Cẩm Chướng Xanh Xin Đừng Tàn
Chương 34: Phiên ngoại: Nhật ký của hà ngạo quân

” Chính Đông đã 56 tuổi rồi. Gia Bảo 23, còn tôi đã ngoài 60. Ngày sinh nhật Gia Bảo, Chính Đông còn muốn tự tay đan áo len tặng thằng bé. Em bảo áo len ở bên ngoài koong đủ ấm lại đắt. Đan một nửa chiếc áo len thì em mệt và đau. Tôi phải lấy thuốc giảm đau cho em. Chiếc áo len đã có thể hoàn thành trước bữa tiệc sinh nhật của Gia Bảo, em tự trao cho thằng bé, nhìn con mỉm cười.

Gia Bảo hôm nay có đến nhà chúng ta. Thằng bé mua rất nhiều bánh ngọt ở tiệm mà chúng ta vẫn thường ghé qua, em nhớ chứ? Gia Bảo mặc chiếc áo len mà em may này, Chính Đông. Em từng nhìn chiếc áo em may và nói nó thât xấu nhưng con của chúng ta lại rất thích. Nó còn cảm ơn em. Lúc thằng bé đến, em ngủ rất say, một phần do mệt, một phần do yếu tố thời tiết. Tôi biết, mùa đông này thật dài, nó khiến cuộc chiến đấu của em trở nên khó khăn hơn.

Tôi biết Chính Đông của chúng ta rất giỏi. Các bác sĩ phẫu thuật tim nhân tạo cho em nói là trái tim của em chỉ có thể duy trì được 5 năm. Nhưng tôi lại nói, em sẽ sống. Tôi còn chưa yêu em đủ, chúng ta còn chưa đến nhiều nơi, em còn chưa tận mắt thấy Gia Bảo trưởng thành, lấy vợ, sinh con. Những năm qua, tôi biết em chưa hề từ bỏ tôi. Em chiến đấu với bệnh của mình, từng ngày này qua ngày khác. Sau ngày ghép tim nhân tạo 10 năm, tim của em ngừng đập một lần. Mọi người đều nói em sẽ không qua khỏi. Tôi không tin và tôi đã chứng minh được là tôi đúng. Mọi người nói em chỉ có thể sống tới 5 năm, nhưng em đã ở bên tôi và Gia Bảo hơn 20 năm. Mọi người nói chúng ta sẽ không có kết quả, nhưng tôi đến giờ vẫn chưa từng thôi không yêu em.

Vậy nên sau khi đi chụp tim ở bệnh viện về, mặc dù phát hiện trái tim nhân tạo lại có dấu hiệu không ổn, tôi vẫn tự dằn lòng chúng ta sẽ vượt qua. Phải rồi, Chính Đông rất mạnh mẽ, ra khỏi bệnh viện, em còn cầm ngược lấy tay tôi, nói em muốn ăn bánh ngọt ở phố Đông.

Tháng 10, sức khỏe của Chính Đông yếu dần. Em ho rất nhiều. Tiếng ho của em như đâm từng nhát vào tim tôi. Tôi không thể làm gì ngoài việc thức suốt một đêm để vỗ lưng cho em, chỉ đến khi em ngủ an ổn trong lòng tôi, tôi mới có thể tạm thời bỏ xuống áp lực này.

Em nói mình đau chân, tôi liền bóp chân cho em. Tôi già rồi, tay có chút yếu, không thể gắng sức được, những lúc ấy em cười chê tôi là lão già. Tôi nói ai mới là lão già đây. Tôi bảo lão già Chính Đông phải cố gắng sống với lão già Hà Ngạo Quân này thêm chục năm nữa. Em chỉ cười rồi im lặng.

Tôi muốn em ở bệnh viện để tiện theo dõi, nhưng em nói em không thích bệnh viện. Em đã ở đây suốt, em không muốn nơi cuối cùng mình ở lại là bệnh viện. Tôi tức giận nói em thật hồ đồ, cái gì mà chết, cái gì mà ra đi, tôi còn bảo em già rồi nên lẫn có phải không. Chính Đông im lặng nhìn tôi, rồi em nói em muốn về nhà

Tôi và em về nhà, nhưng hàng tuần vẫn tới bệnh viện kiểm tra và làm một số điều trị. Tôi đã nghỉ hưu, chân tay cũng không còn nhanh nhẹn, tôi không thể trực tiếp giúp em chữa bệnh, chỉ có thể như một đống bùn nhão đứng ngoài hành lang phòng phẫu thuật.

Chính Đông viết di chúc. Những lúc không thể viết nổi, em liền bảo tôi viết hộ em. Em đọc còn tôi viết. Ngòi bút lành lạnh lại có thể truyền theo đau đớn. Chữ nghĩa của tôi chẳng thể rõ ràng. Tôi viết xong, em đọc lại rồi lại sửa, cho đến khi em hài lòng mới thôi.Tôi biết em đang chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Nhưng Chính Đông, còn tôi thì sao? Em ra đi, còn tôi thì sao?

Bạn bè đến thăm em, Gia Bảo dẫn theo bạn gái tới, thậm chí bố mẹ tôi cũng từ tận Bắc Kinh về Tây An thăm em. Trong phòng khách, em nhìn bạn gái của Gia Bảo khen con bé xinh xắn lại ngoan ngoãn. Gia Bảo và bạn gái đều gọi em là bố nhỏ, còn tôi là bố lớn. Em cười khen con bé hiểu chuyện. Mẹ tôi mấy năm trước phát bệnh Alzheimer của người già, quên rất nhiều chuyện. Mấy năm trước, khi sức khỏe của em còn chưa có chuyển xấu, em đều cùng tôi chăm sóc mẹ. Mẹ gọi em là Ngạo Quân, em liền nghe lời. Mẹ gọi em là con dâu, hỏi em bao giờ sinh cho mẹ một thằng cháu, em dở khóc dở cười nói Gia Bảo là cháu trai của mẹ rồi.

Lúc này, mẹ tôi gọi Chính Đông là con dâu của mẹ, còn bảo trông dạo này em nhợt nhạt thế, mẹ có mua một hộp phấn với thỏi son muốn cho em.

Chính Đông rót trả cho mẹ, rồi nói với mọi người “Chắc còn mấy tháng nữa”. Có người khóc, có người cảm động, có người gặng cười. Tôi thì nghĩ, Chính Đông sẽ sống thêm chục năm, à không ít nhất là bốn, năm năm nữa. Đến lúc đó, tôi sẽ nhớ lại lúc này mà trêu em là lão già hồ đồ.

Nhưng lần này là tôi sai.

Ngày 1/12, mọi người cùng Chính Đông ngồi ở phòng khách. Em đột nhiên nói: ” Tôi sẽ rất nhớ mọi người”. Chúng tôi đều im lặng, Gia Bảo xin phép ra ngoài, còn tôi chỉ có thể ôm lấy em.

Tối đó lúc 11 giờ chiếu chương trình game show mà em thích nhưng em không thể ngồi xem đến hết chương trình mà xin đi ngủ sớm.

Ngày 2/12, Gia Bảo tới cùng bạn gái. Bạn gái Gia Bảo đi nấu cháo, còn Gia Bảo khom lưng dọn dẹp xung quanh căn phòng, lại cầm kéo cắt tỉa hoa cảnh, sửa ống nước bị hỏng và leo lên thang thay bóng đèn. Những việc này trước kia em đều làm, nhưng lúc này Gia Bảo thay em.

Tôi đưa thìa cháo đến miệng của em, em mở miệng ăn nhưng chỉ ăn được có hai thìa.

Cô gái mà Gia Bảo yêu rụt rè nói: “Xin lỗi cháu nấu không ngon ạ?”

Chính Đông bật cười: ” Con bé này, sao lại nghĩ thế. Rất ngon. Chỉ là ta không ăn được nhiều thôi. Xin lỗi con.”

Ngày 3/12 nhìn Gia Bảo vất vả chạy giữa Bắc Kinh và Tây An. Em lại nói với tôi “Nhìn mọi người vất vả quá. Em thật sự mong mình sẽ ra đi sớm. Em thế này chỉ làm phiền anh và con.”

Tôi ngồi trên giường, nắm thật chặt tay em. Bàn tay em gầy và khô, không còn là bàn tay của người đàn ông còn trẻ, nhưng tôi vẫn nuối tiếc buông tay: “Đừng nói thế Chính Đông. Em muốn tôi phải thế nào?”

Ngày 4/12, em ho dữ dội, ăn vào là nôn hết ra, em bắt đầu không còn nhìn thấy tôi, có đôi lúc không còn nghe hiểu tôi nói chuyện gì. Em gọi tôi: “Ngạo Quân. Ngạo Quân”. Tôi vôi cầm lấy tay em “Tôi ở đây rồi.” Em khàn khàn nói, tôi ghé tai sát gần miệng của em, tôi nghe được em nói: “Ngạo Quân. Em mệt. Em đau lắm.”

Tôi không muốn phải rơi nước mắt, nhưng vẫn có thứ nước gì mặn chát chảy từ khóe mắt xuống, tôi hôn lên mắt của em, thầm thì: “Chính Đông. Tôi hiểu rồi. Em không còn phải chiến đấu nữa.”

Em chiến đấu vì tôi, vì Gia Bảo, vì mọi người. Nhưng có lẽ, tôi lại vì em mà để em đi.

Đêm ngày 4/12, em phải thở oxy.

Ngày 5/12, mẹ tôi tới thăm em. Mẹ tôi hỏi em có nhận ra bà. Em cười nói mình nhận ra, em còn bảo em là con dâu của mẹ. Tôi chỉ sợ mẹ tôi lại vô tình làm em đau lòng, nên bảo mẹ đi ăn chút điểm tâm Gia Bảo mua về. Mẹ tôi lại đẩy tay tôi ra, đến bên giường của Chính Đông kiên quyết nói: “Chính Đông, tôi cứ tưởng chuyện anh với Hà Ngạo Quân sẽ không đi đến đâu. Nhưng hai đứa lại chứng minh người mẹ già này lầm rồi. Tôi biết Chính Đông anh là người thế nào. Anh nhẫn nhịn đều không nói, cũng không có bỏ đi. Hai người tới Hà Lan đăng ký kết hôn và làm đám cưới, tôi biết chứ. Hai người tiết kiệm tiền để lo cho thân già này, đây là chủ ý của anh, tôi cũng biết. Nhưng người làm mẹ như tôi không dễ gì chấp nhận một người con dâu là đàn ông. Chính Đông, nếu anh là con trai tôi thì tốt rồi. Ông lão kia bảo với tôi, giờ tụi nó đã lấy nhau, bà xem như có thêm một người con trai đi. Chính Đông có câu này tôi hi vọng có thể nói trước khi quá muộn. Con có thể xem ta như mẹ hay không? Không phải là mẹ chồng, mà là mẹ của con.”

Mẹ tôi bị Alzheimer của người già. Nhưng những lời ngày hôm đấy bà nói lại hoàn toàn tỉnh táo. Chính Đông nắm tay mẹ tôi, mẹ tôi cũng ôm lấy em. Bà khóc.

Tối ngày 5/12, Chính Đông ăn hết một bát cháo con, kêu Gia Bảo giúp mình tắm rửa, thay quần áo sạch, rồi nằm trên giường ngủ.

Tôi nằm ngủ cạnh em. Tôi không có ngủ được, mấy lần thức dậy giữa đêm lại chạm vào em, để xác định em vẫn ở bên tôi.

11 giờ đêm, tôi lại thức, mở mắt đã thấy em nhìn tôi. Chúng tôi nằm nhìn nhau, tôi vuốt nếp nhăn nơi khóe mắt của em, em nhắm mặt lại hưởng thụ bàn tay tôi. Chúng tôi đều già rồi, năm tháng đều hiện lên nét mặt, nhưng tình yêu của chúng tôi không thay đổi.

Em nói em muốn uống nước.

Tôi lại ngồi dậy đi xuống bếp lấy nước ấm, rồi trở lại bên giường, đỡ lấy Chính Đông, giúp em uống từng ngụm nước một.

Em nói cảm ơn.

Tối đó, em nằm xuống bên cạnh tôi, nhích gần người tôi. Chúng tôi nằm chung một cái gối, đắp cùng một cái chăn. Chính Đông nhắm mắt, im lặng ngủ. Tôi cứ tưởng em sẽ thức dậy vào buổi sáng hôm sau, nhìn tôi phàn nàn lão già chậm chạp. Nhưng hôm đó là lần cuối cùng em còn tỉnh lại.

Em ra đi…

Tôi cứ tưởng chúng tôi phải sống đến đầu bạc răng long, nhưng em lại ra đi trước. Có lẽ đến nơi kia, em không còn phải chịu đau đớn, cũng không còn phải chiến đấu vì ai. Nhưng tôi thật đau đớn. Khi tỉnh dậy, tôi không còn thấy em, Chính Đông của tôi đã ra đi mãi mãi”.

Đây là nhật ký Hà Ngạo Quân viết vào khoảng thời gian Chính Đông bệnh nặng cho đến khi Chính Đông mất vào lúc 12 giờ đêm ngày 5/12/2045. Chính Đông mất trong lúc ngủ, đến sáng hôm sau Gia Bảo nói bố nhỏ đi rồi, Hà Ngạo Quân vẫn chỉ tin rằng Chính Đông là đang ngủ.

Mấy tháng sau, lúc Gia Bảo dọn phòng, có tìm thấy một tờ giấy nhỏ gấp lại và kẹp bên trong trang bìa của cuốn nhật ký. Hà Ngạo Quân mở ra đọc, tờ giấy viết: “Cảm ơn anh cho em một gia đình, thay em ở lại với mọi người – Hứa Chính Đông yêu anh.”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương