Diary In Grey Tower
Chương 40

Từ cửa sổ tòa tháp nhìn ra xa có thể thấy toàn cảnh London. Nóc nhà màu xám và gạch đỏ nối dài bất tận, trên cao nữa là bầu trời trống không. Bồ câu chao liệng qua từng đàn, đôi khi tôi thấy cả quạ đậu trên ống khói nhà xưởng cách đó không xa. Tôi hay ngồi bên cửa sổ đọc sách, gió rất mạnh, thường ào vào thổi mớ giấy trên bàn bay xoàn xoạt.

Những ngày không chiến khốc liệt đến đỉnh điểm, tôi thậm chí còn trông thấy máy bay Đức gầm rú phóng qua phía xa, đuôi mang biểu tượng Quốc xã màu đỏ tươi thật chói mắt.

Rốt cuộc C cũng bị hạ bệ, Andemund tìm thấy một số tài liệu cũ trong đống giấy tờ ông ta để lại.

Hóa ra sự thật và dối trá chỉ cách nhau một ranh giới quá mong manh. Mà một khi bước qua nó, ta mới nhận ra thế giới này thật xa lạ.

C đã liên lạc với mẹ tôi qua gián điệp Anh ở Berlin. Ông ta gửi cho Jane Castor đang làm việc cho tình báo Berlin cả ảnh lẫn thông tin về tôi, nói với bà rằng tôi nằm trong tay tình báo Anh, hy vọng bà hợp tác với bọn họ. Kể từ khi C đồng ý cho tôi bước vào trang trại Plymton, tôi đã trở thành một quân cờ trong tay ông ta.

“Mẹ em đồng ý sao?”

“Không.” Andemund lắc đầu: “Phu nhân Castor bị giám sát rất chặt chẽ. Dù bà ấy có đồng ý cũng không thể truyền tin cho chúng ta được. Huống hồ bà ấy không tin tưởng cơ quan tình báo Anh.”

“Lúc đó C mới quyết định tiết lộ cho phu nhân Castor em làm việc cho cục tình báo, phụ trách giải mã ‘Mê’. Ông ta tán dương em là một thanh niên vĩ đại rồi mời gọi bà ấy tìm cơ hội giúp con mình, giúp tổ quốc của bà ấy. Anh nghĩ chính nhờ thế mà bà ấy biết em làm việc cho phòng 1, rồi mới mượn cách đó để chuyển tin cho em. Bà ấy đã chấp nhận mạo hiểm để gửi tin cho ta bằng loại mã tương tự với ‘Mê’ trong khi chẳng có gì đảm bảo em sẽ nhận được, hay giải được được chúng.”

“Tại sao bà không liên lạc thẳng với cục tình báo?”

“Bà ấy không tin tưởng cục tình báo, bà chỉ tin con trai mình. Alan, bà ấy nói bà ấy yêu em.”

“Em cũng yêu bà.” tôi nói: “Nhưng em không hiểu tại sao bà lại làm việc cho Berlin.”

Andemund ôm tôi, thở dài: “Mỗi người đều có tín ngưỡng của riêng mình.”

Tôi hiểu cảm giác không thể tin tưởng cơ quan tình báo của mẹ, nó chẳng khác gì điều tôi cảm thấy lúc này. Andemund nói đúng, đây là một thế giới quá đen tối, không kẻ nào có thể giữ mình trong sạch mà thoát khỏi nó. Nhưng tôi không lý giải nổi tại sao mẹ đã chấp nhận sống với niềm tin vào Đức Quốc xã, đã giúp người Đức sáng tạo ra ‘Mê’… mà cuối cùng lại tiết lộ thông tin cho chúng tôi. Xuất phát từ lòng yêu tổ quốc cháy bỏng, hay chỉ đơn thuần là phản ứng của một người mẹ khi nhận được lời đe dọa của C về đứa con đang phục vụ cho cục tình báo của bà?

Một thời gian dài sau đó, liên lạc bị gián đoạn. Andemund đưa thợ chụp ảnh đến chỗ tôi, chụp hàng đống hình đen trắng.

Ảnh nói: “Em tỏ ra tuyệt vọng chút nữa thì tốt, Alan.”

Tôi thì tin rằng mình chẳng thể nào tuyệt vọng hơn được nữa. Cục tình báo trong tay C hay Andemund rồi cũng vẫn là một phương pháp, trắng trợn và đơn giản. Nói thẳng ra thì ít nhất C còn để tôi làm việc bình thường ở trang trại Plymton, còn Andemund cầm tù tôi trong cái tháp canh này.

Anh ấy chụp hàng đống ảnh, rồi gửi cho mẹ tôi. Không lâu sau, sợi dây tình báo lại được nối lại.

Tôi cảm nhận được đó là một kiểu lợi dụng nhưng chẳng thể chỉ trích anh ấy, vì thủ đoạn tình báo có bao giờ không đê tiện và bẩn thỉu? Dù chúng xuất phát từ ý định cao thượng hoa mỹ đến đâu, sự thực vẫn là vậy.

Tôi cầu xin Andemund trả tự do cho mình.

Anh ấy từ chối, nói rằng anh ấy không có quyền đó.

Ảnh ôm tôi, liệt kê ra cơ man lý do… rằng quyết định cách ly tôi do Thủ tướng ký, rằng thả tôi hay không không phải do anh ấy quyết định, rằng cục tình báo đang dùng việc giam giữ tôi để uy hiếp mẹ tôi ở Berlin, và rằng mọi hành vi của anh ấy lúc này đều bị chú ý, không thể âm thầm phóng thích tình nhân của mình được.

“Xin lỗi, Alan. Ở địa vị của anh lúc này có rất nhiều điều trước kia có thể làm mà giờ không thể.”

Nhưng tôi ngờ rằng tất cả chỉ là cái cớ. Nguyên nhân đích thực chính là… tôi đã nằm trong danh sách bất tín nhiệm. Đương cục đang lo sợ. Họ biết chuyện này là bất công với tôi, họ sợ rằng một khi được tự do, sau khi biết mọi chuyện tôi sẽ tìm cách liên lạc với Berlin, rồi tiếp bước mẹ mình trở thành một đảng viên Đảng Quốc xã vĩ đại.

Tôi thực sự biết quá nhiều, tôi có thể cho Đức biết ‘Mê’ đã bị giải mã, thậm chí có thể hỗ trợ bọn họ thiết kế một bộ mã hoàn hảo hơn ‘Mê’. Bởi vậy họ không thể cho tôi tự do.

Arnold đến thăm tôi. Anh ta hình như hay tới đây làm phẫu thuật, lần nào đến cũng mặc áo blu trắng, ngồi vắt chân trên cái giường thép của tôi hút thuốc.

Tôi hỏi anh ta, liệu tôi có cơ hội ra khỏi đây không?

Anh ta nhìn chăm chăm vòng khói màu lam nhạt lơ lửng trên đầu, thở dài: “Tôi tưởng trước khi đồng ý cho cậu vào trang trại Plymton ngài Garcia phải nói trước với cậu mọi hậu quả rồi chứ. Một giây bị mất tín nhiệm thôi cũng đủ thành dao mổ kề cổ chúng ta rồi.”

“Ảnh có nói, nhưng tôi không hiểu hết.” tôi nói: “Tôi tưởng tượng ra rất nhiều kết cục mà chẳng cái nào giống thế này.”

Arnold không cho tôi câu trả lời, anh ta chỉ nói: “Chậc, bé Alan ạ, thế này chưa phải tệ nhất đâu.”

“Nếu có thể tôi cũng hy vọng sẽ đưa được cậu ra khỏi đây. Nhưng tôi không thể.” anh ta nói với vẻ chán chường: “Cậu đang cười nhạo tôi có vậy mà không làm được đúng không?”

“Andemund cũng không làm được.” tôi bước tới, ngồi xổm xuống cạnh anh ta: “Cho xin điếu thuốc hút coi.”

Arnold móc trong hộp cho tôi một điếu, mồi giùm tôi.

Tôi rít một hơi, khói cay xông tận phổi, tôi ho sặc sụa.

Anh ta với tay tính giật điếu thuốc của tôi: “Thôi bỏ đi.”

Tôi giữ lại: “Đàn ông sầu đời có điếu thuốc ngó đẹp trai hơn.”

Arnold cho tôi xem tác phẩm của thằng em họ anh ta, nguyên một xấp tranh màu sáp. Bức đầu tiên là bồn hoa kim tước đang nở trên bậu cửa sổ phòng đọc sách, bức kế là con ngựa gỗ nhỏ của nó. Kế nữa là một cặp kính gọng vàng méo mó vẹo vọ, ấy là Arnold. Tôi lật lướt lướt tiếp, có một bức vẽ cuốn vở toán, nhãn ghi chữ như gà bới “Alan Castor”.

“Tôi đây hả?” tôi hỏi.

Arnold nheo mắt gật đầu: “Ngày nào Joe cũng đòi gia sư của nó đến. Nó bảo cậu hứa dạy nó vẽ tranh rồi.”

Đúng là tôi có hứa sẽ mời họa sĩ thiên tài đến dạy thằng nhỏ hư đốn vẽ, ấy là tôi tính đợi Edgar về Cambridge nghỉ phép sẽ dẫn cậu ta đến gặp thằng nhỏ. Giờ tôi đoán họ chẳng bao giờ có cơ hội gặp nhau nữa.

“Em họ anh phải Van Gogh đích thân dạy mới được.” tôi nói với Arnold.

Trước khi về, anh ta vẫn giật điếu thuốc của tôi, nói: “Lần sau sẽ mang cho cậu loại nào nhẹ hơn.”

Mùa xuân năm 1941, Đức phá vỡ “Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên Bang Xô Viết”, chính thức tấn công Liên Xô, không chiến tại Anh kết thúc, nước Anh chiến thắng.

Năm 1944, trận Normandie thành công.

Trong vòng bốn năm, Andemund vẫn đều đặn đến thăm tôi. Ảnh mang cho tôi rất nhiều mật mã từ trang trại Plymton. Tôi toàn giết thời gian với chúng.

Tôi chẳng biết đống mật mã này được xếp cấp mấy, đã được giải ra chưa, ảnh tin tưởng đưa tôi giải hay chẳng qua là cho tôi có việc làm qua thì giờ. Những điều đó giờ không còn quan trọng. Ngày qua ngày tôi chơi với những con số, không một loại mã nào có thể giữ bí mật trước tôi quá một tuần.

Andemund luôn hôn tôi, nói: “Alan, em là thiên tài.”

Rồi ảnh cho lính gác bên ngoài đi, khóa cửa lại, lại hôn tôi, rồi cởi áo tôi. Chúng tôi làm tình vô độ trong ngọn tháp canh xám lạnh ấy. Trên cái giường thép, dưới sàn đá, thậm chí anh ấy đè tôi trên bàn, gác chân tôi lên vai mình, đẩy đầu tôi gần như ngật ra ngoài cửa sổ, chỉ cần mở mắt tôi có thể thấy độ cao hun hút khiến người ta rùng mình.

Ảnh khiêu khích tôi, ép tôi nói yêu ảnh mỗi khi tôi chạm đến cao trào.

Ảnh uy hiếp tôi, nếu không nói ảnh sẽ xô tôi khỏi cửa sổ. Tất cả mọi người sẽ thấy Alan Castor trần truồng rơi xuống, gương mặt trước khi chết còn mê li vì khoái cảm.

Thứ tình yêu vượt xa cả tuyệt vọng, tôi cảm giác rằng ngày nào đó mình sẽ phát điên.

Anh ấy nói, anh xin lỗi, Alan.

Nhưng thế thì ích gì?

Anh ấy nhận ra được sự đổ vỡ giữa chúng tôi, mà chỉ có thể chiếm đoạt để khỏa lấp nó.

Ngày “Cuốn theo chiều gió” gây sốt, trên giá sách của Andemund có một bản tiểu thuyết gốc. Lắm khi rảnh rỗi tôi cũng lấy ra coi, kết thúc sao mà sầu đời. Tôi còn từng chế giễu ảnh mắc gì đi xem loại sách diễm tình ba xu này.

Tôi nhớ nhân vật nam chính đã nói thế này: “Em yêu, em có từng nghĩ rằng tình yêu sâu đậm đến mấy rồi cũng sẽ có lúc chán ghét không.”… mà giờ tôi đang chán ghét.

Tôi nói với Andemund, cứ thế này sớm muộn tình cảm của tôi với anh ấy rồi cũng sẽ tiêu tan. Đây không phải lỗi của anh ấy, cũng không phải lỗi của tôi. Chúng tôi sai lầm ở chỗ yêu nhau trong cái thời chiến chinh này.

Andemund không trả lời tôi, anh ấy chỉ im lặng cởi quần áo của tôi, tiến vào cơ thể tôi hết lần này tới lần khác, cưỡng bức tôi nói tôi yêu anh ấy.

Anh ấy hỏi tôi, nếu có một ngày được rời khỏi đây, tôi sẽ đi đâu?

Tôi trả lời sẽ về Bedford, ở nông trại của bác.

Andemund suy nghĩ rồi nói: “Không, em không thể bỏ anh được.”

Thời gian đã mất dần ý nghĩa, dòng chảy cuộc sống trở thành những con chữ đen trắng vô vị trên mặt báo.

Ngày 27 tháng 4 năm 1945, tôi đọc báo Times, thấy tiêu đề ngay trang đầu là Liên Xô đánh vào Berlin. Hitler uống thuốc độc tự sát cùng tình nhân trong tầng hầm dinh quốc trưởng.

Ba ngày sau, hơn một ngàn lính cận vệ lực lượng SS và quân tình nguyện nước ngoài cố thủ trước biểu tượng cuối cùng của Đệ tam đế quốc – tòa nhà Quốc hội, the last battle. Hầu hết bọn họ thiệt mạng. Tôi lý giải được hành động của đội cận vệ SS, nhưng lại không thể hiểu tại sao lại có cả người nước ngoài ở đó, tại sao họ sẵn sàng chiến đấu đến cùng vì Đức Quốc xã?

Giống như tôi không thể hiểu tại sao mẹ lại làm việc cho Berlin.

Một ngày sau khi Berlin bị chiếm đóng, Andemund đưa cho tôi một bức điện đã được giải mã. Đó là điện tín cuối cùng tôi nhận được từ mẹ.

Nội dung vẫn chỉ có một câu.

Hãy nói với Alan, tôi yêu nó. Jane Castor.

Andemund nói quân Liên Xô đã lục soát toàn bộ Berlin, trụ sở cục tình báo đã bị thiêu hủy, hầu hết tài liệu quan trọng không còn. Rà soát trên những giấy tờ còn lại họ không tìm được dấu vết nào cho thấy sự tồn tại của vợ chồng Castor. Nhưng trong một phòng làm việc gần như cháy rụi, người ta phát hiện một cỗ máy phát tin ‘Mê’ sơ khai, trên bệ sắt tây khắc một cái tên bằng chữ hoa, phải rất cố gắng họ mới luận ra được đó là “Jane”.

Thế giới này là một khối mâu thuẫn. Mỗi lựa chọn của chúng ta đều là sai lầm, vậy mà ta không bao giờ khiến mình dừng chọn lựa được.

Tôi hỏi Andemund, Đức đầu hàng rồi, tôi có thể về chưa?

Anh ấy nhìn tôi ái ngại, nói rằng không được, Alan ạ. Em vẫn nằm trong danh sách bất tín nhiệm của tổ chức.

Anh ấy xin lỗi, rồi lại xin lỗi, nhưng thế thì ích gì?

Tôi chán ghét bầu trời trống rỗng sau ô cửa sổ kia, chán ghét những ngày quạnh hiu đến đáng sợ. Tôi muốn làm tổn thương Andemund, tôi bảo với anh ấy: “Ngày trước em theo đuổi anh, đúng ra anh nên từ chối em rồi kiếm lấy một cô vợ mới phải. Ngày ấy em dại dột quá mà, đâu có hiểu sự đen tối của cục tình báo, giờ mới biết hối hận.”

Anh ấy chỉ ôm tôi, nói, Alan, anh xin lỗi.

Andemund bảo tôi rằng tôi chỉ có hai con đường để lựa chọn.

Giữ lại ký ức của mình, vĩnh viễn ở lại trong tháp canh này.

Hoặc chấp nhận vứt bỏ trí nhớ về mấy năm qua và trở lại với cuộc sống khi trước. Quên trang trại Plymton, quên chiến tranh, quên ‘Mê’ và tất cả.

“Alan, em đã biết quá nhiều. Em nằm trong danh sách bất tín nhiệm của đương cục, lại từng nắm giữ chìa khóa của ‘Mê’.” Anh ấy nói.

Tôi cố chấp chọn con đường thứ nhất.

Tôi nói với anh ấy rằng: “Tình yêu ạ, em thà ôm cái ký ức vứt đi này rồi chết rục ở đây. Em mất quá nhiều rồi, anh không thể giết cả Alan Castor trong em được. Anh không thể làm như thế.”

Ngày nào đó bạn mở cuốn sổ tay này ra, Alan Castor đã không còn tồn tại trên cõi đời nữa. Cậu ta không nhớ mình là ai, có lẽ cậu ta đã bị cho một cái tên mới, bị nhồi vào đầu trí nhớ không thuộc về mình, bị trở thành một kẻ khác, và sống ảm đạm như là chết.

Tôi ghi lại tất cả ở đây, bởi vì có một điều sắp không thể cứu vãn. Andemund Garcia đã lựa chọn thay tôi.

Anh ấy muốn tôi quên mọi chuyện, rời khỏi đây, ở bên anh ấy.

“Đây là mưu sát đấy, anh yêu.” tôi nói với anh ấy.

Anh ấy chỉ đáp: “Anh yêu em, Alan.”

Đúng ra mọi chuyện có thể đã khác.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Andemund mang đến cho tôi những tờ báo đăng tin Thế chiến thứ II chính thức kết thúc. Hàng loạt trang báo giở ra kín mặt bàn, tờ nào cũng giật tít Nhật đầu hàng, bên cạnh là dòng chữ thật đậm “Chiến tranh kết thúc!”.

Tôi nghĩ, thật là tốt, rốt cuộc tất cả đã xong.

Sau đó tôi vùng dậy rút lấy khẩu súng giắt trên thắt lưng Andemund, chĩa thẳng vào anh ấy, bảo anh ấy để tôi ra ngoài.

Bị giam cầm quá lâu, thần kinh tôi trở nên đặc biệt yếu đuối, rất dễ rơi vào trạng thái kích động.

Như lúc này, tim tôi đang nảy lên điên cuồng trong ***g ngực.

Chìa khóa trong tay anh ấy, tôi đòi anh ấy ném cho tôi rồi gọi xe đưa tôi rời khỏi đây.

“Anh biết là em dám mà!” tôi nói.

Andemund đứng chắn trước cửa, lắc đầu: “Em yêu, trừ khi em bắn anh, em không thể ra khỏi đây được. Anh sẽ không đưa chìa khóa cho em.”

Tôi thấy cả người mình run bần bật, ngón tay lấn bấn rất lâu mới giật mở được chốt an toàn. Rốt cuộc tôi bắn trúng bụng anh ấy, rồi vồ được chìa khóa mở cửa.

Andemund ôm bụng gục xuống dựa vào cánh cửa, một tay nắm chặt tay tôi, mặt anh ấy trắng bệch đến bi thảm.

Anh ấy nói: “Alan, em thực sự không còn yêu anh nữa rồi.”

Tôi xốc ảnh dậy, dìu ảnh ra ngoài: “Đừng như thế, em cần anh làm con tin. Chừng nào an toàn em sẽ gọi bác sĩ cho anh.”

Tháp canh rất cao, bậc thang xoắn đi xuống hình như chẳng bao giờ có tận cùng. Andemund càng lúc càng yếu, anh ấy tì hẳn vào vai tôi, máu chảy xối xả. Tôi đã tưởng rằng đi cả đời cũng không thể xuống khỏi đây.

Đám lính gác dưới lầu sững sờ khi thấy tôi.

Họ bao vây tôi, tôi lệnh cho họ chuẩn bị xe và tiền.

Andemund ghì chặt vai tôi, tay kia phác một cử chỉ khó hiểu.

Sau ám hiệu của anh ấy, gã lính gác đứng gần nhất nổ súng bắn tôi.

Ký ức cuối cùng của tôi là bầu trời màu lam xám quay tít trên đầu và ống khói cao chót vót của nhà xưởng phía xa. Tôi ngã xuống cỏ. Andemund ôm tôi, dán mặt trên mặt tôi, máu trên người anh ấy nhuộm đẫm áo tôi.

“Alan, anh xin lỗi.” Anh ấy nói: “Chúng ta sẽ ra ngoài, nhất định anh sẽ đưa em ra ngoài. Quên chuyện này đi, để chúng ta bắt đầu lại lần nữa.”

Giờ này ngồi viết ngực tôi vẫn còn ẩn ẩn đau. Viên đạn bắn thủng phổi tôi, mỗi lần hút thuốc bị sặc ho đều đau thấu trời. Tôi chưa bao giờ hợp với thuốc lá, hút hiệu gì rồi cũng ho, vậy mà hồi này thuốc chẳng thể rời tay.

Giờ mới hiểu tại sao từ dạo thất tình Arnold bắt đầu mê mải với thuốc lá.

Tỉnh lại, người đầu tiên tôi thấy là Arnold.

Anh ta đang tiêm thuốc giảm đau cho tôi: “Alan, tình trạng cậu tệ lắm đấy. Được ra khỏi đây phải nghỉ ngơi tử tế mới được.”

“Tôi nghỉ bốn năm rồi.” tôi hỏi anh ta: “Andemund bảo anh đến xóa trí nhớ của tôi sao?”

Gã bác sĩ tâm lý mỉm cười: “Trí nhớ giống như một căn phòng, tôi chỉ khóa nó lại rồi vứt chìa khóa đi. Đừng sợ, chúng vẫn còn trong đầu cậu, chẳng mất đi đâu cả.”

“Dùng thuốc sao?” tôi hỏi.

“Ừ, dùng thuốc.”

Arnold có vẻ thương tâm: “Tôi đã trao đổi với ngài Garcia rồi, đây là lựa chọn tốt nhất với cậu. Alan, tôi xin lỗi, tôi không giúp gì được cho cậu, đây là điều duy nhất tôi làm được. Hy vọng cậu sẽ được hạnh phúc.”

Arnold nói chỉ cần tôi thư giãn, quá trình xóa trí nhớ sẽ không đau đớn chút nào. Nhưng tôi biết, với một liều lớn morphine họ sẽ tiêm cho tôi, dù đau cũng chẳng thể biết được nữa.

Tôi nghe thấy tiếng chân ngoài cửa, có lẽ là Andemund, hoặc là Arnold. Đây chắc hẳn là câu cuối cùng tôi viết.

Tôi muốn nói với người sẽ đọc cuốn sổ tay này rằng, tác giả của nó là Alan Castor, đã chết sau khi Thế chiến thứ II thắng lợi. Cậu ta hoài niệm bầu trời xanh thẳm của Cambridge, và cả người yêu đứng mỉm cười dưới tàng cây táo trước thư viện. Cậu ta vứt bỏ ký ức để sống lại, nhưng không hạnh phúc.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương