Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm
19: Bữa Tối Đêm Giao Thừa


Ngày thứ hai sau ngày Đông chí, gió và tuyết đã đến như dự định.
Từ trước đến nay, Dịch Huyền chưa từng nhìn thấy trận tuyết nào lớn như trận tuyết này, giống như có một người nào đó ở bên trên đang rắt xuống vô số bông tuyết, những bông tuyết rơi trước còn chưa kịp rơi xuống đất thì đã bị những bông tuyết rơi sau bắt kịp.
Khi tuyết rơi còn có âm thanh.

Nó giống như âm thanh của những hạt mưa rơi nặng hạt lúc hè.
Và rồi, gió cũng đến.
Gió xuyên qua rừng cây, thổi bay những lớp tuyết rơi rải rác trên cành, nhưng rồi tuyết mới sẽ nhanh chóng bù lại, cây cối cao rậm rạp cũng không thể nào giảm bớt được tốc độ của gió, hoặc cũng có thể, đây là tốc độ của gió sau khi đã được giảm.
Tiếng gió hú lấn át mọi âm thanh khác trong rừng.
Nếu đi ra ngoài vào thời điểm này, toàn bộ tầm nhìn trước mắt đều sẽ là một màu trắng xóa, và nếu có thể chịu được gió tuyết mà mở mắt ra, thì trong mắt cũng chỉ còn lại những lớp bông tuyết.
May mắn là trước đó Hà Điền đã có chuẩn bị.
Những chiếc cọc cắm trong tuyết ngoài trời không chỉ đơn giản là chỉ dùng để đo độ sâu của tuyết.

Đổ nước lên các cọc gỗ cắm trước mỗi kho, tuyết sẽ đông cứng lại, sau đó buộc dây vào giữa các cọc, khi phải ra ngoài lấy củi, cho Gạo ăn chẳng hạn, họ sẽ nắm lấy sợi dây thừng này, bước từng bước để không đi nhầm đường hoặc lạc trong gió tuyết trước nhà.
Loại chuyện này không phải là chưa từng có.
Đã từng có người chỉ vì muốn kiếm một ít củi từ trong rừng mà đã không bao giờ quay trở lại được nữa.

Sau khi trận bão kết thúc, người trong nhà phát hiện anh ta đang nằm co ro bên ngoài bức tường của nhà mình.

Thế nhưng anh ta lại không thể tìm ra được đường.

Gió và tuyết đã hoàn toàn che giấu tiếng kêu cứu của anh ta.

Tuyết liên tục rơi cho đến sáng.
Cũng may, quá trưa, gió dịu bớt.
Hà Điền và Dịch Huyền tranh thủ thời gian này vội vàng đi quét tuyết, thả Gạo ra ngoài đi dạo và đục lỗ băng trên sông.
Kiểu thời tiết này cứ kéo dài như vậy trong bảy tám ngày.
Trong khoảng thời gian này, Hà Điền và Dịch Huyền đã hoàn thành một số thảm rơm cho các nhà nghỉ săn bắn, và lại bắt đầu làm một tấm thảm mới.
Vào ngày đầu tiên của đêm giao thừa, cơn bão tuyết cuối cùng cũng đã rời đi.
Mây tan, tuyết tan, mặt trời ló dạng.
Hà Điền và Dịch Huyền đi tắm.
Việc tắm lần này hoàn toàn là vì để ăn mừng năm mới.
Bỏ cũ đón mới, mọi thứ trong nhà đều phải được dọn dẹp sạch sẽ, người sống trong nhà cũng phải sạch sẽ luôn.
Tất nhiên, muốn tắm rửa thì phải nấu nước, nhưng cũng không thể lãng phí như vậy được.
Vì vậy, Hà Điền đã làm một ít màn thầu.
Lần này, Dịch Huyền đã xem được toàn bộ quá trình làm một chiếc bánh màn thầu hấp giống hoa hồng.
Bột được nhào với nước, men và một muỗng đường, sau đó để riêng, rồi dùng hai hoặc ba quả hồng khô để làm nhân.
Nói là hai hoặc ba, bởi vì khi Hà Điền đang làm đồ ăn, cô đều không nhịn được bóc một vài miếng nhỏ lên ăn.

Trước khi cho hồng vào bánh, cô và Dịch Huyền đã chia nhau ăn phần vỏ bên ngoài của quả hồng, chỉ để lại phần thịt quả mềm nhất ở giữa.
Nhà cô có một cây hồng, mỗi năm có thể thu hoạch được hai giỏ hồng nhỏ.
Quả hồng khi chín có màu đỏ cam rất đậm, lúc mới hái giống như những chiếc đèn lồng vuông nhỏ.
Lúc này quả hồng vẫn còn cứng và giòn.
Chọn những quả hồng căng mọng, gọt bỏ vỏ, để nguyên cuống, dùng dây rơm treo dưới mái hiên cho khô, bên ngoài quả sẽ dần xuất hiện một lớp sương muối, màu thịt quả cũng sẫm dần.


Dần dần, quả hồng trở nên mềm như bột, vỏ ngoài nhăn nheo, lúc này mới lấy xuống, đặt vào lòng bàn tay ngắt nhẹ cuống quả hồng rồi ấn xuống, chiếc đèn lồng nhỏ bẹp dúm lại, trở thành một cái bánh hình tròn có độ dày bốn năm cm, chính là hồng khô.
Quả hồng sau khi làm thành hồng khô có thể bảo quản được lâu hơn, cho vào hộp gỗ phủ cỏ khô và để ở nơi thoáng mát, có thể ăn đến hè, đến lúc đó sẽ lại có quả khác thay thế.
Quả hồng khô có thể dùng để ăn vặt, cũng có thể xé thành miếng nhỏ ngâm nước uống, tất nhiên cũng có thể làm nhân bánh ngọt.
Ngắt cuống quả hồng rồi kéo ra phía ngoài, thường thì có thể kéo luôn cả phần thịt quả mềm và dính, giống như mật ong đông đặc, trong như pha lê.

Lật phía trong của quả hồng khô ra ngoài, cho phần mềm nhất vào tô, thêm một chút mỡ ngỗng, dùng đũa khuấy đều rồi để sang một bên.
Hà Điền và Dịch Huyền chia nhau ăn phần vỏ bên ngoài, rốt cuộc lấy luôn một quả hồng khô ra ăn cùng với một ly trà nóng pha từ nụ hồng.
Sau khi bỏ phần vỏ ngoài, hồng khô không chỉ giống mật ong về kết cấu, mà nó còn ngọt giống như mật vậy.
Khi bột đã sẵn sàng, Hà Điền vo một miếng bột lên men thành một miếng dài, phủ lên trên một lớp hồng, gấp theo chiều dọc thành ba nếp, phết một ít mỡ vào giữa miếng bột rồi cắt thành nhiều phần, xếp chồng lên nhau.
Đợi một lúc, để cho bột giãn ra và lấy lại độ đàn hồi thì dùng đũa ấn mạnh vào giữa hai lớp bột, hai lớp bột chồng lên nhau thành bốn lớp.
Cầm bột lên, chụm đầu và đuôi bột lại với nhau để tạo thành vòng tròn, dùng đũa đặt vào vòng bột, dùng một tay giữ nhẹ phần đáy của miếng bột, sau đó dùng đũa xoắn bột lại hai vòng.

Cần phải dùng lực vừa phải, tránh làm bột bị dứt đoạn, cuối cùng dùng đũa ấn xuống và kéo ra, bột lúc này trông giống như một cuộn len.
Bây giờ, dùng kéo nhỏ cắt vài chỗ trên "cuộn len", sau khi hấp chín, các vết nứt trên "cuộn len" sẽ phồng lên, tách ra và trở thành bông hồng nở.
Hà Điền thấy Dịch Huyền làm không được, miệng lại sắp trề ra, vì vậy cô đã dạy cô ấy làm một loại bánh hấp đơn giản hơn.
Bánh táo tàu đơn giản hơn nhiều so với bánh nhân hồng.
Nhào bột thành một dải dài, giống như bột làm màn thầu nhưng cần mỏng hơn.

Sau khi nhào bột, cắt thành từng đoạn nhỏ khoảng 15 cm, lấy một đoạn, dùng tay bóp hai đầu, cán mỏng vài lần, lật lại, lại cán mỏng vài lần nữa, đặt lên thớt, cho táo khô vào khe hở của lớp bột, vậy là xong.
Bánh hấp còn có thể làm thành hình bươm bướm, chuồn chuồn, quả thông, đều ngon cả.

Ngoài bánh nhân hồng và táo tàu, Hà Điền còn làm bánh nhân hạt thông và quả óc chó.
Nghiền hạt thông và quả óc chó, thêm đường hoặc mật ong vào, làm nhân bánh.
Để phân biệt nhân của bánh, nhân quả óc chó được làm thành con nhím, còn nhân hạt thông là con thỏ.
Cách làm của hai loại bánh này còn đơn giản hơn, cho bột lên thớt và nhào, gói nhân lại, nặn lại thành một viên tròn một đầu nhỏ một đầu to, đầu nhỏ hơn là đầu nhím, đầu to là cặp mông mũm mĩm.
Nếu là thỏ, chỉ cần dùng kéo cắt hai lần trên đầu, lúc hấp xong tai thỏ sẽ tách ra khỏi bề mặt bột và nhô cao.
Thỏ mà Hà Điền làm là một con thỏ phổ biến trong rừng.

Đến phiên Dịch Huyền làm, cô ấy đã cắt hai tai của con thỏ rủ xuống ở hai bên đầu, nói rằng nó là một con thỏ tai cụp.
Làm gai nhím rất đơn giản.

Chỉ cần cắt một vài chỗ trên miếng bột, thứ nhếch lên chính là gai trên thân nhím.
Cuối cùng, dùng hạt thông hoặc quả mâm xôi khô để làm mắt cho bé nhím và bé thỏ.
Dịch Huyền vô cùng hào hứng làm hai con thỏ và ba con nhím, sau đó mới chợt nhận ra, Hà Điền đang dỗ dành mình như dỗ dành một đứa con nít.
Dịch Huyền bĩu môi nhìn Hà Điền, thấy cô đang rất vui vẻ, cô ấy lại mỉm cười.
Năm mới, hoặc là nói, ở bất kỳ ngày lễ nào, thứ có ý nghĩa nhất chính là niềm vui không dễ gì có được này.
Để chúc mừng năm mới, Hà Điền và Dịch Huyền đã chuẩn bị rất nhiều thức ăn, một bàn tiệc đón giao thừa đầy ắp.

Tất nhiên, phần lớn là bốn loại bánh hấp.
Ngoài các loại bánh hấp, họ còn chuẩn bị hai món chính.
Vịt xông khói hầm hạt dẻ thì đã ăn thường rồi, nhưng một món chính khác thì lại tương đối hiếm.
Nhờ sự nhắc nhở của Dịch Huyền, Hà Điền đã thực hiện lại sở thích thời thơ ấu của mình, cô ngâm phần gốc cây cải thảo và đầu củ cải trong một cái tô, thật sự trồng hoa cải thảo và hoa củ cải.
Những bông hoa cải này đều được cô cắt ra, cho vào xào cùng với cá tuyết sông, thịt cá trắng ngần cùng với phần cuống xanh nhạt và những bông hoa màu vàng trông rất đẹp mắt, nó tương phản rõ rệt với màu nâu vàng của hạt dẻ và đỏ của món vịt xông khói.
Ngoài hai món chính, Hà Điền còn làm thêm hai món tráng miệng.

Một loại là hạt óc chó rang tẩm mật ong và nước đường, và loại còn lại là thạch cây phong anh đào.

Hạt óc chó rang cũng không có gì mới lạ, nhưng thạch anh đào thì lại hiếm.
Hà Điền sử dụng mức anh đào.
Quả anh đào rừng hái vào mùa hè được rửa sạch, để ráo, nấu chín, sau khi nguội thì cho vào hũ thủy tinh rồi ngâm với mật ong, có thể bảo quản cho đến mùa hè năm sau khi quả anh đào lại chín, hoặc lâu hơn nữa.
Lúc này, lấy khoảng mười quả ra, cho vào một cái nồi nhỏ, thêm nước đường của cây phong vào, thêm thêm một chút xíu muối, khuấy đều rồi để yên đó.

Muối rất quan trọng, nó có thể cân bằng vị ngọt.
Cho nước đun sôi vào tô, khi đầu ngón tay chạm vào cảm thấy đã bớt nóng, thì cắt sợi làm thạch ra, cho vào tô rồi khuấy.

Khi các sợi thạch đã hoàn toàn tan chảy, Hà Điền lấy một cái tô thủy tinh lớn ra, rửa sạch, đổ anh đào vào tô thủy tinh trước, sau đó đổ thạch vào, khuấy nhẹ, để qua một đêm là thạch đông lại.
Chiếc tô thủy tinh trong suốt chứa đầy thạch đỏ tươi và những quả anh đào lớn.
Vậy là cả hai món tráng miệng đã sẵn sàng, một món lạnh và một món nóng.
Trước bữa cơm tối giao thừa, Hà Điền đem hương đã làm vào ngày Đông chí ra, đặt lên bàn một cái dĩa gốm đựng cát mịn, lấy ra ba viên hương, đặt lên trên, đốt một cành bách rồi thắp lên.
Khói hương cuộn tròn, lúc đầu có màu trắng, sau khi đốt một thời gian thì ngọn khói chuyển thành màu hồng nhạt trông rất đẹp mắt.
Hà Điền và Dịch Huyền đồng thời chấp tay lại, nhắm mắt không nói gì.
Hà Điền thầm cầu nguyện: "Bà ơi, bà khỏe không? Bà có nhìn thấy không? Con không sao cả.

Bà cứ yên tâm."
Cô mở mắt ra nhìn Dịch Huyền, chỉ thấy lông mi của cô ấy run lên, đôi môi khẽ mấp máy, không biết là đang cầu nguyện điều gì.

Dường như cô ấy cũng có thể cảm nhận được Hà Điền đang quay đầu lại nhìn mình, trước khi mở mắt ra, khóe miệng cô ấy hơi nhếch lên.
Khi Dịch Huyền mở mắt ra, đúng như dự đoán, Hà Điền đang mỉm cười với cô ấy như cô ấy đã nghĩ.
Cả hai ăn ý nhìn nhau một lúc rồi cùng nhau mỉm cười.
Trên đầu họ, làn khói hồng nhạt của những viên hương làm bằng linh sam và cây xô thơm trắng đọng lại rất lâu.
Trong đêm lạnh yên tĩnh này, củi cháy trong lửa và đủ loại đồ ăn thơm phức lại càng thêm quý giá..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương