Công Sinh - Công Dưỡng FULL
-
Chương 10
13
Ngày khai trương cửa hàng lụa, pháo nổ vang rền, ta bịt tai lại, mong chờ vị khách đầu tiên.
Nhưng chờ mãi chỉ thấy trời đổ mưa lất phất, pháo bị nước rửa sạch sẽ, mà vẫn chưa có một ai bước vào cửa tiệm.
Thấy ta cứ nhìn chằm chằm ra ngoài, Phùng Chiếu Thu mang lên tầng hai một cái bàn uống trà cho ta: "Không có việc gì thì đọc sách đi."
Ta ngồi xuống bàn, tay cầm sách nhưng mắt vẫn liếc ra đường.
Rõ ràng là người đi lại tấp nập, sao lại không có ai vào mua vải nhỉ?
Phùng Chiếu Thu bưng trà và bánh lên, cười nói: "Con cầm sách ngược rồi."
Ta xấu hổ đặt sách xuống: "Mẹ ơi, buôn bán còn khó hơn cả đọc sách.
Sách thì chữ in sẵn, lý lẽ viết sẵn, dù có không giỏi như thầy Tề, mỗi người đọc ra một ý cũng coi như là đã học được.
Nhưng buôn bán có thành hay không lại phải phụ thuộc vào người khác."
"Muốn lấy tiền từ túi người khác, làm sao mà không khó?"
Nói xong, bầu trời vang lên một tiếng sấm, gió bắt đầu nổi lên, bà nhìn những chiếc lá rụng xoay tít ngoài cửa sổ, thở dài: "Một trận mưa thu là thêm một trận lạnh, sắp vào đông rồi."
Những người nghèo thường không thích mùa đông.
Tuyết trắng như tiên trong thơ của các thi nhân, nhưng đối với những người đói rét thì chỉ là lưỡi d.a.o lấy mạng.
Lưu Nhuệ Nhi xuất hiện trong một trận tuyết mỏng lạnh lẽo như thế.
Trên quần áo của cô đầy mảnh vá, đôi dép rơm trên chân ngập trong vũng bùn, mũi giày rách toạc, những ngón chân tím ngắt cố gắng co lại để không làm rách thêm lỗ thủng.
Cô bé mà Lưu Nhuệ Nhi ôm trong lòng thì không thê thảm như vậy, trên tay áo còn được vá thêm vài bông hoa nhỏ, không có dấu vết vá víu nào khác.
Phùng Chiếu Thu vừa thấy họ, lập tức bung ô chạy ra đón vào.
Ta mang nước nóng đến, Lưu Nhuệ Nhi vội vàng đón lấy, cảm ơn rối rít.
Cô nhỏ hơn ta hai tuổi, quê ở Đạm Châu, sau trận lụt, cô bị thất lạc gia đình và dẫn theo muội muội lang thang ăn xin đến Yến Kinh để nương nhờ người thân.
"Nhưng người thân đó cũng nghèo rớt mùng tơi, không thể chứa chấp chúng tôi.
Dì Phùng ơi, con giỏi thêu thùa may vá, có thể làm quần áo nữa.
Dì thu nhận con làm việc trong tiệm được không? Con không cần lương, chỉ cần ăn ở thôi!"
Ta cứ nghĩ Phùng Chiếu Thu sẽ từ chối, không ngờ bà lại đồng ý ngay.
"Ta cũng không giấu cô, cửa hàng này buôn bán ế ẩm, đang lỗ vốn, nên ta không định thuê người.
Hôm nay gặp cô xem như có duyên, cô cứ ở lại làm việc, còn về lương thì ta không trả riêng, chỉ trích phần trăm từ số vải bán được, vậy được không?"
Tất nhiên là không còn gì tốt hơn.
Trên đường về nhà, ta không nhịn được mà hỏi: "Mẹ nhận họ vì thấy họ đáng thương sao?"
"Một nửa đúng.
"Nếu tay nghề của Nhuệ Nhi không tốt, dù mẹ có thương họ thế nào, cùng lắm chỉ cho họ ít bạc để họ vượt qua khó khăn, chứ không giữ lại làm việc.
"Con biết không, người ta không thể chỉ đáng thương mãi.
Ở cạnh sự 'đáng thương' là sự 'dễ bị bắt nạt'."
14
Lập đông, tuyết rơi liên tục suốt hơn một tháng.
Vào ngày Đông chí, sau khi tính toán xong, Phùng Chiếu Thu đưa bao lì xì cho hai tỷ muội Lưu Nhuệ Nhi.
Lưu Nhuệ Nhi vui vẻ nói muốn đi mua thịt dê hầm xương.
Ta đang trêu chọc cô ấy phung phí thì cửa tiệm đột nhiên có một đám đông tụ tập, chỉ trỏ.
Hóa ra Nghiêm phu nhân lại đến, nhưng lần này, bà không còn cao cao tại thượng nữa.
Bà quỳ trước cửa tiệm, tuyết tan dưới gối rồi đóng băng lại.
"Niệm Chi, ta cầu xin con, về nhà gặp muội muội con đi!"
Bà nói bệnh tình của Lạc Nhu không hề thuyên giảm, gần đây còn ho ra máu.
Nghiêm phu nhân chỉ có một đứa con, nếu không phải vì tuyệt vọng, bà sẽ không bỏ qua thể diện mà quỳ xin ta giữa phố đông người như vậy.
Phùng Chiếu Thu định ra đuổi bà đi, nhưng ta kéo tay áo bà, nói: "Mẹ, để con đi."
Thấy ta bước ra, mắt Nghiêm phu nhân sáng lên: "Niệm Chi, con đồng ý cứu muội muội rồi sao?"
Ta lắc đầu: "Tôi không phải thuốc, tôi không cứu được cô ấy."
Bà thất thần: "Sao có thể như vậy? Chỉ có con mới cứu được con bé! Chẳng lẽ con không muốn cứu nó? Đồ vong ân bội nghĩa!"
Chửi xong, bà lại níu lấy áo choàng của ta, van nài: "Cứu nó đi, nó mới mười sáu tuổi, còn trẻ lắm..."
Ta không rút lại áo choàng, cũng không cúi người đỡ bà dậy.
Khi bà làm mẹ của Lạc Nhu, bà là người mẹ tốt nhất trên đời, nhưng đối với ta thì không.
"Nghiêm phu nhân..."
Bà sững lại: "Con gọi ta là gì?"
"Nghiêm phu nhân, bà có từng nghĩ rằng, cái c.h.ế.t của đứa con đầu lòng và căn bệnh của Lạc Nhu không phải do trời phạt mà là do con người không?"
"Bà...!có ý gì?"
"Ngừng cho Lạc Nhu uống nước bùa, có lẽ cô ấy sẽ khỏi bệnh."
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook