Tôi quyết định nhân vật nam nữ chính trong câu chuyện sẽ là Diệc Thứ và Kha Tuyết.

Diệc Thứ là chàng trai học khoa học, còn Kha Tuyết là cô gái học nghệ thuật.

Vậy địa điểm và khung cảnh lần đầu tiên họ gặp nhau thì sao đây?

Cứ chọn luôn cái quán cà phê này đi.

Thời gian gặp gỡ là tầm quá trưa một ngày mùa thu, ngoài quán gió thổi hiu hiu, ven đường đôi khi lá rụng.

Khi chiếc lá thứ ba rụng khỏi cành cây, Kha Tuyết nhấc chiếc bút vẽ lên, ngồi trong quán cà phê, bắt đầu vẽ.

Còn Diệc Thứ, ngay khi chiếc lá thứ ba rụng xuống, đạp lên ba chiếc lá rơi, bước vào quán cà phê.

Kha Tuyết muốn vẽ chiếc lá dính trên đế giày Diệc Thứ, vì vậy bọn họ bắt đầu lần nói chuyện đầu tiên.

Cứ vậy trước đã, tôi cũng phải về rồi.

Đây là tiến độ lớn nhất của tôi trong suốt ba ngày qua, đúng là nên cám ơn cô gái học nghệ thuật kia.

Cầm tờ giấy trên bàn lên, tới quầy bar tính tiền.

Trả tiền xong tôi mới đột nhiên nhớ ra, cô gái kia còn chưa trả tiền.

Tôi có nên nhắc chủ quán không đây? Dẫu sao uống cà phê, phải trả tiền, đây là chân lý.

Nhưng cô ấy lại khiến tôi có linh cảm, có thể nói là tôi nợ nhân tình của cô ấy, cũng nên trả tiền cà phê giúp.

Tôi là người học khoa học, khi chân lý và nhân tình xảy ra xung đột thì luôn luôn đứng về bên chân lý.

“Cô ấy chưa trả tiền.” Tôi chỉ về hướng cô ấy vừa đi.

Tính cách tôi là cực kỳ thẳng thắn, không thích ăn nói vòng vo.

“Anh muốn trả tiền thay cho cô ấy à?”

Giọng chủ quán trầm trầm khô khốc, như âm thanh nghẹn lại ở cổ.

“Cà phê hôm nay ngon thật.”

Tính cách tôi là nếu đã không muốn đối diện trực tiếp với chuyện gì thì sẽ bắt đầu ăn nói vòng vo.

Ra khỏi quán cà phê, qua đường, hòa bóng mình vào dòng người trong ga tàu điện ngầm.

Từ khi bắt đầu viết gì đó, tôi rất cố gắng dùng đôi mắt quan sát tất cả mọi thứ xung quanh.

Biến hóa của bầu trời bốn mùa, màu sắc tia nắng từ bên ngoài hắt vào, phương hướng và biên độ lay động của cây cối, nụ cười của nhân viên cửa hàng tiện lợi, sắc mặt của những người chờ đèn xanh đèn đỏ, bóng lưng người vừa đi sát qua…

Nhưng tôi không quan sát người trong ga tàu điện ngầm.

Vì tôi thấy người trong ga tàu chẳng khác nào những cái hộp.

Ai nấy đều bao phủ bản thân rất kỹ lưỡng, bề ngoài tuy khác nhau, nhưng vẫn chỉ là những cái hộp.

Những thứ trong hộp dẫu khác nhau, nhưng con mắt tôi nào phải dụng cụ mở hộp, làm sao biết trong đó là gì?

Thế nên chẳng thà nhắm chặt mắt lại, coi như không thấy.

Tôi đã nói rồi, tính cách tôi là nếu không thể làm chuyện gì đến mức tốt nhất, vậy dứt khoát bỏ qua nó luôn.

Xuống tàu, trở lại nhà trọ của mình.

Vừa mới ngồi vào ghế sô pha trong phòng khách, lại phát hiện trên chiếc bàn nhỏ phía trước có đặt một chồng giấy.

Trên trang giấy đầu tiên có viết: “Hoang địa hữu tình phu”.

Đây là bản phác thảo kịch bản do bạn cùng phòng của tôi, Đại Đông viết.

Tôi cảm thấy tên kịch bản thật mờ ám, không nhịn được cầm lên, lật vài tờ sang.

Đang lúc suy nghĩ xem vì sao lại là “Hoang địa hữu tình phu” thì Đại Đông về nhà.

“Này, sao cậu lại lấy cái tên này?” Tôi hỏi cậu ta.

Cậu ta ngắm nghía tờ giấy trên tay tôi rồi nói: “Tên rất bình thường mà, sao nào?”

“Bình thường?” Tôi lấy làm lạ, hỏi lại: “Tên này mà bảo là bình thường á, có mà thiếu văn hóa ấy.”

“Thiếu văn hóa?”

Đại Đông có vẻ cũng bối rối, tới bên cạnh tôi, ngồi xuống, tôi đưa trả chồng giấy cho cậu ta.

“Hoang địa hữu tình thiên.” Cậu ta đọc xong bèn hỏi. “Cái tên này có gì mà thiếu văn hóa?”

“Hả?” Tôi kinh ngạc. “Không phải ‘Hoang địa hữu tình phu’ à?”

“Phu cái đầu nhà cậu!” Cậu ta đứng dậy quát. “Hoang địa hữu tình thiên cơ mà!”

Tôi xấu hổ, đành cười trừ.

Thật ra cái này đâu trách tôi được, trên đầu chữ “thiên” của Đại Đông hơi nhô lên, nhìn cũng giống chữ “phu” mà.

Có điều mấy thứ thế này tôi đã hay mơ màng từ hồi nhỏ rồi.

Ví dụ như truyện cổ tích “cô bé bán diêm”, tôi luôn đọc thành “diêm bán cô bé”.

Tính cách tôi có khi giống như đi tất, không phân rõ được phải hay trái.

“Tiểu thuyết của cậu tiến triển ra sao rồi?”

Đại Đông đặt “Hoang địa hữu tình thiên” xuống, quay sang hỏi tôi.

“Mới đặt xong tên nhân vật chính với xắp xếp xong bối cảnh gặp gỡ thôi.”

“Chậm quá.” Cậu ta lắc đầu. “Hai nhân vật chính trong truyện của tớ đã bắt đầu hôn nhau rồi.”

“Nhưng cậu không phải đi làm.” Tôi không phục. “Tớ còn phải đi làm, đương nhiên không thể viết nhanh được.”

“Đi làm?” Cậu ta ra vẻ khinh thường. “Cậu đi làm chắc chỉ để nhìn lén mấy đồng nghiệp nữ chứ gì.”

“Cậu…” Mặt tôi nóng lên, nói không ra lời.

Tính cách tôi là, nếu bị người khác nói tới chuyện xấu hổ sẽ bắt đầu nói lắp.

“Đúng rồi, tối nay bạn gái tớ qua.”

“Hả? Không phải cô ấy lơ cậu rồi sao?”

“Đâu có. Bọn tớ chỉ hiểu nhầm nhau một chút thôi mà.”

“Tớ biết rồi. Chắc chắn cậu lại quỳ xuống xin lỗi người ta hả?” Tôi cười he he. “Dưới gối nam nhi có hoàng kim là chân lý, nhưng bạn gái đại diện cho tình yêu; cậu không như tớ, nếu như chân lý với tình yêu có xung đột, chắc chắn cậu sẽ đứng ở phía tình yêu.”

“Cậu…” Giờ tới phiên Đại Đông nói lắp.

Tính cách tôi là, nếu đã bắt đầu nói tới chuyện đáng xấu hổ của người khác, miệng lưỡi sẽ lập tức trở nên lưu loát.

Tôi cười he he hai tiếng, cầm cặp tài liệu về phòng mình.

Phòng này cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ có điều trên giường cực kỳ bừa bộn.

Vì tôi không muốn bản thân lúc rảnh lại đánh một giấc trên giường.

Tính cách tôi là, nếu không muốn bản thân chết dí trong yên vui, sẽ nghĩ cách tạo ra gian nan khổ cực.

Mở máy tính, chỉnh lý một tập tài liệu xong, bắt đầu gõ chữ trên bàn phím.

Tôi viết cũng có thể coi là thuận lợi, có điều vì đánh chữ quá chậm nên vẫn tốn không ít thời gian.

Viết xong, đang định lưu lại nhưng nghĩ suốt vài phút vẫn không ra được cái tên nào thích hợp, đành lưu tạm tên là: Diệc Thứ và Kha Tuyết.

Nhìn đồng hồ, đã khuya rồi nhưng bạn gái Đại Đông vẫn chưa tới, thế nên tôi vẫn chưa đi ngủ được.

Nói cũng lạ, người khác nếu bạn gái tới sẽ đá đít bạn cùng phòng ra khỏi cửa, thế nhưng Đại Đông lại kiên quyết giữ tôi ở lại.

Đại Đông tuy nói là bạn cùng phòng với tôi nhưng thật ra là chủ nhà, gian nhà này là do cha mẹ cậu ta để lại cho.

Cậu ta tốt nghiệp hệ sân khấu điện ảnh, sau khi hoàn binh lại làm ở công ty quảng cáo hai năm.

Nhưng lúc tôi chuyển tới cậu ta đã rời công ty quảng cáo vài năm rồi.

Những năm đó cậu ta sống dựa vào việc viết văn quảng cáo với viết kịch bản, lúc nào cũng làm việc ở nhà.

Tôi vặn eo, cảm thấy hơi mệt, ra ngoài phòng bảo Đại Đông mình định ngủ trước.

“Cậu ngủ trong phòng khách có được không?”

“Có phòng ngủ lại không ngủ, ngủ trong phòng khách làm gì?”

“Cậu ngủ trong phòng khách, tớ có thể hát hay kể chuyện cổ ru cậu ngủ.”

“Cậu bị điên à! Tớ không phải trẻ con ba tuổi nhé!”

“Xin cậu đấy!” Giọng Đại Đông gần như cầu xin. “Nếu có cậu cô ấy sẽ không mắng tớ.”

“Tớ ngủ trong phòng khách có khi cô ấy chửi cho chứ chẳng phải mắng nữa.”

“Không đâu, cô ấy sợ đánh thức cậu.”

“Tớ về phòng ngủ cũng được mà.”

“Không được. Phòng cậu cách âm tốt lắm, bên ngoài có án mạng giết người cũng chẳng đánh thức cậu nổi.”

“Muốn tớ ngủ trong phòng khách cũng được, có điều cậu phải giảm tiền thuê nhà một ngày.”

“Được, không thành vấn đề.”

“Hơn nữa lúc tớ tỉnh phải thấy bữa sáng của mình.”

“Cậu đừng có được voi đòi tiên.”

“Tớ về phòng ngủ đây?”

“Bữa sáng cậu thích uống sữa bò hay sữa đậu nành?”

“Sữa đậu nhé.” Tôi về phòng lấy gối với chăn ra, nằm trên ghế sô pha nói. “Trên bánh nướng phải có hạt vừng, đen phải nhiều hơn trắng, phải nướng giòn, đừng có mềm quá đấy.”

“Rõ.”

“Quỳ cho tốt nhé.”

“Chết tiệt.” Đại Đông chửi.

Tính cách tôi là nếu đã bắt đầu trêu chọc sẽ chẳng thể ngừng lại.

Lúc tôi dậy trời đã hừng sáng, trong giấc mơ cũng không nghe thấy tiếng Đại Đông bị mắng, sau khi tỉnh lại cũng thấy bữa sáng của mình.

Đánh răng rửa mặt xong, tôi bắt đầu đi tìm tất.

Đối với thứ gọi là bít tất này, tôi lúc nào cũng mơ mơ màng màng, thường tìm chẳng ra một chiếc khác.

Sau bèn quyết định tất cả tất được mua đều cùng là sậm màu, không hoa văn trang trí, chỉ cần vớ bừa hai cái đi vào là được.

Tuy rằng màu sậm cũng có dăm bảy loại, nhưng cũng may màu sắc chênh lệch không nhiều, không dễ bị phát hiện.

Có điều cái tất nào trông cũng như nhau, tôi bắt đầu không phân biệt được cái nào là nên đem đi giặt, cái nào là vừa giặt xong.

Xỏ hai cái tất vào, lại đi giày xong, lúc này mới phát hiện trên người chỉ mặc quần đùi.

Đành phải cởi giầy, quần đùi ra, đổi quần, đi giầy vào.

Bình thường trước khi ra ngoài, tôi nhất định sẽ nhắc nhở bản thân phải thật cẩn thận, đừng bỏ sót thứ gì.

Nhưng vẫn thường quên vài thứ.

Hôm nay thì khá, chỉ quên mang mỗi bữa sáng thôi.

Thật ra chỗ làm của tôi ở ngay gần quán cà phê đó.

Trước đây, mỗi lần đi làm về, lúc qua quán cà phê, tôi đều học tập Đại Vũ, qua cửa mà không vào.

Mãi đến lúc giờ tan ca của tôi từ năm giờ rưỡi chuyển sang bốn giờ rưỡi, tôi mới thỉnh thoảng vào uống cà phê.

Vì tình trạng công ty không được tốt lắm nhưng tổng giám đốc lại không muốn cắt giảm biên chế, thế nên từ tháng trước trở đi, mỗi ngày chúng tôi phải làm việc ít đi nhưng tiền lương cũng ít đi vài ngàn đồng.

Để bù đắp khoản tiền lương thiếu hụt đó, tôi bắt đầu giúp Đại Đông làm việc.

Nhưng những việc tôi có thể làm thực sự có hạn, ngoại trừ giúp cậu ta xử lý một ít việc vặt ra, cùng lắm cũng chỉ là giúp cậu ta nghĩ vài lời văn quảng cáo hay slogan quảng cáo trong lúc cậu ta đang cạn kiệt ý tưởng.

Như trung tâm dưỡng da “Nhân tẫn khả phu” (Ai cũng có da), quảng cáo bên ngoài lại là “Nhân tẫn khả phu.” (Ai cũng có thể dùng)

(Cùng đọc là “nhân tẫn khả phu” nhưng chữ phu đầu tiên là – nghĩa là da, còn chữ phu thứ hai là – nghĩa là bôi, xoa)

Có công ty quảng cáo muốn một quảng cáo bán dầu gội trị gầu cho các tác giả bán chạy nhất, tôi đã đề nghị cậu ta dùng câu này: “Tôi đã dùng loại dầu gội trị gầu này, lúc gội đã nảy sinh linh cảm.”

Có điều hầu hết các trường hợp, Đại Đông đều không chọn dùng ý kiến của tôi.

Tuy vậy, cậu ta vẫn căn cứ theo độ cống hiến của tôi mà xem xét xem giảm tiền thuê nhà bao nhiêu ngày.

Gần đây Đại Đông nhận công việc biên kịch cho một đài truyền hình, ngày nào cũng bận rộn viết kịch bản.

Đội biên kịch bọn họ thường hay phải họp, thời gian họp cũng không nhất định.

Đầu tiên là tôi chẳng biết gì về viết kịch, thứ hai thời gian không tương thích, đáng lẽ ra là không thể giúp được gì.

Có điều, một hôm, lúc cả hai đang ngồi trong phòng khách xem bóng đá, cậu ta bỗng hỏi tôi:

“Bóng rổ, bóng chày, tennis đều chỉ có một màu, vì sao bóng đá lại có hai màu đen trắng?”

“À.” Tôi thuận miệng đáp. “Bóng đá vốn có màu trắng, nhưng vì bị người ta đá tới đá lui, dần dà vết đá thâm lại, cho nên mới biến thành chỗ trắng chỗ đen.”

Cậu ta quay sang nhìn ta, quan sát một lúc rồi nói: “Cậu có thiên phú đấy.”

“Thiên phú gì?” Tôi cũng nhìn lại. “Đá bóng à? Tớ già quá rồi.”

“Không.” Cậu ta nói. “Trí tưởng tượng của cậu không tồi, chắc có thiên phú viết tiểu thuyết.”

“Thật không?”

“Ừ. Tiểu thuyết tiếng Anh là fiction, nghĩa là có bao gồm cả trí tưởng tượng.” Đại Đông vỗ vai tôi. “Thế nào? Có muốn viết thử không?”

“Nhưng tớ chưa từng viết tiểu thuyết bao giờ.” Tôi lắc đầu đáp.

“Có ai học cướp ngân hàng chưa? Nhưng người cướp ngân hàng lần đầu vẫn cướp được tiền cơ mà.”

“Ví dụ này kỳ quái quá.”

“Đừng để ý tới cái ví dụ đó, dù sao viết tiểu thuyết cũng chỉ đơn giản như húp một bát canh thôi. Hơn nữa nếu viết hay còn có thể kiếm được tiền thuê nhà vài tháng, thậm chí vài năm.”

“Thật chứ?” Tôi suy nghĩ một chút. “Vậy để tớ nghĩ xem.”

“Không cần phải nghĩ, cứ viết đi.” Đại Đông nói. “Có điều chủ đề của tiểu thuyết phải là tình yêu.”

“Tình yêu?” Tôi lắc đầu. “Tớ làm gì có kinh nghiệm, viết sao được?”

“Tác giả viết tiểu thuyết trinh thám từng giết người à? Tác giả viết tiểu thuyết kiếm hiệp là cao thủ võ lâm à?” Đại Đông cười nói. “Thế nên người viết tiểu thuyết tình yêu cần gì phải có kinh nghiệm tình yêu phong phú cơ chứ?”

“Nói cũng đúng.” Tôi cũng bật cười.

“Cậu viết xong, tớ chỉnh sửa lại thành kịch bản, không khéo lại có cơ hội làm thành phim.”

“Nghe cũng không tồi.” Tôi vẫn hơi do dự.

“Đương nhiên là không tồi rồi, hơn nữa con gái hay có hảo cảm với người viết tiểu thuyết lắm đấy.”

“Được. Để tớ thử xem.”

Tính cách tôi là nếu đã do dự, vậy sẽ để gái gú làm động lực.

Dẫu sao tôi cũng là người học khoa học, khi gặp chuyện gì thì phản ứng đầu tiên sẽ là thu thập tư liệu.

Tôi tới hàng cho thuê truyện, mượn rất nhiều tiểu thuyết về đọc, thử nghiên cứu về tiểu thuyết xem sao.

Tiểu thuyết khác rất nhiều so với báo cáo nghiên cứu mà tôi viết trước đây, đầy những tính từ và phó từ.

Ví dụ như “trên khuôn mặt kiên nghị của kỵ sĩ kiên cường là đôi môi lạnh lùng nghiêm nghị”, quá nhiều tính từ.

Hơn nữa nếu sắp xếp lại các tính từ, đổi thành “trên khuôn mặt kiên cường của kỵ sĩ lạnh lùng nghiêm nghị là đôi môi kiên nghị” hay “trên khuôn mặt lạnh lùng nghiêm nghị của kỵ sĩ kiên nghị là đôi môi kiên cường”, cũng chẳng chênh lệch mấy.

Tôi còn từng thấy “trên khuôn mặt kiên cường của kỵ sĩ kiên định ánh lên vẻ kiên nhẫn và đôi mắt kiên nghị”, một loạt những tính từ có chữ kiên.

Sau khi đọc tiểu thuyết được vài ngày, tôi quyết định buông bỏ công trình nghiên cứu này.

Vì tôi sợ mưa dầm thấm đất, khéo mình lại đem câu “tớ chờ cậu ở bãi biển” nói thành “tớ lặng lẽ đứng ở bãi biển tĩnh lặng, khe khẽ chờ cậu nhẹ nhàng bước tới.”

Vì vậy đành thử tới quán cà phê đó, tìm linh cảm để viết tiểu thuyết.

Đáng tiếc là tôi chẳng có kinh nghiệm gì, chỉ mỗi tên nhân vật chính cũng đã mất mất ba ngày.

Nếu không có cô gái học nghệ thuật kia, khéo tôi vẫn đang phí tiền trong quán cà phê ấy.

Nghĩ tới tiểu thuyết đã có khởi đầu, tôi vừa đi vừa vung vẩy cặp tài liệu, tâm trạng rất thoải mái.

Bước vào cửa công ty, vừa vào đã thấy cô nhân viên trực tổng đài, cô ấy đang nhận điện thoại, không để ý thấy tôi.

Nhân viên trực tổng đài họ Tào, trông rất xinh xắn đáng yêu, rất được lòng các đồng nghiệp nam trong công ty.

Khi tổng giám đốc bắt đầu giảm lương, vì cô ấy còn ở lại nên tôi mới quyết định ở lại cùng.

Thậm chí tôi thấy nguyên nhân lớn nhất của chuyện cả công ty không thằng con trai nào chịu nộp đơn thôi việc cũng là vì cô ấy.

Tính cách tôi là nếu tự mình làm việc ngốc, vậy cũng sẽ cảm thấy người khác ngốc như mình.

Từ ngày đầu tiên đi làm tôi đã để ý tới cô ấy, cũng rất muốn tiếp cận.

Tuy không biết tên cô, nhưng hôm nào gặp mặt cũng luôn chào hỏi, gật đầu, cười.

Nhưng không bao lâu sau, tôi mắc mắc một sai lầm lớn, cũng lại do mơ màng mà ra.

Khi đó, cô ấy mới treo thẻ nhân viên mà công ty cấp cho lên trước ngực.

Lúc chào nhau, tôi nhìn thoáng qua thẻ nhân viên của cô ấy rồi đọc:

“Tào Lễ Mụ”

Đang lúc cảm thấy đọc ba chữ này giông giống ba chữ gì đó thường nghe, lại thấy cô ấy thu lại nụ cười, trừng mắt nhìn tôi.

(Hình như giống một câu chửi, nhưng mình chưa tra ra đc, cáo lỗi ^^)

Tôi lại chẳng rõ tình hình của mình, vuốt mũi trở về bàn làm việc của mình.

Sau mới rõ, tên cô ấy là Tào Lễ Yên, không phải Tào Lễ Mụ.

Tôi rất muốn giải thích đấy chỉ là do tính cách mơ màng của mình mà thôi, không có ý trêu đùa gì cả; thế nhưng lần nào gặp cô ấy cũng không biết phải mở miệng ra sao.

Suốt mấy ngày sau, cô ấy chẳng buồn để ý tới tôi nữa, cũng không buồn nói với tôi tới nửa câu, cuối cùng tôi cố dốc hết dũng khí ra nói: “Cô… Cô Tào, đừng thế nữa.”

Cô ấy chỉ ngẩng đầu lên nhìn tôi một cái rồi nói. “Anh đừng tới nữa thì tôi cũng không thế nữa.”

Từ đó trở đi, chỉ cần thấy cô ấy tôi thẹn quá hóa… sợ, thậm chí cảm thấy cô ấy rất dữ.

Tính cách tôi là, nếu thấy sợ cô nào thì cũng thấy cô ấy rất dữ.

Tuy vậy, tôi vẫn rất muốn tiếp cận cô ấy.

Lúc đứng dậy đi lấy nước, tôi luôn lén liếc sang nhìn cô ấy một cái.

Đại Đông nói không sai, nếu tôi giảm thời gian nhìn lén cô ấy xuống, chắc sẽ viết tiểu thuyết nhanh hơn.

Nếu ánh mắt của cô ấy chạm vào ánh mắt tôi, tôi luôn căng thẳng tới mức uống một hơi cạn sạch luôn cốc nước.

Vì là nước nóng nên tôi cũng thường hay bị bỏng, lâu dần thành ra đầu lưỡi tôi đỏ hơn so với người bình thường.

Mỗi ngày khi vào công ty, tôi luôn thử chào cô ấy.

Nhưng luôn cảm thấy tư thế với sắc mặt mình chẳng khác nào con khỉ trốn trong đống lá tránh mưa.

Hôm nay cũng vậy.

Sau khi đi khỏi tầm mắt cô ấy, tinh thần tôi cũng khôi phục, lại ưỡn ngực đi về bàn làm việc của mình.

Tuy công ty của tôi không nhỏ nhưng những công trình nhận thầu lại chẳng lớn.

Tính chất công việc của tôi rất đơn giản, vẽ bản thiết kế, chạy ra công trường, thỉnh thoảng lại ra ngoài đi họp.

Tuy khi đi làm có rất nhiều lúc thời gian rảnh rỗi, có thể tranh thủ để viết tiểu thuyết, đây là chuyện thường tình của con người; nhưng khi làm việc phải thật chuyên nghiệp, không được xao nhãng, đây là chân lý.

Tôi là người học khoa học, cho nên khi chân lý với thường tình xảy ra xung đột, tôi luôn đứng về phía chân lý.

Thông thường, chỉ cần ngồi trước bàn làm việc tôi sẽ cực kỳ tập trung, như lão tăng nhập định.

Cũng vì tập trung như vậy, cho nên thường bị tiếng chuông điện thoại làm cho giật mình.

Theo lý thuyết, một người mơ màng đáng lẽ không khiến người ta nghĩ tới hai chữ tập trung, cũng như khi thấy công chúa Bạch Tuyết cũng không liên tưởng tới kỹ viện vậy.

Có điều sự tập trung của tôi cũng có thứ gọi là đồng hồ báo thức sinh lý, chỉ cần tới giờ tan tầm, sẽ như cảm thấy có một luồng sát khí, vì vậy lập tức tỉnh táo lại, chuẩn bị ra về.

Theo thói quen cũ, trước khi ra về, tôi vẫn phải nhìn sang phía cô Tào một cái.

Chỉ cần thấy cô ấy đứng dậy ra khỏi công ty, tôi cũng sẽ dùng tốc độ nhanh nhất thu dọn cặp tài liệu, rời công ty theo.

Nếu may mắn, tôi có thể cùng chờ thang máy với cô ấy, có điều những lúc như thế cô ấy sẽ lập tức chuyển hướng, đi vào toa lét.

Tôi đành một mình bước vào thang máy, để nỗi phiền muộn cùng đi xuống với mình.

Hôm nay tôi vẫn ôm theo phiền muộn cùng xuống thang máy.

Theo cơ học mà nói, khi thang máy đi lên, trọng lượng con người sẽ tăng lên, còn khi thang máy đi xuống, trọng lượng con người sẽ giảm đi.

Nhưng bị cô Tào lơ đi như vậy, dẫu thang máy đang đi xuống, tôi vẫn cảm thấy người mình nặng nề thêm.

Lâu dần, tôi cảm thấy, cảm giác của con người thường vượt ngoài các định luật vật lý.

Vì vậy, cũng như trong phim, siêu nhân luôn thay quần áo trong buồng điện thoại; tôi luôn thay đổi cách suy nghĩ trong thang máy, chuẩn bị tiến vào trạng thái viết tiểu thuyết.

Rời thang máy, ra khỏi tòa cao ốc công ty, rẽ phải, đi chừng ba trăm mét sẽ tới quán cà phê kia.

Đẩy cửa quán ra, trên bàn thứ hai sát cửa sổ vẫn bày một tấm thẻ “đã đặt chỗ”.

Tôi ngồi vào vị trí cũ, bàn dựa vào vách tường.

Lấy một tờ giấy trắng từ trong cặp tài liệu ra, bắt đầu nghĩ về tính cách của Diệc Thứ và Kha Tuyết.

Sau khi nghĩ một lúc, không tự chủ được, cầm lấy bút, lại vẽ một loạt vòng tròn lên giấy.

Đang lúc tâm tư của tôi chìm trong vòng xoáy do những đường tròn kia tạo thành thì tiếng “coong coong” lại vang lên.

Khi tôi rút tâm tư khỏi vòng xoáy, ngẩng đầu lên, cô gái học nghệ thuật đã ngồi vào bàn thứ hai sát cửa sổ, con mắt nhìn ra phía ngoài.

Đang lúc tôi đang do dự xem có nên chào không thì cô ấy quay đầu ấy lại, bắt đầu tìm thứ gì đó trên bàn.

Thứ cô ấy muốn tìm có vẻ không ở trên bàn, vì vậy lại nhấc cái túi trên tay lên, lục lọi một hồi.

Một lát sau, tay phải cô vỗ vỗ lên đầu, thở dài một cái.

Cô dựa lưng về phía sau, tựa vào ghế, ánh mắt bắt đầu chuyển khắp nơi.

Khi ánh mắt cô ấy chuyển sang phải, vừa hay bốn mắt chạm nhau.

Tôi gật đầu, mỉm cười, coi như chào hỏi.

Còn cô ấy tuy vì nụ cười của tôi mà cười lại nhưng vẻ mặt mơ màng, có vẻ như không nhận ra tôi.

Theo lý thuyết, chúng tôi mới gặp nhau hôm qua, đáng lẽ cô ấy phải nhận ra tôi mới đúng.

Vì thế tôi cũng vì sự mơ màng của cô ấy mà mơ màng theo, chẳng khác nào con khỉ đang nghĩ xem nải chuối ở đâu.

Tính cách tôi là, nếu cảm thấy khó hiểu, trông sẽ hệt như con khỉ, cái này là mẹ tôi nói.

Có lẽ cô ấy thấy phản ứng của tôi lạ lạ bèn mở miệng hỏi:

“Chúng ta có quen biết à?”

“Phiu phiu”

“Hả?”

“Rất nhiều mũi tên bay tới.” Tôi lại nói.

“Cái gì?” Vẻ mặt cô ấy càng thêm khó hiểu.

Tôi thở dài một hơi, đành nói: “Người học khoa học.”

“A…” Cô như đột nhiên nhớ ra. “Anh là người hôm qua.”

“Cô giỏi thật, mới qua một ngày thế mà đã chẳng nhận ra tôi nữa rồi.”

“Xin lỗi, tôi không giỏi chuyện nhớ người.”

Cô mỉm cười, chắc là nghe ra hàm nghĩa trong câu “thế mà đã” của tôi.

“Cái này không thể trách cô được, tại tôi sinh ra đã có khuôn mặt gián điệp rồi.”

“Mặt gián điệp?”

“Ừ. Khuôn mặt tôi chẳng hề đặc sắc, rất khó nhận ra, thế nên thích hợp làm gián điệp nhất.”

“Ha ha, anh đúng là thích nói đùa. Cái này không liên quan gì tới khuôn mặt anh cả.” Cô ngừng một chút rồi nói. “Thật ra nguyên nhân chính là —— tôi không hay dùng ‘mặt’ để phân biệt mọi người.”

“Hả?” Tôi thấy khó hiểu. “Vậy cô dùng cái gì để nhận ra người ta?”

“Cảm giác.”

“Cảm giác?” Con khỉ tôi lại bắt đầu nghĩ xem nải chuối đâu rồi.

“Trong mắt tôi, khuôn mặt mọi người đều không khác nhau mấy.” Cô ấy vừa cười vừa nói. “Thế nên tôi luôn dựa theo cảm giác của mình về họ để phân biệt mọi người.”

“Con mắt cô thật kỳ quặc.”

“Có lẽ vậy.” Cô ấy nói. “Nhiều loại động vật cũng có dùng thị giác để phân biệt các cá thể khác đâu, chúng có thể dùng âm thanh, cũng có dùng mùi. Nếu anh từng nuôi chó anh sẽ biết, cho dù anh có cố thay đổi khuôn mặt ra sao, thậm chí đẹo mặt nạ, chó anh nuôi vẫn dễ dàng nhận ra chủ.”

“Nói thế cũng có lý, nhưng dẫu sao chúng ta cũng là người.”

“Người thì đã sao?” Cô mỉm cười. “Trong mắt mọi người, khuôn mặt của chó, mèo, khỉ, cọp cũng chẳng khác nhau mấy.”

Tuy tôi không hiểu ý cô ấy lắm, có điều lại nhớ tới một bộ phim.

Kurosawa Akira trong “Ảnh Võ Giả”, là ảnh vũ giả (thế thân) của Takeda Shingen, trông rất giống nhau, có thể lừa được bất cứ ai, kể cả người thân của Takeda Shingen, thậm chí cả vợ.

Nhưng không thể giấu diếm được ngựa yêu của Takeda Shingen.

“Đúng rồi, tôi có vẽ anh đấy, có muốn xem không?” Cô mở bản vẽ trên bàn ra.

“Được.” Tôi đứng dậy, tới chỗ đối diện của cô ấy, ngồi xuống.

“Hả? Mặt tôi vuông thế sao?”

Nhân vật trong bức vẽ khuôn mặt vuông vắn, hơn nữa các đường nét trên khuôn mặt cũng mơ màng, trên mép còn có vài sợi râu ria.

“Đây là cảm giác của tôi mà.”

“Khuôn mặt của tôi rõ ràng là trong tròn có nhọn, có cảm giác thế nào cũng không thể thành hình vuông được.”

Tôi rời mắt khỏi bức vẽ, hỏi cô ấy: “Cô có đem quả trứng cảm giác thành quyển sách không?”

“Cái này không liên quan gì tới hình dạng, chỉ là cảm giác của tôi đối với bản thân anh thôi.”

Tay cô ấy lại như cầm một chiếc bút tàng hình, vẽ tới vẽ lui trong không trung, sau đó lại chỉ vào bức vẽ: “Cảm giác của tôi về anh như đang làm việc vậy, tính cách rất cứng rắn, đường nét không đủ smooth. Cho nên đối với tôi, đây là ‘khuôn mặt’ của anh.”

“Nhưng tôi đâu có râu ria gì, sao lại có mấy sợi tua tua này? Trông cứ như…”

“Như chó, đúng không?” Cô có vẻ hài lòng. “Anh cũng có cảm giác như vậy, thế thì đúng rồi.”

“Đúng cái…” Tôi cố nuốt cái “rắm” vào, cao giọng nói tiếp: “Cô vẽ tôi như chó, đương nhiên tôi phải có cảm giác giống chó rồi!”

Cô càng cười như nắc nẻ, thân thể run run, làm rất nhiều tiếng cười văng ra. “Hôm qua cảm giác anh tạo cho tôi là như đang rất cố gắng tìm thứ gì đó, nhưng lại không phải tìm bằng mắt mà là đi ngửi khắp nơi…”

“Nói tới nói lui, cô vẫn bảo tôi giống chó.”

“Tôi không nói anh giống chó.” Cô ấy lắc đầu. “Tôi chỉ cảm thấy anh có tính cách của chó thôi.”

Cứ nghe cô ấy nói chó chó, trong lòng tôi cũng hơi khó chịu.

Tuy cha tôi cũng từng bảo tôi giống chó nhưng lần đó là vì tôi cúi xuống đất tìm tiền bị rơi.

Tôi cố nhớ lại dáng vẻ mình ngày hôm qua, lúc ngồi đây tìm linh cảm, thật sự khiến người ta cảm thấy giống chó à?

Nghĩ ngợi tới mức xuất thần, tới lúc tôi hoàn hồn lại vừa vặn tiếp xúc với ánh mắt của cô ấy.

“Lại cảm thấy giống chó à?” Tôi hỏi cô ấy.

“Không.” Cô ấy có vẻ xấu hổ. “Cảm giác về anh hiện giờ thật giống…”

“Giống khỉ, đúng không?”

“Không sai.” Cô ưỡn thẳng người, ánh mắt sáng lên: “Đúng là khỉ.”

“Cảm giác của cô giống mẹ tôi.” Tôi mỉm cười.

Tính cách của tôi là chỉ cần có người nhất trí với mẹ tôi, tôi sẽ rất vui vẻ.

“Đúng rồi, vừa nãy cô tìm gì vậy?”

“Bút.” Cô có vẻ uể oải. “Tôi cứ luôn mơ mơ màng màng, hôm nay lại quên không mang bút.”

“Tôi cũng rất hay mơ mơ màng màng.”

“Thật không? Tôi không thấy thế.” Cô mỉm cười. “Khỉ mà hay mơ mơ màng màng thì dễ rớt từ trên cây xuống lắm.”

Nói xong, cô phát hiện còn chưa có cà phê, bèn vươn ngón trỏ tay phải ra, chỉ về phía quầy bar.

“Cô đang làm gì thế?”

“Gọi cà phê.” Cô ấy đáp. “Tôi làm vậy, chủ quán sẽ hiểu tôi muốn gọi cà phê.”

Cô cúi đầu xuống nhìn vào bản vẽ, lật lật vài tờ, chỉ vào một bức tranh rồi nói: “Chủ đề của bức tranh này là mơ màng.”

Trong bức tranh là một cô gái cúi rạp trên mặt đất, tay phải nhấc khăn trải giường, hình như đang tìm thứ gì đó dưới sàn.

“Mơ màng?” Tôi không nghĩ ra hàm nghĩa cửa bức tranh.

“Anh nhìn xem, tay trái cô ấy cầm cái gì? Chân trái đi cái gì?”

“Đều là dép mà.”

“Đúng vậy. Nhưng cô ấy lại vẫn đi kiếm dép dưới sàn, thế chẳng phải mơ màng à?” Cô ấy lại cười, cười tới mức không nói tiếp được, vì thế đành ngừng lại một chút rồi mới kể tiếp: “Thật ra chỉ cần cô ấy nhớ ra trên tay phải với chân trái đều có một cái dép rồi là được rồi, có điều cô ấy cứ luôn không nghĩ tới cả chân với tay, mỗi lần chỉ nhớ tới một thứ.”

“Cô tự vẽ chính mình.”

“Đúng vậy.” Cô ấy cười đáp. “Mỗi lần tôi chỉ nghĩ tới một thứ được thôi, vì vậy rất hay mơ màng.”

“Không ngờ đấy.” Tôi cũng cười nói.

“Tôi thường định đi thang máy xuống, nhưng lại hay ấn vào nút ‘△’.”

“Vì sao?”

“Vì thang máy đang ở tầng một, thế nên tôi muốn gọi thang máy lên trên chở tôi đi xuống.”

Sau khi nói xong, cô ấy luôn cười. Tôi cũng cảm thấy vui, vì vậy bèn cười theo.

Vì tôi luôn thấy cô ấy chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ, thế nên rất khó tưởng tượng là cô ấy lại có tính mơ màng.

Trong ấn tượng về người học nghệ thuật, hoặc là chán chường, hoặc là tiên phong, có vẻ không thấy mơ màng.

Hơn nữa tôi thấy suy nghĩ của nghệ thuật gia tương đối nhẹ nhàng, vì vậy nên tâm hồn cũng luôn lâng lâng, rất khó nắm bắt được điểm rơi và phương hướng.

Không như những người học khoa học chúng tôi, suy nghĩ vừa cứng vừa nặng, chẳng khác nào bê tông với mặt đường.

Khi suy nghĩ thay đổi cũng vẫn rất cứng rắn, hơn nữa còn phải xem xét quỹ đạo và lực ly tâm.

“Tôi có một cách tránh tình trạng mơ màng đấy.”

“Thật chứ.”

“Ừ. Tôi thường hay viết chữ lên lòng bàn tay, chỉ cần lúc nào cũng mở lòng bàn tay ra…”

Nói xong, tôi giơ bàn tay ra cho cô ấy xem. “Có thể nhắc nhở bản thân, tránh quên thứ gì.”

“Trên tay anh có chữ kìa.”

“Thật không?” Tôi xoay lòng bàn tay ra trước mặt mình, trên đó có viết: năm rưỡi chiều họp ở hội trường thành phố.

“Hả!” Tôi nhìn đồng hồ, hét toáng lên, đã sắp năm rưỡi rồi.

Tôi như bắn khỏi ghế, nói với cô ấy; “Tôi đi trước nhé. Bye bye.”

Lúc xoay người đang muốn chạy ra ngoài, thiếu chút nữa va phải chủ quán đang bê cà phê ra cho cô ấy.

Hai chân chủ quán dính chặt trên mặt đất, thân thể khẽ cong về phía sau, né đòn tấn công trực diện của tôi.

Thật khó tưởng tượng một người lạnh lùng lại có cái eo mềm dẻo như thế.

“Anh còn chưa trả tiền.” Giọng anh ta vẫn trầm trầm như trước.

Xem ra trong quán cà phê này chỉ có mình anh ta không mơ màng.

Thanh toán tiền, lao ra ngoài quán bắt taxi.

Tới hội trường thành phố rồi mới phát hiện cặp tài liệu để quên ở quán cà phê chưa cầm.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương