắn lưỡi mình cho máu hòa lẫn, phun lên mặt Đào Kỳ để cả hai cùng chết. Chất độc này ghê gớm lắm. Nếu dùng tay gãi máu rớm chảy ra, chất độc sẽ lẫn với máu gây chết người.

Bỗng Lai Háp la lên một tiếng kinh khủng, đưa tay gãi mặt. Y càng gãi càng thấy ngứa. Phút chốc mặt y ứa đầy nước vàng, trơ ra còn xương không. Nguyên lúc Sầm Bành phun máu độc vào người Đào Kỳ, chàng hất ngược trở lại. Máu đỏ trúng mặt Lai Háp. Y lạnh cóng người. Muốn tránh mà không được. Y ngứa quá đưa tay gãi, máu chảy ra lẫn với thuốc, khiến y chết thảm.

Đợi quần hào các đạo lên đường rồi, Hoàng Thiều-Hoa hỏi Phương-Dung:

– Sư muội, bây giờ chúng ta cần đánh thẳng vào Trường-an bằng hai đạo kỳ binh. Một khẩn cấp vượt hang Tý-Ngọ đánh phía Đông Trường-an. Một đạo theo hang Tà-cốc đánh vào Trường-an và một đạo xuất ra ở Kỳ-sơn. Trong ba đạo thì đạo đánh vào Tý-Ngọ phải có người giỏi binh pháp, mới đương được. Vì đạo này sẽ bị Quang-Vũ ở Trường-an đánh thục mạng để trốn về Lạc-dương và bị đạo binh Lạc-dương đến cứu Quang-Vũ. Ta nhờ sư muội điều quân dùm.

Phương-Dung nói:

– Điều khẩn yếu bây giờ là phải sai người đi triệu các tướng Hán và cả Ngô Hán về đây họp, chúng ta trình bày việc phản Hán. Ai theo thì tha. Ai chống thì giết liền. Vậy như thế này:

– Sư bá Cao Cảnh-Minh và thần nỏ Âu-lạc ra trấn Vũ-đô, Nam-bình, Bình-vũ, Giang-du và Hồng-nguyên thay cho các tướng Hán về Dương-bình quan. Sau khi các tướng Hán đi rồi cho rút quân khỏi thành này. Xa-kỵ tướng quân Nhiệm Mãng dẫn binh Thục tới tiếp nhận các thành trên. Nội ngày hôm nay phải xong. Sau đó sư bá dẫn quân lên chiếm Thiên-thủy, và đánh từ Tây sang Đông tiến về Trường-an. Dọc đường dùng binh phù của Nghiêm đại-ca tiến qua các ải. Vào ải nào chiếm ải đó, giao cho Xa-kỵ tướng quân Nhiệm Mãng giữ.

– Sư bá Lương Hồng-Châu mang theo Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa đến thay tướng Hán tại Ba-trung, Kiếm-các và Dương-bình quan. Sư bá dùng binh phù của Nghiêm đại-ca rút quân ra khỏi các thành để Lũng-tây vương Triệu Khuôn dẫn quân đến tiếp nhận. Sau đó tiến vào trấn đóng Hán-trung để kiềm chế các tướng Hán tại đó. Đây là kế hoạch rút khỏi Thục, trả đất về cho Thục.

– Ngay đêm chúng ta nay kéo tất cả quân Hán đến Hán-trung vẫn dùng cờ Hán, dùng binh phù của Nghiêm đại-ca. Chúng ta chia quân làm hai đường tiến đánh Trường-an. Đạo thứ nhất do Thái-tử Công-tôn Tư và sư bá Đinh Công-Thắng, mang theo đội Thần-phong, Thần-tượng vượt hang Tý-Ngọ tiến đánh Trường-an. Đạo thứ nhì chính Hoàng sư-tỷ cùng với Khất đại-phu, Giao-long nữ, Giao-Chi. Tôi cùng Đào tam lang đi theo đạo này, tiến ra uy hiếp Trường-an bằng ngả Tà-cốc. Như vậy Trường-an bị uy hiếp cả ba mặt.

Nàng hỏi Công-tôn Tư:

– Xin Thái-tử cho biết, về phía Thục ai sẽ đi theo đạo Tà-cốc?

Công-tôn Tư đáp:

– Chính Tề-vương Tạ Phong dẫn một đội hùng binh của Thục đi theo.

Phương-Dung tiếp:

– Chúng tôi giúp Thục chiếm Trường-an, sau đó sẽ trở về Lĩnh Nam ngay. Nào bây giờ quý vị lên đường. Chúng tôi ở đây chờ các tướng Hán trở về. Việc đối phó với các tướng Hán xin nhờ Khất đại-phu, ba vị Triệu Khuôn, Nhiệm Mãng, Vũ Chu và Đào tam lang.

Các đạo quân rầm rộ khởi hành.

Đào Kỳ hỏi Phương-Dung:

– Dung ơi! Bây giờ các tướng Hán trở về đây ta phải làm gì để kiềm chế họ?

Phương-Dung ghé tai Đào Kỳ, Khất đại-phu nói nhỏ mấy câu, hai người đồng ý gật đầu. Phương-Dung gọi Sún Lé lại bên cạnh, dặn dò chi tiết. Đào Kỳ không biết vợ dặn dò gì Lé, chỉ thấy Lé cười khúc khích, tỏ vẻ thích thú lắm. Chàng nghĩ:

– Một bên thì nhiều mưu hay đùa nghịch, một bên thì trẻ con, ở rừng. Không biết hai người phác họa kế hoạch phá Hán thế nào đây?

Sáng hôm sau có tin báo với Phương-Dung:

– Thưa Quân sư, có Tham-quân Vương Hữu-Bằng, Đô-đốc Lý Thái-Hiên, Hậu-quân Chu Á-Dũng về phục lệnh.

Phương-Dung mời ba người vào. Ba người nhập trướng không thấy Nghiêm Sơn, Ngô Hán đâu thì hơi bỡ ngỡ. Phương-Dung thở dài:

– Ba vị tướng quân. Tôi mời ba vị về đây để loan báo cho ba vị biết tai họa đã đến với chúng ta. Vua Quang-Vũ nghe lời gian thần dèm pha, truyền bắt giam Vương-gia, tất cả các vị và chúng tôi nữa. Vương-gia hiện bị giam ở Trường-an. Còn chúng tôi thoát được về đây, gặp sứ giả đến bắt, chúng tôi giết sứ giả. Chúng tôi nghĩ Quang-Vũ là người. Chúng ta lăn mình vào chỗ chết, bảo vệ ngai vàng cho hắn, mà hắn muốn bắt chước Lưu Bang giết hại công thần. Thôi đằng nào cũng chết, tội gì chúng mình không làm phản? Làm phản mà thắng thì sự nghiệp vào tay. Còn bại cũng chết. Nhưng chết cho hả cái tức. Hiện quân mã đã lên đường đánh Trường-an. Vậy ba vị muốn trung thành với Hán thì đem nhau về Trường-an mà nộp đầu. Còn muốn phản Hán thì hãy theo chúng tôi đánh Hán mưu đại sự.

Ba tướng nhìn nhau ngơ ngác không hiểu gì cả. Tham-quân Vương Hữu-Bằng hỏi:

– Nếu chúng ta phản Hán thì nguy thay. Phía sau bị Thục ép, phía trước bị Hán vây, làm sao mà chịu được?

Phương-Dung cười:

– Chúng ta hợp tác với Thục chia ba thiên hạ. Vì vậy tất cả những thành chiếm của Thục, giờ này chúng tôi trao trả Thục hết rồi. Hiện thành này do Thục chiếm đóng, nhưng bề ngoài vẫn treo cờ Hán để lừa Ngô Hán đến đây bắt giam nữa là xong. Còn đại quân đã vượt qua Thiên-thủy, Tý-Ngọ, Kỳ-sơn rồi. Mặt Đông chúng tôi tiến chiếm 9 quận Kinh-châu. Mặt Nam chiếm 6 quận Lĩnh-nam. Tóm lại chỉ trong hai ngày, chúng tôi chiếm được hai phần ba giang sơn nhà Hán.

Phương-Dung thấy Tham-quân Vương Hữu-Bằng chưa tin. Nàng vỗ tay một cái, từ phía trong trướng một người bước ra mỉm cười:

– Vương tham-quân vẫn mạnh giỏi à? Ta chờ Vương tham-quân, Lý đô-đốc và Chu hậu-quân từ lâu rồi.

Ba người nhìn lại, thì ra là Xa-kỵ đại tướng-quân Nhiệm Mãng.

Chu Á-Dũng định đưa tay rút kiếm, Phương-Dung cười:

– Chu tướng-quân, người liệu xem có phải là đối thủ với Nhiệm tướng-quân không? Huống chi ngoài Nhiệm tướng-quân, còn có ta đây. Ngoài ta ra còn có Thái sư-phụ của ta là Khất đại-phu nữa?

Vương Hữu-Bằng thở dài:

– Bản tâm chúng tôi không muốn phản Hán, nhưng nay sự thể đã như thế này, thì không thể giữ lòng trung được nữa. Đào phu-nhân, chúng tôi xin đầu Thục.

Từ sau trướng một người bước ra nói:

– Vương tiên-sinh, người theo Hán phải cúi đầu khom lưng. Còn theo Thục, phái Thiên-sơn nhà ta đối xử như anh em. Ngươi vẫn giữ được địa vị, lại cùng Thục chúa sớm tối cộng tác. Ngươi hàng Thục là thức thời đó.

Vương Hữu-Bằng nhìn lại thì là Bắc-bình vương Công-tôn Khôi. Hữu-Bằng là người khôn ngoan tinh tế, y vội quỳ xuống:

– Vương-gia, Vương Hữu-Bằng này được Vương-gia thu nhận, từ nay xin hết mình đền ơn tri ngộ.

Công-tôn Khôi phất tay áo một cái, không cho Vương quỳ, nói:

– Thục đế với ta tình như chân tay, ta thay Thục-đế trấn nhậm toàn thể Tây-xuyên. Thục-đế là ta, ta là Thục-đế, chứ không như Quang-Vũ được Nghiêm vương cứu 20 lần, một tay kinh lược Lĩnh Nam, rồi đem hết bằng hữu các nơi về đánh Thục, gây dựng cơ nghiệp nhà Hán. Công đến như thế dù là Hàn Tín, Trương Lương, Tiêu Hà còn thua xa. Thế mà Quang-Vũ nghe lời gian thần bắt giam Nghiêm-vương, lòng dạ còn hơn rắn rết. Tài như Vương huynh ở bên Hán chỉ được giữ chức Tham-quân, nhỏ bằng hạt vừng, hạt đậu. Trong khi đó bọn nịnh hót thì làm quan lớn tại triều. Nghĩ mà giận thay. Vương huynh, ngươi hãy ở lại Hán-trung với ta, tạm giữ chức Trấn-bắc tướng quân, Hán-trung Thứ-sử, tước Đô-đình hầu. Một giải Đông-xuyên, nhờ tay ngươi cả.

Vương Hữu-Bằng quỳ xuống tạ ơn, Công-tôn Khôi phất tay không cho quỳ. Kéo ghế mời ngồi. Công-tôn Khôi quay lại nhìn Chu Á-Dũng và Lý Thái-Hiên:

– Lý đô-đốc, Chu tướng-quân hai vị nghĩ sao?

Hai người định quỳ xuống. Công-tôn Khôi phất tay một cái, kình lực nhu hòa đỡ lại, khiến hai người không sao quỳ được.

Công-tôn Khôi vui vẻ:

– Lý đô-đốc, ngươi có tài khuynh quốc thế mà chỉ lĩnh có chức Đô-đốc của một đạo Hán-trung dưới quyền Ngô Hán thực uổng tài năng đi. Bây giờ ngươi về với Thục. Ta phải dùng ngươi đúng tài. Ngươi tạm lĩnh chức Tiền đô-đốc, Chinh-đông tướng-quân, tước Thiên-thủy hầu, nay mai ngươi thống lĩnh thủy quân đánh từ Thiên-thủy về Trường-an ra biển Đông.

Công-tôn Khôi nói với Chu Á-Dũng:

– Chu tướng-quân, ngươi là một cao thủ võ lâm, một tướng lãnh uy vũ kinh người. Biết bao lần ngươi làm cho Thục ta kinh sợ. Càng kinh sợ, ta càng mến tài ngươi. Hôm nay ngươi về với ta, ta như được một kho vàng vậy. Bây giờ ngươi tạm lĩnh tước An-định hầu. Ngươi hãy theo quân của Thái-tử ra Trường-an, cho Quang-Vũ biết cái ngu của y không biết dùng người.

Công-tôn Khôi sai mở tiệc ăn mừng. Trong tiệc ông hỏi Vương Hữu-Bằng:

– Vương tướng-quân, theo ý tướng-quân, ta nhờ anh hùng Lĩnh-nam trợ giúp chỉ một ngày là lấy được đất Ích-châu, còn chiếm được Đông-xuyên bây giờ ta phải làm gì?

Vương Hữu-Bằng nói:

– Nhị-xuyên là cái kho trời cho. Trước đây, Lưu Bang đã dùng Ích-châu, Hán-trung làm cơ sở, chỉnh bị quân mã kéo ra Trung-nguyên tranh thiên hạ với Hạng Vũ. Bây giờ Vương-gia được anh hùng Lĩnh Nam giúp đỡ chỉ một ngày là lấy được Hán-trung, song quân mã là quân mã của Hán, tướng sĩ tuy đầu hàng, nhưng thực lòng thì ít, mà bị trúng kế phải tùng quyền thì nhiều. Hán-trung tuy chiếm được, mà giữ không phải là dễ. Trong khi đó Thái-tử mang quân ra Trường-an tranh hùng với Quang-Vũ. Gốc là Hán-trung đã không vững, mà ngọn đi tranh dành với người, lòng quân tới tướng đều không yên. Xưa nay gốc loạn mà ngọn yên, không bao giờ có vậy. Lẽ tiến thối đó Vương-gia cũng dư biết, mà Thái-tử cũng dư biết. Nhưng tại sao vẫn làm? Đó chẳng qua muốn làm mất nhuệ khí của Quang-Vũ, hầu trấn an Lưỡng-xuyên, Kinh-châu mà thôi.

Công-tôn Khôi đứng lên chỉnh đốn y phục mà tạ rằng:

– Tướng quân đã biết cái lý như thế. Vậy có kế gì giúp ta chăng?

Vương Hữu-Bằng thưa:

– Bây giờ Vương-gia thử dụng những quan lại của Hán ở Đông-xuyên thăng thưởng, vỗ về cho họ đi trấn nhậm ở Nam Ích-châu như Độ-khẩu, Việt-tây, Hán-nguyên. Lại đem các tướng sĩ Thục từ vùng ấy về Hán-trung. Thế là không lo gì tướng mới hàng nữa. Vương-gia dùng lễ hậu mời các danh sĩ đất Xuyên ra giúp việc. Cử họ vào những chức vụ quan trọng, tất họ vì ơn tri ngộ mà hết lòng với Vương-gia. Như vậy đất Xuyên trở nên vững chắc, tướng sĩ xuất ra đánh Trường-an mới yên dạ.

Công-tôn Khôi chắp tay tạ ơn:

Phương-Dung nói với Vương Hữu-Bằng:

– Vương tướng-quân tài đâu kém gì Tiêu Hà? Vương-gia có con mắt tinh đời mới dùng được Vương tướng-quân.

Khi đó bỗng có quân báo:

– Ba tướng Phùng Dị, Lưu Thương, Vương Thường trở về đợi lệnh. Còn Ngô tướng-quân bị bệnh không về được.

Phương-Dung đứng lên từ tạ:

– Xin các vị ngồi đây để tôi ra tiếp ba người đó.

Ba tướng vào trướng thấy Phương-Dung thì chắp tay:

– Thưa Quân-sư chúng tôi về phục mệnh không biết bây giờ Lĩnh-nam vương ở đâu?

Phương-Dung sai bắc ghế mời ba tướng ngồi rồi hỏi:

– Kể về tài, về đức và thâm tình của các vị trước Thiên-tử so với Lĩnh-nam vương như thế nào?

Phùng Dị thưa:

– Chúng tôi là mạt tướng, đến diện kiến Thiên-tử còn khó khăn thay. Còn vương-gia trong là tình huynh đệ kết nghĩa với hoàng-đế. Ngoài tước phong tới vương, tay cầm trọng binh, lại có công cứu giá đến 20 lần thì bì thế nào được.

Phương-Dung thở dài:

– Thế mà Thục chưa đánh xong, Quang-Vũ nghe lời xàm tấu, tống giam Vương-gia, hạ lệnh bắt các tướng. Vì vậy anh hùng Lĩnh Nam đến thay các vị đã mở cửa cho Thục vào. Trả lại thành của họ, và kéo quân đổi thành cờ Thục, kéo ra Trung-nguyên đánh Quang-Vũ. Thục tiếp tất cả các thành đã mất. Chúng tôi dùng binh phù của Vương-gia truyền đi, lấy Kinh-châu, Hán-trung. Hiện tiến chiếm hết Lĩnh Nam. Đạo Hán-trung tiến ra đánh Trường-an, đạo Kinh-châu tiến đánh Nam-dương. Vậy tùy ba tướng muốn hàng Thục thì được trọng dụng, hoặc mang đầu về cho Quang-Vũ chém thì cứ tự tiện.

Ba tướng nghe tin ngơ ngẩn xuất thần. Họ không biết sẽ phải quyết định ra sao. Phương-Dung nói:

– Ba vị không tin thì vào trong kia sẽ rõ. Nào mời ba vị!

Ba người vào thấy Đào Kỳ, Khất đại-phu đang ngồi dự tiệc với Công-tôn Khôi, Vương Hữu-Bằng, Lý Thái-Hiên, Chu Á-Dũng.

Phùng Dị hỏi Vương Hữu-Bằng:

– Vương tham-quân, cái gì đã xảy ra vậy?

Công-tôn Khôi cười lớn:

– Phùng tướng-quân, Vương tham-quân bây giờ là Trấn-bắc tướng-quân, tước Thiên-thủy hầu, lĩnh Hán-trung Thứ-sử của Thục rồi đó.

Lưu Thương ngơ ngẩn:

– Tôi không tin! Tôi không tin.

Phương-Dung vẫy tay:

– Tướng quân không tin ư? Thôi tôi để ba tướng Phùng, Lưu, Vương nói chuyện với ba tướng Lý, Vương, Chu.

Nàng vẫy Công-tôn Khôi, Đào Kỳ, Khất đại-phu ra ngoài.

Bốn người đang chuyện trò, thì Sún Lé chạy vào gọi lớn:

– Sư tỷ! Sư tỷ có thư của sư bá Lương Hồng-Châu do thần-ưng mang về.

Phương-Dung cầm lấy mở ra coi:

"Ta cùng Triệu Khuôn, Quế, Quỳnh-Hoa tiếp nhận các thành Ba-trung, Nam-giang, Kiếm-các. Các tướng Phùng Dị, Vương Thường, Lưu Thương đã lên đường về trình diện cháu. Còn Ngô Hán dường như y nghi ngờ, cáo bệnh, không chịu đi. Ta phải trở mặt. Toàn bộ tướng sĩ đạo Hán-trung dưới quyền Ngô Hán cùng ta kịch chiến. Một nửa đầu hàng, một nửa cùng Ngô Hán kéo hơn ba vạn quân về giữ Tử-dương, chiếm Hán-thủy. Ta đã tiến quân lên vây Tử-dương. Các thành giao cho Thục. Tướng Hán bị ta giết là Tây-lương thứ-sử Mã Thành. Hán-trung Thứ-sử Sử Hùng. Rất tiếc, nhưng bất đắc dĩ. Cáp Diên cũng chạy theo Ngô Hán."

Phương-Dung trở vào trong trướng. Công-tôn Khôi nói:

– Đào phu-nhân. Ba vị tướng quân đều chịu đầu Thục cả rồi. Để tôi giới thiệu với phu-nhân. Phùng tướng quân, tước quan Nội-hầu, lĩnh Tử-dương thái thú. Vương tướng-quân là Phục-ba tướng quân, tước Cao-dương hầu, lĩnh Lạc-nam Thái-thú. Còn Lưu tướng-quân lĩnh Trung-quân tư-mã, lĩnh Vạn-tín hầu.

Phương-Dung kể chuyện biến cố cho mọi người nghe.

Đào Kỳ ôm đầu tỏ vẻ buồn:

– Tiếc thay Mã Thành, Sử Hoành không được gặp chúng ta nên mới chống lại, bị giết thật đáng buồn. Còn Ngô Hán chắc y không đầu hàng đâu, chúng ta phải đánh thành Tử-dương, nếu không đạo quân đánh ra hang Tý-ngọ bị chặn mất đường về.

Công-tôn Khôi mừng hớn hở:

– Thế là việc tiếp thu các thành trì của Ích-châu thành công. Thành Tử-dương bên trong có hai vạn quân cộng với ba vạn của Ngô Hán, là mối lo lớn cho chúng ta. Vậy chúng ta phải đánh ngay mới được.

Vương Hữu-Bằng cười:

– Hiện nay Thục đã tiến chiếm lại hết các thành của Hán, chiếm Tây-xuyên, Kinh-châu. Nhưng vẫn chưa đổi cờ hiệu Hán, nên Ngô Hán mới giữ được thành Tử-dương. Chỉ cần ngày mai, khi ba đạo quân Tý-ngọ, Tà-cốc, Võ-đô tiến đánh Thiên-thủy, Kỳ-sơn, Trường-an rồi thì các nơi đổi cờ Thục một lượt, quân trong thành Tử-dương rúng động. Lương thảo của thành Tử-dương để ở An-khang. Mà An-khang bị chiếm, trong thành lại thêm ba vạn quân Ngô Hán nữa, chỉ hai ngày là chết đói. Ngô Hán là người tài kiêm văn vũ, chắc y sẽ cho mở cửa thành, đánh liều một trận rồi chạy về phía Cốc-thành phía Đông. Ta cần phục binh bắt lấy quân, chứ không cần bắt Ngô Hán. Vì bắt thì y không hàng. Y không hàng chẳng lẽ lại giết để mất lòng tướng sĩ Hán.

Đào Kỳ gật đầu:

– Vậy xin Vương-gia cùng Vương tướng-quân lo đánh thành Tử-dương. Sau khi đánh Tử-dương lập tức phái đạo quân của sư bá Lương Hồng-Châu và Xa-kỵ tướng-quân Nhiệm Mãng ra Tà-cốc tới Kỳ-sơn trợ chiến cho đạo quân của Công-tôn thái-tử và Hoàng sư tỷ.

Công-tôn Khôi nói:

– Nhờ Khất đại-phu và anh hùng Lĩnh Nam, bỗng nhiên tôi được một lúc 6 đại-tướng. Tôi xin giữ lại ba, còn ba sẽ đưa ra Kỳ-sơn trợ chiến, đánh cho Quang-Vũ thất điên bát đảo.

Nói về Hoàng Thiều-Hoa thống lĩnh đạo chính binh đi theo ngã Tà-cốc. Tề-vương Tạ Phong của bên Thục là người lớn tuổi, kinh nghiệm hành quân, mang theo nhiều binh tướng dũng mãnh. Từ Hán-trung ra Trường-an thuộc thẩm quyền Nghiêm Sơn, nên đi đến đâu Tạ Phong cũng dùng binh phù của Nghiêm Sơn. Nên chỉ mấy ngày sau họ đã tới Kỳ-sơn.

Tạ Phong chỉ lên bản đồ nói với Thiều-Hoa:

– Vương-phi, xuất khỏi Tà-cốc có một thành nhỏ tên là My-thành, My-thành là một huyện nhỏ chỉ có khoảng 300 quân trấn đóng. Sau My-thành tới Phù-phong, tại đây có trọng binh đồn trú. Thái-thú Phù-phong là người cũ của vương-gia, trí dũng không thua gì vương-gia. Tài của y ngang với Ngô Hán, Đặng Vũ, xin vương-phi định liệu. Vạn bất đắc dĩ phải đánh nhau với y là một điều tai hại lớn. Y tên Đô Dương người Lĩnh Nam. Tuy làm Thái-thú, phong tước hầu, mà y vẫn chưa lấy vợ. Y đợi về Lĩnh Nam cưới con gái Việt.

Hoàng Thiều-Hoa hỏi lại:

– Trong thành có bao nhiêu quân đồn trú? Có bao nhiêu cao thủ?

Tiền đô-đốc Lý Thái-Hiên bên Hán mới đầu hàng Thục đáp:

– Trong thành có 5 vạn quân bộ, 1 vạn quân kỵ. Thái-thú tên Đô Dương, y là người nghĩa hiệp xuất thân, theo Lĩnh-nam vương chinh chiến có công được cử làm thái-thú Phù-phong, tước Tân-bình hầu. Năm nay tuổi khoảng 30. Phong tư, tài mạo tuyệt vời. Người đất Giao-chỉ hay Cửu-chân gì đó.

Phương-Dung hỏi:

– Theo đô-đốc ước đoán liệu y sẽ trung thành với Hán hay sẽ theo chúng ta?

Lý Thái-Hiên đáp:

– Khó mà đoán được y sẽ nghiêng về bên nào. Theo ý tiểu tướng, binh bất yếm trá. Chúng ta dùng binh phù vương-gia gọi y đến. Y theo thì tốt, y không theo thì bắt lấy rồi chiếm thành. Có điều vùng này không thuộc quyền của vương-gia, e rằng dùng binh phù không hiệu nghiệm.

Phương-Dung cười:

– Được, điều đó có khó gì đâu. Tôi đã có kế.

Phương-Dung gọi Nguyễn Giao-Chi và Nguyễn Tín tới:

– Sư huynh, sư tỷ cầm binh phù của Lĩnh-nam vương tới Phù-phong, gọi thái-thú Đô Dương tới đây tiếp kiến vương-gia. Nhớ đừng để lộ hình tích.

Nàng lại gọi hàng tướng Hán là Vương Thường, tước mới là Phục-ba tướng quân lại dặn:

– Tướng quân cùng với Giao-long nữ đi tiên-phong kéo cờ Hán giả làm quân Ngô Hán về Trường-an tiếp giá. Huyện lệnh My-thành tất ra đón. Tướng quân chiếm lấy thành. Cần nhất đừng cho một người nào chạy thoát.

Nhắc lại hai anh em Nguyễn Tín, Giao-Chi, dùng ngựa trực chỉ hướng Phù-phong. Chiều tối đó tới nơi, Giao-Chi quan sát thành, thấy tường cao, hào sâu. Nàng nói với Nguyễn Tín:

– Anh coi, thành cao như thế này, mà đánh làm sao vào được?

Hai người nhập thành trời chập choạng tối. Giao-Chi hỏi thăm đường tới phủ thái-thú. Tới nơi, nàng nói với quân canh:

– Ngươi vào báo với Đô thái-thú có sứ giả của Lĩnh-nam vương tới yết kiến trình mật thư.

Lát sau một hán tử trung niên, dáng điệu hùng vĩ đi ra. Giao-Chi nói nhỏ với anh:

– Anh xem, Đô Dương coi bộ to lớn không kém gì sư bá Cao Cảnh-Minh. Lý Thái-Hiên bảo Đô Dương phong tư tài mạo tuyệt vời quả đúng. Ừ sao những người thân với Nghiêm đại-ca đều có cử chỉ giống nhau như vậy nhỉ?

Đô Dương bước tới trước mặt. Giao-Chi chắp tay xá, nói tiếng Việt:

– Tiểu muội là Nguyễn Giao-Chi ở đất Lĩnh Nam, cùng anh là Nguyễn Tín, vâng lệnh Lĩnh-nam vương yết kiến Đô sư-huynh.

Đô Dương chắp tay mời:

– Thì ra hai vị là chỗ sư huynh, sư đệ với Nghiêm đại-ca đấy. Xin mời vào. Tôi gốc người Cửu-chân, Lĩnh Nam.

Y nói câu đó bằng tiếng Việt rất rõ ràng. Y còn nhại giọng của Giao-Chi nói chữ Lĩnh thành chữ Nĩnh làm hai người cười ồ lên. Thế là cả ba không còn khách sáo nữa. Họ chuyện trò như pháo rang. Đô Dương kể những kỷ niệm hồi thơ ấu cùng Nghiêm Sơn tập võ với nhau, sau đó y theo Nghiêm Sơn chinh chiến khắp Trung-nguyên. Y nói:

– Trong trận đánh Côn-dương, tôi với Nghiêm đại-ca tả xung hữu đột bắt Vương Mãng. Nghiêm đại-ca bị thương đến bốn nơi, còn tôi bị thương hết ba nơi. Chiến trường kéo dài trên 40 dặm. Phía Vương Mãng chết hơn 20 vạn, phía Hán hơn 10 vạn. Trận đánh thực khủng khiếp.

Tới phủ Thái-thú, Đô Dương sai pha trà đãi khách. Phân ngôi chủ khách, y cất tiếng hỏi:

– Nghiêm đại-ca vẫn mạnh khỏe chứ?

Giao-Chi đáp:

– Nghiêm đại-ca vẫn bình thường. Người từ Lĩnh Nam trở về phạt Thục, thành công. Nay trên đường về Trường-an yết kiến Thiên-tử. Người hiện đang ở My-thành. Người nhớ đến Đô huynh, sai chúng tôi thỉnh sư huynh đến My-thành đàm đạo. Nói rồi trình binh phù của Nghiêm Sơn. Đô Dương kính cẩn cầm lấy để sang bên cạnh. Y hỏi về tình hình Lĩnh Nam và binh Thục. Giao-Chi cứ sự thực trình bày. Nàng dấu đoạn anh hùng Lĩnh Nam phản Hán giúp Thục. Đô Dương truyền gia nhân thết tiệc đãi khách. Tiệc đang giữa chừng, quân vào báo:

– Có Thánh-chỉ khẩn cấp từ Trường-an tới.

Đô Dương vội vàng đứng lên nói:

– Hai em cứ tự tiện, để ta ra tiếp chỉ đã.

Đô Dương đứng lên, Giao-Chi cũng liếc mắt nhìn Nguyễn Tín rồi đi theo. Tới công đường sứ giả người đầy bụi, chứng tỏ vừa trải qua một cuộc hành trình cực nhọc. Đi theo sứ giả là một võ quan, lưng đeo bảo kiếm tướng mạo uy nghiêm. Đô Dương quỳ xuống hướng về Trường-an lạy bốn lạy, nói:

– Hạ thần thái-thú Phù-phong, Tân-bình hầu kính cẩn tiếp chỉ.

Sứ giả mở cuộn giấy cầm lên định đọc. Bất thần viên võ quan rút kiếm chém một nhát vào cổ Đô Dương.

Động tác thần tốc vô cùng. Giao-Chi, Nguyễn Tín thất kinh, không kịp đưa kiếm cứu Đô Dương. Hai người xuất chưởng tấn công viên võ quan, để y phải thu kiếm về tự cứu mình. Y vội chuyển lưỡi kiếm về hướng cổ Giao-Chi, còn tay trái đỡ chưởng của Nguyễn Tín.

Đô Dương thấy kiếm viên võ quan đánh xuống đầu mình, những tưởng sẽ nguy đến tính mạng, không ngờ được Giao-Chi, Nguyễn Tín cứu. Y lăn mình đi một vòng, nhảy vọt lên cao. Thì vừa lúc Giao-Chi đã rút kiếm ra đấu với viên võ quan. Hai kiếm chạm nhau choang choang, tóe lửa. Giao-Chi yếu thế lui dần. Nguyễn Tín cũng rút kiếm nhảy vào vòng chiến với em. Viên võ quan kiếm thuật rất tinh vi, nội lực hùng hậu. Nhưng hai anh em Nguyễn Tín, Giao-Chi hợp lại, khiến y luống cuống. Đô Dương thấy Giao-Chi thắng thế, y quay lại chụp tên sứ giả. Viên sứ giả lạng người đi tránh khỏi, rồi phát chưởng tấn công. Đô Dương nhảy lùi lại phía sau, rút thanh kiếm treo trên tường đâm sứ giả, hỏi:

– Các người là ai, mà dám đến đây ám sát ta?

Sứ giả quát lớn:

– Ta tuân chỉ Thiên-tử đến đây bắt phản tặc.

Đô Dương tấn công ba chiêu kiếm liền, đẩy lùi sứ giả hỏi:

– Ngươi bảo rằng tuân chỉ, thế chiếu chỉ đâu? Tại sao chưa đọc chiếu chỉ đã hành thích ta?

Có tiếng nói ở ngoài:

– Đây chiếu chỉ đây.

Một người mặc quần áo đen, rút kiếm tấn công Đô Dương, kình lực mạnh vô cùng. Đô Dương vung kiếm đỡ. Hai thanh kiếm chạm nhau, Đô Dương cảm thấy cánh tay tê rần. Y quát lớn:

– Quân bây đâu, hãy vào bắt tụi giặc này cho ta.

Khi viên võ quan tấn công Đô Dương, quân hầu đã chạy ra ngoài kêu binh sĩ. Bây giờ binh sĩ tràn vào bao vây công đường.

Đô Dương quát lớn:

– Ngừng tay.

Giao-Chi, Nguyễn Tín ngừng tay nhảy lui lại. Quân sĩ dương cung chĩa vào sứ giả, viên võ quan và người mặc quần áo đen, chỉ chờ Đô Dương ra lệnh là buông tên.

Đô Dương truyền lệnh:

– Các ngươi mau ra đóng cửa thành. Canh phòng cẩn mật. Không có lệnh của ta, không được mở cửa.

Y quay lại hỏi ba người:

– Các ngươi chịu hàng chưa? Nếu không chịu hàng, ta ra lệnh buông tên.

Ba người nhìn nhau hội ý, buông vũ khí. Đô Dương truyền trói cả lại. Y ngỏ lời cảm tạ Giao-chi, Nguyễn Tín đã cứu y. Một lát sau các tướng sĩ trong thành tề tựu, báo cáo:

– Quân sĩ được điều động lên mặt thành. Canh phòng nghiêm mật.

Đô Dương hỏi viên sứ giả:

– Ngươi tên là gì? Tại sao lại đến đây hành thích ta?

Sứ giả đáp:

– Ta là Phương Trọng giữ chức hiệu-úy trong đội cấm quân của Thiên-tử. Còn viên võ tướng này là Vũ-vệ thường-thị Mao Bạch.

Đô Dương chỉ người mặc quần áo đen hỏi:

– Tên này là ai?

Phương Trọng đáp:

– Một võ sĩ được Thái-hậu cử theo giúp chúng ta. Y tên Quách Anh.

Đô Dương khám trong mình ba người thấy, ngoài vàng bạc đã dùng ra, còn có thêm một phong thư. Y bóc ra đọc:

Lệnh cho Vũ-vệ thường-thị Mao Bạch và Vũ-vệ hiệu-úy đi công cán tại Trường-an. Quan quân các cấp từ thái-thú trở xuống, đều phải tuân lệnh điều động.

Khâm thử.

Dưới đóng ấn của Thái-hậu.

Đô Dương thấy việc trọng đại, truyền cho quân sĩ lui ra, rồi hỏi:

– Chỉ dụ của Thái-hậu cho các ngươi đi công cán, chứ đâu có cho lệnh các ngươi giết công thần. Ta đây xuất thân bằng võ nghiệp, lăn mình vào chốn gươm đao lập công, nên mới được phong Hầu, lĩnh chức Thái-thú. Tại sao các ngươi muốn giết ta.

Phương Trọng cười gằn:

– Thái-hậu sai chúng ta giết ngươi là vì gốc gác ngươi là con chó Việt ở đất Lĩnh Nam. Ngươi theo Nghiêm Sơn làm phản. Khi ta tới đây, cũng vừa lúc bộ hạ Nghiêm Sơn làm phản, đánh Trường-an. Trường-an nhờ có Phù-phong là ải che phía ngoài, nếu Phù-phong lọt vào tay Nghiêm Sơn, Trường-an sẽ lâm nguy. Ta không kịp điều động binh mã, vội giả chiếu chỉ giết ngươi, hầu giữ vững Phù-phong. Nhưng việc không thành. Thôi ngươi giết chúng ta quách.

Đô Dương nói:

– Ngươi nói láo. Lĩnh-nam vương đối với Thiên-tử tuy là nghĩa vua tôi nhưng thực ra là tình huynh đệ. Vương-gia một tay dựng lên cơ đồ nhà Hán. Tính tình hào sảng, ước hẹn với Thiên-tử rằng sau khi bình thiên hạ, người sẽ trở về đời sống giang hồ. Tại sao ngươi bảo Vương-gia phản bội?

Giao-Chi nghĩ ra một kế bảo Đô Dương:

– Đại-ca ra ngoài xem có ai đứng rình không? Tiểu muội sẽ nói cho đại-ca nghe nguyên ủy của vụ này.

Đô Dương đứng lên ra ngoài. Giao-Chi rút kiếm chém bay đầu Mao Bạch và Phương Trọng. Rồi nàng cắt dây trói cho Quách Anh bảo y:

– Ngươi nhảy qua cửa sổ trốn mau.

Quách Anh ngỡ ngàng một lúc, rồi vọt qua cửa sổ biến mất vào trong đêm.

Đô Dương vào thấy Mao Bạch, Phương Trọng đầu một nơi, mình một nẻo thì thất kinh hỏi:

– Cái gì đã xảy ra?

Giao-Chi nói:

–Tiểu muội giết hai tên này và tha Quách Anh rồi.

Đô Dương ngạc nhiên hỏi:

– Thế nghĩa là thế nào?

Giao-Chi tường thuật tất cả nội vụ cho Đô Dương nghe rồi kết luận:

– Thái-hậu lợi dụng Nghiêm đại-ca đang bị giam, cho người đi các nơi giết hết chân tay đại-ca, để Quang-Vũ không dám tha Nghiêm đại-ca nữa, vì sợ đại-ca sẽ phản. Đô đại-ca! Đại ca là bạn từ nhỏ của Nghiêm đại-ca, dĩ nhiên Thái-hậu phải trừ đầu tiên.

Đô Dương thở dài:

– Tại sao sư muội không giết Quách Anh luôn mà lại thả y ra?

Giao-Chi lắc đầu:

– Thả y ra để y về báo cáo với Thái-hậu, như vậy dù muốn, dù không đại-ca cũng phải phản Hán.

Nàng tiếp:

– Đô đại-ca! Đại-ca là người Lĩnh-nam, làm quan với Hán thì vinh dự gì? Dù đại-ca lập được công trạng như Hàn Tín, Nghiêm đại-ca chăng nữa, thì kết quả cũng đến bi thảm mà thôi. Chi bằng phất cờ đánh Trung-nguyên giúp Thục, chia ba thiên hạ, thì mới mong giữ được Lĩnh-nam nhà mình. Đại-ca là người đọc sách nhiều, kiến thức rộng, đại ca có biết con ngựa của đất Hồ, đem vào Trung-nguyên, khi gió Bấc thổi mạnh, thì nó hí những tiếng đau thương vì nhớ cố thổ không? Lại nữa, con chim đất Việt, bay lạc sang Trung-nguyên bao giờ nó cũng làm tổ hướng về Nam. Đến loài cầm thú còn không quên nguồn gốc, huống hồ con người, hơn nữa là một người như đại-ca.

Đô Dương là người văn võ kiêm toàn, kiến thức rộng. Y theo Ngiêm Sơn đã lâu, hiểu rõ tình thế. Y đứng lên nói:

– Đa tạ sư đệ, sư muội đã khuyên ta. Bây giờ ta tập họp tướng sĩ, ai nghe thì để, ai chống lại sẽ giết ngay.

Giao-Chi hỏi:

– Tướng sĩ ở đây, có ai võ công cao không?

Đô Dương lắc đầu:

– Họ hầu hết là người Hán bản lĩnh không phải tầm thường, nhưng không ai địch lại ta đâu. Hiện ta có đội cung thủ 100 người theo ta từ đất Lĩnh Nam, rất trung thành. Ta sẽ dùng vào việc này.

Đô Dương dặn Giao-Chi, Nguyễn Tín mấy câu, rồi lại gọi đội cung thủ dặn dò cẩn thận. Sau đó y đánh trống họp các tướng. Các tướng trên từ đô-úy, đô-sát cho tới các thiên-tướng, tiền-tướng đều tề tựu. Đô Dương đếm đủ 20 người.

Chàng đợi các tướng an vị xong, nói:

– Vừa rồi có thích khách giả chiếu chỉ đến định giết ta. Nhưng nhờ các tướng đã bắt được ba tên. Sau khi khám trong người họ, thấy có mật chỉ của thái-hậu. Thì ra thái-hậu mưu giết công thần như xưa kia Lã-hậu giết Hàn Tín. Ta tra hỏi bọn chúng được biết: Thiên-tử không phải con đẻ của thái-hậu. Thái-hậu muốn phế thiên-tử, lập người khác nhưng bà sợ Lĩnh-nam vương cầm quân bên ngoài. Bà cho người đi trừ hết vây cánh của vương. Bây giờ việc này đã lộ ra rồi, bây giờ dù chúng ta theo thiên-tử, sau này thiên-tử cũng giết chúng ta để bịt miệng, vì cái vụ mẫu thân của thiên-tử là kỹ nữ. Còn theo thái-hậu cũng không được, vì chúng ta đã giết người của thái-hậu. Vậy ta mời các tướng lên đây, nói cho các tướng biết. Ta quyết trở về Lĩnh Nam. Ai theo ta thì theo. Ai không theo thì mang đầu về Lạc-dương cho thái-hậu chém. Còn ai không muốn theo ta, đầu hàng Thục cũng được, ta không cấm cản.

Đô Dương lấy mật chỉ của Thái-hậu đọc cho các tướng nghe. Các tướng nhìn nhau, người người ngơ ngác.

Đô sát Đặng Vinh hỏi:

– Quân hầu bảo chúng tôi đầu Thục, liệu Thục có nhận chúng tôi không?

Đô Dương nói:

– Hiện Thục binh đã chiếm My-thành, Thiên-thủy vượt Tý-Ngọ đến sát Trường-an. Tôi dám quyết các vị đầu Thục đều được trọng dụng.

Các tướng còn ngần ngừ, thì trên nóc công đường, một người nhảy xuống, người chưa tới đã vung chưởng đánh xuống đầu Đặng Vinh. Chưởng lực của y hùng mạnh không thể tưởng. Các tướng trong công đường đều như muốn nghẹt thở. Đặng Vinh nhảy xéo lại, tay đẩy một chưởng đánh vào giữa chưởng của y. Y thu chưởng về, biến thành trảo, chụp xuống đầu Đặng Vinh. Đặng Vinh biến chưởng của mình thành cầm nã, chụp vào cổ y. Bốn tay đụng nhau, Đặng Vinh cảm thấy cánh tay tê dại.

Hai người chỉ trong chớp nhoáng biến đổi chiêu thức ba lần, chiêu nào cũng đều ác độc phi thường, khiến các tướng đều khâm phục.

Bây giờ các tướng mới nhìn rõ người nhảy xuống, y tuổi trạc 45, lưng đeo bảo kiếm, y nói lớn:

– Các người là tướng nhà Đại-hán, phải đem xương máu đền đáp thiên-tử, chứ có đâu lại đi hàng Thục? Nào các ngươi hãy giết chết Đô Dương, Đặng Vinh, giữ vững thành trì. Ta tâu lên thiên-tử, công lao các ngươi không nhỏ.

Đô Dương ngắm nhìn đối phương, thấy dáng người dường như không phải người Trung-nguyên, mà là người vùng Lĩnh Nam. Qua mấy chiêu thức vừa rồi, chàng nhận ra đó là võ công vùng Giao-chỉ. Có điều chàng ngạc nhiên rằng đối thủ vào công đường, ẩn trên nóc từ bao giờ, mà bằng này người không hay biết gì cả. Không biết y có cùng bọn với sứ giả Thái-hậu không?

Chàng ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói:

– Tiếc thay cho mi là một hào kiệt đất Lĩnh Nam, mà lại cam tâm đi làm chó săn, chim mồi cho Quang-Vũ. Ta hỏi mi điều này: Công lao mi lập với Quang-Vũ liệu có bằng một phần trăm của ta không? Thế mà ta không làm gì nên tội, thái-hậu cử người đến ám sát ta. Sau này tiền đồ ngươi cũng chẳng hay gì? Lại như Lĩnh-nam vương một tay gây dựng nên cơ đồ cho Quang-Vũ, một đêm đánh 20 trận, bị thương 15 lần, vào sinh ra tử cả ngàn lần. Rồi một người, một ngựa, bình 6 quận phía Nam. Cho đến khi Ngô Hán, Mã Viện đánh Thục bị thua, lại cũng phải mời người về cầm đại cuộc. Thế mà quân mới vào Thành-đô, Quang-Vũ đã trở mặt bắt giam người. Ta đây dù tước phong tới Tân-bình hầu, giữ chức Thái-thú, nhưng ta là người võ hiệp, ta quyết phản Hán. Hơn nữa ta đem ba thước gươm hỏi tội Quang-Vũ. Nếu ngươi là hảo hán, hãy nói tên họ cho chúng ta biết.

Nguyễn Giao-Chi đứng ngoài xen vào:

– Đô đại-ca! Người này họ Chu tên Bá, con rể của Lê Đạo-Sinh ở Giao-chỉ. Trong 10 đệ tử của Lê Đạo-Sinh, y là người có tài nhất. Tương đối y có tư cách. Y giữ chức huyện-úy Bắc-đái. Mới hôm trước đây, Lê Đạo-Sinh xuất lĩnh đệ tử giúp Thục, âm mưu phế trưởng lập thứ không xong, y lại sang theo Quang-Vũ.

Đô Dương:

– Thì ra Chu Bá huynh đấy. Từ Giao-Chỉ tới Phù-phong, đường xa vạn dặm, mà tôi đã nghe được danh tiếng người. Người tuy làm huyện-úy mà lòng dạ thực là tốt với dân chúng. Chu huynh, ngươi hãy bỏ chức huyện-úy nhỏ bằng hạt vừng, hạt đậu về với Lĩnh Nam phục hồi quốc thổ, muôn ngàn năm sau tên người còn ghi vào thanh sử, còn hơn đi theo Quang-Vũ ô danh muôn đời. Nào mời Chu huynh ngồi xuống đây với chúng tôi.

Chu Bá không khiêm nhượng y ngồi xuống nói:

– Mã thái-hậu truyền chỉ cho Mao Bạch, Phương Trọng, Quách Anh cùng ta đi ám sát Đô huynh. Dọc đường, ta nghe chúng bàn riêng với nhau rằng, sau khi giết được Đô huynh, sẽ ám sát ta để diệt khẩu. Vì vậy chúng ta đột nhập vào thành Phù-phong, định bất thình lình ám sát Đô huynh. Đô huynh đánh nhau với chúng, ta nhất định không xuất hiện, để chúng cho Đô huynh giết. Còn ta có chủ ý chống Đô huynh, thì tội gì nhảy xuống nơi đây để mất mạng? Chẳng qua ta thử Đô huynh mà thôi.

Bỗng có tiếng nói:

– Dù thử Đô Dương hay dù muốn ám sát Đô Dương cũng khó, vì có ta ở đây.

Đô Dương quát lớn:

– Ai?

Có tiếng nói:

– Tề-vương, Đào huynh đệ, Phương-Dung, chúng ta xuất hiện đi.

Lập tức từ trên mái nhà có bốn người nhảy xuống. Chu Bá nhận ra Khất đại-phu, vội vàng đến trước mặt quỳ xuống làm lễ:

– Đệ tử Chu Bá xin tham kiến đại sư-bá. Kính chúc sư bá sống lâu trăm tuổi.

Khất đại-phu cười hề hề, đỡ Chu Bá dậy:

– Trong các đệ tử của Lê sư đệ, ta kỳ vọng vào cháu nhất. Bây giờ cháu đã về với Lĩnh Nam, tương lai cháu không vừa. Được ta nhận cháu làm đệ tử của ta.

Chu Bá mừng quá, vội quỳ xuống lậy tám lậy. Chúng ta nên biết, Khất đại-phu nổi tiếng về y đạo, võ công, đạo đức. Người người đều gọi ông là tiên ông, ai cũng mong được yết kiến ông thì mới phỉ dạ. Bây giờ ông nhận Chu Bá làm đệ tử, y mừng không biết đâu mà kể.

Giao-Chi giới thiệu Khất đại-phu, Đào Kỳ, Phương-Dung với mọi người. Đô Dương truyền đổi cờ Hán thành cờ Thục. Chàng cầm ấn tín trao cho Tề-vương Tạ Phong:

– Vương gia, đây là ấn thái-thú Phù-phong xin dâng Vương-gia. Còn tôi xin về Lĩnh Nam chứ không ở đây nữa.

Tề-vương Tạ Phong cầm ấn giao cho Đặng Vinh:

– Đặng đô-úy, kể từ giờ này ngươi là Thái-thú Phù-phong. Tước Tân-bình hầu để thay Đô đại-hiệp. Các tướng lĩnh nhất thiết giữ nguyên, thăng mỗi người lên hai cấp. Quân sĩ được phát phụ trội hai tháng lương. Bao nhiêu tù nhân mở cửa thả hết.

Sau khi ăn tiệc Phương-Dung nói với Tề-vương:

– Vương-gia, xin ở lại chờ đạo Thiên-thủy, Tý-ngọ rồi hãy đánh Trường-an. Chúng tôi đi Trường-an cứu Nghiêm đại-ca.

Nàng nói với Đô Dương;

– Đô đại-ca! Đại-ca với Lĩnh-nam vương tình như ruột thịt. Đại-ca hãy cùng chúng tôi đi cứu Nghiêm đại-ca được không?

Đô Dương nói:

– Chúng ta có mật chỉ của thái-hậu, thì cứ giả làm Mao Bạch, Phương Trọng, Quách Anh hành sự. Vì ba nhân vật này chức rất nhỏ, khó có người biết mặt. Khất đại-phu giả làm Mao Bạch, Đào sư đệ giả làm Quách Anh, tôi giả làm Phương Trọng. Chu sư huynh thì giữ nguyên thân phận. Ngay đêm nay chúng ta đi Trường-an mới kịp.

Giao-Chi nhăn mặt nói với Phương-Dung:

– Sư muội! Sư muội không cho chị đi sao?

Phương-Dung chưa nói, Khất đại-phu bản tính dễ dãi, ông nói:

– Cháu gái muốn đi thì cứ đi, chứ có gì trở ngại đâu!

Sáu người dùng ngựa chuẩn bị lên đường. Phương Dung hỏi Giao-Chi:

– Em hỏi chị câu này nhé. Tại sao chị giết Mao Bạch, Phương Trọng, mà lại tha Quách Anh?

Giao-Chi cúi xuống cười xấu hổ, nàng nói sẽ:

– Chị bắt chước Vĩnh-Hoa lập mưu.

Phương-Dung nghiêm mặt:

– Điều đầu tiên em khuyên: Chị là con gái yêu của đệ tứ Thái-bảo phái Sài-sơn, võ công, đạo đức lừng thiên hạ. Chị đeo gươm, làm những chuyện vá biển lấp trời, dù việc làm của chị có thất bại hay thành công thì cũng là chuyện đại sự. Việc gì phải xấu hổ. Chị lập mưu thế nào, nói cho em nghe có được không?

Suốt thời gian vừa qua, Nguyễn Giao-Chi, Phùng Vĩnh-Hoa, hai chị em ở chung với nhau. Bất cứ việc lớn, việc nhỏ, Giao-Chi cũng hỏi Vĩnh-Hoa xem hành sự ra sao. Nên từ một cô gái chỉ biết nấu ăn ngon, đánh võ, bơi lội, đàn ca, nàng đã lĩnh hội được nhiều cung cách đối phó với biến cố. Giao-Chi được Phương-Dung giao cho việc liên lạc và thuyết phục Đô Dương. Nàng nhận lời, nhưng tự suy nghĩ không biết Đô Dương có chịu bỏ tước Tân-bình hầu và chức Thái-thú hay không? Thì vừa may gặp đoàn ám sát của Mã thái-hậu tới, rồi xảy ra cuộc chiến. Lúc thẩm vấn Quách Anh, Mao Bạch và Phương Trọng, nàng thấy Đô Dương có vẻ sợ sệt thái-hậu. Mà sợ sệt có nghĩa là còn tiếc quan chức của nhà Hán. Nàng đánh lừa cho Đô Dương ra ngoài, rồi nàng rút gươm giết Mao Bạch với Phương Trọng, sau tha Quách Anh ra. Nàng cho rằng nếu giết cả ba, có thể Đô Dương sẽ bắt nàng với Nguyễn Tín giết đi để phi tang hầu bảo vệ quan tước. Nàng tha Quách Anh, thì Đô Dương biết rằng không thể ngồi yên được nữa. Vì Quách Anh sẽ về tâu với Thái-hậu, e đầu của Đô khó giữ được trên cổ. Đô chỉ còn một con đường duy nhất là trở về với Lĩnh Nam mà thôi.

Phương-Dung giỏi điều binh khiển tướng, còn mưu mẹo nàng kém Vĩnh-Hoa. Hai người rất thân với nhau, hiểu nhau hơn hết. Nàng khen Giao-Chi:

– Nhà mình có phúc nên một cô thôn nữ, nhu mì, có bàn tay thần hóa phép thành những món ăn tuyệt vời, bây giờ cũng biết mưu mẹo. Mưu đó của chị cao thật, khiến Đô đại-ca phải trở về với Lĩnh Nam, nhưng có một điều không ổn.

Đô Dương hỏi:

– Phương-Dung bảo không ổn là thế nào? Ta thấy cô bé này hành sự linh mẫn như vậy, mà bảo không ổn, ta đâu có chịu. Thú thực khi ta chạy ra ngoài, trở vào thấy ba người của Mã thái-hậu, một người biến mất và hai người chết nằm đó. Thì dù ta không muốn phản Hán, cũng phải phản.

Phương-Dung nói:

– Giao-Chi tha cho Quách Anh, thì việc đầu tiên y chạy về tâu lại với thái-hậu rằng Đô thái-thú giết sứ giả làm phản.

Đô Dương vỗ đùi kêu lên:

– Thôi hỏng mất rồi, không ổn rồi. Giờ này có lẽ nó đã về tới Trường-an rồi cũng nên, thế thì chúng ta không giả mạo chúng về được nữa. Phương-Dung bây giờ phải làm thế nào?

Đào Kỳ cười:

– Cái không ổn của Giao-Chi là chỉ biết lập mưu cho xong vụ Đô đại-ca. Khi nghe Phương-Dung bàn giả làm người của họ đi Trường-an, thì Giao-Chi quên không đem vụ Quách Anh ra nói. Lúc xảy ra mọi chuyện chúng tôi núp ở ngoài biết hết. Quách Anh vừa vượt tường ra ngoài. Y bị Khất đại-phu bắt trói lại, đem về bản doanh quân Thục rồi.

Giao-Chi nhìn Đô Dương:

– Đô đại-ca, hồi trước Nghiêm đại-ca ghé qua trang ấp của bố em chơi, trong khi kể chuyện nhắc đến đại-ca nhiều lần.

Đô Dương cảm động:

– Nghiêm đại-ca dù ở cách xa vạn dặm cũng không quên tôi. Người đối với tôi vừa là sư phụ, vừa là sư huynh, vừa là thượng cấp. Nghiêm đại-ca gửi thư thăm tôi kể rằng đại-ca đấu võ với lệnh-tôn, bị lệnh-tôn đánh bại. Vậy võ công lệnh-tôn ít ra cũng bằng Khất đại-phu?

Khất đại-phu mỉm cười:

– Kể về tài đánh một người, hai người, tôi hơn Nguyễn Tam-Trinh. Còn tài đánh trăm người, nghìn người, vạn người thì Nguyễn Tam-Trinh hơn tôi nhiều lắm. Chuyện giao đấu trên sông Hồng-hà giữa Nguyễn Tam-Trinh với Nghiêm Sơn có Đào tiểu-hữu đây chứng kiến tận mắt. Thôi Đào tiểu-hữu kể lại cho mọi người nghe đi.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương