Chỉ Gọi Tên Em
Chương 14

Tiếng chuông inh tai kéo tôi khỏi giấc mơ, nhưng tôi vẫn không muốn rời mặt đất phủ đầy tuyết trong mơ.

“Lương Lương, dậy đi.” Cảm giác như cánh tay phải bị rung lắc dữ dội, mở mắt ra liền trông thấy Noãn Noãn, tôi giật mình ngồi bật dậy.

“Sao thế?” Noãn Noãn hỏi.

Trong đầu trống rỗng mất mấy giây, cuối cùng cũng nhớ ra mình đang trên tàu hỏa, mà lại còn đi cùng Noãn Noãn nữa.

“He he,” tôi cười.

Cầm lấy bàn chải kem đánh răng khăn mặt, vừa bước khỏi cửa cabin, gió lạnh thấu xương khiến tôi hoàn toàn tỉnh táo.

Cũng may phòng vệ sinh trên tàu có nước nóng, nếu chỉ có nước lạnh, rửa mặt xong chắc mặt tôi biến thành băng điêu khắc mất.

Đánh răng rửa mặt xong quay về cabin, đi giày vào, kiểm tra xem còn bỏ quên thứ gì không.

Chỉnh lại quần áo, đeo ba lô, tôi và Noãn Noãn xuống tàu.

“Cuối cùng cũng đến Cáp Cáp Cáp Nhĩ Tân của anh rồi,” Noãn Noãn nói. “Có cảm tưởng gì không?”

“Bắc Kinh lạnh, Cáp Nhĩ Tân lại càng lạnh, ngay đến câu nói đùa của Noãn Noãn cũng lạnh hơn Đài Loan.” Răng lợi va lập cập, tôi nói: “Tóm lại chỉ có một chữ lạnh.”

“Còn không mau đeo khăn đội mũ vào.” Tôi quàng khăn quanh cổ, nhưng mũ len thì chưa đội bao giờ, nên có đội thế nào cũng vẫn thấy kỳ kỳ.

Noãn Noãn giúp tôi chụp mũ len, lại chỉnh chỉnh một chút rồi vỗ nhẹ lên đầu tôi.

“Được rồi.” Noãn Noãn nhoẻn miệng cười.

Đang chuẩn bị lên xe taxi, tay vừa chạm vào tay nắm cửa kim loại, đã nghe tách một tiếng, ngón tay tôi lập tức rụt lại.

“Trời lạnh,” Noãn Noãn cười nói, “tĩnh điện cũng mạnh hơn.”

“Những ngày này không đến nỗi phải sống nguy hiểm vậy chứ” tôi nói.

“Bị giật nhiều rồi cũng quen thôi” Noãn Noãn nói.

Noãn Noãn nói trước đây để tóc dài, có lần đi taxi sợi tóc vô tình quẹt qua tay nắm cửa, kêu lép bép một trận ầm ĩ.

“Còn thấy cả tia lửa điện nữa cơ” Noãn Noãn nhoẻn cười.

Tôi nói như thế thật là hay, tóc bị giật nhiều sẽ thành xoăn, đỡ tốn tiền đi uốn tóc.

Ngồi lên taxi, chiêm ngưỡng buổi sớm Cáp Nhĩ Tân qua cửa kính xe, bầu trời xanh trong không một gợn mây.

Cáp Nhĩ Tân quả không hổ với tên gọi “Mátxcơva phương Đông”, thành phố mang đậm phong vị Nga, đi trên phố cũng thường thấy những kiến trúc mái nhọn kiểu Nga.Tôi và Noãn Noãn ăn sáng ở một tiệm bánh bao Goubuli, thuộc chuỗi cửa hàng nhượng quyền của bánh bao Goubuli Thiên Tân.

Bánh bao nóng hôi hổi, vỏ mỏng vị thơm ngon, lại thêm hương thơm của cháo đậu xanh, khiến toàn thân tôi bắt đầu thấy ấm áp.

Hàng quán ở Cáp Nhĩ Tân hầu như đều sáng 8 giờ mở hàng, tối 7 giờ đóng cửa, việc này thật khó tưởng tượng nổi ở Đài Loan.

Tôi và Noãn Noãn đến một cửa tiệm có vẻ như trà quán, trước khi vào cửa, Noãn Noãn dặn: “Người lát nữa sẽ gặp họ Tề, chúng ta phải gọi ông ấy là…”

“Bác sĩ Tề Ngõa Ca *”, tôi cắt ngang lời em.

* Bác sĩ Zhivago, một tiểu thuyết của nhà văn Liên Xô Boris Pastemak từng được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học năm 1958, đã được chuyển thể thành phim.

“Cáp Nhĩ Tân đã đủ lạnh rồi, tuyệt đối không được nói mấy câu đùa lạnh tanh ấy nữa.” Noãn Noãn bật cười. “Hơn nữa bác sĩ Tề Ngõa Ca vào Đại lục đã đổi tên rồi, gọi là bác sĩ Nhật Ngõa Qua.”

“Em cũng nói đùa lạnh tanh đấy thôi,” tôi nói.

“Tóm lại phải gọi ông ấy là thầy Tề, chứ không phải bác sĩ Tề.”

Tôi gật đầu, định mở cửa bước vào, nhưng vừa chạm vào tay nắm cửa đã lại bị điện giật kêu tanh tách.

Tôi đã tới chỗ Noãn Noãn làm việc, biết là nhà xuất bản hay tòa soạn tạp chí gì đấy, nhưng không hỏi kỹ.

Vì vậy ngôn ngữ và nội dung Noãn Noãn nói chuyện với thầy Tề, chẳng hề khiến tôi buồn chán.

Nếu như tôi và Noãn Noãn đổi vai cho nhau, tôi bàn chuyện công việc, em đi cùng tôi, đoán chắc em nghe chưa được mười phút là đã gật gù rồi.

Để không chỉ đơn thuần là một thứ đồ trang trí, tôi cũng lôi sổ tay ta vẽ nhăng vẽ cuội, giả vờ bận bịu; thỉnh thoảng cũng gật đầu nói mấy câu đại để như ngài nói đúng lắm, nói rất hay, rất có lý, vân vân.

Cuộc phỏng vấn với thầy Lý kết thúc, chúng tôi tới một tòa nhà như được xây dựng từ những năm 60.

Người gặp lần này là một thím tầm 50 tuổi, “họ An,” Noãn Noãn nói.

“Chẳng nhẽ là Anna Karenina*?” tôi nói. “Cáp Nhĩ Tân thật là quá Nga.”

* Tên nhân vật chính trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Lev Nikolayevich Tolstoy.

“Lương Lương.” Noãn Noãn lạnh tanh nói.

“Dạ,” tôi nói, “phải gọi thím ấy là cô An.”

“Ừ.” Noãn Noãn lại nhoẻn cười, “Hơn nữa Anna Karenina đáng nhẽ phải họ Ka mới đúng.”

Rời khỏi nhà cô An thì cũng vừa 12 giờ trưa. Noãn Noãn có vẻ hơi cuống, vì hình như cuộc hẹn tiếp theo sắp muộn rồi.

Gọi một chiếc taxi, tôi vội vàng mở cửa xe, lại bị giật phát nữa.

Xuống xe, ngẩng đầu nhìn, trên tấm biển viết: “Nhà hàng Âu Portman”.

Cũng may tay nắm cửa làm bằng gỗ, không lại bị giật tiếp thì tôi chắc sẽ giống Châu Tinh Trì, học được thần quyền Điện giác mất.

“Đeo găng tay vào đi,” Noãn Noãn nói, “sẽ không bị điện giật nữa.”

“Sao giờ em mới nói?”

“Vì em muốn thấy anh bị giật chứ sao” Noãn Noãn cười cười nói.

Tôi ngẫm nghĩ mình cũng ngốc thật, quyết định về sau lúc nào cũng sẽ đeo găng tay, vào trong phòng mới tháo ra.

Noãn Noãn rất nhanh đã bước tới bên bàn một người đàn ông trung niên tầm 40 tuổi, nói: “Thành thực xin lỗi, cháu đến muộn rồi.”

Người đàn ông cười nói không sao, ra ý cho chúng tôi ngồi xuống hẵng nói.

“Từ thời đi học cháu đã rất thích tác phẩm của chú, hôm nay được gặp chú thế này thật vinh hạnh quá,” Noãn Noãn nói.

“Tiền Trung Thư nói không sai, thích ăn trứng gà, nhưng không cần phải đi xem con gà đẻ trứng trông thế nào.” Người đàn ông cười ha hả. “Có những người không gặp thì hơn.” Ừm, người này hẳn rất giỏi giao tiếp đây.

Quan sát nhà hàng kiểu Nga này một chút, trần nhà có các bức vẽ theo phong cách châu Âu cổ, còn treo cả đèn trùm pha lê.

Ánh đèn màu vàng thiên nga không hề chói mắt, ngược lại còn khiến người ta cảm thấy thoải mái, ấm áp.

Khung bàn khắc hoa, cửa sổ kính màu sặc sỡ, quầy bar và hành lang bằng gỗ hồng, chân nến mang dấu vết thời gian; những bom bia to tướng nằm trong góc, trên tường bày vô vàn bình rượu, xen kẽ là mấy tấm ảnh cũ.

Không gian tràn ngập giai điệu của vĩ cầm và dương cầm, mềm mại uyển chuyển.

Đây là một góc ấm áp giữa thành phố lạnh giá này.

Noãn Noãn gọi mấy món Nga gồm bánh thịt lợn kiểu Nga, thịt cừu nướng lò, xúp củ cải đỏ, trứng cá muối Big Mahathir, còn thêm cả ba ly vang đỏ.

“Vang đỏ?” tôi thì thào bên tai Noãn Noãn. “Không giống phong cách của em nhỉ?”

“Để anh uống đấy” Noãn Noãn cũng thì thào bên tai tôi. “Uống chút rượu cho ấm người.”

“Tên em còn có thể dùng làm động từ được à,” tôi nói, “thật đáng ngưỡng mộ.”

Noãn Noãn lườm tôi một cái, tôi bèn biết ý ngậm miệng.

Món Nga ở đây có chính cống không tôi không biết, nhưng rất ngon, giá cả cũng không đắt.

Vang đỏ nghe nói do nhà hàng tự ủ, vị rượu khá nhẹ, hương thơm ngọt chứ không đắng chát, rất đặc biệt.

Trong nhà hàng tràn đầy không khí ấm áp, trên gương mặt mỗi vị khách đều thoáng mang một nụ cười hạnh phúc.

Noãn Noãn và người đàn ông trung niên kia vừa ăn vừa nói chuyện, tôi chuyên tâm ăn uống, ba người ai cũng có việc để làm.

Đúng lúc tôi đang định cầm khăn giấy lên lau khóe miệng đã thỏa thuê, thì nhận ra trên gói giấy ăn có in một bài thơ.

Mùa thu, ta trở về Portman

Trong khúc cuối bản tình ca cũ

Nhớ người bướng bỉnh ngang tàng.

Từ khi ta tin rằng người là chiếc áo gió

Đến khi người thu nhỏ thành một dãy số

xa xăm trong cuốn sổ điện thoại,

Lúc này đây

Sự kiên cường của ta, đêm đêm bị nhớ nhung tập kí>

Thư người nhàu nhĩ

Như trán người luôn che lấp bởi nụ cười

Ta trải ra dưới ánh nến

Nhẹ nhàng lần mở

Như một chiếc nhẫn rơi vào ly vang đỏ

Hạnh phúc của ta

Trào ra trong mắt.

“Như một chiếc nhẫn rơi vào ly vang đỏ, hạnh phúc của ta trào ra trong mắt” người đàn ông trung niên nói.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn ông, đoán rằng hẳn ông đang nói với mình, bèn gật đầu.

“Bài thơ này đem đến cho cậu cảm giác gì?” ông hỏi.

“Ừm…” tôi ngẫm nghĩ một lát, “tuy có vẻ đã đạt được hạnh phúc, nhưng lại có một cảm giác buồn thương.”

“Thật sao?” Người đàn ông lại hỏi: “Vậy cậu nghĩ người viết bài thơ này là nam hay nữ?”

“Về mặt con chữ, giống đang miêu tả một người phụ nữ cuối cùng cũng có được hạnh phúc, nhưng tôi cho rằng người viết là một người đàn ông, không chừng còn chính là ông chủ nhà hàng này nữa, hơn nữa chắc chắn ông ấy đã mất đi người mình thương yêu” tôi nói.

“Rất thú vị,” người đàn ông bật cười, “cậu nói nghe xem nào.”

“Có lẽ ông chủ nhà hàng sau khi mất đi tình yêu, đã viết thơ tình, tự rượu vang, để khi khách đến uống một ly rượu, trong lòng sẽ mong chờ có được hạnh phúc,” tôi nói, “chỉ có đàn ông mới có được tấm lòng ấy.”

“Phụ nữ thì sao?”

“Phụ nữ sau khi mất đi tình yêu, sẽ vẫn vui vẻ cưới người khác” tôi nói.

“Nói nhảm!” Noãn Noãn lên tiếng.

Nhất thời quên mất Noãn Noãn đang ở bên cạnh, tôi quay sang em cười ha ha.

“Trí tưởng tượng của cậu rất phong phú” người đàn ông nói.

Tôi hơi ngại ngùng, chỉ cười cười.

Noãn Noãn đứng dậy đi rửa tay, người đàn ông đợi Noãn Noãn đi rồi mới nói: “Rất nhiều cô gái dẫn chàng trai trong lòng mình tới đây uống vang đỏ.”

“Chính vì bài thơ này sao?” tôi nói.

“Đúng vậy.” Người đàn ông gật đầu. “Cậu biết không? Cô Tần vốn không hẹn tôi ở đây đâu.”

“Dạ?” Tôi hơi hiếu kỳ.

“Tôi đoán cô ấy vì cậu, nên mới đổi hẹn sang đây đấy.”

“Trí tưởng tượng của chú phong phú thật” tôi nói.

Noãn Noãn từ buồng rửa tay đi ra, người đàn ông nói: “Có mang hợp đồng không?”

“Có ạ.” Noãn Noãn khá kinh ngạc, lấy bản hợp đồng khỏi túi xách.

“Tôi phải ký nhanh nhanh,” người đàn ông cười nói, “để hai cô cậu còn có thời gian đi thăm thú Cáp Nhĩ Tân chứ”

Noãn Noãn đưa bản hợp đồng cho người đàn ông, ông chỉ xem lướt qua, liền đặt bút ký.

“Cảm xúc bài thơ này đem lại cho tôi, cũng là buồn thương.”

Người đàn ông đứng dậy, giũ giũ vạt áo, nói: “Chiếc nhẫn liệu chưa chắc được giấu trong lá thư, mà được cầm trong tay. Khi thả chiếc nhẫn vào ly vang đỏ, thứ trào lên trong mắt không phải hạnh phúc, mà là nước mắt của chính mình.”

Người đàn ông chào tạm biệt xong, liền rời khỏi Portman.

“Lúc em không có mặt, hai người nói gì thế?” Noãn Noãn hỏi.

“Đây là bí mật giữa đàn ông với nhau,” tôi lắc đầu, “không thể nói cho phụ nữ được.”

Ra khỏi Portman, gió lạnh táp vào mặt, tôi thở ra một làn hơi trắng dài, toàn thân cảm thấy thư thái.

Đi qua một bức tượng ngựa điêu khắc bằng đồng, nhìn thấy một con phố lớn vừa dài vừa rộng, đây là phố Trung Ương.

Phố Trung Ương bắt đầu được xây dựng từ năm 1898, trước gọi là phố Trung Quốc, nhưng kỳ thực chẳng hề giống Trung Quốc một chút nào.

Phố dài 1450 mét, rộng hơn 20 mét, hai bên đều là những tòa nhà xây theo kiến trúc châu Âu, tập hợp đầy đủ các trường phái kiến trúc nghệ thuật Phục hưng, Baroque, Gothic, Byzantine, Eclectic, Art Nouveau.

Màu sắc kiến trúc cũng muôn vẻ, tông đỏ, tông xanh, tông vàng, tông hồng, tông xám đủ cả.

Cả con phố lớn như một hành lang dài trưng bày các tác phẩm kiến trúc nghệ thuật, mang khí chất cao ngạo cùng không khí lãng mạn.

Mặt đường lát đá hoa cương, bởi tuổi thọ đã hơn 100m, trên mặt đường đôi chỗ cũng xuất hiện những vết lồi lõm.

Đá hoa cương dài 18 xăng ti mét, rộng 10 xăng ti mét, cao gần nửa mét, từng phiến từng phiến gắn sâu vào mặt đất, lát thành một con đường đá dài tăm tắp. Mỗi phiến đá hoa cương đáng giá chừng một tháng sinh hoạt phí của người dân Trung Quốc hồi ấy.

Những cột đèn đường đen sì được dựng theo hình đế nến, trên đế nến không cắm nến mà dùng bóng đèn mờ.

Giống như hầu hết các cột đèn trên đường phố châu Âu vào thế kỷ XIX.

Lờ mờ nghe tiếng vó ngựa lách cách, bất giác ngoảnh đầu lại nhìn, cứ ngỡ từ đâu đột nhiên xuất hiện một chiếc xe ngựa.

Trong đầu lập tức hiện lên một cảnh phim “Chiến tranh và hòa bình”, khi Audrey Hepburn bước từ trên xe ngựa xuống.

Hôm nay là thứ Bảy, đây là phố đi bộ, ô tô không được đi vào, không biết xe ngựa liệu có được không?

Trên phố nô nức những dòng người, gót giày các cô gái gõ nhịp lên mặt đá hoa, phát ra những tiếng trong vắt.

Con gái Cáp Nhĩ Tân dáng người cao, sống lưng thẳng, khuôn mặt ngời sáng thông minh, cảm giác rất cool.

Nếu như cưa cẩm các cô mà ăn nói không đứng đắn, chắc hẳn sẽ bị đánh cho trọng thương.

Những cô gái Nga tuổi đôi mươi cũng không ít, hầu hết bọn họ đều mặc áo da bó sát người, để lộ đường cong quyến rũ.

Khuôn mặt trắng như tuyết ửng hồng, từng lọn tóc vàng tràn ra khỏi mũ len, cả đoạn đường ríu rít nói cười chạy nhảy, hệt những tinh linh trong tuyết trắng.

Nhưng mấy cô gái Nga duyên dáng xinh đẹp trước mắt thường là đến chừng 30 tuổi, người đã bắt đầu sồ sề chỉ có sồ ra chứ không có sồ vào.

Chẳng trách nước Nga lại sản sinh ra bao đại văn hào là vậy, bởi so với những con người ở các nơi khác trên thế giới, bọn họ càng dễ dàng lĩnh ngộ được đạo lý nét đẹp chỉ tồn tại trong thoáng chốc.

“Nói gì thế” Noãn Noãn nói.

“Hì hì” tôi bật cười.

“Anh thấy con gái Đông Bắc so với con gái Giang Nam thế nào?” Noãn Noãn hỏi.

“Anh còn chưa tới Giang Nam mà,” tôi nói.

“Chẳng phải anh từng ở Tô Châu còn gì?”

“Tô Châu được tính là Giang Nam à?”

“Linh tinh” Noãn Noãn nói.

Con gái Giang Nam lúc nói chuyện sóng mắt đong đưa, nhẹ nhàng duyên dáng, con người thanh nhã giống cây liễu rủ bóng bên hồ; con gái Đông Bắc đứng thẳng tự tin, da trắng, nét đẹp như vẽ, giống cây bạch dương bên đường cao tốc từ sân bay Thủ đô.

“Nhưng bọn họ đều rất xinh đẹp” tôi nói. “Con gái Giang Nam thanh tú, con gái Đông Bắc tươi tắn.”

“Vì thế em là bạch dương?” Noãn Noãn nói.

“Hả?”

“Anh quên rồi à?” Noãn Noãn nói. “Em cũng là con gái Đông Bắc đấy.”

“Em là đẳng cấp nữ thần, không thể đem so sánh với những thứ phàm trần được.”

“Em lại cứ muốn anh so sánh cơ” Noãn Noãn nói.

“Nếu như buộc phải hình dung, vậy thì em giống bạch dương liễu” tôi nói.

Năm cô gái Nga tiến lại phía chúng tôi, nói mấy câu tiếng Anh đơn giản, nhờ tôi giúp họ chụp kiểu ảnh.

Tôi đón lấy máy ảnh của các cô, quay sang thở dài với Noãn Noãn, nói: “Đẹp trai phiền thế đấy.”

Bối cảnh là tượng bốn cô gái kéo vĩ cầm, một người đứng, ba người ngồi, dáng người cao ráo, sinh động duyên dáng.

Tôi chụp xong, bèn nhờ một cô trong số họ chụp giúp tôi và Noãn Noãn bằng máy ảnh của Noãn Noãn.

Tôi và Noãn Noãn giơ hai tay làm hình chữ V.

Cầm tấm ảnh chụp trên con phố này, bạn có thể đi huênh hoang với mọi người là đã từng tới châu Âu, đảm bảo bọn họ không thể phân biệt nổi.

Chỉ duy có một sơ hở nhỏ, đó là mấy chữ tiếng Trung trên các biển hiệu cửa hàng.

“Anh được đấy” chụp ảnh xong, Noãn Noãn nói. “Còn chọn cô xinh nhất để nhờ nữa.”

“Anh tốn bao tâm huyết đấy” tôi nói.

“Tốn nhiều tâm huyết thế nào?”

“Cô gái Nga đó e rằng là cô xinh nhất trên phố này, cô ấy chắc cũng nghĩ như thế” tôi nói. “Nhưng đây là Trung Quốc, sao có thể để mấy cô tóc vàng mắt xanh huênh hoang tự đắc được. Vậy nên anh nhờ cô ấy chụp ảnh em, để cô ấy nhận thức được rằng núi cao còn có núi cao hơn. Em không thấy tay cô ấy bấm nút chụp còn run run vì xấu hổ à?”

“Nói luyên thuyên.” Noãn Noãn hứ một tiếng.

Khuôn mặt trắng ngần của Noãn Noãn ửng đỏ lên lạnh, lọn tóc đen dưới mũ len khẽ lướt qua mặt.

Trong mắt tôi, Noãn Noãn là cô gái đẹp nhất con phố này.

Noãn Noãn mới là tinh linh của tuyết trắng.

Tới nhà thờ Thánh Sophia, đây là giáo đường Chính thống giáo lớn nhất ở khu vực Viễn Đông.

Nhà thờ được xây bằng gạch nung đỏ, cửa sổ vòm gắn kính thạch anh màu.

Được xây theo hình chữ thập không đều, chính giữa là mái vòm kiểu Byzan­tine mang dáng củ hành tây màu lục đậm; trước sau trái phải là những ngọn tháp màu lục đậm theo kiến trúc Nga, trên mái vòm và tháp đều có thánh giá vàng.

Dưới bầu trời xanh trong vắt, từng đàn bồ câu trắng bay lượn trên quảng trường trước nhà thờ.

Noãn Noãn dang hai tay ra, quả thực có hai chú bồ câu đậu lên cánh tay em, Noãn Noãn cười khanh khách.

Tôi nói mùa đông đừng chơi trò này, Noãn Noãn hỏi vì sao?

“Phân chim bồ câu giống hệt tuyết, đều là màu trắng, không phân biệt nổi” tôi nói.

Noãn Noãn trừng mắt nhìn tôi, rồi hạ tay xuống.

Đi qua một tòa nhà ba tầng màu hồng phấn, trên tấm biển viết Khách sạn Modern.

Noãn Noãn nói đừng thấy tòa nhà này không bắt mắt, mấy trăm năm trước đây đã từng là khách sạn bậc nhất nhì Đông Bắc, đã tiếp đãi những người nổi tiếng như Phổ Nghi *, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV, hay Tống Khánh Linh.

* Phổ Nghi: Vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh.

“Lạnh không?” Noãn Noãn đột nhiên hỏi

“Một chút,” tôi nói, “nhưng không sao.”

“Thế thì ăn một que kem nhé.”

“Này,” tôi nói, “đùa đấy à?”

“Cái này gọi là lấy độc trị độc.” Noãn Noãn bật cười khanh khách. “Ăn vào có khi lại không thấy lạnh nữa.”

“Cái đấy gọi là thêm sương trên tuyết thì có” tôi nói.

Noãn Noãn bỏ ngoài tai, kéo tôi lại gần khách sạn Modern, trên đất bày mấy chiếc thùng giấy.

Tôi vừa nhìn qua đã thấy giật thót mình, đây đều là kem que.  

Về sau mới bàng hoàng nhận ra, giờ ngoài trời đang dưới âm độ, chưa biết chừng còn lạnh hơn cả ngăn đá tủ lạnh, kem que cứ để hẳn ra bên ngoài cũng chẳng sao.

Noãn Noãn mua hai que kem, đưa cho tôi một que.

Cắn một miếng, toàn thân không những không lạnh buốt như tưởng tượng, mà thậm chí còn có cảm giác sảng khoái.

Nhưng khi ăn được một nửa, người bất giác run lên cầm cập.

“Chủ ý của em là muốn thấy anh lập cập thế này đấy.” Noãn Noãn cười rất thích thú.

Ăn xong kem, Noãn Noãn nói vào đâu đó cho ấm, chúng tôi bèn đi vào Trung tâm Thương mại Nga.

Bên trong bày bán đủ mọi mặt hàng của Nga, nhân viên bán hàng cũng mặc giống người Nga.

Nhưng nhạc phát lại là bài “Ca Thập Ca Nhĩ Hồ Dương” của Đao Lang, khiến người ta có chút rối loạn.

Tôi mua một con búp bê Nga, mấy năm trước thứ đồ chơi này từng rất thịnh hành ở Đài Loan.

Ra khỏi Trung tâm Thương mại Nga, thấp thoáng xa xa thấy một đài phun nước.

Vốn nghĩ chẳng có gì, nhưng đến gần xem, từng hạt nước phun ra lập tức bị kết thành băng trong hồ nước, tạo nên một kỳ quan phun nước thành băng tuyệt đẹp.

Chếch đối diện khách sạn Modern là nhà sách Giáo Dục, được xây hai mặt tiền, với cửa lớn mở ngay giữa góc giao nhau.

Nhà sách cao năm tầng, bên ngoài sơn màu trắng giản dị, mái vòm đỏ đậm theo trường phái nghệ thuật Phục hưng.

Trên cửa có hai bức tượng cẩm thạch cao bằng một tầng nhà, cột trụ corinth * cao hai tầng nhà bắt từ tầng ba lên tầng tư, những bức phù điêu tinh xảo trên bệ cửa sổ, ban công hình bán nguyệt và đài hoa, điển hình cho kiến trúc Baroque.

* Corinth: Một kiểu cột trụ trong kiến trúc cổ Hy Lạp.

Tôi và Noãn Noãn bước vào nhà sách, có thể hình dung về nơi đây bằng một chữ nhã, kiến trúc điển nhã, phù điêu cổ nhã, không khí cao nhã, vậy nên tôi chỉ có thể học đòi phong nhã, ưu nhã lật sách.

“Có phải anh ôn văn nho nhã lắm không?” tôi hỏi Noãn Noãn.

Noãn Noãn cười nắc nẻ như vừa được nghe chuyện cười siêu hài hước.

Rời khỏi nhà sách Giáo Dục, tôi và Noãn Noãn tiếp tục thả bộ trên phố.

Những tác phẩm điêu khắc thỉnh thoảng lại bắt gặp trên phố trở thành điểm dừng chân nghỉ ngơi của chúng tôi.

Tôi hỏi Noãn Noãn sao lại thông thạo Cáp Nhĩ Tân thế.

“Vì hay đến đây chứ sao” Noãn Noãn nói.

“Vì sao lại hay đến?”

“Quê em ở Tuy Hóa, chỉ cách Cáp Nhĩ Tân hơn 100 cây số về phía Đông Bắc, ngồi tàu hỏa chỉ mất hơn một tiếng.”

“Ra là vậy,” tôi nói.

“Đúng rồi,” Noãn Noãn nói, “tối qua em gọi điện cho bố, bố em bảo nếu có thời gian thì về qua nhà.”

“Đúng là nên về qua nhà” tôi nói.

“Bố em định ra oai phủ đầu, đã chuẩn bị hai vò rượu rồi, mỗi người một vò.”

“Hai bố con em lâu rồi không gặp, cũng nên mỗi người một vò lắm.”

“Là anh với bố em mỗi người một vò!”

“Hả?” Tôi há hốc miệng.

“Dọa anh sợ chết khiếp rồi phải không.” Noãn Noãn bật cười. “Anh yên tâm, buổi tối vẫn còn phải quay về Bắc Kinh mà.”

Noãn Noãn dẫn tôi vào một tiệm bánh mì, vừa vào cửa đã ngửi thấy một hương thơm ngào ngạt.

Một đống bánh mì cỡ bằng cái bồn rửa mặt bày chật kín kệ, nhìn giống bánh mì nướng, nghe nói mỗi cái nặng tới hai cân.

Noãn Noãn nói bánh mì trong tiếng Nga phát âm gần giống với liệt ba, vì vậy người Cáp Nhĩ Tân gọi loại bánh mì này là đại liệt ba.

Đại liệt ba được làm bằng cách cho lên men houblon, vì vậy hương thơm rất nồng, hơn nữa khi ngửi còn thấy hơi chua chu

Tôi mua một cái đại liệt ba, hết bảy tệ.

Noãn Noãn nói, đại liệt ba vào mùa đông có thể giữ được một tháng.

“Từ Bắc Kinh đến Tuy Hóa cách bao xa?” tôi hỏi Noãn Noãn.

“Tầm 1400 cây số.”

“Thế thì mỗi ngày đi bộ bốn mươi mấy cây, đi trong một tháng là có thể tới Tuy Hóa.”

“Sao mà phải đi bộ?”

“Nếu gặp một trận tuyết cực lớn, máy bay không bay được, tàu hỏa không chạy được, thì anh phải đi bộ thôi.’

“Nói gì thế.”

“Đi tìm em chứ sao” tôi nói. “Anh có thể mang theo vài cái đại liệt ba, đi trong trời đông giá rét một tháng liền.”

“Anh không sợ hổ Đông Bắc với gấu đen nữa à?”

“Có sợ vẫn cứ phải đi thôi.”

Noãn Noãn bật cười, dường như cũng nhớ lại lúc ở bên bờ Thập Sát Hải hè năm ngoái.

“Tuy Hóa có mấy di tích cổ đời Kim, nếu anh đến, em sẽ dẫn anh đi xem” Noãn Noãn nói.

“Đời Kim?”

“Ừ,” Noãn Noãn nói, “có di chỉ tường thành đời Kim, kho lương Kim Ngột Thuật Đồn, lăng mộ Kim Ngột Thuật Muội.”

“Thế anh không đi đâu” tôi nói.

“Hả?”

“Anh đã thề trước linh cữu Nhạc Phi, kiếp này không đội trời chung với Ki Ngột Thuật.”

“Nói linh tinh.” Noãn Noãn trừng mắt nhìn tôi. “Lăng mộ Nhạc Phi ở bên bờ Tây Hồ Hàng Châu, anh còn chưa đến đó nữa là.”

“Anh đến rồi,” tôi nói. “Trước hôm rời Tô Châu một ngày, anh ở bên bờ Tây Hồ mà.”

Noãn Noãn trợn tròn mắt, dường như vẫn không tin.

“Lúc đó đọc ‘Trả lại ta sơn hà’ của Nhạc Phi, thật sự rất rất xúc động” tôi nói.

“Hóa ra anh tới đó thật rồi à.”

“Tuy Hóa đã là địa bàn của Kim Ngột Thuật, vậy thì…” tôi thở dài, “thật khó xử quá.”

“Anh khỏi lắm chuyện” Noãn Noãn nói.

“Noãn Noãn,” tôi nói, “con người tận trung báo quốc như anh, liệu có thể xin em trả lại anh sơn hà được không?”

Noãn Noãn nhìn tôi, phì cười, nói: “Được, trả lại anh.”

“Như vậy anh có thể đi thăm Tuy Hóa rồi.” Tôi bật cười

Noãn Noãn không biết rằng, dù đứng trước đền thờ Nhạc Vương, tôi vẫn nhớ đến em.

“Tây Hồ có đẹp không?” bẵng đi một lúc, Noãn Noãn hỏi.

“Rất đẹp” tôi nói.

“Đẹp chừng nào?

“Xứng tầm chị em với em” tôi nói. “Có điều Tây Hồ quá nổi tiếng rồi, nên em phải chịu thiệt thòi một chút, để Tây Hồ làm chị, em làm em.”

“Anh không nói nhảm thì chết à?”

“Ừ,” tôi nói. “Anh bị bệnh không nói nhảm là chết.”

Nói nói cười cười một hồi, tôi và Noãn Noãn đã đi đến điểm cuối phía Bắc của con phố Trung Ương, quảng trường đài tưởng niệm chống lũ sông Tùng Hoa.

Quảng trường này được xây để kỷ niệm năm 1957 nhân dân Cáp Nhĩ Tân đã vượt qua cơn lũ lịch sử.

Đài tưởng niệm chống lũ cao 13 mét, là một cột trụ, xung quanh có các hành lang bán nguyệt kiểu Roman.

Dưới đài tưởng niệm có 11 hồ nước bán nguyệt, với mực nước bằng mực nước cao nhất của cơn lũ năm 1957.

Đứng dưới đài tưởng niệm nhìn ra sông Tùng Hoa, hai bờ sông tuy đã bị băng tuyết phủ kín, nhưng trên sông nước vẫn chảy theo dòng.

Noãn Noãn nói có lẽ qua vài ngày nữa, mặt sông Tùng Hoa mới hoàn toàn đóng băng.

“Bờ bên kia chính là đảo Thái Dương, triển lãm băng tuyết nghệ thuật mỗi năm một lần được tổ chức tại đây,” Noãn Noãn nói, “dùng chính băng ở sông Tùng Hoa, chạm khắc nên cả một thế giới băng tuyết muôn hình muôn vẻ.”

Chúng tôi ngồi xuống bên hành lang, nơi đây là bờ sông, lại là nơi trống trải, hơn nữa còn có gió. Mới ngồi được năm phút, cuối cùng tôi cũng đã cảm nhận được sâu sắc mùa đông Cáp Nhĩ Tân.

Chỉ một từ thôi, lạnh.

“Chỗ này… hình như…” Răng tôi va lập cập.

“Đi tiếp thôi.” Noãn Noãn nhoẻn cười.

Noãn Noãn nói bên cạnh chính là công viên Stalin, có thể vào dạo bộ.

“Stalin trong tiếng Đài Loan phiên âm khác cơ,” tôi nói.

Noãn Noãn chỉ ừ một tiếng, dường như đã quá quen với cách nói khác nhau về cùng một người một việc giữa hai bờ.

“Nhưng bất kể phiên âm thế nào, thì cũng đều mang nghĩa người tình đã mất.”

“Người tình đã mất?” Noãn Noãn nghi hoặc.

“Ừ.” Tôi gật đầu. “Người tình đã mất, tử darling.”

Noãn Noãn bỗng nhiên dừng lại, ánh mắt trống rỗng.

“Câu đùa này hẳn phải đáng năm sao.” Tôi rất đắc ý.

“Em đông cứng lại rồi,” Noãn Noãn nói. “Đã bảo anh tới Cáp Nhĩ Tân không được nói mấy câu đùa lạnh tanh cơ mà.”

“He he” tôi bật cười.

Hai má Noãn Noãn vẫn đỏ ửng vì lạnh như cũ, trên lông mi dường như có từng xâu hạt băng li ti lấp lánh.

“Noãn Noãn!” Tôi giật nảy mình, đưa tay vỗ nhẹ lên má Noãn Noãn. “Em đông cứng thật rồi đấy à?”

“Nói cái gì thế.”

Noãn Noãn dường như cũng giật nảy mình, hai má ửng đỏ, nhuộm say cả khuôn mặt.

“Lông mi em…” Tôi giơ tay chỉ lên mắt Noãn Noãn.

“À,” Noãn Noãn lập tức hiểu ra, “trời lạnh, lông mi bị kết sương thôi, không sao.”

“Làm anh sợ chết khiếp.” Tôi vỗ vỗ ngực.

“Vậy để em lau nó đi.” Noãn Noãn nói đoạn bèn giơ tay phải lên.

“Đừng lau,” tôi nói, “thế này rất đẹp.”

Tay phải Noãn Noãn khựng lại, rồi từ từ hạ xuống.

Chúng tôi không hẹn mà cùng dừng bước, toàn tâm cảm nhận mùa đông Cáp Nhĩ Tân.

Trời dần tối, nhiệt độ hẳn cũng càng xuống thấp, nhưng tôi không nhận ra.

Chân tay mặt mũi tôi như mất hết tri giác, tôi cảm thấy mình sắp thành tượng băng điêu khắc đến nơi.

“Noãn Noãn,” tôi nói có chút khó khăn, “xem hộ anh xem, có phải anh đông cứng rồi không?”

“Không sao đâu.” Noãn Noãn nhìn tôi một cái. “Mùa xuân đến là ổn ngay.”

“Này” tôi nói.

“Đi ăn cái gì đi” Noãn Noãn bật cười, nói.

Chúng tôi đến một tiệm ăn gần đó, mỗi người gọi một bát mì thịt lợn hầm nóng hôi hổi.

Vị canh thịt được hầm nhừ quện lẫn trong mì, ăn một miếng, hương thơm không gì sánh bằng.

Mặt tôi đã đàn hồi lại, không những có thể tự nhiên nói chuyện, chưa biết chừng còn hô được khẩu hiệu nữa cũng nên.

Ăn xong ra khỏi tiệm ăn, trời đã tối mịt.

Nhưng phố Trung Ương lại biến thành một hành lang ngập sắc vàng.

Dãy cột đèn phỏng theo phong cách châu Âu thế kỷ XIX hai bên phố đều đã sáng đèn, ánh vàng ấm áp chiếu rọi lên những phiến đá hoa cương.

Thả bước trên con đường lát đá, như đang bước vào quang cảnh thể kỷ XIX trong một bộ phim điện ảnh.

Những tòa nhà mang kiến trúc điển hình cũng trang hoàng ánh đèn spot­light, chiếu hắt từ dưới lên nên tuy sáng mà không hề chói mắt.

Ánh đèn spot­light chủ yếu là màu vàng, một vài nơi cũng tăng cường thêm đèn màu xanh lam, đỏ và xanh lục.

Tuy ban ngày mới vừa đi qua con phố này, nhưng lúc này đây con phố đã khoác lên một dáng vẻ hoàn toàn khác.

Những ồn ào huyên náo lúc trước đã không còn để lại chút dấu tích, thay vào đó là một dải huy hoàng xanh vàng rực rỡ.

Tôi tin rằng Cáp Nhĩ Tân về đêm lạnh hơn, nhưng lại có một vẻ đẹp ấm áp.

Tôi bỗng nhiên có cảm giác buồn thương, bởi đã sắp phải rời Cáp Nhĩ Tân mỹ lệ này.

Quay lại nhà thờ Thánh Sophia, tường gạch nung đỏ đã được phủ lên sắc vàng, lớp kính cửa sổ toát lên một màu xanh biếc.

“Noãn Noãn, đẹp thật đấy” tôi không kìm nổi thốt lên tán thưởng.

“Đúng thế” Noãn Noãn nói.

“Câu anh vừa nói, bỏ dấu phẩy đi cũng được” tôi nói.

Noãn Noãn không nói gì, chỉ khe khẽ mỉm cười.

Tôi và Noãn Noãn ngồi trên bậc cầu thang, lặng yên cảm nhận nét dịu dàng cuối cùng của Cáp Nhĩ Tân.

Mùa đông ở Cáp Nhĩ Tân quả thực rất lạnh, nhưng trong lòng tôi, những bông hoa mùa xuân đã nở rộ.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương