Cậu Có Nhận Ra Tôi
-
3: Trở Về
Xe Limosine trả khách xuống trung tâm huyện, từ chỗ này về nhà còn một khoảng cách khá xa, cũng hơn một cây số.
Nhưng lần nào cũng thế, Ngân Hà thích đi bộ về nhà, vì từ đây cô có thể đi qua ngôi trường cũ, có thể nhìn ngắm sự thay đổi của nó qua tháng năm, cũng có thể hồi tưởng lại những ký ức đẹp đẽ.
Bước chân chầm chậm ngang qua cánh cổng sơn màu xanh đã cũ, tường rào bằng những thanh sắt nhọn vươn cao hơn đầu người khiến cho cô có thể ngắm nhìn cảnh vật bên trong.
Một năm sáu lần về quê lần nào cô cũng đi qua đây nên hầu như một sự thay đổi nhỏ nhất phía sau hàng rào cô đều trông thấy.
Như là hôm nay, cây phượng vĩ già đã bị đốn gục thay vào đó là một cây bàng đài loan mảnh dẻ, thưa thớt lá.
Lần trước về cô đã thấy những tán lá đã héo úa quắt qoeo không còn sức sống, có lẽ nhà trường muốn giữ cây phượng đó làm kỷ niệm, vì dù gì nó cũng đã gắn bó với bao thế hệ học trò từ những ngày đầu thành lập trường, nhưng rồi cũng đến lúc vạn vật không chống đỡ nổi dòng chảy của thời gian, phải chấp nhận đốn sạch cái cũ để chào đón những điều mới mẻ.
“Bốp”.
Một trái bóng từ trên trời lao thẳng vào đầu cô.
Mắt chợt tối sầm lại, đầu hơi chếnh choáng.
“Xin lỗi chị!”
Một nhóm thiếu niên mặc áo đồng phục bóng đá đứng bên trong hàng rào.
Ngân Hà lấy tay ôm đầu đứng yên một hồi mới trở lại trạng thái bình thường.
Nhìn về phía bóng vừa bay đến cô thấy một cậu thiếu niên đang vịn tay vào hàng rào, đằng sau là hơn mười đồng đội đang đứng nhìn ra.
Hóa ra là chúng đang tập bóng, chắc cậu bé nào đó đá mạnh khiến bóng bay ra ngoài.
“Không sao, chị không sao”.
Ngân Hà xua tay, chuẩn bị rời đi.
Bọn trẻ không cố ý, lỗi là do cô vô tình đi qua đây mải suy nghĩ không nhìn thấy trái bóng bay tới.
“Chị ơi!”.
Cậu bé đang vịn tay vào hàng rào gọi to.
“Có thể nhặt cho em quả bóng được không?”
Ngân Hà cười gật gật đầu.
Cô đi tới nhặt trái bóng đang nằm dưới đất cách đó một đoạn, xong rồi tung qua hàng rào cho lũ trẻ.
“Cảm ơn chị”.
Vừa dứt lời lũ trẻ đã như bầy chim háo hức chạy đi.
Ngân Hà nán lại đôi chút, cô muốn nhìn ngắm bọn trẻ hồn nhiên, cũng là nhìn ngắm thanh xuân của chính mình.
Ở bên kia khán đài, cô nhìn thấy cô cùng mười mấy học sinh khối mười một trong trang phục áo phông trắng chân váy đen cầm bông ríu rít cổ vũ.
Quỳnh Nga đội trưởng cầm hai chiếc bông giơ lên cao làm thao tác.
“Các cậu nhìn này, đưa bên trái rồi sang bên phải ba lần, rồi lắc nhé.
Vừa lắc vừa hô to Chi đoàn 11 vô địch”
“Ngân Hà chú ý, tay hơi cứng đấy, cậu phải theo tiết tấu của các thành viên khác”
Ngân Hà ngượng ngịu.
“Tớ biết rồi”.
Cô thấy bản thân mình hôm nay rất lóng ngóng, vì chính hôm nay trong sân đang có Giang Nam tập luyện bóng cùng bọn con trai, với lại hôm nay cô thấy mình thật kỳ cục trong trang phục có phần cũn cỡn này.
Hôm qua vừa thử vào cô đã thấy không ổn vì đã quen với đồng phục áo sơ mi trắng quần âu đen kín đáo hàng ngày, nhưng Anh Đào đã nhất quyết.
“Cậu xem TV đi, có vận động viên nào ăn mặc kín cổng cao tường không, đây không phải là hở hang, mà là sự tiện lợi thoải mái để thi đấu, biết chưa?”.
“Gì cơ? Cậu bảo chúng mình là dân cổ vũ, chứ có phải cầu thủ đâu á? Cậu nhìn hoạt náo viên trong các trương trình thể thao chưa, cậu thấy họ mặc gì chưa? So như vậy chúng mình lại là quá kín đáo đấy”.
Bó tay, vậy là cô không còn ý kiến gì khác.
“Bốp”.
Quả bóng da màu trắng bay thẳng vào mặt.
Ngân Hà choáng váng ôm mặt, đầu óc quay mòng mòng, cơ quan trong hộp sọ xáo trộn như rang lạc.
Lũ con gái kêu ối, sau một hồi dịnh thần đều xúm lại xem Ngân Hà có làm sao không.
“Các cậu tập tành ưỡn ẹo đi ra chỗ khác, chỗ này là chỗ chúng tôi tập bóng”
“Cậu nói gì vậy, ai nói sân vận động chỉ dành cho con trai tập bóng, chúng tôi tập cổ vũ cũng phải dùng chỗ này.
Các cậu đã không chú ý đá bóng vào mặt cậu ấy rồi, không xin lỗi thì thôi lại còn to mồm”.
Anh Đào đứng ra trút nỗi tức giận lên người trước mặt.
Một cái đầu húi cua lởm chởm, khuôn mặt bóng nhễ nhại mồ hôi cùng đôi mắt một mí nghênh lên thách thức, Bình An đứng chống nạnh.
“Các cậu cổ vũ thì đi vào hội trường, chúng tôi cần sân ngoài đá bóng.
Đá bóng mà còn bảo rón rén chú ý khán giả thì có phải bảo chúng tôi thua luôn từ vòng đầu rồi không”
“Thôi được, tôi đồng ý là hôm nay chúng tôi sẽ vào hội trường tập dượt.
Nhưng không phải cậu đá bóng vào mặt cậu ấy đau thế cũng nên xin lỗi một câu à?”.
Quỳnh Nga thể hiện luôn tinh thần của một đội trưởng mẫu mực.
“Tôi đá bóng chứ không phải nhằm đá vào măt cậu ta.
Nhìn cậu ta xem, lóng ngóng chậm chạp bóng đến không biết đường tránh thì đi cổ vũ nỗi gì.
Có phải con gái các cậu hết mất người không, có lẽ tôi phải khiếu nại lên đoàn thanh niên về việc chọn người vào đội cổ vũ”
“An, cậu quá đáng vừa thôi.
Ngân Hà cậu ấy đau thế mà chưa nói một lời nào mà sao cậu cứ nói ác độc thế”
“Đúng là quá đáng!”
Ngân Hà vẫn choáng váng, trong lúc đầu óc còn đang mơ hồ vẫn có thể ý thức được phía trước đang vì cô mà sắp cãi nhau một trận nảy lửa.
“Tớ không sao, chúng mình vào hội trường tập đi không làm phiền các cậu ấy”
Ngân Hà tay ôm mặt tay còn lại xua xua ra hiệu bản thân vẫn ổn.
Lũ con gái vẫn lao nhao khó chịu ra mặt khiến Bình An không vui.
“Này cậu kia, cậu không cần tỏ vẻ nạn nhân.
Không phải cậu cũng nên xin lỗi bọn tôi vì đứng đây vướng víu làm phiền chúng tôi đá bóng à?”
“Cậu nói gì, là ai phải xin lỗi ai”.
Lũ con gái đã định đi vào hội trường tập rồi thì lời nói của Bình An lại như đổ dầu vào lửa.
Câu nói của cậu ta không những hạ nhục Ngân Hà mà còn khiến lũ con gái cũng thấy lòng tự ái của bản thân bị đụng chạm không ít.
“Thôi đừng nói nữa, cậu ấy đau thật đấy!”.
Một tiếng nói phá tan mọi sự xôn xao, tất cả đột nhiên dừng lời nhìn về phía chất giọng vang vang và thanh nhã ấy, Giang Nam đang rẽ đám học sinh lộn xộn tiến đến gần chỗ Ngân Hà.
“Cậu bỏ tay ra tớ xem nào”.
Giang Nam đưa tay lên định cầm lấy bàn tay đang ôm mặt Ngân Hà thì cô hoảng hốt lùi lại một bước.
“Cậu làm gì vậy?”
“Không gì cả.
Tớ chỉ muốn kiểm tra xem mặt cậu có sao không?”
“Thôi nào, cậu cứ để cậu ấy xem, biết đâu phải xịt thuốc đấy”
Tâm trạng Ngân Hà bị xáo trộn, cô thực sự không biết nên làm sao, nếu cứ từ chối có phải là đang nói với mọi người cô quá để tâm đến cậu ấy không.
Giả sử không phải Giang Nam mà một người khác có lẽ cô cũng không có phản ứng mạnh mẽ đến như vậy.
Hoặc giả sử cô cũng phũ phàng từ chối một bạn nam nào đó xem vết thương cho cô, biết đâu mọi người sẽ nghĩ cô có ác cảm với người khác giới.
Dù gì khiến bản thân trở nên khác biệt cũng là điều mà cô không muốn.
Ngân Hà đành để mọi việc diễn ra, nhưng trong lòng thực sự là một cuộc đấu tranh dữ dội.
Một cảm giác vừa lo sợ vừa hồi hộp xâm chiếm cơ thể.
Cậu ấy ở gần thế kia, liệu cô có thể che dấu được tình cảm của mình không? Liệu có phải cậu ấy đang quan tâm cô không? Liệu hôm nay mặt cô có ưa nhìn, tóc cô có gọn gàng không? Đương nhiên Giang Nam sẽ không biết được những thứ hỗn tạp trong cái đầu nhỏ bé ấy, khi cậu ấy tiến lại gần cô thấy trái tim mình nhảy nhót loạn xạ, hô hấp dường như rất khó khăn.
Cô bỏ bàn tay ôm lấy khuôn mặt đang nóng rần rần không biết là do đau hay là do xấu hổ.
Rồi khuôn mặt cậu ấy sát lại gần, phóng đại ngay trước mắt.
Rồi trong cái tích tắc ngoài dự định ấy, cô bất chợt có một quyết định táo bạo.
Cô không né tránh mà nhìn thẳng vào mắt cậu ấy.
Có lẽ trong vô thức, những nơ ron thần kinh xấu hổ cũng tạm thời đi vắng, có lẽ đâu đó trong cô ý thức được rằng đây sẽ là cơ hội duy nhất cô có thể nhìn thẳng vào cậu ấy, ở khoảng cách gần mà không bị phán xét.
Cậu ấy đẹp quá, một vẻ đẹp rực rỡ như nắng mai, tươi tắn như đóa hoa hồng.
Đôi mắt cậu ấy như hai vì sao sáng khẽ lướt qua mắt cô, rồi đậu vào bên má đang bị sưng.
Chiếc má lúm khe khẽ thoắt ẩn thoắt hiện theo từng nụ cười, tiếng nói.
“Các cậu đưa cậu ấy vào phòng y tế chườm đá đi.
Tớ nghĩ nếu cứ để vậy má cậu ấy sẽ sưng đỏ cả tuần đấy”
“Nghiêm trọng vậy sao?”
“Không nghiêm trọng, nhưng không xử lý thì sẽ bị sưng tấy đến hôm này đội đá chính cậu ấy sẽ không cổ vũ được đâu”.
“Cảm ơn cậu”.
Ngân Hà lí nhí rồi cùng Anh Đào đi xuống khu y tế.
Từ lúc nãy đầu óc đã mơ hồ, nên giờ cảm thấy bước chân không thật chút nào, hay là cô đang bước trên mây?
Ngân Hà vô thức đưa tay sờ lên má, giờ chỉ nghĩ lại thôi mà mặt cũng nóng ran.
Cảm giác lúc này cũng chân thật như mười năm về trước.
Đúng là tình yêu, chỉ cần đơn phương thôi cũng đã đủ hạnh phúc rồi.
………
“Cốc..cốc”
Tiếng gõ cửa bên ngoài.
“Mẹ vào được chứ?”
Ngân Hà cầm tay nắm mở cửa ra.
“Xong việc chưa con?”
“Xong rồi mẹ, giờ chỉ còn một ít đồ đạc cần dùng tối nay, sáng mai gói ghém nốt”
Mẹ đi vào phòng ngồi xuống giường, Ngân Hà kéo ghế ngồi xuống đối diện mẹ.
“Vất vả cho con rồi, mẹ bảo cứ để bố mẹ ở căn nhà này, con gắng dành dụm tiền sau này còn làm của hồi môn.
Lấy chồng không có gì mang theo sẽ khiến cho bản thân không có tiếng nói, sau này cuộc sống chung sẽ thiệt thòi ít nhiều”
Mẹ lại thế rồi.
Từ lúc bệnh tình ổn định mẹ lúc nào cũng nhắc nhở cô chuyện lấy chồng.
Đối với mẹ, việc cô kết hôn là sứ mệnh cả đời của mẹ, cũng là sứ mệnh cả đời cô.
“Mẹ yên tâm.
Sau này con sẽ lấy một người chấp nhận tất cả cuộc sống của con, chấp nhận gia đình mình.
Gặp phải người lấy của cải làm trọng có phải cũng không nên gả đúng không?”
Mẹ thở dài cầm lấy tay cô.
Tay mẹ lạnh lẽo, nhăn nheo, không một vết chai vì đã mười năm nay không thể lao động.
“Cũng tại mẹ đau ốm khiến con vất vả”.
Ngân Hà nhấc ghế đứng lên rồi ngồi xuống giường bên cạnh mẹ.
Mẹ lúc nào cũng thế, lúc nào cũng tự trách mình, lúc nào cũng dễ xúc động.
Bác sỹ đã dặn dò rất nhiều, bệnh tình của mẹ phải giữ tâm trạng ổn định.
Đôi lúc cô tự hỏi có nên gặp gỡ một người nào đó rồi kết hôn cho bố mẹ yên tâm không, nhưng suy đi nghĩ lại, nếu sau này phát hiện ra cô không hạnh phúc, có lẽ bố mẹ sẽ đau khổ trăm phần.
“Mẹ yên tâm, con vẫn đang tìm kiếm một chàng rể tốt về cho bố mẹ”
“Con nói thật sao?” Mẹ nhìn cô đôi mắt chớp chớp.
“Con không lừa mẹ đấy chứ?”
Ngân Hà hai tay ôm lấy bờ vai gầy gò của mẹ, một luồng hơi ấm nóng lan tỏa lấy trái tim, bao trùm cả cơ thể.
“Mai Ngân Hà đi công chuyện dùm mẹ nhé?”
Ngân Hà khẽ tách người ra khỏi người mẹ, nhìn một cách ngạc nhiên.
Không phải ngày mai cô nên ở nhà giúp bố mẹ dọn đồ hay sao.
Mẹ cười vỗ vỗ vào tay cô.
“Có phải giờ các công ty chuyển nhà đều rất chu đáo không.
Con không cần lo.
Mẹ muốn mai con đi đến nhà bác Tâm cảm ơn dùm bố mẹ.
Khi xưa mẹ ốm, chính bác Tâm là người đã chìa tay gia giúp gia đình mình lúc khó khăn nhất.
Tiền thì cũng đã trả đủ rồi, nhưng vì mẹ chưa thật khỏe nên bố cứ quẩn quanh chăm lo chưa đến chính thức cám ơn được.
Mai con đi cám ơn gia đình bác thay bố mẹ.
Ngân Hà “Vâng” một tiếng trong cổ họng.
Đúng là năm đó, nếu không có sự giúp đỡ của gia đình bác Tâm, chưa chắc mẹ cô đã có thể trụ lại đến giờ, cũng chưa chắc cô đã có thể tốt nghiệp được phổ thông, rồi còn bốn năm đại học.
Căn biệt thự bề thế nằm giữa thành phố đã thể hiện sự xa hoa, độ giàu có của gia đình chủ nhà.
Nếu bác Tâm không phải là người cùng quê, cùng trưởng thành trong quá trình thiếu niên cùng bố thì Ngân Hà nghĩ gia đình cô không bao giờ có thể có mối liên hệ nào với những người ở tầng lớp này.
Người làm nghe tiếng chuông liền đi ra mở cổng.
Cũng đã lâu rất lâu rồi, có lẽ là từ mười năm trước, cô chưa đến lại căn biệt thự này.
Lần đó mẹ đang nằm viện cấp cứu, bố đón cô từ trường rồi không kịp về nhà đã đưa cô đến căn biệt thự này hỏi mượn tiền.
Lúc đó vừa nghe tin mẹ cô đã khóc mếu máo, nhưng vẫn còn nhớ khuôn mặt khắc khổ, vành mắt đỏ hoe của bố.
Bác Tâm có lẽ là người tốt, bác ấy ân cần hỏi thăm, rồi mang cho bố một bọc tiền lớn, dặn dò bố cố giữ gìn sức khỏe chăm sóc mẹ, rồi còn nói đừng lo, bao giờ có hãy trả lại tiền cho bác.
Ngân Hà theo người làm rẽ lối những thảm cỏ xanh mướt, những khóm hoa rực rỡ mỹ miều mà cô không biết tên vì chắc là hoa hiếm nhập từ nước ngoài.
Gara bên trái lối đi là bốn chiếc ô tô sang đậu ngay ngắn.
Cô không rành về xe nhưng thoạt nhìn đủ biết một chiếc xe có giá trị bằng mấy căn nhà mặt phố.
Giữa gian phòng khách lớn trang trí xa hoa là bộ đồng kỵ màu vân gỗ hoành tráng, cô nhận ra bác Tâm đó, bác ấy trông không có gì khác biệt lắm, có chăng là mái tóc ngả màu trắng hơn, người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu ngồi bên cạnh có lẽ là vợ bác ấy, đối diện là một người nam giới ngoài ba mươi trong bộ vét màu xám tro, chân bắt chéo mắt chăm chú vào màn hình điện thoại.
Căn phòng vừa rộng vừa lạnh cùng với khí thế những người đang ngồi đó khiến cho cô có cảm giác sờ sợ.
Nhìn căn nhà và chủ nhân của nó cô tự hỏi không biết món quà mẹ chuẩn bị có bị coi thường không, nhưng thôi kệ, người như họ chắc một tuần cũng phải tiếp vài người thuộc tầng lớp như cô đến nhờ vả hoặc cảm ơn.
“Cháu chào bác.
Cháu là con bố Ninh mẹ Hòa.
Hôm nay cháu thay mặt bố mẹ đến đây hỏi thăm sức khỏe hai bác”
Nghe đến đây bác Tâm đưa cái mục kỉnh ra khỏi mắt nhìn, có vẻ đang muốn định tâm để kết nối hình ảnh cô trước mặt với hình ảnh đứa trẻ mặt méo xệch, khóc nhếch nhác mười năm trước.
Sau một thoáng ngỡ ngàng bác đã nhận ra.
“Ồ, bác nhớ rồi.
Cháu gái ngồi xuống đây”
Bác Tâm nhìn bá Tâm ra hiệu.
Bá Tâm vồn vã đứng dậy, vồn vã đi về phía cô rồi cầm lấy tay cô kéo cô vào ngồi xuống bên cạnh bà.
Người nam giới đối diện vẫn đang chăm chú vào điện thoại nghe tiếng người liền nhấc mắt lên.
“Cháu là Ngân Hà con bố mẹ Ninh Hòa đây ư?”
Sự nhiệt tình của chủ nhà làm cho Ngân Hà ngạc nhiên, rồi kéo theo chút bối rối.
Thái độ này cũng khác xa tưởng tượng.
Cô vẫn nghĩ sẽ là một cuộc nói chuyện khách sáo, rồi cô làm xong nhiệm vụ được giao rồi ra về.
“Mẹ cháu giờ đã khỏe hẳn chưa?”.
Bác Tâm đeo kính lại vào mắt, khuôn mặt chất chứa đôi ba phần xúc động.
“Mẹ cháu đã đỡ nhiều rồi, cám ơn bác”
“Bố mẹ cháu vất vả quá, cháu cũng vất vả quá”
“Cũng may giờ mẹ cháu đã ổn định rồi.
Bố mẹ cháu có nói cháu đến chơi chuyển lời cảm ơn đến hai bác đã giúp đỡ gia đình cháu lúc khó khăn.
Ngày mai gia đình cháu chuyển đến nhà mới, bố mẹ cháu cũng muốn báo tin để hai bác yên tâm”
Bác Tâm xúc động.
Bá Tâm ngồi cầm lấy tay Ngân Hà.
Hai người đều quá hiểu những khó khăn và gánh vác Ngân Hà đã trải qua cùng gia đình.
“Có nhà mới là tốt rồi.
Bác cứ lo ở mãi trong căn nhà chật chội ẩm thấp đó không tốt cho sức khỏe của mẹ cháu ”
“Vâng, nhà mới không thật khang trang, nhưng đủ rộng rãi và ấm cúng, còn có vườn tược, bố mẹ cháu vừa sống gần gũi với thiên nhiên vừa có thể lao động nhẹ nhàng, tốt cho tâm trạng và sức khỏe”
Hai bác bá Tâm rất quý người.
Họ hỏi rất nhiều chuyện, hết về sức khỏe của mẹ cô, nhà mới trông như thế nào, công việc sau khi nghỉ hưu của bố, còn hỏi về bản thân cô, làm ở đâu, công việc ra sao, rồi lập gia đình chưa.
Cuộc nói chuyện cứ nhiệt tình vồn vã, cứ như là lâu lắm rồi hai bác bá Tâm chưa được tiếp chuyện cùng ai làm Ngân Hà không có thời gian để mắt đến người nam giới đối diện.
Thực ra từ nãy giờ anh ta ngồi đó đã để vào tai tất cả, anh ta còn âm thầm nhìn ngắm cô, âm thầm đánh giá cô.
Khi bác bá Tâm ngỏ ý mời Ngân Hà ở lại dùng cơm trưa cô mới ý thức được rằng đã đến lúc mình nên về.
“Ồ không cần đâu, cháu có hẹn về nhà ăn cơm với bố mẹ.
Chiều cháu đã phải về Hà Nội công tác rồi!”
“Buồn quá, bác bá mong cháu ở lại đây nói chuyện thêm với hai bác.
Ngân Hà này, bố mẹ cháu thật hạnh phúc khi có đứa con gái xinh đẹp và hiểu chuyện như cháu.
Lần sau về quê bác mong có thể được gặp lại cháu”
Ngân Hà nắm lấy tay bá Tâm, dù bác bá có là những người giàu có khác xa với gia đình cô nhưng cô vẫn cảm nhận được một sự chân thành ấm áp.
Tình cảm mà, có bao giờ phân biệt sang hèn.
“Nhất định có dịp cháu sẽ lại đến thăm hai bác”
Bác Tâm như chợt sực nhớ ra điều gì.
“Mà cháu đến đây bằng taxi đúng không? Để bác bảo người làm đưa cháu về”
Đến lúc này, người nam giới đang ngồi bỗng đứng dậy, anh ta sốc lại vạt áo vét.
“Để con đưa em ấy về, con cũng có việc đi về phía đấy”
Cả ba người đang đưa đẩy nhau bỗng dừng lại ngơ ngác, quả tình nãy giờ mải nói chuyện không ai để ý sự có mặt của Minh Hải.
“Thôi chết bác quên, giới thiệu với Ngân Hà đây là Minh Hải, con trai của hai bác.
Anh Hải cũng đang công tác ở Hà Nội, hôm nay về dự đám cưới bạn”
Ngân Hà giờ mới để tâm, anh ta là chủ nhà mà nãy giờ cô mải nói chuyện quên mất sự có mặt của anh ta, cũng thật bất lịch sự.
Ngân Hà nhìn anh ta mỉm cười chào.
Trong tích tắc đó cô có dịp quan sát.
Người nam giới này có thể xếp vào hàng đẹp trai, so với Giang Nam ấm áp và rực rỡ thì anh ta là một loại đẹp tinh xảo vì được chăm chút kỹ lưỡng.
Mái tóc vuốt keo ngay ngắn, hàng ria mảnh được tỉa gọn gàng, nước da trắng, lông mày rậm, toàn thân toát lên vẻ sạch sẽ và phong lưu.
“Đúng rồi, để Minh Hải đưa cháu về, dù gì anh ấy cũng tiện, cháu đừng ngại”
“Ồ không cần đâu, cảm ơn hai bác, cảm ơn anh.
Cháu còn ghé qua phố thăm dì nữa, không làm phiền hai
bác và anh nữa”
Ngân Hà luôn là thế, nhiều thêm một chút chi bằng bớt đi một chút.
Cuộc sống vốn vội vàng, tháng ngày luôn thiếu thốn, hai mươi bốn giờ một ngày đối với cô luôn là tính toán chi li từng chút một.
Mối quan hệ này dừng lại chỗ bác bá Tâm là được, cô không muốn thêm một mối quan hệ lại thêm một chút thời gian, đôi khi cũng phiền phức lắm.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook