Chờ Em Đến San Francisco
Chương 12: Rồi anh sẽ đến sài gòn

Tôi trở lại Sài Gòn với công việc hối hả và hơn 200 e-mail trong hộp thư cần đọc. Lần nào cũng vậy, khi đi xa một chuyến trở về, tôi có cùng lúc hai cảm giác trái ngược nhau. Tôi vừa thấy mình tràn đầy năng lượng để tiếp tục làm việc hăng hái nhưng đồng thời cũng bối rối không biết nên bắt đầu lại từ đâu, thậm chí, tôi muốn trốn luôn không quay lại với nhịp sống bận rộn trước đó. Đồng nghiệp nữ đã lập gia đình thường cho tôi biết họ dễ quay ngược vào guồng mỗi khi đi công tác xa về. Những đứa con chạy ra mừng mẹ sau những ngày dài đi vắng, ông chồng thở phào giao lại trọng trách quán xuyến gia đình cho vợ. Những người phụ nữ bận bịu chồng con như thế dễ thích nghi với cuộc sống hơn. Và họ biết quý cuộc sống dưới nhiều lăng kính hơn phụ nữ còn độc thân. Rất nhiều lần họ cười với tôi "An sướng quá, chả phải bận tâm chồng con gì cả, cứ tha hồ mà tung tăng" nhưng tôi biết chính họ đang tự nhận mình sướng, vì sau khi đi xa trở về, họ có những mối bận tâm thật đáng giá. Những mối bận tâm đáng để họ từ bỏ những cuộc vui mà quay trở về.

Công ty tôi nằm trong một cao ốc văn phòng sang trọng giữa trung tâm Sài Gòn. Và tôi có một căn phòng nhỏ riêng tư mà những lúc làm việc căng thẳng, tôi hay quay sang khung cửa kính để nhìn xuống phố phường. Sài Gòn của tôi đang ở dưới kia, cùng với nhà thờ Đức Bà, bưu điện Trung Tâm, những tán cây xanh của công viên nhỏ chạy dọc theo một con đường dẫn đến Dinh Thống Nhất. Tôi rất thích ngắm Sài Gòn từ trên cao như thế này lúc hoàng hôn, nắng cuối ngày ửng lên, tỏa ánh cam ấm áp, hứa hẹn một buổi tối trong vắt đầy những ngôi sao lung linh. 

Nhiều lúc tôi tự hỏi Sài Gòn của ngày nay có gì khác với Sài Gòn của một thời đã qua. Thời những năm 1980 tôi cùng đi ăn với cô Út ly kem cuối cùng ở Hồ Con Rùa để rồi mãi mãi tôi chỉ còn có thể gặp lại cô trong những giấc mơ ray rứt. Thời đó Sài Gòn nghèo nàn và thiếu thốn biết bao, phố xá im lìm buồn, hàng quán thật thưa thớt, những đợt cúp điện làm thành phố chìm trong màn đêm bức bối, mọi người đều ngột ngạt. Rồi đến thời tôi lớn lên thành thiếu nữ với chiếc áo dài nữ sinh tha thướt trắng, thời chính sách "Đổi mới" đã thật sự làm bộ mặt Sài Gòn xinh đẹp hơn rất nhiều so với những năm đất nước mới thống nhất. Sài Gòn đã thay đổi biết bao trong gần 40 năm qua, và tôi vẫn không bao giờ có thể đi xa mãi mãi khỏi thành phố này dù những có hội để tôi định cư tại nước khác đến với tôi rất nhiều lần. 

Nhiều lúc nghe mọi người ca cẩm nạn kẹt xe ở Sài Gòn tôi rất muốn cho họ biết ở Paris, Luân Đôn hay Rome, tình hình kẹt xe còn thê thảm hơn. Và nếu phải sử dụng métro, cái cảnh bị chen lấn, xô đẩy, đến mức bị kẹp cứng ngắt dưới cánh tay tỏa mùi nồng nặc của những kẻ ít tắm quả là khổ sở. Hoặc nếu họ rên rỉ Sài Gòn ô nhiễm khói bụi, tôi càng muốn nhắc họ rằng Singapore nổi tiếng sạch đẹp nhất thế giới cũng có thời điểm phải hít khói bụi từ các ngọn núi lửa bên Indonesia thổi sang. Và nếu ai vừa bị giật túi xách ngoài phố đang phẫn nộ chửi rủa tình hình an ninh ở Sài Gòn thậm tệ, họ nên biết rằng ở những thành phố lớn khác của Mỹ như Chicago hay New York, họ thậm chí có thể bị chĩa súng vào đầu hoặc trúng đạn lạc giữa các băng nhóm xã hội đen. Tệ nhất, họ có thể là một trong những nạn nhân của khủng bố bằng bom hoặc xả súng càn tại những địa điểm có an ninh tưởng như hoàn hảo là Boston hay Washington DC. 

Tóm lại tôi yêu Sài Gòn, cái thành phố nhỏ bé tụt hậu của mình, cái thành phố còn quá nhiều hạn chế nhưng nhịp sống thì luôn hối hả. Và mỗi lần đi xa về, tôi lại càng muốn dành chút thời giờ ngắm lại nơi tôi đã được sinh ra, đã trưởng thành, đã cho tôi một công việc năng nổ và một sự nghiệp luôn phát triển. Tôi còn có thể hạnh phúc hơn ở thành phố nào khác ngoài Sài Gòn đây? 

Tôi hít một hơi thật sâu rồi lấy hết can đảm, bắt đầu rà đọc e-mail, trở về cuộc sống công sở tuy có nhàm chán nhưng luôn thử thách. Nhiều người nghĩ tôi leo lên vị trí này vì tham vọng, vì đam mê làm việc đến mức kiệt sức. Do phải "cày" nhiều, tôi không còn thời giờ và tâm trí để quan tâm đến chuyện hôn nhân và đã bỏ qua thời điểm vàng để tìm một tấm chồng. Họ không biết rằng đối với tôi làm việc cũng giống như giải trí, tuy có áp lực và cạnh tranh, nhưng nhờ có công việc, trí não tôi được kích thích, giống như một người thích chơi cờ, càng thử thách càng thấy thú vị. Và công việc của tôi không liên quan gì đến chuyện tôi muộn chồng, những đồng nghiệp trong công ty không bao giờ biết được tôi có rất nhiều bạn là nam giới và tôi hoàn toàn có thể chọn một trong những người đó làm chồng. Đơn giản là vì tôi chưa thấy chán cuộc sống độc thân. Giá mà ở Việt Nam người ta phóng khoáng trong quan niệm sống chung cho bớt cô đơn nhưng không phải ràng buộc nghĩa vụ gì cả giống bên Tây, tôi đã không cố công tìm người tri kỷ trăm năm làm gì. 

Tôi không hiểu làm sao người ta có thể chia sẻ cuộc đời mình với ai đó mãi đến trăm năm. Trong thực tế, dù yêu thích một công ty nào đó đến mấy, cứ trung bình ba đến năm năm là tôi phải nhảy việc rồi. Sự nhàm chán trong công việc còn làm tôi không chịu nổi, làm sao tôi có thể sống chung với ai đó đến suốt đời khi cả hai không còn quấn quýt với nhau nữa? 

Tôi từ từ "thanh toán" các e-mail cần đọc và dù không mong đợi tôi đã rơi vào e-mail của John. Tôi đã biết trước thế nào anh cũng sẽ viết cho tôi vì một người như John luôn yêu chuộng sự rõ ràng, cái kiểu hẹn mà cho anh leo cây của tôi và cách tôi tháo chạy khỏi Chicago trước khi anh đến tìm không phải là cách xử sự chuyên nghiệp. 

Thật ngạc nhiên, John không có ý trách móc. Dường như anh cảm nhận được lý do tôi không muốn gặp mặt anh, dù đã hẹn, không phải là hành động thiếu chuyên nghiệp như một doanh nhân thường hay quy kết. Dường như anh tự biết rằng đó là vì tôi bối rối, thẹn thùng, tôi không biết phải ăn nói làm sao, tôi không đủ tự tin và dĩ nhiên là tôi yếu đuối trước anh. John tế nhị chỉ viết rằng anh hơi buồn một chút khi không gặp được tôi và giờ anh đang sắp bước vào một cuộc họp quan trọng. Cách anh viết đủ khéo để tôi hiểu rằng cuộc sống bận rộn sẽ lấp đầy anh như vốn thế, sự xuất hiện đột ngột của tôi trong cuộc đời anh rốt cuộc cũng chỉ là chút kỷ niệm đẹp. Thế là xong, tôi nên vui vẻ, không ưu tư gì. 

Tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi đọc hết e-mail của John, thế rồi cái dòng tái bút ngắn ngủi lại làm tôi bứt rứt "Hẹn gặp lại em ở Sài Gòn trong một ngày không xa, anh chắc chắn sẽ còn trở lại thành phố này. Hãy giữ liên lạc nhé." 

"Hãy giữ liên lạc nhé." Trong cuộc đời giao hảo nhiều của tôi, tôi đã nhận không biết bao nhiêu lời đề nghị "Hãy giữ liên lạc nhé" nhưng chính họ là những người không muốn giữ liên lạc. Những ai muốn tiếp tục mối tình thân thì cứ thỉnh thoảng viết thư thăm hỏi, cuối năm một tấm thiệp chúc đôi dòng. Họ chẳng việc gì phải làm bộ tha thiết "giữ liên lạc nhé" làm gì. Nhưng trong trường hợp của John lại khác. Khi anh viết "Hãy giữ liên lạc nhé", anh đã ngầm nhắn gởi "Anh không ra khỏi cuộc đời em dễ dàng như em muốn đâu, hãy chuẩn bị tinh thần một ngày nào đó anh phone cho em và báo tin đang ở giữa Sài Gòn. Hãy đối diện lại trước anh một lần nữa vì chắc chắn anh sẽ đến Sài Gòn." Tôi hối hận đã cho John danh thiếp của mình. Thói quen trao danh thiếp ra vẻ thân thiết đã làm hại tôi rồi. 

Cái e-mail mang tính riêng tư của John gởi vào hộp thư công ty đã thật sự làm tôi không cách gì tập trung làm việc tiếp được. Và như hàng triệu nhân viên công sở khác trên đời này, những lúc không tập trung được vào công việc, người ta lại vào facebook để tìm kiếm chút nhảm nhí cho đầu bớt nặng. 

Facebook của tôi sau một thời gian không vào có rất nhiều tin nhắn và nhiều người xin kết bạn. Trong hộp thư tin nhắn, tôi thót tim thấy cái nick vừa kỳ quái vừa thân quen "Alain De Sans Long". Và khi tôi nhấp vào, tôi nhận ra ngay người đã gởi. 

"Chào bé An, anh Bình đây, lâu quá rồi. Je n"ai pas changé, et toi non plus tu n"as pas changé". 

Lâu quá rồi, anh viết đơn sơ như thể chỉ mới vài tháng hoặc vài năm chúng tôi chưa gặp lại. Thực tế chúng tôi không liên lạc gì với nhau từ gần hai mươi năm nay. Và Bình đã viết cho tôi một dòng ngắn vừa tiếng Việt vừa tiếng Pháp. Tôi từng quen một vài thằng Việt kiều Pháp, khi nói chuyện thông thường với tôi họ dùng tiếng Việt, nhưng những lúc bối rối, những lúc muốn thổ lộ lòng mình mà còn e ngại, họ chuyển qua dùng tiếng Pháp. Một anh Việt kiều hay nói "Tu me manques" chứ chưa bao giờ nói "Anh nhớ em". Một anh khác khi tỏ tình thì nói "Je t"aime" chứ không thể thốt lên "Anh yêu em". Dường như tiếng Pháp không quá mùi mẫn, còn tiếng Việt với những đại từ nhân xưng anh anh – em em làm họ quá xúc động. Mà đàn ông thì ngại bộc lộ bản tính yếu đuối của mình trong tình cảm. Nhất là đàn ông Việt Nam. 

Vậy là Bình đang bối rối hoặc không bộc lộ quá lố cảm xúc của mình. Thì cũng có gì ghê gớm đâu, anh chỉ viết "Je n"ai pas changé, et toi non plus tu n"as pas changé" – anh đã không đổi thay và em cũng thế không đổi khác gì cả. Thật ra đây là lời bài hát của chàng ca sĩ đẹp trai người Tây Ban Nha Julio Iglesias mà thế hệ của tôi và Bình rất thích. Ngày trước chúng tôi cũng thường nghe bài này đến nhão cả băng cassette để chép lời. Giờ chàng ca sĩ này đã U70, cũng như tài tử Alain Delon cũng thành một ông già U80 rồi. 

Dường như ý thức được rằng đến Alain Delon còn phải bị thời gian tàn phá nhan sắc huống hồ mình chỉ là Alain De Không-Lông, Bình tự biết mức độ bảnh của mình hẳn không còn được đánh giá cao nữa, anh không để hình thời hiện tại của mình trong facebook. 

Gương mặt của Bình trên trang Facebook cá nhân hiện ra với nụ cười nhẹ nhàng và đôi mắt sáng thông minh. Đây là một tấm hình chụp từ lâu và có chất lượng không rõ do được scan lại, không phải một tấm hình mới chụp trên máy ảnh kỹ thuật số. 

Tôi nhận ra chính là Bình của thời tuổi trẻ nhưng không phải thời anh còn ở Sài Gòn, của cái đêm anh cho tôi trôi bềnh bồng khắp phố trước lúc ra đi. Hình này của Bình chắc là chụp khi vừa đến Mỹ vì anh mặc áo manteau có khoác khăn choàng, sau lưng là những nhánh cây của xứ ôn đới. Bình nhìn rõ ràng là còn bảnh hơn lúc ở Sài Gòn vì bơ sữa đã kịp làm khuôn mặt anh đầy đặn hơn, hồng hào và mạnh khỏe hơn. Hồi ở Sài Gòn tuy mang tiếng là Bình Bảnh nhưng cũng như bao nhiêu thanh niên thời đó, Bình ốm lỏng khỏng, dáng rất thư sinh, làn da xanh xao và khuôn mặt góc cạnh, nhìn khắc khổ hơn rất nhiều. Ôi chao, nếu Bỉnh quả thật rất bảnh như thế khi sang Mỹ, sao anh có thể còn độc thân cho đến ngày hôm nay được. 

Tôi bình tĩnh ngắm lại Bình trên Facebook. Tôi chưa từng có một tấm hình nào của Bình, tôi không thể hình dung gương mặt anh một cách rõ rệt do thời gian xa cách đã lâu nhưng tôi luôn biết mình sẽ nhận ra anh. Thỉnh thoảng khi mơ thấy Bình, tôi không nhớ rõ khuôn mặt anh nhưng vẫn luôn có cảm giác anh rất đẹp trai, và dịu dàng với tôi biết bao. Cái buổi tối chúng tôi dính chặt nhau trôi trên phố Sài Gòn, dù chúng tôi chẳng nói với nhau câu nào to tát, tôi vẫn cảm nhận rõ rệt tình cảm trai gái của buổi ban đầu. 

Facebook của Bình mới toanh, dường như anh chỉ mới tạo ra cốt để liên lạc với tôi, cốt để được vào xem facebook của tôi. Và anh bắt buộc phải đề nghị xin kết bạn vì facebook của tôi không để chế độ public. Tôi cố gắng lục lọi tìm thêm hình của Bình nhưng chỉ thấy vài tấm ảnh được bạn bè cũ hồi học đại học bên Việt Nam gởi vào. Trong danh sách bạn bè, tôi thấy anh mới kết bạn với vài anh Cu của xóm cũ Tân Định. Mọi người đều hồ hởi hỏi tìm gặp lại nhau nhờ facebook. Nhiều anh nhắc chuyện cùng đi phá làng phá xóm, nhấn chuông rồi bỏ chạy, nhắc chuyện cởi trần và cả cởi truồng tắm mưa. Thậm chí, có anh còn nhắc chuyện chị Hương qua đèo thời đó nuôi heo mệt nghỉ. 

Cũng giống như tôi khi nhìn thấy cái nick kỳ quái Alain De Sans Long, những bạn bè cũ của anh tha hồ trêu chọc và nhắc lại thời đó Bình Bảnh đã được đặt tên Tây là Alain De Không (Có) Lông. Bây giờ anh sửa trại lại là Alain De Sans Long. Sans trong tiếng Pháp là không có. Cái nick vừa Tây vừa Ta nghe hài hước kinh khủng. Trong một vài comment trên facebook, nhiều người hỏi Bình có còn đẹp trai không, có còn xứng đáng là Bình Bảnh không, thậm chí anh Cu Síp còn hỏi "Bây giờ thì mày đã có chút gì chưa hay vẫn mãi là Không Lông?". 

Đọc facebook của Bình, tôi vừa cười vừa xúc động ứa nước mắt, cái xóm nhỏ ở vùng Tân Định của chúng tôi mới dễ thương làm sao. Giờ người đã định cư ở nước ngoài, người chuyển sang quận khác sinh sống, chỉ còn lại gia đình tôi và vài ba gia đình khác trụ lại. Lũ trẻ thế hệ ngày nay không còn chơi với nhau thân thiết, suốt ngày đá banh ngoài đường và chia sẻ với nhau từng viên kẹo ú nữa. 

Lang thang trên facebook của Bình và những người bạn trong friend list, tôi nhận ra dường như ai cũng ghi nhớ kỉ niệm thời cùng xóm rất mãnh liệt. Đối với nhóm những anh chị bằng tuổi với Bình hoặc lớn hơn một chút cỡ cô Út của tôi, sau khi Sài Gòn giải phóng, họ cảm nhận những thiếu hụt về vật chất nặng nề hơn thế hệ sinh ra sau ngày giải phóng như tôi. Vì biến cố lớn năm 1975 tác động đến gia đình và dĩ nhiên là chính bản thân những đứa trẻ chín – mười tuổi thời đó, họ gắn bó với nhau rất chặt và chia sẻ với nhau nhiều điều. 

Một chi tiết rất lạ là những đứa trẻ con của gia đình Sài Gòn gốc và gia đình cách mạng được phân nhà mới dọn đến sau 30/4/1975 đều có thể cùng đá banh rầm rầm, cùng đạp xe tưng bừng, cùng tung tăng đi xem phim ở rạp Văn Hoa và chia sẻ những con rệp chích đỏ cả mông. Đọc facebook của những anh chị cùng xóm thời đó, tôi nhận ra rằng không hề có những phân biệt đối xử giữa những đứa trẻ rất khác nhau về thành phần gia đình. Vậy nên tôi rất muốn liên lạc lại với chị Hương qua đèo, cho chị ấy add friend vào nhóm này để chị biết rằng cảm giác Bình Bảnh khinh thường chị vì gia đình hai bên khác chí tuyến chỉ là do chị tự tưởng tượng ra. Tôi muốn chị xóa bỏ mọi mặc cảm và mối hận tình với Bình sẽ sớm được giải tỏa. 

Nhưng tôi không có địa chỉ e-mail của chị Hương, chị chỉ cho tôi số điện thoại và địa chỉ nhà. Chị có nói mình ít khi dùng Internet và không có hộp thư e-mail. 

Tôi nhận được tin nhắn của Bình vào facebook, anh viết hoàn toàn bằng tiếng Việt có bỏ dấu và tôi hít một hơi thật sâu, bắt đầu chat với anh: 

_ Chào Bé, hôm anh đến nhà em thì mẹ em nói em đang ở Mỹ. Em về lại Sài Gòn lâu chưa? 

_ Em mới đi làm lại hôm nay. Đang đọc một đống e-mail trong công ty. Mệt quá nên vào facebook một chút. Giờ anh đã trở lại Mỹ? 

_ Anh đang sinh sống ở San Jose, gần San Francisco. Em có đến bờ Tây chưa? 

_ Em không có thời giờ, chỉ đi vài nơi ở bờ Đông và Chicago. 

_ Nghe mẹ em nói giờ em làm chức cao lắm, sự nghiệp tốt đẹp, đi công tác nước ngoài như đi chợ. Anh rất mừng cho em. 

_ Có gì đâu mà mừng, bình thường mà. 

_ Những người bạn cũ anh gặp lại ở Việt Nam đều công thành danh toại hết. Mọi người rất giàu và cũng đi du lịch nước ngoài rất nhiều. 

_ Công việc của anh ra sao? Giờ anh làm tới chức gì rồi? 

_ Anh không bằng mọi người ở Việt Nam, vì qua Mỹ anh phải đi học lại đại học, Thời gian đầu ở Mỹ anh khủng hoảng lắm. Nhưng mọi thứ đã ổn hơn từ lâu rồi. 

_ Anh còn độc thân thiệt hả? 

_ Em cũng còn độc thân thiệt hả? 

_ Dạ. Thôi em stop nhe vì tới giờ phải vô họp rồi.  

_ OK, hẹn chat tiếp với em lúc khác. 

Tôi thoát khỏi hộp thư và thoát luôn ra khỏi Facebook. Tôi từng hình dung mình sẽ gặp lại Bình và chuẩn bị cả những điều "lâm ly" nên nói. Chưa bao giờ trong suốt hai mươi năm qua tôi có thể tưởng tượng được cuộc hội thoại đầu tiên của chúng tôi sau bao nhiêu năm xa cách sẽ buồn cười và hầu như không cảm xúc như thế này.  

Tôi rời bàn làm việc ra đứng ở khung cửa kính nhìn xuống phố. Sài Gòn của tôi dưới kia đang chói chang ánh nắng tháng năm. Những dòng xe bận rộn mải miết trôi đi khắp ngã. Sao ông Trời không cho chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn nơi chúng tôi có với nhau những kỷ niệm đẹp hoặc ở Mỹ nơi Bình đã bỏ lại tất cả để tìm kiếm một cuộc sống đầy đủ hơn? 

Đã có nhiều người tìm cách nối lại liên lạc và họ hài lòng với Facebook biết bao nhiêu. 

Nhưng tôi phải gặp lại Bình, không chỉ trên facebook mà bằng xương bằng thịt. Anh phải thoát ra khỏi những giấc mơ của tôi.

_

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương