Suốt những ngày sau đó, không khí tang tóc bao trùm cả ngôi làng.

Dường như chịu ảnh hưởng bởi lời nói của ông Tu mà mọi người đều tránh đến gần bãi đất trống.

Chỉ có người thân của nạn nhân là túc trực bên linh cữu, khóc thương cho một kiếp người đoản mệnh.
Từ chỗ khu tập thể của chúng tôi nhìn xuống, có thể trông thấy toàn cảnh tang lễ kỳ lạ kia.

Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một tục lệ nào cổ quái đến nhường này.
Vào mỗi buổi sáng họ hàng sẽ đến trước "linh cữu" người đã khuất, mở tấm vải trùm lên, để cái xác phơi mình dưới ánh nắng.

Thời điểm này gọi là "ngắm mặt trời".

Người ta quan niệm rằng trong bảy ngày đầu tiên khi qua đời, linh hồn vẫn còn rất yếu dễ bị ma khác quấy phá.

Phơi nắng để hấp thụ dương khí, nhờ đó bảo vệ họ tránh khỏi ma rừng, ngạ quỷ.
Kế đó, những người đàn ông trong dòng tộc sẽ chia nhau ra "mổ trâu khao làng", trâu càng nhiều càng chứng tỏ lòng thương tiếc của gia đình đối với hương linh.

Những người phụ nữ còn lại thì tụ tập tập quanh người chết, bắt đầu chuẩn bị đồ đạc cần thiết cho lễ hạ quan cuối cùng.
Họ cắt dán đủ loại giấy màu sặc sỡ, xếp thành từng tập.


Kế đó, dùng kim chỉ thêu lên tấm vải lớn các họa tiết hoa văn thổ cẩm, rồi treo nó lên một thanh tre cao.

Trông giống hệt như một lá cờ chiêu hồn.

Hơn thế nữa, họ vừa làm vừa hát một bài đồng giao bằng thứ tiếng dân tộc cổ xưa.

Lời hát theo gió cứ vang vọng mãi khắp chốn núi rừng, khiến người nghe phải dựng tóc gáy.
Thế nhưng khó hiểu hơn cả là khi màn đêm dần buông xuống.

Một đống lửa lớn được đốt lên, người nhà sẽ nắm tay nhau tạo thành hai vòng tròn đồng tâm, nữ trong, nam ngoài, chính giữa đặt thi thể người đã khuất.

Bấy giờ, người lớn tuổi nhất trong dòng họ sẽ mặc chiếc áo choàng đen, đeo mặt nạ, hóa thân thành "già ma" một vị thần đại diện cho cái chết trong tín ngưỡng xa xưa.

Khi kèn trống vang lên cũng là lúc nghi lễ bắt đầu.
Bọn họ bắt đầu múa những điệu xòe, mỗi lần vòng tròn chụm lại một tiếng "hú" dài lại vang lên.

Hệt như một đám người nguyên thủy đang bái tế thần linh vậy.

Ở tâm đường tròn vị "già ma" kia cũng đang nhảy, miệng không ngừng hát những câu hát quái gở.

Mỗi lần tiếng "hú" của đám người vang lên, lão lại bốc một nắm muối lớn ném vào đống lửa.

Phản ứng với muối ngọn lửa liền đột ngột bốc lên cao, hơi nóng phừng phực tỏa ra xung quanh.

Cứ như vậy bọn họ nhảy tận đến lửa đêm mới thôi.
Trước khi về nhà, "già ma" sẽ phủ lên cái xác thêm một tấm vải, đến tròn bảy ngày thì vừa đủ bảy tấm.

Để tránh trường hợp bị động vật hoặc thứ gì khác làm phiền người chết, họ còn lấy dây buộc thi thể chặt vào cái cáng.

Xong xuôi mới an tâm đi về.

Ngày hôm sau trở lại, những hành động đó lại được tiếp diễn như thể một vòng lặp.
Đến hôm nay thì vừa tròn sáu ngày, chỉ thêm một chút nữa thôi sẽ qua thất tuần.


Vì có việc đột xuất nên tôi bắt buộc phải đi qua nơi tổ chức tang lễ ấy.

Chỉ vừa mới đến gần, một mùi hôi thiu đã xộc thẳng vào mũi tôi.

Hơi liếc mắt trông sang, tôi thấy họ đang chuẩn bị "bón cơm" cho cái xác.
Nằm trên cái cáng kia là một thi thể đã trương phềnh lên.

Mặc dù có lớp vải phủ che mất, nhưng tôi thấy vẫn thấy rõ chất dịch màu vàng đặc sệt, thấm qua từng lớp vải.

Nhỏ từng giọt, từng giọt xuống đám cỏ bên dưới.

Tôi nhớ từng nghe nói đó gọi là dịch tử thi, chỉ xuất hiện trong quá trình xác đang phân hủy.
Mâm cơm chuẩn bị cho người chết cũng rất đơn giản.

Chỉ có một chén cơm nhỏ, một quả trứng gà và một ít rượu gạo.

Nhưng điều kinh khủng hơn cả nằm ở quá trình cho ăn.

Cha mẹ của người mất sẽ đích thân đút cơm cho con ăn.
Khi tấm vải trắng được vén lên, lộ ra sau nó là gương mặt thối rữa.

Có vài chỗ vì bị ánh nắng hong mà khô con cả lại, cái mùi hôi thối tỏa ra từ đó thu hút tới rất nhiều ruồi bọ.

Người ta sẽ dùng một que gỗ mỏng, cạy miệng cái xác ra.


Kế đó lấy đũa tre gắp từng miếng thức ăn bỏ vào trong họng.

Thức ăn hôm trước đã mốc meo lại bị nhét chặt xuống, để chỗ cho đồ mới.

Từ đó mọc lên vô số cây nấm ma cùng dòi bọ bò lúc nhúc, kinh tởm vô cùng.
Tôi không nhịn được lấy hai tay bịt miệng chạy bộ đi.

Sau khi cách một khoảng khá xa mới vịn gốc cây nôn thốc ra.

Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được một người khi chết đi lại có thể đáng sợ đến như vậy.

Nhưng đáng sợ hơn cả vẫn là những người ngày ngày tiếp xúc với cái xác, đối xử với nó như một người sống.
Nghĩ đến đây tôi vội nhanh chóng đi hoàn thành công việc của mình.

Lúc về ngang qua đó cũng không dám nán lại lâu mà chạy thục mạng về nhà.

Cứ ngỡ qua nốt hôm nay sẽ không phải chứng kiến thứ kinh khủng kia thêm nữa, nhưng ngờ đâu đến ngày thứ bảy sự bất thường đã xảy ra..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương