Búp Sen Xanh
-
6: Thời Thơ Ấu Vi
Không ai còn nhớ được người đầu tiên của dòng họ Nguyễn Sinh đến làng Sen khai cơ lập nghiệp.
Người ta chỉ còn nhớ rằng, từ buổi làng Sen còn là trang trại đã có người họ Nguyễn ở sinh sống.
Hồi bấy giờ còn gọi là Trại Sen, vì có nhiều đầm sen rộng bát ngát.
Sen nhiều đến nỗi có những tên : Đồng Sen, Cồn Sen, Đầm Sen, Giếng Sen...Do có nhiều sen, cảnh trí trong làng, ngoài đồng lại đẹp nên Trại Sen đổi tên thành làng Mỹ Liên.Về sau các cụ lại đổi là Kim Liên.Nhất vui là cảnh Kim LiênCảnh tiên có cảnh, người tiên có người.Cái thuở ấy, làng Sen gồm có năm phường : phường Giữa (xóm Đông Lĩnh), phường Phú Đầm(xóm Nam Lĩnh), phường Cơn Trôi (xóm Tây Lĩnh), phường Thượng (xóm Thượng Thọ), phường Ngoài (xóm Trung Ca, vì dân xóm này hát xướng giỏi, có phường hát nhà trò).Lúc về ở Trại Sen, họ Nguyễn chưa đệm chữ Sinh.
Qua gia phả của một nhánh họ thì : "Hoàng sơ tổ khảo là Nguyễn Bá Phụ.
Tiếp đến đời Nguyễn Bá Bạc, đời Nguyễn Bá Ban, đời Nguyễn Văn Dân.
Bốn vị tổ này không ghi rõ sinh về thời nào.
Đến đời ông Nguyễn Vật bắt đầu lót đệm chữ "Sinh", ông là giám sinh, triều Lê Thánh Đức, năm thứ ba.
Kế đến, ông to đời thứ sáu là Nguyễn Sinh Trí mới mười bảy tuổi đã đậu hiếu sinh.
Đến năm ba mươi tư tuổi, ông đậu tam trường khoa thi Hội".Họ Nguyễn Sinh giàu và có khoa cử đời ông tổ thứ năm, thứ sáu.
Đến đời thứ mười là Nguyễn Sinh Nhậm vẫn ở lại phường Phú Đầm, một phường nhiều đầm sen nhất Trại Sen.
Ông Nguyễn Sinh Nhậmvào bậc trung lưu của làng Sen.
Ông lập gia đình sớm nhưng hiếm con, khi sinh hạ được một người con trai tên là Nguyễn Sinh Trợ, tên chữ là Thuyết thì bà Nhậm chết.
Ông Nhậm ở vậy nuôi con cho đến tuổi thành niên và lập gia đình riêng cho con trai rồi mới lấy vợ kế.
Ông cưới bà Hà Thị Hy, một cô gái có tài hoa, nhan sắc bị quá lứa ở làng Sài, cùng một xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh với làng Sen.Hà Thị Hy là con gái một nghệ nhân nổi tiếng về ngón đàn đáy, đàn bầu.
Nhà giàu có, thuộc loại nhiều ruộng nhất của làng Sài.
Ông ham học chữ "thánh hiền", nhưng không màng chuyện thi cử.
Trong nhà luôn luôn nuôi thầy dạy học.
Năm ông đã hai thứ tóc còn nuôi cử nhân Hồ Sĩ Tạo dạy cho các con cháu và ông học thêm.
Ông còn nhóm lên trong nhà mình một "phường hát ả đào".
"Phường hát ả đào" của ông chỉ để làm vui trong gia đình, trong họ hàng và những bà con có đám cưới, đám ăn mừng thượng thọ.Hy được cha yêu quý, truyền cho tất cả vốn hiểu biết về đàn, phách và ca trù.
Cô lại còn có biệt tài về múa đèn.
Khuôn mặt "trăng rằm", lông mày cong vành bán nguyệt, mắt lá đào, mũi thon dài, môi cắn chỉ, cổ ba ngấn, lưng ong, cô dang thẳng hai cánh tay hình chữ thập trên đôi cánh tay ấy đặt mỗi bên ba đĩa đèn, và trên đầu cũng đội ba đĩa đèn đầy dầu, thắp sáng.
Cô múa dẻo như con rắn luồn qua những cành cây mà dầu trong đĩa không sánh ra ngoài, đèn không tắt một ngọn nào.
Nhiều bà con trong làng khâm phục tài múa đèn của cô đã gọi cô là cô Đèn.
Nhưng, không ít người ngầm coi cô là "xướng ca vô loài".
Những nhà giàu có không muốn dạm hỏi cô về làm dâu.
Những nhà không bằng nhà bố mẹ cô thì lại sợ không "môn đăng hộ đối".Một buổi trưa hè.
Gió Lào phả cái nóng vào mọi chốn mọi nơi trên đất làng Sài.
Một nhóm con trai ra đầu làng ngồi mát, đan rổ rá.
Cô Đèn đi chợ xa về.
Cô mặc váy lụa, bốn dải lưng xanh, dây xà tích, áo dài vải Đồng Lầm lấp ló cổ áo trắng, yếm thắm, vấn khăn nhung, tóc thả đuôi gà.
Cô đi từ ngoài đường hàng huyện trở vào làng.
Cô quẩy đôi thúng đậy hai cái mẹt kín bưng, trên mẹt có một chồng bánh đa.
Vừa đi chớm tới bóng râm đầu cổng làng, thấy đông người đang ngồi mát dưới gốc cây, cô đã cố ý đi nép vào ria đường làng.
Bất thần, một anh chàng giơ tay đụng vào vai cô và nói giọng chớt nhả.
Cả đám trai làng cười ồ lên.
Cô Đèn mặt đỏ bừng, hai con mắt lá đào quắc sáng như hai ngọn đèn, mắng : "Cái hạng các anh không đáng dụng đến gấu váy của tôi đâu”.
Như lửa bị giội nước, mọi người mặt ngay cán tàn ngồi im như phỗng đá.
Cô Đèn đã đi khuất sau bờ tre, đám trai làng mới hỏi nhau :- Con Đèn chượi (chửi) người trêu nó hay chượi cả bọn chúng mình ngồi đây hề?- Hắn gọi "cái hạng các anh", rứa là hắn nhủ cả đám chúng mình.Từ cái hôm ấy, tất cả con trai chưa vợ ở làng Sài "ăn thề" với nhau : Không ai được hỏi cô Đèn làm vợ.
Nếu con trai ở làng khác đến làng Sài dạm hỏi cô Đèn thì đón đường đánh.
Cuộc trả thù này đã hãm duyên cô Đèn cho tới năm cô đã ba mươi tuổi mà vẫn chưa lấy được chồng.
Có người gợi ý với bố cô Đèn nên soạn một cơi trầu, một bầu rượu mời đám trai làng đèn, xin lỗi để họ xá cho...!Ông đã bàn với con gái cái điều ấy.
Nhưng cô Đèn vẫn một mực không chịu nhún mình với đám trai làng.
Khi ông Nguyễn Sinh Nhậm từ làng Sen đánh liều sang xin ăn hỏi cô Đèn, trai làng Sài họp lại bàn luận...!Họ xót xa cho cô Đèn : Một người con gái tài hoa, nhan sắc nhất làng mà phải chịu cái "án treo" quá lứa, lỡ duyên, nay phải đi làm vợ kế của một người làng khác! Chúng ta không nên ngăn cản nữa.
Đọ gươm khi còn trên yên, đừng chém theo lúc người đã ngã ngựa!.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook