Biên Hoang Truyền Thuyết
-
Chương 40: Tống quân thiên lý
Đưa người ngàn dặm.
Nếu muốn tìm trong Nam Bắc võ lâm mỗi vùng một nhân vật đại biểu, hay là tìm những cao thủ đỉnh cao đại biểu cho Hồ Hán lưỡng tộc, không nghi ngờ gì những người trúng tuyển tất phải là Mộ Dung Thùy và Tạ Huyền.
Mộ Dung Thùy ngoại hiệu Bắc Bá, chẳng những là đệ nhất nhân của bộ tộc hùng mạnh nhất trong chư Hồ là Tiên Ti tộc, mà còn được toàn thể các tộc Hồ công nhận là thủ tịch cao thủ hoàn toàn không phải bàn cãi gì. Bất luận võ công binh pháp đều không kẻ nào dám cự lại.
Tạ Huyền được xếp vào hàng Cửu phẩm cao thủ, năm hai mươi ba tuổi đánh chết bang chủ đương nhiệm của Lưỡng Hồ bang là Đao Ma Hướng Tại Sơn, nhảy vọt lên bửu tọa Cửu phẩm thượng thượng phẩm cao thủ, mười năm nay không có địch thủ.
Loạn thế xuất anh hùng, nam bắc võ lâm cao thủ người Hán thời nay tuy không ngừng xuất hiện, nhưng cao thủ nổi bật của võ lâm phương bắc tầm cỡ như An Thế Thanh, Nhậm Dao, Giang Lăng Hư võ công lại lai tạp với tâm pháp võ kỹ của người Hồ, còn ở phương nam Tôn Ân bị coi là tà môn ngoại đạo, vì vậy có thể kế thừa phát triển võ công bác đại tinh thâm của Hán tộc, ngoài Tạ Huyền ra còn ai có tư cách ấy nữa.
Hai người niên kỷ tương đương, đều là anh hùng cái thế, tung hoành bất bại trên chiến trường và võ lâm, bọn họ bỗng nhiên tương phùng, trước khi hành sự không ai dự liệu được sẽ phải có một trận quyết chiến trực tiếp ảnh hưởng đến thịnh suy nam bắc.
Cho dù chính quyền Giang Tả thu được toàn thắng trong chiến dịch Phì Thủy, nhưng nếu trận này Tạ Huyền thua bại vong thân, nam Tấn vẫn là được không bù mất, những người nắm giữ quân chính đại quyền nam Tấn là Tạ gia cũng bị suy thoái, Mộ Dung Thùy sẽ là người gặt hái nhiều nhất, một bước trở nên ứng viên hứa hẹn nhất cho vị trí bá chủ chư Hồ phương bắc.
Lưu Dụ khắp người nổi gai ốc nhìn hai đại cao thủ đỉnh cao, vô phương giúp đỡ, chỉ có thể khổ sở chờ đợi xuất hiện kết quả.
Mộ Dung Thùy không thẹn mang danh bắc phương đệ nhất minh soái, theo hắn đi chặn đường Tạ Huyền chỉ có binh mã bổn tộc tương đương với binh lực của ông, điều này khiến cho Tạ Huyền muốn lui cũng không được. Giá như Mộ Dung Thùy dốc hết ba vạn tinh kỵ chặn đường công kích Tạ Huyền, Tạ Huyền có thể lập tức quay đầu thoái lui, cũng không ai dám cười ông thiếu đảm lượng. Đằng này Mộ Dung Thùy bố trí quân lực đủ tạo ra hình thế quyết chiến công bình, khiến Tạ Huyền không thể không xả thân ứng chiến, chỉ từ điểm này có thể thấy Mộ Dung Thùy tính toán cao minh đến đâu.
Tạ Huyền nếu thất bại trận này, chiến dịch Phì Thủy coi như tiền công tận phế. Nam Tấn tuy vẫn có thể bảo trì cục diện bình yên, nhưng sau đó chỉ có thể chống mắt mà coi Mộ Dung Thùy thay chân Phù Kiên, thống nhất bắc phương, rồi lại phát động một cuộc xâm lăng khác xuống phía nam.
Một âm thanh như rồng ngâm vang lên.
Cửu Thiều Định Âm kiếm trong tay Tạ Huyền rung động, lúc đầu thanh âm vút lên từ thân kiếm tựa như có như không, chớp mắt đã như rồng cuốn trên chín tầng trời, nhào sâu đáy biển, bồng bềnh mơ hồ đến cùng cực.
Cửu Thiều Định Âm kiếm chủ động công kích, do kiếm thanh và kiếm thế không tương hợp, mà lại tương phản, đường lối không biết đâu mà lần, sự đối nghịch này không những khiến người ta hết sức khó chịu, mà còn khiến người khó lòng tin được.
Âm thanh êm dịu từ chín lỗ nhỏ trên thân kiếm thoắt biến thành trùng trùng điệp điệp như rồng gầm hổ thét, tràn ngập cả khuôn viên bãi chiến trường hơn mười trượng, đang phảng phất như giăng ra một lưới nhạc tươi vui, chợt biến thành sóng to gió cả, không ngừng bao vây trói buộc khiến người ta muốn đi khó bước, tựa như vĩnh viễn không ra khỏi được mê cung tạo nên bởi những bức tường âm thanh.
Cửu Thiều Định Âm kiếm hóa thành một luồng sáng xanh chói mắt, từ bên ngoài bức tường khí của Mộ Dung Thùy kiên cường rạch toang một đường rộng, kiếm thế kinh nhân với tốc độ mắt thường khó thấy chấn động bổ tới, đâm thẳng vào ngực Mộ Dung Thùy.
Động tác của Tạ Huyền tiêu sái phiêu dật, dù đang ở vào thời khắc đầu thương mũi kiếm giao phong quyết định sinh tử, vẫn ung dung nhàn nhã, những yếu tố mâu thuẫn song hành với nhau, hợp thành phong độ đại gia độc nhất vô nhị của ông.
Với bản lĩnh và lòng tự tin như Mộ Dung Thùy, cũng không thể không bị phân tâm ứng phó với kỳ công tuyệt nghệ của Tạ Huyền.
Cần biết cao thủ khi đối địch, mọi cảm quan đều phải phát huy tối đa, thính giác lại càng trọng yếu, thường thường không dùng mắt nhìn, chỉ dựa vào tiếng binh khí xé gió hoặc âm thanh từ tay áo là đủ để phán đoán được cả chiêu thức, tốc độ và những biến hóa vi diệu của đối phương.
Nhưng mà trong trường hợp đối với Tạ Huyền, thính giác lại hoàn toàn trở thành vô dụng, thậm chí còn không được áp dụng tâm pháp này, nếu không sẽ không tránh khỏi thất bại. Thứ kiếm pháp vừa đáng sợ vừa tràn đầy mỹ cảm âm nhạc như thế này, Mộ Dung Thùy lần đầu tiên mới gặp.
Mộ Dung Thùy quát lên một tiếng, át đi thanh âm của Cửu Thiều Định Âm kiếm, tựa như ánh dương quang xuyên tầng mây chiếu xuống mặt đất. Bắc Bá Thương trong tay hóa thành cuồn cuộn những làn sóng thương, từng đợt từng đợt trầm ổn nghênh đón địch kiếm. Tựa như là thực, nhưng trong thực ẩn hư, tựa hồ thiên biến vạn hóa, lại giống như chỉ có một chiêu thế chân thực duy nhất. Biến hóa tinh vi ảo diệu bên trong thể hiện rõ bản lĩnh của đệ nhất tông sư đại gia phương bắc.
Lưu Dụ xem đến mê mệt, hai người tại trường quyết chiến, gã hiểu rõ tất sẽ có một phen long tranh hổ đấu, đã biết hai người kiếm thuật và thương pháp cao minh thần kỳ, nhưng hoàn toàn vượt ra ngoài tưởng tượng của gã, may sao mình có mặt ở đây được mở rộng tầm mắt.
"Keng!".
Kiếm thương đụng nhau, âm thanh chát chúa vang dội ra tứ phía, tựa như một khối cự thạch vạn cân đâm sầm xuống mặt hồ mênh mông yên tĩnh, gây nên tiếng động ầm ầm, làm màng tai đau nhói.
Tạ Huyền tà áo phất phơ bay, mượn thế ngự kiếm bay ngược trở lại, chân không chạm đất, khuôn mặt anh tuấn vô song vẫn phác qua một nét cười hài lòng, Định Âm kiếm chỉ về phía đối phương, lui về nguyên vị, ngửa lên trời cười lớn: "Quả nhiên là bắc phương đệ nhất thương, Tạ Huyền lãnh giáo rồi!".
Lưu Dụ chợt chấn động trong lòng, phân phó tả hữu: "Phái người thám thính bốn phía, sau đó báo cáo tình hình cho ta".
Tả hữu tuy không muốn lỡ dịp mở mắt, nhưng quân lệnh như sơn, không thể không lĩnh mệnh mà đi.
Mộ Dung Thùy chăm chú nhìn Tạ Huyền không chớp mắt, bỗng nhiên bật cười, lắc đầu khen ngợi: "Trong thiên hạ lại có kiếm pháp dùng mê âm để khắc địch như thế sao? Tạ huynh bằng cách nào sáng tạo ra vậy? Mộ Dung Thùy xin bội phục, coi thương đây!".
Nói tới câu sau cùng, Bắc Bá Thương trên tay vọt lên không, vạch mấy cái lên trời, giống như thư pháp đại gia múa bút trên giấy như rồng bay phượng múa để giải tỏa uất kết trong ngực, chính là hắn mượn thương để miêu tả tâm ý, người người thấy vậy đều hết sức mơ hồ, đều cảm thấy hư chiêu Mộ Dung Thùy xuất ra, bổn thân đã là một thứ bá khí cực kỳ huyền diệu, vẫn ẩn chứa ở đằng sau những biến hóa rất sâu sắc.
Tạ Huyền vẫn ung dung nhàn nhã, nhưng bất luận người trong kẻ ngoài có mặt lúc bấy giờ, chỉ riêng ông nhìn thấu đáo tâm ý của Mộ Dung Thùy.
Đương nhiên nào dám chậm trễ, kiếm thanh lại vút lên.
Mộ Dung Thùy vạch hờ mấy thương chính là khởi thủ thức của thế công, chẳng những tốc độ đề thăng đến cực điểm, mà còn đặt toàn thân công lực vào một kích này, tinh, khí, thần toàn thân dâng lên đến cảnh giới tối cao của thương đạo, sát khí dồn cả vào mũi thương, tràn đầy khí thế lạnh căm căm bức người, toàn bộ uy lực tập trung vào một thương này, cùng địch nhân quyết phân thắng phụ.
Công pháp như vậy, số người có thể giống như Mộ Dung Thùy tùy tiện thi triển ra trong thiên hạ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Xoẹt!".
Bắc Bá Thương vạch một đường ngang trời, từ trên không tạo thành một đường cong uốn lượn kích đến Tạ Huyền, chẳng biết trên đời võ thuật thiên hình vạn trạng thế nào, nhưng một thương này của hắn biểu lộ đã đạt tới cảnh giới tối cao, đồng thời cũng ngầm chứa nguyên bản tinh túy nhất, uy lực không gì kháng cự nổi.
Kiếm thanh lúc này đồng thời cũng vang động toàn trường, lập tức làm bầu không khí thay đổi, mê hoặc lòng người, thời khắc này thanh âm tiêu dật siêu thoát, kết hợp với kiếm hình gợi nên cảm giác như thơ như họa, vừa tràn ngập uất khí lại vừa chứa đựng sự giải thoát, phong độ và ý vị cao, thấp sắp xếp trong không gian hết sức rõ ràng tinh chuẩn, bản thân cũng đã vốn mang đặc tính phòng ngự cùng ma lực.
Cửu Thiều Định Âm kiếm ở phía trước Tạ Huyền mấy thước không ngừng di chuyển vị trí, bỗng nhiên Tạ Huyền lướt qua một bên, Định Âm kiếm chém xả vào ngọn thương. "Keng!".
Hai người cùng chấn động kịch liệt, toàn thân vọt lên, hoán đổi vị trí cho nhau.
Mộ Dung Thùy giắt thương ra sau lưng, đứng thẳng người dậy, một tay đặt trước ngực, cười ha hả nói: "Thống khoái! Thống khoái! Gần mười năm nay, Tạ huynh là người duy nhất chịu đựng được chiêu vừa rồi của Mộ Dung Thùy, Tạ huynh có biết chiêu này có cái tên rất êm tai và rất buồn không?".
Tạ Huyền giữa đám địch quân vẫn tiêu sái nhàn nhã, xoay người đứng yên, Cửu Thiều Định Âm kiếm buông bên sườn, vui mừng nói: "Thỉnh Mộ Dung huynh chỉ dạy!". Mộ Dung Thùy lấp lánh nét cười bên khóe mắt, điềm đạm nói: "Tống Quân Thiên Lý!". Tạ Huyền không ngạc nhiên, tra kiếm vào vỏ, tiếp đó nói: "Cuối cùng thì cũng phải nói lời giã biệt! Mộ Dung huynh chặng dừng chân đầu tiên sẽ là Lạc Dương hay Trường An?".
Vừa mới xong, hai đại tông sư còn quyết chiến sinh tử, lúc này hai người lại bịn rịn chia tay, khiến người ta mơ hồ không sao hiểu nổi. Nhưng bất luận thế nào, chúng nhân đôi bên đều thở phào nhẹ nhõm.
Tạ Huyền cất bước về phía Mộ Dung Thùy, hoàn toàn không giới bị chút gì, từ trong bọc lấy ra túi da dê đựng ngọc tỷ Yên quốc, Mộ Dung Thùy di chuyển ngọn thương qua bên cạnh, khẽ dụng lực, cán thương cắm ngập xuống đất, hai tay cung kính tiếp lấy bửu bối được Tạ Huyền cũng bằng hai tay trao trả.
Mộ Dung Thùy không còn chút địch ý nào, mỉm cười nói: "Hiểu nhau bằng tấm lòng, đâu cần đến lời nói".
Tiếp đó ha hả cười, thu hồi trường thương, tay kia cầm ngọc tỷ, cùng Tạ Huyền mỗi người đi về trận địa bên mình.
Lưu Dụ giật mình, nghĩ thời khắc ngọc tỷ trở về tay Mộ Dung Thùy, cũng chính là thời khắc sống lại của nước Đại Yên đã diệt vong trong tay Phù Kiên. Bất luận phương bắc bị tan rã thành mấy nước, Đại Yên quốc của Mộ Dung Thùy chắc chắn là quốc gia quan trọng nhất, có đủ tư cách nhất để hỏi đến bá quyền bắc phương.
Đại quốc của Thác Bạt Khuê, trong trường thịnh hội này vẫn còn chưa có chỗ ngồi ở chiếu trên.
Thủ hạ hồi báo, trừ địch nhân trước mặt, còn thì không thấy tung tích kẻ nào. Lưu Dụ rốt cuộc cũng yên tâm, nỗi lo lắng Mộ Dung Thùy bỏ chuyện đơn đả độc đấu để biến thành phục kích bao vây đã không còn là vấn đề.
Trong lúc Tạ Huyền nhẹ nhàng tiến lên sườn đồi, Mộ Dung Thùy phi thân lên ngựa, hô hoán thủ hạ bỏ đi, một trận cuồng phong cuốn tới khu rừng thưa phía bắc, thổi bạt đi tiếng vó ngựa.
Lưu Dụ hoang mang ra đón Tạ Huyền, binh sĩ nhất tề hoan hô, hoan nghênh chủ soái an nhiên trở về không nhục uy danh.
Bắc Bá Thương của Mộ Dung Thùy, thiên hạ có ai không sợ, Tạ Huyền có thể giữ bình phân, đủ để ai nấy đều phấn chấn vô cùng.
Lưu Dụ tới bên Tạ Huyền nói: "Không có phục binh, chúng ta có nên mau chóng tới Biên Hoang Tập bây giờ không?".
Tạ Huyền hạ thấp giọng nói: "Chúng ta lập tức trở về Thọ Dương, nếu không phải là thời điểm đặc biệt, Mộ Dung Thùy tất không chịu trả cái giá đau đớn, hẳn ta sẽ phải táng mệnh Biên Hoang.
Lưu Dụ giật mình, hiểu ra Tạ Huyền đã thụ nội thương, may mà Mộ Dung Thùy phải vội vàng trở về phương bắc tranh đấu, không biết rằng mình đủ sức giết chết Tạ Huyền, nhưng biết đâu cũng đã cùng bị thương, cho nên mới dừng cương bên bờ vực, bỏ đi ý niệm này. "Không cần nói ra lời", chính muốn ám chỉ điều này.
Tạ Huyền tiếp đó mỉm cười: "Hay cho một ngọn Bắc Bá Thương!".
Tung người lên mình chiến mã thủ hạ vừa dắt đến, dẫn đầu phóng về phía nam.
Lưu Dụ phóng ngựa theo sau, tai còn nghe thấy tiếng vó ngựa không dứt của bộ đội Mộ Dung Thùy đi xa dần, lại nghĩ chung quy sẽ có ngày vó ngựa Hồ một lần nữa đạp trên con đường nam tiến, nhưng bất luận có chuyện gì xảy đến với Tạ Huyền, chỉ cần Lưu Dụ còn đấy, nhất định sẽ tận lực tranh phong tới cùng.
Vĩnh viễn không bàn lui.
Âm hàn biến mất hoàn toàn, hỏa nhiệt lại tựa như âm hồn bất tán ngóc đầu dậy, đầu tiên chực sẵn ở Khí hải huyệt, sau đó dần dần khuếch tán đến kinh mạch và các huyệt lớn nhỏ toàn thân, Yến Phi tuy vô phương cử động, nhưng thần trí so với trước sáng suốt hơn nhiều, bèn chậm rãi ước đoán thật chính xác tình trạng của bản thân lúc này.
Mục tiêu hiện giờ của chàng là hướng đến cái chết, nhưng những người luyện võ tu đạo lo sợ nhất là phương thức tử vong.
Những tình huống tẩu hỏa nhập ma cách này cách nọ có hàng trăm ngàn kiểu, nặng nhẹ khác nhau, nhưng đại khái có thể chia ra hai loại âm, dương. Tẩu hỏa nhập ma thuộc dương cương đáng sợ nhất vẫn là 'phần kinh'.
Dương hỏa sẽ thiêu đốt từng đường kinh mạch, khiến cho kẻ bị nạn trụy tim vỡ mạch khổ sở cùng cực đã đành, mà vì mọi kinh mạch trong đầu não cũng không thể tránh tai họa này, sẽ dần dần phải chịu đựng cảm giác phát điên phát cuồng, tình trạng tâm linh và nhục thể bị đày đọa như vậy thực không biết nói với người ngoài thế nào cho đủ.
Cái họa 'phần kinh', thường thì phát sinh đối với cao nhân tu thiên đạo đan pháp, mà rất hãn hữu mới xảy ra, hàng trăm năm chưa chắc đã gặp một lần. Yến Phi tuy đã từng coi qua đạo gia bửu điển ghi chép chuyện này, nhưng không hề để ý, cũng chưa hề nghĩ đến, vậy mà lại phát sinh chính tại thân mình. Cuối cùng chàng cũng đã minh bạch hàm ý của hai chữ Đan kiếp.
Vốn dĩ chỉ cần chàng uống vào Đan kiếp, lập tức gặp ngay tai vạ này, may thay vì chàng từng dung hợp khí âm hàn của Nhậm Dao và Thanh Thị thi triển trên thân thể mình, âm dương loại trừ lẫn nhau, đấu đá loạn xạ, thúc đẩy chàng chạy đi như điên hàng trăm dặm đường.
Đến lúc này, dương kiếp thu được toàn thắng, âm kiếp tiêu thoái, cũng mất đi yếu tố âm dương tương kích sản sinh động lực kinh người, chỉ có thể chờ đợi kết cục thê thảm của 'phần kinh'.
Đột ngột có một tràng cười lớn, giọng nói của Nhậm Dao rót vào tai chàng: "Tiểu Yến Phi của ta, xem ra so với súc vật ngươi còn ngu ngốc hơn".
Một luồng kình lực bốc thân hình gã lên, giống như tùy tiện tròng dây vào cổ giật lên, dựng chàng thẳng dậy trên mặt đất, liền đó vang dội âm thanh kình khí phá không truyền lại, song chưởng Nhậm Dao vận khởi toàn lực nặng như núi áp vào bối tâm chàng.
Dương hỏa đang thiêu đốt kinh mạch nghênh đón luồng kình khí tựa như sóng thần hung dữ tràn qua khuyết khẩu từ song thủ của Nhậm Dao ập tới, mà lại là luồng lãnh khí vượt trăm sông ngàn suối đổ về, dồn vào kinh mạch lớn nhỏ nóng như lửa thiêu của chàng, cảm giác kinh người này không có cách gì miêu tả nổi.
Nhậm Dao rú lên một tiếng hãi hùng, ngã lăn ra đằng sau, Yến Phi cũng ứng chưởng bay vọt lên phía trước.
"Sầm" một tiếng, ngã lăn xuống bãi cỏ, hai mắt tối sầm, hôn mê đi. Trước khi mất tri giác, mặt đất giống như rung lên tiếng trống trận, mà là hàng ngàn chiếc dùi lấy mặt đất làm trống ra sức mà gõ.
Tạ Huyền và Lưu Dụ dẫn đầu quất ngựa phi lên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, cảnh tượng trước mặt khiến hai người hết sức kinh ngạc.
Trên bãi cỏ có hai người, dưới ánh trăng, một người sống chết không rõ, người kia ngồi phía sau cách chừng năm trượng, trang phục trên người theo kiểu vương hầu. Lưu Dụ định thần nhìn kỹ, kêu lên thất thanh: "Là Yến Phi!".
Tạ Huyền nghe tiếng lập tức vọt lên không, từ khoảng cách hàng trăm bộ lăng không bay tới chỗ hai người.
Ngồi xếp bằng trên mặt đất chính là Nhậm Dao, cũng hốt nhiên chấn động, quay nhìn lại, nhìn thấy Bắc Phủ kỵ binh tập trung ở đầu núi, kêu to một tiếng, từ dưới đất bắn vọt lên, rút Ngự Long kiếm lướt về phía trước, có ý muốn tới trước Tạ Huyền, tặng cho Yến Phi một kiếm trí mệnh.
Lần này y khôn ngoan hơn, chỉ dám nhờ vào bửu kiếm sắc bén, đưa Yến Phi vô tử địa. "Rẻng!".
Tạ Huyền bạt xuất Cửu Thiều Định Âm kiếm, bay tới nửa đường bỗng tốc độ tăng gia kỳ dị, kiếm thanh vút lên, chớp mắt đã biến thành tiếng rú gào đầy trời đầy đất. Mảnh đất hoang vu yên tĩnh bỗng dưng cuồng phong đột khởi, uy thế kinh thiên động địa, nhắm thẳng vào Nhậm Dao đang xông lại chỗ Yến Phi.
Nhậm Dao tự tin có thể tới trước Tạ Huyền, lấy cái mạng nhỏ của Yến Phi, nhưng mà cục diện tiếp theo sợ không đủ khả năng ứng phó.
Lúc này kiếm khí của Tạ Huyền đã từ xa xa bao trùm khống chế y, một khi bị Tạ Huyền đeo bám, bị hãm vào trùng vây thiên quân vạn mã, có thêm mấy tên Nhậm Dao nữa e cũng vô pháp thoát thân.
Liền quyết định tùy cơ ứng biến, nhả ra một khẩu chân khí, thi triển Thiên Cân Trụy, hạ mình xuống đất cách chỗ Yến Phi nửa trượng, Ngự Long kiếm hóa thành những đốm sáng đầy trời, bắn vào Tạ Huyền đang lao tới.
Lưu Dụ cũng lướt khỏi lưng ngựa, chạy tới chỗ Yến Phi đang nằm, nhưng vẫn chậm sau Tạ Huyền hai trượng, mắt mở to nhìn Cửu Thiều Định Âm kiếm của Tạ Huyền giống như một con thanh long nhập vào lưới kiếm Nhậm Dao, phát xuất một tiếng nổ lớn như sét đánh.
Nhậm Dao bay ngược lại phía sau, cười lớn: "Không hổ thượng thượng phẩm cao thủ, Nhậm Dao lĩnh giáo rồi".
Chớp mắt đã biến mất sau sườn đồi phía nam.
Tạ Huyền hạ mình xuống bên Yến Phi, đứng yên bất động, khuôn mặt anh tuấn chợt hồng lên một thoáng, mới tra kiếm vào vỏ.
Lưu Dụ không nhìn thấy sắc mặt bất thường của Tạ Huyền, xông đến chỗ Yến Phi đang nằm phủ phục, thò tay đặt lên uyển mạch của chàng, một lát sau, trên mặt hiện lên thần tình hết sức cổ quái.
Tạ Huyền quay lại nhìn gã, ngạc nhiên nói: "Hắn ta cuối cùng là sống hay chết?". Chúng thủ hạ nhao nhao chạy lại, không cần dặn bảo, mỗi người canh phòng mỗi phía.
Lưu Dụ cẩn thận đỡ cho Yến Phi nằm ngửa lên, thấy chàng sắc mặt bình thường, chỉ giống như đang ngủ say. Lưu Dụ nói: "Thật cổ quái, tiểu nhân chưa bao giờ gặp tình huống như thế này". Bạn đang đọc chuyện tại TruyệnFULL.vn
Tạ Huyền quỳ gối xuống, nắm lấy uyển mạch Yến Phi, nhắm mắt ngưng thần, sự chờ đợi của Lưu Dụ và chư tướng, thân hình to lớn chấn động, đáp: "Đúng là phi thường cổ quái".
Lưu Dụ nói: "Kinh mạch của hắn hoàn toàn không có dấu vết gì của chân khí di chuyển, miệng mũi không có hơi thở, nếu không phải là tâm mạch vẫn còn chút động tĩnh lúc có lúc không, tiểu nhân đã cho rằng hắn ta đã tuyệt sinh cơ rồi".
Tạ Huyền mở to hai mắt, để lộ oai phong, trầm giọng nói: "Có một quái sự nằm ngoài tưởng tượng của chúng ta đã phát sinh nơi bằng hữu của ngươi, hiện giờ hắn đang trong trạng thái thai tức rất hiếm thấy, ngoại trừ ở các bậc chân tu của đạo gia. Vì vậy tốt nhất chớ tìm cách đánh thức hắn dậy, cũng e rằng không ai có khả năng làm việc này nữa, việc chúng ta có thể làm trước mắt là mang hắn về Thọ Dương, để rồi hắn tự nhiên tỉnh lại".
Lưu Dụ trong lòng buồn phiền, xuôi tay hỏi: "Còn nội công kình khí của hắn thì sao?".
Tạ Huyền hơi sững người đáp: "Hắn có thể không biến thành phế nhân là hết sức may mắn rồi. Chúng ta đành chờ đến khi hắn tỉnh lại rồi mới nghĩ biện pháp cho hắn!". Lưu Dụ ứa nước mắt, bỗng nhiên gã tha thiết hy vọng Yến Phi vĩnh viễn không tỉnh lại, vĩnh viễn không cần phải đối diện với sự thực tàn khốc mất hẳn nội công tu vi.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook