Diệp Trình
-
Chương 15: Chương 15
Không lâu sau, đám người Diệp Trình từ trong thư Thái Kim Chi gửi biết được bác Tiền đã trở về thôn, nhưng không biết vì sao mà vừa về đã sinh bệnh nặng, tốn không ít tiền, tạm thời cũng không thể lên thành phố làm việc được nữa, phải ở lại trong thôn tĩnh dưỡng một thời gian.
Đọc xong thư, lão Ngô thở dài, con người bác Tiền không tồi, chẳng ngờ lại gặp phải chuyện như vậy.
Hai đứa nhỏ trước mặt ông từng chịu ân huệ của bác, lúc này đều ngồi cúi đầu, không nói gì, không biết chúng nó có thực sự hiểu được những khổ sở mà bác Tiền đang phải chịu hay không.
Lão Ngô cũng không quá xoắn xuýt vì vấn đề này, người tốt như bác Tiền có muốn quên cũng khó.
Dù bọn nhỏ hiện giờ còn chưa thật sự hiểu được, nhưng sau này chúng trưởng thành, nhất định sẽ hiểu.
Hai đứa nhỏ Diệp Trình, Lục Minh Viễn ở trong nhà lão Ngô đã được hơn một năm.
Mới đầu chúng gọi lão Ngô là ông Ngô, nhưng rồi đột nhiên có một ngày, lão Ngô bảo đừng gọi là ông Ngô nữa, ta nghe mà khó chịu, bỏ chữ Ngô đi, gọi ông thôi.
Vì thế Diệp Trình liền ngoan ngoãn gọi một tiếng ông.
Lão Ngô rút từ trong túi ra hai mao tiền, cho nó ra đầu ngõ mua kem ăn, sau đó quay sang nhìn Lục Minh Viễn.
Lục Minh Viễn nhất thời vui vẻ, cũng gọi một tiếng ông, vì thế cũng nhận được hai mao tiền.
Lúc ấy tiệm sửa giày không có khách, hai đứa trẻ liền ngồi xổm trước cửa liếm kem que.
Thời đó kem que rất rẻ, một mao tiền là mua được kem làm từ nước ngọt, hai mao mua được kem làm từ sữa rồi.
Lão Ngô ngồi trong phòng vắt chéo chân ngâm nga một tiểu khúc, ngâm đến vui vẻ.
Đến khi Diệp Trình lên tám, ở thành phố ăn xin lâu ngày, thấy nhiều, nghe nhiều, xem sắc mặt người khác cũng nhiều, lâu dần, nó sẽ nhịn không được nghĩ đến một vài chuyện, tỷ như chuyện về bác Tiền, chuyện sau này nó phải đi học, hay như chuyện người khác vì sao lại xem thường nó.
Nghĩ ngợi nhiều khiến nó thành thục hơn xa bạn cùng lứa tuổi.
Cao Kim Hoa ngoài chợ vẫn thường khen Diệp Trình hiểu chuyện, chỉ là lo nghĩ quá nhiều, sau này chắc sẽ sống rất mệt mỏi.
Bất quá cô cũng là thật lòng lo cho nó, dù năm trước cô vẫn còn luôn miệng không lấy chồng không lấy chồng, muốn đón Diệp Trình và Lục Minh Viễn về nhà nuôi, nhưng cuối năm được giới thiệu cho một người, hai người khá tâm đầu ý hợp, nên đến đầu xuân đã bàn chuyện hôn sự rồi.
Sau khi tái hôn, Cao Kim Hoa vẫn phụ giúp cha mẹ bán đồ ăn trong chợ, mỗi lần Diệp Trình ghé qua, cô lại hỏi đã ăn cơm chưa, rồi mời nó ăn cơm ăn thức ăn này nọ, cho cũng càng ngày càng thoáng tay.
So ra thì, Lục Minh Viễn thoạt nhìn vẫn vô ưu vô lự như ngày nào.
Những khi lão Ngô đông khách quá phải giữ nó lại trong tiệm giúp việc, không cho nó theo Diệp Trình ra ngoài, nó sẽ không vui ra mặt.
Chẳng may còn đụng phải mấy người khách đang vội, khách giục lão Ngô, lão Ngô lại quay sang giục Lục Minh Viễn, giọng lão Ngô rất to, nghe cứ như thể đang cãi nhau ấy, mà Lục Minh Viễn cũng chẳng kém, "Ông đừng có giục nữa, giục giục giục, giục cũng chẳng nhanh hơn được!" Một già một trẻ thi thoảng lại rống lên với nhau mấy câu như vậy, khách hàng ngồi xem đều thấy buồn cười.
Nhắc đến một năm này Lục Minh Viễn có gì tiến bộ thì chính là cái miệng, nó bị mấy cô mấy dì trong chợ đùa riết, thành ra cũng lẻo mép hơn không ít.
Mà người Lục Minh Viễn ghét nhất vẫn là con nhóc con tên Hoan Hoan nọ.
Nhỏ này không biết có phải xem phim nghe truyện cổ tích nhiều quá hay không mà cứ nghĩ Diệp Trình là hoàng tử ăn mày, hâm mộ nó hết sức, đã thế càng lớn lại càng bám Diệp Trình.
Lục Minh Viễn mỗi lần thấy Diệp Trình đứng cạnh con bé thì đều khó chịu, mà nhìn không thấy lại càng khó chịu hơn.
Ba Hoan Hoan còn nói cái gì mà muốn mua một căn nhà thật lớn để Diệp Trình lấy con gái nhà ổng nữa chứ, hừ, ai cũng đều nói ổng chỉ đùa thôi, nhưng Lục Minh Viễn nghe thế nào cũng thấy ổng đang nói thật.
Nó cảm thấy mình phải lớn thật nhanh lên, rồi mua nhà lớn cho Diệp Trình ở, không để ai khác chiếm trước.
Kỳ thực Lục Minh Viễn không biết, sở dĩ lão Ngô thường hay giữ nó lại cửa tiệm giúp việc cũng không phải bởi vì ông quá bận, mà là vì muốn cho nó xa cách Diệp Trình hơn một chút, gần gũi với ông hơn một chút.
Tình huống của Diệp Trình thế nào ông rất hiểu, để Lục Minh Viễn theo nó làm sao được, đứa nhỏ kia ngay đến chính bản thân nó còn chưa chắc đã nuôi nổi thì làm sao mà dẫn theo một tên nhóc còn nhỏ hơn mình một tuổi được?
Ông muốn giữ Lục Minh Viễn ở lại đây.
Dù sao ông cũng đã già rồi, có khổ thêm một chút cũng không sợ, hơn nữa biết đâu nuôi dạy được nó ngoan ngoãn, đến lúc chết lại có thể mỉm cười mà nhắm mắt ấy chứ.
Nhưng cái thằng nhóc Lục Minh Viễn này lại chẳng biết cảm kích, trong mắt chỉ thấy có mỗi Diệp Trình thôi, vừa mới tách hai đứa ra một chút là nó đã nổi xung lên rồi.
Thấy đã sắp sang thu mà lão Ngô vẫn chưa nghĩ ra được cách gì, cuối cùng đành gọi hai tên nhóc lại thương lượng.
Lục Minh Viễn vừa nghe lão Ngô bảo muốn giữ nó lại đây, không để nó về thôn với Diệp Trình đã nổi nóng, nhất quyết đòi về cùng Diệp Trình.
Diệp Trình cũng nói muốn dẫn Lục Minh Viễn đi theo.
Lão Ngô hết cách, ông muốn giúp hai tên nhóc này, nhưng chúng nó đã cương quyết như thế thì ông cũng không đi làm mấy cái chuyện giỏ trúc múc nước, công dã tràng này làm gì.
Hơn nữa cuộc đời một con người, sống như thế nào là hạnh phúc, như thế nào là bất hạnh khó mà nói rõ được.
Thế nên lão Ngô cũng không miễn cưỡng, tùy hai đứa nó vậy.
Chẳng mấy mà đến tháng tám, lão Ngô giúp hai tên nhóc thu dọn đồ đạc, đầu tiên là mua cho hai đứa nó vài bộ quần áo, sau đó lại giúp Diệp Trình mua cặp, sách, bút.
Thậm chí ông còn nhờ người ra ngoài tìm mua giúp một cái máy khâu giày, năm đó một cái máy khâu xịn giá cũng phải gần hai trăm, bằng cả nửa tháng thu nhập của lão Ngô rồi.
Ngoài máy khâu giày, ông còn sắm cho hai đứa một bộ dụng cụ sửa giày đầy đủ, dùi đục, dao, chỉ ni lông, nhựa linh tinh các loại đều có, lại dặn chúng nó nếu dùng hết thì phải ra cửa tiệm nào tìm nhãn hiệu nào.
Những thứ này ông dùng đã mấy chục năm rồi, biết nhãn hiệu nào là tốt nhất.
Lão Ngô kêu chúng nó về thôn rồi đừng đi ăn xin nữa, mất mặt lắm, đi sửa giày cho người ta mà kiếm tiền, nếu kiếm không nổi thì cứ tới tìm ông.
Cao Kim Hoa lúc biết Diệp Trình và Lục Minh Viễn sắp đi thì buồn lắm, sang nhà hai ông anh trai lựa vài bộ quần áo cũ mấy đứa cháu mặc chật, tính cho hai đứa nhỏ đem về quê, đây đều là đồ tốt, chỉ tiếc cái là con nít cao nhanh, mặc không còn vừa nữa, bỏ đi thì tiếc.
Kết quả lại nghe lão Ngô bảo nhiều đồ quá hai tên nhóc mang không nổi, cô đành phải bảo lão Ngô viết cho địa chỉ nhà Thái Kim Chi, để sau này cô thu thập thêm nhiều đồ nữa, gửi bưu kiện về luôn một thể.
Năm đó mọi người ai cũng đều chi tiêu tằn tiện, bỏ tiền ra mua quần áo đều cảm thấy phí, nên về chuyện ăn mặc tương đối giản dị.
Rất nhiều nhà còn lấy quần áo cũ của người lớn đem đi sửa cho con cái mặc, ai cũng vậy thành ra mặc lại quần áo cũ của người khác cũng không cảm thấy xấu hổ.
Phải sang đến đầu thế kỷ 20, quan niệm này mới dần dần thay đổi.
Ngày rời đi, lão Ngô dẫn Diệp Trình và Lục Minh Viễn ra nhà ga từ sớm, hỏi hết người này đến người kia, mãi mới tìm được vài hành khách cũng tới thành H như Diệp Trình, ông mở miệng nhờ họ cho hai đứa nhỏ đi theo, sắp khai giảng rồi, cho chúng về quê đi học.
Mấy hành khách nọ thấy lão Ngô không giống như người xấu, hai đứa nhỏ ăn mặc cũng xem như chỉnh tề, còn gọi lão Ngô là ông, thêm nữa là, ngoài hai túi đồ hai đứa đeo ra, trên lưng Diệp Trình còn đeo một cái cặp sách, thoạt nhìn cũng ngoan ngoãn nhu thuận, lại xem chứng minh thư của lão Ngô, nhớ kỹ số chứng minh thư, bấy giờ mới gật đầu đồng ý.
Lúc ngồi đợi tàu, lão Ngô cứ dặn đi dặn lại Diệp Trình và Lục Minh Viễn sau này phải như thế nào như thế nào.
Ông nói đàn ông con trai phải kiên cường, không được sợ khổ, càng không thể vì sợ khổ mà đi lừa gạt người khác, loại người như vậy sau này lớn lên sẽ bị tất cả mọi người khinh bỉ.
Ông còn nói sau này dù có khổ sở thế nào cũng phải nhớ đối tốt với người khác, không được suy nghĩ bi quan, càng không được nghĩ đến chuyện hãm hại người khác, bằng không đến lúc già sẽ hối hận, ngay đến chính bản thân mình cũng xem thường mình.
Ngày thường lão Ngô nói ít lắm, lúc này chẳng hiểu bị làm sao mà tự dưng lại nói nhiều như vậy.
Diệp Trình và Lục Minh Viễn lại nghe rất chăm chú, đây là lần đầu tiên kể từ khi hai đứa biết nhận thức tới giờ, có người dạy chúng phải sống như thế nào.
Đến khi bắt đầu soát vé, Diệp Trình và Lục Minh Viễn chào tạm biệt lão Ngô, theo mấy người xa lạ tới cổng soát vé.
Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, hai đứa trẻ đã từng giao thiệp với không ít người lạ, phần lớn trong số họ đều tốt, nhưng cũng có rất nhiều người nhìn bọn chúng bằng cặp mắt khinh thường.
Lúc này Diệp Trình đang mặc trên người một bộ quần áo sạch sẽ, trên tay cũng không cầm cái bát mẻ, lưng còn đeo cặp sách, nhưng nó cứ có cảm giác cái người sạch sẽ chỉn chu này không phải là mình, mà đứa nhỏ quần áo rách bươm ôm cái bát mẻ đi khắp nơi xin ăn mới là Diệp Trình chân chính.
Nghĩ đến đây, chẳng hiểu sao nó lại thấy hơi chột dạ, cứ như là nó đang lừa dối những người này vậy, còn có chút lo lắng, không biết nếu để những người này biết nó từng là một thằng nhóc ăn mày vừa bẩn vừa thối thì họ sẽ phản ứng như thế nào.
Diệp Trình cứ mãi bất an một cách khó hiểu như thế, cho dù đối phương rõ ràng không hề quan tâm tới xuất thân của nó, nó vẫn sợ thân phận mình bị phát hiện.
Những lúc như thế, chỉ có dựa sát vào người Lục Minh Viễn nó mới bình tĩnh lại được một chút, bởi vì người này cũng giống như nó, cũng từng là một thằng nhóc ăn mày, cũng từng vừa bẩn vừa thối, cũng từng bị người xem thường.
Tàu chạy không nhanh không chậm, ba giờ chiều thì đến thành H, tụi nhỏ đầu tiền là ngồi ô tô về thị trấn, sau đó lại đổi một xe khác về trấn trên.
Lúc về đến trấn trên thì đã sáu giờ tối, không kịp bắt cái máy kéo cuối cùng về thôn, hai đứa đành phải ôm hành lý cuốc bộ.
Diệp Trình dẫn Lục Minh Viễn đi ăn mỗi đứa một bát mì thịt thái sợi, đồ ăn trên tàu đắt lắm, hồi trưa tụi nó chỉ dám ăn mấy quả trứng lão Ngô chuẩn bị cho thôi.
Lúc đổi xe trên thị trấn cũng chẳng nghĩ phải tìm cái gì ăn, nên về đến đây cả hai đứa đều đã đói mềm cả ruột.
Mì ở trấn trên một đồng một bát, mì nhiều mà thịt cũng nhiều.
Ăn xong, Diệp Trình nghĩ nghĩ, vẫn quyết định vào tiệm tạp hóa mua một cái đèn pin.
Đường núi buổi tối khó đi, dù hai đứa nhỏ đều còn khỏe mạnh, nhưng dù sao cũng ôm theo không ít đồ đạc, đi một lát lại phải dừng nghỉ một lát, lúc về được đến thôn thì đã là tối khuya.
Hai đứa cũng không định qua làm phiền Thái Kim Chi nghỉ ngơi, nên đi về thẳng tiểu viện của Diệp Trình, đám chó trong thôn hình như nghe được động tĩnh, sủa một trận rồi cũng yên tĩnh trở lại.
Thái Kim Chi biết tụi Diệp Trình sắp về, nên đãsang dọn dẹp sơ qua tiểu viện, hai đứa vừa vào đến nhà liền vứt hết hành lý rađất, chui lên giường vùi đầu ngủ..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook