Mừng Giáng Sinh, Tặng Ngay 15% Giá Trị Nạp. Chương Trình Khuyến Mãi Kéo Dài Từ 24/12 Đến Hết 27/12, Nhanh Tay Lên Các Bạn Ơi!!

Nhiều năm trôi đi. Bốn mùa theo nhau qua, kiếp súc vật ngắn ngủi theo nhau qua. Đến một lúc không còn ai nhớ những ngày xưa trước Khởi nghĩa nữa, trừ Cỏ Ba Lá, Benjamin, quạ Tiên Tri cùng vài con trong số lợn.

Muriel đã chết, Hoa Chuông, Jessie và Hàm Nghiến cũng chết rồi. Cả Jones cũng vậy – ông ta chết trong nhà tế bần cai rượu ở một miền khác nước Anh. Tuyết Cầu không ai còn nhớ. Đấu Sĩ cũng không ai nhớ, trừ dăm ba kẻ từng quen biế nó. Cỏ Ba Lá giờ là một ngựa già phục phịch, xương khớp nhức mỏi, mắt toét nhèm dử. Nó đã quá tuổi nghỉ hưu hai năm, nhưng thực tế chưa từng có con vật nào nghỉ hưu. Ý định cắt một góc bãi chăn cho súc vật già cả đã bỏ bẵng lâu rồi. Nã Phá Luân giờ là một lợn nọc trưởng thành nặng tạ rưỡi. Mồm Loa béo híp mắt sắp không nhìn nổi. Chỉ có Benjamin là vẫn gần như xưa, trừ mõm có bạc đi đôi chút, và sau khi Đấu Sĩ qua đời, càng ủ ê và kiệm lời hơn.

Bây giờ dân số trại đã đông lên, mặc dù lượng tăng không nhiều như dự đoán mấy năm trước. Với nhiều con vật mới sinh, Khởi nghĩa chỉ là một tích xưa mờ nhạt được truyền khẩu lại; còn những con khác được mua về thì chẳng bao giờ nghe tới chuyện đó trước khi đến trại. Bây giờ ngoài Cỏ Ba Lá, trại còn có ba con ngựa nữa. Đấy là những con vật đẹp đẽ khỏe mạnh. Không con nào học chữ được quá vần B. Chúng chấp nhận mọi thứ được nghe về Khởi nghĩa, cùng các nguyên lý của Súc vật Chủ nghĩa, nhât là khi được Có Ba Lá kể, vì chúng yêu kính nó gần như mẹ; tuy nhiên khó mà nói được chúng có hiểu tí gì không.

Bây giờ trại đã khá trù phú, tổ chức cũng tốt hơn, còn mở rộng thêm hai mảnh ruộng mua của chủ trại Pilkington. Kế hoạch cối xay gió rốt cuộc cũng thành công và trại đã có máy đập lúa, máy bốc cỏ, dựng thêm nhiều nhà chuồng mới. Whymper đã mua cho mình một cỗ xe độc mã. Nhưng cối xay gió cuối cùng lại không dùng để phát điện. Nó dùng để xay lúa mì, mang lại khoản tiền lãi đáng kể. Lũ súc vật còng lưng làm lụng xây thêm cối xay thứ hai: xây xong cái này sẽ lắp máy phát, nghe nói vậy. Nhưng cảnh tiện nghi Tuyết Cầu dạy cho lũ súc vật cùng mơ ước ngày xưa, những chuồng trại lắp bóng điện và nước nogns lanh, tuần làm viẹc ba ngày, thì không ai nhắc nữa. Nã Phá Luân đã phủ quyết hết những ý tưởng loại đó, coi là trái tinh thần Súc vật Chủ nghĩa. Hạnh phúc đích thực, nó nói, là ở lao động cần mẫn và sống tằn tiện.

Không hiểu sao trang trại dường như đã giàu lên mà không làm súc vật trong trại giàu thêm – tất nhiên trừ lợn và chó. Có thể phần nào là vì lợn quá đông, chó cũng quá đông. Không phải những loài này không làm việc, theo kiểu của chúng. Như Mồm Loa không quản công giải thích, giám sát và điều hành trại là công việc không có ngày nghỉ. Chủ yếu là loại công việc các con vật khác dốt quá không hiểu được. Ví dụ Mồm Loa cho biết, đàn lợn ngày nào cũng phải xoay trần đánh vật với đủ thứ bí ẩn gọi là “hồ sơ”, “báo cáo”, “biên bản”, “bị vong lục”. Đấy là hàng xấp giấy khổ lớn phải viết chữ cho kín đặc, còn khi viết kín cả rồi thì phải đốt ngay trong lò. Việc ấy là quan trọng số một cho an ninh của trại, Mồm Loa bảo. Nhưng dù sao, cả lợn lẫn chó đều chẳng trực tiếp làm ra tí thức ăn nào, mà chúng thì rất đông, ăn uống lại rất ngon miệng.

Còn với số còn lại, cuộc đời này, như chúng hiểu, vẫn nguyên một lối từ trước đến nay. Chúng đói bụng triền miên, chúng ngủ trên nền rơm, chúng uống nước trong hồ, chúng làm việc trên đồng; mùa đông thì chúng khổ sở vì rét mướt, còn mùa hè thì vì ruồi nhặng. Đôi khi, những con già nhất bới lại trí nhớ mịt mùng, cố nghĩ xem những ngày đầu sau Khởi nghĩa, khi Jones mới bị đuổi đi, tình hình tốt hơn hay tồi tệ hơn bây giờ. Chúng không thể nhớ nổi. Chẳng có gì để so với trước mắt: chúng chẳng có gì làm bằng, trừ những bảng số liệu Mồm Loa lúc nào cũng chứng tỏ mọi thứ ngày một tốt hơn, tốt lên mãi. Lũ súc vật coi đây là chuyện vô phương giải đáp, mà đằng nào giờ chúng cũng chẳng lấy đâu ra thời gian suy đoán mấy chuyện đó. Chỉ có Benjamin già là quả quyết rằng vẫn nhớ kỹ từng chi tiết trong cuộc đời dài đằng đẳng của mình, cũng như biết rằng mọi thứ chưa bao giờ - mà cũng chẳng bao giờ - có thể tốt hẳn lên hay xấu hẳn đi; đói kém, cực nhọc, that vọng, nó nói thế, là quy luật của muôn đời.

Nhưng lũ súc vật vẫn chưa bao giờ từ bỏ hy vọng. Chúng cũng chẳng bao giờ bỏ mất, dù trong giây lát, niềm tự hào hãnh diện đọc là cư dân Trại Súc Vật. Đây vẫn là nơi duy nhất trong toàn hạt – kể cả toàn nước Anh! – do súc vật sở hữu và quản lý. Con nào cũng như con nào, ngay những con nhỏ nhất, ngay những con mới đến, mua từ các trại cách mười hai dặm, đều không hết ngỡ ngàng vì chuyện đó. Và mỗi lần nghe tiếng súng nổ, nhìn lá cờ xanh phấp phới đỉnh cột, tim chúng lại rộn rang nhịp đập kiêu hãnh không gì dập tắt, tâm tưởn chúng lại quay về thời đại anh hùng xưa cũ, buổi trục xuất Jones, Bảy Điều Răn ghi lên vách, những trận đánh oai hùng đè bẹp quân loài người xâm lược. Những giấc mơ xưa vẫn chưa bỏ mất. Nước Cộng hòa Súc vật mà Ông Cả từng tiên đoán, những đồng cỏ nước Anh không bén dấu chân người, chúng vẫn còn tin. Rồi sẽ có lúc ngày ấy đến: có thể không đến ngay, có thể những con vật hiện nay sẽ không con nào còn sống mà chứng kiến, nhưng ngày ấy vẫn sẽ đến. Thậm chí giai điệu bài Súc vật Anh quốc có lẽ vẫn thầm ngân nga đâu đó: dù sao thì thực tế vẫn là mọi con vật trong trại đều biết bài ấy, dù không ai dám hát ra lời. Có thể đúng là cuộc đời chúng cực nhọc, đúng là không phải hy vọng nào cũng được mãn nguyện, nhưng chúng ý thức rõ mình không giống những con vật khác. Nếu chúng chịu đói, cũng không phải vì nuôi béo con người bạo ngược; nếu chúng làm việc vất vả, ít nhất chúng cũng làm cho chính mình. Không sinh vật nào trong số chúng đi hai chân. Không sinh vật nào gọi con khác là “Ông Chủ”. Mọi con vật đều bình đẳng.

Một ngày đầu hè, Mồm Loa ra lệnh cho lũ cừu đi theo mình, dẫn chúng ra mảnh đất bỏ hoang đầu kia trại vốn bị bạch dương non mọc hoang khắp cả. Suốt ngày hôm ấy lũ cừu ở đó gặm lá trong sự giám sát của Mồm Loa. Tối đến nó quay về nhà chủ một mình, nhưng vì trời ấm, nó sai lũ cừu ở lại. Rốt cuộc đám cừu ở lại đó hết một tuần, trong tuần ấy các con vật khác chẳng hề thấy bóng dáng chúng. Mồm Loa ngày nào cũng đến đó gần hết ngày. Nó bảo đang dạy cừu một bài hát mới, nên cần phải được riêng tư yên tĩnh.

Đúng ngay sau khi đàn cừu mới về trại, một chiều yên ả khi các con vật kết thúc ngày làm việc đang trên đường quay về khu chuồng, phía sân trại bỗng có tiếng ngựa ní lên kinh hoảng. Các con vật khác giật mình khựng lại. Đấy là tiếng Cỏ Ba Lá. Nó lại cất tiếng hí, đám thú kia liền chạy ào lên phi vào sân trại. Và chúng thấy điều Cỏ Ba Lá vừa nhìn thấy.

Một con lợn đi bằng hai chân sau.

Phải, đấy chính là Mồm Loa. Có phần vụng về, như chưa thật quen đỡ tấm thân bồ tượng trên tư thế mới, nhưng giữ thăng bằng rất giỏi, nó đang đi ngang qua sân. Một lát sau từ cửa nhà chủ đổ ra một hàng dài toàn lợn, tất cả đề đi bằng hai chân. Có con đi giỏi hơn con khác, một hai con tuy còn lảo đảo trong như cần có gậy chống đến nơi, nhưng rồi con nào con nấy đều đi qua sân trót lọt. Cuối cùng sau tiếng chó tru rợn người và tiếng con gà trống đen gáy chói lói, xuất hiện chính Nã Phá Luân, đứng thẳng oai vệ, ánh mắt ngạo nghễ đánh sang hai bên, lũ chó nhảy cỡn xung quanh.

Nó cầm roi da trong móng trước.

Im lặng tê tái. Sửng sốt, kinh hãi, co rúm vào nhau, lũ súc vật nhìn hàng dài lợn chậm rãi tiến vòng quanh sân. Cứ như thể thế giới quanh chúng đã đảo lộn. Đến một lúc khi cú sốc ban đầu vợi bớt, khi có lẽ bất chấp mọi thứ - bất chấp nỗi khiếp sợ đàn chó, bất chấp thói quen định hình qua nhiều năm không bao giờ phàn nàn, không bao giờ chỉ trích, bất kể xảy ra chuyện gì – có lẽ chúng đã sắp thốt ra vài lời phản đối. Nhưng chính lúc ấy, như có hiệu lệnh, toàn thể lũ cừu be be rống ầm ĩ:

“Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn! Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn! Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn!”

Chúng gào liền năm phút không nghỉ. Đến khi lũ cừu im miệng thì chẳng còn thời cơ phản đối nữa, vì đàn lợn đã diễu vào hết trong nhà.

Benjamin cảm thấy mõm ai dụi vào vai mình. Nó nhìn sang. Đấy là Cỏ Ba Lá. Đôi mắt già nua của ngựa còn đục hơn mọi khi. Không nói câu nào, Cỏ Ba Lá khẽ giật bờm lừa rồi dẫn đường vòng xuống cuối nhà kho lớn, tới bên bức tường viết Bảy Điều Răn. Chừng một hai phút, chúng chỉ đứng nhìn bức tường chốc lở có những chữ trắng.

“Mắt tôi kém lắm rồi,” cuối cùng ngựa nói. “Từ hồi trẻ tôi cũng đã không đọc được trên đó viết gì. Nhưng tôi thấy hình như bức tường trông khác. Bảy Điều Răn có còn như cũ không, Benjamin?”

Lần duy nhất Benjamin chịu phá vỡ nguyên tắc của mình, nó đọc cho Cỏ Ba Lá nghe trên tường viết gì. Trên đó nay không còn gì hết ngoài một Điều Răn duy nhất. Là thế này:

MỌI CON VẬT ĐỀU BÌNH ĐẲNG

NHƯNG MỘT SỐ CON VẬT BÌNH ĐẲNG HƠN NHỮNG CON KHÁC

Sau bữa đó, không ai thấy lạ nữa khi hôm sau, lũ lợn giám sát việc trang trại đều kẹp roi trong móng. Không ai thấy lạ nữa khi biết đàn lợn đã mua cho mình một chiếc máy thu thanh, đang chuẩn bị lắp điện thoại, và đã đặt mua các tờ John Bull, Tit-Bits, và Daily Mirror. Không ai thấy lạ nữa khi nhìn Nã Phá Luân dạo bước trong vườn nhà chủ, miệng bập tẩu thuốc – kể cả khi đàn lợn lấy áo quần của ông Jones trong tủ để mặc vào người, còn Nã Phá Luân thì mặc áo khoác đen, quần chẽn săn cáo, đi ghệt da, trong khi con lợn nái được nó sủng ái thì khoác đầm lụa sóng bà Jones vẫn mặc vào Chủ nhật.

Một tuần sau, buổi chiều, có mấy cỗ xe độc mã lăn bánh vào trại. Một phái đoàn chủ trại trong vùng được mời đến tham quan khảo sát. Họ được dẫn đi thăm khắp trại, nhìn thấy thứ gì trầm trồ khen ngợi thứ đó, nhất là cối xay gió. Lũ súc vật đang làm cỏ trong ruộng củ cải. Chúng cắm cúi làm việc, không dám ngẩng mặt khỏi đất, bụng không hiểu nên khiếp hãi đàn lợn hơn hay đám khách người hơn.

Tối hôm ấy, tiếng cười hô hố và từng tràng hát hỏng vọng ra từ nhà chủ. Rồi bỗng nhiên, trước tiếng cười tiếng nói quên nhau, lũ súc vật nổi tính tò mò. Chẳng biết điều gì đang diễn ra trong ấy, khi lần đầu tiên loài người với loài vật gặp nhau bình đẳng? Nhất tề như một chúng lẻn đến, cố giữ im lặng hết sức chui vào trong vườn.

Đến cổng, chúng dừng lại, sợ sệt không dám đi tiếp, nhưng Cỏ Ba Lá đã lên dẫn đầu. Chúng rón rén lại gần nhà, con nào đủ cao thì ngó vào cửa sổ phòng ăn. Trong đó, quanh cái bàn dài là nửa tá chủ trại và nửa tá những con lợn có vai vế, bản thân Nã Phá Luân ngồi vị trí danh dự đầu bàn. Đám lợn gồi trên ghế trông đều thoải mái hết sức. Quanh bàn đang dở cuộc bài nhưng vừa ngừng chơi, rõ ràng là để chuẩn bị chúc tụng. Một cái bình lớn đang chuyền quanh, các cốc đang rót thêm đầy bia. Chẳng ai để ý những khuôn mặt thú băn khoăn ngoài cửa sổ nhòm vào.

Chủ trại Pilkington ở Rừng Cáo đang đứng, cốc giơ lên trong tay. Một lát nữa thôi, ông ta nói, ông ta sẽ mời cả bàn nâng cốc chúc tụng. Nhưng trước hết có vài lời ông ta thấy mình có nghĩa vụ cần nói.

Quả là một chuyện rất đáng mừng, ông ta nói – và ông ta tin chắc tất cả ở đây cũng cùng chung suy nghĩ – khi chứng kiến một giai đoạn dài những hiểu lầm cùng thiếu tin tưởng nay đã chấm dứt. Có một thời gian – tuy đừng cho là ông ta, hay bất kỳ ai ở đây, đã từng hùa theo ý nghĩ loại ấy – nhưng có một thời gian các chủ nhân đáng kính của Trại Súc Vật đã bị các láng giềng người nhìn nhận bằng thái độ, ông ta chẳng nói là thù địch đâu, nhưng hẳn cũng có phần nghi kỵ. Có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, nhiều phán đoán lầm lẫn lan truyền. Người ta đã tưởng để tồn tại một nông trại do lợn làm chủ và quảnlys là chuyện trái khoáy, chắc hẳn sẽ gây bất ổn trong vùng. Quá nhiều chủ trại đã sớm phỏng đoán, dù chưa tìm hiểu cặn kẽ, rằng nông trại loại ấy sẽ lao đao vì cảnh bừa bãi vô kỹ luật. Họ đã cực kỳ lo ngại sẽ có tác động xấu lên gia súc trại mình. Nhưng những ngờ vực loại đó giờ đã tiêu tan cả. Hôm nay ông ta cùng bạn bè đã đến thăm Trại Súc Vật, đã khảo sát tận mắt không sót một tấc, và họ đã thấy gì? Không chỉ thấy những phương pháp tối tân, mà còn thấy cả tinh thần kỷ luật trật tự đáng làm mẫu cho nhà nông khắp mọi nơi. Ông ta tin chắc nói thế này không sai, rằng những súc vật hạng dưới ở Trại Súc Vật còn làm nhiều hơn, ăn ít hơn bất kỳ trại nào trong toàn hạt. Thực tế là, ông ta cùng mọi khách tham quan hôm nay đã chứng kiến nhiều biện pháp và muốn mang về áp dụng ở trại mình ngay lập tức.

Để kết thúc bài phát biểu, ông ta nói, ông ta muốn nhấn mạnh lần nữa những tình cảm hữu nghị đang khăng khít, đáng phải khăng khít, giữa Trại Súc Vật và các trại láng giềng. Giữa lợn và người không có và không cần phải có bất kỳ xung đột quyền lợi nào hết. Nỗ lực và trở ngại của hai bên là một. Chẳng phải vấn đề lao động ở khắp mọi nơi đều giống nhau ư? Đến đâycó thể thấy rõ là Pilkington sắp bật mí một câu dí dỏm chuẩn bị sẵn cho cả bàn cùng nghe, nhưng mất một lúc ông ta khoái chí quá không thốt lên nổi. Tắc nghẹn hồi lâu khiến mấy cái cằm tím cả lại, rồi ông ta cũng bật ra: “Nếu các vị phải đối phó với súc vật hạng dưới,” ông ta tuyên bố, “thì chúng tôi phải đối phó với giai cấp hạng dưới!” Câu nói chữ khiến cả bàn cười ồ lên; ông Pilkington lần nữa lại chúc mừng đàn lợn đã duy trì được khẩu phần ít, ngày công dài, loại bỏ được tình trạng o bế nhân công, là những gì ông ta quan sát được trong Trại Súc Vật.

Còn bây giờ, ông ta nói, đề nghị toàn bàn đứng lên và nhớ rót cho đầy cốc: “Các quý ông,” ông Pilkington kết luận, “các quý ông tôi xin mời các vị nâng cốc. Chúc cho Trại Súc Vật luôn thịnh vượng!”

Tiếng hoan hô om sòm, tiếng chân giậm bình bịch. Nã Phá Luân vui lòng quá đỗi, rời khỏi chỗ đi vòng quanh bàn tới chạm cốc với ông Pilkington rồi uống cạn. Khi xung quanh đã lặng, Nã Phá Luân vẫn đứng nguyên, tiết lộ rằng nó cũng có vài lời muốn nói.

Như thường lệ, Nã Phá Luân phát biểu ngắn gọn đi vào vấn đề. Bản thân nó, cũng rất mừng vì thời kỳ hiểu lầm nhau đã qua. Đã tồn tại quá lâu rồi những lời đồn – qua nhiều dấu hiệu nó tin chắc đấy là do ác tâm tuyên truyền của kẻ thù nào đó – rằng tư tưởng của nó và đồng sự có tính lật đổ, thậm chí còn có tính cách mạng. Trại đã bị vu cho tội xúi giục gia súc trong vùng dấy loạn. Bịa đặt đến thế là cùng! Nguyện vọng duy nhất của trại, cả bây giờ cũng như trước kia, chỉ là sống bình yên và quan hệ làm ăn phải phép với các trại bên. Nông trại mà nó có vinh dự được điều hành này là một hợp tác xã, nó nói thêm. Văn tự trại hiện nó đang nắm giữ, nhưng trên thực tế thuộc đồng sở hữu của tất cả lợn.

Nó không tin, nó nói, rằng những ngờ vực cũ ấy còn trụ lại được đến giờ, nhưng gần đây trại đã có thêm nhiều chấn chỉnh nên hẳn sẽ cũng cố thêm nữa lòng tin cậy của xung quanh. Cho đến nay lũ súc vật trong trại vẫn có thói quen khá ngu ngốc gọi nhau là “Đồng chí”. Cái này sẽ phải trấn áp. Lại còn một thói quen lạ lùng nữa, chẳng biết ra đời từ đầu, là mỗi sáng Chủ nhật lại xếp hàng đi qua cái hộp sọ lợn đóng cọc trong vườn. Cả cái này cũng sẽ phải trấn áp, cái hộp sọ thì đã chôn rồi. Các vị khách chắc cũng đã để ý lá cờ xanh trên đỉnh cột. Nếu vậy chắc họ còn để ý cái sừng và móng trắng vẽ trên đó ngày xưa đã bị xóa. Từ rày về sau đấy chỉ còn là một lá cờ xanh trơn.

Nó chỉ có thể bác bỏ một điều, nó bảo, trong bài nói rất xuất sắc và rất mực thân tình của Pilkington. Ông Pilkington từ đầu đến cuối vẫn dùng tên “Trại Súc Vật”. Tất nhiên ông khách không thể biết – vì chính nó, Nã Phá Luân, bây giờ mới tuyên bố lần đầu tiên – rằng cái tên “Trại Súc Vật đã bị phế bỏ. Từ nay về sau trại sẽ được gọi là “Trại Nông Trang” – và nó tin đấy là mới cái tên gốc, chuẩn xác của trại.

“Thưa các quý vị,” Nã Phá Luân nói lời kết, “tôi cũng đề nghị quý vị uống mừng như lúc nãy, nhưng lời chúc thì thay đổi. Mỗi vị hãy rót cho cốc đầy tận miệng. Thưa quý vị, tôi xin mời quý vị nâng cốc. Chúc cho Trại Nông Trang luôn thịnh vượng!”

Lại rền vang tiếng hoan hô như lúc trước, mỗi cốc bia dốc tận đáy. Nhưng trước mắt lũ súc vật ngoài cửa đang nhìn cảnh đó, dường như có chuyện lạ lùng đang xảy ra. Có cái gì kia đang biến đổi trên mặt đám lợn đang ngồi? Đôi mắt mờ đục của Cỏ Ba Lá lướt từ mặt này sang mặt khác. Mặt thì mọc năm cái càm, mặt thì bốn, mặt thì ba. Nhưng sao có gì kia dường như đang tan chảy, đang thay đổi? Rồi tiếng vỗ tay cũng dịu lại, đám khách quanh bàn cầm bải lên và tiếp tục ván chơi đang dở, còn lũ súc vật lặng lẽ lẻn đi.

Nhưng chưa đi được hai chục thước, chúng đã khựng lại. Nghe từ phía nhà chủ có tiếng om sòm hỗn loạn ầm lên. Chúng chạy ùa tới, lại nhòm qua cửa số. Đúng là đang cảnh cãi cọ tưng bừng. Kẻ thét, kẻ đập bàn, kẻ quắc mắt nghi hoặc, kẻ ra sức chối đây đẩy. Nguyên nhân cãi cọ hình như là Nã Phá Luân với ông Pilkington đã cùng một lúc đánh ra hai con át bích.

Mười hai giọng nói quát tháo nhau giận dữ, cả mười hai giống nhau như hệt. Giờ thì không phải thắc mắc có chuyện gì xảy ra trên những khuôn mặt lợn nữa. Lũ súc vật ngoài cửa nhìn từ lợn sang người, từ người sang lợn, lại từ lợn sang người, nhưng đến lúc ấy đã không còn phân biệt được ai là ai.

Mừng Giáng Sinh, Tặng Ngay 15% Giá Trị Nạp. Chương Trình Khuyến Mãi Kéo Dài Từ 24/12 Đến Hết 27/12, Nhanh Tay Lên Các Bạn Ơi!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương