Có Anh Đây Rồi!
48: Khoảng Lặng


“Ba ơi, ba biết tin gì chưa? Tuệ Lâm đã về, con mừng lắm, sau một thời gian dài không gặp, cô ấy giờ đây đã trở thành một cô gái xinh đẹp, nhưng tính cách vẫn không hề thay đổi, vẫn là Tuệ Lâm của chúng ta ngày nào.
Không phải trước đây ba luôn mong con sẽ có một gia đình nhỏ ấm cúng sao? Ba phải sớm tỉnh lại để còn bồng cháu, ba nhé!” Tôi ngồi bệt xuống sàn, kê đầu sát vào tai ba thì thầm.
Vậy là cũng đã gần 3 năm kể từ cái đêm định mệnh ấy, cái đêm tưởng chừng sẽ là đêm hạnh phúc nhất trong cuộc đời ba, khi đứa con trai ông ấy hết mực yêu thương có thể tự dùng chính đồng tiền do mình kiếm được để sơn sửa lại căn nhà mà bấy lâu nay vì cuộc sống mưu sinh, ông đành tạm gác lại biết bao nhiêu lần.
Ấy thế mà ông trời lại phụ lòng người, đến tận bây giờ ba vẫn chưa được ngắm nhìn nó lấy một lần.

Tôi đã tâm sự với ba rất nhiều lần về điều này, rằng ông ấy phải cố gắng tỉnh dậy thì tôi mới có thể tự hào mà khoe khoang với ông rằng tôi đã tân trang lại căn nhà của chúng ta như thế nào, bây giờ căn nhà ấy đã tiện nghi ra sao.
Nhưng kết quả thì sao chứ, ngày qua ngày ông ấy vẫn một mực từ chối tôi, vẫn ung dung mà nằm im bặt trên chiếu giường bệnh này.

Rốt cuộc, tôi phải làm sao ông ấy mới chịu nghe lời tôi đây, tôi bất lực thở dài, khoanh tay lên giường rồi kê đầu nằm cạnh ba.
“Ba…ba tỉnh rồi ạ, ba dậy từ bao giờ sao không đánh thức con dậy.

Ba..

ba đứng dậy được rồi sao.

Đây có phải là sự thật không, con đang mơ đúng không ạ”

Tôi đưa tay lên tính đánh vào má, xem rốt cuộc mình có phải đang mơ hay không.

Ba vội ngăn tôi lại, ôm lấy tôi vào lòng: “Ba tự hào về con, con là một đứa con hiếu thảo, cả đời ba chỉ cần như thế là đủ rồi, là đủ rồi”
Tôi có thể cảm giác được ông ấy đang xoa đầu tôi, từ từ rê bàn tay xuống bả vai tôi, rồi nhẹ nhàng vỗ về tôi.

Đã lâu rồi tôi không được ông ấy xoa đầu, vỗ vai như thế, cảm giác thật tuyệt vời, tôi vui mừng như một đứa trẻ vừa được phát kẹo, vả lại còn là một túi kẹo to, cảm thấy sung sướng đến mức như có thể với tay chạm được đến các vì sao giữa ngân hà bao la rộng lớn kia.
Nhưng chưa tận hưởng được bao lâu, túi kẹo ấy lại đột nhiên biến mất, khiến thực tại trở nên phũ phàng hơn bao giờ hết: “Ba… Ba đâu rồi.

B…a”; Tôi la hét trong sự tuyệt vọng rồi giật mình tỉnh giấc.
“Tuệ Lâm, đến từ bao giờ thế” Tôi vội quay người ra sau, khẽ gạt đi hai hàng nước mắt đang chuẩn bị rơi xuống;
“ À, tui vừa mới đến thôi, thấy ông đang ngủ nên không tiện đánh thức.

Ba tui có nhờ gửi chút hoa quả, tui để trên bàn nhé”; Tuệ Lâm nhẹ nhàng đặt giỏ trái cây lên bàn, rồi kéo ghế lại ra hiệu cho tôi ngồi vào.
“ Tuệ Lâm cứ ngồi đi, tui ngồi cạnh ba được rồi” Tôi đứng dậy ngồi lên giường, kế bên cạnh ba.
Tuệ Lâm dường như cũng không biết phải mở lời ra sao, chỉ thấy cô ấy lặng người, ánh mắt ngưng đọng, gương mặt thoáng chốc hiện lên một nỗi buồn man mác khó tả.

Chúng tôi cũng không biết nói gì với nhau lúc này, chỉ biết tập trung nhìn ba tôi.

“Bác Trương, con xin lỗi! Bác bị như vậy mà đến tận hôm nay con mới có thể đến thăm bác, con thật sự có lỗi với bác, mong bác hãy tha thứ cho con”
Tuệ Lâm vừa nói vừa cầm lấy tay ba tôi, đôi mắt cũng dần trở nên long lanh, những giọt lệ thi nhau rớt xuống lăn dài trên má, rớt xuống tay ba tôi.

Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi thấy cô ấy khóc nhiều đến như thế, bất giác tôi cũng không kiềm được mà nước mắt lại tuôn ra.

Tuệ Lâm tuy nhìn bề ngoài rất mạnh mẽ, đôi khi nói chuyện hơi khó nghe nhưng lại sống rất tình cảm, chỉ là cô ấy không biết cách thể hiện ra bên ngoài, chỉ có thể tự mình cảm nhận rồi tự mình oán than.

Đó cũng là lý do khiến cô ấy và gia đình luôn có một khoảng cách vô hình nào đó không thể nói ra được.
Tôi nghĩ hai bác cũng có nỗi khổ của riêng mình, Tuệ Lâm cũng vậy, nhưng cả hai bên đều tự nguyện giữ kín trong lòng.

Lâu dần khoảng cách đó biến thành bức tường vô hình, ngăn cách hai phía, khiến cho cả hai bên có muốn cũng không thể bước vào.
"Xin lỗi ông, vì bây giờ mới chịu tới hỏi thăm bác.

Trước đây tui có nghe ba nói bác bị tai biến nhưng không ngờ bác lại bị nặng như vậy.

Ông cũng biết thời gian qua mối quan hệ giữa tôi và gia đình cũng không mấy tốt đẹp, tôi thật sự không cố ý..." Chúng tôi ghé qua một quán trà sữa gần bệnh viện để tiện nói chuyện.

Tuệ Lâm kể tôi nghe về cuộc sống của cô ấy sau khi rời khỏi khu chung cư này.

Ban đầu cô ấy sống trong gia đình của một người họ hàng xa, nhưng nghe bảo không hợp tính do văn hóa hai vùng miền vốn dĩ đã khác nhau, lại thêm tính tình tự do thoải mái của Tuệ Lâm khiến cô ấy cảm thấy ngột ngạt trong quá trình chung sống.
Sau một năm chung sống cùng nhau, Tuệ Lâm nảy ra ý định chuyển ra ở riêng.

Ba mẹ Tuệ Lâm nhất quyết không cho cô ấy ở riêng vì lo lắng, còn dọa nếu ở riêng thì ba mẹ sẽ ra ngoài đó lôi về lại trong đây.
Tuệ Lâm vốn là người trước giờ sống phụ thuộc vào gia đình không phải lo cảnh cơm áo gạo tiền, cô ấy không thể ra ngoài mà không có tiền, lại càng không biết mình có thể làm gì để kiếm ra tiền, nên đành ngậm ngùi nghe theo sự sắp xếp của ba mẹ.
Những tưởng cuộc sống xa nhà có thể khiến Tuệ Lâm được tự do thoải mái, không ngờ cô ấy còn bị quản thúc hơn cả lúc ở nhà.

Nói gì thì nói, ở nhà tuy Tuệ Lâm bị ba mẹ quản lý, nhưng họ đi làm từ sáng đến tối lại ít khi ở nhà, đúng là có hơi buồn thật nhưng cô thích làm gì thì làm, đi đâu thì đi.

Ở cùng gia đình người thân vốn đã nề nếp lại được ba mẹ Tuệ Lâm nhờ cậy trông coi nên suốt ngày cô ấy chỉ biết ru rú trong nhà.
Sau hai năm học, Tuệ lâm cảm thấy đã dần quen với môi trường ngoài đó, cô ấy quyết định sẽ đi kiếm việc làm thêm.

Ban đầu Tuệ Lâm xin làm phục vụ cho một quán trà sữa nơi cô ấy hay uống, nhưng do số ly cô ấy làm bể còn nhiều hơn tiền lương được trả nên cô ấy sớm đã từ bỏ.

Ba mẹ Tuệ Lâm cũng thừa biết cô ấy trước giờ tay chân vụng về sẽ sớm từ bỏ nên cũng không cấm cản.
Nhưng Tuệ Lâm đâu phải là một cô gái dễ dàng bỏ cuộc như vậy, nếu công việc bưng bê không phù hợp cô ấy sẽ tìm một công việc khác phù hợp hơn.


Lần này Tuệ Lâm chọn làm gia sư, cô ấy tự tin sẽ dạy dỗ tốt cho tụi nhỏ.

Sau khi đăng ký nguyện vọng làm gia sư vào tất cả các trung tâm gia sư của thành phố, cô ấy may mắn được một gia đình chịu nhận vào dạy kèm cho đứa con trai của họ.
Không hiểu sao tôi lại thấy tội cho cậu bé đó, với tính khí của Tuệ Lâm tôi nghĩ chắc nó cũng phải chịu nhiều thiệt thòi.

Quả thật không ngoài dự đoán của tôi, thằng bé học được một học kỳ thì liền báo với mẹ nó không muốn học cùng cô Tuệ Lâm nữa.

Mặc dù kết quả học tập của thằng bé có tiến triển, nhưng vì thương con nên mẹ nó cũng đành phải chiều theo ý nó, mà cho Tuệ Lâm nghỉ việc.
Lúc kể đến khúc này Tuệ Lâm còn không quên cảm thán: “Khỉ thật, hai mẹ con nhà đó đúng là không có mắt nhìn người mà, đã bỏ lỡ một nhân tài như tui, xem như bọn họ không có phúc phần này”.

Câu nói này của Tuệ Lâm khiến tôi cũng phải bật cười.
Sau hai lần thất bại, Tuệ Lâm quyết tâm phải tìm được một công việc lâu dài, lần này nhất định cô ấy phải để dành thật nhiều tiền thì sau này mới có thể ra ở riêng được.

Nghĩ là làm Tuệ Lâm nghiên cứu tất cả các công việc mà mình có thể làm và rồi cuối cùng cô ấy cũng đã tìm được một công việc phù hợp đó là trợ giảng cho một trung tâm chuyên về dạy vẽ tranh.

Vẽ tranh là một trong những sở thích của Tuệ Lâm nên cô ấy cảm thấy rất vui vẻ khi làm công việc này.

Đây cũng là nơi Tuệ Lâm gắn bó cho đến khi ra trường.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương