Cẩm Chướng Xanh Xin Đừng Tàn
Chương 1: Nếu có kiếp sau. Tôi nhất định sẽ là người thân của em

Tôi vẫn nhớ cái ngày mình gặp em, Chính Đông, cậu nhóc ngỗ ngược tóc mái để dài che đi đôi mắt, quần áo theo kiểu lòe loẹt học đòi mấy thằng con trai lêu lổng ngoài đường phố. Em 16 tuổi, người còm nhom, nếu không phải em ngay từ đầu đã trợn đôi mắt lên nhìn tôi thách thức, e rằng tôi đã chẳng tin em là con trai út của luật sư nổi tiếng.

Em có những nét không giống với luật sư Đường, không có đôi mắt sắc như diêu hâu, vầng trán rộng hay những nét góc cạnh nghiêm nghị. Làn da của em rất trắng, môi thật sự hồng lúc nói chuyện sẽ hơi chu lại, mũi cao sọc dừa và đôi mắt rất sáng. Tôi đoán em giống mẹ mặc dù tôi chưa bao giờ nghe em nhắc tới mẹ, cũng như chưa bao giờ nghe người kia nhắc tới vợ mình.

Ngày đầu tiên, em gặp tôi là bị ba mình bắt đi học gia sư. Phải rồi, tôi chính là gia sư của em. Trông thấy bố em xách cổ em từ trên xe mô tô xuống, lôi em tới trước mặt tôi, đẩy em ngồi xuống một chiếc ghế rồi bỏ đi. Lúc đó trông em rất tội nghiệp, như bị người ta đẩy vào chiếc ghế xét xử.

Tôi thật sự không tin trước khi luật sư Đường rời đi, còn dùng một chiếc còng tay khóa tay em lại vào tay vịn ghế và ném về phía tôi chỉ một câu:

– Tôi giao nó cho cậu. Tùy cậu dạy cho nó.

Lúc đó tôi còn không hiểu tại sao một người cha lại có thể đối với con mình như vậy, nhưng rất lâu về sau, tôi mới thực sự hiểu.

Lúc ấy, em nhìn tôi vừa thách thức vừa ngạo mạn mặc kệ tôi có là gia sư của em đi chăng nữa. Một sinh viên như tôi chẳng lấy thái độ đó của một cậu học sinh cấp 3 làm nhụt trí. Tôi lấy sách giáo khoa ra và làm đúng với phận sự của mình là dạy học.

Tôi giảng, em không nghe, tay không bị khóa lại chỉ nhịp nhịp xuống mặt bàn, y như thể em đang lạc trong thế giới riêng vậy.

– Khi tôi giảng, em cần phải chú ý mới được. Ba em mời tôi làm gia sư cho em.

Em nhếch mép cười, đôi mắt như ẩn như hiện đằng sau mái tóc lòa xòa trước trán.

– Ba tôi chỉ mời anh tới trông chừng tôi mà thôi.

– Kể cả thế. Tôi vẫn sẽ làm đúng nhiệm vụ của mình.

– Anh thật cứng nhắc. Ba tôi trả anh bao nhiêu?

Nghe em nói, tôi cứng họng. Tôi không thể trả lời em rằng ba em trả tôi rất nhiều tiền để “trông chừng” đứa con nghịch tử này của ông. Tôi cũng không thể trả lời em, tôi biết mục đích của ông ấy, nhưng tôi vẫn nhận lời vì tôi cần tiền. Một sinh viên năm hai như tôi không thể đi làm bất cứ đâu ngoài việc nhận dạy gia sư. Hơn thế ba em trả tôi gấp 4 lần những sinh viên đi dạy thêm khác, mà số tiền đó tôi còn có thể trả nợ cho gia đình mình, cũng đủ để bản thân tiếp tục đi học.

Em nói rất đúng. Nhưng tôi thậm chí ghét bỏ em chỉ vì em đọc ra được lòng dạ xấu xa, ích kỉ của tôi. Tôi thấy chỗ đầu gối của em một vết rách, vết thương ở nơi đó nhìn rất dữ tợn, một mảng quần bị nhuốm đỏ nhưng tôi không muốn quan tâm. Và dường như ngay cả em cũng không hề bận tâm tới vết thương nơi đầu gối của mình. Những ngày sau đó, tôi cứ đều đặn tới dạy học mà thực chất để trông chừng em. Em bị bố lôi như một thứ vật bỏ đi, bị đẩy xuống ghế như tội phạm, trên người dù có bao nhiêu vết thương cũng không ai quan tâm. Tôi chỉ lo giảng như một cái máy, còn em chỉ hua hua chiếc bút chì phác vài đường nét vô nghĩa trên giấy trắng.

– Anh không thấy mệt sao?

– Sao cơ?

Bất ngờ khi có một ngày em chủ động hỏi tôi nên tôi chưa kịp phản ứng lại.

– Tôi lại thấy mệt rồi.

Sau này tôi mới biết, ngày đó là ngày giỗ của mẹ em. Bố em đã quên, còn em bị trông chừng như một tên tội phạm, chẳng thể tới chỗ của mẹ.

Tôi lấy trong cặp hai miếng ego duy nhất, một miếng tôi bóc ra và dán lên vết thương trên trán của em. Miếng còn lại tôi để vào trong tay của em.

– Dù mệt nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục thôi.

Hình như lúc đó tôi có mỉm cười, sau này em từng nói em thích nụ cười ôn nhu của tôi khi ấy. Khi ấy chỉ vì bố em đã như lời hứa chuyển khoản tiền dạy học cho tôi nhưng em lại xem miếng ego của tôi như báu vật, giữ mãi ở trong túi áo.

Em vẫn bất cần, vẫn là nghịch tử bị ba lôi tới trước mặt tôi, và chính tôi cũng không nhận ra em thay đổi.

Sinh nhật thứ 18, em nói với cả nhà em thích tôi. Tôi khi ấy là sửng sốt, khó tin, gạt mạnh tay của em ra khỏi tay mình. Tôi cho rằng đấy là trò đùa quá đáng của em.

Tôi giận em sau ngày hôm đó. Buổi học tiếp theo, tôi cư xử với em như gia sư với học trò. Em nói tôi không tin hay sao? Em hôn tôi. Đầu tôi như thể bị đập mạnh vào một bức tường lớn. Tôi đẩy em ra.

Em hỏi cảm giác của tôi.

Tôi nói.

– Kinh tởm.

Tôi kinh tởm khi em chạm vào tôi, kinh tởm khi em hôn tôi, và thật sự tôi lúc đó hối hận vì sao mình lại nhận công việc này.

Khi em nói với mọi người ở lớp đại học của tôi: tôi là bạn trai của em. Cả trường đều biết chuyện của chúng ta. Mẹ tôi phải nhập viện vì huyết áp tăng, bố tôi nói rằng muốn từ bỏ tôi, tôi bị đám bạn trêu chọc. Lúc ấy, tôi hận em. Tôi tới và đánh em một trận. Đó là lần đầu tiên tôi sử dụng nắm đấm mà nạn nhân không ai khác lại là em. Em để cho tôi đánh, không chống trả, càng không nói một lời nào. Ba em cho tôi một khoản tiền để tôi bỏ rơi em. Và tôi thật sự đã bỏ rơi em.

Lần cuối cùng tôi đứng trước mặt em có lẽ là vành móng ngựa trước quan tòa xét xử. Tôi khi đó đã là một luật sư có nhiều tiền, có sự nghiệp, có vợ đẹp, con ngoan. Em không còn là cậu bé 16 tuổi khi trước. Em cao lên nhiều, nét mặt nam tính hơn, làn da vẫn trắng như trước kia, vóc dáng của người đàn ông trưởng thành không thể lẫn vào đâu. Chỉ riêng đôi mắt là không còn sáng như trước. Em đứng trước quan tòa, không cười, không nói, như một pho tượng bằng đồng vững chãi, hai tay bị khóa lại.

Bố em không tới. Còn tôi, là người sẽ phải gán em vào tội giết người.

– Thưa quan tòa. Tôi có đủ chứng cứ để buộc bị cáo vào tội danh giết người. Bị cáo cùng vợ có quan hệ không tốt. Bị cáo là người đồng tính, lấy vợ chỉ nhằm che mắt thiên hạ. Nhưng khi bị cáo không thể đem lại hạnh phúc cho vợ. Cô vợ có người mình thích và muốn ly hôn với bị cáo. Nhưng bị cáo vì tài sản của gia đình bên vợ mà không chấp nhận ly hôn. Trong lúc tranh chấp với người tình của vợ, đã ra tay giết người kia. Quan tòa, tôi đề nghị đưa bị cáo ra xét xử để lấy lại công bằng cho người vô tội.

Quan tòa hỏi:

– Bị cáo Đường Chính Đông, bị cáo có lời nào muốn nói không?

Chính Đông hơi ngẩng đầu, đôi mắt nheo lại nhìn tôi. Tôi không thể đọc ra cảm xúc trong mắt em. Đó có thể là ghét bỏ chăng, cũng có thể là hận. Tôi không biết vì ngay lúc đó tôi đã cúi đầu. Tôi không cả ngẩng lên khi em bị áp giải đi. Tôi không biết em đã nhận tội như thế nào.

Tôi chỉ biết tiếng chân của em gõ nhịp mãi trong tim của tôi, cho tới khi khuất dạng.

3 năm ở trong tù, em bị bệnh tim mà chết.

Tôi gặp vợ em trong đám tang. Cô ấy nói chính cô ấy mới là thủ phạm giết người. Em đã nhận tội thay.

– Vì sao?

– Tôi tưởng những người như anh phải tìm hiểu thật kĩ rồi chứ. …Tôi muốn lấy hắn, nhưng hắn lại không chịu lấy tôi. Thậm chí tôi còn không biết hắn có một người vợ. Tôi giết hắn nhưng chính anh ấy là người đã gánh vác hết tội.

– Vì sao?

Tôi chỉ có thể hỏi.

– Vì anh ấy nói, anh ấy chỉ còn người thân duy nhất là tôi. Không yêu, nhưng là người thân của anh ấy.

Vậy nên, Chính Đông mới nhận hết tội về mình. Vì em cô độc trên thế giới này, vì em không có người thân, càng không có gia đình.

Không yêu, nhưng là người thân duy nhất của em…

Hà Ngạo Quân ơi Hà Ngạo Quân, mày đã sai thật rồi. Trong cuộc đời của mày, đã khỉnh bỉ một cậu trai 18 tuổi vì đã đem lòng thích mày, trong cuộc đời luật sư, mày lại đẩy cậu ta vào cái chết.

Mày thật đáng hận!Tôi cả nửa đời còn lại luôn sống trong dằn vặt như thế. Mỗi giấc ngủ, tôi đều nhìn thấy em, đều mơ thấy ánh mắt bình thản của em, nghe thấy tiếng bước chân của em nơi cuối trại giam.

Tôi sai rồi. Nếu có kiếp sau, nhất định tôi sẽ bù đắp cho Chính Đông.

Nếu có kiếp sau nhất định, tôi sẽ là người thân, là gia đình của Chính Đông. Tôi sẽ tìm em.

Tôi muốn trở về tìm Chính Đông, còn vì bí mật khác. Một bí mật mà tôi muốn chôn vùi.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương