Dù biết sự thật rằng Lãng Tử đã thực sự ly dị vợ nhưng tôi vẫn không tránh khỏi những nghi ngờ. Không nghi mới là lạ, tôi vốn chẳng tin mấy vào chuyện tình yêu sét đánh ( nếu mà bị sét đánh thật thì chết cháy bố nó rồi còn đâu), tôi càng không tin vào chuyện tình cảm con người có thể thay đổi một trăm tám mươi độ chỉ trong một thời gian ngắn ngủi như thế. Tóm đi tóm lại, là tôi chưa tin vào tình cảm mà Lãng Tử dành cho tôi, đương nhiên, tôi tự hiểu rằng, với một cô gái như tôi thì ai gặp mà chẳng muốn yêu. ( Tôi thường nghĩ thầm thế thôi, chứ mở mồm nói ra chắc bị Thiên Lôi chặn đánh giữa đường mất, đấy đến Thiên Lôi còn ghen ghét với sắc đẹp của tôi cơ mà).

Lãng Tử công khai tán tỉnh tôi. Ô! đây quả là một tin hot đối với Bi Ve và Cây Sậy, mà đúng hơn, phải gọi là một tin chấn động địa cầu. Tôi đã mất một bữa nầm nướng để bịt mõm hai thằng mồm cá ngão đấy lại, nếu không chúng mà đi tơn hớt với mẹ tôi thì chắc bà sẽ truy vấn tôi đến chết mất. Tôi tạm thời không khai báo gì với mẹ khi bản thân mình còn chưa rõ ràng xem chuyện gì đang xảy ra. Theo lời khuyên của hai “chuyên gia” Bi Ve, Cây Sậy, tôi nên án binh bất động. Ý là án binh bất động theo kiểu không gật mà cũng chưa lắc đầu từ chối ấy, tôi thấy đó là một chiến thuật hợp lý cho đủ các thứ loằng ngoằng, rối rắm trong đầu tôi. Nhưng, các bạn nên nhớ, án binh bất động không có nghĩa là bạn không được phép nhận lời đi ăn uống hay café với người ta. ( Nếu bạn rảnh, cứ nhận lời đi, mất gì của bọ) Với lại, đó cũng là cơ hội để bạn tìm hiểu xem người ta có thật lòng với bạn không. Ôi trời, mình cứ nói như là chuyên gia tư vấn ấy, mặc dù có mảnh tình rách nào đâu, tất cả kinh nghiệm có được đều là do đọc truyện sến trên mạng và xem phim Hàn xẻng suốt ngày ý mà.

Đương nhiên, với phương châm đó, tôi có nhận lời đi café với Lãng Tử. Anh ấy nằng nặc đòi đến đón tôi tại nhà, nhưng tôi nhất quyết từ chối. Có hai lý do cho sự từ chối đó, thứ nhất là mẹ tôi, tôi không muốn bà mừng hụt, hai là tôi muốn mình có thời gian nhởn nhơ mà chuẩn bị sao ọi thứ okie nhất về cả tinh thần lẫn hình thức. Tám giờ tối, tôi ra khỏi nhà với bộ dạng không thể tuyệt vời hơn ( Dùng từ tuyệt vời ở đây có vẻ hơi khiêm tốn, đáng lẽ phải nói trên cả tuyệt vời mới đúng). Tôi không muốn mặc váy, vì thế tôi đã cố tìm chiếc áo điệu đà nhất trong tủ để mặc. Tôi lôi đôi giày bệt màu trắng, có đính nơ xinh xinh trên mũi mà mẹ tôi mua cho từ cách đây vài năm ra xỏ vào chân. Perfect! lượn thôi, nếu một cô nàng chân ngắn và tung tăng với đôi giày đế bệt thì có nghĩa là cô gái ấy rất tự tin. Tất nhiên, chẳng cần nói nhiều, cô ấy chính là tôi.

Lãng Tử hẹn tôi ở quán café vô cùng sang trọng ngay cạnh Bờ Hồ. Quán café này tôi đã đi qua vài trăm lần, nhưng chưa bước chân vào đó lần nào. À, mà tính tôi dễ thương lắm, nhìn thấy quán vài trăm lần rồi nhưng chả bao giờ nhớ tên quán cả. Tôi nghĩ đơn giản thế này, mình biết quán ở chỗ nào thì cứ phi đến đấy mà ngồi, việc gì phải nhớ tên cho nó hại não.

Tôi bước chân vào quán, thả đôi giày xinh xắn dưới cầu thang và bước lên thảm. Lãng Tử đang ngồi đợi tôi ở một góc quán, có ánh nến, có hoa rất lãng mạn. Phải nói thật là tôi hơi choáng. Nhưng, với sự tự tin siêu phàm vốn có, tôi lạnh lùng mỉm cười với anh. Lãng Tử đứng dậy kéo ghế cho tôi ngồi. Anh vui vẻ hỏi.

- May quá, em đến rồi, anh cứ sợ là em không đến đấy!

- Ô, sao lại không đến chứ, chả mấy khi được mời lên chỗ này mà.

Lãng Tử nhìn tôi mỉm cười. Nói chung, từ hồi anh ấy lấy vợ tôi đã mất hết ý nghĩ là sẽ làm duyên, làm dáng trước mặt anh ấy rồi. Vì thế, tôi cứ có sao nói vậy, tôi nghĩ, nếu anh ấy yêu tôi thật thì nên chấp nhận tính cách trời đánh của tôi chứ. Lãng Tử vừa vẫy tay gọi phục vụ, vừa nói với tôi.

- Em đi bằng gì đến đây? Anh rất muốn đến đón em mà không biết nhà.

- Em đi ô tô!

- Thật à? Em mua ô tô rồi à?

- Ơ, không! Em đi ô tô của nhà nước!

- Là sao? Anh không hiểu!

- Ô tô bus ấy!

- À… ra thế.

Lãng Tử bật cười. Tôi thì chẳng thấy gì buồn cười ở đây cả. Đi xe bus mà có gì đáng cười sao? Thật là vớ vẩn. Cuối cùng, sau khi lật đến nát cả quyển menu và căng mắt ra xem bảng giá, tôi cũng gọi được một cốc kem dâu ngon lành. Tôi bắt đầu nghịch cái ô bé xíu người ta cắm lên cốc kem để trang trí. Tôi xoay xoay nó rồi nói.

- Tiếc nhỉ?

- Cái gì cơ?. Lãng Tử hỏi lại.

- Cái ô đẹp thế này mà không ăn được.

Lãng Tử lại cười. Trời ạ, anh ấy mà cười như thế này cả buổi tối chắc tim tôi rụng mất, khổ, tính háo sắc bao giờ mới hết đây. Lãng Tử nhấp một ngụm café.

- Tiến Phương! Em luôn làm cho người khác cảm thấy thú vị đấy.

- Người khác nào?

- À… ý anh là… người khác là anh…

- À, chuyện đương nhiên mà. Con người thông minh thì luôn biết tạo nên sự thú vị.

Máu tự tin trong tôi trỗi dậy, tôi nghĩ, tôi có thừa thông minh để làm người khác thích mình. ( Gớm, mấy chục năm sống trên đời, mới có một người theo đuổi mà ti toe). Lãng Tử lại cười. ( chết tiệt, lại cười rồi)

- Và cũng gây nên nhiều tai họa!

- Vớ vẩn, em đã gây ra vụ cháy nhà, lở núi nào đâu mà bảo thế.

- À, đương nhiên là không… Em còn nhớ ngày đầu tiên gặp anh khi em lao vào toilet nam rồi sau đó là vụ em đứng bên đường vẫy tay và cười như điên với một thằng cha nào đó chứ?

Trời đất, anh ấy còn nhớ dai hơn tôi ấy chứ. Những chuyện đáng xấu hổ như thế mà cũng để ý được, thật là bó tay. Mặc dù, tôi đã thấy hơi bối rối nhưng tôi cố tỏ ra lạnh lùng.

- Em quên hết rồi, mà sao thế?

Công nhận, không biết hồi có bầu tôi, mẹ đã ăn gì mà lớn lên tôi có khả năng diễn xuất và bịa chuyện siêu phàm đến thế. Tôi không những tự khâm phục mình mà còn phục sát đất cả mẹ tôi nữa. Lãng Tử chả cần nhìn phản ứng của tôi, anh ấy nói tiếp.

- Lúc đầu, anh thấy em thật là dở hơi!

- Cái gì?

Trời ơi, Lãng Tử ơi, sao anh đẹp trai, lịch sự thế mà không biết nói những lời hay đẹp hả? Tôi thật là thất vọng, thất vọng đến cứng cả lưỡi. ( Thực ra là vì tôi ngậm quá nhiều kem trong miệng). Nhưng, may quá, cuối cùng tôi cũng nuốt được cục kem to bự vào bụng để cất mồm lên hỏi.

- Em mà dở hơi thì cả thiên hạ này chẳng thằng nào tỉnh táo đâu.

- Ô, nếu em không dở hơi thì sao lại muốn tự tử chứ. Hôm đó em chẳng leo lên ban công và luôn mồm chửi thằng chết tiệt nào đó còn gì, thú thật, lúc đó anh cứ tưởng em nhảy xuống thật.

Oái, anh ấy vẫn còn nhớ vụ đó ư? thật là xấu hổ. Tôi làm thế nào để hóa giải vụ hiểu lầm to như cục kem ấy bây giờ?. Trời, Đỗ Tiến Phương này mà muốn chết ư?. Đừng mơ, tôi chưa bao giờ le lói cái suy nghĩ đó trong đầu chứ đừng nói là sẽ thực hiện. Lãng Tử hỏi.

- Mà tại sao em lại muốn chết vậy? Kể anh nghe được không?

Tiêu rồi! Anh ấy nghe chừng rất băn khoăn về vụ đó. Tôi biết nói gì đây? Bịa ra rằng tôi bị thằng Sở Khanh nào đó phản bội? Hay là tôi nói, tôi bị mẹ măng? Hoặc đơn giản là tôi bị… vỡ nợ… Không! Tất cả những lý do đó thật vớ vẩn. Tôi đành tìm kế thoái lui, tốt nhất là ngậm miệng lại.

- Thực ra, chẳng có gì đâu. Thôi nhỉ, muộn rồi, sắp hết xe bus rồi.

Tôi đứng dậy, cố làm ra vẻ vui vẻ để chuồn. Lãng Tử vội vàng đứng dậy.

- Để anh đưa em về!

- Thôi khỏi, em thích đi xe bus hơn.

Chúng tôi cùng đứng dậy và bước ra ngoài. Khi tôi ngồi xuống xỏ chân vào đôi giày đính nơ xinh đẹp, tôi bắt gặp cái nhìn là lạ của Lãng Tử xuống chân mình.

- Ô! giày của em sao thế?

- Cái gì? Sao là sao?

Tôi cúi xuống, ối trời cao đất rộng ơi, đôi giày của tôi, đôi giày trắng xinh đẹp đã rụng mất một chiếc nơ từ đời nào rồi. Chưa kể đến việc, chiếc còn lại bị rách, há mõm bao giờ. Tiến Phương ơi là Tiến Phương, mày lôi nó từ trong tủ ra mà cũng không thèm kiểm tra gì cả, tính qua loa đại khái đã hại mày thê thảm rồi. Tôi cúi xuống, phủi phủi đôi giày và đáp một cách tỉnh bơ.

- À, chắc do em chen lấn trên xe bus nên bị thế đấy.

Nói thế thôi, chứ tôi đang xấu hổ đến chết đi được. Lãng Tử đột nhiên cúi xuống, gỡ đôi giày từ chân tôi ra, và cầm lên ngắm nghía. Tôi như bị điện giật trước hành động đó. Lãng Tử gỡ nốt chiếc nơ còn lại rồi cố gắng kéo cái mõm giày đang há ra cho nó kín vào và xỏ nó vào chân tôi. Ôi trời, anh chàng này thật là kỹ tính, cứ để tôi đi một chiếc có nơ, một chiếc không nơ ra đường thì đã sao. Dù sao, tôi cũng đứt dây thần kinh xấu hổ từ đời tám hoánh rồi.

Buổi tối kết thúc bằng việc Lãng Tử nhất định đưa tôi đi mua giày. Khổ lắm, nhắc đến đoạn mua giày tôi thực sự rất đau lòng. Chẳng là, Lãng Tử muốn trả tiền để tặng tôi, nhưng tôi sĩ diện ( Tôi không sĩ thì thôi, chứ khi đã sĩ lên thì đừng hỏi) nên đã bằng mọi giá tự trả tiền đôi giày đó. Lãng Tử rất không vui, còn tôi thì còn không vui gấp bội. ( Vui làm sao được khi vừa mất một đống tiền chỉ vì sĩ diện, biết thế không thèm sĩ diện cho rồi). Lãng Tử năn nỉ mãi tôi mới đồng ý để anh đưa về, nhưng chỉ về đến đầu phố và tôi đi bộ về nhà, trong lòng vẫn không ngừng nguyền rủa cái tính sĩ diện thái quá của mình. …

Từ hồi Lãng Tử tình nguyện làm cây si của tôi, cả công ty như vừa xảy ra một cơn sóng thần. Ai cũng ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Một chị mái già đánh bạo hỏi tôi. “ Ơ, thế rốt cuộc em yêu ai, anh chàng răng hô?, anh bánh rán hay anh phó giám đốc tầng dưới?”. Tôi chẳng trả lời gì cả, vì chính tôi cũng có biết như thế nào đâu mà trả lời?. Hăng-rô Nguyễn thì đương nhiên là không rồi, Hoành Tá Tràng với tôi cứ như chó với mèo, làm sao mà yêu nổi. Còn Lãng Tử và tôi thì thật là… éo le. Thôi kệ, nước chảy thì hoa trôi, mà hoa không trôi thì cứ nằm im một chỗ cũng được, trong trường hợp này tôi là hoa và cuộc đời là nước. ( Haizz, từ hồi có một anh tán tỉnh là trở nên sến thế đấy).

Hết giờ làm, tôi thất thểu đi ra bến xe bus để về nhà. Nói thật, tôi ngấy xe bus đến tận cổ rồi, thường xuyên chen lấn, xô đẩy chưa kể đến việc thi thoảng lại phải đứng gần một anh “chồn hôi” ( hôi nách ý mà) thì không biết phổi của mình sẽ thâm đen đến mức nào. Nhưng, than thở thì cứ than thở thôi, còn đi vẫn phải đi. Haizzz, đời éo le là vậy, mồm muốn nhưng chân không làm thì phải chịu. Tôi đứng hít cả mấy yến bụi vào mũi rồi mà xe bus vẫn chưa đến, định rủa thầm ông tài xế xe bus thêm tí nữa thì một người lao xe máy đến, phanh kít trước mặt tôi.

- Lên đi!

Khỏi cần nói, cả thế giới này có ai dám ăn nói cộc lốc với tôi như thế ngoài Hoành Tá Tràng?. Anh ta vẫn mặc nguyên bộ đồng phục cảnh sát, đội mũ nghiêm chỉnh. Tôi lườm lườm nhìn anh ta.

- Tại sao tôi phải lên?

- Ơ hay, thế cô không muốn về à?

- Gớm, hôm nay anh thừa xăng hay sao thế?

- Này, đừng có tưởng bở. tôi đi làm về, nhìn thấy cô nên mới cho đi nhờ đấy, lên nhanh đi.

Ờ được, miếng ăn đã dâng đến tận miệng thì việc gì phải từ chối? ( Trong trường hợp này phải nói là xe đã ở sát chân tội gì mà không lên). Hắn ta đến đúng lúc nỗi niềm chán ngấy xe bus của tôi lên đến đỉnh điểm, vì thế, tôi ung dung leo lên xe hắn ngồi.

- Thôi được, thấy anh đi về một mình buồn, tôi thương nên mới ngồi cùng đấy... Đi thôi!

Tôi vỗ vỗ vào vai Hoành Tá Tràng, hắn ta quay lại đưa cho tôi cái mũ bảo hiểm.

- Đội vào đi, nói lắm thế.

- Ơ hay, tôi tưởng anh là cảnh sát giao thông cơ mà.

- Thì sao?

- Đi với cảnh sát mà cũng phải đội mũ bảo hiểm à?

- Sao không? Cô không đội thì xuống khỏi xe tôi ngay…

Thấy có vẻ căng thẳng, tôi làm bộ nhún nhường.

- Được rồi, đội thì đội.

Hoành Tá Tràng lườm tôi một cái dài thượt, gớm, lườm như đứt đôi cả người ấy.

Trên đường về, Hoành Tá Tràng đi chậm rãi, còn tôi thì liên tục nhổm mông lên để giục anh ta đi nhanh lên. Thật là khó chịu khi một con thỏ xinh đẹp như tôi lại phải ngồi sau lưng một con rùa chậm chạp. Tôi liên tục hét to.

- Này, anh không đi nhanh lên được à?

- Bình tĩnh đi, đường đông, đi nhanh mà đâm vào người ta à?

- Điên à. Anh không biết lạng lách mà tránh hả?

- Cô điên ấy, tôi là cảnh sát giao thông đấy! Đi như thế khác gì thằng ăn cướp, cô không thích thì nhảy xuống đi.

Trời ạ, tức ói máu. Tôi định véo cho hắn một cái thật đau cho nhớ đời. Nhưng mà, nghĩ lại, dù sao tôi cũng đang đi nhờ xe, nói gì thì nói cứ phải ngọt ngào tí, có mất gì đâu.

Đúng lúc tôi đang định nói điều gì đó ngọt ngào hơn thì nghe thấy tiếng hô to “ Cướp, Cướp”. Một chiếc xe máy chở hai thanh niên bợm trợn lượn qua mũi xe của chúng tôi và lạng lách không ngừng về phía trước. Hoành Tá Tràng ngay lập tức rồ ga đuổi theo.

- Ôm chặt tôi nhé!

Ôi, cha mẹ ơi, thế là hết đời con rồi. Lúc nãy bảo anh ta đi nhanh thì không đi, giờ lại rồ lên đuổi cướp. Tôi níu chặt áo anh ta, và không ngừng hét lớn.

- Dừng lại! Dừng lại.

Người đi đường nhìn chúng tôi ngưỡng mộ. Họ cứ tưởng tôi đang quát hai tên cướp, nhưng thực chất tôi đang kêu để Hoành Tá Tràng dừng lại, thả tôi xuống đã rồi anh thích bắt cướp ở đâu thì cứ tự nhiên mà đi. Trời ơi, tôi chưa muốn chết, tôi xinh đẹp, tôi tài năng, tôi chân ngắn và tôi không muốn chết, nhất là phải chết trong tay mấy tên cướp bặm trợn kia. Chết như thế thì làm sao mà xinh đẹp cho được. Nhưng, tôi gọi khản cả tiếng cũng chẳng ích gì.

Hoành Tá Tràng vượt lên trước, định chặn đầu xe chúng, nhưng không kịp, tên cướp giơ chân lên đạp xe chúng tôi. Hoành Tá Tràng loạng choạng và cả người lẫn xe đều ngã xuống đường, tất nhiên là tôi cũng thế. May mà Hoành Tá Tràng kịp phanh và chống chân, nên chúng tôi bị ngã nhẹ ra đường. Trong khi tôi chưa kịp định thần thì Hoành Tá Tràng đã lao đến không chế hai tên cướp cũng bị mất đà ngã cùng chúng tôi. Cả đám người quay lại, xe cảnh sát xộc tới. Lúc đó, Hoành Tá Tràng hớt hải chạy về phía tôi đang ngồi bệt một góc. Hắn nhìn xuống chân tôi, mặt hắn tái nhợt.

- Chết rồi… em… à… cô bị chảy máu!

Cái gì? Máu á?, tôi nhìn xuống chân, máu đã tuôn từ lúc nào. Tôi chẳng thấy đau đớn gì mới lạ chứ. Nhưng kệ, cứ thấy có máu là coi như đau đi, lúc bấy giờ tôi mới ngoác mồm ra khóc. Hoành Tá Tràng xanh mặt, nâng chân của tôi lên, anh ta cởi phăng áo ngoài lau những vết máu quanh chân. Anh ta hét lên.

- Nhanh, tôi đưa cô đến bệnh viện.

- Không! Đưa tôi về nhà, tôi sợ bệnh viện.

- Không được, vết thương sâu lắm.

Không để tôi nói gì, Hoành Tá Tràng bế xốc tôi lên. Xấu hổ quá, hàng trăm người hiếu kỳ đang nhìn chúng tôi. Tôi gào lên.

- Cho tôi xuống.

Hắn giả vờ không nghe thấy, cứ bế tôi đến thẳng chỗ xe cảnh sát.

Và, các bạn thân mến, đã ai nhìn thấy bệnh nhân cấp cứu được cho ngồi trên chiếc xe tải thùng của cảnh sát giao thông không?. Tôi đây chứ ai. Hoành Tá Tràng bế tôi lên ngồi trên đó, anh ta liên tục bắt anh tài xế chạy nhanh lên. Trong khi đó, anh ta vẫn không ngừng lau máu ở chân cho tôi. Thoáng chốc, tôi bắt gặp ánh mắt anh ta nhìn mình đầy xót xa. Còn tôi, đương nhiên chẳng vui vẻ gì, bị đau là một chuyện, nhưng xấu hổ gấp là một chuyện lớn hơn nữa. Tôi xinh đẹp, tôi tự tin mà cuối cùng tôi lại phải đi cấp cứu trong tình trạng như một tên tội phạm nguy hiểm thế này sao?. Cuộc đời này thật bất công. Suốt dọc đường đi, người ta cứ nhìn tôi như kiểu tôi vừa phạm tội gì to lắm ấy. Trời ạ, hi vọng người ta tưởng tôi phạm tội gì nó thanh ột tí, chứ đừng tưởng là Tú Bà, rồi ma túy, rồi giết người… thì mất hết cả thể diện. ( Mặc dù, chừng ấy con người đang đi trên phố, chắc chẳng có ai biết tôi là đứa mặt mo nào đâu).

Tôi bị khâu mất năm mũi, đồng nghĩa với việc nhảy lò cò mất gần một tháng.. Tôi không ngừng chửi bới, than thở với Hoành Tá Tràng, còn hắn ta thì luôn miệng xin lỗi và dìu tôi đi. Ô, sao hôm nay chẳng thấy cãi lộn gì nhỉ? Ngoan ngoãn nghe mình mắng cơ đấy. Đã thế, thì bà mắng thêm tí nữa cho sướng miệng. Thế là, tôi nói liên mồm cho đến khi lên taxi về nhà. Khác với những lần trước, lần này tôi cho phép Hoành Tá Tràng đưa tôi về đến tận cổng, không những thế, hắn còn dìu tôi vào nhà nữa. ( Kệ chứ, hắn phải có trách nhiệm với cái chân của tôi, và tôi thì không thể nào nhảy lò cò vào nhà được).

Mẹ tôi mở cửa, sau phút ngỡ ngàng, bà nhìn xuống chân tôi. Như hiểu ra chuyện, ( phải nói rằng mẹ tôi là một người nhanh nhạy khủng khiếp) bà không thèm hỏi thăm tôi lấy một câu, mà liên tục túm tay Hoành Tá Tràng.

- Trời ơi, cậu làm gì con gái tôi thế hả? Sao cậu dám đâm xe vào nó, trời ơi, cậu nhìn xem, nó tơ tướp thế này! Cậu… cậu… là đồ độc ác.

Ơ hơ! Màn kịch gì đang diễn ra ở đây?. Mẹ tôi tuôn hàng tràng dài, và Hoành Tá Tràng lúng búng vài lời gì đó trong miệng. Có thể anh ta quá sợ hãi và lúng túng. Ha ha, nhìn mặt anh ta lúc này trông thật tội nghiệp. Hoành Tá Tràng ơi, anh chết chắc rồi, mẹ tôi mà rên rỉ thì anh có mà nghe đến thủng tai vẫn chưa hết đâu. Xin thưa, tôi thấy cảnh này quá thú vị, vì thế chẳng tội gì tôi phải mở mồm ra giải thích mọi chuyện làm gì.

Mẹ tôi lôi Hoành Tá Tràng vào bên trong khiến tôi đang đứng dựa vào hắn ta cũng chới với suýt ngã. Mẹ ơi là mẹ, con gái mẹ thì mẹ không dìu, mẹ lại dìu lão chết tiệt kia vào nhà là sao?. Mẹ tôi lườm xéo tôi một cái, ( trời đất, giờ tôi mới biết mẹ tôi lợi hại đến nhường nào, bình thường trông bà nghiêm khắc và dịu dàng là thế, mà đến lúc cần cũng giơ nanh, giương vuốt như ai). Bà đẩy Hoành Tá Tràng ngồi xuống, mặt hắn ngây ra.

- Cậu đừng có chạy nhé, đừng hòng chạy trốn nhé.

Ôi, mẹ ơi, hắn ngồi lù lù trước mặt mẹ mà trốn cái nỗi gì. Hoành Tá Tràng lúng búng mấy câu trong miệng ( gớm, bình thường cãi nhau với tôi thì hùng dũng là thế, mà giờ co rúm lại như con ốc, thật đáng đời).

- Bác…bác… bình tĩnh…

- Không bình tĩnh bình tiếc gì hết. Tóm lại, cậu phải có trách nhiệm với con gái tôi. Cậu xem, chân cẳng nó như thế, giờ phải làm thế nào?

- Nhưng… nhưng… thưa bác…

- Không thưa gửi gì hết! Đưa số điện thoại của bố mẹ cậu đây, chuyện này phải người lớn trao đổi mới được.

Ối mẹ ơi, Hoành Tá Tràng vã mồ hôi, còn tôi thì thót cả tim. Định để hiểu nhầm tí để dọa hắn ta, không ngờ mẹ tôi cao thủ quá, đành phải hạ màn thôi. Tôi cuống cuồng chặn mẹ tôi lại.

- Mẹ… mẹ… hiểu nhầm rồi!

Mẹ tôi sựng lại nhìn tôi.

- Nhầm gì mà nhầm, mày ngồi im đi để mẹ giải quyết.

Công nhận, đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng mẹ tôi và tôi rất giống nhau ở thói quen cầm đèn chạy trước ô tô. Tôi đành phải tìm cách hạ hỏa ẹ tôi, và kéo bà ngồi xuống. Bà ngơ ngác nhìn tôi, đương nhiên, câu chuyện xảy ra ở ngoài đường đã được tái hiện lại thông qua người kể chuyện tài năng là tôi. Tôi không quên nhét vào đó những uất ức khi phải đi cấp cứu trên cái xe kỳ cục đó. Hoành Tá Tràng mặt như giãn ra, còn mẹ tôi thì luống cuống xin lỗi hắn.

Thế là xong!. Từ chỗ mắng như tát nước vào mặt Hoành Tá Tràng mẹ tôi đã quay sang bắt tay, bắt chân, mời trà rót nước rồi đon đả tiễn anh ta ra tận cổng. Tôi vừa nhìn mẹ, vừa cảm thấy thán phục sự thay đổi thái độ và tâm trạng của mẹ tôi trong từng khoảnh khắc, công nhận, người đời nói cấm có sai. “Hổ phụ sinh hổ tử “ ( Trong trường hợp này là Hổ mẫu mới đúng). Hoành Tá Tràng ra về mang theo trọng trách là phải đưa đón tôi đi làm đến lúc tôi khỏi chân mới thôi. Hắn ta gật đầu lia lịa trước yêu cầu của mẹ tôi, tôi phục mẹ sát đất, ăn vạ thế mới đáng nể chứ. Ha ha, thế là xong, tạm thời trong cả tháng tới tôi chẳng việc gì phải xô đẩy trên xe bus, và cũng chẳng tội gì phải mua một cái xe máy mới, còn nữa, tôi sẽ hành hạ Hoành Tá Tràng cho bõ ghét. Mẹ thật là tuyệt vời, mẹ “năm bờ oăn”!. Tôi chưa kịp ngậm cái miệng đang ngoác ra cười sung sướng thì mẹ tôi vào, lúc này bà mới liếc chân tôi.

- Thế nào? Có đau lắm không con?

- Ơ, con cứ tưởng anh ta mới là con mẹ chứ, mẹ chăm sóc anh ta ghê thế kia mà.

- Vớ vẩn. Mày không cảm ơn mẹ mày thì thôi, lại còn mát mẻ.

- Sao con lại phải cơm ơn mẹ!

- Ơ hay, không phải mẹ vừa ăn vạ để tạo điều kiện cho hai đứa mày có nhiều thời gian bên nhau à? Mẹ thấy thằng bé này đẹp trai, dễ thương đấy. Tóm lại, nó là một con cá to, cố mà bắt con ạ.

Ối! Trời trên cao, đất dưới chân ơi! Tôi suýt lăn đùng ngã ngửa khi nghe mẹ tôi nói. Mẹ ơi là mẹ, con gái mẹ mặt đẹp, dáng chuẩn thế này ( dù chân có hơi ngắn) mà mẹ lại bày kế ăn vạ hèn như thế sao?. Mẹ đánh giá con quá thấp, hơn nữa, Hoành Tá Tràng không phải là kiểu người mà con thích, không bao giờ. Tôi dậm chân xuống sàn nhà, rồi kêu oai oái lên vì đau. Mẹ tôi xách tôi lên gác, miệng không ngừng dặn dò ngày mai nó đến đón thì phải thế này thế nọ, mặc cho tôi ra sức phản đối, mẹ tôi nói một câu chắc nịch.

- Không nói nhiều! ý mẹ đã quyết!

Mẹ ơi là mẹ, lấy chồng cho con chứ có phải lấy chồng ẹ đâu? Mẹ tha cho con. Nhưng mẹ tôi chả thèm nói gì, bà đi ra và đóng sập cửa lại. Thế là toi, biết thế mình không cho lão Hoành Tá Tràng dắt mình về làm gì, “ Cuộc đời thật lắm gian nan, người tốt thì ít kẻ gian thì nhiều”. Trong trường hợp này, chẳng biết ai tốt ai gian nữa.

Tôi nằm bẹp xuống giường, cái chân bây giờ mới thực sự đau, chỗ vết khâu như căng lên, tưng tức. Trời ạ, thân làm tội đời, biết thế lúc chiều tôi gào to hơn, đấm đá Hoành Tá Tràng cật lực để anh ta thả tôi xuống trước khi đuổi cướp thì đâu đến nỗi. ( À, mặc dù vậy tôi vẫn thấy rất tự hào vì mình được mọi người khen là dũng cảm, mặc dù tôi chẳng qua chỉ là đứa ăn theo). Tôi vừa xoa chân, vừa không ngừng nguyền rủa Hoành Tá Tràng.

Tôi vớ điện thoại, định xỉ vả cho anh ta thêm một trận nữa, nhưng phát hiện ra, mình có tám cuộc gọi nhỡ từ Lãng Tử. Thế là tôi lại nhấc điện thoại lên, đặt điện thoại xuống băn khoăn xem có nên gọi lại cho Lãng Tử hay không. Mà thôi, người ta gọi ình tám cuộc, thì mình cũng nên gọi cho họ một cuộc cho lịch sự chứ. Tôi bấm máy gọi Lãng Tử, ngay lập tức đã nghe tiếng Lãng Tử hỏi dồn.

- Phương à? Em sao thế? Sao anh gọi cho em mãi không được?

- Em để điện thoại trong túi nên không biết. Có chuyện gì không anh?

- Anh phải đi Sài Gòn công tác đột xuất, lúc nãy gọi để gặp em trước khi đi, mà gọi mãi chẳng được.

- Ô! Thế là được đi Sài Gòn à? Sướng thế, đã đi chưa? ( Vô duyên không chịu được)

- Anh vào đến nơi rồi! Lần sau em đừng để điện thoại trong túi nữa nhé, anh gọi không được nên sốt ruột quá!

- À, thực ra bình thường em hay để ở túi quần, nhưng hôm nay bị ngã…

- Sao, em ngã á? Có làm sao không?

- À, khâu có năm mũi ở chân ý mà, hơi đau một tẹo, nhưng chẳng sao.

- Cái gì, tận năm mũi mà bảo là không sao à? Giờ em đang ở đâu?

- Em về nhà rồi, chăn ấm nệm êm rồi…

Đấy, cuộc đối thoại của tôi và Lãng Tử sẽ dài dằng dặc nữa nếu như tôi không nhớ ra rằng mình là đứa gọi điện. Tôi hốt hoảng lấy cớ đang buồn ngủ để cúp máy, và vội vàng kiểm tra tài khoản ( đúng là đồ ky bo). Phù, may quá, may mà cắt kịp thời không thì con cà con kê mãi thì chết.

Tôi bắt đầu chìm vào giấc ngủ, lòng cảm thấy ấm áp khi nhớ lại những lời hỏi thăm của Lãng Tử. Từ bé đến giờ, chưa có người con trai nào nói với tôi nhẹ nhàng và “tử tế” như thế, tôi cảm thấy như tim mình đang có một cơn dư chấn nhẹ, mặc dù, đến tận lúc này tôi vẫn chưa tìm ra nguyên do nào khiến Lãng Tử lại thay đổi nhanh đến thế. Tóm lại, vẫn rối rắm và chẳng tội gì phải nghĩ thêm nữa, trong lúc chân đang đau, người đang mệt thế này thì đi ngủ là thượng sách.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương