Châu Chấu Đỏ
-
Chương 6
Sau khi bắt được gian phu dâm phụ, ông Tứ tiếp tục xem bệnh bốc thuốc, đồng thời làm được ba việc lớn. Việc thứ nhất là thu tiền của bà con mua gạch, mua gỗ, mua ngói chuẩn bị mọi thứ để chuẩn bị xây miếu; việc thứ hai là viết đơn bỏ vợ, đuổi bà Tứ quay về nhà cha mẹ đẻ; việc thứ ba là đêm nào cũng đến thôn Lưu Sa Khẩu tìm người đàn bà góa trẻ đẹp thích mặc quần áo màu đỏ ấy.
Từ làng tôi đến thôn Lưu Sa Khẩu cần phải vượt qua dòng Vận Lương Hà gần như cạn khô vì hạn hán lâu ngày. Có một cây cầu bắc ngang qua sông, trụ cầu và dầm cầu bằng gỗ tùng, mặt cầu lát bằng những viên đá màu trắng. Lâu lắm rồi không hề được tu sửa, trụ cầu dầm cầu đã mục, mặt đá nham nhở loạn xị bát nháo, lồi lồi lõm lõm. Mỗi khi xe trâu, xe ngựa hoặc người qua lại trên cầu là chiếc cầu đong đưa, trụ dầm kéo cà kẽo kẹt, sẵn sàng đổ sụp xuống bất kỳ lúc nào. Đêm nào cũng thế, ăn cơm tối xong, khi bầu trời đã rực rỡ đầy sao là ông Tứ đặt chân lên chiếc cầu để đến với người đàn bà của ông. Con đường đã trở nên quá quen thuộc đối với ông, nhắm mắt ông Tứ cũng có thể đi đến điểm cần đến. Nhà của người đàn bà ấy nằm ngay bên chân con đê, ba gian nhà lá thấp tè, cô độc. Bà ta có nuôi một con chó giống Tiểu Ba, khi tiếng chân ông Tứ vang lên ngoài đầu ngõ là con chó Tiểu Ba đã thân thiết sủa vang lên, lúc ấy người đàn bà cũng lao ra khỏi nhà. Những chuyện liên quan đến người đàn bà này cũng như gia cảnh của bà ta, tôi biết không nhiều lắm. Bà ta làm quen với ông Tứ như thế nào, rồi từ chỗ làm quen đến chuyện đầu ấp tay gối, dính chặt với ông Tứ như keo như sơn, chỉ có mỗi một mình ông Tứ biết, nhưng ông cũng chẳng muốn nói cho tôi biết, do vậy mà tôi dùng trí tưởng tượng để hình dung:
- Ông à, cho dù ông không nói cháu cũng đã biết – Tôi nói.
- Thằng cháu chưa mọc lông này biết gì về ông? – ông Tứ hỏi.
- Cháu biết ông làm cách nào để câu được bà ấy!
Ông Tứ lắc lắc đầu, cười buồn.
- Ông Tứ à – Tôi nói – Ông hãy nghe đây, xem thứ cháu nói có đúng không nhé – Ông chỉ có hai cách để làm quen với bà ấy. Một là, ông đến Lưu Sa Khẩu để xem bệnh cho bà ấy; hai là, bà ấy tìm đến hiệu thuốc của ông để xem bệnh. Tính khả năng của cách thứ nhất là không nhiều lắm, bởi vì bà ấy còn rất trẻ, khó có thể mắc bệnh nặng đến độ đi không được. Ngay cả việc ông đến nhà bà ấy để xem bệnh, lúc ấy ông bố chồng tỉnh tỉnh mê mê của bà ấy vẫn còn. Lão này giống như một con chó trung thành, thay cho đứa con trai đã phạm tội bỏ trốn sang Quan Đông giữ miếng thịt tươi trong nhà. Lão bố chồng này sau khi biết được chuyện ông và cô con dâu tằng tịu với nhau nên bệnh chứng trở nặng mà chết! Ông Tứ ơi, ông hãy nhớ lấy, lão già đó chết một cách không rõ ràng minh bạch gì cả! Như vậy cháu có thể loại trừ khả năng thứ nhất này, thế thì bà ấy đến hiệu thuốc của ông mà thôi. Ông Tứ ơi, cách bố trí bên trong hiệu thuốc của ông là như thế này: Bốn gian phòng nhỏ, ba gian phía đông thông nhau, hai chiếc tủ thuốc kê theo hướng đông tây, bên cạnh là một quầy bốc thuốc nhỏ bằng gỗ, bên dưới trống rỗng, cúi người thấp một tí là có thể chui vào bên trong, đương nhiên chỉ cần cúi người là có thể chui ra. Một chiếc cối giã thuốc bằng sắt trông giống như một chiếc thuyền nhỏ đặt trong góc phòng, một chiếc dao bàn để xắt thuốc đặt bên cạnh chiếc cối. Trên chiếc cối có một con lăn mỏng bằng sắt, sau này khi ông dùng xác châu chấu nghiền nát để làm thuốc viên lừa mọi người, chính ông đã dùng con lăn này để nghiền châu chấu đúng không? Căn phòng ở phía tây có hai cánh cửa ra vào mỏng tang, bên trong phòng có một chiếc giường. Gần với quầy thuốc, trong góc phòng phía tây nam ông còn đắp một chiếc lò nhỏ, miệng hướng về phía bắc, ở trên đó thường xuyên có một chiếc nồi sắt ông dùng chiếc nồi này để sắc thuốc, cũng không biết bao nhiêu là thang thuốc giả hiệu đã được sắc trong chiếc nồi này. Trong nhà rất sạch sẽ, giường chiếu luôn luôn gọn gàng ngăn nắp. Trong phòng còn có bình trà tách trà, bình rượu cốc rượu, hiệu thuốc cũng là nơi ông chẩn bệnh, hoặc ít nhất nó cũng gần là như thế, cháu nói có đúng không? (Ông Tứ gật đầu nhè nhẹ). Thôi được rồi, vở kịch đã bắt đầu, sân khấu là hiệu thuốc, diễn viên chính là ông và người đàn bà trẻ nhưng có lẽ cũng nên bố trí một vài vai diễn quần chúng.
Đó là Vào một buổi sáng tháng tư. Những ngọn gió xuân nồng ấm tựa như những sợi tơ bông thổi đến, mặt trời sáng đến lóa mắt, hoa nở trắng như tuyết cây trên hòe già trong sân, mùi thơm đến độ tức thở, hàng nghìn cánh ong say sưa với mật hoa, sân vườn đầy ong như những vì sao băngvút qua vút lại. Trên tường nhà ông có khoét mấy lỗ hổng, lỗ hổng được đậy lại bằng những miếng ván mỏng và đó chính là những tổ ong mật, chúng đang từ những lỗ hổng này bay ra bay vào, chuyên cần tích tụ mật ong.
Trong cái mùa xuân ấm áp, khí hậu trong lành, không gian đầy sức sống như vậy, ai cũng biết, kể cả ông, đó là môitrường tốt nhất để con người dễ dàng kích động xuân tình. Ông không thể nào quên được câu ngạn ngữ: Đàn bà tháng tư nhấc không nổi ngọn cỏ. Tất cả đàn bà như mỏi mệt, không có chút sức lực nào, đôi mắt ngây dại thẫn thờ, trông ai cũng có dáng dấp của một Dương Quý Phi vừa rời khỏi bồn tắm. Thân thể của họ như căng lên trông chờ một bàn tay ve vuốt của đàn ông, đất đai phì nhiêu nhưng hạn hán trên thân thể họ chờ những cơn mưa móc từ cánh đàn ông. Những điều ấy ông cứ dùng những kiến thức về âm dương ngũ hành của ông mà suy nghiệm sẽ dễ dàng nhận ra.
Do vậy, cháu mới bố trí cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông và cô ấy vào một buổi sáng tháng tư, gió xuân hây hẩy, ánh mặt trời lấp lóa…
Tôi chăm chú nhìn vào gương mặt đang rất tập trung tinh thần nghe tôi nói của ông Tứ. Trên mặt ông không có biểu hiện của trạng thái tình cảm nào, thi thoảng ho lên một tiếng – không phải ho vì nhu cầu sinh lý, mà là muốn che đậy một trạng thái tâm lý nào đó – Này, kể nữa đi! – ông nhắc.
- …Ông ngồi trên chiếc ghế vuông phía sau quầy thuốc, trên tay là cốc trà đỏ sậm màu đất, chậm chạp nhấp từng ngụm nhỏ. Ông đã bắt mạch kê toa xong cho mấy bệnh nhân. Họ móc từ những chiếc túi tồi tàn ra những đồng bạc nhàu nát đưa cho ông. Ông cầm lấy và vất vào một chiếc hộp gỗ đặt bên cạnh. Hiệu thuốc của ông nằm bên cạnh đường cái, ánh mắt của ông vượt qua bức tường thấp vây quanh khoảnh sân hẹp và dừng lại trên con đường đất đỏ bụi bặm để quan sát người và xe cộ đi lại trên đường; ngắm nhìn chim bay trên trời cao và thú vật chạy nhảy dưới đất trong những làn gió xuân ấm áp. Hương thơm của các loài hoa dại trên đầm lầy hòa quyện với mùi thơm của bông lúa mạch bảng lảng trong đất trời. Ông đang cố gắng xua đuổi thứ mùi hoa hòe quá nồng, xua đuổi thứ mùi thơm đậm đặc của loài hoa thược dược mọc san sát hai bên đường kia ra khỏi khứu giác của mình để tham lam hít thở thứ mùi hương hoang dại thoang thoảng ấy. Đúng như người ta thường nói: Hoa nhà không thơm bằng hoa dại! Không yêu gà nhà chỉ yêu gà hoang là một quy luật nghìn đời, đàn ông ai cũng thế cả, là một bản năng có tính di truyền. Ông đang nhâm nhi tách trà và cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng vô vị. Ông căm ghét mùi đồng gỉ phả ra từ miệng của bà, bà lại từ chối nhai rễ cỏ tranh. Mùi vị quái ác từ miệng bà phả ra khiến ông ghét lây cả thân thể bà, do vậy mà ông không có chút cảm hứng nào khi tiếp xúc với thân thể của bà. Những nhu cầu chung đụng khiến nhiều khi bà rên lên những tiếng quái dị trong lúc tỉnh cũng như lúc ngủ mê càng làm ông thêm chán ghét. Những lúc buộc lòng phải chung đụng thể xác, hình như ông không có chút cảm xúc nào, thậm chí là phản cảm… Trong thời khắc ấy, người đàn bà ấy đã xuất hiện trên đường.
Người đàn bà ấy đã xuất hiện trên đường, lòng bàn tay đang bóp chặt chiếc cốc trà của ông bỗng nhiên túa mồ hôi dầm dề. Ông quan sát chiếc váy màu đỏ sậm của bà ấy và cảm thấy đó là một ngọn lửa u uất đang bùng cháy. Bà ấy đưa tay đẩy cánh cổng khép hờ, đôi chân nhẹ nhàng tiến đến. Ong mật liệng vòng trên đầu tóc, bà ấy đưa bàn tay có cầm một chiếc túi vải màu đỏ nho nhỏ lên như muốn xua đuổi đàn ong. Một con ong bị chiếc túi đập trúng rơi xuống đất, đôi cánh đập liên hồi nhưng vẫn không nhấc nổi mình lên khỏi mặt đất. Ông đặt cốc trà xuống, chống tay lên quầy đứng dậy, tim ông đập thình thịch, mắt ông trân trân nhìn gương mặt đỏ gay, tập trung vào cái miệng rộng có đôi môi đỏ sậm màu hoa hồng và đôi mắt ướt lúng liếng của người đàn bà. Rồi đôi mắt ông lướt xuống phía dưới, dừng lại ớ bộ ngực và những dục niệm trào dâng trong lòng khiến đôi mắt ông như muốn lột sạch quần áo trên người bà ấy. Theo thói quen, ông sẽ nhìn đôi bàn chân của bà ấy một cách soi mói, chân bà ấy mang đôi giày vải thêu hoa trông rất sạch.
Bà ấy đã bước vào trong hiệu thuốc, sợ sệt cung kính kêu một tiếng “tiên sinh”. Ông chẳng thèm trả lời, chỉ chăm chú nhìn bà ta. Bộ dạng của ông lúc ấy trông thật đáng sợ: đôi mắt liếc xéo phóng ra những tia nhìn vàng rực như lửa; miệng há hốc, nước dãi chảy xuống đến tận dưới cổ. Ông tổ à, lúc ấy trông ông chẳng khác nào một con chó đực đang phát dục tình, hận một điều là không nuốt được bà ấy vào bụng thôi. Bà ấy lại rụt rè kêu lên một tiếng “tiên sinh” nữa ông mới giật mình thoát khỏi cơn mê, tạm thời tỉnh lại. Bà ấy bảo, thân thể bà ấy đau nhừ, khó chịu, ông bảo bà ấy ngồi xuống chiếc ghế rất cao đặt bên ngoài quầy thuốc. Bà ấy ngồi xa quá, ông bảo bà xích lại gần, gần thêm tí nữa. Bà ấy riu ríu vâng lời, xích lại gần hơn. Bụng bà ấy tì hẳn vào thành của quầy thuốc, đôi chân của bà ta phía bên dưới cũng vươn vào đến giữa quầy. Ông cảm thấy hai đầu gối của mình đang chạm vào hai đầu gối tròn tròn của bà ấy, ông thấy mặt bà ấy có vẻ căng thẳng, đỏ rần lên, tiếng thở bà ấy rất gấp khiến hai bầu vú như hai con thỏ hoang đang thời động dục nhô lên thụp xuống liên tục. Tay ông túa mồ hôi dầm dề, ông cắn chặt môi, tạm thời cố gắng ép nhưng suy nghĩ tà niệm xuống, cầm chiếc gối độn bằng hạt kê đặt lên giữa mặt quầy, bảo bà ấy đặt cổ tay lên đấy. Cổ tay bà ấy để ngửa, năm ngón tay nhỏ và thon run lên nhè nhẹ. Ông dùng ba ngón tay đặt lên cổ tay bà ấy. Những ngón tay ông vừa tiếp xúc với cổ tay bà ấy thì đầu óc ông bỗng nhiên biến thành một quả bóng căng đầy hơi, trương phềnh lên, hình như tất cả những con ong mà ông nuôi lúc này đã chui vào hai tai ông. Lý trí ông bắt đầu mất, ba ngón tay ấn trên cổ tay có làn da căng mọng của bà ấy bắt đầu run rẩy, ông cảm thấy tâm trí mình đang bay lên, phiêu diêu trên chín tầng mây nhưng cơ thể ông thì lại chìm xuống dưới đáy đầm lầy trong làn nước đỏ quạch và sâu thăm thẳm.
Bà ấy rút tay về, đứng dậy, lí nhí: Tiên sinh, tôi về đây. Ông lặng người trong một giây và trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy ông cảm thấy có một chút xấu hổ. Trong mơ mơ hồ hồ, ông nhận ra là mình đang vi phạm chức trách thần thánh của một thầy thuốc, đồng thời, ông còn nhận ra là lòng tự tôn của mình đã bị tồn thương, thậm chí còn có một chút hối hận.
Ông ho lên một tiếng để che giấu sự lúng túng. Ông bảo, tôi bị trúng gió, đầu óc hơi choáng váng một tí. Ông nhấp một ngụm trà nguội, đề nghị bà ấy ngồi xuống. Ông đã lấy lại được sự bình tĩnh thường ngày, chăm chú vào công việc bắt mạch cho bà ấy. Mạch trên cổ tay bà ấy đập rất mạnh và rất gấp gáp. Bắt mạch xong tay trái thì chuyển sang tay phải, ông đã nhận ra phần nào bệnh tình của bà ấy. Hơn một nửa đàn bà trong mùa xuân thường mắc phải chứng máu nóng, có thể trị bằng hồng hoa, bạch thược và vài vị thuốc nữa. Ông bảo bà ấy thè lưỡi ra cho ông xem, ông chăm chú quan sát bựa lưỡi của bà ấy. Chiếc đầu lưỡi thật dài và cũng thật đỏ đang động đậy liên tục trong miệng, ông nhận ra trên mặt lưỡi có một điểm vàng vàng. Luồng hơi từ miệng bà ấy phả ra thoạt ngửi dường như có mùi ngao sò tươi nhưng ngửi kỹ thì nhận ra nó có mùi lan, mùi cầy hương. Ông vô cùng ham muốn được ngậm cái đầu lưỡi ấy, chỉ hận là không được cắn đứt nó để nuốt vào bụng.
Xem bệnh xong, ông bắt đầu kê đơn và bốc thuốc. Ông không hiểu là do đâu mà trong khi bốc thuốc, ông luôn luôn cảm thấy lo lắng là mình sẽ cân thiếu thuốc, thậm chí là thiếu một vị thuốc nào đó. Tình yêu thật là vĩ đại, thật là vô tư! Ông tổ ơi, khi một người thầy thuốc mà yêu một bệnh nhân thì bệnh nhân ấy sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt, đúng không?
Bà ấy lôi từ trong chiếc túi màu hồng ra một xâu tiền đồng, lúc ấy tiền đồng còn lưu hành không nhỉ? Ông không cần phải trả lời cháu đâu, chuyện này chẳng có ý nghĩa gì hết. Ông từ chối tiền thuốc của bà ấy, nói là chờ đến khi bà khỏi bệnh hẳn mới lấy tiền. Ông đã bốc cho bà ba thang thuốc, mỗi thang sắc trong hai lần vào sáng sớm và buổi tối. Ba ngày sau, bà sẽ phải quay lại chỗ ông.
Khi bà ấy sắp đi, cổ họng ông như nghẹn lại, ông muốn nói ra một câu rất nóng bỏng nhưng nó mắc cứng ở cổ họng. Ông chỉ còn biết đứng lặng, dùng ánh mắt nhìn theo đưa tiễn đôi mông núng nính nhún nhảy đi ra khỏi cổng trong gió xuân hây hẩy và ánh nắng mặt trời vàng vàng. Bà ấy đột ngột xuất hiện và đột ngột biến mất, ông thống khổ nuốt một ngụm nước bọt, cổ họng ông như có một ngọn lửa đang thiêu đốt, ông dốc ngược ấm trà lên để cho tất cả những giọt nước trà lạnh trong ấy chảy vào cổ họng khô khốc của mình.
Buổi sáng ngày thứ tư cũng vẫn là một buổi sáng không khí mùa xuân tràn trề sức sống. Những cánh én đã quay về từ phương nam đang ngậm những viên bùn màu đỏ từ đầm lầy về làm tổ trên các mái hiên nhà. Ngày ấy, thưa ông, ông dậy rất sớm và có chú tâm ăn mặc chải chuốt khác hơn so với thường ngày. Chân ông mang đôi giày vải đế màu trắng, một đôi vớ cũng màu trắng kéo đến tận bắp chân; một chiếc quần đen ống chẽn, trên người khoác một chiếc áo choàng dài, cạo râu nhẵn thín, vất chiếc mũ hình quả dưa vẫn đội thường ngày để thay vào trên đầu mình chiếc mũ len màu cà phê. Nói tóm lại, trông ông chẳng khác nào một đại tiên sinh làm việc trong nha môn quan phủ. Thấy ông ăn mặc khác thường ngày, bà Tứ đưa cặp mắt hoài nghi nhìn ông dò xét, ông bảo hôm nay có một vị quan lớn trên huyện về khám bệnh, nghiêm khắc yêu cầu bà không được đến hiệu thuốc. Yêu cầu của ông là thừa, bởi lâu nay bà Tứ không hề dám đặt chân đến đó. Ông à, ông chưa kịp làm chuyện bậy bạ thì lòng ông đã trở nên hoảng loạn mất rồi!
Ông ngồi phía sau quầy bốc thuốc bồn chồn chờ đợi. Ong mật đang quần đảo dưới nắng xuân làm thành những đường cong rất mềm mại. Ông không thể hình dung là bà ấy sẽ xuất hiện trước mặt ông với nét mặt tươi cười hay là sầu muộn, bỗng nhiên ông nhận ra rằng ông đã quên mất gương mặt bà ấy, những ấn tượng mà bà ấy để lại trong tâm trí ông vô cùng linh loạn mơ hồ. Ông có thể nhớ được đôi mắt ươn ướt, cái đầu nho nhỏ và vành môi màu đỏ sậm, nhưng để tổ hợp tất cả những cá thể ấy trở thành một khuôn mặt chỉnh thể thì ông đành chịu, tất cả đều mờ mờ ảo ảo ông bị nhấn chìm trong một dung dịch màu đỏ sậm, đó chính là màu của chiếc váy mà ngày ấy bà đã mặc, cái thứ màu đặc quánh chẳng khác nào bùn nhão màu đỏ sậm trên đầm lầy.
Buổi sáng sớm, ông đã quên mất là mình cần phải nhai rễ cỏ tranh. ông cảm thấy hai hàm răng mình đang có một lớp gì đó rất bẩn, do vậy ông vơ vội một nhúm cỏ tranh nhét vào mồm nhai lấy nhai để.
Gần trưa, bà ấy đã xuất hiện trong sân. Kiểu cách xuất hiện của bà ấy thiếu hẳn sắc thái lãng mạn. Ngay lập tức ông cảm thấy suốt cả buổi sáng chờ đợi chằng khác nào khỉ ngồi trên đống than của ông là hoàn toàn vô vị, thậm chí là rất buồn cười. Nghĩ thì như vậy, nhưng tim ông lại đập lên một cách điên cuồng va vào lồng ngực, nhúm cỏ tranh chưa kịp nát đã bị ông dồn xuống cổ họng và như một chiếc lò xo, ông đứng bật dậy, chiếc áo choàng dài vướng vào ấm trà trên bàn kéo nó rơi xuống đất vỡ tan thành trăm nghìn mảnh ông cũng chẳng thèm liếc mắt. Ông lật tấm ván ngăn cách giữa bên trong và bên ngoài quầy thuốc rồi như một đứa trẻ con, ông chạy ra cửa đón bà ấy.
Bộ quần áo trên người bà vẫn như ngày ấy, mồ hôi dầm dề chảy trên mặt, đôi giày lấm láp bụi đường, trông dáng điệu biết bà ấy đang có điều gì gấp gáp và lo lắng.
- Sao bây giờ cô mới đến? – Giọng của ông có vẻ hờn giận.
- Trong nhà có chút việc, không thể tránh được, để cho tiên sinh chờ đợi quá lâu – Vẫn cái giọng như có lỗi ấy lí nhí.
Ông đưa bà ấy vào bên trong quầy thuốc và bảo bà ngồi xuống chiếc ghế của mình, quýnh quáng định rót nước mời, lúc bấy giờ ông mới thấy những mảnh vỡ nằm lăn lóc trên sàn nhà.
Bà ấy nói không khát. ông đứng đó với dáng điệu gò bó bồn chồn, hai hàm răng đánh vào nhau lộp cộp, chân tay thừa thãi không biết đặt vào đâu – Đây là cách biểu hiện những mâu thuẫn trong tâm tình rất thông thường của đàn ông trước khi xông thẳng vào một người đàn bà nào đó. Để cứu vãn tình thế, ông thò tay vào túi lấy một nhúm cỏ tranh bỏ vào miệng.
Khi nhìn thấy ông đang nhai cỏ, bà ấy đưa đôi mắt hiếu kỳ nhìn ông. Nhờ có nhúm cỏ tranh nên đầu óc ông cũng đã tỉnh táo lại phần nào, cảm giác nóng ran đến độ phát run của ông đã tạm lui, chân tay cũng trở nên tự nhiên linh hoạt hơn.
Bà ấy nói bệnh tình của bà ấy đã giảm đi rõ rệt, ông bảo chỉ cần uống vài thang thuốc nữa là hoàn toàn yên tâm.
Ông từ tốn, thân thiết bắt mạch cho bà ấy. Ông nghe thấy nhịp tim của bà đập rất nhanh và rất mạnh, trên gương mặt bà ấy có một cái gì đó chỉ có ông mới có thể nhận ra, nhưng không thể hình dung một cách cụ thể khiến ông như say, như mê.
Khi đưa gói thuốc cho bà ấy, ông thừa cơ nắm lấy chiếc cổ tay đang vươn về phía ông. Gói thuốc rơi xuống đất. Ông kéo bà ấy về phía mình, bà ấy không hề có chút phản kháng nào. Ông tổ ơi, đáng ra ông phải từ tốn hôn vào đôi môi đẹp như cánh hồng ấy, nhưng ông lại không làm thế. Ông quá vội vã. Bàn tay ông như mõm một con lợn đói sục vào bầu vú bà ấy, nếu như động tác của ông nhẹ nhàng êm ái một tí thì có lẽ ông đã thành công. Nhưng ông quá nặng tay, quá thô bạo đến nỗi có cảm giác ông muốn ngắt bầu vú ra khỏi cơ thể bà ấy. Bà ấy giãy giụa để thoát ra khỏi lòng ông, gương mặt đỏ bừng không biết-là do xấu hổ hay giận dữ, ông chỉ còn biết đứng sững sờ nhìn theo bóng hồng xách chiếc túi biến mất trên con đường đầy bụi đỏ.
Ông tổ ơi, ông đã thất bại rồi. Ông thất thần ngồi bên chiếc quầy, lột chiếc mũ len trên đầu xuống vất lên trên quầy. Ong mật vẫn cứ bay đầy trời, hình như vẫn chưa có chuyện gì xảy ra cả, lại hình như tất cả đều đã diễn ra; mùi bùn tỏa lên từ đầm lầy lại xộc vào mũi vào cổ họng ông; con đường gần và đồng ruộng xa xa đều nhuộm một thứ ánh sáng vàng vọt. Ông biết bà ấy chẳng bao giờ quay lại nữa. Hai thang thuốc vẫn nằm lăn lóc dưới đất, khi đứng lên ông đã trông thấy chúng và tiện chân đá một cú, lớp giấy gói thuốc bị xé toạc, rễ cỏ vỏ cây văng tứ tung. Một thang vẫn còn nguyên hình dạng, ông lại càng tức tối đá thêm cú nữa, nó bay vèo đến tận góc phòng và nằm im ở đó, nơi đó có một cái hang chuột. Một con chuột đang ló đầu ra khỏi hang nhìn láo liên thám thính, gặp phải thang thuốc bay vèo tới, nó đưa mũi hít hít rồi chạy biến vào trong hang.
- Nói bậy! – ông Tứ quát lên – Nói bậy! Làm gì có hang chuột và con chuột nào. Ta đá vào gói thuốc hai cú, không phải một cú. Cả hai gói thuốc đều rách toạc. Ta tiếp tục đá gói thuốc ấy vào phía bên dưới quầy thuốc chứ không phải đá vào góc tường!
- Ông tổ Tứ ơi? Đừng nổi nóng. ông hãy nghe cháu tiếp tục kể đây!
- … Sau đó mười mấy ngày, cho dù ông căm hận và tiếc nuối nhưng ông không thể quên được bà ấy. Mỗi lần nghe tiếng bước chân ngoài sân là tim ông lại đập rộn lên. Ông ngủ không ngon giấc, mặc dù mười mấy ngày ấy ông đều ngủ tại hiệu thuốc. Hình như ông đang chờ đợi một kỳ tích sẽ phát sinh, ban đêm ông thường gặp bà ấy trong giấc mơ, còn mơ thấy cả bà ấy cùng lên giường với ông, vẫy vùng thoải mái như cá gặp nước. Tinh thần ông lúc nào cũng hoảng hoảng hốt hốt, lại thường xuyên bị di tính. Để tự cứu lấy mình, ông uống rất nhiều thuốc viên vàng vàng hỗn hợp đến sáu vị thuốc, củ thục địa làm cho hai hàm răng ông trở nên vàng xỉn.
Kỳ tích cuối cùng cũng đã xuất hiện, ông Tứ ơi, ông hãy nghe cho rõ nhé. Kỳ tích xuất hiện đúng vào đầu tháng năm, vào một buổi hoàng hôn – không, phải là sau khi ăn cơm tối xong một lát. Cái không khí nóng bức của ban ngày vẫn còn lưu lại trên mặt đất nóng hầm hập, gió mát thổi từ đầm lầy đến, sương đã bắt đầu giăng. Ông ngồi dưới gốc cây hòe, tay phe phẩy chiếc quạt bện bằng sợi cỏ bồ để xua những con muỗi đang vo ve chung quanh ông. Ông nghe thấy có tiếng ai đó đập nhẹ vào cánh cổng. Không giấu được vẻ phiền lòng,ông lên tiếng:
- Ai đó?
- Là tôi đây, thưa tiên sinh! – Một giọng đàn bà rất nhỏ và rất nhẹ.
- Ông tổ ơi! Sau khi nghe thấy giọng nói của bà ấy, ông sướng muốn điên lên, ông bị kích động. Ngôn ngữ của cháu vô cùng hữu hạn và cộc cằn không thể biểu đạt hết những biểu hiện của ông lúc ấy. Ông không có cánh nhưng ông lại bay ra đến cổng. Ông gấp gáp và run rẩy đến nỗi không tìm ra được cái chốt khóa cánh cổng.
Cuối cùng thì cánh cổng cũng được mở ra, như một ánh chớp, ông lao ra ngoài ôm bà ấy vào lòng. Hai cánh tay ông cơ hồ như muốn làm cho xương cốt bà ấy gãy vụn. Chỉ một cái ôm này thôi mà thời gian đã kéo dài đến độ hút tàn điếu thuốc ông mới dìu bà ấy đi vào nhà. Lúc ấy ông to cao hơn bây giờ nhiều, bà ấy lại nhỏ bé lung linh, ông ôm bà ấy chẳng khác nào ôm một con cừu non hiền lành và biết vâng lời. Ông đặt bà ấy lên giường, thắp chiếc đèn dầu lên. Bà ấy nằm bất động trên giường, chẳng khác một người đã chết, những giọt nước mắt trong veo trào ra khói khóe mắt và chảy dài theo thái dương. Lòng ông có chút trù trừ do dự, nhưng cuối cùng ông cũng không thể khuất phục được dục niệm đang trào dâng. Tay ông run run cởi những hạt cúc trên áo bà ấy, hai bầu vú như hai ngọn núi nhỏ đứng vổng lên trước mắt ông. Ông ngước đầu lên, còn bà ấy thì như một con cá chép quẫy mạnh, một tiếng rên nhỏ kèm theo một tiếng thở dài. Đèn tắt. Hai cánh tay điên cuồng của bà ấy chồm lên thít chặt lấy cổ ông, mùi hoa lan lẫn với mùi cầy hương phả ra từ miệng bà bao bọc lấy mặt ông và ông ngất ngây trong mùi vị tươi nguyên ấy. Ông nghe thấy bà lắp bắp như mê sảng: Tiên sinh… tiên sinh!… Thanh âm sao mà xa xăm, sao mà mông lung. Hình như ông đang chìm xuống đáy sâu của đầm lầy,chung quanh mình toàn là bùn đỏ, bên tai như có những tiếng lách tách rất quen thuộc của những chiếc bong bóng hơi nổ khi nổi lên trên mặt đầm lầy…
Ông Tứ khịt khịt mũi. Tôi trông thấy ông đưa bàn tay nhăn nheo và to sụ lên chùi hai giọt nước mắt già nua đọng dưới vành mi.
- … Ông tổ ơi, ông động lòng rồi sao?
Hồi tưởng quá khứ luôn luôn làm cho người ta cảm thấy buồn bã thê lương. Năm mươi năm đã qua, những gì phong lưu nhất của một đời người đã bị gió mưa làm cho hao gầy, tuổi xuân một đi không trở lại, con đường ẩn ẩn hiện hiện dưới lớp cỏ dày đang chìm trong sương mù dày đặc, thấp thoáng trong sương mù là một đóa hoa dại vươn lên cao khỏi lớp cỏ xanh rờn. Đó chính là con đường để ông đi đến đây vào lúc này.
- … Ông tổ Tứ ơi, ông đừng khóc, ông hãy tiếp tục nghe, nghe thật chăm chú những lời cháu nói nhé. Bữa nay cháu phải đem những gì âm ám – gạo mốc vừng nát – để kể ra hết. Đêm ấy, sau khi cơn mây mưa điên cuồng đi qua, lòng ông rối như tơ vò với bao nhiêu tâm tình phức tạp đan cài vào nhau. Hình như ông đã chiếm được một cái gì đó rất quý giá nhưng đồng thời lại có cảm giác mất đi một cái gì đó ngang bằng về giá trị. Lòng ông sản sinh một cảm giác hạnh phúc thê lương. Cháu quá văn chương phải không? Cháu quá tô vẽ phải không? Đêm ấy, ông dìu bà ấy đi qua chiếc cầu đá đung đưa, bước vào nhà bà ấy. Bố chồng bà ấy lâm bệnh nặng, bà ấy đến chỗ ông là muốn mời ông đến khám bệnh cho bố chồng, đương nhiên khi quyết định đặt chân vào hiệu thuốc, bà ấy không phải không tưởng tượng được những gì sẽ phải xảy ra, bà ấy đến là vì một công đôi việc, một mũi tên bắn trúng hai mục tiêu. Mười mấy ngày qua e rằng bà ấy không đêm nào chợp mắt, một thiếu phụ đang độ xuân tình thủ tiết thờ chồng đã lâu trong những đêm xuân tháng tư đã bị ông kích thích bản năng tình dục, trước sau gì cũng sẽ đến dâng thân xác cho ông thôi, hơn nữa ông – Tứ lão gia thời thanh niên lại là một nhân tài. Bố chồng bà ấy đang thở khò khè, bộ râu giống râu sơn dương trông rất ma quái. Ông bỗng nhiên nhận ra đôi mắt của lão già như hai con dao cực sắc đang cắt vào da thịt ông.
Ông Tứ ơi, bây giờ cháu sẽ bắt đầu vạch trần một án giết người đầy tội ác đây! Một thầy thuốc đông y thông gian với một người con dâu, vật cản đường lớn nhất là lão bố chồng. Lão già này giống như một con chó già đã mất khả năng giao phối đang dùng đôi mắt đố kỵ để giám sát một con chó cái non tơ, do vậy mà vị thầy thuốc nọ đã lợi dụng cơ hội trị bệnh đề ra tay. Trong một thang thuốc, ông ta đã bí mật cho vào đó một ít…
Một tiếng uỵch đột ngột vang lên. Ông Tứ – chín mươi tuổi ngã lăn ra đất.
Tôi đỡ ông đứng dậy, ấn huyệt nhân trung, huyệt bách hội. vỗ vào má, đánh vào mông, xoa vào ngực, loay hoay một đỗi lâu, ông Tứ – toàn thân đang dựa hẳn vào vai tôi mới thở hắt ra một hơi, tỉnh lại. Vừa trông thấy mặt tôi, khuôn mặt nhăn nheo của ông bắt đầu co giật, nhắm mắt lại có vẻ sợ hãi, lắp bắp:
- Đồ ma quỷ… đồ… tạp chủng… Mày đã … thành tinh…sao?
Sau đó, ông Tứ yêu cầu tôi đem ông đi giao cho công an để họ lôi ông ra đầu thôn phía nam bắn bỏ. Trông ông có vẻ rất chân thành, tôi cũng tin là ông chân thành, nhưng làm sao tôi lại bán đứng một trong những ông tổ của dòng họ nhà tôi? Nhân tình còn lớn hơn cả vương pháp nhiều! Để an ủi ông, tôi nói:
Lão tổ tông ơi! ông đã chín mươi rồi, còn phải lãng phí một viên đạn sao? Ông cứ chờ lão già có bộ râu sơn dương ấy đến đòi mạng thôi!
Chẳng qua là tôi buột mồm mà nói ra thôi nhưng lại linh nghiệm đến kinh người.
Đến lúc này tôi vẫn còn ân hận. Đáng ra tôi không nên nói ra những lời lột da như thế với ông Tứ, tuy rằng trong cái gia tộc ăn cỏ tranh của chúng tôi không hề có sự phân biệt nam phụ lão ấu, ai cũng có quyền nói, cũng có quyền trêu đùa nhau. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi lâm chung, ông Tứ ngồi cả ngày dưới mặt trời, lưng tựa vào bức tường thấp quanh sân trầm tư suy nghĩ, ngay cả thói quen đi ra đồng đại tiện cũng bị ông vất bỏ. Trong những ngày ấy, châu chấu cũng đã lớn lên rất nhanh, dài độ một phân, trước khi chiếc máy bay đến, châu chấu như những làn sóng bay liệng khắp nơi. Dựa lưng vào tường, toàn thân ông Tứ bám đầy châu chấu nhưng ông cũng chẳng buồn quan tâm. Những người trong gia tộc đều đã nhận ra sự thay đổi kỳ lạ của vị tổ này nhưng không biết nguyên nhân vì đâu, đây là bí mật của tôi. Mẹ tôi bảo: Ông tổ Tứ không còn sống mấy ngày nữa đâu! Nghe mẹ nói, tôi cảm thấy tội trạng của mình càng nặng thêm.
Ông Tứ ngồi tựa lưng vào tường, cảm nhận được châu chấu đang bò khắp người ông và nghĩ đến dịch châu chấu cách đó năm mươi năm. Tất cả đều hiện ra trước mắt, bao gồm cả việc ông viết đơn bỏ vợ, kể cả màu sắc của tờ giấy viết đơn. Đó là một tờ giấy Tuyên màu vàng nhạt. Ông Tứ đã dùng một kiểu chữ rất độc đáo của riêng ông, kiểu chữ ông vẫn thường viết khi kê đơn bốc thuốc để viết vài chục chữ trên tờ giấy Tuyên màu vàng. Lúc ấy đã cách ngày ông phát hiện châu chấu xuất thổ khoảng hơn một tháng, những ngày nóng bức của mùa hè đã lên đến đỉnh điểm, ngôi miếu Ba Lạp ở đầu thôn đông cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn công đoạn cuối cùng là trang trí nội thất.
Di tích ngôi miếu Ba Lạp hiện tại vẫn còn, sau năm mươi năm gió táp mưa sa, tường miếu đã đổ, ngói đã vỡ gần hết, trên mái phân chim đóng dày cả lớp, cỏ dại cũng đã mọc đầy trên mái.
Ngôi miếu không lớn lắm, hình chữ nhật giống như những chiếc mũ các đạo sĩ vẫn đội trên đầu. Nếu ông Tứ leo lên đầu tường quanh sân nhà, ông vẫn có thể trông thấy ngôi miếu Ba Lạp xa xa.
Viết xong lá đơn bỏ vợ, ông Tứ rời khỏi hiệu thuốc, men theo con đường cái lớn, đầu đội ánh sáng mặt trời, tai nghe tiếng rào rào như mưa xối từ ngoài đồng vọng lại – đó là âm thanh của hàng triệu con châu chấu đang gặm nhấm hoa màu cây cỏ ngoài đồng – đi đến công trường xây miếu. Tâm trạng của ông rất nặng nề, suy cho cùng cũng là một thời chồng vợ, cho dù bà ấy có nghìn vạn điều hư, nhưng lại có một điểm tốt, và điểm tốt này đang như một chiếc dùi chọc vào trái tim ông. Khi ông cầm bút viết đơn, trước mắt ông thấp thoáng gương mặt máu me bê bết của gã thợ hàn, trong lòng ông có một cảm giác lành lạnh. Sau đêm ấy, gã thợ hàn không hề xuất hiện trong làng nữa, nhưng khi ông Tứ đến thôn Sa Lưu Khẩu để thăm bệnh đã từng giáp mặt với gã trong một con ngõ nhỏ: Mặt mũi gã lầm lì dữ tợn, một con mắt dúm dó, mí mắt trùm lên hốc mắt. Con mắt còn lại sáng trưng như điện, trên trán vẫn còn mấy vết thương chưa kịp lành. Lúc ấy, ông Tứ lo lắng giữ chặt lấy dây cương, hai chân kẹp cứng vào hai bên mạng sườn con lừa. Ông có cảm giác gã thợ hàn độc nhãn kia đang phát ra những ánh mắt xanh lè và sắc nhọn như những mũi tên găm thẳng vào đầu ông. Nhưng gã chỉ nhìn ông rồi vội vã quay người biến mất sau một bức tường leo bám đầy những dây bầu dây bí. Ông Tứ dang hai tay ôm chặt lấy cổ con lừa, đôi mắt hoa lên khá lâu. Từ đó, một vết thương đã hình thành trong lòng ông, mỗi lần nghĩ đến gã thợ hàn và gương mặt đáng sợ của gã là vết thương ấy lại như bị kim chọc vào, nhức nhối không thể tả.
Có mấy chục người thợ ở những nơi khác đang tụ tập làm việc trên công trường xây miếu. Ông Tứ thuê thợ từ các nơi đến chứ không dùng người trong gia tộc chắc chắn có những dụng ý riêng. Tôi không dám suy đoán chuyện này là do là ông Tứ cố ý sắp đặt để dễ dàng biển lận công quỹ mà chỉ nghĩ là do ông muốn có những người thợ có tay nghề cao hơn để góp công vào việc xây miếu mà thôi. Cho dù có phải chửi Phật mắng tổ, cho dù thiên lôi có đánh vào tôi năm bảy lần tôi cũng phải nói là do ông Tứ biểu hiện sự tôn kính đối với thần châu chấu nên đã quyết tâm xây dựng ngôi miếu cho tinh xảo hoàn mỹ; cũng có thể là do một quan niệm rất thịnh hành thời bấy giờ là “bụt chùa nhà không thiêng”, “chỉ có sãi từ xa đến mới biết niệm kinh” đại loại như thế chi phối chăng? Nếu ông Tứ cả gan làm những điều nghịch tặc không như những suy đoán ấy, ắt sẽ gánh lấy hậu quả một mình.
Tường và cổng miếu được sơn màu son, dưới ánh mặt trời rực rỡ đến lóa mắt, mái lợp bằng loại ngói vảy cá đỏ rực. Những người thợ đang bắt đầu tháo giỡ giàn giáo. Trông thấy ông Tứ đến, người chủ thầu ngẩng đầu, bước đến gần mời ông một điếu thuốc lá mà ông chưa hề thấy qua bao giờ có hiệu là ” Lục pháo đài”. Ông Tứ hút điếu thuốc một cách vụng về khói thuốc tuôn vào cổ họng quá đậm đặc, khiến ông ho lên sù sụ, tim ông hình như nhói lên thì phải. Ông vứt điếu thuốc, nhón một nhúm rễ cỏ tranh cho vào miệng. Rễ cỏ tranh ngòn ngọt thấm vào chân răng, vào cuống họng ông. Ông Tứ nhón một nhúm nữa, rất trang trọng mời người chủ thầu, ông ta rất hiếu kỳ đưa nhúm cỏ tranh lên quan sát nhưng không hề có ý định cho vào miệng. Mặt ông Tứ thoáng một vẻ không bằng lòng khiến người chủ thầu vội vàng cho vào miệng, nhai một cách miễn cưỡng, có vẻ đau khổ vô cùng, hai chiếc quai hàm rất vuông và to chuyển động một cách chậm chạp. Bỗng nhiên ông Tứ phát hiện người chủ thầu này rất giống một con châu chấu to tướng.
- Tộc trưởng! Tôi đã hiểu vì sao ông phải xây dựng ngôi miếu này! – Người chủ thầu nói một cách quỷ quyệt.
- Ông nói đi, vì sao? – Ông Tứ ngừng nhai cỏ, hỏi dồn. Người chủ thầu nói, ông ta phát hiện khi nhai cỏ tranh, ông Tứ rất giống một con châu chấu, không những thế, tất cả những người trong gia tộc ăn cỏ này trên mặt đều phảng phất hình dáng của loài châu chấu.
Không biết ông Tứ biểu thị sự phản đối hay tán đồng câu nhận xét của người chủ thầu. Ông ta mời ông Tứ vào bên trong miếu để xem bức tượng thần Ba Lạp bằng gốm. Ông Tứ theo chân người chủ thầu bước qua chiếc cửa sơn màu son.Một con châu chấu cực to đang nằm ngang chễm chệ trên một chiếc bệ cao. Bất giác ông Tứ lùi lại mấy bước. Trong lòng ông lại nổi lên một cảm giác sợ hãi và tôn kính với loài châu chấu bé nhỏ này.
Hai người thợ gốm đang trang điểm cho tượng thần châu chấu. Có lẽ họ đã nghiên cứu rất kỹ màu sắc cũng như cơ thể của loài châu chấu nên bức tượng vị thần châu chấu đang nằm trên bệ kia trông chẳng khác với hàng triệu con châu chấu đang gặm nhấm ngoài đồng là bao, có điều sắc thái thì không hoàn toàn như nhau. Phía trước mặt của tượng thần, trên một tấm ván có mấy chục xác châu chấu. Đồng bọn của chúng đang có mặt trên khắp những cánh đồng hoa màu, trên đồng cỏ hoang, trên đầm lầy của vùng Đông Bắc Cao Mật, trong khi chúng đang gặm nhấm tất cả những gì có thể gặm nhấm được thì mấy chục con lại nằm đây, con bị đứt đầu, con bị mổ bụng, con bị chặt chân… trên tấm ván. Trong lòng ông Tứ âm thầm hình thành một mối thù địch với hai người thợ gốm. Ông nhìn cả hai, thầm đánh giá: một người khoảng trên sáu mươi, gầy như que củi, nước da vàng ệch trông giống hệt một con gà trống già bị vặt trụi lông. Người con lại là một thằng bé con khoảng mười ba mười bốn tuổi, cũng gầy không kém, nước da cũng vàng, trông nó lại giống một con gà trống chưa mọc đủ lông cánh. Mặt của cả hai đều bị màu sơn làm cho lốm đốm, đôi mắt cả hai đều có vẻ hung tợn, giảo quyệt, miệng của cả hai đều nhọn khiến ông Tứ nghĩ họ không phải là người. Nhìn tổng thể, ông Tứ thoáng nghĩ, cả hai đều có thể là những con gà trống thành tinh, họ đến đây không phải là để xây miếu mà là để ăn châu chấu! Những con châu chấu nằm trên tấm ván kia chính là đồ thừa của họ bỏ lại. Ông Tứ trông thấy trong đống châu chấu ấy vẫn còn có một con đang sống, nó đang gắng gượng những chiếc chân trông còn khỏe lắm mặc dù không thể nhúc nhích được thân mình. Thì ra có một chiếc kim đã đâm xuyên qua bụng nó và ghim chặt nó xuống tấm ván.
Đôi mắt ông Tứ đầy phẫn nộ nhìn hai người một già một trẻ đang quét sơn cho tượng châu chấu. Cả hai hình như không biết gì, điềm nhiên với công việc. Thằng nhỏ đang dùng một chiếc cọ tô vẽ trên đôi cánh còn lão già thì đang loay hoay với cây bút nhỏ để vẽ đôi mắt cho tượng châu chấu.
Ông Tứ bước đến bên cạnh tấm ván, do dự giây lát rồi đưa tay rút cây kim đang găm vào tấm ván ra, con châu chấu bị cây kim xuyên qua giãy giụa.
Con châu chấu này khá lớn, dài khoảng hai phân. Lúc này trên đồng đã có hàng triệu con như thế này, toàn thân màu đỏ sậm, chiếc đầu cực to, phần bụng thon nhỏ, thể hiện một tiềm lực sinh trưởng rất mạnh mẽ có thể tính thành từng giây từng phút. Trên cổ chúng có hai chiếc cánh dày trông chẳng khác gì những cô gái Nhật Bản mang địu ở trên lưng.
Con châu chấu bị cực hình vẫn đang giãy giụa trên chiếc kim, bụng nó co thắt, miệng nó nôn ra một thứ nước màu xanh. Ông Tứ bỗng cảm thấy chán ghét con châu chấu khi nhìn thấy cái bụng đầy nhục cảm của nó đang động đậy. Nó đang đạp mạnh những chiếc chân sau để giải phóng mình ra khỏi chiếc kim đầy sỉ nhục của loài người. Miệng nó đang rỉ ra những giọt nước màu xanh cuối cùng. Đó chính là máu và nước mắt, là kết tinh của sự phẫn nộ và đau đớn. Ông Tứ có vẻ khiếp hãi khi đưa hai ngón tay nắm vào chiếc đầu của nó, hình như đôi mắt của nó vẫn đang chuyển động dưới đầu ngón tay ông, cổ nó bị kéo ra để lộ niêm mạc màu trắng sữa. Nó đạp mạnh hai chân sau, rướn người về phía trước để thoát khỏi sự đau đớn ở trên đầu, hai chân sau nó đạp vào ngón tay ông Tứ. Giống như một người đang lặn dưới nước, khi tiếp xúc với đáy sông thì dùng chân đạp mạnh để ngoi lên, nó đạp thật mạnh và cổ nó đứt lìa, đầu vẫn còn bị kẹp giữa hai ngón tay ông Tứ, thân nó đã rơi xuống đất. Con châu chấu đã hy sinh đầy vinh quang! Sức sống trong cơ thể nó vẫn chưa hoàn toàn chết hẳn, con mắt bị kẹp giữa hai ngón tay ông Tứ vẫn đảo thêm mấy cái nữa, thân hình dưới đất của nó còn giãy thêm mấy cái nữa, những cú giãy đầy tuyệt vọng.
Ông Tứ vứt chiếc đầu con châu chấu ra xa, nhặt chiếc kim còn dính với thân sau của nó lên, đứng lặng trong giây lát ông cảm thấy ngón tay ngứa ngáy, đó chính là dư âm của những chiếc chân châu chấu đạp vào để lấy sức rướn người về phía trước.
Hai người thợ đã vẽ xong màu vào bức tượng thần châu chấu, người chủ thầu lên tiếng gọi ông Tứ. Như người chợt tỉnh khỏi cơn mộng, ông Tứ nghe thấy câu nói đầy âm ám, lạ lùng của người chủ thầu:
- Tộc trưởng, ông xem, có giống không?
Hai người thợ sơn tránh ra phía sau. Thần châu chấu rực rỡ lóa mắt. Ông Tứ muốn quỳ sụp xuống mà lạy.
Tượng thần châu chấu dài 170 phân, cao 40 phân đang nằm trên một chiếc bệ thờ xây gạch, quả nhiên rất uy nghiêm hùng vĩ, sinh động như thật, dường như nó có thể bay vù lên bầu trời bất cứ lúc nào. Hai người thợ gốm trông như hai nghệ thuật gia không hoàn toàn trung thành với nguyên mẫu nên khi tô màu, họ đã dùng màu xanh lục hơi nhiều trong khi hàng triệu con châu chấu đang hoành hành trên đồng đều có màu đỏ sậm. Ông Tứ nhớ rằng, con châu chấu chúa có khả năng biến hóa thành người trong giấc mộng của ông cũng có màu đó sậm, không phái màu xanh lục. Đây chính là chỗ ông Tứ không bằng lòng lắm với tượng châu chấu thần này.
- Màu sắc không đúng! – ông Tứ nói.
Người chủ thầu liếc nhìn hai người thợ gốm.
Đây là vua châu chấu – Người thợ già nói – không phải là một con châu chấu bình thường. Cũng giống như hoàng đế thì mặc áo bào vàng, văn võ quần thần không thể mặc áo bào vàng; châu chấu có màu đỏ sậm, nếu vua châu chấu cũng màu đỏ sậm thì lấy tiêu chí nào để phân định quý tiện, cao thấp?
Ông Tứ cảm thấy lời lão thợ gốm rất có lý nên không bàn thêm gì về vấn đề màu sắc nữa mà quan sát thật kỹ vẻ uy nghi thể hiện rất rõ trên toàn bức tượng.
Bức tượng lấy màu xanh lục làm chủ đạo, giữa trán có một nếp nhăn màu vàng nhạt lốm đốm những chấm nhỏ màu đen. Đầu nó trông giống một chiếc thớt bằng sắt dựng đứng, hai con mắt to như trứng ngỗng. Lão thợ gốm đã tô màu cà phê cho đôi mắt vua châu chấu, không biết lão ta đã dùng kỹ thuật gì mà khi nhìn vào mắt nó, người ta dễ dàng cảm nhận được có một luồng ánh sáng vàng phát ra. Hai chiếc xúc tu của nó giống như đuôi chim trĩ, màu trắng sữa, đầu mút màu đỏ vểnh cao trên đầu. Ông Tứ thích nhất là hai chiếc chân sau to khỏe như hai bắp tay đứng sừng sững với hai hàng gai cứng và trắng nhỡn như răng chó của nó…
Ngày khánh thành miếu cũng là ngày tế vua châu chấu, nhiệm vụ vinh quang – đưa bà Tứ trở về nhà cha mẹ đẻ vì đã phạm tội thông dâm rơi vào tay con người gan dạ nổi tiếng là ông Cửu. Sau khi ăn cơm sáng, ông Cửu lôi con lừa gầy của ông Tứ ra, cầm một chiếc thổi cùn cọ phủi những phân và bùn đất dính trên mình nó rồi phủ một tấm vải bố dày lên trên lưng.
Ông Cửu dắt lừa bước vào sân, đến bên cửa sổ, ông cười nhăn nhở gọi:
- Chị Tứ ơi, đi thôi! Tranh thủ đi sớm cho mát!
- Chỉ nghe bà Tứ ới một tiếng trả lời, nhưng chờ mãi vẫn không thấy xuất hiện.
Đi thôi đi thôi! Có phải là cô dâu mới lên kiệu đâu!- Ông Cửu nói lớn.
Bà Tứ thướt tha rời khỏi nhà. Vừa trông thấy bóng dáng bà, đôi mắt ông Cửu như ngây ra, đứng sững như trời trồng. Sau này ông Cửu bảo ông Tứ là kẻ có mắt không tròng, chỉ ưa làm chuyện càn quấy; ông Tứ căn bản không biết bà Tứ mỗi khi trang điểm vào thì đẹp như thế nào, người trắng nõn như một tảng mỡ dê, khuôn mặt hồng hào và xinh đẹp như một đóa phù dung, lúc bị bỏ, bà vẫn chưa đến ba mươi tuổi, tuy không nhai cỏ tranh nhưng hàm răng vẫn trắng đều tăm tắp. Lúc này bà Tứ ưỡn ngực thật cao bước đến trước mặt ông Cửu, đôi bầu vú như sắp đụng vào mặt ông. Ông Cửu bị hoa mắt, lùi về sau mấy bước liền.
- Chú Cửu, anh Tứ của chú đâu? – Giọng hỏi của bà Tứ thật bình tĩnh.
Lưỡi ông Cứu như líu lại, lắp bắp:
- Anh Tứ… anh ấy… à, anh ấy đi khánh thành miếu rồi!
- Chú đi gọi ông ấy về đây cho tôi!
- Nhưng anh ấy đi khánh thành miếu và tế thần châu chấu rồi…
- Chú đi gặp ông ấy, bảo tôi có lời cần nói với ông ấy. Nếu ông ấy không về, tôi sẽ đốt ngôi nhà này!
Ông Cửu hấp tấp nói:
- Chị Tứ, chị đừng làm thế, tôi đi tìm anh ấy về ngay!
Ông Tứ đang chỉ huy mọi người sắp đặt và chuẩn bị những đồ tế lễ tế thần nhưng trong lòng vẫn đang nghĩ về những chuyện ở nhà. Ông Cửu lạch bạch chạy tới, ghé vào tai ông, thầm thì mấy câu, nghe xong ông Tứ bảo ông Cửu hãy quay về trước.
Vừa bước vào sân, ông Tứ đã trông thấy bà Tứ ngồi trên một chiếc ghế vuông ở giữa sân, đôi mắt nhắm nghiền, gương mặt trang điểm son phấn được ánh nắng chiếu vào trông thật rực rỡ. Ông Tứ ho nhẹ một tiếng, bà Tứ mở mắt nhưng không nói gì, trên mặt chỉ điểm một nụ cười nhẹ, đôi hàm răng lấp lóa, đôi môi đỏ hồng, xinh đẹp bội phần, trông chẳng khác nào những cô gái trong tranh vẽ.
Trái tim ông Tứ nhói lên như có mũi đao chích vào, ông lảo đảo như chực ngã.
- Bà… sao bà vẫn chưa đi…?
Ông Tứ! – Bà Tứ nói – Người ta thường nói một ngày nên vợ chồng nghĩa nặng tựa như non, trăm ngày nên vợ chồng nghĩa sâu như biển. Mười tám tuổi tôi về làm vợ ông, đến nay đã được mười một năm, tôi ra đi là không bao giờ quay lại, lẽ nào ông không nói được với tôi lấy một câu cuối cùng sao?
- Bà muốn tôi nói điều gì? – ông Tứ cố tạo cho giọng mình thật đanh thép hỏi.
- Ông Tứ, lần này là ông đã giết chết tôi một cách vô cùng tàn bạo rồi – Bà Tứ vẫn nói bằng cái giọng chẳng có có sắc thái gì – Con gái đã lấy chồng mà bị đuổi về nhà cha mẹ đẻ thì thân phận không bằng một con chó. Ông Tứ, ông độc ác còn hơn cả lang sói, đã đến nước này thì tôi cũng nói để ông biết, chuyện ông chim chuột với người đàn bà ở Lưu Sa Khẩu tôi đã biết từ lâu, cho nên chuyện tôi làm với thằng thợ hàn kia cũng là do ông mà ra cả thôi, đây đúng là “chỉ cho phép phóng hỏa nhà quan, không được đốt đèn nhà bách tính”. Ông Tứ, ông tuyệt tình đoạn nghĩa, cho dù tôi có van nài ông cũng chẳng ích gì, nhưng trước khi đi tôi cũng muốn nói rõ mọi điều. Ông Tứ, ông chưa hề nghe qua câu “bỏ vợ là tuyệt tiền đồ”, sau này, ông không còn có những ngày vui vẻ nào đâu. Ông đã hại một người đàn bà, tất nhiên trước sau gì ông sẽ bị hại bởi một người đàn bà khác. Sau khi tôi chết đi, hồn ma của tôi không cho ông lấy một ngày yên tĩnh đâu!
Ông Tứ giỏng tai lên nghe những lời ấy một cách chân thành và nghiêm túc đến lạ thường, trông ông như một đứa học sinh đang nghe cô giáo giảng bài.
- Đơn của ông đâu? – Bà Tứ hỏi – Đơn bỏ vợ của ông viết ấy mà?
- Chú Cửu cầm rồi, tôi nhờ chú ấy đưa đến tận tay bố bà! – Ông Tứ đáp.
- Chú Cửu, đưa đơn ấy cho tôi! – Bà Tứ nói.
Ông Cửu liếc nhìn ông Tứ, gương mặt biểu lộ vẻ khó xử.
Bà Tứ rời khỏi chiếc ghế, từng bước rất chậm rãi đi về phía ông Cửu, trên miệng là một nụ cười lạnh lẽo, nói: Lá gan của chú đâu rồi? Mùa hè năm ngoái, khi chú đến nhà và xông vào bóp vú tôi, gan của chú lớn lắm kia mà? Chú còn muốn bóp vú tôi nữa không? – Vừa nói bà Tứ vừa ưỡn ngực lên, đưa sát vào mặt ông Cửu – Muốn bóp muốn sờ thì cứ làm đi, đừng ngần ngại và cũng đừng sợ hãi gì cả. Anh Tứ của chú đã bỏ tôi rồi, ông ấy không có quyền quản lý tôi nữa đâu!
Gương mặt ông Cứu như đổ chàm, miệng lưỡi há ra cứng đơ, không nói được câu nào.
Bà Tứ nhóp nhép miệng, một bãi nước bọt từ miệng bà thật chuẩn xác bay vào cái miệng đang há ra của ông Cửu, rồi bà đưa tay giật lấy cái túi đang treo toòng teng dưới nách ông Cửu, mở miệng túi, hai chiếc giày to tướng của gã thợ hàn rơi xuống đất, một tờ giấy Tuyên màu vàng nằm trong tay bà Tứ.
Hai hàng nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt đầy son phấn của bà Tứ, tờ giấy màu vàng rung rung trong tay bà. Bà muốn mở tờ giấy ra, nhưng hình như tờ giấy không chiều theo ý bà, cứ cuốn lại mãi như muốn bảo vệ một bí mật gì đó rất gớm ghê.
Hai tay bà Tứ co giật mấy cái liền, tờ giấy đã bị xé nát và bị bà vo thành hai nắm. Đôi mắt bà sáng rực, nước mắt đã bị làn da mặt nóng như lửa của bà đốt nên đã khô queo, những vết hoen do phấn bị trôi đi đọng lại dưới cằm trông chẳng khác nào những giọt mưa đầu tiên điểm trên những lớp váng đất phèn khô quắt.
- Chú Cửu! - Giọng bà Tứ nghẹn lại, - Chú đã nhận của tôi một bãi nước bọt. Năm ngoái chú đã ôm tôi, sờ sẫm tôi, bóp vú tôi, bây giờ trước mặt anh chú, chú thành thật nói thử xem, miệng tôi có mùi gì không?
Rất khó khăn, ông Cửu nuốt bãi nước bọt qua cổ họng, đầu cúi rũ xuống. Hình như ông đang nhớ lại, đang vận dụng vị giác lẫn khứu giác để phân tích bãi nước bọt của bà Tứ, rồi ông ngẩng lên nói:
- Không có mùi vị gì, kể cả mùi đồng gỉ!
Bà Tứ vung tay ném những vụn giấy vào mặt ông
- Đồ con lừa! Những kẻ ăn cỏ trong gia tộc các người đều là đồ con lừa!
Nói xong, bà vung tay lên. Một cú tát như trời giáng đập thắng vào mặt ông Tứ, âm thanh khô khốc. Chiếc cổ ông Tứ lệch hẳn về một bên, một tràng âm thanh quái dị từ cuống họng ông phát ra như tiếng một quả bóng tròn lăn trên đất khô. Bà Tứ tiếp tục giơ tay lên định tát nữa nhưng hình như mọi sức lực của bà đã cạn kiệt, cánh tay bà đã tê dại nên những ngón tay của bà trượt dài trên cổ ông Tứ, trượt dài xuống bộ lễ phục màu lam mới mà ông Tứ mặc trên người để chuẩn bị tế thần rồi vạch một đường vòng cung trong không gian. Thân hình bà Tứ lảo đảo và ngã lăn ra đất. Những tưởng cú tát thứ hai của bà sẽ là một đòn đánh với sức mạnh kinh người của lòng căm hận nhưng lại biến thành một động tác vuốt ve dịu dàng trên thân thể ông Tứ.
- Anh Tứ! Anh đừng bỏ chị ấy nữa! - ông Cửu kêu lên.
Những thớ thịt trên cằm ông Tứ giật giật, ánh mắt phát ra những tia lửa màu xanh, ông lẳng lặng như những bước chân của loài hổ dữ đến trước mặt ông Cửu, hai tay thộp cổ ông Cửu, giúi một cái, lại lôi một cái, lắc bên phải, lại lắc bên trái. Trông bộ dạng ông Tứ lúc này có thể hiểu được là ông đang muốn nghiền thịt xương ông Cửu ra thành tương. Từ trong lồng ngực ông, những tiếng gầm gừ của loài hổ báo phát ra. Cổ ông Cửu bị hai bàn tay cứng như gọng kềm của ông Tứ thít chặt, không thở nổi, những tiếng khò khè nặng nhọc thi thoảng mới bật ra giống như tiếng kêu của loài chim hải âu đang tuyệt vọng quần đảo phía trên những ngọn sóng cao ngút trời giữa đại dương. Đầu óc ông Cửu sắp mụ mị, trước mắt ông màu đen đã ụp xuống. Trong những cơn giãy giụa cuối cùng, ông Cửu đạp loạn xạ vào bàn chân ông Tứ, đôi tay thì cào vào lưng ông ta. Hình như ông Tứ cũng đã tỉnh ra đôi chút, đưa miệng lên trán ông Cửu, cắn mạnh một miếng. Mười mấy vết răng xuất hiện trên trán ông Cửu làm thành một hình bầu dục rất đẹp và từ đường viền của cái hình bầu dục ấy, máu bắt đầu rịn ra.
Ông Cửu rú lên đau đớn, hai tay ôm lấy trán, không còn đủ sức để quẫy đạp nữa.
Một tiếng đồng hồ sau, ông Tứ xuất hiện ở buổi tế thần; ông Cửu dắt con lừa, ngồi trên lừa là bà Tử - đôi mắt sưng mọng vì khóc sướt mướt khi từ biệt những người đàn bà trong gia tộc. Con lừa chầm chậm lê những bước chân buồn thảm trên con đường đất đỏ, rời khỏi làng.
Nãy giờ, bà Cửu có thân hình cao gầy, bà Ngũ với thân thể mập mạp và bảy tám bà thân thiết nữa tụ tập dưới gốc cây liễu, lặng lẽ quan sát ông Cửu với khuôn mặt đầy máu đỡ bà Tứ quần áo lộng lẫy lên lưng con lừa. Bà Cửu và bà Ngũ thút thít khóc, những người đàn bà còn lại tuy không khóc thành tiếng nhưng mắt ai cũng đỏ hoe. Ông Cửu đã vứt đôi giày vốn được buộc rất kỹ bởi một sợi dây thừng vào một góc sân nhưng bà Tứ lại bước đến nhặt lên.Ban đầu, bà treo đôi giày vào cổ con lừa, mỗi bên mỗi chiếc, hình như con lừa thấy mình bị làm nhục nên cúi đầu rụt cổ lại. Sau khi leo lên lưng lừa, có lẽ vì hai chiếc giày cọ xát vào đầu gối, cũng có thể là để giảm bớt sức nặng cho cổ con lừa nên bà Tứ cúi người xuống, kéo lấy sợi giây thừng và quàng đôi giày vào cổ mình. Hai chiếc giày to tướng như hai chiếc huy chương vinh dự treo lủng lắng trước khuôn ngực nhô lên rất cao của bà Tứ. Lúc này, bà Tứ mới quay người giơ tay vẫy chào từ biệt đám đàn bà đang đứng khóc dưới gốc cây liễu trên miệng nở một nụ cười rực rỡ tựa hoa cúc mùa thu, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt rất tươi của bà trông như sương sớm trang điểm thêm cho vẻ rực rỡ của hoa. Trên lưng lừa, bà Tứ quay đầu nhìn, có cảm giác cái nhìn của bà đã xuyên thấu hết tâm trạng của những người đàn bà kia.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, mẹ tôi lúc ấy chỉ là một cô dâu nhỏ bây giờ đã là một lão bà vẫn còn nhớ như in cái không gian chia ly đậm đặc chất bi hùng ấy, chín trăm chín mươi chín lần kể lại cảnh chia ly đậm chất điện ảnh ấy cho tôi nghe, khuôn mặt mẹ vẫn đầm đìa nước mắt, trong lời kể của bà lúc nào cũng phảng phất một niềm bái phục và yêu thương đối với bà Tứ.
Nếu men theo bờ đê với những hàng cây hòe cành lá um tùm mà đi về phía đông, ông Cửu và bà Tứ hoàn toàn có thể giống như hai con cá theo dòng nước chảy về đông mà nhập vào cánh đồng hoang mênh mông đầy châu chấu và không ai có thể phát hiện ra họ. Nhưng khi ông Cửu vừa dắt con lừa lên đến mặt đê, cũng là lúc bà Tứ ngồi trên lưng lừa quay người lại lần cuối cùng để vẫy tay từ biệt những người đàn bà vẫn còn trông theo ở phía xa xa, trong chớp mắt ấy, con lừa với tính cách quật cường cố hữu bỗng nhiên giật mạnh một cái, sợi dây cương trong tay ông Cứu tuột ra, nó lao xuống bờ đê và chạy thắng về phía nam trở lại theo con ngõ hẹp, đuôi vểnh lên biểu thị một sự kích động đến độ điên cuồng khiến những người đàn bà đứng dưới gốc liễu bị bất ngờ đến độ lặng người đi. Ngồi trên lưng lừa, lưng bà Tứ vẫn thẳng đứng, thân hình lúc thì nhô lên lúc thì thụp xuống nhưng chẳng có một dấu hiệu nào của sự hoảng sợ, trông bà lúc này chẳng khác gì một kỵ sĩ lão luyện.
- Cản nó lại! - ông Cửu gào lên.
Bà Cửu là người gan dạ nhất trong đám đàn bà, vọt thẳng ra đứng giữa đường, định chặn đà lao tới của con lừa. Chỉ thấy nó nhe răng ra, xông thẳng đến, vừa chạy vừa kêu như có ý dọa là sẽ húc bể bụng bà Cửu. Theo bản năng, bà Cửu nhảy sang một bên, con lừa vọt qua người bà với khoảng cách chỉ là gang tấc. Đôi mắt bà Cửu trợn tròn, miệng lưỡi cứng lại, không phải vì con lừa làm cho bà sợ hãi đến như vậy mà là gương mặt như Quan âm Bồ Tát của bà Tứ trên lưng lừa, gương mặt toát lên một vẻ bí mật khó mà lý giải ấy như đang chiếu rọi vào con người vốn sống một cách hời hợt của bà Cửu khiến bà như muốn hôn mê.
Trong lúc con lừa tưng vó chạy, hai chiếc giày to tướng liên tục đập vào đôi bầu vú của bà Tứ, chiếc xương sống nhô cao của con lừa chọi thẳng vào mông bà và những chiếc xương sườn va vào chân. Trong mấy mươi năm, những người đàn bà - trong đó có cả mẹ tôi - vẫn thường bí mật thì thầm với nhau một cách bí mật về cách lý giải những sắc thái thần bí trên gương mặt bà Tứ lúc ấy, tôi luôn luôn tỏ thái độ hoài nghi đối với vấn đề này. Những người đàn bà cho rằng, đúng vào trong cái chớp mắt khi bà Tứ đưa tay lên vẫy chào từ biệt mọi người chính là bà đã nhập vào cõi tiên, cho nên ngồi trên lưng lừa lúc ấy không còn là bà Tứ nữa mà là một vị tiên cô. Đã là một tiên cô thì không hoàn toàn cần thiết phải lén lén lút lút đi trên bờ đê rậm rạp như một người đàn bà bị chồng đuổi về nhà bố mẹ đẻ mà cứ đường đường chính chính đi giữa nơi đông người, trên đường cái quan. Ai trông thấy được bà ấy là một hạnh phúc; ai không trông thấy là một điều đáng tiếc. Để chứng minh cho những phán đoán của mình, những người đàn bà - có cả mẹ tôi trong số đó - đưa ra một số chứng cứ: Thứ nhất, bà Tứ từ nhỏ không rời khỏi nhà cha mẹ, lớn lên lấy chồng không rời khỏi cổng nhà chồng, đây là lần đầu tiên bà được ngồi lên lưng lừa, nó lại phi như điên cuồng như thế mà bà vẫn ngồi ổn định như Thái Sơn trên lưng nó, rõ ràng đây không phải là việc mà người đàn bà có thể làm được. Thứ hai, đôi mắt của bà Tứ lúc ấy phát ra một thứ ánh sáng rất lạ lùng, còn sáng hơn cả ánh tia nắng mặt trời, chỉ thoạt nhìn vào đó mà bà Cửu đã muốn hôn mê. Loại ánh sáng này rõ ràng không bao giờ xuất hiện ở người phàm trần. Thứ ba, căn cứ vào hồi ức của những người có mặt hôm ấy, khi con lừa chở bà Tứ trên lưng phóng qua trước mắt mọi người, ai ai cũng ngửi thấy một mùi hương. Mẹ tôi thì bảo đấy là mùi thơm của hoa lan, bà Cửu thì cãi: không phải mùi hoa lan, đó là mùi hoa quế, bà Ngũ thì do dự nói đó chẳng qua là mùi son phấn. Còn thím Thập Tứ thì bảo đó là mùi hoa nhài... Mỗi người ngửi thấy một mùi riêng. Chỉ có một thứ mùi phát ra từ thân thể bà Tứ nhưng trong cảm thụ của từng người lại rất khác nhau, chứng minh rằng đó không phải là mùi vị của chốn nhân gian. Chứng cứ thứ tư không mấy thuyết phục bởi nó liên quan đến âm nhạc và chỉ có mỗi một mình bà Cửu khẳng định là đã nghe một điệu nhạc du dương phát ra khi bà Tứ đi ngang qua người bà. Mẹ tôi và những người đàn bà khác nghi ngờ là lúc ấy bà Cửu nghe được tiếng nhạc tế từ miếu Ba Lạp vẳng tới, bởi khi bà Tứ cưỡi lừa bay trên đường cũng chính là nghi thức tế lễ ở miếu Ba Lạp bắt đầu lúc này ba nhạc công được ông Tứ thuê đến đã hòa tấu một khúc nhạc dân gian truyền thống. Mà ngày ấy cũng chính là lúc gió đông đang thổi.
Nói tóm lại, bà Tứ là một hình tượng được khoác cho bộ áo vô cùng thần bí trong gia tộc của chúng tôi, riêng tôi thì vẫn cứ hoài nghi tính chân thực của những câu chuyện kể này nhưng lại hy vọng vào tinh thần thực sự cầu thị của mẹ cũng như những người đàn bà khác. Cả một thế hệ phụ nữ tiền bối đức cao vọng trọng trong gia tộc lại cùng nhau sáng tác một câu chuyện thần thoại tập thể hay sao? Huống hồ thần thoại lại không phải là cây không có gốc nước không có nguồn, nhất định nó phải có một căn cứ thực tế nào đó. Vả lại chuyện bà Tứ cưỡi lừa bay trên đường chỉ mới diễn ra có năm mươi năm, mẹ tôi và nhiều người đàn bà khác được chứng kiến tận mắt, mỗi khi nhắc đến chuyện này thì mặt ai cũng đều thể hiện một sự nghiêm túc chân thành, những lời kể của họ đã đạt đến trình độ nghiêm túc tuyệt đối, thống nhất tuyệt đối; nói cách khác là một quá trình lưu truyền nghiêm túc, tôi không đủ lý do để phủ định tính chân thực của câu chuyện này.
Đương nhiên, xuất phát từ lòng tôn kính với người đã khuất xuất phát từ sự đồng cảm với số phận thê thảm của bà Tứ, xuất phát từ trạng thái tình cảm "thỏ chết chồn thương" mẹ tôi và những người đàn bà khác cũng có thể đã gia công điểm xuyết nghệ thuật thêm cho câu chuyện. Nhiệm vụ trước mắt tôi là phải loại trừ những hoàn tiết bên ngoài sự thật của câu chuyện, nắm chắc bản chất của vấn đề. Thứ nhất, con lừa giật khỏi dây cương chạy xuống khỏi bờ đê là chuyện không còn phải bàn cãi gì nữa; thứ hai, bà Tứ ngồi rất ổn định trên lưng lừa và gương mặt biểu thị một sắc thái vô cùng thần bí cũng là một chuyện không cần phải nói gì thêm.
Con lừa được dắt lên mặt đê nhưng lại chạy như bay trở lại là vì mặt đê quá hẹp, nước sông lại quá trong khiến đầu óc nó trở nên hoảng loạn; còn bà Tứ sở dĩ ngồi một cách ổn định trên lưng lừa mà không rơi xuống là do những cơ năng trong tiểu não bà khá kiện toàn, có năng lực giữ vững thăng bằng hơn so với người bình thường. Chỉ có điều duy nhất cần phải tốn công lý giải là: Vì sao trên mặt bà Tứ lúc ấy lại có thể biểu hiện được sắc thái của một thiên thần? Chỉ cần nhắm mắt lại là tôi đã hình dung ra gương mặt bà Tứ lúc ấy: phóng túng, lãng đãng, mê mê, tỉnh tỉnh, tràn trề hạnh phúc. Tôi không thể không thừa nhận, những biểu hiện trên gương mặt bà lúc ấy có quan hệ mật thiết với giới tính. Kiểu lý giải này tôi không hề nói với mẹ cũng như bất kỳ một ai, nhưng rõ ràng là nó đã định hình trong tôi. Căn cứ vào những tài liệu có liên quan, tôi biết người đàn bà trong lúc thống khổ đến cực độ thì vô cùng mẫn cảm đối với chuyện kích thích tính dục và những phản ứng của nó biểu hiện rất rõ ràng. Con lừa đang chạy như bay, chiếc xương sống gầy gò nhô cao của nó không ngừng cọ xát và va đập với đùi và mông bà Tứ, hai chiếc giày lại không ngừng mân mê đôi vú vổng lên rất cao của bà. Lưng lừa thì cọ xát và va đập, đôi giày thì mân mê... Đây là những chỗ vô cùng mẫn cảm về mặt tình dục trên cơ thể người đàn bà. Bà Tứ đang đau khổ cùng cực vì bị chồng bỏ đột nhiên nhận được những kích thích rất mạnh trên toàn thân, những ức chế về tình dục, những nỗi đau đớn dằn vặt phức tạp trong lòng bà trong một thời gian ngắn đã được bù đắp được giải tỏa, do vậy mà nói gương mặt bà lúc ấy như phiêu diêu thoát tục như thể lên tiên cũng chẳng có gì là khoa trương phóng đại cho lắm.
Khi con lừa chạy ra đến đường cái lớn thì bắt đầu đi chậm lại và nó cũng quay về với cái bộ dạng cúi đầu ủ rũ cố hữu mấy mươi năm giống như một ngày của nó, dây thừng treo lủng lẳng trên cổ giống như một con rắn. Ông Cửu thở hồng hộc nhào đến, khom người chụp lấy chiếc dây thừng rồi vung quyền lên, nhằm ngay vào ức con vật đấm liền mấy cái. Con lửa chẳng có một phản ứng gì.
Ông Cửu lôi mạnh dây thừng muốn con lừa quay đầu lại để đi về phía bờ đê, men theo con đường nhỏ um tùm những cây hòe trên mặt đê lặng lẽ rời khỏi làng. Suy nghĩ này chứng minh ông Cửu cũng vẫn có lương tâm, là sự quan tâm đến danh dự của bà Tứ, nhưng ý tốt của ông ta không được đền đáp tương xứng. Khi ông đang dùng toàn lực để kéo con lừa điên điên khùng khùng và ngu ngốc ấy thì bà Tứ đã động đậy chân phải và bàn chân có mang chiếc giày thêu hoa đã vung mạnh lên, một cú đá như trời giáng bay thẳng vào mặt ông Cửu. Ông Cửu thấy đom đóm bay chấp chới trước mặt, trong tai như có tiếng trống đánh ầm ầm, thân thể lảođảo suýt chút nữa thì ngã nhào. May mà ông Cửu không thể nhìn thấy sắc mặt của chính mình lúc này. Nếu ông Cửu sớm ngẩng đầu lên để nhìn bà Tứ trước khi nhận lãnh cú đá như trời giáng: Bà ngồi trên lưng lừa mà như Phật Bà Quan âm ngồi trên tòa sen, thái độ ung dung trang trọng cùng với một mùi hương thanh khiết tỏa ra nực mũi; thì có đánh chết ông cũng không tin là bà Tứ thực tế đã đá một cú thật mạnh trúng vào giữa mặt ông. Sau khi cơn choáng váng đi qua, ông ngước mắt lên nhìn thì thấy bà Tứ khép hờ đôi mắt, gương mặt biểu hiện một cách mệt mỏi những trạng thái tinh thần phức tạp hỉ nộ ái ố, cũng chẳng hề hé miệng nói lấy một tiếng. Ông Cửu cho rằng, cú đá ấy là do trời giáng vào ông, do vậy mà con lừa cũng đã trở thành một linh vật có khả năng đối thoại với thần ma. Đã như thế thì ông Cửu không dám làm trái ý nó nữa, lo sợ lẫn tôn kính, ông cẩn thận cầm chiếc dây thừng nối từ cái đầu đầy trí tuệ một cách thần bí của nó và bước theo, lưng ông cong xuống, phía dưới vết thương do ông Tứ cắn hình bầu đục nằm ngay giữa trán vẫn đang rỉ máu lại thêm một vết bầm tím ngay giữa chỗ giao nhau của đôi lông mày do gót giày bằng gỗ của bà Tứ để lại, ông Cửu xiêu xiêu vẹo vẹo đi về hướng đông...
Từ làng tôi đến thôn Lưu Sa Khẩu cần phải vượt qua dòng Vận Lương Hà gần như cạn khô vì hạn hán lâu ngày. Có một cây cầu bắc ngang qua sông, trụ cầu và dầm cầu bằng gỗ tùng, mặt cầu lát bằng những viên đá màu trắng. Lâu lắm rồi không hề được tu sửa, trụ cầu dầm cầu đã mục, mặt đá nham nhở loạn xị bát nháo, lồi lồi lõm lõm. Mỗi khi xe trâu, xe ngựa hoặc người qua lại trên cầu là chiếc cầu đong đưa, trụ dầm kéo cà kẽo kẹt, sẵn sàng đổ sụp xuống bất kỳ lúc nào. Đêm nào cũng thế, ăn cơm tối xong, khi bầu trời đã rực rỡ đầy sao là ông Tứ đặt chân lên chiếc cầu để đến với người đàn bà của ông. Con đường đã trở nên quá quen thuộc đối với ông, nhắm mắt ông Tứ cũng có thể đi đến điểm cần đến. Nhà của người đàn bà ấy nằm ngay bên chân con đê, ba gian nhà lá thấp tè, cô độc. Bà ta có nuôi một con chó giống Tiểu Ba, khi tiếng chân ông Tứ vang lên ngoài đầu ngõ là con chó Tiểu Ba đã thân thiết sủa vang lên, lúc ấy người đàn bà cũng lao ra khỏi nhà. Những chuyện liên quan đến người đàn bà này cũng như gia cảnh của bà ta, tôi biết không nhiều lắm. Bà ta làm quen với ông Tứ như thế nào, rồi từ chỗ làm quen đến chuyện đầu ấp tay gối, dính chặt với ông Tứ như keo như sơn, chỉ có mỗi một mình ông Tứ biết, nhưng ông cũng chẳng muốn nói cho tôi biết, do vậy mà tôi dùng trí tưởng tượng để hình dung:
- Ông à, cho dù ông không nói cháu cũng đã biết – Tôi nói.
- Thằng cháu chưa mọc lông này biết gì về ông? – ông Tứ hỏi.
- Cháu biết ông làm cách nào để câu được bà ấy!
Ông Tứ lắc lắc đầu, cười buồn.
- Ông Tứ à – Tôi nói – Ông hãy nghe đây, xem thứ cháu nói có đúng không nhé – Ông chỉ có hai cách để làm quen với bà ấy. Một là, ông đến Lưu Sa Khẩu để xem bệnh cho bà ấy; hai là, bà ấy tìm đến hiệu thuốc của ông để xem bệnh. Tính khả năng của cách thứ nhất là không nhiều lắm, bởi vì bà ấy còn rất trẻ, khó có thể mắc bệnh nặng đến độ đi không được. Ngay cả việc ông đến nhà bà ấy để xem bệnh, lúc ấy ông bố chồng tỉnh tỉnh mê mê của bà ấy vẫn còn. Lão này giống như một con chó trung thành, thay cho đứa con trai đã phạm tội bỏ trốn sang Quan Đông giữ miếng thịt tươi trong nhà. Lão bố chồng này sau khi biết được chuyện ông và cô con dâu tằng tịu với nhau nên bệnh chứng trở nặng mà chết! Ông Tứ ơi, ông hãy nhớ lấy, lão già đó chết một cách không rõ ràng minh bạch gì cả! Như vậy cháu có thể loại trừ khả năng thứ nhất này, thế thì bà ấy đến hiệu thuốc của ông mà thôi. Ông Tứ ơi, cách bố trí bên trong hiệu thuốc của ông là như thế này: Bốn gian phòng nhỏ, ba gian phía đông thông nhau, hai chiếc tủ thuốc kê theo hướng đông tây, bên cạnh là một quầy bốc thuốc nhỏ bằng gỗ, bên dưới trống rỗng, cúi người thấp một tí là có thể chui vào bên trong, đương nhiên chỉ cần cúi người là có thể chui ra. Một chiếc cối giã thuốc bằng sắt trông giống như một chiếc thuyền nhỏ đặt trong góc phòng, một chiếc dao bàn để xắt thuốc đặt bên cạnh chiếc cối. Trên chiếc cối có một con lăn mỏng bằng sắt, sau này khi ông dùng xác châu chấu nghiền nát để làm thuốc viên lừa mọi người, chính ông đã dùng con lăn này để nghiền châu chấu đúng không? Căn phòng ở phía tây có hai cánh cửa ra vào mỏng tang, bên trong phòng có một chiếc giường. Gần với quầy thuốc, trong góc phòng phía tây nam ông còn đắp một chiếc lò nhỏ, miệng hướng về phía bắc, ở trên đó thường xuyên có một chiếc nồi sắt ông dùng chiếc nồi này để sắc thuốc, cũng không biết bao nhiêu là thang thuốc giả hiệu đã được sắc trong chiếc nồi này. Trong nhà rất sạch sẽ, giường chiếu luôn luôn gọn gàng ngăn nắp. Trong phòng còn có bình trà tách trà, bình rượu cốc rượu, hiệu thuốc cũng là nơi ông chẩn bệnh, hoặc ít nhất nó cũng gần là như thế, cháu nói có đúng không? (Ông Tứ gật đầu nhè nhẹ). Thôi được rồi, vở kịch đã bắt đầu, sân khấu là hiệu thuốc, diễn viên chính là ông và người đàn bà trẻ nhưng có lẽ cũng nên bố trí một vài vai diễn quần chúng.
Đó là Vào một buổi sáng tháng tư. Những ngọn gió xuân nồng ấm tựa như những sợi tơ bông thổi đến, mặt trời sáng đến lóa mắt, hoa nở trắng như tuyết cây trên hòe già trong sân, mùi thơm đến độ tức thở, hàng nghìn cánh ong say sưa với mật hoa, sân vườn đầy ong như những vì sao băngvút qua vút lại. Trên tường nhà ông có khoét mấy lỗ hổng, lỗ hổng được đậy lại bằng những miếng ván mỏng và đó chính là những tổ ong mật, chúng đang từ những lỗ hổng này bay ra bay vào, chuyên cần tích tụ mật ong.
Trong cái mùa xuân ấm áp, khí hậu trong lành, không gian đầy sức sống như vậy, ai cũng biết, kể cả ông, đó là môitrường tốt nhất để con người dễ dàng kích động xuân tình. Ông không thể nào quên được câu ngạn ngữ: Đàn bà tháng tư nhấc không nổi ngọn cỏ. Tất cả đàn bà như mỏi mệt, không có chút sức lực nào, đôi mắt ngây dại thẫn thờ, trông ai cũng có dáng dấp của một Dương Quý Phi vừa rời khỏi bồn tắm. Thân thể của họ như căng lên trông chờ một bàn tay ve vuốt của đàn ông, đất đai phì nhiêu nhưng hạn hán trên thân thể họ chờ những cơn mưa móc từ cánh đàn ông. Những điều ấy ông cứ dùng những kiến thức về âm dương ngũ hành của ông mà suy nghiệm sẽ dễ dàng nhận ra.
Do vậy, cháu mới bố trí cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông và cô ấy vào một buổi sáng tháng tư, gió xuân hây hẩy, ánh mặt trời lấp lóa…
Tôi chăm chú nhìn vào gương mặt đang rất tập trung tinh thần nghe tôi nói của ông Tứ. Trên mặt ông không có biểu hiện của trạng thái tình cảm nào, thi thoảng ho lên một tiếng – không phải ho vì nhu cầu sinh lý, mà là muốn che đậy một trạng thái tâm lý nào đó – Này, kể nữa đi! – ông nhắc.
- …Ông ngồi trên chiếc ghế vuông phía sau quầy thuốc, trên tay là cốc trà đỏ sậm màu đất, chậm chạp nhấp từng ngụm nhỏ. Ông đã bắt mạch kê toa xong cho mấy bệnh nhân. Họ móc từ những chiếc túi tồi tàn ra những đồng bạc nhàu nát đưa cho ông. Ông cầm lấy và vất vào một chiếc hộp gỗ đặt bên cạnh. Hiệu thuốc của ông nằm bên cạnh đường cái, ánh mắt của ông vượt qua bức tường thấp vây quanh khoảnh sân hẹp và dừng lại trên con đường đất đỏ bụi bặm để quan sát người và xe cộ đi lại trên đường; ngắm nhìn chim bay trên trời cao và thú vật chạy nhảy dưới đất trong những làn gió xuân ấm áp. Hương thơm của các loài hoa dại trên đầm lầy hòa quyện với mùi thơm của bông lúa mạch bảng lảng trong đất trời. Ông đang cố gắng xua đuổi thứ mùi hoa hòe quá nồng, xua đuổi thứ mùi thơm đậm đặc của loài hoa thược dược mọc san sát hai bên đường kia ra khỏi khứu giác của mình để tham lam hít thở thứ mùi hương hoang dại thoang thoảng ấy. Đúng như người ta thường nói: Hoa nhà không thơm bằng hoa dại! Không yêu gà nhà chỉ yêu gà hoang là một quy luật nghìn đời, đàn ông ai cũng thế cả, là một bản năng có tính di truyền. Ông đang nhâm nhi tách trà và cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng vô vị. Ông căm ghét mùi đồng gỉ phả ra từ miệng của bà, bà lại từ chối nhai rễ cỏ tranh. Mùi vị quái ác từ miệng bà phả ra khiến ông ghét lây cả thân thể bà, do vậy mà ông không có chút cảm hứng nào khi tiếp xúc với thân thể của bà. Những nhu cầu chung đụng khiến nhiều khi bà rên lên những tiếng quái dị trong lúc tỉnh cũng như lúc ngủ mê càng làm ông thêm chán ghét. Những lúc buộc lòng phải chung đụng thể xác, hình như ông không có chút cảm xúc nào, thậm chí là phản cảm… Trong thời khắc ấy, người đàn bà ấy đã xuất hiện trên đường.
Người đàn bà ấy đã xuất hiện trên đường, lòng bàn tay đang bóp chặt chiếc cốc trà của ông bỗng nhiên túa mồ hôi dầm dề. Ông quan sát chiếc váy màu đỏ sậm của bà ấy và cảm thấy đó là một ngọn lửa u uất đang bùng cháy. Bà ấy đưa tay đẩy cánh cổng khép hờ, đôi chân nhẹ nhàng tiến đến. Ong mật liệng vòng trên đầu tóc, bà ấy đưa bàn tay có cầm một chiếc túi vải màu đỏ nho nhỏ lên như muốn xua đuổi đàn ong. Một con ong bị chiếc túi đập trúng rơi xuống đất, đôi cánh đập liên hồi nhưng vẫn không nhấc nổi mình lên khỏi mặt đất. Ông đặt cốc trà xuống, chống tay lên quầy đứng dậy, tim ông đập thình thịch, mắt ông trân trân nhìn gương mặt đỏ gay, tập trung vào cái miệng rộng có đôi môi đỏ sậm màu hoa hồng và đôi mắt ướt lúng liếng của người đàn bà. Rồi đôi mắt ông lướt xuống phía dưới, dừng lại ớ bộ ngực và những dục niệm trào dâng trong lòng khiến đôi mắt ông như muốn lột sạch quần áo trên người bà ấy. Theo thói quen, ông sẽ nhìn đôi bàn chân của bà ấy một cách soi mói, chân bà ấy mang đôi giày vải thêu hoa trông rất sạch.
Bà ấy đã bước vào trong hiệu thuốc, sợ sệt cung kính kêu một tiếng “tiên sinh”. Ông chẳng thèm trả lời, chỉ chăm chú nhìn bà ta. Bộ dạng của ông lúc ấy trông thật đáng sợ: đôi mắt liếc xéo phóng ra những tia nhìn vàng rực như lửa; miệng há hốc, nước dãi chảy xuống đến tận dưới cổ. Ông tổ à, lúc ấy trông ông chẳng khác nào một con chó đực đang phát dục tình, hận một điều là không nuốt được bà ấy vào bụng thôi. Bà ấy lại rụt rè kêu lên một tiếng “tiên sinh” nữa ông mới giật mình thoát khỏi cơn mê, tạm thời tỉnh lại. Bà ấy bảo, thân thể bà ấy đau nhừ, khó chịu, ông bảo bà ấy ngồi xuống chiếc ghế rất cao đặt bên ngoài quầy thuốc. Bà ấy ngồi xa quá, ông bảo bà xích lại gần, gần thêm tí nữa. Bà ấy riu ríu vâng lời, xích lại gần hơn. Bụng bà ấy tì hẳn vào thành của quầy thuốc, đôi chân của bà ta phía bên dưới cũng vươn vào đến giữa quầy. Ông cảm thấy hai đầu gối của mình đang chạm vào hai đầu gối tròn tròn của bà ấy, ông thấy mặt bà ấy có vẻ căng thẳng, đỏ rần lên, tiếng thở bà ấy rất gấp khiến hai bầu vú như hai con thỏ hoang đang thời động dục nhô lên thụp xuống liên tục. Tay ông túa mồ hôi dầm dề, ông cắn chặt môi, tạm thời cố gắng ép nhưng suy nghĩ tà niệm xuống, cầm chiếc gối độn bằng hạt kê đặt lên giữa mặt quầy, bảo bà ấy đặt cổ tay lên đấy. Cổ tay bà ấy để ngửa, năm ngón tay nhỏ và thon run lên nhè nhẹ. Ông dùng ba ngón tay đặt lên cổ tay bà ấy. Những ngón tay ông vừa tiếp xúc với cổ tay bà ấy thì đầu óc ông bỗng nhiên biến thành một quả bóng căng đầy hơi, trương phềnh lên, hình như tất cả những con ong mà ông nuôi lúc này đã chui vào hai tai ông. Lý trí ông bắt đầu mất, ba ngón tay ấn trên cổ tay có làn da căng mọng của bà ấy bắt đầu run rẩy, ông cảm thấy tâm trí mình đang bay lên, phiêu diêu trên chín tầng mây nhưng cơ thể ông thì lại chìm xuống dưới đáy đầm lầy trong làn nước đỏ quạch và sâu thăm thẳm.
Bà ấy rút tay về, đứng dậy, lí nhí: Tiên sinh, tôi về đây. Ông lặng người trong một giây và trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy ông cảm thấy có một chút xấu hổ. Trong mơ mơ hồ hồ, ông nhận ra là mình đang vi phạm chức trách thần thánh của một thầy thuốc, đồng thời, ông còn nhận ra là lòng tự tôn của mình đã bị tồn thương, thậm chí còn có một chút hối hận.
Ông ho lên một tiếng để che giấu sự lúng túng. Ông bảo, tôi bị trúng gió, đầu óc hơi choáng váng một tí. Ông nhấp một ngụm trà nguội, đề nghị bà ấy ngồi xuống. Ông đã lấy lại được sự bình tĩnh thường ngày, chăm chú vào công việc bắt mạch cho bà ấy. Mạch trên cổ tay bà ấy đập rất mạnh và rất gấp gáp. Bắt mạch xong tay trái thì chuyển sang tay phải, ông đã nhận ra phần nào bệnh tình của bà ấy. Hơn một nửa đàn bà trong mùa xuân thường mắc phải chứng máu nóng, có thể trị bằng hồng hoa, bạch thược và vài vị thuốc nữa. Ông bảo bà ấy thè lưỡi ra cho ông xem, ông chăm chú quan sát bựa lưỡi của bà ấy. Chiếc đầu lưỡi thật dài và cũng thật đỏ đang động đậy liên tục trong miệng, ông nhận ra trên mặt lưỡi có một điểm vàng vàng. Luồng hơi từ miệng bà ấy phả ra thoạt ngửi dường như có mùi ngao sò tươi nhưng ngửi kỹ thì nhận ra nó có mùi lan, mùi cầy hương. Ông vô cùng ham muốn được ngậm cái đầu lưỡi ấy, chỉ hận là không được cắn đứt nó để nuốt vào bụng.
Xem bệnh xong, ông bắt đầu kê đơn và bốc thuốc. Ông không hiểu là do đâu mà trong khi bốc thuốc, ông luôn luôn cảm thấy lo lắng là mình sẽ cân thiếu thuốc, thậm chí là thiếu một vị thuốc nào đó. Tình yêu thật là vĩ đại, thật là vô tư! Ông tổ ơi, khi một người thầy thuốc mà yêu một bệnh nhân thì bệnh nhân ấy sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt, đúng không?
Bà ấy lôi từ trong chiếc túi màu hồng ra một xâu tiền đồng, lúc ấy tiền đồng còn lưu hành không nhỉ? Ông không cần phải trả lời cháu đâu, chuyện này chẳng có ý nghĩa gì hết. Ông từ chối tiền thuốc của bà ấy, nói là chờ đến khi bà khỏi bệnh hẳn mới lấy tiền. Ông đã bốc cho bà ba thang thuốc, mỗi thang sắc trong hai lần vào sáng sớm và buổi tối. Ba ngày sau, bà sẽ phải quay lại chỗ ông.
Khi bà ấy sắp đi, cổ họng ông như nghẹn lại, ông muốn nói ra một câu rất nóng bỏng nhưng nó mắc cứng ở cổ họng. Ông chỉ còn biết đứng lặng, dùng ánh mắt nhìn theo đưa tiễn đôi mông núng nính nhún nhảy đi ra khỏi cổng trong gió xuân hây hẩy và ánh nắng mặt trời vàng vàng. Bà ấy đột ngột xuất hiện và đột ngột biến mất, ông thống khổ nuốt một ngụm nước bọt, cổ họng ông như có một ngọn lửa đang thiêu đốt, ông dốc ngược ấm trà lên để cho tất cả những giọt nước trà lạnh trong ấy chảy vào cổ họng khô khốc của mình.
Buổi sáng ngày thứ tư cũng vẫn là một buổi sáng không khí mùa xuân tràn trề sức sống. Những cánh én đã quay về từ phương nam đang ngậm những viên bùn màu đỏ từ đầm lầy về làm tổ trên các mái hiên nhà. Ngày ấy, thưa ông, ông dậy rất sớm và có chú tâm ăn mặc chải chuốt khác hơn so với thường ngày. Chân ông mang đôi giày vải đế màu trắng, một đôi vớ cũng màu trắng kéo đến tận bắp chân; một chiếc quần đen ống chẽn, trên người khoác một chiếc áo choàng dài, cạo râu nhẵn thín, vất chiếc mũ hình quả dưa vẫn đội thường ngày để thay vào trên đầu mình chiếc mũ len màu cà phê. Nói tóm lại, trông ông chẳng khác nào một đại tiên sinh làm việc trong nha môn quan phủ. Thấy ông ăn mặc khác thường ngày, bà Tứ đưa cặp mắt hoài nghi nhìn ông dò xét, ông bảo hôm nay có một vị quan lớn trên huyện về khám bệnh, nghiêm khắc yêu cầu bà không được đến hiệu thuốc. Yêu cầu của ông là thừa, bởi lâu nay bà Tứ không hề dám đặt chân đến đó. Ông à, ông chưa kịp làm chuyện bậy bạ thì lòng ông đã trở nên hoảng loạn mất rồi!
Ông ngồi phía sau quầy bốc thuốc bồn chồn chờ đợi. Ong mật đang quần đảo dưới nắng xuân làm thành những đường cong rất mềm mại. Ông không thể hình dung là bà ấy sẽ xuất hiện trước mặt ông với nét mặt tươi cười hay là sầu muộn, bỗng nhiên ông nhận ra rằng ông đã quên mất gương mặt bà ấy, những ấn tượng mà bà ấy để lại trong tâm trí ông vô cùng linh loạn mơ hồ. Ông có thể nhớ được đôi mắt ươn ướt, cái đầu nho nhỏ và vành môi màu đỏ sậm, nhưng để tổ hợp tất cả những cá thể ấy trở thành một khuôn mặt chỉnh thể thì ông đành chịu, tất cả đều mờ mờ ảo ảo ông bị nhấn chìm trong một dung dịch màu đỏ sậm, đó chính là màu của chiếc váy mà ngày ấy bà đã mặc, cái thứ màu đặc quánh chẳng khác nào bùn nhão màu đỏ sậm trên đầm lầy.
Buổi sáng sớm, ông đã quên mất là mình cần phải nhai rễ cỏ tranh. ông cảm thấy hai hàm răng mình đang có một lớp gì đó rất bẩn, do vậy ông vơ vội một nhúm cỏ tranh nhét vào mồm nhai lấy nhai để.
Gần trưa, bà ấy đã xuất hiện trong sân. Kiểu cách xuất hiện của bà ấy thiếu hẳn sắc thái lãng mạn. Ngay lập tức ông cảm thấy suốt cả buổi sáng chờ đợi chằng khác nào khỉ ngồi trên đống than của ông là hoàn toàn vô vị, thậm chí là rất buồn cười. Nghĩ thì như vậy, nhưng tim ông lại đập lên một cách điên cuồng va vào lồng ngực, nhúm cỏ tranh chưa kịp nát đã bị ông dồn xuống cổ họng và như một chiếc lò xo, ông đứng bật dậy, chiếc áo choàng dài vướng vào ấm trà trên bàn kéo nó rơi xuống đất vỡ tan thành trăm nghìn mảnh ông cũng chẳng thèm liếc mắt. Ông lật tấm ván ngăn cách giữa bên trong và bên ngoài quầy thuốc rồi như một đứa trẻ con, ông chạy ra cửa đón bà ấy.
Bộ quần áo trên người bà vẫn như ngày ấy, mồ hôi dầm dề chảy trên mặt, đôi giày lấm láp bụi đường, trông dáng điệu biết bà ấy đang có điều gì gấp gáp và lo lắng.
- Sao bây giờ cô mới đến? – Giọng của ông có vẻ hờn giận.
- Trong nhà có chút việc, không thể tránh được, để cho tiên sinh chờ đợi quá lâu – Vẫn cái giọng như có lỗi ấy lí nhí.
Ông đưa bà ấy vào bên trong quầy thuốc và bảo bà ngồi xuống chiếc ghế của mình, quýnh quáng định rót nước mời, lúc bấy giờ ông mới thấy những mảnh vỡ nằm lăn lóc trên sàn nhà.
Bà ấy nói không khát. ông đứng đó với dáng điệu gò bó bồn chồn, hai hàm răng đánh vào nhau lộp cộp, chân tay thừa thãi không biết đặt vào đâu – Đây là cách biểu hiện những mâu thuẫn trong tâm tình rất thông thường của đàn ông trước khi xông thẳng vào một người đàn bà nào đó. Để cứu vãn tình thế, ông thò tay vào túi lấy một nhúm cỏ tranh bỏ vào miệng.
Khi nhìn thấy ông đang nhai cỏ, bà ấy đưa đôi mắt hiếu kỳ nhìn ông. Nhờ có nhúm cỏ tranh nên đầu óc ông cũng đã tỉnh táo lại phần nào, cảm giác nóng ran đến độ phát run của ông đã tạm lui, chân tay cũng trở nên tự nhiên linh hoạt hơn.
Bà ấy nói bệnh tình của bà ấy đã giảm đi rõ rệt, ông bảo chỉ cần uống vài thang thuốc nữa là hoàn toàn yên tâm.
Ông từ tốn, thân thiết bắt mạch cho bà ấy. Ông nghe thấy nhịp tim của bà đập rất nhanh và rất mạnh, trên gương mặt bà ấy có một cái gì đó chỉ có ông mới có thể nhận ra, nhưng không thể hình dung một cách cụ thể khiến ông như say, như mê.
Khi đưa gói thuốc cho bà ấy, ông thừa cơ nắm lấy chiếc cổ tay đang vươn về phía ông. Gói thuốc rơi xuống đất. Ông kéo bà ấy về phía mình, bà ấy không hề có chút phản kháng nào. Ông tổ ơi, đáng ra ông phải từ tốn hôn vào đôi môi đẹp như cánh hồng ấy, nhưng ông lại không làm thế. Ông quá vội vã. Bàn tay ông như mõm một con lợn đói sục vào bầu vú bà ấy, nếu như động tác của ông nhẹ nhàng êm ái một tí thì có lẽ ông đã thành công. Nhưng ông quá nặng tay, quá thô bạo đến nỗi có cảm giác ông muốn ngắt bầu vú ra khỏi cơ thể bà ấy. Bà ấy giãy giụa để thoát ra khỏi lòng ông, gương mặt đỏ bừng không biết-là do xấu hổ hay giận dữ, ông chỉ còn biết đứng sững sờ nhìn theo bóng hồng xách chiếc túi biến mất trên con đường đầy bụi đỏ.
Ông tổ ơi, ông đã thất bại rồi. Ông thất thần ngồi bên chiếc quầy, lột chiếc mũ len trên đầu xuống vất lên trên quầy. Ong mật vẫn cứ bay đầy trời, hình như vẫn chưa có chuyện gì xảy ra cả, lại hình như tất cả đều đã diễn ra; mùi bùn tỏa lên từ đầm lầy lại xộc vào mũi vào cổ họng ông; con đường gần và đồng ruộng xa xa đều nhuộm một thứ ánh sáng vàng vọt. Ông biết bà ấy chẳng bao giờ quay lại nữa. Hai thang thuốc vẫn nằm lăn lóc dưới đất, khi đứng lên ông đã trông thấy chúng và tiện chân đá một cú, lớp giấy gói thuốc bị xé toạc, rễ cỏ vỏ cây văng tứ tung. Một thang vẫn còn nguyên hình dạng, ông lại càng tức tối đá thêm cú nữa, nó bay vèo đến tận góc phòng và nằm im ở đó, nơi đó có một cái hang chuột. Một con chuột đang ló đầu ra khỏi hang nhìn láo liên thám thính, gặp phải thang thuốc bay vèo tới, nó đưa mũi hít hít rồi chạy biến vào trong hang.
- Nói bậy! – ông Tứ quát lên – Nói bậy! Làm gì có hang chuột và con chuột nào. Ta đá vào gói thuốc hai cú, không phải một cú. Cả hai gói thuốc đều rách toạc. Ta tiếp tục đá gói thuốc ấy vào phía bên dưới quầy thuốc chứ không phải đá vào góc tường!
- Ông tổ Tứ ơi? Đừng nổi nóng. ông hãy nghe cháu tiếp tục kể đây!
- … Sau đó mười mấy ngày, cho dù ông căm hận và tiếc nuối nhưng ông không thể quên được bà ấy. Mỗi lần nghe tiếng bước chân ngoài sân là tim ông lại đập rộn lên. Ông ngủ không ngon giấc, mặc dù mười mấy ngày ấy ông đều ngủ tại hiệu thuốc. Hình như ông đang chờ đợi một kỳ tích sẽ phát sinh, ban đêm ông thường gặp bà ấy trong giấc mơ, còn mơ thấy cả bà ấy cùng lên giường với ông, vẫy vùng thoải mái như cá gặp nước. Tinh thần ông lúc nào cũng hoảng hoảng hốt hốt, lại thường xuyên bị di tính. Để tự cứu lấy mình, ông uống rất nhiều thuốc viên vàng vàng hỗn hợp đến sáu vị thuốc, củ thục địa làm cho hai hàm răng ông trở nên vàng xỉn.
Kỳ tích cuối cùng cũng đã xuất hiện, ông Tứ ơi, ông hãy nghe cho rõ nhé. Kỳ tích xuất hiện đúng vào đầu tháng năm, vào một buổi hoàng hôn – không, phải là sau khi ăn cơm tối xong một lát. Cái không khí nóng bức của ban ngày vẫn còn lưu lại trên mặt đất nóng hầm hập, gió mát thổi từ đầm lầy đến, sương đã bắt đầu giăng. Ông ngồi dưới gốc cây hòe, tay phe phẩy chiếc quạt bện bằng sợi cỏ bồ để xua những con muỗi đang vo ve chung quanh ông. Ông nghe thấy có tiếng ai đó đập nhẹ vào cánh cổng. Không giấu được vẻ phiền lòng,ông lên tiếng:
- Ai đó?
- Là tôi đây, thưa tiên sinh! – Một giọng đàn bà rất nhỏ và rất nhẹ.
- Ông tổ ơi! Sau khi nghe thấy giọng nói của bà ấy, ông sướng muốn điên lên, ông bị kích động. Ngôn ngữ của cháu vô cùng hữu hạn và cộc cằn không thể biểu đạt hết những biểu hiện của ông lúc ấy. Ông không có cánh nhưng ông lại bay ra đến cổng. Ông gấp gáp và run rẩy đến nỗi không tìm ra được cái chốt khóa cánh cổng.
Cuối cùng thì cánh cổng cũng được mở ra, như một ánh chớp, ông lao ra ngoài ôm bà ấy vào lòng. Hai cánh tay ông cơ hồ như muốn làm cho xương cốt bà ấy gãy vụn. Chỉ một cái ôm này thôi mà thời gian đã kéo dài đến độ hút tàn điếu thuốc ông mới dìu bà ấy đi vào nhà. Lúc ấy ông to cao hơn bây giờ nhiều, bà ấy lại nhỏ bé lung linh, ông ôm bà ấy chẳng khác nào ôm một con cừu non hiền lành và biết vâng lời. Ông đặt bà ấy lên giường, thắp chiếc đèn dầu lên. Bà ấy nằm bất động trên giường, chẳng khác một người đã chết, những giọt nước mắt trong veo trào ra khói khóe mắt và chảy dài theo thái dương. Lòng ông có chút trù trừ do dự, nhưng cuối cùng ông cũng không thể khuất phục được dục niệm đang trào dâng. Tay ông run run cởi những hạt cúc trên áo bà ấy, hai bầu vú như hai ngọn núi nhỏ đứng vổng lên trước mắt ông. Ông ngước đầu lên, còn bà ấy thì như một con cá chép quẫy mạnh, một tiếng rên nhỏ kèm theo một tiếng thở dài. Đèn tắt. Hai cánh tay điên cuồng của bà ấy chồm lên thít chặt lấy cổ ông, mùi hoa lan lẫn với mùi cầy hương phả ra từ miệng bà bao bọc lấy mặt ông và ông ngất ngây trong mùi vị tươi nguyên ấy. Ông nghe thấy bà lắp bắp như mê sảng: Tiên sinh… tiên sinh!… Thanh âm sao mà xa xăm, sao mà mông lung. Hình như ông đang chìm xuống đáy sâu của đầm lầy,chung quanh mình toàn là bùn đỏ, bên tai như có những tiếng lách tách rất quen thuộc của những chiếc bong bóng hơi nổ khi nổi lên trên mặt đầm lầy…
Ông Tứ khịt khịt mũi. Tôi trông thấy ông đưa bàn tay nhăn nheo và to sụ lên chùi hai giọt nước mắt già nua đọng dưới vành mi.
- … Ông tổ ơi, ông động lòng rồi sao?
Hồi tưởng quá khứ luôn luôn làm cho người ta cảm thấy buồn bã thê lương. Năm mươi năm đã qua, những gì phong lưu nhất của một đời người đã bị gió mưa làm cho hao gầy, tuổi xuân một đi không trở lại, con đường ẩn ẩn hiện hiện dưới lớp cỏ dày đang chìm trong sương mù dày đặc, thấp thoáng trong sương mù là một đóa hoa dại vươn lên cao khỏi lớp cỏ xanh rờn. Đó chính là con đường để ông đi đến đây vào lúc này.
- … Ông tổ Tứ ơi, ông đừng khóc, ông hãy tiếp tục nghe, nghe thật chăm chú những lời cháu nói nhé. Bữa nay cháu phải đem những gì âm ám – gạo mốc vừng nát – để kể ra hết. Đêm ấy, sau khi cơn mây mưa điên cuồng đi qua, lòng ông rối như tơ vò với bao nhiêu tâm tình phức tạp đan cài vào nhau. Hình như ông đã chiếm được một cái gì đó rất quý giá nhưng đồng thời lại có cảm giác mất đi một cái gì đó ngang bằng về giá trị. Lòng ông sản sinh một cảm giác hạnh phúc thê lương. Cháu quá văn chương phải không? Cháu quá tô vẽ phải không? Đêm ấy, ông dìu bà ấy đi qua chiếc cầu đá đung đưa, bước vào nhà bà ấy. Bố chồng bà ấy lâm bệnh nặng, bà ấy đến chỗ ông là muốn mời ông đến khám bệnh cho bố chồng, đương nhiên khi quyết định đặt chân vào hiệu thuốc, bà ấy không phải không tưởng tượng được những gì sẽ phải xảy ra, bà ấy đến là vì một công đôi việc, một mũi tên bắn trúng hai mục tiêu. Mười mấy ngày qua e rằng bà ấy không đêm nào chợp mắt, một thiếu phụ đang độ xuân tình thủ tiết thờ chồng đã lâu trong những đêm xuân tháng tư đã bị ông kích thích bản năng tình dục, trước sau gì cũng sẽ đến dâng thân xác cho ông thôi, hơn nữa ông – Tứ lão gia thời thanh niên lại là một nhân tài. Bố chồng bà ấy đang thở khò khè, bộ râu giống râu sơn dương trông rất ma quái. Ông bỗng nhiên nhận ra đôi mắt của lão già như hai con dao cực sắc đang cắt vào da thịt ông.
Ông Tứ ơi, bây giờ cháu sẽ bắt đầu vạch trần một án giết người đầy tội ác đây! Một thầy thuốc đông y thông gian với một người con dâu, vật cản đường lớn nhất là lão bố chồng. Lão già này giống như một con chó già đã mất khả năng giao phối đang dùng đôi mắt đố kỵ để giám sát một con chó cái non tơ, do vậy mà vị thầy thuốc nọ đã lợi dụng cơ hội trị bệnh đề ra tay. Trong một thang thuốc, ông ta đã bí mật cho vào đó một ít…
Một tiếng uỵch đột ngột vang lên. Ông Tứ – chín mươi tuổi ngã lăn ra đất.
Tôi đỡ ông đứng dậy, ấn huyệt nhân trung, huyệt bách hội. vỗ vào má, đánh vào mông, xoa vào ngực, loay hoay một đỗi lâu, ông Tứ – toàn thân đang dựa hẳn vào vai tôi mới thở hắt ra một hơi, tỉnh lại. Vừa trông thấy mặt tôi, khuôn mặt nhăn nheo của ông bắt đầu co giật, nhắm mắt lại có vẻ sợ hãi, lắp bắp:
- Đồ ma quỷ… đồ… tạp chủng… Mày đã … thành tinh…sao?
Sau đó, ông Tứ yêu cầu tôi đem ông đi giao cho công an để họ lôi ông ra đầu thôn phía nam bắn bỏ. Trông ông có vẻ rất chân thành, tôi cũng tin là ông chân thành, nhưng làm sao tôi lại bán đứng một trong những ông tổ của dòng họ nhà tôi? Nhân tình còn lớn hơn cả vương pháp nhiều! Để an ủi ông, tôi nói:
Lão tổ tông ơi! ông đã chín mươi rồi, còn phải lãng phí một viên đạn sao? Ông cứ chờ lão già có bộ râu sơn dương ấy đến đòi mạng thôi!
Chẳng qua là tôi buột mồm mà nói ra thôi nhưng lại linh nghiệm đến kinh người.
Đến lúc này tôi vẫn còn ân hận. Đáng ra tôi không nên nói ra những lời lột da như thế với ông Tứ, tuy rằng trong cái gia tộc ăn cỏ tranh của chúng tôi không hề có sự phân biệt nam phụ lão ấu, ai cũng có quyền nói, cũng có quyền trêu đùa nhau. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi lâm chung, ông Tứ ngồi cả ngày dưới mặt trời, lưng tựa vào bức tường thấp quanh sân trầm tư suy nghĩ, ngay cả thói quen đi ra đồng đại tiện cũng bị ông vất bỏ. Trong những ngày ấy, châu chấu cũng đã lớn lên rất nhanh, dài độ một phân, trước khi chiếc máy bay đến, châu chấu như những làn sóng bay liệng khắp nơi. Dựa lưng vào tường, toàn thân ông Tứ bám đầy châu chấu nhưng ông cũng chẳng buồn quan tâm. Những người trong gia tộc đều đã nhận ra sự thay đổi kỳ lạ của vị tổ này nhưng không biết nguyên nhân vì đâu, đây là bí mật của tôi. Mẹ tôi bảo: Ông tổ Tứ không còn sống mấy ngày nữa đâu! Nghe mẹ nói, tôi cảm thấy tội trạng của mình càng nặng thêm.
Ông Tứ ngồi tựa lưng vào tường, cảm nhận được châu chấu đang bò khắp người ông và nghĩ đến dịch châu chấu cách đó năm mươi năm. Tất cả đều hiện ra trước mắt, bao gồm cả việc ông viết đơn bỏ vợ, kể cả màu sắc của tờ giấy viết đơn. Đó là một tờ giấy Tuyên màu vàng nhạt. Ông Tứ đã dùng một kiểu chữ rất độc đáo của riêng ông, kiểu chữ ông vẫn thường viết khi kê đơn bốc thuốc để viết vài chục chữ trên tờ giấy Tuyên màu vàng. Lúc ấy đã cách ngày ông phát hiện châu chấu xuất thổ khoảng hơn một tháng, những ngày nóng bức của mùa hè đã lên đến đỉnh điểm, ngôi miếu Ba Lạp ở đầu thôn đông cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn công đoạn cuối cùng là trang trí nội thất.
Di tích ngôi miếu Ba Lạp hiện tại vẫn còn, sau năm mươi năm gió táp mưa sa, tường miếu đã đổ, ngói đã vỡ gần hết, trên mái phân chim đóng dày cả lớp, cỏ dại cũng đã mọc đầy trên mái.
Ngôi miếu không lớn lắm, hình chữ nhật giống như những chiếc mũ các đạo sĩ vẫn đội trên đầu. Nếu ông Tứ leo lên đầu tường quanh sân nhà, ông vẫn có thể trông thấy ngôi miếu Ba Lạp xa xa.
Viết xong lá đơn bỏ vợ, ông Tứ rời khỏi hiệu thuốc, men theo con đường cái lớn, đầu đội ánh sáng mặt trời, tai nghe tiếng rào rào như mưa xối từ ngoài đồng vọng lại – đó là âm thanh của hàng triệu con châu chấu đang gặm nhấm hoa màu cây cỏ ngoài đồng – đi đến công trường xây miếu. Tâm trạng của ông rất nặng nề, suy cho cùng cũng là một thời chồng vợ, cho dù bà ấy có nghìn vạn điều hư, nhưng lại có một điểm tốt, và điểm tốt này đang như một chiếc dùi chọc vào trái tim ông. Khi ông cầm bút viết đơn, trước mắt ông thấp thoáng gương mặt máu me bê bết của gã thợ hàn, trong lòng ông có một cảm giác lành lạnh. Sau đêm ấy, gã thợ hàn không hề xuất hiện trong làng nữa, nhưng khi ông Tứ đến thôn Sa Lưu Khẩu để thăm bệnh đã từng giáp mặt với gã trong một con ngõ nhỏ: Mặt mũi gã lầm lì dữ tợn, một con mắt dúm dó, mí mắt trùm lên hốc mắt. Con mắt còn lại sáng trưng như điện, trên trán vẫn còn mấy vết thương chưa kịp lành. Lúc ấy, ông Tứ lo lắng giữ chặt lấy dây cương, hai chân kẹp cứng vào hai bên mạng sườn con lừa. Ông có cảm giác gã thợ hàn độc nhãn kia đang phát ra những ánh mắt xanh lè và sắc nhọn như những mũi tên găm thẳng vào đầu ông. Nhưng gã chỉ nhìn ông rồi vội vã quay người biến mất sau một bức tường leo bám đầy những dây bầu dây bí. Ông Tứ dang hai tay ôm chặt lấy cổ con lừa, đôi mắt hoa lên khá lâu. Từ đó, một vết thương đã hình thành trong lòng ông, mỗi lần nghĩ đến gã thợ hàn và gương mặt đáng sợ của gã là vết thương ấy lại như bị kim chọc vào, nhức nhối không thể tả.
Có mấy chục người thợ ở những nơi khác đang tụ tập làm việc trên công trường xây miếu. Ông Tứ thuê thợ từ các nơi đến chứ không dùng người trong gia tộc chắc chắn có những dụng ý riêng. Tôi không dám suy đoán chuyện này là do là ông Tứ cố ý sắp đặt để dễ dàng biển lận công quỹ mà chỉ nghĩ là do ông muốn có những người thợ có tay nghề cao hơn để góp công vào việc xây miếu mà thôi. Cho dù có phải chửi Phật mắng tổ, cho dù thiên lôi có đánh vào tôi năm bảy lần tôi cũng phải nói là do ông Tứ biểu hiện sự tôn kính đối với thần châu chấu nên đã quyết tâm xây dựng ngôi miếu cho tinh xảo hoàn mỹ; cũng có thể là do một quan niệm rất thịnh hành thời bấy giờ là “bụt chùa nhà không thiêng”, “chỉ có sãi từ xa đến mới biết niệm kinh” đại loại như thế chi phối chăng? Nếu ông Tứ cả gan làm những điều nghịch tặc không như những suy đoán ấy, ắt sẽ gánh lấy hậu quả một mình.
Tường và cổng miếu được sơn màu son, dưới ánh mặt trời rực rỡ đến lóa mắt, mái lợp bằng loại ngói vảy cá đỏ rực. Những người thợ đang bắt đầu tháo giỡ giàn giáo. Trông thấy ông Tứ đến, người chủ thầu ngẩng đầu, bước đến gần mời ông một điếu thuốc lá mà ông chưa hề thấy qua bao giờ có hiệu là ” Lục pháo đài”. Ông Tứ hút điếu thuốc một cách vụng về khói thuốc tuôn vào cổ họng quá đậm đặc, khiến ông ho lên sù sụ, tim ông hình như nhói lên thì phải. Ông vứt điếu thuốc, nhón một nhúm rễ cỏ tranh cho vào miệng. Rễ cỏ tranh ngòn ngọt thấm vào chân răng, vào cuống họng ông. Ông Tứ nhón một nhúm nữa, rất trang trọng mời người chủ thầu, ông ta rất hiếu kỳ đưa nhúm cỏ tranh lên quan sát nhưng không hề có ý định cho vào miệng. Mặt ông Tứ thoáng một vẻ không bằng lòng khiến người chủ thầu vội vàng cho vào miệng, nhai một cách miễn cưỡng, có vẻ đau khổ vô cùng, hai chiếc quai hàm rất vuông và to chuyển động một cách chậm chạp. Bỗng nhiên ông Tứ phát hiện người chủ thầu này rất giống một con châu chấu to tướng.
- Tộc trưởng! Tôi đã hiểu vì sao ông phải xây dựng ngôi miếu này! – Người chủ thầu nói một cách quỷ quyệt.
- Ông nói đi, vì sao? – Ông Tứ ngừng nhai cỏ, hỏi dồn. Người chủ thầu nói, ông ta phát hiện khi nhai cỏ tranh, ông Tứ rất giống một con châu chấu, không những thế, tất cả những người trong gia tộc ăn cỏ này trên mặt đều phảng phất hình dáng của loài châu chấu.
Không biết ông Tứ biểu thị sự phản đối hay tán đồng câu nhận xét của người chủ thầu. Ông ta mời ông Tứ vào bên trong miếu để xem bức tượng thần Ba Lạp bằng gốm. Ông Tứ theo chân người chủ thầu bước qua chiếc cửa sơn màu son.Một con châu chấu cực to đang nằm ngang chễm chệ trên một chiếc bệ cao. Bất giác ông Tứ lùi lại mấy bước. Trong lòng ông lại nổi lên một cảm giác sợ hãi và tôn kính với loài châu chấu bé nhỏ này.
Hai người thợ gốm đang trang điểm cho tượng thần châu chấu. Có lẽ họ đã nghiên cứu rất kỹ màu sắc cũng như cơ thể của loài châu chấu nên bức tượng vị thần châu chấu đang nằm trên bệ kia trông chẳng khác với hàng triệu con châu chấu đang gặm nhấm ngoài đồng là bao, có điều sắc thái thì không hoàn toàn như nhau. Phía trước mặt của tượng thần, trên một tấm ván có mấy chục xác châu chấu. Đồng bọn của chúng đang có mặt trên khắp những cánh đồng hoa màu, trên đồng cỏ hoang, trên đầm lầy của vùng Đông Bắc Cao Mật, trong khi chúng đang gặm nhấm tất cả những gì có thể gặm nhấm được thì mấy chục con lại nằm đây, con bị đứt đầu, con bị mổ bụng, con bị chặt chân… trên tấm ván. Trong lòng ông Tứ âm thầm hình thành một mối thù địch với hai người thợ gốm. Ông nhìn cả hai, thầm đánh giá: một người khoảng trên sáu mươi, gầy như que củi, nước da vàng ệch trông giống hệt một con gà trống già bị vặt trụi lông. Người con lại là một thằng bé con khoảng mười ba mười bốn tuổi, cũng gầy không kém, nước da cũng vàng, trông nó lại giống một con gà trống chưa mọc đủ lông cánh. Mặt của cả hai đều bị màu sơn làm cho lốm đốm, đôi mắt cả hai đều có vẻ hung tợn, giảo quyệt, miệng của cả hai đều nhọn khiến ông Tứ nghĩ họ không phải là người. Nhìn tổng thể, ông Tứ thoáng nghĩ, cả hai đều có thể là những con gà trống thành tinh, họ đến đây không phải là để xây miếu mà là để ăn châu chấu! Những con châu chấu nằm trên tấm ván kia chính là đồ thừa của họ bỏ lại. Ông Tứ trông thấy trong đống châu chấu ấy vẫn còn có một con đang sống, nó đang gắng gượng những chiếc chân trông còn khỏe lắm mặc dù không thể nhúc nhích được thân mình. Thì ra có một chiếc kim đã đâm xuyên qua bụng nó và ghim chặt nó xuống tấm ván.
Đôi mắt ông Tứ đầy phẫn nộ nhìn hai người một già một trẻ đang quét sơn cho tượng châu chấu. Cả hai hình như không biết gì, điềm nhiên với công việc. Thằng nhỏ đang dùng một chiếc cọ tô vẽ trên đôi cánh còn lão già thì đang loay hoay với cây bút nhỏ để vẽ đôi mắt cho tượng châu chấu.
Ông Tứ bước đến bên cạnh tấm ván, do dự giây lát rồi đưa tay rút cây kim đang găm vào tấm ván ra, con châu chấu bị cây kim xuyên qua giãy giụa.
Con châu chấu này khá lớn, dài khoảng hai phân. Lúc này trên đồng đã có hàng triệu con như thế này, toàn thân màu đỏ sậm, chiếc đầu cực to, phần bụng thon nhỏ, thể hiện một tiềm lực sinh trưởng rất mạnh mẽ có thể tính thành từng giây từng phút. Trên cổ chúng có hai chiếc cánh dày trông chẳng khác gì những cô gái Nhật Bản mang địu ở trên lưng.
Con châu chấu bị cực hình vẫn đang giãy giụa trên chiếc kim, bụng nó co thắt, miệng nó nôn ra một thứ nước màu xanh. Ông Tứ bỗng cảm thấy chán ghét con châu chấu khi nhìn thấy cái bụng đầy nhục cảm của nó đang động đậy. Nó đang đạp mạnh những chiếc chân sau để giải phóng mình ra khỏi chiếc kim đầy sỉ nhục của loài người. Miệng nó đang rỉ ra những giọt nước màu xanh cuối cùng. Đó chính là máu và nước mắt, là kết tinh của sự phẫn nộ và đau đớn. Ông Tứ có vẻ khiếp hãi khi đưa hai ngón tay nắm vào chiếc đầu của nó, hình như đôi mắt của nó vẫn đang chuyển động dưới đầu ngón tay ông, cổ nó bị kéo ra để lộ niêm mạc màu trắng sữa. Nó đạp mạnh hai chân sau, rướn người về phía trước để thoát khỏi sự đau đớn ở trên đầu, hai chân sau nó đạp vào ngón tay ông Tứ. Giống như một người đang lặn dưới nước, khi tiếp xúc với đáy sông thì dùng chân đạp mạnh để ngoi lên, nó đạp thật mạnh và cổ nó đứt lìa, đầu vẫn còn bị kẹp giữa hai ngón tay ông Tứ, thân nó đã rơi xuống đất. Con châu chấu đã hy sinh đầy vinh quang! Sức sống trong cơ thể nó vẫn chưa hoàn toàn chết hẳn, con mắt bị kẹp giữa hai ngón tay ông Tứ vẫn đảo thêm mấy cái nữa, thân hình dưới đất của nó còn giãy thêm mấy cái nữa, những cú giãy đầy tuyệt vọng.
Ông Tứ vứt chiếc đầu con châu chấu ra xa, nhặt chiếc kim còn dính với thân sau của nó lên, đứng lặng trong giây lát ông cảm thấy ngón tay ngứa ngáy, đó chính là dư âm của những chiếc chân châu chấu đạp vào để lấy sức rướn người về phía trước.
Hai người thợ đã vẽ xong màu vào bức tượng thần châu chấu, người chủ thầu lên tiếng gọi ông Tứ. Như người chợt tỉnh khỏi cơn mộng, ông Tứ nghe thấy câu nói đầy âm ám, lạ lùng của người chủ thầu:
- Tộc trưởng, ông xem, có giống không?
Hai người thợ sơn tránh ra phía sau. Thần châu chấu rực rỡ lóa mắt. Ông Tứ muốn quỳ sụp xuống mà lạy.
Tượng thần châu chấu dài 170 phân, cao 40 phân đang nằm trên một chiếc bệ thờ xây gạch, quả nhiên rất uy nghiêm hùng vĩ, sinh động như thật, dường như nó có thể bay vù lên bầu trời bất cứ lúc nào. Hai người thợ gốm trông như hai nghệ thuật gia không hoàn toàn trung thành với nguyên mẫu nên khi tô màu, họ đã dùng màu xanh lục hơi nhiều trong khi hàng triệu con châu chấu đang hoành hành trên đồng đều có màu đỏ sậm. Ông Tứ nhớ rằng, con châu chấu chúa có khả năng biến hóa thành người trong giấc mộng của ông cũng có màu đó sậm, không phái màu xanh lục. Đây chính là chỗ ông Tứ không bằng lòng lắm với tượng châu chấu thần này.
- Màu sắc không đúng! – ông Tứ nói.
Người chủ thầu liếc nhìn hai người thợ gốm.
Đây là vua châu chấu – Người thợ già nói – không phải là một con châu chấu bình thường. Cũng giống như hoàng đế thì mặc áo bào vàng, văn võ quần thần không thể mặc áo bào vàng; châu chấu có màu đỏ sậm, nếu vua châu chấu cũng màu đỏ sậm thì lấy tiêu chí nào để phân định quý tiện, cao thấp?
Ông Tứ cảm thấy lời lão thợ gốm rất có lý nên không bàn thêm gì về vấn đề màu sắc nữa mà quan sát thật kỹ vẻ uy nghi thể hiện rất rõ trên toàn bức tượng.
Bức tượng lấy màu xanh lục làm chủ đạo, giữa trán có một nếp nhăn màu vàng nhạt lốm đốm những chấm nhỏ màu đen. Đầu nó trông giống một chiếc thớt bằng sắt dựng đứng, hai con mắt to như trứng ngỗng. Lão thợ gốm đã tô màu cà phê cho đôi mắt vua châu chấu, không biết lão ta đã dùng kỹ thuật gì mà khi nhìn vào mắt nó, người ta dễ dàng cảm nhận được có một luồng ánh sáng vàng phát ra. Hai chiếc xúc tu của nó giống như đuôi chim trĩ, màu trắng sữa, đầu mút màu đỏ vểnh cao trên đầu. Ông Tứ thích nhất là hai chiếc chân sau to khỏe như hai bắp tay đứng sừng sững với hai hàng gai cứng và trắng nhỡn như răng chó của nó…
Ngày khánh thành miếu cũng là ngày tế vua châu chấu, nhiệm vụ vinh quang – đưa bà Tứ trở về nhà cha mẹ đẻ vì đã phạm tội thông dâm rơi vào tay con người gan dạ nổi tiếng là ông Cửu. Sau khi ăn cơm sáng, ông Cửu lôi con lừa gầy của ông Tứ ra, cầm một chiếc thổi cùn cọ phủi những phân và bùn đất dính trên mình nó rồi phủ một tấm vải bố dày lên trên lưng.
Ông Cửu dắt lừa bước vào sân, đến bên cửa sổ, ông cười nhăn nhở gọi:
- Chị Tứ ơi, đi thôi! Tranh thủ đi sớm cho mát!
- Chỉ nghe bà Tứ ới một tiếng trả lời, nhưng chờ mãi vẫn không thấy xuất hiện.
Đi thôi đi thôi! Có phải là cô dâu mới lên kiệu đâu!- Ông Cửu nói lớn.
Bà Tứ thướt tha rời khỏi nhà. Vừa trông thấy bóng dáng bà, đôi mắt ông Cửu như ngây ra, đứng sững như trời trồng. Sau này ông Cửu bảo ông Tứ là kẻ có mắt không tròng, chỉ ưa làm chuyện càn quấy; ông Tứ căn bản không biết bà Tứ mỗi khi trang điểm vào thì đẹp như thế nào, người trắng nõn như một tảng mỡ dê, khuôn mặt hồng hào và xinh đẹp như một đóa phù dung, lúc bị bỏ, bà vẫn chưa đến ba mươi tuổi, tuy không nhai cỏ tranh nhưng hàm răng vẫn trắng đều tăm tắp. Lúc này bà Tứ ưỡn ngực thật cao bước đến trước mặt ông Cửu, đôi bầu vú như sắp đụng vào mặt ông. Ông Cửu bị hoa mắt, lùi về sau mấy bước liền.
- Chú Cửu, anh Tứ của chú đâu? – Giọng hỏi của bà Tứ thật bình tĩnh.
Lưỡi ông Cứu như líu lại, lắp bắp:
- Anh Tứ… anh ấy… à, anh ấy đi khánh thành miếu rồi!
- Chú đi gọi ông ấy về đây cho tôi!
- Nhưng anh ấy đi khánh thành miếu và tế thần châu chấu rồi…
- Chú đi gặp ông ấy, bảo tôi có lời cần nói với ông ấy. Nếu ông ấy không về, tôi sẽ đốt ngôi nhà này!
Ông Cửu hấp tấp nói:
- Chị Tứ, chị đừng làm thế, tôi đi tìm anh ấy về ngay!
Ông Tứ đang chỉ huy mọi người sắp đặt và chuẩn bị những đồ tế lễ tế thần nhưng trong lòng vẫn đang nghĩ về những chuyện ở nhà. Ông Cửu lạch bạch chạy tới, ghé vào tai ông, thầm thì mấy câu, nghe xong ông Tứ bảo ông Cửu hãy quay về trước.
Vừa bước vào sân, ông Tứ đã trông thấy bà Tứ ngồi trên một chiếc ghế vuông ở giữa sân, đôi mắt nhắm nghiền, gương mặt trang điểm son phấn được ánh nắng chiếu vào trông thật rực rỡ. Ông Tứ ho nhẹ một tiếng, bà Tứ mở mắt nhưng không nói gì, trên mặt chỉ điểm một nụ cười nhẹ, đôi hàm răng lấp lóa, đôi môi đỏ hồng, xinh đẹp bội phần, trông chẳng khác nào những cô gái trong tranh vẽ.
Trái tim ông Tứ nhói lên như có mũi đao chích vào, ông lảo đảo như chực ngã.
- Bà… sao bà vẫn chưa đi…?
Ông Tứ! – Bà Tứ nói – Người ta thường nói một ngày nên vợ chồng nghĩa nặng tựa như non, trăm ngày nên vợ chồng nghĩa sâu như biển. Mười tám tuổi tôi về làm vợ ông, đến nay đã được mười một năm, tôi ra đi là không bao giờ quay lại, lẽ nào ông không nói được với tôi lấy một câu cuối cùng sao?
- Bà muốn tôi nói điều gì? – ông Tứ cố tạo cho giọng mình thật đanh thép hỏi.
- Ông Tứ, lần này là ông đã giết chết tôi một cách vô cùng tàn bạo rồi – Bà Tứ vẫn nói bằng cái giọng chẳng có có sắc thái gì – Con gái đã lấy chồng mà bị đuổi về nhà cha mẹ đẻ thì thân phận không bằng một con chó. Ông Tứ, ông độc ác còn hơn cả lang sói, đã đến nước này thì tôi cũng nói để ông biết, chuyện ông chim chuột với người đàn bà ở Lưu Sa Khẩu tôi đã biết từ lâu, cho nên chuyện tôi làm với thằng thợ hàn kia cũng là do ông mà ra cả thôi, đây đúng là “chỉ cho phép phóng hỏa nhà quan, không được đốt đèn nhà bách tính”. Ông Tứ, ông tuyệt tình đoạn nghĩa, cho dù tôi có van nài ông cũng chẳng ích gì, nhưng trước khi đi tôi cũng muốn nói rõ mọi điều. Ông Tứ, ông chưa hề nghe qua câu “bỏ vợ là tuyệt tiền đồ”, sau này, ông không còn có những ngày vui vẻ nào đâu. Ông đã hại một người đàn bà, tất nhiên trước sau gì ông sẽ bị hại bởi một người đàn bà khác. Sau khi tôi chết đi, hồn ma của tôi không cho ông lấy một ngày yên tĩnh đâu!
Ông Tứ giỏng tai lên nghe những lời ấy một cách chân thành và nghiêm túc đến lạ thường, trông ông như một đứa học sinh đang nghe cô giáo giảng bài.
- Đơn của ông đâu? – Bà Tứ hỏi – Đơn bỏ vợ của ông viết ấy mà?
- Chú Cửu cầm rồi, tôi nhờ chú ấy đưa đến tận tay bố bà! – Ông Tứ đáp.
- Chú Cửu, đưa đơn ấy cho tôi! – Bà Tứ nói.
Ông Cửu liếc nhìn ông Tứ, gương mặt biểu lộ vẻ khó xử.
Bà Tứ rời khỏi chiếc ghế, từng bước rất chậm rãi đi về phía ông Cửu, trên miệng là một nụ cười lạnh lẽo, nói: Lá gan của chú đâu rồi? Mùa hè năm ngoái, khi chú đến nhà và xông vào bóp vú tôi, gan của chú lớn lắm kia mà? Chú còn muốn bóp vú tôi nữa không? – Vừa nói bà Tứ vừa ưỡn ngực lên, đưa sát vào mặt ông Cửu – Muốn bóp muốn sờ thì cứ làm đi, đừng ngần ngại và cũng đừng sợ hãi gì cả. Anh Tứ của chú đã bỏ tôi rồi, ông ấy không có quyền quản lý tôi nữa đâu!
Gương mặt ông Cứu như đổ chàm, miệng lưỡi há ra cứng đơ, không nói được câu nào.
Bà Tứ nhóp nhép miệng, một bãi nước bọt từ miệng bà thật chuẩn xác bay vào cái miệng đang há ra của ông Cửu, rồi bà đưa tay giật lấy cái túi đang treo toòng teng dưới nách ông Cửu, mở miệng túi, hai chiếc giày to tướng của gã thợ hàn rơi xuống đất, một tờ giấy Tuyên màu vàng nằm trong tay bà Tứ.
Hai hàng nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt đầy son phấn của bà Tứ, tờ giấy màu vàng rung rung trong tay bà. Bà muốn mở tờ giấy ra, nhưng hình như tờ giấy không chiều theo ý bà, cứ cuốn lại mãi như muốn bảo vệ một bí mật gì đó rất gớm ghê.
Hai tay bà Tứ co giật mấy cái liền, tờ giấy đã bị xé nát và bị bà vo thành hai nắm. Đôi mắt bà sáng rực, nước mắt đã bị làn da mặt nóng như lửa của bà đốt nên đã khô queo, những vết hoen do phấn bị trôi đi đọng lại dưới cằm trông chẳng khác nào những giọt mưa đầu tiên điểm trên những lớp váng đất phèn khô quắt.
- Chú Cửu! - Giọng bà Tứ nghẹn lại, - Chú đã nhận của tôi một bãi nước bọt. Năm ngoái chú đã ôm tôi, sờ sẫm tôi, bóp vú tôi, bây giờ trước mặt anh chú, chú thành thật nói thử xem, miệng tôi có mùi gì không?
Rất khó khăn, ông Cửu nuốt bãi nước bọt qua cổ họng, đầu cúi rũ xuống. Hình như ông đang nhớ lại, đang vận dụng vị giác lẫn khứu giác để phân tích bãi nước bọt của bà Tứ, rồi ông ngẩng lên nói:
- Không có mùi vị gì, kể cả mùi đồng gỉ!
Bà Tứ vung tay ném những vụn giấy vào mặt ông
- Đồ con lừa! Những kẻ ăn cỏ trong gia tộc các người đều là đồ con lừa!
Nói xong, bà vung tay lên. Một cú tát như trời giáng đập thắng vào mặt ông Tứ, âm thanh khô khốc. Chiếc cổ ông Tứ lệch hẳn về một bên, một tràng âm thanh quái dị từ cuống họng ông phát ra như tiếng một quả bóng tròn lăn trên đất khô. Bà Tứ tiếp tục giơ tay lên định tát nữa nhưng hình như mọi sức lực của bà đã cạn kiệt, cánh tay bà đã tê dại nên những ngón tay của bà trượt dài trên cổ ông Tứ, trượt dài xuống bộ lễ phục màu lam mới mà ông Tứ mặc trên người để chuẩn bị tế thần rồi vạch một đường vòng cung trong không gian. Thân hình bà Tứ lảo đảo và ngã lăn ra đất. Những tưởng cú tát thứ hai của bà sẽ là một đòn đánh với sức mạnh kinh người của lòng căm hận nhưng lại biến thành một động tác vuốt ve dịu dàng trên thân thể ông Tứ.
- Anh Tứ! Anh đừng bỏ chị ấy nữa! - ông Cửu kêu lên.
Những thớ thịt trên cằm ông Tứ giật giật, ánh mắt phát ra những tia lửa màu xanh, ông lẳng lặng như những bước chân của loài hổ dữ đến trước mặt ông Cửu, hai tay thộp cổ ông Cửu, giúi một cái, lại lôi một cái, lắc bên phải, lại lắc bên trái. Trông bộ dạng ông Tứ lúc này có thể hiểu được là ông đang muốn nghiền thịt xương ông Cửu ra thành tương. Từ trong lồng ngực ông, những tiếng gầm gừ của loài hổ báo phát ra. Cổ ông Cửu bị hai bàn tay cứng như gọng kềm của ông Tứ thít chặt, không thở nổi, những tiếng khò khè nặng nhọc thi thoảng mới bật ra giống như tiếng kêu của loài chim hải âu đang tuyệt vọng quần đảo phía trên những ngọn sóng cao ngút trời giữa đại dương. Đầu óc ông Cửu sắp mụ mị, trước mắt ông màu đen đã ụp xuống. Trong những cơn giãy giụa cuối cùng, ông Cửu đạp loạn xạ vào bàn chân ông Tứ, đôi tay thì cào vào lưng ông ta. Hình như ông Tứ cũng đã tỉnh ra đôi chút, đưa miệng lên trán ông Cửu, cắn mạnh một miếng. Mười mấy vết răng xuất hiện trên trán ông Cửu làm thành một hình bầu dục rất đẹp và từ đường viền của cái hình bầu dục ấy, máu bắt đầu rịn ra.
Ông Cửu rú lên đau đớn, hai tay ôm lấy trán, không còn đủ sức để quẫy đạp nữa.
Một tiếng đồng hồ sau, ông Tứ xuất hiện ở buổi tế thần; ông Cửu dắt con lừa, ngồi trên lừa là bà Tử - đôi mắt sưng mọng vì khóc sướt mướt khi từ biệt những người đàn bà trong gia tộc. Con lừa chầm chậm lê những bước chân buồn thảm trên con đường đất đỏ, rời khỏi làng.
Nãy giờ, bà Cửu có thân hình cao gầy, bà Ngũ với thân thể mập mạp và bảy tám bà thân thiết nữa tụ tập dưới gốc cây liễu, lặng lẽ quan sát ông Cửu với khuôn mặt đầy máu đỡ bà Tứ quần áo lộng lẫy lên lưng con lừa. Bà Cửu và bà Ngũ thút thít khóc, những người đàn bà còn lại tuy không khóc thành tiếng nhưng mắt ai cũng đỏ hoe. Ông Cửu đã vứt đôi giày vốn được buộc rất kỹ bởi một sợi dây thừng vào một góc sân nhưng bà Tứ lại bước đến nhặt lên.Ban đầu, bà treo đôi giày vào cổ con lừa, mỗi bên mỗi chiếc, hình như con lừa thấy mình bị làm nhục nên cúi đầu rụt cổ lại. Sau khi leo lên lưng lừa, có lẽ vì hai chiếc giày cọ xát vào đầu gối, cũng có thể là để giảm bớt sức nặng cho cổ con lừa nên bà Tứ cúi người xuống, kéo lấy sợi giây thừng và quàng đôi giày vào cổ mình. Hai chiếc giày to tướng như hai chiếc huy chương vinh dự treo lủng lắng trước khuôn ngực nhô lên rất cao của bà Tứ. Lúc này, bà Tứ mới quay người giơ tay vẫy chào từ biệt đám đàn bà đang đứng khóc dưới gốc cây liễu trên miệng nở một nụ cười rực rỡ tựa hoa cúc mùa thu, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt rất tươi của bà trông như sương sớm trang điểm thêm cho vẻ rực rỡ của hoa. Trên lưng lừa, bà Tứ quay đầu nhìn, có cảm giác cái nhìn của bà đã xuyên thấu hết tâm trạng của những người đàn bà kia.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, mẹ tôi lúc ấy chỉ là một cô dâu nhỏ bây giờ đã là một lão bà vẫn còn nhớ như in cái không gian chia ly đậm đặc chất bi hùng ấy, chín trăm chín mươi chín lần kể lại cảnh chia ly đậm chất điện ảnh ấy cho tôi nghe, khuôn mặt mẹ vẫn đầm đìa nước mắt, trong lời kể của bà lúc nào cũng phảng phất một niềm bái phục và yêu thương đối với bà Tứ.
Nếu men theo bờ đê với những hàng cây hòe cành lá um tùm mà đi về phía đông, ông Cửu và bà Tứ hoàn toàn có thể giống như hai con cá theo dòng nước chảy về đông mà nhập vào cánh đồng hoang mênh mông đầy châu chấu và không ai có thể phát hiện ra họ. Nhưng khi ông Cửu vừa dắt con lừa lên đến mặt đê, cũng là lúc bà Tứ ngồi trên lưng lừa quay người lại lần cuối cùng để vẫy tay từ biệt những người đàn bà vẫn còn trông theo ở phía xa xa, trong chớp mắt ấy, con lừa với tính cách quật cường cố hữu bỗng nhiên giật mạnh một cái, sợi dây cương trong tay ông Cứu tuột ra, nó lao xuống bờ đê và chạy thắng về phía nam trở lại theo con ngõ hẹp, đuôi vểnh lên biểu thị một sự kích động đến độ điên cuồng khiến những người đàn bà đứng dưới gốc liễu bị bất ngờ đến độ lặng người đi. Ngồi trên lưng lừa, lưng bà Tứ vẫn thẳng đứng, thân hình lúc thì nhô lên lúc thì thụp xuống nhưng chẳng có một dấu hiệu nào của sự hoảng sợ, trông bà lúc này chẳng khác gì một kỵ sĩ lão luyện.
- Cản nó lại! - ông Cửu gào lên.
Bà Cửu là người gan dạ nhất trong đám đàn bà, vọt thẳng ra đứng giữa đường, định chặn đà lao tới của con lừa. Chỉ thấy nó nhe răng ra, xông thẳng đến, vừa chạy vừa kêu như có ý dọa là sẽ húc bể bụng bà Cửu. Theo bản năng, bà Cửu nhảy sang một bên, con lừa vọt qua người bà với khoảng cách chỉ là gang tấc. Đôi mắt bà Cửu trợn tròn, miệng lưỡi cứng lại, không phải vì con lừa làm cho bà sợ hãi đến như vậy mà là gương mặt như Quan âm Bồ Tát của bà Tứ trên lưng lừa, gương mặt toát lên một vẻ bí mật khó mà lý giải ấy như đang chiếu rọi vào con người vốn sống một cách hời hợt của bà Cửu khiến bà như muốn hôn mê.
Trong lúc con lừa tưng vó chạy, hai chiếc giày to tướng liên tục đập vào đôi bầu vú của bà Tứ, chiếc xương sống nhô cao của con lừa chọi thẳng vào mông bà và những chiếc xương sườn va vào chân. Trong mấy mươi năm, những người đàn bà - trong đó có cả mẹ tôi - vẫn thường bí mật thì thầm với nhau một cách bí mật về cách lý giải những sắc thái thần bí trên gương mặt bà Tứ lúc ấy, tôi luôn luôn tỏ thái độ hoài nghi đối với vấn đề này. Những người đàn bà cho rằng, đúng vào trong cái chớp mắt khi bà Tứ đưa tay lên vẫy chào từ biệt mọi người chính là bà đã nhập vào cõi tiên, cho nên ngồi trên lưng lừa lúc ấy không còn là bà Tứ nữa mà là một vị tiên cô. Đã là một tiên cô thì không hoàn toàn cần thiết phải lén lén lút lút đi trên bờ đê rậm rạp như một người đàn bà bị chồng đuổi về nhà bố mẹ đẻ mà cứ đường đường chính chính đi giữa nơi đông người, trên đường cái quan. Ai trông thấy được bà ấy là một hạnh phúc; ai không trông thấy là một điều đáng tiếc. Để chứng minh cho những phán đoán của mình, những người đàn bà - có cả mẹ tôi trong số đó - đưa ra một số chứng cứ: Thứ nhất, bà Tứ từ nhỏ không rời khỏi nhà cha mẹ, lớn lên lấy chồng không rời khỏi cổng nhà chồng, đây là lần đầu tiên bà được ngồi lên lưng lừa, nó lại phi như điên cuồng như thế mà bà vẫn ngồi ổn định như Thái Sơn trên lưng nó, rõ ràng đây không phải là việc mà người đàn bà có thể làm được. Thứ hai, đôi mắt của bà Tứ lúc ấy phát ra một thứ ánh sáng rất lạ lùng, còn sáng hơn cả ánh tia nắng mặt trời, chỉ thoạt nhìn vào đó mà bà Cửu đã muốn hôn mê. Loại ánh sáng này rõ ràng không bao giờ xuất hiện ở người phàm trần. Thứ ba, căn cứ vào hồi ức của những người có mặt hôm ấy, khi con lừa chở bà Tứ trên lưng phóng qua trước mắt mọi người, ai ai cũng ngửi thấy một mùi hương. Mẹ tôi thì bảo đấy là mùi thơm của hoa lan, bà Cửu thì cãi: không phải mùi hoa lan, đó là mùi hoa quế, bà Ngũ thì do dự nói đó chẳng qua là mùi son phấn. Còn thím Thập Tứ thì bảo đó là mùi hoa nhài... Mỗi người ngửi thấy một mùi riêng. Chỉ có một thứ mùi phát ra từ thân thể bà Tứ nhưng trong cảm thụ của từng người lại rất khác nhau, chứng minh rằng đó không phải là mùi vị của chốn nhân gian. Chứng cứ thứ tư không mấy thuyết phục bởi nó liên quan đến âm nhạc và chỉ có mỗi một mình bà Cửu khẳng định là đã nghe một điệu nhạc du dương phát ra khi bà Tứ đi ngang qua người bà. Mẹ tôi và những người đàn bà khác nghi ngờ là lúc ấy bà Cửu nghe được tiếng nhạc tế từ miếu Ba Lạp vẳng tới, bởi khi bà Tứ cưỡi lừa bay trên đường cũng chính là nghi thức tế lễ ở miếu Ba Lạp bắt đầu lúc này ba nhạc công được ông Tứ thuê đến đã hòa tấu một khúc nhạc dân gian truyền thống. Mà ngày ấy cũng chính là lúc gió đông đang thổi.
Nói tóm lại, bà Tứ là một hình tượng được khoác cho bộ áo vô cùng thần bí trong gia tộc của chúng tôi, riêng tôi thì vẫn cứ hoài nghi tính chân thực của những câu chuyện kể này nhưng lại hy vọng vào tinh thần thực sự cầu thị của mẹ cũng như những người đàn bà khác. Cả một thế hệ phụ nữ tiền bối đức cao vọng trọng trong gia tộc lại cùng nhau sáng tác một câu chuyện thần thoại tập thể hay sao? Huống hồ thần thoại lại không phải là cây không có gốc nước không có nguồn, nhất định nó phải có một căn cứ thực tế nào đó. Vả lại chuyện bà Tứ cưỡi lừa bay trên đường chỉ mới diễn ra có năm mươi năm, mẹ tôi và nhiều người đàn bà khác được chứng kiến tận mắt, mỗi khi nhắc đến chuyện này thì mặt ai cũng đều thể hiện một sự nghiêm túc chân thành, những lời kể của họ đã đạt đến trình độ nghiêm túc tuyệt đối, thống nhất tuyệt đối; nói cách khác là một quá trình lưu truyền nghiêm túc, tôi không đủ lý do để phủ định tính chân thực của câu chuyện này.
Đương nhiên, xuất phát từ lòng tôn kính với người đã khuất xuất phát từ sự đồng cảm với số phận thê thảm của bà Tứ, xuất phát từ trạng thái tình cảm "thỏ chết chồn thương" mẹ tôi và những người đàn bà khác cũng có thể đã gia công điểm xuyết nghệ thuật thêm cho câu chuyện. Nhiệm vụ trước mắt tôi là phải loại trừ những hoàn tiết bên ngoài sự thật của câu chuyện, nắm chắc bản chất của vấn đề. Thứ nhất, con lừa giật khỏi dây cương chạy xuống khỏi bờ đê là chuyện không còn phải bàn cãi gì nữa; thứ hai, bà Tứ ngồi rất ổn định trên lưng lừa và gương mặt biểu thị một sắc thái vô cùng thần bí cũng là một chuyện không cần phải nói gì thêm.
Con lừa được dắt lên mặt đê nhưng lại chạy như bay trở lại là vì mặt đê quá hẹp, nước sông lại quá trong khiến đầu óc nó trở nên hoảng loạn; còn bà Tứ sở dĩ ngồi một cách ổn định trên lưng lừa mà không rơi xuống là do những cơ năng trong tiểu não bà khá kiện toàn, có năng lực giữ vững thăng bằng hơn so với người bình thường. Chỉ có điều duy nhất cần phải tốn công lý giải là: Vì sao trên mặt bà Tứ lúc ấy lại có thể biểu hiện được sắc thái của một thiên thần? Chỉ cần nhắm mắt lại là tôi đã hình dung ra gương mặt bà Tứ lúc ấy: phóng túng, lãng đãng, mê mê, tỉnh tỉnh, tràn trề hạnh phúc. Tôi không thể không thừa nhận, những biểu hiện trên gương mặt bà lúc ấy có quan hệ mật thiết với giới tính. Kiểu lý giải này tôi không hề nói với mẹ cũng như bất kỳ một ai, nhưng rõ ràng là nó đã định hình trong tôi. Căn cứ vào những tài liệu có liên quan, tôi biết người đàn bà trong lúc thống khổ đến cực độ thì vô cùng mẫn cảm đối với chuyện kích thích tính dục và những phản ứng của nó biểu hiện rất rõ ràng. Con lừa đang chạy như bay, chiếc xương sống gầy gò nhô cao của nó không ngừng cọ xát và va đập với đùi và mông bà Tứ, hai chiếc giày lại không ngừng mân mê đôi vú vổng lên rất cao của bà. Lưng lừa thì cọ xát và va đập, đôi giày thì mân mê... Đây là những chỗ vô cùng mẫn cảm về mặt tình dục trên cơ thể người đàn bà. Bà Tứ đang đau khổ cùng cực vì bị chồng bỏ đột nhiên nhận được những kích thích rất mạnh trên toàn thân, những ức chế về tình dục, những nỗi đau đớn dằn vặt phức tạp trong lòng bà trong một thời gian ngắn đã được bù đắp được giải tỏa, do vậy mà nói gương mặt bà lúc ấy như phiêu diêu thoát tục như thể lên tiên cũng chẳng có gì là khoa trương phóng đại cho lắm.
Khi con lừa chạy ra đến đường cái lớn thì bắt đầu đi chậm lại và nó cũng quay về với cái bộ dạng cúi đầu ủ rũ cố hữu mấy mươi năm giống như một ngày của nó, dây thừng treo lủng lẳng trên cổ giống như một con rắn. Ông Cửu thở hồng hộc nhào đến, khom người chụp lấy chiếc dây thừng rồi vung quyền lên, nhằm ngay vào ức con vật đấm liền mấy cái. Con lửa chẳng có một phản ứng gì.
Ông Cửu lôi mạnh dây thừng muốn con lừa quay đầu lại để đi về phía bờ đê, men theo con đường nhỏ um tùm những cây hòe trên mặt đê lặng lẽ rời khỏi làng. Suy nghĩ này chứng minh ông Cửu cũng vẫn có lương tâm, là sự quan tâm đến danh dự của bà Tứ, nhưng ý tốt của ông ta không được đền đáp tương xứng. Khi ông đang dùng toàn lực để kéo con lừa điên điên khùng khùng và ngu ngốc ấy thì bà Tứ đã động đậy chân phải và bàn chân có mang chiếc giày thêu hoa đã vung mạnh lên, một cú đá như trời giáng bay thẳng vào mặt ông Cửu. Ông Cửu thấy đom đóm bay chấp chới trước mặt, trong tai như có tiếng trống đánh ầm ầm, thân thể lảođảo suýt chút nữa thì ngã nhào. May mà ông Cửu không thể nhìn thấy sắc mặt của chính mình lúc này. Nếu ông Cửu sớm ngẩng đầu lên để nhìn bà Tứ trước khi nhận lãnh cú đá như trời giáng: Bà ngồi trên lưng lừa mà như Phật Bà Quan âm ngồi trên tòa sen, thái độ ung dung trang trọng cùng với một mùi hương thanh khiết tỏa ra nực mũi; thì có đánh chết ông cũng không tin là bà Tứ thực tế đã đá một cú thật mạnh trúng vào giữa mặt ông. Sau khi cơn choáng váng đi qua, ông ngước mắt lên nhìn thì thấy bà Tứ khép hờ đôi mắt, gương mặt biểu hiện một cách mệt mỏi những trạng thái tinh thần phức tạp hỉ nộ ái ố, cũng chẳng hề hé miệng nói lấy một tiếng. Ông Cửu cho rằng, cú đá ấy là do trời giáng vào ông, do vậy mà con lừa cũng đã trở thành một linh vật có khả năng đối thoại với thần ma. Đã như thế thì ông Cửu không dám làm trái ý nó nữa, lo sợ lẫn tôn kính, ông cẩn thận cầm chiếc dây thừng nối từ cái đầu đầy trí tuệ một cách thần bí của nó và bước theo, lưng ông cong xuống, phía dưới vết thương do ông Tứ cắn hình bầu đục nằm ngay giữa trán vẫn đang rỉ máu lại thêm một vết bầm tím ngay giữa chỗ giao nhau của đôi lông mày do gót giày bằng gỗ của bà Tứ để lại, ông Cửu xiêu xiêu vẹo vẹo đi về hướng đông...
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook