Đơn Kiếm Diệt Quần Ma
-
Chương 9: Hiên Viên thần chỉ trấn át Thanh Phong bang - Di Lặc nội công đả bại Lý Như Uyên
Tháng tư, hoa dương và tua liễu dễ gợi sầu tư của lữ khách. Lúc ấy ở phía nam thành Gia Trang, trong khách sạn Nghênh Tân, Vân Nhạc đang tựa thành giường, ngẩn người nhìn ra ngoài cửa sổ, bên ngoài có cây dương liễu phất phới trước gió, những tua dương bay vào trong phòng, rơi đầy cả mặt đất. Mặt trời mới mọc, trên không trong sạch không một đám mây, chỉ thấy một màu xanh biếc bao la, Vân Nhạc nhìn ra ngoài không chớp mắt, chỉ ngẩn người ra chớ không hề nghĩ ngợi gì, hình như chàng đang thưởng xuân hoài cảm thì phải.
Đêm hôm trước ở Cương Thượng về, lúc ấy canh tư sắp tàn, chàng không sao ngủ được... Khi trở về khách sạn, trên dọc đường, chỉ có Giang Dao Hồng ân cần cảm tạ thôi, chớ những người kia đều ngậm miệng làm thinh vì ai nấy đều nghĩ ngợi tâm sự của mình và hoài nghi Vân Nhạc, nhưng không ai hiểu tâm trạng và hoàn cảnh của chàng. Về tới khách điếm, mọi người chào nhau rồi uể oải về phòng nghỉ ngơi.
Khương Tôn Diệu, Đông Phương Ngọc Côn hai người vẫn không sao biết được Vân Nhạc đã sử dụng thủ pháp, thế võ nào hạ địch. Sự thật thì hai anh em không trông thấy động tác của chàng, tựa như ma quỷ vậy, chỉ thoáng một cái là tiêu tan ngay, cho nên cả hai cứ trầm tư lai lịch về môn phái của chàng luôn luôn. Hai người là những nhân vật mới nổi tiếng nhất trong vai vế hậu sinh, mà ngay như những lớp có tuổi, đã mấy ai giỏi bằng hai chàng. Nhưng so sánh với Vân Nhạc thì hai chàng chỉ là những ngôi sao nhỏ tí, đứng cạnh vầng trăng tròn.
Ải Phương Sóc cũng nghĩ thầm:
- Hai mươi năm trước, mình vô hình chung nhặt được cuốn Ngũ Hành Khí Công Chân Khuyết, định kiếm người em kết nghĩa để cùng nghiên cứu, nhưng Truy Hồn Phán Tạ Văn hành tung bất định, không sao tìm thấy. Mình mới ẩn núp ở trên núi Tung Sơn, khổ tâm nghiên cứu sáu năm mới hạ sơn... Không ngờ ta với chú em kết nghĩa lại vĩnh biệt. Mười lăm năm lang bạt trên giang hồ, ngày giờ nào cũng muốn trả thù cho Tạ Văn, nhưng kẻ thù của y quá nhiều và chúng đều giấu giếm tên họ, nếu chưa điều tra rõ là ai thì ta trả thù sao được. Tối hôm qua, gặp dòng dõi của bái đệ ta thấy thân pháp và thủ pháp thâm kỳ khôn tả. Ta là người giàu kinh nghiệm và oai vọng như vậy, đa số các môn phái võ lâm trong thiên hạ, đều biết rõ còn có thể phê bình được lai lịch của y... Huống hồ y tuổi mới đôi mươi, đã làm trưởng lão của Cái Bang rồi. Hiện giờ thế lực của Cái Bang lan khắp thiên hạ, vai vế và quy luật môn phái rất nghiêm khắc như thế, mà sao y lại là trưởng lão... Thế này thì ta có là thần thánh cũng chưa chắc thấu hiểu được?
Còn phần Giang cô nương thì đang lo âu việc sau này. Nàng là người tứ cố vô thân, bốn bể mênh mông, không biết nương thân nơi nào mới được yên ổn... Càng nghĩ nàng càng cảm hoài thân thế, không sao cầm nổi nước mắt tuôn rơi.
Chính ra, Vân Nhạc định sáng nay khởi hành lên miền bắc ngay, không ngờ gặp gỡ thế bá họ Kinh... Đêm hôm qua giở môn võ công kinh người khiếp đởm, chàng không định tâm giày vò hay dọa nạt ai cả, chỉ hận Thanh Phong Bang hà hiếp một thiếu nữ mà phải xuất động tới bấy nhiêu thuộc hạ, mới ra tay như vậy... Chàng liên đới hồi tưởng năm xưa cha chàng bị bọn chúng vây đánh ở Tam Xương cũng tương tự như vậy, nên chàng mới phẫn uất như thế, liền giở hết kỳ học Hiên Viên Thập Bát Giải ra, nhưng chàng không làm như thế cũng không giải quyết nổi câu chuyện hôm qua một cách thuận lợi như vậy. Chàng định ở lại Thạch gia trang một hôm, để hỏi Kinh thế bá xem những kẻ thù của cha là ai, rồi mới quyết định chương trình sau này.
Chàng nghĩ đoạn, thở dài một cái, lập tức đi ra ngoài cửa. Bỗng nghe thấy tiếng gió lùa tai, chàng biết là có người tới, liền ngừng chân lại, đã thấy một người đứng ở trước mặt, nhìn kỹ mặt người nọ chàng hớn hở vô cùng. Thì ra người đó là Cửu Chỉ Thần Cái Thương Tỷ, Vân Nhạc mừng quá vội tiến lên nắm hai tay người nghĩa huynh vừa cười vừa nói:
- Đại ca, anh tới Thạch gia trang này từ hồi nào thế? Sao lại biết tiểu đệ nơi đây? Mời đại ca vào trong phòng ngồi chơi...
Thương Tỷ hai mắt lộ thần quang, vẻ mặt tươi cười, nhìn Vân Nhạc một hồi mới nói;
- Chú khỏi phải hỏi tại sao nữa, suốt dọc đường chú đi tới đâu, ngu huynh đều biết rõ hết. Trước hết ngu huynh hãy mừng cho lão đệ đã.
Nói xong Thần Cái ngừng giây phút, Vân Nhạc ngượng nghịu mặt đỏ bừng. Thương Tỷ liền vừa cười vừa nói tiếp:
- Hiện giờ Hồng Kỳ Bang đã rút khỏi khu vực Tô Bắc rồi, Vũ Văn Lôi tức giận chú lắm, mấy ngày gần đây, y đã phái mấy bọn người đi điều tra xem sư môn, phái hệ của hiền đệ và hiện giờ đi tới đâu, y vẫn chưa hay hiền đệ đã làm cho xa gần đều hay biết cả. Sáng ngày hôm nay, Thanh Phong Bang đã rút ra khỏi Cương Thượng rồi, nhưng hiền đệ bất cẩn đã thố lộ tên Dư Long ra, bị bọn chúng điều tra ra Dư Long là đệ tử của Cái Bang cho nên chúng xúi giục An Thanh Bang ra mặt khiển trách Cái Bang, tại sao vô cớ đến khu vực của chúng phá bĩnh, gây nên cuộc tranh đấu, lại điều tra lại long khứ mạch của hiền đệ. An Thanh Bang rất có thế lực, bao trùm ba tỉnh Hà Bắc, Sát Ha Nhỉ và Sơn Đông, lại được Bát Kỳ Vương Công đỡ ngầm nên Cái Bang không tiện tranh đấu ra mặt với chúng. Hôm nay ngu huynh vừa tới ngoại đường Thạch Môn, liền sai Dư Long trả lời chúng rằng chuyện đó Cái Bang không hiểu gì cả, hôm qua những người đối địch với Thanh Phong Bang, đều tay cầm phù hiệu của bổn môn và quy luật của bổn môn chỉ nhận phù hiệu chứ không nhận người, tất cả mọi việc đều theo lệnh mà làm. Nếu quý bang muốn hỏi người cầm phù hiệu chỉ huy anh em Cái Bang đêm hôm qua là ai thì tối hôm nay cứ việc tới Thiên Tề miếu ở thành bắc mà hỏi là sẽ biết ngay.
Cho nên ngu huynh mới đến đây báo để hiền đệ hay, nên tốt hơn hết một mình hiền đệ đi thì hơn, trong bang Thanh An tuy có khá nhiều hảo thủ nhưng với tài của hiền đệ ứng phó có dư. Nghe nói đêm hôm qua hiền đệ ra tay tinh kỳ lắm, trong võ lâm ít thấy. Chắc tối hôm nay hiền đệ đi Thiên Tề miếu thế nào cũng có khá nhiều võ sư danh tiếng ở Yến Vân chiêm ngưỡng, hay bắt buộc hiền đệ ra tay. Hiền đệ là người thông minh, tới lúc ấy nên cư xử thế nào cho có lợi, ngu huynh khỏi cần dặn bảo, hiền đệ tất biết cách đối phó rồi.
Nói tới đây, Thần Cái lại nghiêm nét mặt nói tiếp:
- Hiền đệ chớ hiểu lầm ngu huynh có điều gì bất mãn, vì lần này có chút ra ngoài ý muốn là vì trong bang An Thanh có một người tên là Dương Hy Kiệt năm xưa có ơn với ngu huynh, nên không tiện giở mặt với chúng lúc này mới phiền hiền đệ đi một phen.
Nói tới đây, Thương Tỷ đưa mắt nhìn ra bên ngoài và nói tiếp:
- Chuyến này hiền đệ đi tầm thù không nên đi cùng với Ải Phương Sóc vì trong võ lâm ai ai cũng biết y là bạn kết kim lan với Tạ lão tiền bối. Nếu hiền đệ đi với y, họ tất nghi ngờ, sẽ có nhiều sự trở ngại. Lời của ngu huynh tới đây là hết, chúng ta sẽ gặp lại nhau tại Lưu Cầu Kiều nhé.
Nói xong, Thần Cái nhún mình một cái, đã phi thân lên trên mái nhà đi mất dạng rồi.
Vân Nhạc bất giác cảm khái thở dài, than cho nhân vật trong võ lâm chỉ vì một chút việc mọn mà đã oan oan tương tầm rồi, dù việc đó không liên quan đến mình, cũng gây nên biết bao cuộc tranh chấp... Chàng lại thấy bang An Thanh vô lý quá, phen này quyết cho bang đó biết chút thủ đoạn của mình. Một lát sau, ngoài sân có tiếng chân người đi vào, thì ra Ải Phương Sóc với anh em Đông Phương Ngọc Côn mỉm cười bước tới. Trông thấy Vân Nhạc, Đông Phương Ngọc Côn vừa cười vừa nói:
- Ngôn huynh dậy sớm thế?
Vân Nhạc đáp:
- Từ đêm hôm qua tới giờ tiểu đệ chợp mắt đâu, sau thấy trời sắp sáng tỏ rồi, tiểu đệ không ngủ nữa.
Ải Phương Sóc vào tới trong phòng, ngồi luôn lên giường, ti hí mắt nói:
- Hiền điệt, đêm qua bác cũng không ngủ tí nào. Chẳng hay đêm hôm qua cháu dùng thủ pháp gì mà bác nghĩ mãi cũng không ra là môn phái, chiêu số nào, cháu có thể nói cho bác hay được không?
Vân Nhạc ngẩn người giây lát, rồi mới đáp:
- Tiểu điệt cũng không rõ lai lịch và căn nguyên của những thế võ đó. Sự thật thì những thủ pháp ấy có thần kỳ gì đâu, chỉ nhờ có hai chữ nhanh nhẹn thôi, đồng thời mắt, tay, người đều phải hợp nhất, thừa cơ đối phương chưa phòng bị, cháu liền tấn công trước có thế thôi. Chớ địch biết trước phòng bị thì cháu cũng không làm gì nổi chúng.
Ải Phương Sóc tỏ vẻ không tin, lắc đầu nói:
- Thằng nhãi này, không ngờ mày lại giỏi giấu giếm đến thế? Nhưng mày không chịu nói, tao cũng không miễn cưỡng mày làm gì. Nhưng còn việc cháu trẻ tuổi như thế, sao lại làm được trưởng lão của Cái Bang?
Vân Nhạc vừa cười vừa đáp:
- Thưa bác, cháu có nói ra, chắc bác cũng không tin cho. Câu chuyện ấy là do cháu khi đi đường, có cứu sống được một người, liền được người ấy tặng cho một cái phù hiệu và dặn cháu tới lúc gặp nguy nan cứ cầm cái phù hiệu ấy tới Cái Bang địa phương đó là có người ra tay giúp đỡ ngay, nhưng chỉ sử dụng được một lần thôi. Luật lệ của Cái Bang là hễ thấy ai cầm phù hiệu đó tức là người đại diện trưởng lão của bổn bang. Cho nên đêm hôm qua bang chúng gọi cháu là trưởng lão là chúng tuân theo quy luật của Cái Bang, chớ có phải cháu là trưởng lão gì đâu?
Ải Phương Sóc nghe chàng nói xong, bán tín bán nghi, lắc đầu lia lịa vừa cười vừa nói:
- Thật là không thể tưởng tượng được.
Lúc ấy Giang Dao Hồng cũng vào theo, đi tới trước mặt Vân Nhạc vái một cái rồi nói:
- Đêm hôm qua nhờ được thiếu hiệp ra tay che chở cho tiểu muội, xin cảm tạ nơi đây.
Vân Nhạc chỉ phẩy tay một cái, Giang cô nương chỉ cảm thấy một tiềm lực rất ôn như cản lấy người mình không cho kỳ xuống. Nàng ngơ ngác kinh ngạc vô cùng.
Vân Nhạc liền nói:
- Giang cô nương, sao cô lắm phép tắc đến thế? Chúng ta cùng là người trong giới hiệp nghĩa cả, ra quyền giải vây là bổn phận của chúng ta, cô hà tất nhắc tới làm gì?
Chàng quay lại nói với Khương Tôn Diệu và Đông Phương Ngọc Côn rằng:
- Khương huynh và Đông huynh, sau khi Giang cô nương đào thoát bang Thanh Phong, chắc thế nào cũng lênh đênh cơ khổ, cử mục vô thân. Chúng ta cứu người phải cứu tới chót. Theo ý tiểu đệ thì nhị huynh là danh môn chính phái, có thể giới thiệu cho nàng được gia nhập quý môn phái không?
Khương Tôn Diệu và Đông Phương Ngọc Côn đồng thanh đáp:
- Ngôn huynh không nói ra, anh em chúng tôi cũng có giới thiệu Giang cô nương tới gia nhập Mạn Nhân sư thái, là tiền bối của bổn môn phái. Hiện giờ Mạn Nhân sư thái chúng tôi tuy thiền công võ học đều đạt tới tuyệt mức mà vẫn chưa có môn hạ nào để truyền dạy cho. Giang cô nương cán cốt và trí óc đều thuộc loại thượng thặng, chắc sư thúc chúng tôi không từ chối đâu!
Nghe thấy anh em Khương Tôn Diệu nói như vậy Giang Dao Hồng mừng quá hóa khóc, hai má lộ hai đồng tiền, đứng dậy cảm tạ hai người.
Lúc ấy bỗng Ải Phương Sóc bỗng la lớn rằng:
- Chúng bây mấy đứa nhãi con cứ mải trò chuyện với nhau bỏ lạnh lão gia mặc lão gia sống chết cũng không thèm đếm xỉa tới, phải không?
Bọn Đông Phương Ngọc Côn thấy lão hiệp la như vậy đều cười ồ, và biết Kinh lão tiền bối là người thích khôi hài có tiếng. Mọi người đang vui cười chuyện trò, bỗng nghe bên ngoài có tiếng kêu lọt vào tai, ai nấy đều giật mình kinh hãi, nhô đầu ra cửa sổ nhìn thì thấy ba người đã đứng sừng sững ở trước cửa sổ rồi. Hai người mặt đen, gầy gò, mặc áo đen đứng hai bên, đều có tuổi rồi, còn người đứng giữa là một thiếu niên anh tuấn, lông mày dài tới mai tóc, chỉ đáng tiếc sắc mặt hơi xanh, đôi ngươi hay nhìn ngược nhìn xuôi, mới trông ai cũng biết ngay là người dâm tà, cứ nhìn tròng trọc vào mặt Giang cô nương, mồm tủm tỉm cười.
Vừa thấy mặt người thanh niên đó Giang cô nương mặt tái mét lại, chân tay run lẩy bẩy, sợ hãi vô cùng.
Trông thấy mặt ba người nọ, Ải Phương Sóc ha hả cười và nói:
- Lão tưởng là ai, không ngờ lại là Thiên Môn Hắc Huyệt Song Quái đã tới.
Nói xong lão hiệp giơ tay đẩy mạnh ba người đó một cái. Đồng thời lão hiệp cũng nhảy theo ra ngoài cửa sổ. Vân Nhạc rủ ba người kia cùng phi thân theo ra xem sao.
Ngoài sân chỉ rộng chừng bốn trượng vuông, hai bên cộng tất cả là tám người đứng ở trong sân thấy đầy chật ních cả rồi. Thấy Ải Phương Sóc dùng Ngũ Hành Khí đẩy ra, Hắc Huyệt Song Quái vội nhảy lùi về phía sau hai trượng, rồi cười giọng quái dị và nói:
- Kinh lão nhi, sao lão hẹp lượng đến thế? Không phân trắng đen gì cả, vừa thấy mặt đã ban cho chúng tôi một chưởng rồi. Hôm nay anh em tôi tới đây không phải tới phiền nhiễu lão đâu. Món nợ cũ chúng tôi còn chưa có thì giờ thanh toán vội.
Ải Phương Sóc nghi ngờ hỏi:
- Nếu vậy, tại sao hai vị lại tới đây làm chi?
Ông già mặt đen, trên trán có nốt ruồi vừa cười vừa đáp:
- Kinh lão nhi, đây là khách sạn, các người có thể tới được tất nhiên chúng ta cũng có thể tới được. Thôi, để ta nói sự thật cho lão hay, là do vị này ước hẹn anh em ta tới đây.
Nói tới đây, giơ tay chỉ người thanh niên và nói tiếp:
- Để ta giới thiệu cho mọi người, vị này là cao túc của Tuyết Sơn Nhân Ma khét tiếng Hoàn Vũ Tam Tuyệt, tên là Bạch Sam Tú Sĩ Lý Nhân Uyển. Ông ta tới đây là vì Giang cô nương mà đến.
Ải Phương Sóc và anh em Khương Tôn Diệu ba người thấy Hắc Huyệt Song Quái nói vậy, đều rùng mình kinh hãi. Bạch Sam Tú Sĩ Lý Như Uyển tuy không có tên tuổi mấy nhưng sư phụ của y là một ma đầu đã khét tiếng bảy tám mươi năm nay rồi, võ học tinh xảo, đứng đầu võ lâm, bình sinh hành sự không cần hỏi tới thị phi ra sao, cứ theo ý mình hỉ hay nộ mà thi hành, ai phạm vào tay y tất phải chết chớ không sai... Người trong giang hồ thấy mặt y là tránh đường mà đi, chớ không ai dám đụng chạm tới y cả. Nhưng có một điều may là Tuyết Sơn Nhân Ma ít khi lộ diện ở giang hồ chớ không trong võ lâm không còn ngày giờ nào yên tĩnh cả. Ải Phương Sóc nghe thấy Lý Như Uyên là môn đồ của Tuyết Sơn Nhân Ma vội vàng gật đầu chào ngay. Ngờ đâu Lý Như Uyên không thèm nhìn Ải Phương Sóc, chỉ dùng mũi hừ một tiếng, hai mắt vẫn ngắm trông mặt Giang cô nương như cũ vừa cười vừa nói:
- Em Dao bây giờ đã thoát ly bang Thanh Phong rồi, có thể đi cùng với ngu huynh lên Tuyết Sơn chớ? Ngu huynh cam đoan từ giờ trở đi, bang Thanh Phong không dám quấy nhiễu em nữa đâu!
Nói xong, y giơ tay định lôi Giang Dao Hồng. Giang cô nương nét mặt sầm lại, không nói nửa lời, trong khi Lý Như Uyên nói, nàng đã biết thế nào cũng làm như vậy rồi, nên tên nọ vừa giơ tay ra kéo, nàng lẻn vào phía sau Vân Nhạc, giận dữ nhìn mặt Lý Như Uyên.
Ải Phương Sóc thấy Lý Như Uyên kiêu ngạo quá, trong lòng nổi giận lại thấy y vô lễ với Giang cô nương như vậy, càng tức giận thêm, vội đẩy mạnh tay phải một cái, nhằm giữa ngực tên nọ đánh tới và quát lớn rằng:
- Thằng nhãi này giỏi thật, dám giở trò vô lễ ở trước mặt lão gia như vậy phải không?
Lý Như Uyên trả lời bằng tiếng cười nhạt, rồi thuận tay đưa ra kéo Giang cô nương quay trở lại tiếp luôn chưởng của lão hiệp. Chỉ nghe thấy bùng một tiếng Ải Phương Sóc bị giật lùi một bước còn Lý Như Uyên chỉ hơi rung động một bên vai thôi. Như vậy thấy nội công của hai người ai hơn ai kém rồi. Ải Phương Sóc kinh hãi vì thấy công lực của đối phương quá mạnh như vậy, Hắc Huyệt Song Quái đứng cạnh cười nhạt chế diễu.
Ải Phương Sóc tức giận đến mày râu đều dựng đứng lên, miệng quát lớn:
- Tiểu bối kia, mi có giỏi tiếp thêm lão một chưởng nữa?
Nói xong lão hiệp dồn sức vào hai tay, bỗng đánh mạnh ra, Lý Như Uyên đánh tới chưởng thứ hai, ba, bốn, năm thì Ải Phương Sóc vì không ngờ địch lại liên hoàn đánh ra mấy chưởng như vậy, nên không kịp phòng bị, bị đẩy lui ba bốn bước liền.
Lúc ấy, Lý Như Uyên sầm nét mặt lại và nói:
- Kinh Phương, thiếu gia ngày hôm nay không nể mặt Giang cô nương thì cho mi chết ngay dưới bàn tay này.
Ải Phương Sóc ha hả cười đáp:
- Chưa chắc!
Hắc Huyệt Song Quái, tên có nốt ruồi, chế diễu rằng:
- Kinh lão nhi, mi muốn thử tài thì bên ngoài tường kia là bãi đất hoang rộng rãi và dễ hoạt động hơn, nếu không mi đổ lỗi cho trong này quá chật hẹp mới chết oan như vậy!
Ải Phương Sóc cười nhạt rồi đáp:
- Hừ, Kinh mỗ chết sao được. Vua Diêm Vương bảo bắt hồn ta đi phiền phức và tốn công lắm, thà để các ngươi đi trước cho rảnh.
Lão hiệp quay lại nhìn Lý Như Uyên nói tiếp:
- Ngươi có dám ra ngoài kia không?
Lý Như Uyên ha hả cười và đáp:
- Mi muốn chết ngay bây giờ thiếu gia từ chối sao được?
Trong tiếng cười của y bao hàm biết bao sát cơ, khiến ai nghe thấy cũng rùng mình. Ải Phương Sóc căm hờn nhìn Lý Như Uyên, hơi nhún mình một cái thân hình đã như viên đạn phi qua bờ tường rồi. Hắc Huyệt Song Quái cũng nhảy ra theo.
Bạch Sam Tú Sĩ Lý Như Uyên vẫn đứng yên nhìn Giang cô nương mỉm cười, trông vẻ mặt rất phong nhã, nhưng đôi mắt nhìn ngược nhìn xuôi làm hư cả bộ mặt đó, khiến ai trông thấy cũng biết ngay y là một tên dâm đãng...
Thấy thân hình y hơi động, Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu đã rút kiếm ra bảo vệ Giang cô nương tức thì.
Lý Như Uyên giận dữ nhìn Khương Tôn Diệu hai người, lại tươi cười nhìn Giang Dao Hồng rồi nói:
- Em Dao, ngu huynh đã tốn biết bao tâm trí vì em, bất cứ cư xử với ngu huynh với thái độ nào, ngu huynh vẫn kiên tâm như sắt đá. Từ nay trở đi bất cứ em đi đâu, ngu huynh cũng theo gót chân của em tới cùng.
Nói xong chỉ thoáng một cái y đã nhảy qua bờ tường rồi.
Từ đầu chí cuối, Vân Nhạc không hề nói nửa lời, trong lòng cũng thầm phục công lực của Lý Như Uyên... Chàng thấy Giang cô nương sợ y như rắn rít, chắc thể nào cũng có việc khó nói gì đây, ngày hôm nay mình thể nào cũng phải ra tay, liền mỉm cười nói:
- Chúng ta cũng ra ngoài xem đi?
Bốn người cùng vượt qua bờ tường ra tới bên ngoài, quả nhiên thấy một bãi đất hoang rộng, cách nhà gần đó chừng hai ba mươi trượng, tả hữu đều là ao nước, ngỗng và vịt đang bơi lội trên mặt nước.
Lúc ấy Ải Phương Sóc và Lý Như Uyên đứng đối lập nhau, không nói nửa lời, rồi đi vòng quanh lừa miếng nhau, bốn mắt nhìn nhau không chớp... Hai người vòng quanh ba bốn vòng, đột nhiên Ải Phương Sóc quát lớn một tiếng, song chưởng múa vòng tròn, Lý Như Uyên song chưởng để tréo, định giở trò cũ, liên hoàn đánh ra, nhưng lần này không phải là đụng tay như lúc nãy, thân pháp và bộ pháp tinh diệu tuyệt luân, nếu Ải Phương Sóc là tay tầm thường khác đã chịu không nổi rồi.
Ải Phương Sóc thị hỏa hầu của mình đầy đủ, kinh nghiệm nhiều hơn và Ngũ Hành Chưởng lại là võ học ít thấy trong võ lâm. Lý Như Uyên cũng nhờ võ công kỳ diệu của Tuyết Sơn nên hai người đã hơn ba mươi hiệp rồi mà vẫn bất phân thắng bại.
Vân Nhạc nghĩ thầm:
- Kinh thế bá thắng rất khó, ta không nên để cho Lý Như Uyên làm mất tiếng tăm của ông ta đã gầy dựng bấy nhiêu năm, khi nào thấy ông ta túng thế là phải ra tay giúp ngay mới được!
Chàng quyết định xong, quay lại nói với bọn Đông Phương Ngọc Côn rằng:
- Nhị huynh bảo vệ lấy Giang cô nương, đừng để cho Hắc Huyệt Song Quái ra tay đánh trộm.
Nói xong, chàng chỉ khẽ đụng vai một cái, đã nhảy vào giữa vòng đấu rồi, liền nói:
- Đối phó với những quân ngông cuồng này, xin thế bá để cho cháu địch cũng thừa sức rồi!
Thấy chàng nói như vậy, Ải Phương Sóc đã biết thế điệt của mình thế nào cũng hạ nổi địch thủ, liền nhảy ra ngoài vòng chiến đấu, vừa cười vừa nói:
- Thế điệt nên cẩn thận nhé.
Thấy Vân Nhạc phi thân tới, Lý Như Uyên máu ghen nổi lên vì y thấy Vân Nhạc đẹp trai hơn và phong độ tuyệt mỹ, và lúc mới tới thấy Giang Dao Hồng chạy ra sau lưng chàng ẩn núp, không thèm đếm xỉa tới, nên y mới hiểu lầm chàng là người yêu của Giang cô nương là thế... Hơn nữa, y thấy thắng Ải Phương Sóc đến nơi, bỗng bị Vân Nhạc vào ngăn cản, nên mặt y hiện ngay sát khí hậm hực nói:
- Ngươi là ai? Có phải là ngươi là kẻ một thế khắc phục bang Thanh Phong đấy không?
Vân Nhạc vừa cười vừa đáp:
- Phải, tôi đây. Còn tôi là ai thì anh chưa đủ tư cách hỏi tới.
Lý Như Uyên cười nhạt rồi nói:
- Ngươi thật ngông cuồng quá, nhất là đứng trước mặt ta đây.
Y biết công lực của Vân Nhạc lợi hại như thế nào, đêm hôm qua mới khắc phục bang Thanh Phong, nhưng y thị võ học hiện giờ của mình trong võ lâm ít người địch nổi, đồng thời y lại nghi ngờ người ta tô điểm quá nỗi, chớ Vân Nhạc làm gì có võ công thần kỳ như vậy? Y yêu Giang Dao Hồng từ lâu rồi nên hôm nay mới theo tới đây để bảo vệ cho nàng, ngờ đâu Giang cô nương lại ghẻ lạnh y đến thế!
Nên bao nhiêu sự bực tức y đều định dồn cả vào đầu Vân Nhạc. Nay thấy Vân Nhạc đứng lì ra đấy, không nói nửa lời, liền nhận định đối phương bất tài thật, lời đồn đại của thiên hạ không thể tin cậy được.
Vân Nhạc chỉ cười nhạt rồi đáp:
- Anh cũng thế, ở trước mặt tôi, thái độ của anh cũng quá ngông cuồng đấy.
Lý Như Uyên trầm giọng nói:
- Bạn hãy câm mồm đi, tiếp thử chưởng lực của ta xem có tiếp nổi không đã rồi hãy nói khoác sau.
Nói xong y lại giở liên hoàn ngũ chưởng ra, càng đánh càng mạnh hơn lên, kình phong kêu vù vù, tựa như bài sơn đảo hải đẩy tới người của Vân Nhạc. Nhưng chàng vẫn đứng yên, không hề lui tránh, chưởng phong của đối phương áp đảo tới, cách người chàng độ năm tấc là tiêu tan liền, cả vạt áo chàng không thấy động mảy may.
Thấy vậy, Lý Như Uyên kinh hãi vô cùng, nghĩ thầm:
- Đối phương giở võ công của môn phái nào thế? Hay là y có tà thuật chăng?
Nhưng y có biết đâu Vân Nhạc bố trí ngầm Di Lặc Thần Công bảo vệ toàn thân. Cũng may cho Lý Như Uyên, chàng chỉ giữ thân không thôi, không sử dụng tới sức phản công, chớ không, mười Lý Như Uyên cũng bị sức bắn trở lại đánh bật ra ngoài hơn trượng là ít.
Lúc ấy, Vân Nhạc vừa cười vừa nói:
- Bây giờ bạn cũng thử tiếp chưởng lực của tôi, xem bạn có tư cách ngông cuồng
không? Nói xong, chàng dùng thức thứ ba Mạc Phục Kim Cương trong mười hai thế của Di Lặc Thần Công, khẽ phẩy chéo hữu chưởng một cái, nhưng chưởng thế chỉ nhẹ nhàng đưa ra như là chưa dùng tới toàn lực vậy.
Bạch Sam Tú Sĩ Lý Như Uyên cũng là lương tài mỹ chất, chớ có phải là những kẻ tầm thường đâu, năm lên sáu đã được Tuyết Sơn Nhân Ma ôm lên trên núi, võ học đều được chân truyền, tánh nết cũng giống như sư phụ, tuy ít làm điều ác, nhưng khuyết điểm lớn nhất là hay tự phụ và nhẩm tính, ví dụ y thích cái gì dù khó khăn đến đâu cũng phải xoay xở cho kỳ được. Cũng như chuyện y yêu Giang cô nương chẳng hạn. Nhưng y thị cái gì mà dám nhẩm tính như vậy?
Không phải nói rõ, ai cũng biết y cậy có võ học kinh người, khi y hạ sơn, người trong giang hồ, nghe thấy y là môn đồ của Tuyết Sơn Nhân Ma cũng phải nhường nhịn ba phần, vì đánh với y, có thắng đi chăng nữa, phía sau y còn có lão ma đầu, nên y mới kiêu ngạo và ngông cuồng như thế!
Nhưng y có ngờ đâu, dùng liên hoàn chưởng đánh ra mà đến vạt áo của đối thủ cũng không thấy lay động tí nào, kinh hãi vô cùng, mặt tái mét lại, lại thấy đối thủ khẽ đánh ra một chưởng, tuy chưa thấy có cái gì là thần kỳ cả, biết ngay chưởng đó có chút quái dị, vội vận Tuyết Sơn tuyệt kỹ, Trấn Sơn Khí Công ra, cổ họng hét như tiếng bò rống, giơ tay lên tiếp chưởng của địch. Trấn Sơn Khí Công rất lợi hại, trong vòng mười trượng kẻ địch bị đánh là phải gãy xương nát thịt, xác mềm nhũn như một đống đất bùn vậy. Lý Như Uyên có ngờ đâu Trấn Sơn Khí Công của mình đánh ra, như bỏ đất rơi xuống bể vậy, biệt tăm vô tích, lại thấy chưởng của đối thủ phát ra, có tiếng gió kêu sì, sì rất nhỏ, thổi vào mặt thấy mát mẻ vô cùng, tiếp theo đó lại có một tiềm lực mềm mại và vô hình tập kích tới thân mình, càng ngày càng thấy mạnh hơn lên.
Lúc ấy, Lý Như Uyên muốn kháng cự lại, nhưng đã muộn rồi, thấy hai tay yếu hẳn, rồi dần dần sức lực của đối phương đè lên thân hình mình nặng như một tảng núi vậy, tay chân đã bắt đầu thấy tê liệt, cấm khẩu không nói được nửa lời, thân hình bị tiềm lực đó đẩy lùi về phía sau, mắt mũi ngũ quan cứ rỉ máu tươi ra. Lúc ấy, Lý Như Uyên như một ác quỷ mặt đầy máu tươi, chớ không đẹp trai như trước nữa. Y lùi một bước, mọi người đều rùng mình một cái, dần dần càng lùi càng nhanh.
Vân Nhạc từ từ thâu hồi chưởng lại, Lý Như Uyên liền ngã ngửa xuống ao nước.
Hắc Huyệt Song Quái vội chạy lại kéo y lên bờ ao, chỉ thấy hai mắt nhắm nghiền, mặt trắng như giấy, ngũ quan nhỏ giọt máu tươi. Vì Vân Nhạc hận Lý Như Uyên mục hạ vô nhân và còn đến tận nơi hà hiếp Giang Dao
Hồng, liền nghĩ thầm:
- Chẳng lẽ mi thị là đệ tử của Tuyết Sơn Nhân Ma thì muốn làm bậy thế nào cũng được hay sao? Trong võ lâm này lại dung túng nhưng quân bất chấp lý tánh này?
Nghĩ đoạn chàng bèn giở Di Lặc Thần Công ra, mười hai thức Di Lặc Thần Công đó là bí học đoạt thiên địa tạo hóa, mỗi một thức đều có oai lực vô cùng, tinh diệu độc đắc. Mười hai thức ấy là thâu hết tinh xảo của võ học thiên hạ.
Vừa rồi chàng sử dụng thức thứ ba là Mạc Phục Kim Cương, hóa Trấn Sơn Khí Công của Lý Như Uyên vào trong Di Lặc Thần Công, rồi từ từ đẩy đi, như vậy thì Lý Như Uyên chống cự sao nổi hai khí công dồn lại một lúc như thế!
Hắc Huyệt Song Quái thấy Lý Như Uyên mê man bất tỉnh, vội dùng hết sức thủ pháp cứu chữa, nhưng không sao tỉnh lại được. Lúc ấy, tên trên trán có nốt ruồi mới nhìn Vân Nhạc cười giọng đau khổ và nói:
- Các hạ gây tai họa lớn thế này, anh em lão đành phải hộ tống Lý Như Uyên về núi. Nhưng Tuyết Sơn Nhân Ma hỏi tới thì anh em lão biết trả lời như thế nào đây?
Vân Nhạc hừ một tiếng rồi mới đáp:
- Ai bảo các ngươi đến tận cửa hà hiếp người. Tai họa này do các ngươi gây nên thì các người cứ việc đem sự thật ra mà nói cho Tuyết Sơn Nhân Ma hay.
Ông già mặt đen lại cười đau khổ một tiếng nói tiếp:
- Vẫn biết thế nhưng Tuyết Sơn Nhân Ma có phải là người dễ nói chuyện như thế đâu? Chính ra, lúc Lý Như Uyên mới định tới đây, anh em lúc đi khuyên can rồi nhưng y cứ khăng khăng không chịu nghe.
Vân Nhạc vừa cười vừa đáp:
- Ngươi không cần nói nữa, ta đã biết anh em ngươi khó xử rồi...
Nói xong, chàng dùng tay điểm ngực Lý Như Uyên một cái rồi lại nói tiếp:
- Chỉ một tiếng đồng hồ là tên này thức tỉnh liền, nhưng tạm thời phải mất hết công lực, không thể cáu kỉnh được. Nhưng với võ lực của Tuyết Sơn Nhân Ma chữa cho y khôi phục lại sức lực không khó, còn tên họ ta là chi, khó bề cho hai người gửi lời cho Tuyết Sơn Nhân Ma hay là thể nào ta cũng sẽ lên Tuyết Sơn chơi một phen. Hắc Huyệt Song Quái thở dài một tiếng, hình như đã trút được một gánh nặng vậy.
Ông già mặt đen không nốt ruồi nói:
- Các hạ nói một lời như vậy đủ lắm rồi, không khác gì anh em lão phu đã thu ơn huệ của các hạ vậy, nhưng chỉ sợ đời này anh em lão không sao báo đền được ân này.
Lại quay lại nhìn Ải Phương Sóc, lão quái mỉm cười nói tiếp:
- Kinh lão nhi, chúng ta sẽ tái kiến.
Nói xong, y ẵm Lý Như Uyên lên, rồi cùng lão quái nọ quay đầu chạy liền.
Mọi người trở về khách sạn, Ải Phương Sóc cả cười nói:
- Hiền điệt, môn võ học hình như có chút tà khí của cháu, không những là đời này bác chưa hề mục kích nốt.
Người nổi tiếng như Ải Phương Sóc mà cũng không thấy rõ Di Lặc Thần Công nên mới hiểu lầm là tà thuật. Vân Nhạc chỉ cười thôi, chứ không trả lời vị thế bá.
Chàng bỗng quay lại hỏi Giang Dao Hồng rằng:
- Giang cô nương, tên Lý Như Uyên có uyên nguyên gì với cô thế?
Hai mắt của Giang Dao Hồng nước mắt đã chảy nhưng trước mặt mọi người không tiện khóc ra tiếng, cố chịu đựng nuốt lệ nay bỗng nghe thấy Vân Nhạc hỏi, nước mắt của nàng không sao cầm được nữa, lã chã chảy xuống hai má, bao nhiêu phiền não uất ức, bấy lâu năm, nhất đáng phát tiết ra cả, tựa như nước lũ vỡ bờ vậy.
Một lát sau, nàng mới ngừng khóc, rồi từ từ kể hết nguyên nhân ra. Thì ra, cha của Giang Dao Hồng là một võ sư, tên Giang Phong, võ nghệ rất tầm thường, nên không sao xuất đầu lộ diện với đời được, chỉ ở nguyên quán tỉnh Sơn Tây, huyện Bình Dương, giúp cho một nhà phú hộ làm bảo tiêu hộ viện, ngày thường rất hay uống vài chén rượu, nhiều khi say túy lúy, nhưng nhờ có tánh tình lương thiện trung thực, nên phú hộ nọ rất quý mến, đặc biệt cho đem gia quyến tới ở hai căn phòng ngoài hiên. Giang Phong là người biết yên phận, nhất trí làm lụng cho phú ông. Năm Giang Dao Hồng lên bảy, trông rất xinh đẹp khả ái, lúc nhàn rỗi, Giang Phong lại cùng bọn đồng sự chén tạc chén thù cho tới say mèm, liền trở về phòng ngủ, không ngờ lúc ấy có mấy chục tên giặc bịt mặt vượt tường vào cướp bóc hãm hiếp, tự do hoành hành giết cả nhà già trẻ. Có mấy tên xông vào phòng Giang Phong, chờ tới khi Giang võ sư thức tỉnh thì quá muộn rồi, bị một tên giặc chém một nhát đao chết ngay tại chỗ. Mẹ Giang Dao Hồng cũng bị tặc phỉ hãm hiếp và giết chết. Lúc ấy, Giang Dao Hồng hoảng sợ đến chết giấc, tới khi tỉnh dậy, thấy bốn bể khung cảnh khác hẳn, đang nằm trên giường. Trước mặt nàng có một lão đạo sĩ hình dung quái dị, mỉm cười và nói:
- Cháu có đói không?
Giang Dao Hồng vội đứng dậy nhìn xung quanh, mới hay nơi đó là ở trong rừng, trên muôn núi cao. Tuy mới lên bảy, nàng đã biết cha mẹ bị giết có liên quan với lão đạo sĩ này, nên nàng không hỏi việc đó nữa, chỉ gật đầu thôi.
Qua một thời gian khá lâu, nàng mới biết lão đạo sĩ đó là Phong Lôi đạo nhân Chiêm Minh... Những dãy nhà xây trong rừng sâu ở trên Vạn Sơn đều là tổng đường của bang Thanh Phong, nơi đó còn gọi là Lã Lương Sơn nữa. Phong Lôi đạo nhân là sư huynh của Bang chủ Thiên Thủ Tiếu Phật Bộc Hoằng. Trong núi ra vào đều là đạo hữu giang hồ, mặt mày dữ tợn, thoáng trông thấy rất run sợ, nhưng khi trông thấy quen rồi mới coi là thường.
Phong Lôi đạo nhân rất cưng Giang Dao Hồng, liền đem hết võ nghệ truyền dạy cho nàng, và còn nhận nàng là con nuôi nữa. Thấm thoát đã qua mười năm rồi, năm đó Giang Dao Hồng đã mười bảy tuổi, trông rất xinh đẹp, nên trong Thanh Phong Bang có rất nhiều người ham mê sắc đẹp của nàng, nhưng vì nể cha nuôi nàng là Phong Lôi đạo nhân và tánh nàng lại lạnh lùng như sương tuyết không khác gì một bông hồng xung quanh mọc đầy gai, không ai dám trêu ghẹo và đùa cợt nàng cả. Tuy hành sự độc ác vô cùng, Phong Lôi đạo nhân rất thẳng thắn chính trực, thương yêu Giang Dao Hồng như con ruột vậy.
Bang chủ Bộc Hoằng là kẻ hiếu sắc, thấy Giang Dao Hồng xinh đẹp như vậy mang lòng yêu mến, mới nói với sư huynh phái Giang Dao Hồng làm thơ ký cho bổn bang. Phong Lôi đạo nhân không ngờ sư đệ có gian ý, vui lòng nhận ngay. Thế là từ đó nàng là thơ ký cho Thanh Phong Bang, quản lý danh sách các bằng hữu và sổ sách chi thu.
Nhờ gần gũi nhau, Bộc Hoằng thỉnh thoảng tán nịnh, mong nàng động lòng yêu, nhưng ngờ đâu nàng không thèm ngó tới và còn đem chuyện đó mách Phong Lôi đạo nhân nữa. Vì vậy, có mấy lần Phong Lôi đạo nhân nổi giận quát mắng Bộc Hoằng vô liêm sỉ. Nhưng có khi nào Bộc Hoằng chịu buông tha cho, thiên phương bách kế du thuyết và tặng tiền bạc vật báu nhưng nàng vẫn làm thinh như cũ. Cũng vì thế, mỗi đêm khuya canh vắng, dưới bóng trăng và trước trăm hoa đua nở, nàng cứ khóc thầm, tự oán trách số phận hẩm hiu. Một hôm, nàng đang chỉnh đốn sổ sách, Phong Lôi đạo nhân dẫn một thiếu niên anh tuấn tới giới thiệu với nàng.
Thiếu niên đó là Bạch Sam Tú Sĩ Lý Như Uyên. Mới gặp mặt lần đầu Giang Dao Hồng đã nhận thấy thiếu niên đó tà nhiều hơn chính, cử chỉ không được đứng đắn, nên nàng đã sinh ác cảm ngay. Lý Như Uyên mới trông thấy đã đem lòng yêu nàng tức thì, cứ lên rủ nàng đi vào trong núi tìm những nơi phong cảnh ưu tú để trò chuyện. Vì nể Phong Lôi đạo nhân, nàng cứ phải đi cùng với người mình không ưa.
Một hôm, nàng suýt thất trinh với Lý Như Uyên, từ đó trở đi nàng coi tên nọ như rắn rít. Biết rõ đầu đuôi câu chuyện, Bang chủ Bộc Hoằng thốt lời nhạo báng Lý Như Uyên. Tức giận vô cùng, Lý Như Uyên liền rời Lã Lương Sơn, lúc đi tuyên bố là phải lấy được Giang Dao Hồng làm vợ mới thôi.
Cảnh đẹp ít khi tồn tại được lâu, không bao lâu Phong Lôi đạo nhân ốm đau nằm liệt giường liệt chiếu. Giang Dao Hồng hầu hạ thuốc thang, ngày đêm ở cạnh không chớp mắt, nhưng số mạng của lão đạo sĩ đến ngày tận rồi, bệnh càng ngày càng trầm trọng thêm. Phong Lôi đạo nhân tự biết sắp chết đến nơi liền nắm tay Giang Dao Hồng cười gượng rồi nói:
- Dao con, tuy cha suốt đời độc thân, không có con cái nối dòng dõi nhưng may có con ở cạnh, không khác gì con ruột của ta. Cha sắp lìa trần rồi, cha chỉ có một điều ân hận nhất là chưa gả chồng cho con. Cha rất lo ngại, vì hiện con đang sống trong hang hùm, chỉ sợ sau khi cha chết, con sẽ bị đứa sư đệ bất lương dâm dục, cho nên cha đã xếp đặt cho con một lối thoát rồi. Còn cha đẻ của con lúc chết, cha tới chậm một bước nên không kịp cứu, cho nên mới ẵm con về núi nuôi. Con có hiểu tại sao bang ta lại tới nhà phú ông cướp bóc chém giết không? Nguyên nhân chỉ vì phú ông có một thanh bảo kiếm, bị bang ta điều tra biết, mới diễn ra tấn thảm kịch ấy. Cha hay tin vội chạy tới nơi, nhân đến chậm một bước, khiến cha mẹ con bất hạnh như vậy...
Giang Dao Hồng ri rỉ khóc, Phong Lôi đạo nhân thở dài một tiếng nói tiếp:
- Con đừng khóc lóc nữa, việc đó đã rồi, hối cũng bất cập. Thiết nghĩ cha năm xưa cũng lỡ bước đi vào con đường lầm lỗi này, mất hết lương tri, hai bàn tay đầy những máu hôi tanh, nên bị giang hồ khinh thị. Tuy vậy, cha không hề giết oan một người nào, ngày hôm nay mới được chết nằm trên giường thế này, cũng do một niềm thiện chí đó mà nên đấy. Từ khi cha biết hối cải, thấy có nhiều kẻ thù không chịu buông tha cha, mới phải lên đây nương náu cạnh sư đệ Bộc Hoằng, mười mấy năm liền, không hề bước chân vào giang hồ. Trong võ lâm dần quên bẵng cái tên Phong Lôi này đi, nên mới có kết quả như ngày nay, cha cũng lấy làm mãn nguyện lắm rồi...
Nói tới đây đạo sĩ ngừng giây phút rồi nói tiếp:
- Cha biết lúc nào con cũng mong được cầm dao sắc giết kẻ thù rửa hận cho cha mẹ, nên con vẫn dò la các người trong bang, nhưng có ai thố lộ cho con nửa lời đâu? Ngay trong nhựt ký của bang, sư đệ ta cũng xé mất trang giấy ký sự về vụ ấy rồi. Bây giờ cha phải cho con hay, người giết cha mẹ con hiện đang làm phân đường chủ ở Tây Xuyên, tên là Thôi Mệnh Vô Thường Đường Gia Hầu. Từ khi cha đem con về nuôi, y liền rời khỏi tổng đường đổi đi Tứ Xuyên, mười mấy năm nay không thấy y trở về Lã Lương Sơn nhưng với võ học của con hiện nay vẫn chưa phải địch thủ của y. Vậy sau khi rời khỏi sơn trại này, con phải đầu danh sư ngay, tập thành tuyệt nghệ, mới trả được mối thâm thù đó. Trước kia cha định gả con cho Lý Như Uyên nhưng con lại không ưa y. Cha cũng biết, hôn nhân phải nam nữ cùng bằng lòng nhau mới có kết quả tốt đẹp, nên cha không bắt buộc con phải lấy y là thế!
Nói xong đạo sĩ lấy trong túi một cây cờ lệnh ra, giao cho Giang Dao Hồng và nói tiếp:
- Xem bệnh trạng, cha chắc chỉ sống tới ngày kia là cùng, như vậy ngày mai lúc trời tối, con cầm cờ lệnh này ra khỏi tổng đường, đi thẳng lên trên Bắc Kinh. Còn sau này ra sao, phải xem số mệnh của con có được may hay không?
Giang Dao Hồng khóc sướt mướt. Phong Lôi đạo nhân thở dài một cái, rồi nhắm nghiền hai mắt không nói gì nữa.
Tối ngày hôm sau, quả nhiên bệnh của Phong Lôi càng trầm trọng thêm, chết giấc đi mấy lần, lúc tỉnh lại liền thúc giục Giang Dao Hồng đào tẩu tức thì... Tuy không nỡ, nàng biết không đi không được, vội vàng nhặt mấy bộ quần áo, một ít bạc vụn và một thanh kiếm, rời khỏi Lã Lương Sơn, trước khi ra đi, vái sống Phong Lôi đạo nhân ba vái. Chạy ra khỏi Vạn Sơn, nàng bị Ải Phương Sóc trông thấy, suốt dọc đường cứ theo dõi bảo vệ. Qua được mấy nơi ải canh, nói dối người canh gác là đi bốc thuốc cho Phong Lôi đạo nhân. Trời tảng sáng, nàng đã đi tới Thạch Huyện thành. Sáng sớm ngày thứ ba, Phong Lôi đạo nhân trút hơi thở cuối cùng, Thiên Diện Tiếu Phật mới phát giác Giang Dao Hồng mất tích, liền ra lịnh cho thủ hạ lùng bắt tới khi hay tin thì nàng đã ra khỏi tổng đường rồi, liền phái mấy tay hảo thủ đuổi theo bắt về và ra lệnh cho các phân đường, chủ trại, hễ thấy nàng là phải bắt sống đem về nộp tổng đường. Cũng nhờ có lệnh này Giang Dao Hồng mới thoát chết mấy lần.
Nàng ra đi, Bộc Hoằng lo ngại nhất là nàng đã biết hết danh sách của bang và điều quan trọng của bang, nếu nàng thố lộ cho quan binh hay, Thanh Phong Bang có thể bị diệt vong nhưng vì ham mê sắc đẹp của nàng, nên y mới ra lệnh phải bắt sống là thế. Vào trong Thạch Huyện Môn đang ăn uống qua loa, lại lên đường ngay. Nàng đi qua Giao Thành, Thái Nguyên, Tỉnh Kính đi Thạch Môn, suốt dọc đường nguy hiểm vô cùng, đều nhờ Ải Phương Sóc trợ giúp mới thoát nạn.
Nàng không ngờ đi tới đây lại bị bang chúng theo dõi và còn hẹn lên Cương Thượng đấu võ nữa. Nói tới đây, hai má nàng ướt đẫm nước mắt. Vân Nhạc và hai anh em Đông Phương Ngọc Côn nghe xong cũng phải thương tiếc hộ.
Đông Phương Ngọc Côn khuyên nàng rằng:
- Giang cô nương đừng có đau thương như thế nữa. Trưa ngày hôm nay tôi với Khương sư huynh khởi hành ngay, chúng tôi hộ tống cô tới nơi cư ngụ của sư thúc Mạng Ân Sư Thái. Sau này cô học thành tuyệt nghệ, lo gì không trả được mối thù đó.
Giang Dao Hồng nghe nói lau nước mắt cười liền, và cảm tạ luôn mồm.
Lúc ấy, Ải Phương Sóc lại la lớn:
- Mấy đứa nhãi con lẩm bẩm xong chưa? Mồm của lão đã nhạt như nước ốc rồi.
Vân Nhạc cười và nói:
- Bác không biết uống nhiều có hại tới thân hay sao? Bác không tin đã có bài thơ cổ dẫn chứng:
Bình Đế Thương Thân Vì Tửu Độc (vua Bình Đế chết vì chất độc của rượu). Giang Biên Lý Bạch Tổn Kỳ Khu (Lý Bạch cũng mất ở bên bờ sông). Khuyến Quân Ưu Ẩm Vô Tình Thủy (khuyên chàng đừng uống nước vô tình). Túy Hậu Lụy Nhân Tâm Ý Mê (lúc say khiến người ta mê man cả tâm ý).
Ngờ đâu, Ải Phương Sóc trợn tròn đôi mắt và nói:
- Nhãi con thì biết gì nào? Rượu có rất nhiều điều hay, để lão kể cho mà nghe này: Nó trợ giúp anh hùng can đảm thêm, gợi thêm thơ hứng, nó là đơn thuốc giải sầu do thần tiên tạo, trước cảnh phong, hoa, tuyết, nguyệt, không có rượu thì vui sao được? Như vậy rượu chẳng tốt là gì?
Vân Nhạc cả cười và đáp:
- Vâng, bác nói đúng vẫn hơn. Cháu biết nói gì nữa? Nào, chúng ta đi uống rượu đi.
Mọi người cơm rượu xong, đã tới đầu giờ Mùi rồi. Khương Tôn Diệu, Đông Phương Ngọc Côn và Giang Dao Hồng đứng dậy cáo từ, qua tỉnh Hà Nam đi vào Tứ Xuyên.
Vân Nhạc nói với Ải Phương Sóc rằng:
- Mấy ngày hôm nay cháu cảm thấy mệt mỏi, lại thêm đêm hôm qua mất ngủ, cháu xin phép bác về phòng nghỉ ngơi chốc lát đã.
Ải Phương Sóc không nghi ngờ gì cả, liền cười nói:
- Anh hãy về phòng ngủ một lát, lão còn chưa đủ ghiền, để lão uống thêm vài chén đã.
Nói xong, lão hiệp lại trở vào thực đường, Vân Nhạc nhìn theo cười thầm. Mặt trời đã lặn, Ải Phương Sóc ngồi uống rượu một mình, chờ mãi không thấy Vân
Nhạc ra, lẩm bẩm nói:
- Thằng nhãi này ngủ say thực!
Nói xong, lão hiệp đứng dậy đi vào phòng Vân Nhạc, không thấy hình bóng chàng nọ đâu cả, chỉ thấy trên bàn có một tờ giấy viết để lại, đại khái rằng:
- Cháu quyết đi tới chân trời góc biển tìm kiếm kẻ thù. Bác là anh em kết nghĩa với cha cháu, thiên hạ đều hay biết cả, nếu bác đi cùng với cháu, kẻ thù sẽ để ý tới, như vậy không có lợi gì, nên bắt buộc cháu phải một mình đi tỉnh Sơn Tây trước.
Ải Phương Sóc đập mạnh xuống bàn một cái, la lớn:
- Tiểu quỷ đầu, mày giỏi thật, dám nói dối lão gia.
Lão hiệp liền đi tỉnh Sơn Tây để tìm kiếm Vân Nhạc.
Hãy nói Vân Nhạc rời khỏi Nghênh Tân khách sạn, sang một khách sạn nhỏ khác, sai phổ kỵ bán con ngựa đi. Chàng biết sau vụ Cương Thượng, tên tuổi đã vang lừng khắp nơi, nếu từ đây cởi ngựa đi vào kinh đô, sợ nhiều người biết mặt biết tên thì thêm phiền thôi, chi bằng bán ngựa đi, giở khinh công đi đường núi vào kinh cũng được. Từ khi bước chân vào khách sạn, chàng ngã mình xuống giường ngủ liền, cho tới tối ngày hôm đó mới thức tỉnh, đi ra ngoài cửa khách điếm, hỏi người qua đường Thiên Tề miếu ở đâu, rồi mới đi về phía bắc thành. Thiên Tề miếu ở ngoại ô thành Thạch gia trang, xung quanh hoang vu vô cùng. Vân Nhạc thấy người đi đường thưa thớt, liền lấy mặt nạ ra đeo và giở khinh công đi cho nhanh, tới cạnh Thiên Tề miếu, nhún mình một cái, nhảy lên trên mái hiên, đi qua hai tòa điện lớn, thấy bảy, tám tên canh gác của An Thanh Bang đứng mỗi người một góc.
Đêm hôm ấy, trời phủ đầy mây đen, trăng sao đều biến đâu mất nên bốn bể đen tối như mực, gió đêm ở phía bắc có tiếng là mạnh, đưa cát sỏi bay tung lên, lúc rơi xuống mái tiếng kêu xà xà. Vân Nhạc giở thân pháp Huyền Thiên Thất Tinh Bộ ra, cố ý đi lướt qua các chòi canh của An Thanh Bang, đi đã nhanh lại thêm người quay tít như chong chóng, trong đêm tối không thấy gì mây thì bọn canh gác làm sao thấy được thân pháp kỳ môn ấy? Chúng chỉ thấy trước mắt tối sầm và một luồng gió thoáng qua thôi.
Trong bọn chúng có một người lên tiếng nói:
- Có ma chạy qua, hay là những con dơi ra ăn sương chắc?
Vân Nhạc chỉ cười thầm, chân vẫn không ngừng, lại qua một đại điện nữa, phía trước mặt, trên góc mái hiên có bốn người đứng tại đó, tay cầm đèn Khổng Minh, ánh sáng hơi vàng, vừa đậy vừa mở nắp đèn để chiếu rọi bốn bề. Chàng vội phi thân tới cạnh sống mái ngói nằm xuống ẩn núp, nghe thấy phía dưới trong điện có tiếng người trò chuyện. Chàng nghĩ:
- Ta không nên xuống vội, hãy nghe xem chúng nói những gì đã.
Nghĩ đoạn, chàng dùng hai chân móc mái ngói, uốn mình lộn ngược xuống, ngó đầu nhìn qua khe bỗng thấy trong điện có hai ba chục người đang ngồi ngổn ngang trên mấy cái ghế dài. Người ngồi trên ghế bên trái là một ông già mặt đỏ râu dài, hai thái dương phồng lên, đôi mắt sáng như điện, lên tiếng nói:
- Sự thật thì Thanh Phong Bang không có thù hằn gì với quái thủ thư sinh đó, như vậy ta hà tất gây thêm kẻ địch làm gì? Nhưng bang Thanh Phong năm xưa có ký kết mật ước với bang ta là hễ bang nào có cường địch đi tới khu vực của bang nọ thì bang nọ phải có nghĩa vụ tróc nã kẻ thù ấy hộ. Từ hôm bổn Bang chủ nhận được thơ cầu cứu của phân đàn Thanh Phong Bang ở Cương Thượng gửi tới, đã tỏ rõ cho họ hay là không thể tiếp thu được, lấy lý do là lá thư đó không phải chính tay Bang chủ bang Thanh Phong Thiên Diện Tiếu Phật viết tới. Nhưng vì bổn bang gần đây có một vị lão tiền bối mới tới, chắc các vị đã nghe thấy nói tới rồi, người đó chính là Cưu Thần Sách Lý lão tiền bối.
Lúc ấy, trên ghế bên phải có một ông già râu tóc bạc phơ tiếp lời:
- Ủa, vị lão tiền bối ấy lại xuất sơn à? Mười mấy năm không thấy ông ta bước chân vào giang hồ, ai cũng tưởng ông ta không xuất hiện trong võ lâm. Tiểu đệ nghe nói năm xưa võ học của Sách lão tiền bối đã tới chốn tuyệt mức, chỉ môn võ La Hầu Sát Công của ông ta cũng kinh người rồi nhưng vì ít khi lộ diện nên trong võ lâm ít người biết tới Sách lão tiền bối có tuyệt học hãn thế như vậy. La Hầu Sát Công dùng chưởng lực phát ra, in vào thân kẻ địch, trên mặt da thịt có một vết bàn tay thâm tím hiện lên ngay, và trong nội tạng thì nát hết, lợi hại vô cùng. Bây giờ ông ta lại ra, tất nhiên võ học đó càng siêu thần nhập hóa hơn.
Vân Nhạc giật mình nghĩ thầm:
- Có lẽ người đó là kẻ thù giết chết mẹ ta cũng nên? Nếu quả thật là tên Cưu Thần Sách Thiên Lý này thì ta phải diệt trừ cho được mới hả dạ. Chàng không định xuống vội, còn muốn nghe thêm bọn chúng nói gì nữa không?
Người mặt đỏ râu dài vừa cười vừa nói:
- Thạch lão sư kiến thức rất rộng, nên hễ ai nói tới Yến Vân Tứ Lão...
Nói tới đây ngừng lời giây phút nói tiếp:
- Tệ Bang chủ lúc đầu không chịu nhận lời thỉnh cầu của phân đàn Cương Thượng của Thanh Phong Bang, sau Sách lão tiền bối khuyên tệ Bang chủ nên coi đạo nghĩa võ lâm làm trọng, nên tiếp nhận lời thỉnh cầu ấy. Sách lão tiền bối còn hăng hái nhận đối phó tên Quái Thủ Thư Sinh đó hộ. Vì vậy việc này mới quyết định như thế. Lạ thật, tại sao tới giờ này chưa thấy Sách lão tiền bối tới?
Ông già họ Thạch lúc này mới tiếp lời nói:
- Có lẽ cũng sắp tới rồi, nhưng giờ phút này vẫn chưa thấy Quái Thủ Thư Sinh lộ diện, hay là thơ truyền khẩu của Cái Bang chưa truyền tới tai y chăng?
Người mặt đỏ râu dài nổi giận nói:
- Hừ! Nếu Cái Bang dám lừa dối chúng ta, lão sẽ phá tan cái ổ của chúng tức thì!
Vân Nhạc nghĩ thầm:
- Lão già này nói khoác quá! Tại sao trong võ lâm lại có lắm kẻ ngông cuồng như thế?
Chưa nghĩ xong, chàng đã thấy một người vội vàng chạy vào trong điện, cấp báo với người mặt đỏ rằng:
- Bẩm đường chủ, Sách lão tiền bối giá lâm!
Người mặt đỏ trả lời “Ừ” một tiếng, rồi đứng dậy đi ra bên ngoài, mọi người theo ra sau. Một lát sau, những người đó đưa một ông già mặt như chim cú bước vào.
Vân Nhạc nghĩ thầm :
- Thì ra lão này là Cưu Thần đấy! Quả thật thấy mặt đã biết ngay tên rồi. Có lẽ người ta thấy mặt y như con cú mới đặt tên này cho cũng nên.
Người tên là Cưu Thần mặc áo vải màu lam, đầu gần sói hết, chỉ còn hai bên thái dương có mấy sợi tóc mai trắng thôi, răng rụng gần hết nên hai má hóp lại, mồm thì vẩu ra như cái mỏ con cú vậy, đôi mắt nhỏ bằng hạt đậu, trông vẻ mặt nham hiểm vô cùng, tay cầm một cái điếu cày, nhìn kỹ bàn tay cầm điếu đó thừa thêm hai ngón. Vân Nhạc trông thấy rõ bàn tay phải có thừa thêm hai ngón, máu trong người sôi lên tức thì. Cưu Thần Sách Thiên Lý ngồi yên rồi, vênh váo hút thuốc thổi khói phì phào, kiêu ngạo vô cùng, nhìn người mặt đỏ nói:
- Lưu đường chủ, thằng nhãi đó đã tới chưa?
Y chưa nói dứt lời, bỗng thấy cổ tay rung động một cái, cái điếu cày đang cầm đã không cánh mà bay đi đâu mất rồi? Cưu Thần định thần nhìn xem, thì ra một thiếu niên mặt quái dị, áo đen, không biết tới lúc nào mà đã đứng sững ở trước mặt rồi, tay y cầm điều cày của mình. Chỉ thấy thiếu niên đó the thé cười nhạt hai tiếng, mọi người đứng ở trong điện đều kinh hoàng đờ người ra.
Sách Thiên Lý không biết quái thiếu niên ấy dùng thủ pháp gì mà chớp giật cái điếu cày của mình một cách dễ dàng như thế? Y kinh ngạc và biến sắc mặt, bỗng phi thân lên, giở song chưởng nhìn tay cầm điếu cày của Vân Nhạc mà vồ tới. Không cần nói rõ, ai cũng biết Sách Thiên Lý định cướp lại cái điếu cho khỏi mất sĩ diện. Ngờ đâu hai tay của Sách Thiên Lý lại bắt hụt. Còn quái thiếu niên đã lén tới trước mặt ông già mặt đỏ, không thèm đếm xỉa tới Sách Thiên Lý. Tức giận đến nỗi mặt đỏ như lửa hồng, Sách Thiên Lý không đuổi theo nữa, chỉ hí hí
cười hoài, nghe rất rùng rợn.
Quái thiếu niên chậm rãi nói:
- Lưu đường chủ mời thiếu gia tới đây có việc gì thế?
Ông già râu dài mặt đỏ là đường chủ của phân đà Thạch gia trang của An Thanh Bang, người ta đặt cho biệt hiệu là Náo Hải Giao Lưu Hải, thấy Vân Nhạc hỏi như vậy mãi không trả lời được, một lát sau mới cố gượng nói:
- Có phải các hạ hôm qua ở Cương Thượng...
Quái thiếu niên trầm giọng tiếp lời ngay rằng:
- Phải, thiếu gia đêm hôm qua đối địch với bang Thanh Phong đấy, nhưng cái đó có liên quan gì với An Thanh Bang các ngươi đâu?
Lưu Hải mặt nóng như hun, càng ngượng nghịu thêm, nghĩ thầm:
- Người ta nói rất đúng, An Thanh Bang hà tất phải đương đầu hứng chịu cho Thanh Phong Bang làm gì?
Y tuy nghĩ như vậy, nhưng vẫn làm ra vẻ đĩnh đạc, cả cười một hồi, quát lớn và nói:
- Ngươi gây sự ở khu vực của An Thanh Bang thì bổn đường có quyền hỏi tới.
Chỉ nghe thấy “Bộp” một tiếng, quái thiếu niên đập mạnh lên cái thần án cạnh đó và cười nhạt rồi nói:
- Bậy nào, tất cả đất đai là đều là vương thổ, An Thanh Bang không phải là quan phủ địa phương này, chỉ là một tổ chức tà ác đạo tặc thôi, thì có quyền gì hỏi tới những việc xảy ra trên đất đai này? Họ Lưu kia, nếu mi còn thốt những lời ngông cuồng như thế nữa, thiếu gia không cho mi mấy cái bạt tai mới là cả một sự lạ.
Cái thần án bị quái thiếu niên đập một chưởng, lõm hẳn một vết bàn tay, sâu chừng nửa tấc, tựa như dùng dao đẽo vậy, như vậy đủ thấy nội lực kinh người biết bao? Mọi người trông thấy thế, đều rùng mình hải sợ, còn Sách Thiên Lý chỉ cau mày, đứng yên đó. Cái đập ấy, quái thiếu niên mới sử dụng chưởng lực thường thôi, chớ không thì thần án ấy đã thủng lỗ rồi.
Lúc ấy ông già họ Thạch đi tới, chắp tay chào chàng vừa cười vừa nói:
- Thiếu hiệp, có chuyện gì hãy ngồi chơi uống chén nước đã, rồi hãy thong thả nói cũng được. Sự thật, tối hôm nay, những người có trong điện này đa số đều hâm mộ oai nghi của thiếu hiệp, cho nên mới tới đây để được chiêm ngưỡng phong thái. Lão là Thạch Trấn Thiên, mở trường dạy võ nơi đây. Vì đêm hôm qua thiếu hiệp anh dũng vô cùng, tiếng tăm đã truyền đi khắp mọi nơi, cho nên lão mới tới đây mong được làm quen. Việc đêm nay, thiếu hiệp không thể trách Lưu đường chủ được, vì ông ta thừa lệnh trên sai khiến chớ có phải tự ý ông ta định làm như thế này đâu? Mong thiếu hiệp lương thứ cho.
Quái thiếu niên mỉm cười nói:
- Thạch lão sư nặng lời quá. Vẫn biết câu chuyện là như thế thật, nhưng thử hỏi Lưu đường chủ định đoạt ra sao?
Lưu Hải định mở mồm nói, Cưu Thần Sách Thiên Lý khí khái cười giọng quái dị và nói:
- Tiểu tử, mi muốn biết định đoạt ra sao ư? Mi hãy hỏi lão đây sẽ biết liền.
Quái thiếu niên quay lại nhìn Sách Thiên Lý cười nhạt rồi đáp:
- Sách Thiên Lý, ngươi đừng có tự phục La Hầu Sát Công của mình là môn võ không ai địch nổi. Với thiếu gia thì môn võ độc đáo của ngươi không nghĩa lý gì cả. Nếu ngươi thấy ngứa ngáy chân tay thì chờ thiếu gia giải quyết việc An Thanh Bang xong sẽ kiếm nơi thanh tịnh thử vài hiệp cũng không muộn mà.
Cưu Thần Sách Thiên Lý rùng mình sợ hãi, nghĩ thầm:
- Quái lạ, La Hầu Sát Công của ta, tất cả sử dụng có ba lần thôi. Còn mười lăm năm nay ta có giở môn võ ấy ra bao giờ đâu mà y lại biết rõ như thế?
Quái thiếu niên quay lại nhìn mặt Lưu Hải không nói năng gì, hình như đợi chờ trả lời vậy.
Náo Hải Giao Lưu Hải bất đắc dĩ phải đáp:
- Theo quy luật của võ lâm thì người nào thắng trận, muốn nói gì đối thủ cũng đều cho là phải. Bây giờ không cần nói nhiều làm gì, xin ngài ra bên ngoài đấu vài hiệp chỉ giáo cho, nếu Lưu mỗ thất bại thì từ giờ tệ bang không được lý tới nhưng việc tương tự như thế này nữa.
Quái thiếu niên cả cười rồi nói:
- Thôi được, cứ theo lời nói mà xử sự vậy.
Nói xong chàng quay mình đi ra cửa điện trước. Bên ngoài là tế đàn xây bằng đá ráp, rộng chừng hai mươi trượng. Lúc ấy An Thanh Bang đã thắp bốn bó đuốc để bốn góc, sáng rực như ban ngày. Những thủ hạ An Thanh Bang do Lưu Hải dẫn tới, không kể những người đứng canh gác trên mái nhà, cũng có tới tám chín mươi người ở đó. Quái thiếu niên tới, tại sao những hảo thủ đó cứ làm thinh như vậy? Vì việc này là việc của Thanh Phong Bang, không việc gì tới An Thanh Bang cả, hơn nữa, bọn chúng cũng muốn xem tài ba của Cưu Thần Sách Thiên Lý ra sao, nên mới không tham dự vào là thế.
Náo Hải Giao Lưu Hải đứng lấy tấn xong, chắp tay vừa cười vừa nói:
- Mời thiếu hiệp đánh trước cho.
Quái thiếu niên không muốn kết thêm mối oán thù này nên mỉm cười đáp:
- Lưu đường chủ, chúng ta đã không có oán thù gì cả, thì bên nào có người bị thương cũng không nên cả. Hay là thế này vậy, Lưu đường chủ cứ việc tấn công, tại hạ thì cứ tránh né, trong ba mươi hiệp, nếu đường chủ đụng được tà áo của tôi thì coi như đường chủ thắng, tôi phải theo đường chủ tới quý tổng bang yết kiến quý Bang chủ, tùy quý Bang chủ muốn xử sự ra sao cũng được. Bằng không thì hòa cuộc, chẳng hay đường chủ nghĩ sao?
Lưu Hải nghĩ thầm:
- Ngươi ngông cuồng thật. Chẳng lẽ với công lực tu luyện bốn năm chục năm của ta mà không đánh đụng nổi tà áo của ngươi thì thật là vô lý quá!
Y nghĩ vậy, nhưng vẻ mặt vẫn tươi cười đáp:
- Ý kiến của thiếu hiệp rất hay, Lưu mỗ xin thất lễ trước nhé!
Quái thiếu niên với giọng cười kiêu ngạo, chỉ khẽ gật đầu một cái, hình như rất coi thường sự tấn công của đối thủ vậy.
Lưu Hải xông lên, sử dụng thế Nhựt Nguyệt Nhập Hoài (mặt trời và mặt trăng cùng rơi vào trong lòng) hai tay ôm tròn, đưa ra chưởng phong bao trùm xung quanh khiến quái thiếu niên không còn nơi nào mà trốn tránh được. Ngờ đâu, song chưởng của y chỉ còn cách độ hai tấc là đụng phải người đối phương rồi, Lưu Hải bỗng thấy hai mắt hoa hẳn đi, hai tay liền ôm vào chỗ trống, còn thân hình của quái thiếu niên đã biến đâu mất. Lưu Hải biết đối thủ đã tránh ra phía sau mình rồi, liền quay ngay lại, vừa thấy mặt đối thủ, hai mắt lại hoa luôn, tới khi nhìn thấy rõ thì mất bóng quái thiếu niên rồi, kinh hãi đến toát mồ hôi lạnh ra. Bất cứ Lưu Hải giở thân pháp và thủ pháp gì ra, cũng đều như dưới đáy bể bắt bóng trăng thôi, không sao đụng chạm được mảnh áo của thiếu niên cả. Y cứ thấy thân ảnh của đối phương như một làn khói vậy, thoáng thấy đã biến mất ngay rồi. Quay liền mấy chục cái, đến nỗi Lưu Hải hoa mắt chóng mặt mà vẫn không thấy. Lưu Hải nghĩ thầm:
- Có lẽ thiếu niên này không phải là người mà là ma quỷ cũng nên? Nếu ta cứ quay chong chóng thế này mãi, đến chết mệt mất, bây giờ ta giở thân pháp Linh Không Phát Kích ra (nhảy lên cao đâm bổ xuống) thì quái thiếu niên này không còn giở môn Quỷ Toàn Công ấy ra nữa (ma quay chong chóng).
Nhưng môn Linh Không Phát Kích này võ lâm rất ít người dùng, vì nhảy lên cao bổ xuống, tất cả người đều trống hở, nên phải gặp trường hợp bất đắc dĩ lắm mới đem ra sử dụng. Nhưng Lưu Hải thấy quái thiếu niên đã nói ngay lúc đầu không ra tay đánh lại mình, nên mới không nghi kỵ mà định dùng thân pháp đó. Nghĩ xong, y buông hai tay, đứng yên không cử động. Quái thiếu niên thấy y không cử động cũng đứng yên nhìn lại.
Bỗng nhiên Lưu Hải thét lớn một tiếng quái dị, thân hình tựa như con chim ưng bay lượn trên không, đột nhiên giơ hai cái quay chảo sắc bén như dao nhắm hai vai quái thiếu niên bổ xuống. Mười ngón tay của y có tiếng kêu “sì sì” nhanh như chớp nhoáng vồ tới. Quái thiếu niên ha hả cười, hai vai nhún một cái, lại mất tung tích luôn. Lưu Hải vồ hụt, thân hình rơi xuống, chân vừa đụng mặt đất, đã thấy quái thiếu niên hiện ra trước mặt, hì hì khẽ cười rồi.
Thì ra quái thiếu niên cũng nhảy lên trên không, bay lượn theo sau Lưu Hải, như bóng theo hình, khi tới Lưu Hải xuống tới mặt đất, chàng nọ cũng xuống tới phía sau và lẻn luôn ra phía đằng trước liền. Mọi người thấy quái thiếu niên thần kỳ quá đều vỗ tay khen ngợi. Còn Sách Thiên Lý đứng trong đám đông, hai mắt cứ nhấp nháy luôn.
Náo Hải Giao Lưu Hải lúc này đã biết quái thiếu niên có võ học siêu phàm xuất thần, tài ba hơn mình nhiều, liền chắp tay vái chào, vừa cười vừa nói:
- Võ học của các hạ tinh thâm lắm, Lưu mỗ xin chịu thua và cáo từ đây. Nếu các hạ có rảnh, xin mời tới tệ đường ở chơi vài bữa để chúng tôi được hân hạnh tiếp đón. Chẳng hay chúng tôi có được may mắn như thế không?
Quái thiếu niên vừa cười vừa đáp:
- Lưu đường chủ, chúng ta không đánh nhau thì không bao giờ làm quen được như thế này. Một ngày gần đây tiểu đệ thể nào cũng tới thăm đường chủ vài hôm.
Nói xong, chàng quay mặt lại phía Sách Thiên Lý quát lớn:
- Sách Thiên Lý, bây giờ đến lượt chúng ta phải tính toán cho dứt khoát đi.
Chàng vừa nói tay vừa múa tít cái điếu cày cướp được của Sách Thiên Lý hồi nãy. Cưu Thần Sách Thiên Lý biến sắc mặt, tức giận vô cùng, hơn nữa lại thấy địch thủ đang múa cái điếu cày của mình để làm nhục nhã mình, giận quá hóa cười điên cuồng, và đồng thời nhún mình nhảy tới, giơ chưởng lên đánh luôn. Quái thiếu niên không tiếp đỡ chưởng đó, chỉ tránh sang một bên một bước, múa điếu cày nhanh như gió, điểm luôn vào Thiếu Cúc huyệt của địch. Sách Thiên Lý cảm thấy cánh tay tê liệt, vội buông chưởng lui về phía sau ba thước, hai mắt trợn trừng tỏ vẻ nghi ngờ và nghĩ thầm:
- Sao thằng nhãi con này ra tay lại nhanh đến thế?
Quái thiếu niên không tiến lên tấn công, chỉ vừa cười vừa nói:
- Sách Thiên Lý, có giỏi kiếm nơi khác yên tĩnh hơn đây, để quyết định sống mái! Ngươi có dám không?
Náo Hải Giao Lưu Hải bỗng lên tiếng nói:
- Nếu hai vị giao chiến không muốn để cho chúng tôi được hân hạnh dự kiến thì chúng tôi rút lui khỏi nơi đây tức thì.
Quái thiếu niên cười nói:
- Như thế thì càng hay.
Mọi người liền rút lui tức thì, chỉ để lại bốn bó đuốc ở bốn bên, ngọn lửa vẫn sáng tỏ như trước thôi.
Lúc ấy, quái thiếu niên nhìn mặt Sách Thiên Lý trầm giọng hỏi:
- Tên Cưu Quái kia, bây giờ ngươi có thể thi thố môn La Sát Hầu Công được rồi chớ? Thiếu gia đang muốn kiến thức môn võ của ngươi đây.
Sách Thiên Lý mặt giận dữ, bỗng múa song chưởng, quay mình chạy quanh, trong giây lát khắp đấu trường đều là hình bóng của y, thế chưởng nhanh như điện chớp, nhằm các yếu huyệt của quái thiếu niên đánh tới. Quái thiếu niên biết Sách Thiên Lý đã động tới chân quả rồi, bèn cười thầm, vì thấy kẻ thù đã giở môn Mê Ly Ảo Hình Chưởng ra. Môn chưởng pháp này là một thứ huyền môn tối cao vô thượng chưởng pháp, thân pháp phối hợp với chưởng pháp không còn một khe hở
nào, chưởng lực đưa ra như cuồng phong sóng cuộn bao trùm cả người địch thủ. Quái thiếu niên muốn thử xem Sách Thiên Lý có phải là kẻ thù giết hại cha mẹ mình không liền thét dài một tiếng, nhảy lên trên cao, tựa như con thần long lượn trên không vậy, bay ba vòng, đầu hơi ngửng lên, hai cánh tay co lại, hai vai ưỡn ra, cứ thế mà bao trùm lấy người Sách Thiên Lý.
Sách Thiên Lý tưởng giở Mê Ly Ảo Hình Chưởng ra là có thể phá nổi thân pháp quái dị của thiếu niên nọ, vì chưởng pháp này như cái lưới, dù thân pháp của đối thủ nhanh đến đâu, chưởng lực của mình cũng theo sát thân hình đối thủ được. Khi y ra chưởng như gió, sắp bao trùm được thân hình kẻ địch, ngờ đâu quái thiếu niên lại nhảy vọt lên cao, giở môn Thần Long thân pháp ra Thấy thân pháp đó, Sách Thiên Lý trong óc liền sực nghĩ ngay ra một người, vội tránh ra xa hơn một trượng, quát hỏi:
- Truy Hồn Phán Tạ Văn với mi là thế nào?
Quái thiếu niên ha hả cười rồi đáp:
- Nhãn lực của Cưu Quái quả thật là sắc bén lắm.
Nói xong, chàng hạ mình xuống, lại nói tiếp:
- Thiếu gia đây là người được Truy Hồn Phán truyền thụ võ nghệ cho. Đêm hôm nay ta thử xem ngươi có thể thoát được chín mươi bảy thức Phi Long Chưởng này không?
Sách Thiên Lý giật mình kinh hãi thầm, cười nhạt rồi nói:
- Truy Hồn Phán trước kia đã làm oan hồn dưới bàn tay của lão gia đây, mi là đồ đệ của y tài năng bao nhiêu mà cũng dám vô lễ như vậy?
Lúc này quái thiếu niên đã xác nhận rõ Sách Thiên Lý là kẻ thù giết cha mẹ mình thật, không nói năng gì nữa, hai chân dùng sức, nhún mạnh một cái cả thân hình lại bay lên trên không, hai cánh tay dùng thế Vân Long Đầu Giáp xông xuống đánh Sách Thiên Lý.
Đêm hôm trước ở Cương Thượng về, lúc ấy canh tư sắp tàn, chàng không sao ngủ được... Khi trở về khách sạn, trên dọc đường, chỉ có Giang Dao Hồng ân cần cảm tạ thôi, chớ những người kia đều ngậm miệng làm thinh vì ai nấy đều nghĩ ngợi tâm sự của mình và hoài nghi Vân Nhạc, nhưng không ai hiểu tâm trạng và hoàn cảnh của chàng. Về tới khách điếm, mọi người chào nhau rồi uể oải về phòng nghỉ ngơi.
Khương Tôn Diệu, Đông Phương Ngọc Côn hai người vẫn không sao biết được Vân Nhạc đã sử dụng thủ pháp, thế võ nào hạ địch. Sự thật thì hai anh em không trông thấy động tác của chàng, tựa như ma quỷ vậy, chỉ thoáng một cái là tiêu tan ngay, cho nên cả hai cứ trầm tư lai lịch về môn phái của chàng luôn luôn. Hai người là những nhân vật mới nổi tiếng nhất trong vai vế hậu sinh, mà ngay như những lớp có tuổi, đã mấy ai giỏi bằng hai chàng. Nhưng so sánh với Vân Nhạc thì hai chàng chỉ là những ngôi sao nhỏ tí, đứng cạnh vầng trăng tròn.
Ải Phương Sóc cũng nghĩ thầm:
- Hai mươi năm trước, mình vô hình chung nhặt được cuốn Ngũ Hành Khí Công Chân Khuyết, định kiếm người em kết nghĩa để cùng nghiên cứu, nhưng Truy Hồn Phán Tạ Văn hành tung bất định, không sao tìm thấy. Mình mới ẩn núp ở trên núi Tung Sơn, khổ tâm nghiên cứu sáu năm mới hạ sơn... Không ngờ ta với chú em kết nghĩa lại vĩnh biệt. Mười lăm năm lang bạt trên giang hồ, ngày giờ nào cũng muốn trả thù cho Tạ Văn, nhưng kẻ thù của y quá nhiều và chúng đều giấu giếm tên họ, nếu chưa điều tra rõ là ai thì ta trả thù sao được. Tối hôm qua, gặp dòng dõi của bái đệ ta thấy thân pháp và thủ pháp thâm kỳ khôn tả. Ta là người giàu kinh nghiệm và oai vọng như vậy, đa số các môn phái võ lâm trong thiên hạ, đều biết rõ còn có thể phê bình được lai lịch của y... Huống hồ y tuổi mới đôi mươi, đã làm trưởng lão của Cái Bang rồi. Hiện giờ thế lực của Cái Bang lan khắp thiên hạ, vai vế và quy luật môn phái rất nghiêm khắc như thế, mà sao y lại là trưởng lão... Thế này thì ta có là thần thánh cũng chưa chắc thấu hiểu được?
Còn phần Giang cô nương thì đang lo âu việc sau này. Nàng là người tứ cố vô thân, bốn bể mênh mông, không biết nương thân nơi nào mới được yên ổn... Càng nghĩ nàng càng cảm hoài thân thế, không sao cầm nổi nước mắt tuôn rơi.
Chính ra, Vân Nhạc định sáng nay khởi hành lên miền bắc ngay, không ngờ gặp gỡ thế bá họ Kinh... Đêm hôm qua giở môn võ công kinh người khiếp đởm, chàng không định tâm giày vò hay dọa nạt ai cả, chỉ hận Thanh Phong Bang hà hiếp một thiếu nữ mà phải xuất động tới bấy nhiêu thuộc hạ, mới ra tay như vậy... Chàng liên đới hồi tưởng năm xưa cha chàng bị bọn chúng vây đánh ở Tam Xương cũng tương tự như vậy, nên chàng mới phẫn uất như thế, liền giở hết kỳ học Hiên Viên Thập Bát Giải ra, nhưng chàng không làm như thế cũng không giải quyết nổi câu chuyện hôm qua một cách thuận lợi như vậy. Chàng định ở lại Thạch gia trang một hôm, để hỏi Kinh thế bá xem những kẻ thù của cha là ai, rồi mới quyết định chương trình sau này.
Chàng nghĩ đoạn, thở dài một cái, lập tức đi ra ngoài cửa. Bỗng nghe thấy tiếng gió lùa tai, chàng biết là có người tới, liền ngừng chân lại, đã thấy một người đứng ở trước mặt, nhìn kỹ mặt người nọ chàng hớn hở vô cùng. Thì ra người đó là Cửu Chỉ Thần Cái Thương Tỷ, Vân Nhạc mừng quá vội tiến lên nắm hai tay người nghĩa huynh vừa cười vừa nói:
- Đại ca, anh tới Thạch gia trang này từ hồi nào thế? Sao lại biết tiểu đệ nơi đây? Mời đại ca vào trong phòng ngồi chơi...
Thương Tỷ hai mắt lộ thần quang, vẻ mặt tươi cười, nhìn Vân Nhạc một hồi mới nói;
- Chú khỏi phải hỏi tại sao nữa, suốt dọc đường chú đi tới đâu, ngu huynh đều biết rõ hết. Trước hết ngu huynh hãy mừng cho lão đệ đã.
Nói xong Thần Cái ngừng giây phút, Vân Nhạc ngượng nghịu mặt đỏ bừng. Thương Tỷ liền vừa cười vừa nói tiếp:
- Hiện giờ Hồng Kỳ Bang đã rút khỏi khu vực Tô Bắc rồi, Vũ Văn Lôi tức giận chú lắm, mấy ngày gần đây, y đã phái mấy bọn người đi điều tra xem sư môn, phái hệ của hiền đệ và hiện giờ đi tới đâu, y vẫn chưa hay hiền đệ đã làm cho xa gần đều hay biết cả. Sáng ngày hôm nay, Thanh Phong Bang đã rút ra khỏi Cương Thượng rồi, nhưng hiền đệ bất cẩn đã thố lộ tên Dư Long ra, bị bọn chúng điều tra ra Dư Long là đệ tử của Cái Bang cho nên chúng xúi giục An Thanh Bang ra mặt khiển trách Cái Bang, tại sao vô cớ đến khu vực của chúng phá bĩnh, gây nên cuộc tranh đấu, lại điều tra lại long khứ mạch của hiền đệ. An Thanh Bang rất có thế lực, bao trùm ba tỉnh Hà Bắc, Sát Ha Nhỉ và Sơn Đông, lại được Bát Kỳ Vương Công đỡ ngầm nên Cái Bang không tiện tranh đấu ra mặt với chúng. Hôm nay ngu huynh vừa tới ngoại đường Thạch Môn, liền sai Dư Long trả lời chúng rằng chuyện đó Cái Bang không hiểu gì cả, hôm qua những người đối địch với Thanh Phong Bang, đều tay cầm phù hiệu của bổn môn và quy luật của bổn môn chỉ nhận phù hiệu chứ không nhận người, tất cả mọi việc đều theo lệnh mà làm. Nếu quý bang muốn hỏi người cầm phù hiệu chỉ huy anh em Cái Bang đêm hôm qua là ai thì tối hôm nay cứ việc tới Thiên Tề miếu ở thành bắc mà hỏi là sẽ biết ngay.
Cho nên ngu huynh mới đến đây báo để hiền đệ hay, nên tốt hơn hết một mình hiền đệ đi thì hơn, trong bang Thanh An tuy có khá nhiều hảo thủ nhưng với tài của hiền đệ ứng phó có dư. Nghe nói đêm hôm qua hiền đệ ra tay tinh kỳ lắm, trong võ lâm ít thấy. Chắc tối hôm nay hiền đệ đi Thiên Tề miếu thế nào cũng có khá nhiều võ sư danh tiếng ở Yến Vân chiêm ngưỡng, hay bắt buộc hiền đệ ra tay. Hiền đệ là người thông minh, tới lúc ấy nên cư xử thế nào cho có lợi, ngu huynh khỏi cần dặn bảo, hiền đệ tất biết cách đối phó rồi.
Nói tới đây, Thần Cái lại nghiêm nét mặt nói tiếp:
- Hiền đệ chớ hiểu lầm ngu huynh có điều gì bất mãn, vì lần này có chút ra ngoài ý muốn là vì trong bang An Thanh có một người tên là Dương Hy Kiệt năm xưa có ơn với ngu huynh, nên không tiện giở mặt với chúng lúc này mới phiền hiền đệ đi một phen.
Nói tới đây, Thương Tỷ đưa mắt nhìn ra bên ngoài và nói tiếp:
- Chuyến này hiền đệ đi tầm thù không nên đi cùng với Ải Phương Sóc vì trong võ lâm ai ai cũng biết y là bạn kết kim lan với Tạ lão tiền bối. Nếu hiền đệ đi với y, họ tất nghi ngờ, sẽ có nhiều sự trở ngại. Lời của ngu huynh tới đây là hết, chúng ta sẽ gặp lại nhau tại Lưu Cầu Kiều nhé.
Nói xong, Thần Cái nhún mình một cái, đã phi thân lên trên mái nhà đi mất dạng rồi.
Vân Nhạc bất giác cảm khái thở dài, than cho nhân vật trong võ lâm chỉ vì một chút việc mọn mà đã oan oan tương tầm rồi, dù việc đó không liên quan đến mình, cũng gây nên biết bao cuộc tranh chấp... Chàng lại thấy bang An Thanh vô lý quá, phen này quyết cho bang đó biết chút thủ đoạn của mình. Một lát sau, ngoài sân có tiếng chân người đi vào, thì ra Ải Phương Sóc với anh em Đông Phương Ngọc Côn mỉm cười bước tới. Trông thấy Vân Nhạc, Đông Phương Ngọc Côn vừa cười vừa nói:
- Ngôn huynh dậy sớm thế?
Vân Nhạc đáp:
- Từ đêm hôm qua tới giờ tiểu đệ chợp mắt đâu, sau thấy trời sắp sáng tỏ rồi, tiểu đệ không ngủ nữa.
Ải Phương Sóc vào tới trong phòng, ngồi luôn lên giường, ti hí mắt nói:
- Hiền điệt, đêm qua bác cũng không ngủ tí nào. Chẳng hay đêm hôm qua cháu dùng thủ pháp gì mà bác nghĩ mãi cũng không ra là môn phái, chiêu số nào, cháu có thể nói cho bác hay được không?
Vân Nhạc ngẩn người giây lát, rồi mới đáp:
- Tiểu điệt cũng không rõ lai lịch và căn nguyên của những thế võ đó. Sự thật thì những thủ pháp ấy có thần kỳ gì đâu, chỉ nhờ có hai chữ nhanh nhẹn thôi, đồng thời mắt, tay, người đều phải hợp nhất, thừa cơ đối phương chưa phòng bị, cháu liền tấn công trước có thế thôi. Chớ địch biết trước phòng bị thì cháu cũng không làm gì nổi chúng.
Ải Phương Sóc tỏ vẻ không tin, lắc đầu nói:
- Thằng nhãi này, không ngờ mày lại giỏi giấu giếm đến thế? Nhưng mày không chịu nói, tao cũng không miễn cưỡng mày làm gì. Nhưng còn việc cháu trẻ tuổi như thế, sao lại làm được trưởng lão của Cái Bang?
Vân Nhạc vừa cười vừa đáp:
- Thưa bác, cháu có nói ra, chắc bác cũng không tin cho. Câu chuyện ấy là do cháu khi đi đường, có cứu sống được một người, liền được người ấy tặng cho một cái phù hiệu và dặn cháu tới lúc gặp nguy nan cứ cầm cái phù hiệu ấy tới Cái Bang địa phương đó là có người ra tay giúp đỡ ngay, nhưng chỉ sử dụng được một lần thôi. Luật lệ của Cái Bang là hễ thấy ai cầm phù hiệu đó tức là người đại diện trưởng lão của bổn bang. Cho nên đêm hôm qua bang chúng gọi cháu là trưởng lão là chúng tuân theo quy luật của Cái Bang, chớ có phải cháu là trưởng lão gì đâu?
Ải Phương Sóc nghe chàng nói xong, bán tín bán nghi, lắc đầu lia lịa vừa cười vừa nói:
- Thật là không thể tưởng tượng được.
Lúc ấy Giang Dao Hồng cũng vào theo, đi tới trước mặt Vân Nhạc vái một cái rồi nói:
- Đêm hôm qua nhờ được thiếu hiệp ra tay che chở cho tiểu muội, xin cảm tạ nơi đây.
Vân Nhạc chỉ phẩy tay một cái, Giang cô nương chỉ cảm thấy một tiềm lực rất ôn như cản lấy người mình không cho kỳ xuống. Nàng ngơ ngác kinh ngạc vô cùng.
Vân Nhạc liền nói:
- Giang cô nương, sao cô lắm phép tắc đến thế? Chúng ta cùng là người trong giới hiệp nghĩa cả, ra quyền giải vây là bổn phận của chúng ta, cô hà tất nhắc tới làm gì?
Chàng quay lại nói với Khương Tôn Diệu và Đông Phương Ngọc Côn rằng:
- Khương huynh và Đông huynh, sau khi Giang cô nương đào thoát bang Thanh Phong, chắc thế nào cũng lênh đênh cơ khổ, cử mục vô thân. Chúng ta cứu người phải cứu tới chót. Theo ý tiểu đệ thì nhị huynh là danh môn chính phái, có thể giới thiệu cho nàng được gia nhập quý môn phái không?
Khương Tôn Diệu và Đông Phương Ngọc Côn đồng thanh đáp:
- Ngôn huynh không nói ra, anh em chúng tôi cũng có giới thiệu Giang cô nương tới gia nhập Mạn Nhân sư thái, là tiền bối của bổn môn phái. Hiện giờ Mạn Nhân sư thái chúng tôi tuy thiền công võ học đều đạt tới tuyệt mức mà vẫn chưa có môn hạ nào để truyền dạy cho. Giang cô nương cán cốt và trí óc đều thuộc loại thượng thặng, chắc sư thúc chúng tôi không từ chối đâu!
Nghe thấy anh em Khương Tôn Diệu nói như vậy Giang Dao Hồng mừng quá hóa khóc, hai má lộ hai đồng tiền, đứng dậy cảm tạ hai người.
Lúc ấy bỗng Ải Phương Sóc bỗng la lớn rằng:
- Chúng bây mấy đứa nhãi con cứ mải trò chuyện với nhau bỏ lạnh lão gia mặc lão gia sống chết cũng không thèm đếm xỉa tới, phải không?
Bọn Đông Phương Ngọc Côn thấy lão hiệp la như vậy đều cười ồ, và biết Kinh lão tiền bối là người thích khôi hài có tiếng. Mọi người đang vui cười chuyện trò, bỗng nghe bên ngoài có tiếng kêu lọt vào tai, ai nấy đều giật mình kinh hãi, nhô đầu ra cửa sổ nhìn thì thấy ba người đã đứng sừng sững ở trước cửa sổ rồi. Hai người mặt đen, gầy gò, mặc áo đen đứng hai bên, đều có tuổi rồi, còn người đứng giữa là một thiếu niên anh tuấn, lông mày dài tới mai tóc, chỉ đáng tiếc sắc mặt hơi xanh, đôi ngươi hay nhìn ngược nhìn xuôi, mới trông ai cũng biết ngay là người dâm tà, cứ nhìn tròng trọc vào mặt Giang cô nương, mồm tủm tỉm cười.
Vừa thấy mặt người thanh niên đó Giang cô nương mặt tái mét lại, chân tay run lẩy bẩy, sợ hãi vô cùng.
Trông thấy mặt ba người nọ, Ải Phương Sóc ha hả cười và nói:
- Lão tưởng là ai, không ngờ lại là Thiên Môn Hắc Huyệt Song Quái đã tới.
Nói xong lão hiệp giơ tay đẩy mạnh ba người đó một cái. Đồng thời lão hiệp cũng nhảy theo ra ngoài cửa sổ. Vân Nhạc rủ ba người kia cùng phi thân theo ra xem sao.
Ngoài sân chỉ rộng chừng bốn trượng vuông, hai bên cộng tất cả là tám người đứng ở trong sân thấy đầy chật ních cả rồi. Thấy Ải Phương Sóc dùng Ngũ Hành Khí đẩy ra, Hắc Huyệt Song Quái vội nhảy lùi về phía sau hai trượng, rồi cười giọng quái dị và nói:
- Kinh lão nhi, sao lão hẹp lượng đến thế? Không phân trắng đen gì cả, vừa thấy mặt đã ban cho chúng tôi một chưởng rồi. Hôm nay anh em tôi tới đây không phải tới phiền nhiễu lão đâu. Món nợ cũ chúng tôi còn chưa có thì giờ thanh toán vội.
Ải Phương Sóc nghi ngờ hỏi:
- Nếu vậy, tại sao hai vị lại tới đây làm chi?
Ông già mặt đen, trên trán có nốt ruồi vừa cười vừa đáp:
- Kinh lão nhi, đây là khách sạn, các người có thể tới được tất nhiên chúng ta cũng có thể tới được. Thôi, để ta nói sự thật cho lão hay, là do vị này ước hẹn anh em ta tới đây.
Nói tới đây, giơ tay chỉ người thanh niên và nói tiếp:
- Để ta giới thiệu cho mọi người, vị này là cao túc của Tuyết Sơn Nhân Ma khét tiếng Hoàn Vũ Tam Tuyệt, tên là Bạch Sam Tú Sĩ Lý Nhân Uyển. Ông ta tới đây là vì Giang cô nương mà đến.
Ải Phương Sóc và anh em Khương Tôn Diệu ba người thấy Hắc Huyệt Song Quái nói vậy, đều rùng mình kinh hãi. Bạch Sam Tú Sĩ Lý Như Uyển tuy không có tên tuổi mấy nhưng sư phụ của y là một ma đầu đã khét tiếng bảy tám mươi năm nay rồi, võ học tinh xảo, đứng đầu võ lâm, bình sinh hành sự không cần hỏi tới thị phi ra sao, cứ theo ý mình hỉ hay nộ mà thi hành, ai phạm vào tay y tất phải chết chớ không sai... Người trong giang hồ thấy mặt y là tránh đường mà đi, chớ không ai dám đụng chạm tới y cả. Nhưng có một điều may là Tuyết Sơn Nhân Ma ít khi lộ diện ở giang hồ chớ không trong võ lâm không còn ngày giờ nào yên tĩnh cả. Ải Phương Sóc nghe thấy Lý Như Uyên là môn đồ của Tuyết Sơn Nhân Ma vội vàng gật đầu chào ngay. Ngờ đâu Lý Như Uyên không thèm nhìn Ải Phương Sóc, chỉ dùng mũi hừ một tiếng, hai mắt vẫn ngắm trông mặt Giang cô nương như cũ vừa cười vừa nói:
- Em Dao bây giờ đã thoát ly bang Thanh Phong rồi, có thể đi cùng với ngu huynh lên Tuyết Sơn chớ? Ngu huynh cam đoan từ giờ trở đi, bang Thanh Phong không dám quấy nhiễu em nữa đâu!
Nói xong, y giơ tay định lôi Giang Dao Hồng. Giang cô nương nét mặt sầm lại, không nói nửa lời, trong khi Lý Như Uyên nói, nàng đã biết thế nào cũng làm như vậy rồi, nên tên nọ vừa giơ tay ra kéo, nàng lẻn vào phía sau Vân Nhạc, giận dữ nhìn mặt Lý Như Uyên.
Ải Phương Sóc thấy Lý Như Uyên kiêu ngạo quá, trong lòng nổi giận lại thấy y vô lễ với Giang cô nương như vậy, càng tức giận thêm, vội đẩy mạnh tay phải một cái, nhằm giữa ngực tên nọ đánh tới và quát lớn rằng:
- Thằng nhãi này giỏi thật, dám giở trò vô lễ ở trước mặt lão gia như vậy phải không?
Lý Như Uyên trả lời bằng tiếng cười nhạt, rồi thuận tay đưa ra kéo Giang cô nương quay trở lại tiếp luôn chưởng của lão hiệp. Chỉ nghe thấy bùng một tiếng Ải Phương Sóc bị giật lùi một bước còn Lý Như Uyên chỉ hơi rung động một bên vai thôi. Như vậy thấy nội công của hai người ai hơn ai kém rồi. Ải Phương Sóc kinh hãi vì thấy công lực của đối phương quá mạnh như vậy, Hắc Huyệt Song Quái đứng cạnh cười nhạt chế diễu.
Ải Phương Sóc tức giận đến mày râu đều dựng đứng lên, miệng quát lớn:
- Tiểu bối kia, mi có giỏi tiếp thêm lão một chưởng nữa?
Nói xong lão hiệp dồn sức vào hai tay, bỗng đánh mạnh ra, Lý Như Uyên đánh tới chưởng thứ hai, ba, bốn, năm thì Ải Phương Sóc vì không ngờ địch lại liên hoàn đánh ra mấy chưởng như vậy, nên không kịp phòng bị, bị đẩy lui ba bốn bước liền.
Lúc ấy, Lý Như Uyên sầm nét mặt lại và nói:
- Kinh Phương, thiếu gia ngày hôm nay không nể mặt Giang cô nương thì cho mi chết ngay dưới bàn tay này.
Ải Phương Sóc ha hả cười đáp:
- Chưa chắc!
Hắc Huyệt Song Quái, tên có nốt ruồi, chế diễu rằng:
- Kinh lão nhi, mi muốn thử tài thì bên ngoài tường kia là bãi đất hoang rộng rãi và dễ hoạt động hơn, nếu không mi đổ lỗi cho trong này quá chật hẹp mới chết oan như vậy!
Ải Phương Sóc cười nhạt rồi đáp:
- Hừ, Kinh mỗ chết sao được. Vua Diêm Vương bảo bắt hồn ta đi phiền phức và tốn công lắm, thà để các ngươi đi trước cho rảnh.
Lão hiệp quay lại nhìn Lý Như Uyên nói tiếp:
- Ngươi có dám ra ngoài kia không?
Lý Như Uyên ha hả cười và đáp:
- Mi muốn chết ngay bây giờ thiếu gia từ chối sao được?
Trong tiếng cười của y bao hàm biết bao sát cơ, khiến ai nghe thấy cũng rùng mình. Ải Phương Sóc căm hờn nhìn Lý Như Uyên, hơi nhún mình một cái thân hình đã như viên đạn phi qua bờ tường rồi. Hắc Huyệt Song Quái cũng nhảy ra theo.
Bạch Sam Tú Sĩ Lý Như Uyên vẫn đứng yên nhìn Giang cô nương mỉm cười, trông vẻ mặt rất phong nhã, nhưng đôi mắt nhìn ngược nhìn xuôi làm hư cả bộ mặt đó, khiến ai trông thấy cũng biết ngay y là một tên dâm đãng...
Thấy thân hình y hơi động, Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu đã rút kiếm ra bảo vệ Giang cô nương tức thì.
Lý Như Uyên giận dữ nhìn Khương Tôn Diệu hai người, lại tươi cười nhìn Giang Dao Hồng rồi nói:
- Em Dao, ngu huynh đã tốn biết bao tâm trí vì em, bất cứ cư xử với ngu huynh với thái độ nào, ngu huynh vẫn kiên tâm như sắt đá. Từ nay trở đi bất cứ em đi đâu, ngu huynh cũng theo gót chân của em tới cùng.
Nói xong chỉ thoáng một cái y đã nhảy qua bờ tường rồi.
Từ đầu chí cuối, Vân Nhạc không hề nói nửa lời, trong lòng cũng thầm phục công lực của Lý Như Uyên... Chàng thấy Giang cô nương sợ y như rắn rít, chắc thể nào cũng có việc khó nói gì đây, ngày hôm nay mình thể nào cũng phải ra tay, liền mỉm cười nói:
- Chúng ta cũng ra ngoài xem đi?
Bốn người cùng vượt qua bờ tường ra tới bên ngoài, quả nhiên thấy một bãi đất hoang rộng, cách nhà gần đó chừng hai ba mươi trượng, tả hữu đều là ao nước, ngỗng và vịt đang bơi lội trên mặt nước.
Lúc ấy Ải Phương Sóc và Lý Như Uyên đứng đối lập nhau, không nói nửa lời, rồi đi vòng quanh lừa miếng nhau, bốn mắt nhìn nhau không chớp... Hai người vòng quanh ba bốn vòng, đột nhiên Ải Phương Sóc quát lớn một tiếng, song chưởng múa vòng tròn, Lý Như Uyên song chưởng để tréo, định giở trò cũ, liên hoàn đánh ra, nhưng lần này không phải là đụng tay như lúc nãy, thân pháp và bộ pháp tinh diệu tuyệt luân, nếu Ải Phương Sóc là tay tầm thường khác đã chịu không nổi rồi.
Ải Phương Sóc thị hỏa hầu của mình đầy đủ, kinh nghiệm nhiều hơn và Ngũ Hành Chưởng lại là võ học ít thấy trong võ lâm. Lý Như Uyên cũng nhờ võ công kỳ diệu của Tuyết Sơn nên hai người đã hơn ba mươi hiệp rồi mà vẫn bất phân thắng bại.
Vân Nhạc nghĩ thầm:
- Kinh thế bá thắng rất khó, ta không nên để cho Lý Như Uyên làm mất tiếng tăm của ông ta đã gầy dựng bấy nhiêu năm, khi nào thấy ông ta túng thế là phải ra tay giúp ngay mới được!
Chàng quyết định xong, quay lại nói với bọn Đông Phương Ngọc Côn rằng:
- Nhị huynh bảo vệ lấy Giang cô nương, đừng để cho Hắc Huyệt Song Quái ra tay đánh trộm.
Nói xong, chàng chỉ khẽ đụng vai một cái, đã nhảy vào giữa vòng đấu rồi, liền nói:
- Đối phó với những quân ngông cuồng này, xin thế bá để cho cháu địch cũng thừa sức rồi!
Thấy chàng nói như vậy, Ải Phương Sóc đã biết thế điệt của mình thế nào cũng hạ nổi địch thủ, liền nhảy ra ngoài vòng chiến đấu, vừa cười vừa nói:
- Thế điệt nên cẩn thận nhé.
Thấy Vân Nhạc phi thân tới, Lý Như Uyên máu ghen nổi lên vì y thấy Vân Nhạc đẹp trai hơn và phong độ tuyệt mỹ, và lúc mới tới thấy Giang Dao Hồng chạy ra sau lưng chàng ẩn núp, không thèm đếm xỉa tới, nên y mới hiểu lầm chàng là người yêu của Giang cô nương là thế... Hơn nữa, y thấy thắng Ải Phương Sóc đến nơi, bỗng bị Vân Nhạc vào ngăn cản, nên mặt y hiện ngay sát khí hậm hực nói:
- Ngươi là ai? Có phải là ngươi là kẻ một thế khắc phục bang Thanh Phong đấy không?
Vân Nhạc vừa cười vừa đáp:
- Phải, tôi đây. Còn tôi là ai thì anh chưa đủ tư cách hỏi tới.
Lý Như Uyên cười nhạt rồi nói:
- Ngươi thật ngông cuồng quá, nhất là đứng trước mặt ta đây.
Y biết công lực của Vân Nhạc lợi hại như thế nào, đêm hôm qua mới khắc phục bang Thanh Phong, nhưng y thị võ học hiện giờ của mình trong võ lâm ít người địch nổi, đồng thời y lại nghi ngờ người ta tô điểm quá nỗi, chớ Vân Nhạc làm gì có võ công thần kỳ như vậy? Y yêu Giang Dao Hồng từ lâu rồi nên hôm nay mới theo tới đây để bảo vệ cho nàng, ngờ đâu Giang cô nương lại ghẻ lạnh y đến thế!
Nên bao nhiêu sự bực tức y đều định dồn cả vào đầu Vân Nhạc. Nay thấy Vân Nhạc đứng lì ra đấy, không nói nửa lời, liền nhận định đối phương bất tài thật, lời đồn đại của thiên hạ không thể tin cậy được.
Vân Nhạc chỉ cười nhạt rồi đáp:
- Anh cũng thế, ở trước mặt tôi, thái độ của anh cũng quá ngông cuồng đấy.
Lý Như Uyên trầm giọng nói:
- Bạn hãy câm mồm đi, tiếp thử chưởng lực của ta xem có tiếp nổi không đã rồi hãy nói khoác sau.
Nói xong y lại giở liên hoàn ngũ chưởng ra, càng đánh càng mạnh hơn lên, kình phong kêu vù vù, tựa như bài sơn đảo hải đẩy tới người của Vân Nhạc. Nhưng chàng vẫn đứng yên, không hề lui tránh, chưởng phong của đối phương áp đảo tới, cách người chàng độ năm tấc là tiêu tan liền, cả vạt áo chàng không thấy động mảy may.
Thấy vậy, Lý Như Uyên kinh hãi vô cùng, nghĩ thầm:
- Đối phương giở võ công của môn phái nào thế? Hay là y có tà thuật chăng?
Nhưng y có biết đâu Vân Nhạc bố trí ngầm Di Lặc Thần Công bảo vệ toàn thân. Cũng may cho Lý Như Uyên, chàng chỉ giữ thân không thôi, không sử dụng tới sức phản công, chớ không, mười Lý Như Uyên cũng bị sức bắn trở lại đánh bật ra ngoài hơn trượng là ít.
Lúc ấy, Vân Nhạc vừa cười vừa nói:
- Bây giờ bạn cũng thử tiếp chưởng lực của tôi, xem bạn có tư cách ngông cuồng
không? Nói xong, chàng dùng thức thứ ba Mạc Phục Kim Cương trong mười hai thế của Di Lặc Thần Công, khẽ phẩy chéo hữu chưởng một cái, nhưng chưởng thế chỉ nhẹ nhàng đưa ra như là chưa dùng tới toàn lực vậy.
Bạch Sam Tú Sĩ Lý Như Uyên cũng là lương tài mỹ chất, chớ có phải là những kẻ tầm thường đâu, năm lên sáu đã được Tuyết Sơn Nhân Ma ôm lên trên núi, võ học đều được chân truyền, tánh nết cũng giống như sư phụ, tuy ít làm điều ác, nhưng khuyết điểm lớn nhất là hay tự phụ và nhẩm tính, ví dụ y thích cái gì dù khó khăn đến đâu cũng phải xoay xở cho kỳ được. Cũng như chuyện y yêu Giang cô nương chẳng hạn. Nhưng y thị cái gì mà dám nhẩm tính như vậy?
Không phải nói rõ, ai cũng biết y cậy có võ học kinh người, khi y hạ sơn, người trong giang hồ, nghe thấy y là môn đồ của Tuyết Sơn Nhân Ma cũng phải nhường nhịn ba phần, vì đánh với y, có thắng đi chăng nữa, phía sau y còn có lão ma đầu, nên y mới kiêu ngạo và ngông cuồng như thế!
Nhưng y có ngờ đâu, dùng liên hoàn chưởng đánh ra mà đến vạt áo của đối thủ cũng không thấy lay động tí nào, kinh hãi vô cùng, mặt tái mét lại, lại thấy đối thủ khẽ đánh ra một chưởng, tuy chưa thấy có cái gì là thần kỳ cả, biết ngay chưởng đó có chút quái dị, vội vận Tuyết Sơn tuyệt kỹ, Trấn Sơn Khí Công ra, cổ họng hét như tiếng bò rống, giơ tay lên tiếp chưởng của địch. Trấn Sơn Khí Công rất lợi hại, trong vòng mười trượng kẻ địch bị đánh là phải gãy xương nát thịt, xác mềm nhũn như một đống đất bùn vậy. Lý Như Uyên có ngờ đâu Trấn Sơn Khí Công của mình đánh ra, như bỏ đất rơi xuống bể vậy, biệt tăm vô tích, lại thấy chưởng của đối thủ phát ra, có tiếng gió kêu sì, sì rất nhỏ, thổi vào mặt thấy mát mẻ vô cùng, tiếp theo đó lại có một tiềm lực mềm mại và vô hình tập kích tới thân mình, càng ngày càng thấy mạnh hơn lên.
Lúc ấy, Lý Như Uyên muốn kháng cự lại, nhưng đã muộn rồi, thấy hai tay yếu hẳn, rồi dần dần sức lực của đối phương đè lên thân hình mình nặng như một tảng núi vậy, tay chân đã bắt đầu thấy tê liệt, cấm khẩu không nói được nửa lời, thân hình bị tiềm lực đó đẩy lùi về phía sau, mắt mũi ngũ quan cứ rỉ máu tươi ra. Lúc ấy, Lý Như Uyên như một ác quỷ mặt đầy máu tươi, chớ không đẹp trai như trước nữa. Y lùi một bước, mọi người đều rùng mình một cái, dần dần càng lùi càng nhanh.
Vân Nhạc từ từ thâu hồi chưởng lại, Lý Như Uyên liền ngã ngửa xuống ao nước.
Hắc Huyệt Song Quái vội chạy lại kéo y lên bờ ao, chỉ thấy hai mắt nhắm nghiền, mặt trắng như giấy, ngũ quan nhỏ giọt máu tươi. Vì Vân Nhạc hận Lý Như Uyên mục hạ vô nhân và còn đến tận nơi hà hiếp Giang Dao
Hồng, liền nghĩ thầm:
- Chẳng lẽ mi thị là đệ tử của Tuyết Sơn Nhân Ma thì muốn làm bậy thế nào cũng được hay sao? Trong võ lâm này lại dung túng nhưng quân bất chấp lý tánh này?
Nghĩ đoạn chàng bèn giở Di Lặc Thần Công ra, mười hai thức Di Lặc Thần Công đó là bí học đoạt thiên địa tạo hóa, mỗi một thức đều có oai lực vô cùng, tinh diệu độc đắc. Mười hai thức ấy là thâu hết tinh xảo của võ học thiên hạ.
Vừa rồi chàng sử dụng thức thứ ba là Mạc Phục Kim Cương, hóa Trấn Sơn Khí Công của Lý Như Uyên vào trong Di Lặc Thần Công, rồi từ từ đẩy đi, như vậy thì Lý Như Uyên chống cự sao nổi hai khí công dồn lại một lúc như thế!
Hắc Huyệt Song Quái thấy Lý Như Uyên mê man bất tỉnh, vội dùng hết sức thủ pháp cứu chữa, nhưng không sao tỉnh lại được. Lúc ấy, tên trên trán có nốt ruồi mới nhìn Vân Nhạc cười giọng đau khổ và nói:
- Các hạ gây tai họa lớn thế này, anh em lão đành phải hộ tống Lý Như Uyên về núi. Nhưng Tuyết Sơn Nhân Ma hỏi tới thì anh em lão biết trả lời như thế nào đây?
Vân Nhạc hừ một tiếng rồi mới đáp:
- Ai bảo các ngươi đến tận cửa hà hiếp người. Tai họa này do các ngươi gây nên thì các người cứ việc đem sự thật ra mà nói cho Tuyết Sơn Nhân Ma hay.
Ông già mặt đen lại cười đau khổ một tiếng nói tiếp:
- Vẫn biết thế nhưng Tuyết Sơn Nhân Ma có phải là người dễ nói chuyện như thế đâu? Chính ra, lúc Lý Như Uyên mới định tới đây, anh em lúc đi khuyên can rồi nhưng y cứ khăng khăng không chịu nghe.
Vân Nhạc vừa cười vừa đáp:
- Ngươi không cần nói nữa, ta đã biết anh em ngươi khó xử rồi...
Nói xong, chàng dùng tay điểm ngực Lý Như Uyên một cái rồi lại nói tiếp:
- Chỉ một tiếng đồng hồ là tên này thức tỉnh liền, nhưng tạm thời phải mất hết công lực, không thể cáu kỉnh được. Nhưng với võ lực của Tuyết Sơn Nhân Ma chữa cho y khôi phục lại sức lực không khó, còn tên họ ta là chi, khó bề cho hai người gửi lời cho Tuyết Sơn Nhân Ma hay là thể nào ta cũng sẽ lên Tuyết Sơn chơi một phen. Hắc Huyệt Song Quái thở dài một tiếng, hình như đã trút được một gánh nặng vậy.
Ông già mặt đen không nốt ruồi nói:
- Các hạ nói một lời như vậy đủ lắm rồi, không khác gì anh em lão phu đã thu ơn huệ của các hạ vậy, nhưng chỉ sợ đời này anh em lão không sao báo đền được ân này.
Lại quay lại nhìn Ải Phương Sóc, lão quái mỉm cười nói tiếp:
- Kinh lão nhi, chúng ta sẽ tái kiến.
Nói xong, y ẵm Lý Như Uyên lên, rồi cùng lão quái nọ quay đầu chạy liền.
Mọi người trở về khách sạn, Ải Phương Sóc cả cười nói:
- Hiền điệt, môn võ học hình như có chút tà khí của cháu, không những là đời này bác chưa hề mục kích nốt.
Người nổi tiếng như Ải Phương Sóc mà cũng không thấy rõ Di Lặc Thần Công nên mới hiểu lầm là tà thuật. Vân Nhạc chỉ cười thôi, chứ không trả lời vị thế bá.
Chàng bỗng quay lại hỏi Giang Dao Hồng rằng:
- Giang cô nương, tên Lý Như Uyên có uyên nguyên gì với cô thế?
Hai mắt của Giang Dao Hồng nước mắt đã chảy nhưng trước mặt mọi người không tiện khóc ra tiếng, cố chịu đựng nuốt lệ nay bỗng nghe thấy Vân Nhạc hỏi, nước mắt của nàng không sao cầm được nữa, lã chã chảy xuống hai má, bao nhiêu phiền não uất ức, bấy lâu năm, nhất đáng phát tiết ra cả, tựa như nước lũ vỡ bờ vậy.
Một lát sau, nàng mới ngừng khóc, rồi từ từ kể hết nguyên nhân ra. Thì ra, cha của Giang Dao Hồng là một võ sư, tên Giang Phong, võ nghệ rất tầm thường, nên không sao xuất đầu lộ diện với đời được, chỉ ở nguyên quán tỉnh Sơn Tây, huyện Bình Dương, giúp cho một nhà phú hộ làm bảo tiêu hộ viện, ngày thường rất hay uống vài chén rượu, nhiều khi say túy lúy, nhưng nhờ có tánh tình lương thiện trung thực, nên phú hộ nọ rất quý mến, đặc biệt cho đem gia quyến tới ở hai căn phòng ngoài hiên. Giang Phong là người biết yên phận, nhất trí làm lụng cho phú ông. Năm Giang Dao Hồng lên bảy, trông rất xinh đẹp khả ái, lúc nhàn rỗi, Giang Phong lại cùng bọn đồng sự chén tạc chén thù cho tới say mèm, liền trở về phòng ngủ, không ngờ lúc ấy có mấy chục tên giặc bịt mặt vượt tường vào cướp bóc hãm hiếp, tự do hoành hành giết cả nhà già trẻ. Có mấy tên xông vào phòng Giang Phong, chờ tới khi Giang võ sư thức tỉnh thì quá muộn rồi, bị một tên giặc chém một nhát đao chết ngay tại chỗ. Mẹ Giang Dao Hồng cũng bị tặc phỉ hãm hiếp và giết chết. Lúc ấy, Giang Dao Hồng hoảng sợ đến chết giấc, tới khi tỉnh dậy, thấy bốn bể khung cảnh khác hẳn, đang nằm trên giường. Trước mặt nàng có một lão đạo sĩ hình dung quái dị, mỉm cười và nói:
- Cháu có đói không?
Giang Dao Hồng vội đứng dậy nhìn xung quanh, mới hay nơi đó là ở trong rừng, trên muôn núi cao. Tuy mới lên bảy, nàng đã biết cha mẹ bị giết có liên quan với lão đạo sĩ này, nên nàng không hỏi việc đó nữa, chỉ gật đầu thôi.
Qua một thời gian khá lâu, nàng mới biết lão đạo sĩ đó là Phong Lôi đạo nhân Chiêm Minh... Những dãy nhà xây trong rừng sâu ở trên Vạn Sơn đều là tổng đường của bang Thanh Phong, nơi đó còn gọi là Lã Lương Sơn nữa. Phong Lôi đạo nhân là sư huynh của Bang chủ Thiên Thủ Tiếu Phật Bộc Hoằng. Trong núi ra vào đều là đạo hữu giang hồ, mặt mày dữ tợn, thoáng trông thấy rất run sợ, nhưng khi trông thấy quen rồi mới coi là thường.
Phong Lôi đạo nhân rất cưng Giang Dao Hồng, liền đem hết võ nghệ truyền dạy cho nàng, và còn nhận nàng là con nuôi nữa. Thấm thoát đã qua mười năm rồi, năm đó Giang Dao Hồng đã mười bảy tuổi, trông rất xinh đẹp, nên trong Thanh Phong Bang có rất nhiều người ham mê sắc đẹp của nàng, nhưng vì nể cha nuôi nàng là Phong Lôi đạo nhân và tánh nàng lại lạnh lùng như sương tuyết không khác gì một bông hồng xung quanh mọc đầy gai, không ai dám trêu ghẹo và đùa cợt nàng cả. Tuy hành sự độc ác vô cùng, Phong Lôi đạo nhân rất thẳng thắn chính trực, thương yêu Giang Dao Hồng như con ruột vậy.
Bang chủ Bộc Hoằng là kẻ hiếu sắc, thấy Giang Dao Hồng xinh đẹp như vậy mang lòng yêu mến, mới nói với sư huynh phái Giang Dao Hồng làm thơ ký cho bổn bang. Phong Lôi đạo nhân không ngờ sư đệ có gian ý, vui lòng nhận ngay. Thế là từ đó nàng là thơ ký cho Thanh Phong Bang, quản lý danh sách các bằng hữu và sổ sách chi thu.
Nhờ gần gũi nhau, Bộc Hoằng thỉnh thoảng tán nịnh, mong nàng động lòng yêu, nhưng ngờ đâu nàng không thèm ngó tới và còn đem chuyện đó mách Phong Lôi đạo nhân nữa. Vì vậy, có mấy lần Phong Lôi đạo nhân nổi giận quát mắng Bộc Hoằng vô liêm sỉ. Nhưng có khi nào Bộc Hoằng chịu buông tha cho, thiên phương bách kế du thuyết và tặng tiền bạc vật báu nhưng nàng vẫn làm thinh như cũ. Cũng vì thế, mỗi đêm khuya canh vắng, dưới bóng trăng và trước trăm hoa đua nở, nàng cứ khóc thầm, tự oán trách số phận hẩm hiu. Một hôm, nàng đang chỉnh đốn sổ sách, Phong Lôi đạo nhân dẫn một thiếu niên anh tuấn tới giới thiệu với nàng.
Thiếu niên đó là Bạch Sam Tú Sĩ Lý Như Uyên. Mới gặp mặt lần đầu Giang Dao Hồng đã nhận thấy thiếu niên đó tà nhiều hơn chính, cử chỉ không được đứng đắn, nên nàng đã sinh ác cảm ngay. Lý Như Uyên mới trông thấy đã đem lòng yêu nàng tức thì, cứ lên rủ nàng đi vào trong núi tìm những nơi phong cảnh ưu tú để trò chuyện. Vì nể Phong Lôi đạo nhân, nàng cứ phải đi cùng với người mình không ưa.
Một hôm, nàng suýt thất trinh với Lý Như Uyên, từ đó trở đi nàng coi tên nọ như rắn rít. Biết rõ đầu đuôi câu chuyện, Bang chủ Bộc Hoằng thốt lời nhạo báng Lý Như Uyên. Tức giận vô cùng, Lý Như Uyên liền rời Lã Lương Sơn, lúc đi tuyên bố là phải lấy được Giang Dao Hồng làm vợ mới thôi.
Cảnh đẹp ít khi tồn tại được lâu, không bao lâu Phong Lôi đạo nhân ốm đau nằm liệt giường liệt chiếu. Giang Dao Hồng hầu hạ thuốc thang, ngày đêm ở cạnh không chớp mắt, nhưng số mạng của lão đạo sĩ đến ngày tận rồi, bệnh càng ngày càng trầm trọng thêm. Phong Lôi đạo nhân tự biết sắp chết đến nơi liền nắm tay Giang Dao Hồng cười gượng rồi nói:
- Dao con, tuy cha suốt đời độc thân, không có con cái nối dòng dõi nhưng may có con ở cạnh, không khác gì con ruột của ta. Cha sắp lìa trần rồi, cha chỉ có một điều ân hận nhất là chưa gả chồng cho con. Cha rất lo ngại, vì hiện con đang sống trong hang hùm, chỉ sợ sau khi cha chết, con sẽ bị đứa sư đệ bất lương dâm dục, cho nên cha đã xếp đặt cho con một lối thoát rồi. Còn cha đẻ của con lúc chết, cha tới chậm một bước nên không kịp cứu, cho nên mới ẵm con về núi nuôi. Con có hiểu tại sao bang ta lại tới nhà phú ông cướp bóc chém giết không? Nguyên nhân chỉ vì phú ông có một thanh bảo kiếm, bị bang ta điều tra biết, mới diễn ra tấn thảm kịch ấy. Cha hay tin vội chạy tới nơi, nhân đến chậm một bước, khiến cha mẹ con bất hạnh như vậy...
Giang Dao Hồng ri rỉ khóc, Phong Lôi đạo nhân thở dài một tiếng nói tiếp:
- Con đừng khóc lóc nữa, việc đó đã rồi, hối cũng bất cập. Thiết nghĩ cha năm xưa cũng lỡ bước đi vào con đường lầm lỗi này, mất hết lương tri, hai bàn tay đầy những máu hôi tanh, nên bị giang hồ khinh thị. Tuy vậy, cha không hề giết oan một người nào, ngày hôm nay mới được chết nằm trên giường thế này, cũng do một niềm thiện chí đó mà nên đấy. Từ khi cha biết hối cải, thấy có nhiều kẻ thù không chịu buông tha cha, mới phải lên đây nương náu cạnh sư đệ Bộc Hoằng, mười mấy năm liền, không hề bước chân vào giang hồ. Trong võ lâm dần quên bẵng cái tên Phong Lôi này đi, nên mới có kết quả như ngày nay, cha cũng lấy làm mãn nguyện lắm rồi...
Nói tới đây đạo sĩ ngừng giây phút rồi nói tiếp:
- Cha biết lúc nào con cũng mong được cầm dao sắc giết kẻ thù rửa hận cho cha mẹ, nên con vẫn dò la các người trong bang, nhưng có ai thố lộ cho con nửa lời đâu? Ngay trong nhựt ký của bang, sư đệ ta cũng xé mất trang giấy ký sự về vụ ấy rồi. Bây giờ cha phải cho con hay, người giết cha mẹ con hiện đang làm phân đường chủ ở Tây Xuyên, tên là Thôi Mệnh Vô Thường Đường Gia Hầu. Từ khi cha đem con về nuôi, y liền rời khỏi tổng đường đổi đi Tứ Xuyên, mười mấy năm nay không thấy y trở về Lã Lương Sơn nhưng với võ học của con hiện nay vẫn chưa phải địch thủ của y. Vậy sau khi rời khỏi sơn trại này, con phải đầu danh sư ngay, tập thành tuyệt nghệ, mới trả được mối thâm thù đó. Trước kia cha định gả con cho Lý Như Uyên nhưng con lại không ưa y. Cha cũng biết, hôn nhân phải nam nữ cùng bằng lòng nhau mới có kết quả tốt đẹp, nên cha không bắt buộc con phải lấy y là thế!
Nói xong đạo sĩ lấy trong túi một cây cờ lệnh ra, giao cho Giang Dao Hồng và nói tiếp:
- Xem bệnh trạng, cha chắc chỉ sống tới ngày kia là cùng, như vậy ngày mai lúc trời tối, con cầm cờ lệnh này ra khỏi tổng đường, đi thẳng lên trên Bắc Kinh. Còn sau này ra sao, phải xem số mệnh của con có được may hay không?
Giang Dao Hồng khóc sướt mướt. Phong Lôi đạo nhân thở dài một cái, rồi nhắm nghiền hai mắt không nói gì nữa.
Tối ngày hôm sau, quả nhiên bệnh của Phong Lôi càng trầm trọng thêm, chết giấc đi mấy lần, lúc tỉnh lại liền thúc giục Giang Dao Hồng đào tẩu tức thì... Tuy không nỡ, nàng biết không đi không được, vội vàng nhặt mấy bộ quần áo, một ít bạc vụn và một thanh kiếm, rời khỏi Lã Lương Sơn, trước khi ra đi, vái sống Phong Lôi đạo nhân ba vái. Chạy ra khỏi Vạn Sơn, nàng bị Ải Phương Sóc trông thấy, suốt dọc đường cứ theo dõi bảo vệ. Qua được mấy nơi ải canh, nói dối người canh gác là đi bốc thuốc cho Phong Lôi đạo nhân. Trời tảng sáng, nàng đã đi tới Thạch Huyện thành. Sáng sớm ngày thứ ba, Phong Lôi đạo nhân trút hơi thở cuối cùng, Thiên Diện Tiếu Phật mới phát giác Giang Dao Hồng mất tích, liền ra lịnh cho thủ hạ lùng bắt tới khi hay tin thì nàng đã ra khỏi tổng đường rồi, liền phái mấy tay hảo thủ đuổi theo bắt về và ra lệnh cho các phân đường, chủ trại, hễ thấy nàng là phải bắt sống đem về nộp tổng đường. Cũng nhờ có lệnh này Giang Dao Hồng mới thoát chết mấy lần.
Nàng ra đi, Bộc Hoằng lo ngại nhất là nàng đã biết hết danh sách của bang và điều quan trọng của bang, nếu nàng thố lộ cho quan binh hay, Thanh Phong Bang có thể bị diệt vong nhưng vì ham mê sắc đẹp của nàng, nên y mới ra lệnh phải bắt sống là thế. Vào trong Thạch Huyện Môn đang ăn uống qua loa, lại lên đường ngay. Nàng đi qua Giao Thành, Thái Nguyên, Tỉnh Kính đi Thạch Môn, suốt dọc đường nguy hiểm vô cùng, đều nhờ Ải Phương Sóc trợ giúp mới thoát nạn.
Nàng không ngờ đi tới đây lại bị bang chúng theo dõi và còn hẹn lên Cương Thượng đấu võ nữa. Nói tới đây, hai má nàng ướt đẫm nước mắt. Vân Nhạc và hai anh em Đông Phương Ngọc Côn nghe xong cũng phải thương tiếc hộ.
Đông Phương Ngọc Côn khuyên nàng rằng:
- Giang cô nương đừng có đau thương như thế nữa. Trưa ngày hôm nay tôi với Khương sư huynh khởi hành ngay, chúng tôi hộ tống cô tới nơi cư ngụ của sư thúc Mạng Ân Sư Thái. Sau này cô học thành tuyệt nghệ, lo gì không trả được mối thù đó.
Giang Dao Hồng nghe nói lau nước mắt cười liền, và cảm tạ luôn mồm.
Lúc ấy, Ải Phương Sóc lại la lớn:
- Mấy đứa nhãi con lẩm bẩm xong chưa? Mồm của lão đã nhạt như nước ốc rồi.
Vân Nhạc cười và nói:
- Bác không biết uống nhiều có hại tới thân hay sao? Bác không tin đã có bài thơ cổ dẫn chứng:
Bình Đế Thương Thân Vì Tửu Độc (vua Bình Đế chết vì chất độc của rượu). Giang Biên Lý Bạch Tổn Kỳ Khu (Lý Bạch cũng mất ở bên bờ sông). Khuyến Quân Ưu Ẩm Vô Tình Thủy (khuyên chàng đừng uống nước vô tình). Túy Hậu Lụy Nhân Tâm Ý Mê (lúc say khiến người ta mê man cả tâm ý).
Ngờ đâu, Ải Phương Sóc trợn tròn đôi mắt và nói:
- Nhãi con thì biết gì nào? Rượu có rất nhiều điều hay, để lão kể cho mà nghe này: Nó trợ giúp anh hùng can đảm thêm, gợi thêm thơ hứng, nó là đơn thuốc giải sầu do thần tiên tạo, trước cảnh phong, hoa, tuyết, nguyệt, không có rượu thì vui sao được? Như vậy rượu chẳng tốt là gì?
Vân Nhạc cả cười và đáp:
- Vâng, bác nói đúng vẫn hơn. Cháu biết nói gì nữa? Nào, chúng ta đi uống rượu đi.
Mọi người cơm rượu xong, đã tới đầu giờ Mùi rồi. Khương Tôn Diệu, Đông Phương Ngọc Côn và Giang Dao Hồng đứng dậy cáo từ, qua tỉnh Hà Nam đi vào Tứ Xuyên.
Vân Nhạc nói với Ải Phương Sóc rằng:
- Mấy ngày hôm nay cháu cảm thấy mệt mỏi, lại thêm đêm hôm qua mất ngủ, cháu xin phép bác về phòng nghỉ ngơi chốc lát đã.
Ải Phương Sóc không nghi ngờ gì cả, liền cười nói:
- Anh hãy về phòng ngủ một lát, lão còn chưa đủ ghiền, để lão uống thêm vài chén đã.
Nói xong, lão hiệp lại trở vào thực đường, Vân Nhạc nhìn theo cười thầm. Mặt trời đã lặn, Ải Phương Sóc ngồi uống rượu một mình, chờ mãi không thấy Vân
Nhạc ra, lẩm bẩm nói:
- Thằng nhãi này ngủ say thực!
Nói xong, lão hiệp đứng dậy đi vào phòng Vân Nhạc, không thấy hình bóng chàng nọ đâu cả, chỉ thấy trên bàn có một tờ giấy viết để lại, đại khái rằng:
- Cháu quyết đi tới chân trời góc biển tìm kiếm kẻ thù. Bác là anh em kết nghĩa với cha cháu, thiên hạ đều hay biết cả, nếu bác đi cùng với cháu, kẻ thù sẽ để ý tới, như vậy không có lợi gì, nên bắt buộc cháu phải một mình đi tỉnh Sơn Tây trước.
Ải Phương Sóc đập mạnh xuống bàn một cái, la lớn:
- Tiểu quỷ đầu, mày giỏi thật, dám nói dối lão gia.
Lão hiệp liền đi tỉnh Sơn Tây để tìm kiếm Vân Nhạc.
Hãy nói Vân Nhạc rời khỏi Nghênh Tân khách sạn, sang một khách sạn nhỏ khác, sai phổ kỵ bán con ngựa đi. Chàng biết sau vụ Cương Thượng, tên tuổi đã vang lừng khắp nơi, nếu từ đây cởi ngựa đi vào kinh đô, sợ nhiều người biết mặt biết tên thì thêm phiền thôi, chi bằng bán ngựa đi, giở khinh công đi đường núi vào kinh cũng được. Từ khi bước chân vào khách sạn, chàng ngã mình xuống giường ngủ liền, cho tới tối ngày hôm đó mới thức tỉnh, đi ra ngoài cửa khách điếm, hỏi người qua đường Thiên Tề miếu ở đâu, rồi mới đi về phía bắc thành. Thiên Tề miếu ở ngoại ô thành Thạch gia trang, xung quanh hoang vu vô cùng. Vân Nhạc thấy người đi đường thưa thớt, liền lấy mặt nạ ra đeo và giở khinh công đi cho nhanh, tới cạnh Thiên Tề miếu, nhún mình một cái, nhảy lên trên mái hiên, đi qua hai tòa điện lớn, thấy bảy, tám tên canh gác của An Thanh Bang đứng mỗi người một góc.
Đêm hôm ấy, trời phủ đầy mây đen, trăng sao đều biến đâu mất nên bốn bể đen tối như mực, gió đêm ở phía bắc có tiếng là mạnh, đưa cát sỏi bay tung lên, lúc rơi xuống mái tiếng kêu xà xà. Vân Nhạc giở thân pháp Huyền Thiên Thất Tinh Bộ ra, cố ý đi lướt qua các chòi canh của An Thanh Bang, đi đã nhanh lại thêm người quay tít như chong chóng, trong đêm tối không thấy gì mây thì bọn canh gác làm sao thấy được thân pháp kỳ môn ấy? Chúng chỉ thấy trước mắt tối sầm và một luồng gió thoáng qua thôi.
Trong bọn chúng có một người lên tiếng nói:
- Có ma chạy qua, hay là những con dơi ra ăn sương chắc?
Vân Nhạc chỉ cười thầm, chân vẫn không ngừng, lại qua một đại điện nữa, phía trước mặt, trên góc mái hiên có bốn người đứng tại đó, tay cầm đèn Khổng Minh, ánh sáng hơi vàng, vừa đậy vừa mở nắp đèn để chiếu rọi bốn bề. Chàng vội phi thân tới cạnh sống mái ngói nằm xuống ẩn núp, nghe thấy phía dưới trong điện có tiếng người trò chuyện. Chàng nghĩ:
- Ta không nên xuống vội, hãy nghe xem chúng nói những gì đã.
Nghĩ đoạn, chàng dùng hai chân móc mái ngói, uốn mình lộn ngược xuống, ngó đầu nhìn qua khe bỗng thấy trong điện có hai ba chục người đang ngồi ngổn ngang trên mấy cái ghế dài. Người ngồi trên ghế bên trái là một ông già mặt đỏ râu dài, hai thái dương phồng lên, đôi mắt sáng như điện, lên tiếng nói:
- Sự thật thì Thanh Phong Bang không có thù hằn gì với quái thủ thư sinh đó, như vậy ta hà tất gây thêm kẻ địch làm gì? Nhưng bang Thanh Phong năm xưa có ký kết mật ước với bang ta là hễ bang nào có cường địch đi tới khu vực của bang nọ thì bang nọ phải có nghĩa vụ tróc nã kẻ thù ấy hộ. Từ hôm bổn Bang chủ nhận được thơ cầu cứu của phân đàn Thanh Phong Bang ở Cương Thượng gửi tới, đã tỏ rõ cho họ hay là không thể tiếp thu được, lấy lý do là lá thư đó không phải chính tay Bang chủ bang Thanh Phong Thiên Diện Tiếu Phật viết tới. Nhưng vì bổn bang gần đây có một vị lão tiền bối mới tới, chắc các vị đã nghe thấy nói tới rồi, người đó chính là Cưu Thần Sách Lý lão tiền bối.
Lúc ấy, trên ghế bên phải có một ông già râu tóc bạc phơ tiếp lời:
- Ủa, vị lão tiền bối ấy lại xuất sơn à? Mười mấy năm không thấy ông ta bước chân vào giang hồ, ai cũng tưởng ông ta không xuất hiện trong võ lâm. Tiểu đệ nghe nói năm xưa võ học của Sách lão tiền bối đã tới chốn tuyệt mức, chỉ môn võ La Hầu Sát Công của ông ta cũng kinh người rồi nhưng vì ít khi lộ diện nên trong võ lâm ít người biết tới Sách lão tiền bối có tuyệt học hãn thế như vậy. La Hầu Sát Công dùng chưởng lực phát ra, in vào thân kẻ địch, trên mặt da thịt có một vết bàn tay thâm tím hiện lên ngay, và trong nội tạng thì nát hết, lợi hại vô cùng. Bây giờ ông ta lại ra, tất nhiên võ học đó càng siêu thần nhập hóa hơn.
Vân Nhạc giật mình nghĩ thầm:
- Có lẽ người đó là kẻ thù giết chết mẹ ta cũng nên? Nếu quả thật là tên Cưu Thần Sách Thiên Lý này thì ta phải diệt trừ cho được mới hả dạ. Chàng không định xuống vội, còn muốn nghe thêm bọn chúng nói gì nữa không?
Người mặt đỏ râu dài vừa cười vừa nói:
- Thạch lão sư kiến thức rất rộng, nên hễ ai nói tới Yến Vân Tứ Lão...
Nói tới đây ngừng lời giây phút nói tiếp:
- Tệ Bang chủ lúc đầu không chịu nhận lời thỉnh cầu của phân đàn Cương Thượng của Thanh Phong Bang, sau Sách lão tiền bối khuyên tệ Bang chủ nên coi đạo nghĩa võ lâm làm trọng, nên tiếp nhận lời thỉnh cầu ấy. Sách lão tiền bối còn hăng hái nhận đối phó tên Quái Thủ Thư Sinh đó hộ. Vì vậy việc này mới quyết định như thế. Lạ thật, tại sao tới giờ này chưa thấy Sách lão tiền bối tới?
Ông già họ Thạch lúc này mới tiếp lời nói:
- Có lẽ cũng sắp tới rồi, nhưng giờ phút này vẫn chưa thấy Quái Thủ Thư Sinh lộ diện, hay là thơ truyền khẩu của Cái Bang chưa truyền tới tai y chăng?
Người mặt đỏ râu dài nổi giận nói:
- Hừ! Nếu Cái Bang dám lừa dối chúng ta, lão sẽ phá tan cái ổ của chúng tức thì!
Vân Nhạc nghĩ thầm:
- Lão già này nói khoác quá! Tại sao trong võ lâm lại có lắm kẻ ngông cuồng như thế?
Chưa nghĩ xong, chàng đã thấy một người vội vàng chạy vào trong điện, cấp báo với người mặt đỏ rằng:
- Bẩm đường chủ, Sách lão tiền bối giá lâm!
Người mặt đỏ trả lời “Ừ” một tiếng, rồi đứng dậy đi ra bên ngoài, mọi người theo ra sau. Một lát sau, những người đó đưa một ông già mặt như chim cú bước vào.
Vân Nhạc nghĩ thầm :
- Thì ra lão này là Cưu Thần đấy! Quả thật thấy mặt đã biết ngay tên rồi. Có lẽ người ta thấy mặt y như con cú mới đặt tên này cho cũng nên.
Người tên là Cưu Thần mặc áo vải màu lam, đầu gần sói hết, chỉ còn hai bên thái dương có mấy sợi tóc mai trắng thôi, răng rụng gần hết nên hai má hóp lại, mồm thì vẩu ra như cái mỏ con cú vậy, đôi mắt nhỏ bằng hạt đậu, trông vẻ mặt nham hiểm vô cùng, tay cầm một cái điếu cày, nhìn kỹ bàn tay cầm điếu đó thừa thêm hai ngón. Vân Nhạc trông thấy rõ bàn tay phải có thừa thêm hai ngón, máu trong người sôi lên tức thì. Cưu Thần Sách Thiên Lý ngồi yên rồi, vênh váo hút thuốc thổi khói phì phào, kiêu ngạo vô cùng, nhìn người mặt đỏ nói:
- Lưu đường chủ, thằng nhãi đó đã tới chưa?
Y chưa nói dứt lời, bỗng thấy cổ tay rung động một cái, cái điếu cày đang cầm đã không cánh mà bay đi đâu mất rồi? Cưu Thần định thần nhìn xem, thì ra một thiếu niên mặt quái dị, áo đen, không biết tới lúc nào mà đã đứng sững ở trước mặt rồi, tay y cầm điều cày của mình. Chỉ thấy thiếu niên đó the thé cười nhạt hai tiếng, mọi người đứng ở trong điện đều kinh hoàng đờ người ra.
Sách Thiên Lý không biết quái thiếu niên ấy dùng thủ pháp gì mà chớp giật cái điếu cày của mình một cách dễ dàng như thế? Y kinh ngạc và biến sắc mặt, bỗng phi thân lên, giở song chưởng nhìn tay cầm điếu cày của Vân Nhạc mà vồ tới. Không cần nói rõ, ai cũng biết Sách Thiên Lý định cướp lại cái điếu cho khỏi mất sĩ diện. Ngờ đâu hai tay của Sách Thiên Lý lại bắt hụt. Còn quái thiếu niên đã lén tới trước mặt ông già mặt đỏ, không thèm đếm xỉa tới Sách Thiên Lý. Tức giận đến nỗi mặt đỏ như lửa hồng, Sách Thiên Lý không đuổi theo nữa, chỉ hí hí
cười hoài, nghe rất rùng rợn.
Quái thiếu niên chậm rãi nói:
- Lưu đường chủ mời thiếu gia tới đây có việc gì thế?
Ông già râu dài mặt đỏ là đường chủ của phân đà Thạch gia trang của An Thanh Bang, người ta đặt cho biệt hiệu là Náo Hải Giao Lưu Hải, thấy Vân Nhạc hỏi như vậy mãi không trả lời được, một lát sau mới cố gượng nói:
- Có phải các hạ hôm qua ở Cương Thượng...
Quái thiếu niên trầm giọng tiếp lời ngay rằng:
- Phải, thiếu gia đêm hôm qua đối địch với bang Thanh Phong đấy, nhưng cái đó có liên quan gì với An Thanh Bang các ngươi đâu?
Lưu Hải mặt nóng như hun, càng ngượng nghịu thêm, nghĩ thầm:
- Người ta nói rất đúng, An Thanh Bang hà tất phải đương đầu hứng chịu cho Thanh Phong Bang làm gì?
Y tuy nghĩ như vậy, nhưng vẫn làm ra vẻ đĩnh đạc, cả cười một hồi, quát lớn và nói:
- Ngươi gây sự ở khu vực của An Thanh Bang thì bổn đường có quyền hỏi tới.
Chỉ nghe thấy “Bộp” một tiếng, quái thiếu niên đập mạnh lên cái thần án cạnh đó và cười nhạt rồi nói:
- Bậy nào, tất cả đất đai là đều là vương thổ, An Thanh Bang không phải là quan phủ địa phương này, chỉ là một tổ chức tà ác đạo tặc thôi, thì có quyền gì hỏi tới những việc xảy ra trên đất đai này? Họ Lưu kia, nếu mi còn thốt những lời ngông cuồng như thế nữa, thiếu gia không cho mi mấy cái bạt tai mới là cả một sự lạ.
Cái thần án bị quái thiếu niên đập một chưởng, lõm hẳn một vết bàn tay, sâu chừng nửa tấc, tựa như dùng dao đẽo vậy, như vậy đủ thấy nội lực kinh người biết bao? Mọi người trông thấy thế, đều rùng mình hải sợ, còn Sách Thiên Lý chỉ cau mày, đứng yên đó. Cái đập ấy, quái thiếu niên mới sử dụng chưởng lực thường thôi, chớ không thì thần án ấy đã thủng lỗ rồi.
Lúc ấy ông già họ Thạch đi tới, chắp tay chào chàng vừa cười vừa nói:
- Thiếu hiệp, có chuyện gì hãy ngồi chơi uống chén nước đã, rồi hãy thong thả nói cũng được. Sự thật, tối hôm nay, những người có trong điện này đa số đều hâm mộ oai nghi của thiếu hiệp, cho nên mới tới đây để được chiêm ngưỡng phong thái. Lão là Thạch Trấn Thiên, mở trường dạy võ nơi đây. Vì đêm hôm qua thiếu hiệp anh dũng vô cùng, tiếng tăm đã truyền đi khắp mọi nơi, cho nên lão mới tới đây mong được làm quen. Việc đêm nay, thiếu hiệp không thể trách Lưu đường chủ được, vì ông ta thừa lệnh trên sai khiến chớ có phải tự ý ông ta định làm như thế này đâu? Mong thiếu hiệp lương thứ cho.
Quái thiếu niên mỉm cười nói:
- Thạch lão sư nặng lời quá. Vẫn biết câu chuyện là như thế thật, nhưng thử hỏi Lưu đường chủ định đoạt ra sao?
Lưu Hải định mở mồm nói, Cưu Thần Sách Thiên Lý khí khái cười giọng quái dị và nói:
- Tiểu tử, mi muốn biết định đoạt ra sao ư? Mi hãy hỏi lão đây sẽ biết liền.
Quái thiếu niên quay lại nhìn Sách Thiên Lý cười nhạt rồi đáp:
- Sách Thiên Lý, ngươi đừng có tự phục La Hầu Sát Công của mình là môn võ không ai địch nổi. Với thiếu gia thì môn võ độc đáo của ngươi không nghĩa lý gì cả. Nếu ngươi thấy ngứa ngáy chân tay thì chờ thiếu gia giải quyết việc An Thanh Bang xong sẽ kiếm nơi thanh tịnh thử vài hiệp cũng không muộn mà.
Cưu Thần Sách Thiên Lý rùng mình sợ hãi, nghĩ thầm:
- Quái lạ, La Hầu Sát Công của ta, tất cả sử dụng có ba lần thôi. Còn mười lăm năm nay ta có giở môn võ ấy ra bao giờ đâu mà y lại biết rõ như thế?
Quái thiếu niên quay lại nhìn mặt Lưu Hải không nói năng gì, hình như đợi chờ trả lời vậy.
Náo Hải Giao Lưu Hải bất đắc dĩ phải đáp:
- Theo quy luật của võ lâm thì người nào thắng trận, muốn nói gì đối thủ cũng đều cho là phải. Bây giờ không cần nói nhiều làm gì, xin ngài ra bên ngoài đấu vài hiệp chỉ giáo cho, nếu Lưu mỗ thất bại thì từ giờ tệ bang không được lý tới nhưng việc tương tự như thế này nữa.
Quái thiếu niên cả cười rồi nói:
- Thôi được, cứ theo lời nói mà xử sự vậy.
Nói xong chàng quay mình đi ra cửa điện trước. Bên ngoài là tế đàn xây bằng đá ráp, rộng chừng hai mươi trượng. Lúc ấy An Thanh Bang đã thắp bốn bó đuốc để bốn góc, sáng rực như ban ngày. Những thủ hạ An Thanh Bang do Lưu Hải dẫn tới, không kể những người đứng canh gác trên mái nhà, cũng có tới tám chín mươi người ở đó. Quái thiếu niên tới, tại sao những hảo thủ đó cứ làm thinh như vậy? Vì việc này là việc của Thanh Phong Bang, không việc gì tới An Thanh Bang cả, hơn nữa, bọn chúng cũng muốn xem tài ba của Cưu Thần Sách Thiên Lý ra sao, nên mới không tham dự vào là thế.
Náo Hải Giao Lưu Hải đứng lấy tấn xong, chắp tay vừa cười vừa nói:
- Mời thiếu hiệp đánh trước cho.
Quái thiếu niên không muốn kết thêm mối oán thù này nên mỉm cười đáp:
- Lưu đường chủ, chúng ta đã không có oán thù gì cả, thì bên nào có người bị thương cũng không nên cả. Hay là thế này vậy, Lưu đường chủ cứ việc tấn công, tại hạ thì cứ tránh né, trong ba mươi hiệp, nếu đường chủ đụng được tà áo của tôi thì coi như đường chủ thắng, tôi phải theo đường chủ tới quý tổng bang yết kiến quý Bang chủ, tùy quý Bang chủ muốn xử sự ra sao cũng được. Bằng không thì hòa cuộc, chẳng hay đường chủ nghĩ sao?
Lưu Hải nghĩ thầm:
- Ngươi ngông cuồng thật. Chẳng lẽ với công lực tu luyện bốn năm chục năm của ta mà không đánh đụng nổi tà áo của ngươi thì thật là vô lý quá!
Y nghĩ vậy, nhưng vẻ mặt vẫn tươi cười đáp:
- Ý kiến của thiếu hiệp rất hay, Lưu mỗ xin thất lễ trước nhé!
Quái thiếu niên với giọng cười kiêu ngạo, chỉ khẽ gật đầu một cái, hình như rất coi thường sự tấn công của đối thủ vậy.
Lưu Hải xông lên, sử dụng thế Nhựt Nguyệt Nhập Hoài (mặt trời và mặt trăng cùng rơi vào trong lòng) hai tay ôm tròn, đưa ra chưởng phong bao trùm xung quanh khiến quái thiếu niên không còn nơi nào mà trốn tránh được. Ngờ đâu, song chưởng của y chỉ còn cách độ hai tấc là đụng phải người đối phương rồi, Lưu Hải bỗng thấy hai mắt hoa hẳn đi, hai tay liền ôm vào chỗ trống, còn thân hình của quái thiếu niên đã biến đâu mất. Lưu Hải biết đối thủ đã tránh ra phía sau mình rồi, liền quay ngay lại, vừa thấy mặt đối thủ, hai mắt lại hoa luôn, tới khi nhìn thấy rõ thì mất bóng quái thiếu niên rồi, kinh hãi đến toát mồ hôi lạnh ra. Bất cứ Lưu Hải giở thân pháp và thủ pháp gì ra, cũng đều như dưới đáy bể bắt bóng trăng thôi, không sao đụng chạm được mảnh áo của thiếu niên cả. Y cứ thấy thân ảnh của đối phương như một làn khói vậy, thoáng thấy đã biến mất ngay rồi. Quay liền mấy chục cái, đến nỗi Lưu Hải hoa mắt chóng mặt mà vẫn không thấy. Lưu Hải nghĩ thầm:
- Có lẽ thiếu niên này không phải là người mà là ma quỷ cũng nên? Nếu ta cứ quay chong chóng thế này mãi, đến chết mệt mất, bây giờ ta giở thân pháp Linh Không Phát Kích ra (nhảy lên cao đâm bổ xuống) thì quái thiếu niên này không còn giở môn Quỷ Toàn Công ấy ra nữa (ma quay chong chóng).
Nhưng môn Linh Không Phát Kích này võ lâm rất ít người dùng, vì nhảy lên cao bổ xuống, tất cả người đều trống hở, nên phải gặp trường hợp bất đắc dĩ lắm mới đem ra sử dụng. Nhưng Lưu Hải thấy quái thiếu niên đã nói ngay lúc đầu không ra tay đánh lại mình, nên mới không nghi kỵ mà định dùng thân pháp đó. Nghĩ xong, y buông hai tay, đứng yên không cử động. Quái thiếu niên thấy y không cử động cũng đứng yên nhìn lại.
Bỗng nhiên Lưu Hải thét lớn một tiếng quái dị, thân hình tựa như con chim ưng bay lượn trên không, đột nhiên giơ hai cái quay chảo sắc bén như dao nhắm hai vai quái thiếu niên bổ xuống. Mười ngón tay của y có tiếng kêu “sì sì” nhanh như chớp nhoáng vồ tới. Quái thiếu niên ha hả cười, hai vai nhún một cái, lại mất tung tích luôn. Lưu Hải vồ hụt, thân hình rơi xuống, chân vừa đụng mặt đất, đã thấy quái thiếu niên hiện ra trước mặt, hì hì khẽ cười rồi.
Thì ra quái thiếu niên cũng nhảy lên trên không, bay lượn theo sau Lưu Hải, như bóng theo hình, khi tới Lưu Hải xuống tới mặt đất, chàng nọ cũng xuống tới phía sau và lẻn luôn ra phía đằng trước liền. Mọi người thấy quái thiếu niên thần kỳ quá đều vỗ tay khen ngợi. Còn Sách Thiên Lý đứng trong đám đông, hai mắt cứ nhấp nháy luôn.
Náo Hải Giao Lưu Hải lúc này đã biết quái thiếu niên có võ học siêu phàm xuất thần, tài ba hơn mình nhiều, liền chắp tay vái chào, vừa cười vừa nói:
- Võ học của các hạ tinh thâm lắm, Lưu mỗ xin chịu thua và cáo từ đây. Nếu các hạ có rảnh, xin mời tới tệ đường ở chơi vài bữa để chúng tôi được hân hạnh tiếp đón. Chẳng hay chúng tôi có được may mắn như thế không?
Quái thiếu niên vừa cười vừa đáp:
- Lưu đường chủ, chúng ta không đánh nhau thì không bao giờ làm quen được như thế này. Một ngày gần đây tiểu đệ thể nào cũng tới thăm đường chủ vài hôm.
Nói xong, chàng quay mặt lại phía Sách Thiên Lý quát lớn:
- Sách Thiên Lý, bây giờ đến lượt chúng ta phải tính toán cho dứt khoát đi.
Chàng vừa nói tay vừa múa tít cái điếu cày cướp được của Sách Thiên Lý hồi nãy. Cưu Thần Sách Thiên Lý biến sắc mặt, tức giận vô cùng, hơn nữa lại thấy địch thủ đang múa cái điếu cày của mình để làm nhục nhã mình, giận quá hóa cười điên cuồng, và đồng thời nhún mình nhảy tới, giơ chưởng lên đánh luôn. Quái thiếu niên không tiếp đỡ chưởng đó, chỉ tránh sang một bên một bước, múa điếu cày nhanh như gió, điểm luôn vào Thiếu Cúc huyệt của địch. Sách Thiên Lý cảm thấy cánh tay tê liệt, vội buông chưởng lui về phía sau ba thước, hai mắt trợn trừng tỏ vẻ nghi ngờ và nghĩ thầm:
- Sao thằng nhãi con này ra tay lại nhanh đến thế?
Quái thiếu niên không tiến lên tấn công, chỉ vừa cười vừa nói:
- Sách Thiên Lý, có giỏi kiếm nơi khác yên tĩnh hơn đây, để quyết định sống mái! Ngươi có dám không?
Náo Hải Giao Lưu Hải bỗng lên tiếng nói:
- Nếu hai vị giao chiến không muốn để cho chúng tôi được hân hạnh dự kiến thì chúng tôi rút lui khỏi nơi đây tức thì.
Quái thiếu niên cười nói:
- Như thế thì càng hay.
Mọi người liền rút lui tức thì, chỉ để lại bốn bó đuốc ở bốn bên, ngọn lửa vẫn sáng tỏ như trước thôi.
Lúc ấy, quái thiếu niên nhìn mặt Sách Thiên Lý trầm giọng hỏi:
- Tên Cưu Quái kia, bây giờ ngươi có thể thi thố môn La Sát Hầu Công được rồi chớ? Thiếu gia đang muốn kiến thức môn võ của ngươi đây.
Sách Thiên Lý mặt giận dữ, bỗng múa song chưởng, quay mình chạy quanh, trong giây lát khắp đấu trường đều là hình bóng của y, thế chưởng nhanh như điện chớp, nhằm các yếu huyệt của quái thiếu niên đánh tới. Quái thiếu niên biết Sách Thiên Lý đã động tới chân quả rồi, bèn cười thầm, vì thấy kẻ thù đã giở môn Mê Ly Ảo Hình Chưởng ra. Môn chưởng pháp này là một thứ huyền môn tối cao vô thượng chưởng pháp, thân pháp phối hợp với chưởng pháp không còn một khe hở
nào, chưởng lực đưa ra như cuồng phong sóng cuộn bao trùm cả người địch thủ. Quái thiếu niên muốn thử xem Sách Thiên Lý có phải là kẻ thù giết hại cha mẹ mình không liền thét dài một tiếng, nhảy lên trên cao, tựa như con thần long lượn trên không vậy, bay ba vòng, đầu hơi ngửng lên, hai cánh tay co lại, hai vai ưỡn ra, cứ thế mà bao trùm lấy người Sách Thiên Lý.
Sách Thiên Lý tưởng giở Mê Ly Ảo Hình Chưởng ra là có thể phá nổi thân pháp quái dị của thiếu niên nọ, vì chưởng pháp này như cái lưới, dù thân pháp của đối thủ nhanh đến đâu, chưởng lực của mình cũng theo sát thân hình đối thủ được. Khi y ra chưởng như gió, sắp bao trùm được thân hình kẻ địch, ngờ đâu quái thiếu niên lại nhảy vọt lên cao, giở môn Thần Long thân pháp ra Thấy thân pháp đó, Sách Thiên Lý trong óc liền sực nghĩ ngay ra một người, vội tránh ra xa hơn một trượng, quát hỏi:
- Truy Hồn Phán Tạ Văn với mi là thế nào?
Quái thiếu niên ha hả cười rồi đáp:
- Nhãn lực của Cưu Quái quả thật là sắc bén lắm.
Nói xong, chàng hạ mình xuống, lại nói tiếp:
- Thiếu gia đây là người được Truy Hồn Phán truyền thụ võ nghệ cho. Đêm hôm nay ta thử xem ngươi có thể thoát được chín mươi bảy thức Phi Long Chưởng này không?
Sách Thiên Lý giật mình kinh hãi thầm, cười nhạt rồi nói:
- Truy Hồn Phán trước kia đã làm oan hồn dưới bàn tay của lão gia đây, mi là đồ đệ của y tài năng bao nhiêu mà cũng dám vô lễ như vậy?
Lúc này quái thiếu niên đã xác nhận rõ Sách Thiên Lý là kẻ thù giết cha mẹ mình thật, không nói năng gì nữa, hai chân dùng sức, nhún mạnh một cái cả thân hình lại bay lên trên không, hai cánh tay dùng thế Vân Long Đầu Giáp xông xuống đánh Sách Thiên Lý.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook