Những lời này chẳng khác nào sét đánh giữa trời quang, không những riêng tôi cảm thấy không tin được, mà một người luôn bình tĩnh và điềm đạm như anh cũng sốc đến mức không nói được câu gì.
Người phụ nữ kia nhào đến ôm chặt lấy anh, vừa khóc vừa nói:
– Con ơi, mẹ tìm con hơn ba mươi năm trời.

Mẹ cứ tưởng cả đời này không gặp lại được con nữa.

Giờ cuối cùng mẹ cũng tìm được con rồi.

Cái bớt trên ngực đó lúc mẹ đẻ ra con đã có rồi, con đúng là con trai của mẹ.

Con ơi, mẹ đây, mẹ đây.
– …
– Mẹ bị lạc mất con lúc con 2 tuổi.

Bố mẹ đã đi khắp nơi để tìm con, hóa ra con vẫn ở Hà Nội này mà mẹ không biết.

Con ơi, con trai của mẹ ơi…
Người đàn ông đi cùng người phụ nữ đó có vẻ bình tĩnh hơn, nhưng cũng không nhịn được, hai mắt bỗng dưng đỏ hoe.

Ông ấy trầm mặc đứng nhìn vợ mình ôm con trai rất lâu, mãi sau mới run run cất lời:
– Con năm nay 33 tuổi phải không?
Lúc này, anh mới ngước lên, khi thấy rõ nét mặt người đàn ông đó, ánh mắt anh sượt qua vẻ kinh ngạc.

Anh trầm mặc một hồi mới nói:
– Vâng.
– Lúc bị lạc con, trên người con vẫn có đồ bố mẹ mua.

Con có còn nhớ được thứ gì ngày trước không? Ví dụ như quần áo mặc ngày trước, hay là dây chuyền? Con có nhớ được không?
Thành mím môi suy nghĩ rất lâu, lát sau mới đáp:
– Tôi không nhớ.

Tôi không biết các người là ai cả.
– Người đã nuôi con không giữ lại đồ đạc của con à? Ngày đó bố mẹ có mua cho con một sợi dây chuyền, đây này, sợi dây này con đeo trên cổ đây này.
Người đàn ông kia lấy ra một tờ giấy, trên đó có hình vẽ một sợi dây chuyền bằng bạc của trẻ con.

Khi trông thấy hình sợi dây chuyền này thì tim tôi bỗng dưng nhói lên một cái, buột miệng kêu lên:
– Sợi dây này….
Trong két bảo hiểm của ông tôi có một hộp nhỏ, trong hộp nhỏ ấy chính là đựng sợi dây chuyền này.

Thành không hề hay biết, bởi vì chỉ có tôi mới được trông thấy nó duy nhất một lần, sau đó, ông đã dặn tôi không được nói với ai rồi cất đi.
Tất cả ánh mắt mọi người cùng đồng thời quay lại nhìn tôi, cô gái đi cùng đám người kia nói:
– Cô biết sợi dây này?
– Hình như… tôi có nhìn thấy một lần rồi.
– Ở đâu?
Trong lòng tôi đột nhiên có linh cảm không tốt, một phần tôi không dám nói thật nơi mình nhìn thấy, phần còn lại, tôi sợ mình giấu giếm sẽ càng làm mọi chuyện tệ hơn.
Cô gái kia thấy tôi chần chừ mãi không dám nói thì đột nhiên lao lại giáng cho tôi một bạt tai nổ đom đóm mắt:
– Chính là mày, chính là mày đúng không? Gia đình mày đã bắt cóc em trai tao, làm gia đình tao phải chia rẽ mấy chục năm trời đúng không?
Tôi bị đánh đến xây xẩm mặt mày, không đứng vững được, suýt nữa thì đập lưng vào cạnh bàn.

May sao cùng lúc này có một bàn tay lại luồn đến, đỡ lấy eo tôi.

Anh cau mày nhìn cô gái kia:
– Cô làm gì thế?
– Thành, chị là chị gái ruột của em.

Trước khi đến đây nhà mình có điều tra rồi.

Vợ em là cháu gái của người nhận nuôi em đúng không?
Chị ta chỉ vào mặt tôi, hét lên:
– Em có nghĩ đến tại sao mấy chục năm qua ông già đó không đưa em đi tìm bố mẹ không? Em có nghĩ đến sao ông ta nhặt được em mà không đưa em đến đồn công an mà lại đưa em về nhà nuôi không?
Chị ta nói xong, lại tự mình trả lời luôn:
– Vì không phải ông ta nhặt được em, mà là ông ta bắt cóc em.

Không có lý gì nhặt được em ở Hà Nội này mà không đến báo công an hoặc hỏi hàng xóm xung quanh để đưa em về nhà cả.


Cách đây mấy chục năm mẹ làm lạc em ngay cổng nhà.

Ngay ở cổng thì lạc sao được? Chỉ có ông ta bắt cóc em thôi.

Giờ em đang sắp cưới cháu của người bắt cóc em đấy.

Em có biết không?
Sống lưng tôi lập tức lạnh toát, những lời chị ta nói có lẽ còn đau đớn hơn cả cái tát vừa giáng vào mặt tôi, như dùi thẳng vào tâm can tôi.

Tôi không tin ông tôi làm ra những chuyện kinh khủng thế này, nhưng tại sao ông lại không cho anh biết về sự tồn tại của sợi dây chuyền kia, tại sao lúc ông nhặt được anh lại không báo công an mà đưa anh về nhà, tại sao mấy chục năm qua, ông chưa từng nói tìm lại cha mẹ giúp anh?
Cảm giác của tôi lúc ấy giống như rơi từ trên miệng hố xuống thẳng vực thẳm, còn anh, chắc cảm giác của anh lúc này còn sốc hơn tôi rất nhiều.

Tôi cứ nghĩ anh sẽ lật tay tóm lấy cổ áo cưới của tôi, chất vấn tôi “Nhìn thấy sợi dây chuyền kia ở đâu?”.
Nhưng cuối cùng anh lại không hề làm thế, anh chỉ hỏi tôi:
– Em có biết chuyện này không?
Tôi há miệng, rất lâu sau cũng không thể thốt ra được câu gì.

Bố mẹ và chị gái anh đứng bên cạnh thì sốt ruột, bắt đầu lôi kéo anh:
– Thành, bây giờ mọi chuyện còn chưa rõ ràng.

Từ từ, đợi làm rõ mọi chuyện rồi cưới được không con? Bây giờ bố mẹ với con đến bệnh viện xét nghiệm ADN, có kết quả rồi tính được không con?
Chị gái anh tru tréo nói:
– Thành, em nhìn xem, em giống bố giống mẹ như thế, cặp lông mày của em như khuôn đúc ra với bố như thế, không xét nghiệm ADN cũng rõ rồi.

Em là em của chị, là con của bố mẹ.

Nếu em còn không tin thì gọi ông già đó ra đây, đối chất với gia đình mình.
Chị ta vừa nói xong thì có tiếng người chống gậy đi đến, có lẽ ông tôi chờ sốt ruột nên mới đi vào.

Thấy bên trong lôi kéo lộn xộn, ông mới cau mày hỏi:
– Có chuyện gì thế?
– À, ông đây rồi.

Ông nói cho tôi biết, cách đây 31 năm ông bắt cóc em trai tôi phải không? Chính ông là người chia cắt gia đình chúng tôi mấy chục năm trời phải không?
Lúc ấy, tôi thật sự hy vọng ông tôi sẽ lạnh lùng và kiên định nói “Không”, hoặc ít nhất cũng phải tỏ ra không hiểu chuyện gì.

Thế nhưng thật thất vọng, sắc mặt ông tôi không còn vẻ cứng rắn nghiêm khắc như thường ngày mà đột nhiên tái đi, ông như chột dạ liếc về phía anh, sau đó cúi đầu ho khù khụ.
Mẹ anh thấy vậy mới hét lên:
– Đúng là ông rồi, chính ông đã bắt cóc con trai tôi.

Sao ông lại làm thế hả? Ông nói đi, sao ông lại chia cắt gia đình tôi hả? Ông là đồ khốn nạn, đồ khốn nạn.
Phòng chờ cưới trong phút chốc ầm ỹ như muốn nổ tung, gia đình anh bị mất con mấy chục năm, tất nhiên khi gặp được kẻ bắt cóc con mình sẽ không thể kiềm chế.

Tôi hiểu được tâm trạng của bọn họ lúc này, cũng cảm thấy gia đình họ mắng chửi nhà tôi là xứng đáng, nhưng ông tôi bệnh tật như vậy, tôi cũng không thể nhắm mắt làm ngơ được nên vội vàng xô anh ra rồi chạy lại:
– Mọi người muốn đánh muốn mắng thì mắng tôi đi, ông tôi đang bị bệnh, xin các người đừng đụng đến ông tôi.
– Cô đừng tưởng tôi không dám đánh cô.

Tôi nói cho cô biết, hôm nay gia đình tôi nhận nhau, tôi sẽ không chấp nhận con dâu như cô.

Tôi không đồng ý cho con trai tôi lấy cô.

Gia đình các người đều là lũ lòng lang dạ sói, các người là đồ bắt cóc, đồ quỷ dữ.
– Cháu biết, cháu biết nếu sự thật là như thế thì nhà cháu có tội.

Cô bình tĩnh đi, bình tĩnh đợi làm sáng tỏ mọi chuyện đã rồi tính.

Nếu đúng là ông cháu có lầm lỡ thì gia đình cháu xin lỗi gia đình cô, nhà cháu sẽ đền bù.
– Con trai tôi, đứa con trai duy nhất tôi đẻ ra, mang thai nó 9 tháng 10 ngày, vất vả nuôi nó đến tận khi 2 tuổi.

Thế mà các người nỡ làm những trò bẩn thỉu chia cắt mẹ con tôi.

Các người suýt nữa thì hủy hoại cuộc đời tôi, làm tôi đau khổ hơn 30 năm nay.

Các người định đền bù cho tôi thế nào? Làm sao đền nổi hả? Nói đi, lũ ác quỷ, làm sao các người đền nổi hả?
Tôi cũng không biết phải nói sao, bởi vì nếu tất cả là sự thật, chúng tôi có c.hế.t cũng không hết tội.


Không có cách gì bù đắp cho một người mẹ mất con hơn 30 năm, không có tiền bạc nào có thể xoa dịu được cho một gia đình đã bị chia cắt hơn 3 thập kỷ.
Tôi cúi đầu, gập người liên tục nói “Xin lỗi”.

Nhưng không thể nào làm bọn họ bình tĩnh lại mà càng lúc càng giận dữ hơn.

Người chị gái kia của anh suýt đánh tôi, nhưng anh lại xông đến đứng trước mặt tôi một lần nữa.
Bóng lưng anh vĩnh viễn mạnh mẽ như có thể chống đỡ cả đất trời, giờ khắc này, có lẽ vì tình nghĩa mấy chục năm bên nhau, anh vẫn lựa chọn che chở cho tôi.

Trong những tiếng loa thông báo đã sắp đến giờ cử hành hôn lễ, tôi nghe tiếng anh nói:
– Mọi người bình tĩnh đi.
– Thành, em…
Mẹ anh ngước lên nhìn gương mặt sáng sủa của con trai mình, nhắc lại:
– Thành, cô ta là cháu gái của kẻ thù của gia đình mình đấy.

Con nhìn cho kỹ đi.

Chính gia đình cô ta hại nhà mình phải chia cắt hơn 30 năm đấy.

Bây giờ con còn che chở cho cô ta nữa à?
– Thứ nhất, tôi không nhớ hoặc cũng không biết các người.

Thứ hai, bây giờ tôi phải tổ chức hôn lễ.

Mọi chuyện để nói sau đi.
– Con nói gì cơ?
Ngay cả tôi cũng tưởng mình đã nghe nhầm.

Sau những chuyện vừa mới xảy ra, trong lòng tôi đã xác định rõ ràng hôm nay đám cưới này tan tành rồi, không những thế, về sau ông, tôi và anh không còn là gia đình nữa.

Chúng tôi sẽ là kẻ thù không đội trời chung, mãi mãi không bao giờ chung đường được nữa.
Nhưng sao tận giây phút này anh vẫn muốn tiếp tục cử hành hôn lễ, tại sao vẫn muốn kết hôn với kẻ thù là tôi?
Anh nói:
– Đến giờ tổ chức hôn lễ rồi.

Mọi chuyện đợi sau đám cưới rồi nói.
– Thành, con…
Trong lúc tất cả còn đang há hốc miệng kinh ngạc thì anh đã vẫy tay gọi người đến dìu ông nội tôi ra ngoài, sau đó mới quay sang nhìn vẻ mặt đang ngơ ngác của tôi, lặng lẽ chìa khuỷu tay ra:
– Đi thôi.
Tôi mở to mắt, nhìn anh rồi lại nhìn cánh tay vững chãi của người đàn ông ấy, do dự rất lâu cũng không dám đưa tay ra.

Bên ngoài, tiếng nhạc Marry You bắt đầu vang lên, MC cũng đang rôm rả hò reo bảo khách mời nhìn về phía cánh cửa dẫn tới lễ đường.

Không còn thời gian để chờ đợi, vài giây sau anh mới nói với tôi:
– Còn không đi thì tôi sẽ không đợi em nữa.
– Em…
– Tôi cho em 3 giây.

Tương lai của Hằng Phong thế nào, tùy em chọn.
Cuối cùng, vẫn là anh trong giờ phút hoang mang tột bậc ấy có thể suy nghĩ thấu đáo.

Chỉ có anh mới có thể bình tĩnh để phân định rạch ròi giữa việc gì có lợi và việc gì có hại cho Hằng Phong.

Chỉ có anh đến giây cuối cùng vẫn làm một điều tốt đẹp như thế cho gia đình chúng tôi.
Một người đàn ông hoàn hảo như vậy, tại sao lại phải chịu nỗi đau “mồ côi” suốt chừng ấy năm chứ? Tại sao anh lại phải đến ở nhà tôi, chịu nỗi đau không danh phận suốt hơn 30 năm dài đằng đẵng chứ? Không, anh chẳng có lỗi gì cả, chỉ có ông tôi và tôi có lỗi thôi…
Tôi cúi đầu, không dám nhìn thẳng vào mắt anh:
– Anh chắc chắn không?
– Hai…
Trước lúc anh nói đến ba, tôi hít vào một hơi thật dài rồi quàng qua tay anh.

Giữa rất nhiều ánh mắt không thể tin nổi của người nhà anh, tôi nói:
– Cảm ơn anh.
Anh không nói gì, chỉ im lặng cùng tôi bước đi, cùng tôi nắm tay bước trên thảm đỏ, cùng tôi nói những lời thề giả tạo trước hàng trăm vị khách mời, cuối cùng, anh đeo nhẫn cưới vào tay tôi.

Lẽ ra khoảnh khắc ấy tôi sẽ phải hạnh phúc, sẽ phải mỉm cười mãn nguyện vì đã có được người đàn ông tôi đã yêu thầm suốt bao nhiêu năm.

Nhưng tôi không cười nổi.

Ánh mắt anh cũng vô cùng lạnh lùng, anh nói:
– Sau này, làm chồng có điều gì không biết, mong em dạy bảo.
Tôi mím chặt môi, bỗng dưng nhớ đến năm tôi 15 tuổi, vì giận dỗi anh nên nửa đêm trốn ra xích đu ngồi một mình.

Anh dỗ dành tôi nên nói: “Anh sai rồi, sau này có điều gì không biết, mong em dạy bảo”.
Lúc ấy tôi đã phì cười, quên sạch giận dỗi.

Còn giờ phút này, lòng tôi nguội như tro tàn.

Tôi máy móc đáp lời anh:
– Sau này, làm vợ có điều gì không biết, mong anh dạy bảo.
Dưới khán đài đồng loạt có tiếng vỗ tay vang lên, quan khách rần rần chúc chúng tôi trăm năm hạnh phúc.

Giữa những âm thanh vang dội ấy, có một đám người không hề cười, đó là gia đình anh.

Sau khi tôi nhìn thêm một vòng nữa mới phát hiện còn một người đứng trong góc quan sát chúng tôi, nước mắt lặng lẽ rơi đầy mặt.
Trông thấy chị ấy, tôi mới quay sang anh, dưới hàng trăm ánh đèn điện từ trên trần chiếu xuống, đáy mắt anh hiện rõ vẻ đau lòng và bất lực tột cùng.

Tôi cũng cảm thấy bi thương và nực cười đến tột cùng.
Chúng tôi giả dối tươi cười với nhau, nói với nhau những lời thề nguyện sống c.hế.t, nhưng trái tim của anh thì luôn hướng về phía người con gái ấy, chưa hề và sẽ không bao giờ ở chỗ tôi.

Tình tiết này vốn chỉ có trong mấy tiểu thuyết ngôn tình cẩu huyết, không ngờ có một ngày lại biến thành sự thật ngay trước mắt tôi.
Sau khi đám cưới tổ chức xong xuôi, gia đình anh chỉ kịp đợi đến khi quan khách về hết đã vội vàng kéo chúng tôi vào phòng riêng nói chuyện.

Lúc này, ông tôi không thể giấu giếm được nữa, chỉ có thể nói thật toàn bộ câu chuyện.
Ông nhận hết lỗi lầm về mình, nói năm đó con trai duy nhất của ông, cũng chính là bố tôi cưới vợ mấy năm nhưng mẹ tôi vẫn không có thai.

Ông nội nghe người ta nói xin một đứa con nuôi về lấy vía thì sẽ nhanh có bầu, cho nên mới giục bố mẹ tôi mau tìm một đứa trẻ để nhận làm con nuôi.
Bố mẹ tôi không muốn làm điều này nên cứ lần lữa mãi, tình cờ sau này có một lần ông đi dạo trên phố lại thấy một đứa bé trai rất kháu khỉnh đang đứng khóc ở bờ hồ.

Ông chạy lại hỏi thăm nhưng đứa bé ấy không chịu nói, chỉ liên tục khóc.

Khi đó ông có thể dẫn đứa bé ấy đi tìm bố mẹ, hoặc đưa đến công an phường, nhưng nghĩ đến vợ chồng con trai ông đang cần xin một đứa con nuôi, tự nhiên ông lại nảy ra ý định dẫn đứa bé ấy về nhà.
Cách đây hơn 30 năm các phương tiện thông tin truyền thông rất kém, nhà ông tôi lại ở một biệt khu cách đó tận mười mấy km nên không có ai tìm được đứa bé kia.

Có mấy lần đọc trên báo thấy mẩu tin của gia đình anh đăng tìm con nhưng ông lại không có can đảm mang anh đến trả.

Còn về bố mẹ tôi, hai người vẫn nhất quyết không nhận con nuôi nên đứa bé trai kia vẫn đưa cho ông nuôi dưỡng, 5 năm sau cuối cùng mẹ tôi cũng mang thai và sinh ra tôi.Biết trước sẽ vỡ tan
Những chuyện tiếp theo thế nào, không cần nói thì ai cũng đã biết rồi.

Ông đã che giấu thân phận anh hơn 30 năm, đến bây giờ gia đình anh đã tìm được đến đây, ông không thể giấu giếm nữa.

Lần đầu tiên trong đời, ông tôi vừa khóc vừa nói:
– Tôi biết tôi có tội với gia đình anh chị, làm gia đình anh chị thất lạc con hơn mấy chục năm.

Tôi có tội với Thành, để thằng bé lớn lên thiếu tình yêu thương của cha mẹ, lạc mất người thân.

Nhưng đây là tội lỗi của riêng tôi, không liên quan gì đến Quỳnh Chi cả.

Bây giờ hai đứa nó cưới nhau rồi, mong anh chị hãy chấp nhận Quỳnh Chi, để cho hai đứa ở bên nhau.

Muốn trách, muốn đánh, muốn mắng gì thì cứ trút hết lên tôi.

Hoặc phải làm gì để bù đắp lại cho anh chị, anh chị cứ nói, tôi sẽ làm hết, kể cả bắt tôi c.hế.t cũng không vấn đề gì.
Cả đời tôi chưa từng thấy người ông vang danh trên thương trường của mình phải cúi đầu nhún nhường trước người ta như thế, vừa xấu hổ lại vừa đau lòng, nhưng lại không dám khóc, cũng không thể lên tiếng bênh vực.
Gia đình anh tất nhiên vẫn không thể nguôi giận, chị gái anh chỉ vào mặt ông tôi quát:
– Thế thì ông c.hế.t đi.

Nhảy từ đây xuống c.hế.t ngay đi.

Ông c.hế.t thì gia đình tôi mới chấp nhận con bé kia.
Anh gằn giọng:
– Được rồi.

Hôm nay tổ chức đám cưới đã mệt rồi, mọi người về đi, lúc nào tất cả bình tĩnh thì nói chuyện sau.
– Thành, con theo mẹ về nhà đi.

Về nhà của mình đi con.
Bố anh là một người đàn ông điềm tĩnh, ông ấy rất ít nói, nhưng phong thái toát ra trên người lại mang theo một vẻ uy quyền khiến người ta nể sợ.

Bố anh nói:
– Mẹ con nói đúng đấy, con đã xa nhà bao nhiêu năm rồi, giờ cưới vợ cũng nên đưa về nhà thắp hương thông báo với tổ tiên.

Anh trầm mặc suy nghĩ một lúc lâu, sau cùng mới đáp:
– Đợi khi nào có kết quả xét nghiệm ADN, nếu đúng sự thật tôi là con của ông bà, tôi sẽ đưa cô ấy về thắp hương thông báo với tổ tiên.
Mẹ anh lập tức đứng phắt dậy:
– Thành, con…
Bố anh có lẽ là người từng trải, ông hiểu được anh chưa thể ngay lập tức chấp được việc bọn họ là cha mẹ ruột mình, cho nên đành giơ tay lên ngăn cản mẹ anh nói.

Ông bảo:
– Được rồi.

Ý con đã quyết như thế, bà cũng nên tôn trọng con.

Dù sao tôi với bà cũng đợi hơn 30 năm rồi, đợi thêm vài ngày cũng không sao cả.

Hôm nay là ngày cưới của con, chúng ta đến tham dự là được rồi, đừng làm ầm ỹ lên nữa.

Ngày vui đừng nên phá hỏng.
– Nhưng cô ta là …
– Là ai thì cũng vẫn là vợ của con trai mình.
Nói rồi, bố anh mới ngước lên nhìn ông tôi, điềm đạm nói một câu:
– Những thứ ông đã gây ra cho gia đình chúng tôi, chúng tôi chắc chắn không bao giờ tha thứ.

Dù ông có c.hế.t cũng không thay đổi được mọi chuyện trong quá khứ, cũng không làm vơi được nỗi đau của nhà tôi.

Thế nên ông cứ sống đi, lương tâm sẽ cho ông câu trả lời thích đáng nhất.

Còn về thằng Thành, sống c.hế.t gì tôi cũng phải đòi lại nó.
Hai mắt ông nội tôi đỏ hoe, vì quá xấu hổ nên không dám ngẩng đầu, chỉ khàn giọng nói:
– Cảm ơn ông.
Bố anh không muốn đôi co nữa, chỉ đứng dậy vỗ vai con trai rồi xoay người nhìn mẹ và chị gái của anh, khẽ bảo:
– Đi thôi.
Sau khi mọi người giải tán, anh không đưa tôi về nhà cũ như kế hoạch đã định mà lái xe chở tôi ra một ngôi nhà ở ngoại ô.
Suốt cả quãng đường chúng tôi không hề nói với nhau câu gì, đến tận khi xe dừng lại, tôi nhìn ngôi nhà xa lạ mới hỏi anh:
– Đây là đâu thế?
– Nhà của tôi.
Anh ngừng lại vài giây, sau đó bổ sung thêm một câu:
– Mua bằng tiền tôi tự kiếm được.

Không liên quan đến Hằng Phong.
– Em không có ý đó.
– Xuống xe đi.
Tôi mỏi mệt xuống xe, lúc đi vào trong nhà thấy anh nhập mật mã là một dãy số xa lạ.

Nhà của anh không phải biệt thự, chỉ là một căn nhà hai tầng đơn giản với vườn cây rộng mênh mông, bên trong đồ đạc cũng ít đến mức sơ sài, nhưng qua một vài chi tiết rất nhỏ, tôi vẫn có thể nhận ra được chỗ này từng có phụ nữ ở.
Trên kệ tivi có một chiếc dây buộc tóc màu xanh, tủ để dép có một đôi dép bông màu trắng size 36, thậm chí, tôi còn trông thấy một mẩu vỏ bao cao su bị kẹt ở kẽ sofa.

Nếu như ngôi nhà này không có người nào ngoài anh lui tới, thì bao cao su anh có thể dùng với ai được?
Lòng tôi thoáng chốc cảm thấy vô cùng chua chát, nhưng tôi không hỏi, chỉ hít vào một hơi dài rồi ngồi xuống.

Thành có vẻ cũng mệt mỏi, anh chỉ vị trí phòng ngủ của mình cho tôi, bảo tôi đi tắm:
– Tủ quần áo trong phòng có đồ phụ nữ.

Em mặc tạm đi.
– Em biết rồi.
Lúc mở tủ đồ, tôi thấy quần áo toàn size S, dù chưa bóc mác nhưng tôi vẫn đoán được anh mua những thứ này cho ai.

Phải rồi, cơ thể chị ấy rất đẹp, chỗ nào cần cong thì cong, chỗ nào cần nhỏ, có mấy lần gặp chị Uyên, tôi vô tình thấy mác váy chị ấy là size S.
Tôi không muốn đã tranh giành người đàn ông của người ta, giờ còn giành cả quần áo, cho nên quyết định không mặc, tắm xong chỉ mặc lại đồ cũ rồi đi ra ngoài.
Lúc này, anh đã nấu xong một mâm cơm đơn giản.

Chỉ có một đĩa trứng ốp lết, một tô canh rau và một ít thịt băm.

Thấy tôi vẫn mặc đồ cũ đi ra, anh chỉ ngẩng đầu nhìn một cái, cũng không hỏi mà chỉ bảo:
– Ngồi xuống ăn đi.
Nếu là trước đây, tôi sẽ sung sướng reo ầm lên vì được anh đích thân vào bếp nấu cơm cho mình.

Nhưng bây giờ tôi không cười nổi, tôi gật đầu, ngồi xuống bàn rồi lấy bát tự giác xới cơm cho anh.
Hai chúng tôi ngồi lặng lẽ bên nhau ăn cơm, không ai nói gì cả, thức ăn trong miệng cũng đắng ngắt, chẳng nếm ra được mùi vị gì.

Rất lâu, rất lâu sau đó anh nói với tôi:
– Một năm.
Tôi ngước lên, định hỏi một năm gì thì anh đã đặt đũa xuống bàn.

Anh bảo:
– Chúng ta ở bên nhau một năm, hết một năm, tôi và em ly hôn!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương