Đợi Một Loài Hoa Nở
Quyển 1 - Chương 1: Mở đầu

Mừng Giáng Sinh, Tặng Ngay 15% Giá Trị Nạp. Chương Trình Khuyến Mãi Kéo Dài Từ 24/12 Đến Hết 27/12, Nhanh Tay Lên Các Bạn Ơi!!

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Đợi một loài hoa nở - Mai Tuyền

(Ảnh: Mai Tuyền)

“Có người từng nói với tôi rằng có thứ không thể đợi. Nhưng tôi chẳng thể nhớ ra thứ ấy rốt cục là gì, cũng chẳng thể nhớ ai đã nói với tôi như thế. Và rồi thời gian cứ trôi đi, tôi quên bẵng thắc mắc cũ kỹ ấy, bỏ mặc thanh xuân lãng phí vì những sai lầm. Đến khi tần ngần đứng dưới tán hoàng mai rực rỡ trước sân nhà tôi như kẻ si dại nhận ra rằng thật sự có nhiều thứ vốn dĩ không thể đợi.” 

Nhấn nút lưu trên góc trái màn hình, tôi vội vã làm vài thao tác trước khi tắt máy. Thế là hoàn thành một bài viết ngắn. Gặp laptop lại, thở dài một hơi, móc điện thoại ra bấm số gọi cho cô em gái thân yêu.

Nó nhấc máy từ giây đầu tiên tôi gọi, luôn miệng:

- A lô! Chị Mai Cô, khuya rồi không ngủ, gọi em làm gì? Mai em còn có bài thuyết trình trước lớp nữa đó.

Tôi ho mấy tiếng đáp lời em gái:

- À... Chị chỉ muốn biết em ngủ chưa để... Hai chị em nói chuyện một chút vậy mà. Em đang bận học hả, Mai Kha? Em đừng thức khuya quá nhé. Thuyết trình cũng không có phức tạp lắm. Em cứ tưởng tượng như đang cầm micro hát ấy. Người ở dưới cũng chẳng nghe gì đâu...

Em tôi tặc lưỡi qua điện thoại, giọng nó giễu cợt:

- Ôi! Chị của em. Cái em bận tâm là chị đó. Chị lo chị đi kìa, nhanh mà lên đây làm. Ở đó mà bám quê, học làm hoạ sĩ, học làm nhà văn, nhà thơ. Tết nhất cũng qua cả tháng rồi. Không chịu lo xin việc đi chứ, đợi chờ cái gì?

Tôi chờ nó nói hết, liền chêm:

- Em hay quá. Em thì biết cái gì? Chị cũng muốn đi xin việc lắm chứ. Ai biểu bộ mặt này doạ ma người ta.

Em tôi chí choé:

- Chị của em không có xấu. Đứa nào nói em sẽ cho nó một bài học.

Tôi phì cười:

- Là chị hai của em đó. Về đây mà đánh nó.

- Thôi thôi thôi, em không có dám! Mà nè, nói gì thì nói, làm ơn bỏ mấy tưởng ý tưởng viết vẽ điên rồi kia đi. Lên thành phố làm nữ nhân viên văn phòng, còn không thôi thì liệu mà học nữ công gia chánh. Nghe đâu bác Hai xóm mình chấm chị cho con trai ông ta rồi đó. Cả cái xóm Trường Tấn, ổng chỉ vừa lòng mỗi chị thôi đấy. Mà em nói này, anh Khôi bác sĩ chứ không phải đùa đâu. Tội nghiệp ảnh phải lấy chị hai em! - Em gái Mai Kha vội cười xoà.

Hừ một cái tôi bảo:

- Này, cô Ba! Đừng có mà cười to như vậy. Chị hai cô đây nhé, khối người mê. Cô đừng có chọc chị, chị giận đó!

- Thôi mà, cho em xin! - Nó nói rồi vẫn giữ cái kiểu cười giòn giã. – Em học đây!

- Ừm! Lo học đi. Ngủ sớm đó. Mẹ dặn em không được học bài khuya. Mai mốt còn làm biếng, đợi tới đêm mới đem ra cắm đầu cắm cổ học là biết tay chị. Chị sẽ mách lại mẹ cho xem.

- Em biết rồi mà. Bye chị!

- Nhớ nhe, tranh thủ ngủ đi!

- Biết rồi mà. - Tiếng tút tút vang lên, nhanh gọn, dứt khoát.

Em gái Mai Kha của tôi là thế, không lo không nghĩ, vô ưu vô tư. Nhiều lúc tôi cũng muốn bản thân giống nó để được vui vẻ và cười nhiều như nó. Nhưng tôi thật sự không có khả năng. Tôi chẳng xinh đẹp, chẳng duyên dáng, lại càng khiến người ta chán ghét khi bên cạnh. Nhiều lúc tôi nghi ngờ bản thân mình thật sự có phải được mẹ nhặt về từ thùng rác như mẹ hay nói với tôi không nữa?

- Có cái gì mà phải buồn cơ chứ? Chỉ xấu thôi mà, có sao đâu! - Tôi nói thầm, gật đầu cười mỉm một cái tự an ủi, nhanh chóng lao ngay lên giường, tắt đèn, trùm chăn, đánh một giấc thật ngon.

Lạ thay, tôi tỉnh giấc trong đêm, theo thói quen tôi ngó lên xem giờ, chiếc đồng hồ quả lắc treo cao trên cột căm-xe bóng loáng đầu giường vô tư điểm ba giờ sáng. Mồi hôi rịn ướt trán, đưa tay quệt nhẹ rồi định ngủ tiếp thì bất ngờ có tiếng gọi tên mình từ bên ngoài cửa sổ, rõ ràng từng chữ một:

- Mai Cô! Mai Cô! Mai Cô!

Âm thanh vang lên như kéo màn đêm thêm cao mãi, vừa dịu dàng vừa da diết, không phải bà càng không phải mẹ. Là ai đang gọi? “Chắc chắn là ma, là ma!”, tôi tự nhủ. Nhưng nghĩ một đằng làm một nẻo, tôi tung chăn, mở toang cửa sổ. Kì lạ, bên ngoài không phải đêm tối mà chính là bình minh rực rỡ. Muôn vàn cánh hoa mai tạo thành một cơn lốc xoáy nhấc tôi bay lên, gió ào ào thổi, hương hoa mai nồng đậm. Từ trong trung tâm lốc xoáy một người nam mặc quần áo cổ trang hiện ra, toàn thân là lụa trắng, tóc dài tung bay tựa thiên tiên, rồi hoa mai mỗi lúc một dày làm tôi không tài nào nhìn thấy gương mặt người này. Tôi hô lớn:

- Này, anh là con ma lúc nãy gọi tên tôi hả? – Người nam im lặng, quay lưng theo ngàn vạn đoá hoa mai bay xa dần, xa dần. Tôi bèn gấp gáp la lên. – Này anh gì ơi, sao gọi tôi ra đây rồi không nói gì hết vậy? Anh gì ơi! Khoan đi đã! Đợi tôi...

Tiếng hét thất thanh của tôi hoà cùng giai điệu tít tắt của chiếc đồng hồ quả lắc vực tôi dậy. Chín giờ sáng, không gian ngừng thở. Thì ra đêm qua là một giấc mơ, một giấc mơ kỳ lạ. Cùng lúc, giọng mẹ ngoài cửa phòng vang lên hệt như được lập trình sẵn:

- Con gái, dậy đi! Dậy giúp mẹ nấu ăn đi con. Trưa rồi con...

Đó là âm thanh quen thuộc của mẹ tôi vào mỗi chín giờ sáng, đúng chín giờ không hơn không kém. Những lúc như vậy, câu đầu tiên tôi thốt ra đều sẽ là: “Cho con thêm mười lăm phút, à không phải nửa tiếng nữa, cũng không phải một tiếng nha mẹ, một tiếng!”. Nhưng hôm nay thì khác, tôi nhảy xuống giường ngay từ giây đầu tiên mẹ gọi, không kì kèo, không ngã giá. Có lẽ vì giấc mơ kia nên tinh thần ngủ nướng cũng tan biến.

Dùng tốc độ nhanh nhất có thể làm vệ sinh cá nhân mục đích là muốn ra ngay vườn mai nhỏ bên hông nhà. Tôi ra đó để hỏi ngoại về giấc mơ đêm qua cũng để trốn việc nhà và đặt biệt để tránh cha tôi. Tôi sợ mỗi lúc ông lại ca thán cái bài hát quen thuộc của ông: “Con gái lớn phải biết nấu ăn quán xuyến trong nhà ngoài cửa. Học hành xong phải ra dáng người trưởng thành, tìm việc làm mà phụ giúp gia đình. Thật tao không biết mày khi nào nên thân nên hình?” Tôi đánh tiếng thở dài thườn thượt thương cho cái số chó cắn này của tôi. Tôi cũng muốn trưởng thành, cũng muốn báo hiếu ông bà cha mẹ nhưng chuyện đời không như ý nguyện. Có thể người ngoài nghĩ là tôi đang biện hộ một cách lưu loát cho bản thân nhưng không, tôi đang trải qua những tháng ngày phải chịu sự đối đãi bất công của xã hội. Con gái cần khuôn mặt xinh đẹp cũng giống như một loài cây cần phải nở hoa. Tôi cũng vậy, khao khát đẹp cháy bỏng hơn bao giờ hết, tôi đã từng bước khắc phục làn da đen nhẻm, lấm tấm mụn của mình, cố gắng tăng cân, cố gắng tập luyện để mang lại sức sống cho thân hình vừa cao vừa mảnh nhưng không phải bằng cách cắt gọt, tiêm chích mà xã hội đang làm. Bởi vậy dù khó khăn việc khắp nơi, dù trình độ bằng cấp đều thuộc hàng ưu nhưng người ta đều không chọn tôi. Cái họ cần là một khuôn mặt giả, một con người giả, một tâm hồn giả. Những thứ ấy tôi mãi mãi cũng không thể nào đáp ứng họ. Cho nên tôi mới đành ngồi nhà, ngày ngày biếng nhác, ngày ngày buồn bã, ngày ngày tìm những thú tiêu khiển trồng cây nuôi cá để tạo niềm vui cho bản thân, để quên đi cái xã hội xô bồ, ác nghiệt và giả tạo đó.

Dẹp bỏ mấy thứ cũ rích này qua một bên, đôi chân đã đưa tôi đến đến vườn mai nhỏ. Ở đó, ngoại đang mắc chiếc võng đong đưa và lúc nào cũng luôn có cây đàn kìm (nguyệt cầm) của ông dựng sát một bên. Bà quý nó, thương nó, có nó như có ông bên cạnh vậy. Không biết vì sao khi tôi nhìn thấy cảnh ấy lại cho nó là đẹp nhất từ trước đến nay từng gặp? Bình dị, yên lành đến lạ khiến tôi quên mất tại sao tôi tới tìm bà.

- Ngoại! - Tôi gọi rồi đi đến bên bà, ngồi xuống.

Bà mở mắt, khẽ cười rồi buông thõng chân trên đất mà đong đưa chiếc võng. Tiếng kẽo kẹt đều đều làm con người ta miên man nhớ về những kỷ niệm đẹp đẽ nào đó từ quá khứ xa xôi.

Trong nhà tiếng mẹ vọng ra:

- Con đâu rồi? Mời ngoại vào ăn sáng đi con!

- Dạ! - Tôi đáp rồi quay lại nói với bà. – Mình vào ăn cơm đi ngoại.

Bà chầm chậm gật đầu rồi nói:

- Con vào trước, ngoại ngồi thêm chút nữa thì vào.

Tôi gật đầu tiếp lời bà:

- Dạ, vậy ngoại vô ngay nhé! Canh chua cá lóc đồng ăn nóng mới ngon.

Bà gật gù, với tay cầm lấy cây đàn kìm ôm trong lòng. Tôi ngoái trông bà, lòng có cái gì đó thương thương. Thương cái dáng buồn buồn, thương tấm lòng sắc son chung thuỷ của bà. Ông cũng mất hơn năm mươi năm rồi mà bà vẫn thế, một lòng một một dạ với ông cho tới bây giờ. Nhìn cách bà nâng niu cây đàn mới thấy bà quý ông đến thế nào. Tôi không biết ai đã kể cho tôi nghe chuyện xưa của bà với ông. Dưới vườn xuân đầy hoa mai nở rộ. Ông cầm đàn, bà xướng giọng. Ông với bà vì thế mà nối tơ duyên. Tôi bước đi cứ ngỡ như thoáng nghe được tiếng vọng cổ của bà, tiếng của bà hồi trẻ; còn nghe được cả tiếng đệm đàn trầm bổng của ông. Trong như sương chạm lá, đục như mưa tan trên đất. Đó là những gì tôi nhớ về bà, ngoại tôi!

Tôi nhớ ngoại tôi, lưng còng tóc bạc;

Dáng ngoại gầy, heo hắc những chiều thu

Nhớ ngoại tôi một mình ngồi trên võng

Tay ôm đàn miệng khẽ hát đong đưa

Tôi tinh nghịch, ôm chân bà hỏi nhỏ:

"Ngoại ơi ngoại! Ngoại đã biết đàn đâu."

Mỗi lúc ấy, ngoại cười hiền như bụt,

Tay xương xương bà khẽ vỗ đầu tôi:

"Ngoại nhớ ông nên ôm đàn để đó.

Khi ngoại buồn, ngoại thấy nó cũng nguôi."

Nghe ngoại nói mà tôi rưng nước mắt

Một đời bà đau đáu nỗi nhớ ông

Tôi từ đó đã không còn hỏi nữa

Sợ lòng bà vương vấn lại càng đau.

Tôi quên ngoại tôi, tảo tần cơ cực:

Sáng làm đồng, chiều lại chạy chợ xa.

Khi bà thức, tôi hãy còn ngái ngủ:

Lúc bà về, tôi an giấc giữa đêm.

Tôi không biết, đời bà toàn chữ "khổ."

Khắc trên lưng, khắc nó ở trong tim.

Ngày kia tới, một ngày như thường nhật

Tôi giật mình thấy ngoại đã hom hem:

Trán ngoại nhăn, đôi mắt ngoại cũng hoa

Tai ngoại lãng, ngón tay run lẩy bẩy

Lưng ngoại khòm, gánh chữ "khổ" bao năm.

Để rồi một sáng, tôi choàng mở mắt

Lá rụng trong vườn, chim nhỏ thôi kêu

Khói bếp tắt, đường bà về vắng vẻ

Cỏ mọc dày che kín dấu chân xưa

Lần đầu tiên trái tim tôi hối hận

Vì quên bà trong muôn nỗi quạnh hiu

Tiếng chiều xuống, nắng dần tàn, mây ngã

Đau trong lòng, nước mắt chẳng tuôn rơi



Từ tận trong đáy lòng tôi sâu thẳm

Tiếng con tim lần đầu được thốt ra:

“Ngoại ơi ngoại! Con biết mình bỏ lỡ.

Chạy theo đời, để quên mất ngoại con...”

Mừng Giáng Sinh, Tặng Ngay 15% Giá Trị Nạp. Chương Trình Khuyến Mãi Kéo Dài Từ 24/12 Đến Hết 27/12, Nhanh Tay Lên Các Bạn Ơi!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương