[Đạo Mộ Bút Ký] Lão Cửu Môn
Chương 5: Quan tài sắt

T/N:Còn nhớ, tiếng lóng trộm mộ Bắc phái là “đổ đấu”, thì Nam phái là “đãi cát”; cổ mộ Bắc phái là “đấu” thì Nam phái là “bao cát”, “bịch cát”, “bãi cát” etc; kẻ đi “đãi cát” thì gọi là “khách đãi cát”.

Trương Khải Sơn nhìn lại, lập tức dừng bước. Vừa nãy tinh thần hơi buông lỏng, có chút lơ là, Tề Thiết Chủy vừa nhắc nhở một câu, ông ta mới nhận ra vấn đề.

Khác biệt ở ngay mặt ngoài, lớp sắt bọc ngoài toa tàu cuối cùng đã được gia cố thêm nhiều, lớp sắt dày hơn, hàn kín và nhiều hơn. Nhưng Trương Khải Sơn lại lờ mờ cảm thấy một sự khác biệt khác, nhưng nghĩ mãi mà vẫn không rõ được cái cảm giác không ổn này là gì.

“Lão thầy bói, đừng có thừa nước đục thả câu. Ông giải thích xem, nếu có lý, toa tàu cuối này không cần phải vào trong nữa.”

“Phật Gia xem thường tôi.” Tề Thiết Chủy liếc mắt nhìn Trương Khải Sơn, vừa rồi bị Trương Khải Sơn cưỡng ép lôi đi những hai lần, thật là mất mặt, cho nên hắn phải đòi lại. Thế là, hắn bèn nắm lấy tay Trương Khải Sơn, kéo đi vào trong sân ga mấy bước, rồi quay lại chỉ vào đầu tàu, giải thích từng toa từng toa một.

“Toa đầu tiên: trong toa bừa bộn toàn những quan tài cổ, có một số có quách đá, một số chỉ có mỗi áo quan, bên trên đều có đánh số.” Tề Thiết Chủy nói: “Xem những chữ đánh dấu trên đó thì thấy, những quan tài này đa phần đều đến từ cùng một ngôi mộ, không biết Phật Gia có phát hiện hay không, kích cỡ to nhỏ của những quan tài này, xét tổng thể thì không chênh nhau là mấy, cho nên, có lẽ tất cả đều là quan tài bồi táng. Xuống phía dưới nữa là toa tàu để nghỉ ngơi, tất cả những người áp tải chuyến hàng này đều ở trong toa tàu đó. Xuống dưới nữa lại là toa chứa hàng – hay chính là toa cuối cùng này.”

“Ý ông là nói, những toa tàu của chiếc xe lửa này, chính là mộ thất bồi táng, tất cả những người trên tàu canh giữ toa cuối quan trọng nhất, có lẽ là mộ thất của chủ mộ, bên trong đó, chắc là—” Trương Khải Sơn ngừng lại một chút: “Quan tài của chủ mộ?”

“Đúng thế. Phật Gia, nguyên bao cát lớn ngay gần Trường Sa, những quách lớn trong đấy to bằng cả cái nhà, ngài đến đây ít nhiều cũng đã gặp phải mấy lần rồi, ngài xem cái trong toa cuối này kích cỡ thế nào, có phải là một cỗ quan quách khổng lồ không nhỉ?”

Trương Khải Sơn quay đầu, nói với viên sĩ quan họ Trương rằng: “Tất cả những ai không phải họ Trương trong nhà ga này, đi ra ngoài hết.”

Trương sĩ quan gật đầu, đi lên bắt đầu quát, rất nhiều binh sĩ “không phải họ Trương” liền bước ra khỏi hàng, chạy bước nhỏ ra khỏi nhà ga. Cả lũ bọn họ đều thở phào một hơi, cái xe lửa này tà ma quá, không phải dân trong nghề, chả ai dám dính vào. Một tên lính đeo mặt nạ phòng độc chạy ngang qua, Trương Khải Sơn một tay túm lại, giựt mặt nạ phòng độc xuống, đưa cho Tề Thiết Chủy.

Tề Thiết Chủy lắc đầu một cái, không đời nào! “Phật Gia, ngài lại xem thường tôi, mấy toa tàu trước đâu có đeo, toa cuối này ta phải tiết kiệm thôi.”

Trương Khải Sơn phì cười, đeo mặt nạ phòng độc lên rồi đi thẳng. Tề Thiết Chủy thấy vậy thì ngớ ra, nghĩ bụng ơ Trương Khải Sơn đồ khốn nạn sao ông không giở chiêu cũ ấy. Rồi lập tức túm lại một anh lính khác, cướp lấy cái mặt nạ rồi đeo vào.

Đi theo Trương Khải Sơn đến toa tàu cuối cùng, Tề Thiết Chủy đeo mặt nạ phòng độc đi kiểm tra xem xét, trong lòng không khỏi thầm suy tính, kia trước hắn vẫn nghĩ đây là chiếc xe lửa quân dụng bọc thép của Nhật, trong tàu có hàng hóa quan trọng, sợ đội du kích cho nổ phá đường ray nên mới phải bọc sắt hàn kín, nhưng toa nghỉ ngơi lại không hoàn toàn bị tấm sắt bọc kín, mà toàn bộ người trên tàu thì lại chết bất đắc kỳ tử. Thế là thế nào, sao lại tà ma đến vậy.

Những thi thể vừa nãy có tử trạng rất khủng khiếp, chỉ e là ký sinh trùng hay bệnh truyền nhiễm gì đó, đặc vụ Nhật đẩy một toa tàu như thế vào Trường Sa, là muốn truyền ôn dịch ra khắp Trường Sa, làm tan rã ý chí chiến đấu của quân đội ư?

Nhưng vì sao trên xe lửa này lại có nhiều quan tài như vậy? Lẽ nào bệnh truyền nhiễm đến từ quan tài? Có lẽ Phật Gia đã nghĩ đến điểm này, vì vậy mới đeo mặt nạ phòng độc. Nhưng không phải là đã quá muộn rồi hay sao?

Khi lớp sắt bọc ngoài toa tàu cuối cùng được cắt ra, quả nhiên xuất hiện một quách gỗ, đúng như sở liệu của Tề Thiết Chủy. Lớp gỗ bên ngoài đã rữa mềm ra, bên trong đã vôi hóa, Trương Khải Sơn sai người dùng báng súng đập vỡ ra, tạo thành một cái lỗ lớn. Lần này Tề Thiết Chủy chui vào trong trước tiên, phát hiện bên trong quách không cao lắm, dưới đất lót đầy rơm rạ, có hai, ba cái xác lưng đeo súng đang nằm bò dưới đất. Tề Thiết Chủy cúi đầu nhìn xem, thấy dáng nằm của cái xác giống y như đúc với những thi thể nằm co quắp trên giường lúc trước, hắn liền ngẩn ra. Lại thấy đằng sau những cái xác đó là một cỗ quan tài đá to tướng, đặt ngay giữa trung tâm của toa tàu. Bởi trọng lượng quá nặng, nên nền đất dưới đáy quan tài có hơi lún xuống, trong cả cái toa tàu này chỉ đặt có một cỗ quan tài.

Trương Khải Sơn giơ đèn bão tới gần, nhìn thấy hoa văn và một vài dấu vết kỳ quái trên quan tài. Đó là những cục sắt đen được đổ lên bề mặt quan tài, bao kín khe hở giữa quan tài và nắp quan tài.

Trên lớp sắt đen có khắc rất nhiều ký hiệu trông như đạo phù gì đó, cực kỳ phức tạp, Trương Khải Sơn và Tề Thiết Chủy liếc mắt nhìn nhau.

“Quan tài bọc sắt, sắt bọc vàng, Tiêu tử quan.” Tề Thiết Chủy niệm lại một câu khẩu quyết đời trước truyền lại, hắn mới bắt đầu nhận ra đoàn tàu này quả thực đã xảy ra chuyện gì đó rồi. Toa tàu cuối cùng này chính là một căn phòng quách hoàn chỉnh, người Nhật đã đào toàn bộ phòng quách lên, sau đó bọc sắt thép bên ngoài, ngụy trang thành một toa tàu. Những cái xác đeo súng này chắc là lính cảnh vệ đang trực ban, có vẻ như đã chết ngay trong lúc đang trong phiên canh gác.”

Hành động này thực là khó bề tưởng tượng nổi. Người Nhật Bản muốn nguyên cả một căn mộ thất hoàn chỉnh để làm gì? Nếu là trộm mộ vì tài sản, vậy cứ mở quan tài lấy vàng bạc là đủ rồi. Mộ thất chỉ là một đống gỗ mục, cho dù có thích, thì chặt nhỏ ra lại càng dễ vận chuyển, hà tất phải đào toàn bộ cả mộ thất lên?

Tề Thiết Chủy nghĩ, đây nhất định có liên quan đến cỗ quan tài đá trong phòng quách này. Cỗ quan tài đã bị rưới nước sắt phong kín, đây là một mánh khóe của trộm mộ tặc thời cổ đại. Nghe nói, vào thời cổ, non nước ác liệt, rất nhiều đất lành phong thủy bị phá hủy, thi thể trong các cổ mộ dưới đất rất dễ xảy ra hiện tượng thi biến. Trộm mộ tặc thổ phu tử nếu gặp phải quan tài dưỡng thi hoặc có chứa tà khí, thì phải đào ngay tại chỗ một cái hố, đem nung binh khí, nấu thành nước sắt phong quan tài, chỉ chừa ở trên đỉnh nắp quan tài một lỗ thủng nhỏ vừa đủ một bàn tay chui lọt. Đến khi nước sắt nguội lại, mới thò một tay vào nhập quan, thăm dò đặng lấy đồ trong quan tài. Nếu trong quan tài có biến, liền lập tức chặt đứt cánh tay mình để bảo toàn cái mạng.

Do trên quan tài có một lỗ thủng, giống như một cái còi. Bởi vậy loại quan tài này mới được gọi là Tiêu tử quan. Đời sau nếu gặp phải loại quan tài này, kỳ thực là có hai khả năng: một là năm xưa Tiêu tử quan đã bị chôm sạch đồ đi rồi, chỉ còn cái vỏ rỗng không, chẳng có giá trị; hai là năm xưa Tiêu tử quan có biến gì đó, có người đã chặt tay rồi bỏ đi, đồ trong quan tài vẫn còn đó. Cho nên, đời sau đãi cát nếu đãi được Tiêu tử quan thì chưa chắc đó đã là quan tài rỗng, có lẽ đồ trong quan tài vẫn còn nguyên xi.

Nhưng thò tay vào trong, cũng phải xem Bát tự mình có đủ mạnh hay không. Khẩu quyết này của Tề Thiết Chủy, chính là từ đó mà ra.

Trên cỗ quan tài đá này có sơn một chữ số: 壱 (ichi – số 1), phía dưới là một hàng chữ: Mộ thất chính. Quan tài đè lên khiến mặt sàn lún cả xuống, chắc chắn bên trong vẫn còn đầy đồ.

“Nước sắt phong quan, trên mặt sắt có khắc chữ, những chữ này là do vị cao nhân đã treo gương lên đầu tàu khắc xuống.” Tề Thiết Chủy tháo kính ra lau rồi đeo lên, với vẻ mặt cố hữu của một lão thầy phong thủy: “Trong vòng ba bước, dưới chân tất có đinh sắt, anh sĩ quan, nơi này thuộc Tỵ, đuổi hết cả đi.”

Dứt lời liền cúi đầu, Trương Khải Sơn lùi lại mấy bước, quả nhiên, hai người nhìn thấy khắp xung quanh quan tài găm đầy đinh sắt thành một vòng tròn, vây lấy cỗ quan tài đá ở giữa.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương