Trên dãy hành lang lặng ngắt như tờ, ngoài tôi ra thì không còn một người nào khác.

Không gian tối tăm ngột ngạt như kéo dài vô cùng vô tận.

Băng giá mon men trườn trên sàn nhà bủa vây dần lấy tôi, hơi thở tôi trắng mờ đi vì buốt giá, rồi trước mắt tôi mơ hồ hiện lên cánh cửa gỗ vàng nhạt, qua ô kính vuông vắn nho nhỏ trên cửa, tôi thấy lớp học được nhuộm một màu vàng nâu ấm áp bên trong.
Nó quá đỗi khác biệt với bóng tối đang vây kín tôi, không gian ấy ấm áp và rực rỡ nhường nào, và ở chính giữa là hai thiếu niên trong bộ đồng phục… đang trao nhau nụ hôn triền miên.
Căn phòng chẳng còn ai khác: ”Tất cả mọi người đã đi rồi, không ai phát hiện đâu.” Tôi đã cho là thế, và chắc chắn hai người bên trong cũng nghĩ vậy.

Bao yêu thương phải kìm nén không dám thổ lộ trong ngày cuối cùng cũng có thể thỏa thuê bộc lộ trong căn phòng yên ắng ấy.
Thiếu niên quay lưng về phía tôi có cơ thể mảnh dẻ, tay phải áp hờ hững vào bờ ngực người trước mặt như muốn từ chối nụ hôn quá đỗi ngấu nghiến ấy.

Nhưng chẳng để cậu kịp cựa quậy, cổ tay trắng trẻo đã bị đối phương nắm chặt, rồi nằm gọn lỏn trong bàn tay màu lúa mạch chín mạnh mẽ, không để cậu có bất cứ cơ hội nào để khước từ.
Không chỉ có thế, người nọ còn luồn ngón tay vào mái tóc đen như mực của thiếu niên, siết nó thật chặt, khiến cho nụ hôn của họ càng thêm sâu đậm càng thêm triền miên.
Cánh tay rắn rỏi gồ lên từng lằn gân guốc, cơ gắp cuồn cuộn mượt mà tràn trề sức trẻ.

Men theo cánh tay là mái tóc được cạo cụt lủn của người nọ, nom vừa cứng vừa gai tay nhưng gọn gàng chỉnh tề, lông mày đen và rậm tôn lên hốc mắt sâu thẳm.
Rõ ràng là đồng phục giống nhau, tuổi cũng trạc, vậy mà một người chỉ qua bóng lưng đã thấy là một thiếu niên mỏng manh, người còn lại thì đã bắt đầu trổ những nét “nam tính” trưởng thành.
Nhiễm… Thanh Trang…
Môi tôi mấp máy trong vô vọng, âm thanh bị nghẹn ứ trong cổ họng không thốt nổi thành tiếng.

Như thể cái tên ấy là một điều cấm kỵ mà tôi chẳng tài nào gọi nổi ngay cả trong những giấc mơ.
Tôi nhìn hắn, nhìn hắn say sưa trong nụ hôn ngọt ngào, nhìn khuôn mặt đong đầy tình cảm đó.

Rõ chỉ cách một cánh cửa mà chúng tôi như đang ở hai thế giới tách biệt.
Rồi đột nhiên như cảm thấy có kẻ thứ ba đang rình mò, Nhiễm Thanh Trang, người vừa mới chìm đắm trong những tiếp xúc thân mật thình lình mở choàng mắt, ánh mắt sắc bén chĩa thẳng về phía tôi, hung hăng và nhạy bén như của loài dã thú khi phát hiện ra con mồi, khiến tôi sợ hãi thụt lùi ra sau.
Ngay giây sau đó, băng giá đóng dưới chân tôi vỡ vụn, cả người tôi rơi vào bóng tối vô tận.
“Số 47 Quý Ninh, số 47 Quý Ninh, mời đến phòng khám số 1.”
Mở hai mắt ra, trái tim tôi đập tán loạn, như muốn bắn ra khỏi lồng ngực ngay tức thì.
Vừa choàng tỉnh khỏi cơn gà gật khiến đầu óc tôi hãy còn mơ màng, phải ngồi nán lại một lúc cho đến khi loa réo tên tôi lần thứ hai, tôi mới vội vàng đứng dậy, đi vào phòng khám số 1 gần đó.
Vị bác sĩ lớn tuổi ngồi chờ sẵn trong phòng, ông đeo cặp kính viền vàng nom hiền từ vô cùng.

Ông là bác sĩ phẫu thuật não bộ giỏi nhất nhì thành phố Sùng Hải, cũng là bác sĩ điều trị cho tôi, bác sĩ Ngô.
“Tiểu Quý, dạo gần đây có còn đau đầu không?” Vừa nói ông vừa rút hai tấm CT từ trong túi tôi đưa, nhét vào tấm đèn chiếu ngay bên cạnh rồi tỉ mẩn quan sát.
“Thỉnh thoảng cháu có đau, tầm mười giây thì hết, trong phạm vi chịu đựng được ạ.” Tôi ngồi đối diện ông, bắt đầu nghĩ về những thay đổi trong sức khỏe mấy ngày qua: “Chỉ là… cháu thấy trí nhớ của mình kém hơn, có những chuyện lúc trước cháu không còn nhớ rõ nữa.”
Ví như hôm qua, bỗng dưng tôi không tài nào nhớ nổi tên trường cấp ba mình đã theo học.

Lời đã chớm đầu môi mà tôi không thể thốt thành lời, làm tôi hớt hải lục tung mọi thứ để tìm ảnh tốt nghiệp của mình, để rồi tới nửa đêm mới sực nhớ rằng tôi vẫn để chúng ở quê nhà và chưa mang đến Sùng Hải.
Bác sĩ Ngô cầm bút khoanh mấy vòng tròn trên tấm phim của tôi, nói rắng: “Khối u không phát triển nữa, đây là dấu hiệu tốt, nhưng vị trị của nó thì rất nguy hiểm, nó có thể “vỡ” bất cứ lúc nào.


Cậu đã nghĩ kỹ chưa? Muốn tiếp tục điều trị hay phẫu thuật?”
Đây không phải lần đầu tiên tôi đến tìm ông, nửa tháng trước ông đã vạch rõ cho tôi hai con đường.

Điều trị triệu chứng, nghĩa là tôi có thể chết bất cứ lúc nào nhưng chí ít vẫn có được cuộc sống ra hồn ngày nào hay ngày nấy.

Còn điều trị bằng phẫu thuật, tuy có thể mang lại hy vọng nhưng cũng có khả năng cao là tôi sẽ không thể bước xuống khỏi bàn mổ.
“Nếu điều trị triệu chứng thì cháu có thể sống được tối đa bao lâu nữa ạ?” Tôi nhìn đăm đăm vào bóng tròn mờ vặn vẹo trên CT và hỏi.
Bác sĩ Ngô trầm ngâm một chút rồi trả lời: “Nhiều nhất là nửa năm.”
Nửa năm, biết đâu tôi có thể cầm cự đến khi em gái thi đại học xong… Tôi vẫn có thể tiết kiệm thêm tiền trong thời gian này để trang trải học phí đại học cho con bé, như thế dù một mai ra đi, mẹ tôi cũng không phải buồn phiền về chuyện tiền nong.
“Vậy thì nửa năm thôi, đủ rồi ạ.” Tôi nói.
Bác sĩ Ngô gật đầu: “Triệu chứng đãng trí và đau đầu của cậu cũng do khối u gây ra.

Không trừ tận gốc được nên tôi chỉ có thể kê một số thuốc giảm đau.

Các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn theo thời gian nên hãy vận động và giữ tâm trạng thoải mái, như thế có thể giảm bớt phần nào nhé.”
Cảm ơn bác sĩ xong, tôi cất tấm CT vào túi rồi cầm hồ sơ bệnh án ra khỏi phòng, người bệnh kế tiếp đi với gia đình vội vàng chen vào trong, người anh ta gầy rộc, xanh xao và hốc hác khủng khiếp.
Tôi vô thức ướm mình vào người nọ và nỗi hoảng hốt chợt len lỏi khắp mình, liệu có phải mai này tôi cũng sẽ như thế không.
℘℘℘℘℘℘
Vừa trở lại căn nhà trọ thì Phương Lạc Tô gọi điện đến, nhắc tôi đừng quên cuộc hẹn vào tối nay.
Tôi liếc nhìn cây đàn cello tựa trong góc phòng rồi nói: “Sáu giờ tối tập trung ở bến tàu, nhớ rồi.”
Phương Lạc Tô và tôi cùng nằm trong một dàn nhạc giao hưởng, đều là người chơi cello.

Cô nàng là người nhanh nhẹn và quen biết rộng, đôi khi cô ấy tự liên hệ tìm mối về cho dàn nhạc mỗi khi ế show, ví như đệm nhạc cho các bữa tiệc hay góp vui trong các tiệc cưới.

Nếu cần thêm người, cô ấy cũng sẽ lôi cả tôi theo để kiếm thêm thu nhập.
“Cậu đã nói với Nam Huyền chưa?” Tôi hỏi.
Nam Huyền là bạn thời đại học của tôi, là người Sùng Hải chính hiệu, ra trường xong thì cậu ta trở về Sùng Hải, tôi tình cờ gặp cậu ta vì công tác tại đây.

Nam Huyền là một người hiền lành tốt bụng, thấy tôi thân cô thế cô nơi đất khách quê ngươi nên thường rủ tôi đi ăn và leo núi.

Thỉnh thoảng cũng đến xem nhóm tôi biểu diễn, dần dà quen thân với Phương Lạc Tô rồi thành một đôi.
Nghiêm túc mà nói thì tôi chính là bà mối của họ.
Sau khi tốt nghiệp, Nam Huyền không tham gia vào dàn nhạc mà làm một giáo viên dạy cello ở trung tâm thiếu nhi.

Tính cậu ta ấm áp hiền lành, Phương Lạc Tô lại xinh đẹp cởi mở, hai người xứng đôi vừa lứa, tình cảm thuận hòa.

Tôi cũng đã từng cho rằng đích đến của tình yêu là như vậy.
Cho đến hai tuần trước, tôi phát hiện Phương Lạc Tô ngoại tình…

Hôm đó, tôi vô tình làm rơi món đồ trang trí treo điện thoại – là của em gái tôi tặng – không đáng giá nhưng lưu giữ nhiều kỷ niệm, nên ngay khi nhận ra mình làm rơi, tôi đã nhớ đến những nơi mình có thể làm mất và cuối cùng thì nghĩ tới phòng thay đồ của nhà hát.
Để xác nhận xem nó có rơi trong phòng thay đồ hay không, tôi đã quay trở lại nhà hát khi đã sắp về tới nhà.
Hành lang được trải thảm dày nên không phát ra tiếng bước chân, cửa phòng thay đồ khép hờ, bên trong vọng ra những âm thanh mờ ám.
Tay sắp chạm vào nắm đấm cửa rụt bắn về như bị điện giật, tôi nửa tin nửa ngờ dòm vào trong qua khe cửa, bởi giọng nữ bên trong thật sự quen tai.
“Anh Tân à, lần này… đến phiên em nhé?” Người phụ nữ bị làm đến mức lạc cả giọng, âm cuối vút lên.
Tôi không phải bảo vệ chốn này, ai tìm kiếm hoan lạc chẳng liên can gì đến tôi, đáng nhẽ tôi đã có thể bỏ đi để bớt phiền toái.

Thế nhưng vì muốn xác nhận người bên trong có phải là Phương Lạc Tô hay không, nên tôi đã nán lại.
“Yên tâm, vị trí đàn chính là của em.” Tiếng gã đàn ông hổn hển cùng lời lẽ tục tĩu: “Cục cưng của anh, anh làm mọi thứ vì cưng, đêm nay phục vụ anh cho tốt đấy.”
Nhận được lời hứa hẹn khiến cô gái phấn khởi, nũng nịu “vâng dạ” ngay tắp lự.
“Em biết anh tốt với em mà…”
Tôi chưa bao giờ nghe thấy Phương Lạc Tô nói với giọng điệu ấy, bàng hoàng và tởm lợm khôn cùng làm dạ dày tôi cuộn trào lên từng cơn, tôi gần như đã lảo đảo bỏ chạy ngay khỏi đó.

Cho đến khi bầu không khí mát lành bên ngoài ùa vào buồng phổi thì cơn buồn nôn mới dần vơi bớt.
Người đảm nhiệm trưởng nhóm Cello cũ đã rời dàn nhạc vì một vài lý do cá nhân cách đây không lâu, giữa những đồn đoán về người sẽ đảm nhiệm vị trí Cello chính kế tiếp thì tôi và Phương Lạc Tô là được ủng hộ và có khả năng kế nhiệm nhất.
Tôi biết Phương Lạc Tô luôn tham vọng có được vị trí này, nhưng tôi không ngờ cô ta có thể đánh đổi đến mức độ ấy.
Không thể tìm thấy món trang trí nữa nên tôi quay về nhà, đêm ấy thao thức làm ngày hôm sau tôi đi làm trong rệu rã mỏi mệt.

Đang bần thần chỉnh dây đàn thì Phương Lạc Tô tươi cười xuất hiện trước mặt tôi, cô xòe bàn tay để chiếc móc khóa hình quả chanh vàng con con rủ xuống lúc lắc trước mắt tôi.
“Hôm qua anh làm rơi ở trong phòng thay đồ, tôi thấy nên cất hộ cho anh đấy.” Cô nói mà chẳng hề mảy may chột dạ nào.
Tôi rũ mắt, nhận chiếc móc khóa rồi đút vào túi quần: “Cảm ơn.”
Phương Lạc Tô: “Có gì đâu.”
Cô quay người đi.
“Thật ra, hôm qua tôi có quay lại tìm.

Chúc mừng cô nhé, trưởng nhóm mới.”
Tôi thả một quả bom làm Phương Lạc Tô trở tay không kịp.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in dáng vẻ sợ hãi đến mức mặt cắt không còn giọt máu nào khi cô quay lại nhìn tôi.
Tôi để cô lựa chọn – tôi nói với Nam Huyền hoặc cô tự làm điều đó.

Phương Lạc Tô chọn cách thứ hai.

Nhưng hai tuần đã trôi qua và cô vẫn không có bất cứ hành động nào.

Tôi không chắc là liệu cô ấy đang cố kéo dài thời gian, hay thật sự khó mở lời với Nam Huyền, hoặc là cả hai chăng.

“Anh cho tôi thêm thời gian.” Giọng Phương Lạc Tô trong điện thoại hơi nghẹn ngào: “Chuyện này thật sự rất khó mở lời.

Tôi yêu Nam Huyền, tôi không muốn thấy anh ấy đau khổ…”
Tôi cắt ngang: “Tôi cho cô thêm một tuần.”
Nếu là trước kia, mỗi lần nghe cô mùi mẫn tình cảm là tôi lại cảm thấy mừng thay cho hai người họ, nhưng hiện giờ tôi chỉ còn cảm thấy mỉa mai làm sao, khó nghe làm sao.
Phương Lạc Tô không nói nữa, đáp một cách yếu ớt: “Tôi biết rồi.”
Bản chất con người là hèn nhát, chỉ một sơ sảy cũng khiến con người ta phạm sai lầm.

Bất kỳ sai lầm nào cũng như một nốt nhạc bị đánh sai, phá hỏng cả một bản nhạc “cuộc đời”.
Ngay từ khi sinh ra, mỗi chúng ta đều phải thận trọng trong mọi lựa chọn của cuộc đời.

Mẹ tôi đã dạy thế ngay từ khi tôi còn nhỏ, mà ví dụ tiêu cực đem ra làm dẫn chứng cũng hết sức thuyết phục – cha tôi, Quý Học Quang.
Năm tôi tám tuổi, cha tôi cặp bồ khi mẹ tôi mang thai lần thứ hai, ông thường giả vờ làm thêm giờ để đi gặp người tình.

Mẹ tôi bụng mang dạ chửa đợi chờ ông mỗi đêm khuya khoắt, hầm nhiều món bổ dưỡng vì lo lắng ông làm lụng vất vả nuôi cả nhà.
Chắc vì bổ quá mà ngày vui ngắn chẳng tày gang, ông bị trời phạt, hăng quá chết trên giường với tình nhân.
Thật là hoang đường làm sao, hổ thẹn biết nhường nào.
Mẹ tôi chẳng thèm làm lễ tang cho ông, bà đưa đi thiêu rồi đổ hết tro cốt xuống biển.
Từ đó, mẹ tôi bắt đầu tin vào tôn giáo, suốt ngày ra rả về nhân quả tuần hoàn, và dần cực đoan trong việc giáo dục anh em tôi.

Bà nghiêm khắc đến khắc nghiệt, không cho phép chúng tôi phạm phải bất kỳ sai lầm nào, như thể làm vậy để loại bỏ thứ gen ‘đê hèn’ trong xương cốt của chúng tôi.
Tôi không tin vào tôn giáo đó của bà, nhưng bao năm bị bà nhắc bên tai nên tư tưởng cũng bị đồng hóa ít nhiều, cái khác thì tôi không tin nhưng ‘quả báo’ thì vẫn có.

Mọi sai trái đều sẽ nhận lấy quả báo, sớm hay muộn mà thôi.
℘℘℘℘℘℘
Đúng sáu giờ tối, tôi mặc đồ biểu diễn và ôm cây đàn cello đến bến tàu.
Khi tôi tới, Phương Lạc Tô đã có mặt và đang trò chuyện với những người khác ở bến tàu.

Vừa trông thấy tôi, cô chủ động đến gần và tự nhiên giới thiệu tôi với các thành viên khác của dàn giao hưởng mới được lập lâm thời.

Tôi bắt tay từng người một và giới thiệu đơn giản về bản thân, rất nhanh sau đó, nhân viên chịu trách nhiệm việc đưa đón chúng tôi đã lái du thuyền tới.
Mặc dù tất cả họ đều diện sơ mi quần tây chỉnh tề nhưng những hình xăm cỡ lớn trên cổ và cánh tay, cùng với những chiếc khuyên đinh trên mày, môi hay mũi đều cho thấy sự bất thường của những người này.
“Đã đủ người chưa? Đủ rồi thì đi thôi đừng để lỡ thời gian nữa.” Tay thuyền viên trẻ tuổi bất thường đang kiểm đếm nhân số, khi xác nhận mọi người đã đông đủ thì họ đưa chúng tôi lên chiếc du thuyền màu trắng đậu ngay đó.
Bên trong con tàu rộng rãi là những đồ nội thất xa hoa đắt đỏ, khi nó lướt băng băng trên mặt biển, gần như không có một chút cảm giác chao đảo nào, cũng như không hề có mùi dầu diesel khó chịu.
“Hôm nay mình đến “Đảo Sư Vương” trong truyền thuyết thật đấy à? Không biết có mấy cảnh kinh điển nào kiểu ép gái mại dâm, buôn bán vũ khí hay thua bạc chặt tay không nhỉ?” Cô gái ôm cây đàn violon nheo mắt nhìn cánh cửa thuyền đóng chặt, thì thầm với Phương Lạc Tô.
“Cậu lậm phim quá rồi đấy, làm gì đến mức vậy.” Phương Lạc Tô cười nói: “Trên đảo có sòng bạc, nhưng nằm ở phía đông cơ, hôm nay chúng ta không đến đó.

Người nhà họ Kim sinh sống trong lâu đài cổ ở phía khác, tớ đến mấy lần rồi, không giết người phóng hỏa hay mấy vụ án ly kỳ nào cả đâu.

Giống những người giàu có bình thường thôi.”
“Người giàu có bình thường đâu có nhiều thuộc hạ như vậy…” Cô gái liếc mắt ám chỉ về phía đầu tàu.
Nhà họ Kim?
Tôi ngừng việc lau kính mắt lại rồi hỏi: “Bữa tiệc tối nay là của nhà họ Kim đằng sau tập đoàn Hợp Liên tổ chức ấy hả?”
Tuy không phải người gốc Sùng Hải nhưng tôi được nghe nhiều về danh tiếng của nhà họ Kim từ lâu, Nam Huyền rất thích chia sẻ cho chúng tôi những bí mật về gia đình họ Kim mà cậu ấy hóng hớt được.
Kim gia Sùng Hải, ngoài sáng sở hữu và vận hành sòng bạc được niêm yết lớn nhất Sùng Hải – tổ hợp giải trí Hợp Liên, ngoài ra thì có nhiều tin đồn cho rằng họ cấu kết với các chính khách, thực hiện nhiều phi vụ tiền bẩn và dựng nên một đế chế xa hoa trụy lạc tại một hòn đảo nhỏ cách xa Sùng Hải, đục khoét đất nước này như loài mối mọt gặm nhấm bên trong thân gỗ.

Đối với những người dân thường ở Sùng Hải, nhà họ Kim đồng nghĩa với “cái ác”, đến cả những kẻ theo chân họ cũng bị gán cái mác “chó săn” cay nghiệt.
“Yên tâm, không sao đâu, hôm nay là tiệc sinh nhật của Kim phu nhân, nhiều tai to mặt lớn cũng xuất hiện nên chẳng nguy hiểm gì đâu.” Phương Lạc Tô động viên khi trông thấy vẻ lo lắng của tôi.
Kể từ khi biết cô đã vượt quá giới hạn với quản lý Tân thì tôi luôn nửa tin nửa ngờ mọi lời cô nói, cộng thêm việc mắt phải tôi nháy liên hồi từ lúc lên thuyền làm tôi chả tài nào an tâm nổi dù cô có thề thốt cỡ nào đi chăng nữa.
May mắn là cuối cùng con tàu cũng cập bờ thuận lợi, sau khi kiểm tra an ninh nghiêm ngặt thì đoàn chúng tôi cũng đến được sảnh tiệc của tòa nhà.
Sau khi tập dượt hai lần, bữa tiệc được tổ chức vào đúng tám giờ, trông vị khách nào cũng lịch thiệp và… bình thường, giống như những quý ông quý bà đến rạp nghe nhạc, khó mà nhận ra họ là những nhân vật tai to mặt lớn có thể gây xáo trộn mọi mặt trận với chỉ một cái búng tay.
So với những buổi trình diễn tại nhà hát thì ở đây chỉ có tác dụng làm nhạc nền, không có mấy ai chăm chú nghe cả, đâm ra tôi cũng mất tập trung đôi chút và bắt đầu tò mò nhìn ngó xung quanh.
Buổi tiệc của nhà họ Kim được tổ chức trong lâu đài.

Nghe nói tòa lâu đài cổ này đã có đến trăm năm lịch sử, cụ thể là từ thời đại nào, vị vua nào để lại thì tôi cũng không để ý lắm, chỉ nhớ mỗi câu mà nhân viên dẫn đường nói: “Cho đến nay, lâu đài vẫn còn giữ nguyên hình dáng ban đầu, bao gồm cả ngục giam…”
Hầm giam thì chưa có cơ hội được đi xem, nhưng qua sảnh tiệc có thể nhận ra là mọi thứ được bảo tồn khá nguyên vẹn, thậm chí còn có thể thấy được cuộc sống xa hoa của vua chúa thời xưa qua cách bài trí lộng lẫy tráng lệ này.
Phòng tiệc kéo dài với một bên trải dài những ô cửa sổ mái vòm cổ điển sát đất cỡ lớn, bên còn lại được đặt đầy những tấm gương có hình dáng cửa sổ vòm, trần nhà được ốp đồng để phản chiếu hình ảnh rõ nét.

Như thế, khi mọi chiếc đèn chùm được bật lên, ánh sáng từ pha lê sẽ hắt lên đồng và gương khiến toàn bộ sảnh tiệc sáng bừng, lung linh và lộng lẫy như một cung điện pha lê.
Khi tôi còn đang thán phục về độ sang trọng và tinh tế của sảnh tiệc thì cánh cửa lớn ở lối vào nặng nề mở ra lần nữa.
Ánh mắt của tất cả mọi người bất giác đổ dồn về đó, ngay sau khi nhận ra người đến, nhiều vị khách đã bắt đầu nâng ly đi về phía họ.
Có vẻ nhân vật chính của đêm nay đã xuất hiện.
Sân khấu biểu diễn cao hơn mặt đất nên tôi dễ dàng trông thấy chuyện gì đang diễn ra ở lối vào.
Dẫn đầu hẳn là vợ chồng họ Kim, ông chồng có vẻ ngoài lịch thiệp, tri thức, tuy đã ngoài năm mươi nhưng khuôn mặt không hiện rõ tuổi tác lắm; bà vợ có mái tóc xoăn dài, trông trẻ hơn ông chồng, chỉ bốn mươi là cùng, rất đẹp nữa.
Theo sau là một thanh niên ngoài hai mươi, ngoại hình đẹp trai nhờ nhặt hết ưu điểm của ông bà Kim, chẳng qua là mặt mày cau có thiếu kiên nhẫn, có vẻ là người khó gần.

Cậu ta dắt tay một đứa bé bầu bĩnh tầm bảy, tám tuổi, khuôn mặt nhang nhác nhau, hẳn là em trai của cậu ta.
Tôi nhớ Nam Huyền từng kể, nhà họ Kim có hai cậu quý tử, cậu lớn thì tôi quên mất tên rồi, chỉ nhớ cậu nhỏ có tên rất đáng yêu, là Kim Nguyên Bảo.

(Thỏi vàng ròng)
Theo sau là hai người đàn ông, một người đeo khuyên bạc ở đuôi mày với quả đầu trọc lóc, người còn lại…
Người còn lại… cao to, mặt mày nghiêm nghị, so với quần áo chỉnh tề của người bên cạnh, thì anh ta chỉ mặc độc chiếc áo ba lỗ bên trong bộ vest, trông hơi côn đồ.

Mái tóc cạo cụt lủn, nom vừa cứng vừa gai tay, tính tình có vẻ không phải tốt lành gì.
Anh ta quan sát xung quanh xong thì nhanh chóng lui ra ngoài, lông mày luôn chau lại như không thích chốn quá đông người.
Thấy anh khuất dần sau cánh cửa, tôi vội vàng đứng bật dậy, bất chấp việc mình còn đang biểu diễn, tôi muốn đuổi theo anh ta.

Song chẳng để tôi kịp đứng hẳn lên, cơn đau đầu dữ dội vụt đến đã kéo tôi ngồi bệt xuống.
Sớm không phát muộn không phát, sao lại đau vào đúng lúc này cơ chứ?
Tôi ôm trán, đau đến mức toàn lòng bàn tay túa mồ hôi lạnh.
Từng mảnh kỷ ức lộn xộn hiện lên trước mặt tôi, cánh tay màu lúa mạch chín, các khớp xương nổi rõ, cơ bắp chắc nịch…
Và cả câu nói lạnh thấu xương: “Tôi không muốn gặp lại cậu nữa, Quý Ninh.”
Khuôn mặt vốn đã nhòe đi đang dần hiện rõ vì cuộc hội ngộ bất ngờ.
“… Ninh?”
“… Quý Ninh, anh không sao chứ?” Phương Lạc Tô nhận ra chuyện tôi khác thường, cô ngừng chơi và lại gần hỏi han.
Đầu óc tôi vẫn choáng váng, song cơn đau đầu thì đã qua đi: “Tôi không sao, tự dưng bị đau bụng.

Tôi vào toilet một lát rồi trở lại ngay.”
Đặt cây đàn xuống, chẳng đợi Phương Lạc Tô kịp phản ứng, tôi đứng phắt dậy lao về phía cửa ra vào của phòng tiệc..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương