Các Loại Việt Phục
-
12: Xưng Hô Của Hoàng Đế: Thời Đinh - Tiền Lê, Lý
XƯNG HÔ CỦA HOÀNG ĐẾ: THỜI ĐINH – TIỀN LÊ, LÝ
– – 0 – –
“Thần Thân Cảnh Phúc xin bái kiến hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.”- trích từ một tác phẩm truyện ngắn lấy bối cảnh thời Lý của một tác giả nổi tiếng trên mạng. 🙂
Dạo sơ sơ một số danh sách “Top truyện cổ trang Việt Nam hay nhất”, chúng tôi nhận ra những lời thoại như vậy khá phổ biến. Nhưng liệu đó có phải là cách xưng hô trong lịch sử hay không?
* Lưu ý: Bài viết này không nhằm công kích bất kỳ một tập thể hay cá nhân nào, ngược lại, chúng tôi mong muốn đưa ra một số tư liệu lịch sử để cùng bàn luận và đưa vào ứng dụng. Mục đích cao nhất của bài đăng này là nhằm hướng tới sự tiến bộ của tất cả chúng ta. Xin cảm ơn.
1. THỜI ĐINH (968-980) – TIỀN LÊ (980-1009)
Thời Đinh, thông qua lời của Phạm Cự Lạng khi bàn tới việc tôn Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, chúng ta biết được rằng vua nước Việt thời Đinh được gọi là “chúa thượng” (主上) hoặc “Thiên tử” (天子):
“Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta cũng hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn ông thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”
2. THỜI LÝ (1009-1225):
* Đại từ chủ ngữ: Trẫm (朕), Dư nhất nhân (予一人). (Cách xưng này được sử quan thời Trần là Lê Văn Hưu ghi lại và được Toàn thư biên chép. Nguyên văn: 黎文休曰天子自稱曰朕曰予一人)
* Đại từ tân ngữ: Bệ hạ (陛下), Triều đình (朝廷), Vạn thặng (萬乘), Phật (佛).
“Bệ hạ” (陛下) là tôn xưng phổ biến dành cho hoàng đế hoặc quốc vương (Cao Câu Ly, Cao Ly trước thời thuần phục nhà Nguyên) ở Á Đông, mà một trong những tài liệu sớm nhất ghi nhận tôn xưng này chính là “Sử ký” của Tư Mã Thiên thời Tây Hán. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, tôn xưng này được sử dụng xuyên suốt kỷ nhà Lý.
Ngoài tôn xưng “Bệ hạ” thông dụng, Toàn thư đề cập đến việc vua Lý Thái Tông xuống chiếu cho các quan tâu việc ở trước mặt vua thì gọi vua là “triều đình” (Nguyên văn: 夏四月詔群臣言事於上前呼帝曰朝廷).
Bên cạnh đó, Toàn thư còn ghi nhận thêm 2 cách gọi nữa mà các vị vua nhà Lý đã đặt ra là “Vạn thặng” và “Phật”, mà theo đánh giá của các sử quan đời Lê, đều là những danh xưng khoa trương:
“Nay [Lý] Thái Tông bảo các quan gọi mình là “triều đình”, sau [Lý] Thánh Tông tự xưng là “Vạn thặng”, Cao Tông bảo người gọi mình là “Phật” đều không theo phép ở đâu, mà là thích khoe khoang.” (Nguyên văn: 太宗使群臣呼己為朝廷其後聖宗自號為萬乘髙宗使人呼為佛皆無所法而好為誇大)
Tranh minh họa: Thoái Mạc, Uyên Ương và Vũ Trụ Lan Quyên
Raw: Đại Việt Phong Hoa – https://.facebook.com/Daivietphonghoa/
197040461_337683051134411_5486545811142319685_n
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook