Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Tu viện nữ tu sĩ Cácmel ở Bêtuyn.

Những kẻ phạm trọng tội thường mang trong mình một loại tiền định cho phép chúng vượt qua mọi hiểm nguy, cho tới khi Chúa cứu thế đã quá mệt mỏi liền đánh dấu cho tiêu ma cái vận mạng vô đạo của chúng.

Trường hợp Milady là như thế. Mụ đã lọt qua được tàu tuần dương của cả hai nước, và đến Bulônhơ bình yên vô sự.

Lên cảng Portsmouth, Milady là một phụ nữ Anh bị những sự bạo ngược ở Pháp xua đuổi khỏi Rochelle. Lên bờ Bulônhơ, sau hai ngày vượt biển, mụ lại biến thành một người đàn bà Pháp bị người anh ở Portsmouth vì mang mối hận thù chống lại nước Pháp quấy nhiễu.

Vả lại Milady có một thứ hộ chiếu có hiệu lực nhất, đó là sắc đẹp của mụ, dáng vẻ cao quý và sự hào phóng vung tiền của mụ.

Vượt qua những thủ tục thông thường bằng nụ cười đáng yêu và những cử chỉ lả lơi tình tứ, viên trấn thủ cảng còn hôn tay mụ, vì vậy mụ chỉ ở lại Bulônhơ đủ thời gian để bỏ vào bưu trạm bức thư như sau:

"Kính gửi Đức ông Giáo chủ De Richelieu, tại mặt trận La Rochelle.

Thưa Đức ông, xin Đức ông yên tâm, Quận công De Buckingham sẽ không đến nước Pháp được đâu.

Bulônhơ chiều 25.

Milady de…"

T.B. Theo ý muốn của Đức ông, tôi đang trở về tu viện Bêtuyn, và sẽ đợi lệnh ngài ở đấy.

Quả nhiên ngay chiều hôm đó, Milady lên đường. Đêm xuống. Mụ dừng lại và ngủ trong một quán trọ, rồi năm giờ sáng hôm sau, lại ra đi, sau ba tiếng đồng hồ, đến Bêtuyn.

Mụ hỏi thăm tu viện các nữ tu sĩ Cácmel, và vào ngay đó. Bà nhất ra gặp mụ. Milady đưa cho bà lệnh của Giáo chủ. Bà tu viện trưởng sai dọn cho mụ một phòng và bữa điểm tâm.

Mọi cái thuộc về quá khứ đã được xóa nhòa trước mắt người đàn bà đó, và mắt chăm chăm hướng về tương lai, mụ chỉ thấy cái vận mệnh cao sang mà Giáo chủ sẽ đành cho, chỉ thấy phục vụ Giáo chủ quá may mắn khiến tên ông không dính dáng gì vào toàn bộ cái vụ việc đẫm máu đó. Những đam mê luôn luôn mới mẻ làm mụ kiệt quệ sức lực, lại đem lại cho cuộc đời mụ cái vẻ bề ngoài của những đám mây bay trên trờl phản ánh lúc thì màu xanh biếc, lúc thì màu lửa đỏ, khi thì màu đen u ám của bão tố và chỉ để lại trên mặt đất những vết tích của tàn phá và chết chóc.

Sau bữa điểm tâm, bà tu viện trưởng tới thăm mụ. Ở nhà tu kín chẳng có mấy trò tiêu khiển, và bà nhất hiền lành phúc hậu đã vội đến làm quen với người khách trọ mới của mình.

Milady muốn làm bà tu viện trưởng vui lòng. Điều đó thật dễ đối với một người đàn bà thực sự thuộc tầng lớp trên như thế.

Mụ cố làm ra vẻ dễ thương. Mụ kiều diễm và quyến rũ bà nhất phúc hậu bằng những câu chuyện rất đa dạng và bằng những nét duyên dáng trên khắp người mình.

Nữ tu viện trưởng, một tiểu thư xuất thân từ gia đình quý tộc nên càng thích nghe những chuyện triều đình hiếm khi lan đến những nơi tận cùng của vương quốc và nhất là phải khó khăn lắm mới vượt qua được những bức tường của các tu viện, nơi những dư luận thế gian chỉ đến được ngưỡng cửa là đã thở hắt ra rồi.

Milady, trái lại, lại thông tỏ mọi mưu mô của giới quý tộc, mà mụ đã từng sống giữa những thủ đoạn đó năm sáu năm nay, bèn kể cho bà tu viện trưởng phúc hậu kia những thói tục thời lưu của triều đình Pháp, xen lẫn những cuồng nhiệt quá đáng của nhà Vua. Mụ liệt kê ra cái biên niên sử đầy bê bối của các vị vương hầu và các phu nhân trong triều đình, mà bà tu viện trưởng đều biết mặt biết tên, động nhẹ cả tới mối tình của Hoàng hậu và ông Bôtany, nói rất nhiều để moi người ta nói ra chút ít.

Nhưng bà tu viện trưởng chỉ biết nghe và mỉm cười, mà không đáp lại.

Tuy nhiên, vì Milady thấy bà có vẻ rất thích những loại chuyện ấy, liền tiếp tục. Có điều mụ dồn câu chuyện vào Giáo chủ.

Nhưng mụ rất lúng túng vì không biết bà nhất thuộc phe nhà Vua hay phe Giáo chủ, nên mụ phải giữ thái độ trung dung thận trọng. Nhưng bà nhất, về phía mình lại còn thận trọng hơn, chỉ biết kính cẩn cúi đầu mỗi khi nữ du khách nói đến tên của Giáo chủ.

Milady bắt đầu tin bà ta cũng rất phiền muộn phải sống trong tu viện. Mụ quyết định thử liều một chút là biết ngay phải như thế nào. Muốn biết sự kín đáo của bà tu viện trưởng phúc hậu này đến mức nào, mụ liền nói tới một điều xấu xa lúc đầu còn rất giấu giấu giếm giếm, về sau thì rõ rành rành của Giáo chủ, kể lại những mối tình của Thủ tướng Richelieu với các bà De Eghiông, Mariông đờ Lócmơ và một vài phụ nữ phong tình khác nữa.

Bà nhất nghe chăm chú hơn, dần dần có vẻ thích thú hơn và mỉm cười.

"Tốt, Milady nghĩ, bà ta có vẻ thích chuyện mình nói. Nếu bà ta thuộc phe Giáo chủ, ít nhất cũng không thuộc loại cuồng tín".

Thế là mụ liền chuyển sang những hành vi bạo ngược của Giáo chủ với kẻ thù của mình. Bà tu viện trưởng chỉ làm dấu thánh không tán thành cũng không phản đối.

Điều đó khiến Milady khẳng định bà ta thuộc phái nhà Vua hơn là phái Giáo chủ. Milady tiếp tục, mỗi lúc một thêm thắt vào.

- Tôi hoàn toàn mô tê mù tịt về tất cả những chuyện ấy - Cuối cùng bà nhất cũng nói - nhưng dù có ở cách xa triều đình đến mấy, có đặt ra ngoài những lợi ích của người đời trong vị trí của chúng tôi đến mấy thì những gì mà bà kể cho chúng tôi nghe cũng là những tấm gương rất đáng buồn và một trong số những khách trọ của chúng tôi đã từng đau khổ biết mấy trước những sự trả thù và ngược đãi của Giáo chủ.

- Một trong những khách trọ của bà ư - Milady nói - Ờ! Chúa ơi! Tội nghiệp người đàn bà đó. Tôi thấy thương cho cô ta.

- Và bà nói có lý đấy, bởi cô ấy rất đáng thương. Nhà tù, hăm dọa, đối xử tệ hại, cô ấy đau khổ mọi điều. Nhưng suy cho cùng - bà nhất nói tiếp - Giáo chủ có lẽ có những lý do khả dĩ tin cậy để hành động như thế, và cho dù cô ta có phong thái của một thiên thần, cũng không bao giờ nên đánh giá con người theo dáng vẻ bề ngoài.

"Tốt - Milady tự nhủ - ai biết đâu đấy! Có lẽ ta sắp phát hiện ra được điều gì ở đây, ta gặp may rồi".

Và mụ tạo cho mình một bộ mặt hoàn toàn ngây thơ.

- Ôi! - Milady nói - Tôi biết chứ. Người ta vẫn nói, mặt người dạ thú đấy thôi. Nhưng biết tin vào cái gì đây, nếu không tin vào cái công trình đẹp nhất của Thượng đế! Về phần tôi, có lẽ suốt đời tôi sẽ bị nhầm. Nhưng tôi sẽ luôn luôn tin vào người nào mà bộ mặt gợi cảm tình cho tôi.

Bà tu viện trưởng nói:

- Vậy thì bà sẽ tin là thiếu phụ ấy vô tội mất thôi.

- Ngài Giáo chủ không chỉ truy cứu các tội ác - Mụ nói - Có một số những đức hạnh ngài còn truy cứu nghiêm khắc hơn cả tội lỗi nữa đấy.

- Cho phép tôi, thưa bà được biểu lộ sự kinh ngạc của tôi đấy - Bà nhất nói.

- Và về điều gì? - Milady vờ ngây thơ hỏi.

- Ồ, về khẩu khí của bà ấy.

Milady mỉm cười hỏi.

- Bà thấy khẩu khí của tôi đáng ngạc nhiên ở chỗ nào?

- Bà là bạn của Giáo chủ, vì ông ấy phái bà đến đây, tuy nhiên…

- Tuy nhiên tôi lại nói xấu về ông ấy - Milady nói tiếp suy nghĩ của bà nhất.

- Ít nhất bà cũng chẳng nói tốt gì cho ngài.

- Đó là vì tôi không phải là bạn - Mụ vừa nói vừa thở dài - mà là nạn nhân của ông ấy.

- Tuy nhiên bức thư mà ngài trao cho bà gửi cho tôi thì sao đây?

- Là lệnh giữ tôi trong một loại nhà tù mà ông ấy sẽ cho tay chân đến lôi tôi ra.

- Nhưng tại sao bà không trốn?

- Trốn đi đâu được? Bà tưởng có một địa điểm nào trên trái đất này mà Giáo chủ không với tới được ư, nếu như ngài chịu khó ra tay? Nếu tôi là một người đàn ông, bần cùng lắm, còn có thê làm như thế, nhưng một người đàn bà như tôi, bà bảo phải làm gì? Cái cô khách trọ trẻ mà bà cho ở đây có ý định chạy trốn không?

- Không, đúng vậy, với cô ta, lại là chuyện khác, tôi tin rằng cô ấy ở lại Pháp là vì một mối tình nào đó.

Milady thở dài:

- Nếu cô ta yêu, cô ta đâu phải hoàn toàn bất hạnh.

- Như thế có nghĩa - bà tu viện trưởng vừa nói vừa nhìn Milady thêm thiện cảm - tôi lại gặp thêm một phụ nữ đáng thương bị ngược đãi ư?

- Than ôi, đúng như thế đấy bà ạ - Milady nói.

Bà tu viện trưởng nhìn Milady một lúc với vẻ lo lắng như thể có một ý nghĩ mới vừa nẩy ra trong óc bà.

- Bà không phải là kẻ thù của đức tin thần thánh của chúng tôi đấy chứ? - Bà nhất lúng túng hỏi.

- Tôi ư? - Milady kêu lên - Tôi mà Tin lành ư? Ồ, không đâu, xin chúa chứng giám và thấu hiểu cho tôi, trái lại, tôi còn là một tín đồ Cơ đốc giáo đầy nhiệt huyết.

- Thế thì - bà nhất mỉm cười nói - bà cứ yên tâm. Ngôi nhà mà bà đang ở đây sẽ không phải là một nhà tù quá khắc nghiệt, và chúng tôi sẽ làm tất những gì cần làm để bà yêu mến cảnh giam cầm này. Thêm nữa, bà sẽ gặp ở nơi đây thiếu phụ bị ngược đãi chắc hẳn do một âm mưu nào đó tiếp theo ở triều đình, cô ấy thật đáng yêu và duyên dáng.

- Bà gọi tên cô ta thế nào?

- Cô ấy được một vị nào đó quyền chức rất cao gửi gắm tới dưới cái tên là Ketty. Tôi cũng chẳng muốn biết tên khác của cô ấy là gì.

- Ketty? - Milady reo lên - Sao! Bà chắc như thế chứ? Rằng cô ấy được gọi tên như thế có phải không?

- Phải đấy. Ra bà cũng biết cô ấy?

Milady mỉm cười với chính mình và với ý nghĩ vừa chợt đến với mình là thiếu phụ đó có thể là thị tì cũ của mình. Kỷ niệm về cô gái này nối liền với kỷ niệm giận dữ, và một ý muốn trả thù đã làm Milady biến sắc, nhưng người đàn bà có tới trăm bộ mặt này trong khoảnh khắc đã lấy lại ngay vẻ bình thản và nhân ái.

- Khi nào tôi có thể gặp được người thiếu phụ, con người mà tôi đã cảm thấy ngay có rất nhiều cảm tình ấy? - Milady hỏi.

- Tối nay thôi - Bà tu viện trưởng nói - nội nhật hôm nay thôi. Nhưng bà vừa dong duổi bốn ngày trời, chính bà đã nói với tôi như thế, sáng nay bà lại dậy từ năm giờ bà cần phải nghỉ ngơi đã. Bà đi nằm rồi ngủ đi, đến giờ ăn trưa, chúng tôi sẽ đánh thức bà dậy.

Cho dù Milady rất có thể bỏ qua không cần ngủ nghê gì do cuộc phiêu lưu mới đã gây nên những kích thích cho con tim luôn thèm khát những âm mưu, mụ vẫn chấp nhận nhã ý của bà nhất. Từ mười hai đến mười lăm ngày nay mụ đã trải qua biết bao nhiêu những cảm xúc khác nhau đến nỗi nếu tấm thân gang thép của mụ còn có thể chịu đựng được sự mệt mỏi, thì tâm hồn mụ cũng cần phải nghỉ ngơi.

Mụ cáo từ bà nhất đi nằm và được êm ru trong những ý nghĩ trả thù dĩ nhiên là hướng tới cái tên Ketty. Mụ nhớ lại cái lời hứa hầu như vô giới hạn của giáo chủ nếu mụ thành công trong việc mưu sát. Mụ đã thành công, vậy D'Artagnan phải được để cho mụ xử.

Điều duy nhất làm mụ sợ hãi, đó là kỷ niệm về chồng mụ.

Đó là Bá tước de la Ferơ, mà mụ cứ tưởng đã chết hoặc ít nhất cũng đã đi biệt xứ, và bây giờ mụ lại gặp lại trong Athos, người bạn thân thiết nhất của D'Artagnan.

Cho nên, nếu đã là bạn của D'Artagnan, thì hắn phải sẵn sàng tham dự vào những thủ đoạn của gã mà nhờ thế Hoàng hậu đã phá vỡ được những mưu toan của Giáo chủ, nếu hắn đã là bạn của D'Artagnan thì hắn phải là kẻ thù của Giáo chủ và chắc chắn mụ sẽ chùm luôn cả hắn vào việc trả thù mà mụ vẫn hy vọng sẽ bóp chết chàng ngự lâm trẻ.

Tất cả những hy vọng đó đều là những ý nghĩ êm dịu đối với Milady, được ru bằng những ý nghĩ đó chẳng mấy chốc mụ đã ngủ thiếp đi.

Mụ được đánh thức bằng một giọng nói dịu dàng ngay phía cuối gường. Mụ mở mắt và thấy bà tu viện trưởng đi cùng một thiếu phụ tóc hoe vàng, da rất mịn, đang chăm chú nhìn mụ bằng con mắt tò mò đầy thiện ý.

Khuôn mặt thiếu phụ hoàn toàn xa lạ đối với mụ. Cả hai đều vừa chào hỏi xã giao nhau - vừa thận trọng dè dặt dò xét nhau.

Cả hai đều rất đẹp, nhưng hai sắc đẹp hoàn toàn khác biệt nhau. Tuy nhiên Milady mỉm cười nhận ra mình trội hơn nhiều về vẻ quyền quý và những kiểu cách quý tộc. Mà cũng đúng, áo quần của người mới xuất gia mà thiếu phụ đang mặc không có lợi lắm trong cuộc thi sắc này.

Bà tu viện trưởng giới thiệu hai người với nhau. Rồi khi mọi thủ tục đã xong, vì phải làm những bổn phận của mình ở giáo đường, bà để mặc hai thiếu phụ lại với nhau.

Người phụ nữ mới xuất gia thấy Milady vẫn nằm, định đi theo bà nhất, nhưng Milady giữ lại.

- Sao vậy thưa bà, - mụ nói với nàng - tôi vừa mới được thấy bà, mà bà đã định tước mất của tôi niềm hân hạnh được tiếp kiến bà ư. Xin thú thực với bà, tôi vẫn mong có được điều đó trong thời gian phải lưu lại ở đây.

- Không, thưa bà - người mới xuất gia trả lời - có điều tôi e đã đến không đúng lúc: bà còn đang ngủ và còn mệt.

- Thế à? - Milady nói - Người đang ngủ có thể đòi hỏi điều gì nào? Đó là được tỉnh giấc khoan khoái. Bà đã làm cho tôi được tỉnh giấc như thế đấy. Bà hãy cho tôi được thoải mái hưởng cái thú khoan khoái đó.

- Và cầm lấy tay nàng, kéo đến ngồi trên chiếc ghế bành cạnh giường ngủ của mình.

Thiếu phụ ngồi xuống.

- Lạy Chúa! - Nàng nói - sao mà tôi khốn khổ đến thế! Thế là đã sáu tháng tôi ở đây, không một chút bóng dáng thú vui, bà đến đây, sự hiện diện của bà làm tôi sắp có được một người bạn yêu kiều, ấy thế mà, rất có thể, chưa biết lúc nào, tôi sắp rời khỏi tu viện.

- Sao thế? - Milady nói - bà sắp ra khỏi đây ư?

- Ít ra tôi cũng mong như thế - Nàng vừa nói vừa biểu lộ một niềm vui chẳng hề tìm cách ngụy trang.

- Tôi tin là mình đã được biết bà đã từng đau khổ vì Giáo chủ - Milady tiếp tục - cái đó cũng lại thêm một lý do để chúng ta có sự thông cảm với nhau.

- Điều mà mẹ nhất của chúng ta nói với tôi vậy cũng là sự thật nghĩa là bà cũng là nạn nhân của lão thầy tu độc ác đó sao?

- Suỵt! - Milady nói - ngay ở đây, chúng ta cũng đừng nói ông ta như thế. Mọi nỗi bất hạnh của tôi chính cũng xuất phát từ chỗ đi nói gần như bà vừa nói với tôi ấy trước một người đàn bà tôi vẫn coi là bạn, ai ngờ đã phản bội tôi. Và chắc bà cũng vậy, bà cũng là nạn nhân của một sự phản bội?

- Không - thiếu phụ đáp - mà là sự tận tâm của tôi, tận tâm với một người đàn bà mà tôi yêu, với bà, tôi đã cống hiến cả đời mình và với bà, tôi sẽ còn cống hiến thêm nữa.

- Và người đó đã bỏ rơi bà, thế chứ gì?

- Tôi đã từng khá bất công để tin như thế, nhưng từ hai ba hôm nay tôi đã thu được bằng chứng ngược lại và tôi đã cảm ơn Chúa về điều đó.

- Tôi đáng bị trả giá về việc đi tin rằng bà đã quên tôi. Nhưng bà, thưa bà - thiếu phụ tiếp tục - tôi thấy hình như bà được tự do và nếu như bà định trốn, có điều gì ngăn cấm bà đâu.

- Bà muốn tôi trốn đi đâu, không bạn bè, không tiền bạc, đến một miền của nước Pháp mà tôi không hay biết và chưa bao giờ đặt chân tới ư?

- Ồ! - Thiếu phụ kêu lên - về chuyện bạn bè thì ở đâu bà chẳng có khi bà tỏ ra hiền hậu, và trông bà lại đẹp đến thế kia!

Milady vừa nói vừa nặn ra một nụ cười dịu dàng hơn cho có vẻ thiên thần:

- Điều đó cũng không tránh cho tôi khỏi bị đơn độc và bị ngược đãi.

- Bà hãy nghe tôi - thiếu phụ nói - cần phải hy vọng vào trời. Làm điều tốt rồi thế nào cũng có lúc Chúa thấu hiểu, mà có thể đây cũng là dịp may của bà chăng, tuy tôi hèn mọn và không thần thế gì, nhưng bà đã gặp tôi, nếu tôi ra khỏi đây, lúc đó, tôi sẽ có mấy người bạn khá mạnh sau khi đã tiến hành vận động cho tôi, cũng có thể vận động cho bà.

- Ồ, khi tôi nói rằng tôi đơn độc - Milady nói về bản thân mình, hy vọng người nữ tu mới xuất gia cũng phải bật ra về cô ta - không phải tôi không có một số chỗ quen biết rất cao, nhưng ngay chính họ cũng run sợ trước Giáo chủ. Kể cả Hoàng hậu nữa cũng không dám chống lại vị thủ tướng khủng khiếp ấy cơ mà.

- Tôi có bằng chứng Hoàng hậu mặc dầu có tấm lòng nhân hậu tuyệt vời đã mấy lần phải để mặc cho Giáo chủ trút giận dữ lên những người đã phục vụ mình.

- Thưa bà, xin hãy tin tôi, Hoàng hậu có thể làm ra vẻ bỏ rơi những con người đó, nhưng ta không nên tin ở bề ngoài, họ càng bị ngược đãi bà càng nghĩ đến họ, và thường thường đúng lúc họ trông chờ ở bà ít nhất, họ lại có được bằng chứng về việc bà rất nhớ đến họ.

- Ôi! - Milady nói - Tôi tin chứ. Hoàng hậu thật quá tất.

- Ồ? Thế ra bà cũng quen biết Hoàng hậu ư? - Thiếu phụ cuồng nhiệt reo lên - Hoàng hậu kiều diễm và cao quý, bà cũng nói về Hoàng hậu như thế ư?

- Nghĩa là - Milady bị đẩy vào thế phòng thủ nói - về cá nhân tôi, tôi không có được cái vinh dự quen biết Hoàng hậu, nhưng tôi quen biết khá nhiều bạn bè thân thiết của bà. Tôi quen ông De Puytănggiơ này, tôi quen ở anh ông Đuyja. Tôi quen ông De Treville.

- Ông De Treville? - Thiếu phụ reo lên - Bà quen cả ông De Treville?

- Vâng, hoàn toàn, nhiều nữa ấy chứ.

- Đại úy ngự lâm quân của nhà Vua?

- Đúng, đại úy ngự lâm quân của nhà vua.

- Ồ, vậy thì rồi bà sẽ thấy - thiếu phụ vẫn reo lên - Vừa mới quen biết nhau xong mà hầu như đã là bạn của nhau rồi. Nếu bà quen biết ông De Treville, chắc bà đã đến nhà ông ấy?

- Luôn luôn? - Milady nói vậy, vì đã trót rồi, lại thấy nói dối cũng có kết quả nên định nói dối đến cùng.

- Tại chỗ ông ấy, chắc bà phải gặp một vài lính ngự lâm của ông ấy?

- Gặp tất cả những người mà ông ấy tiếp thường xuyên? - Milady trả lời, vì thấy câu chuyện xoay ra có lợi.

- Bà thử kể tên một vài người bà quen biết xem sao nào, và bà sẽ thấy họ cũng thuộc trong số người bạn của tôi.

- Nhưng - Milady lúng túng nói - Tôi quen ông De Xuvinhi, ông De Cuốctivrông, ông De Fréjusxắc.

Thiếu phụ để cho mụ nói, rồi thấy mụ dừng lại nàng hỏi:

- Thế bà không quen một nhà quý tộc tên là Athos ư?

Milady mặt xám ngoét đi như màu thảm trải giường mụ nằm, và dù đã rất tự chủ, không tránh khỏi vừa thốt ra một tiếng kêu, vừa nắm lấy tay người đang trò chuyện với mình, vừa nhìn như muốn nuốt sống người ta.

- Sao? Bà sao vậy? Ôi, lạy Chúa - Người phụ nữ đáng thương hỏi - tôi đã nói điều gì xúc phạm đến bà ư?

- Không, nhưng cái tên đó đã tác động mạnh đến tôi, bởi vì tôi, tôi cũng quen biết nhà quý tộc đó, nhưng tôi lấy làm lạ khi thấy có người lại quen biết ông ta nhiều đến thế.

- Ồ, đúng! Nhiều! Rất nhiều! Không những ông ấy mà còn cả các bạn ông ấy nữa: các ông Porthos và Aramis?

- Thật ra, tôi cũng quen cả mấy ông này! - Milady nói mà cảm thấy lạnh thấu tim.

- Thế thì… Nếu bà đã quen biết họ, hẳn bà phải biết họ là những người bạn tất và trung thực, và sao bà không ngỏ ý với họ, nếu bà cần chỗ dựa?

- Nghĩa là - Milady ấp úng - tôi không thực sự kết giao với bất kỳ ai trong số họ. Tôi biết họ vì được một người bạn họ, ông D'Artagnan, đã nói rất nhiều về họ thôi.

- Vậy bà quen ông D'Artagnan? - Đến lượt thiếu phụ nói như thét lên. Nắm lấy tay Milady với đôi mắt ngốn ngấu. Rồi nhận thấy biểu hiện lạ lùng trong con mắt của Milady:

- Xin lỗi bà, bà quen ông ấy với danh nghĩa gì?

- Ồ - Milady bối rối - Ồ, danh nghĩa bạn bè thôi.

- Bà lừa tôi, thưa bà -người nữ tu mới nói - bà từng là người tình của ông ấy.

- Chính bà mới từng là người tình của ông ấy - Đến lượt Milady hét lên.

- Tôi ư? - Thiếu phụ nói.

- Phải, bà, bây giờ thì tôi biết bà rồi: bà là bà Bonacieux.

Thiếu phụ lùi lại hết sức kinh ngạc và hoảng sợ.

- Ồ! Đừng chối nữa! Trả lời đi! - Milady tiếp - Được! Thì đúng đấy? - Thiếu phụ nói - Chúng ta là tình địch của nhau?

Mắt Milady tóe lên ngọn lửa hết sức hoang dại mà trong mọi trường hợp khác bà Bonacieux đã vội chạy trốn vì hoảng sợ, nhưng mà nàng cũng đang hoàn toàn lên cơn ghen.

- Nào, bà nói đi - Bà Bonacieux nói với một nghị lực mà người ta không thể ngờ tới - bà từng là hay đang là người tình của ông ấy?

- Ồ, không! - Milady hét lên bằng một giọng không thể ngờ được về sự chân thực - Không bao giờ! Không bao giờ!

- Tôi tin bà, bà Bonacieux! Nhưng tại sao bà cũng thét lên như thế?

- Sao, bà không hiểu ư? - Milady lúc này đã bình tĩnh trở lại và lại ứng phó nhanh như trước, mụ hỏi vậy.

- Bà muốn tôi phải hiểu thế nào đây? Tôi chẳng biết gì cả.

- Thế là bà không hiểu ông D'Artagnan là bạn của tôi, và ông ấy coi tôi là bạn tâm tình ư?

- Thật thế sao?

- Bà không hiểu là tôi biết hết ư. Từ việc bắt cóc bà tại ngôi nhà nhỏ ở Saint-Germain, sự thất vọng của ông ấy, của các bạn ông ấy, đến những việc tìm kiếm vô ích của họ từ khi ấy? Và làm sao tôi lại không ngạc nhiên được, khi mà tôi đinh ninh mình đang ở trước mặt bà, người mà chúng tôi thường cùng nhau nói đến, người mà ông ấy làm cho tôi phải yêu trước cả khi tôi được gặp bà? Ôi! Constance thân mến, thế là tôi đã tìm được bà, cuối cùng thì tôi cũng đã gặp bà!

Và Milady dang hai cánh tay ra cho bà Bonacieux đã bị thuyết phục bởi những gì mụ vừa nói, và chỉ còn thấy người đàn bà mà mới chỉ một phút trước đây nàng còn tưởng là tình địch ấy, một người bạn thật thà và hết lòng với mình.

- Ồi, thứ lỗi cho em? Thứ lỗi cho em? - Nàng vừa kêu lên vừa ngả người vào vai Milady - Em yêu chị biết mấy!

Hai người ôm lấy nhau trong giây lát. Chắc hẳn, nếu sức lực của Milady có thể lên cao ngang với nỗi căm hận của mụ thì ôm nhau xong bà Bonacieux đã chết ngạt rồi. Nhưng vì không bóp chết ngạt được, mụ cười với nàng.

- Ôi người đẹp thân mến? Cô bé hiền hậu thân mến! - Milady nói - Được gặp cô tôi sung sướng biết mấy! Nào để tôi nhìn cô nào! - Và vừa nói ra những câu ấy, mụ vừa hau háu nhìn nàng - Phải, đúng là cô rồi! Chà! Theo như lời ông ấy đã nói với tôi, lúc này tôi nhận ra cô rồi, tôi hoàn toàn nhận ra cô.

Người phụ nữ tội nghiệp không thể ngờ tới những gì đang diễn ra vô cùng ghê rợn và hung dữ đằng sau cái chiến lũy là vầng trán trong trắng là đôi mắt sáng long lanh đến thế làm cho nàng chỉ thấy thích thú và cảm tình.

- Thế thì chị cũng biết em đã từng đau khổ thể nào - Bà Bonacieux nói - một khi chàng đã nói với chị những gì chàng đau khổ, thì đau khổ vì chàng, chính lại là hạnh phúc.

Milady lắp lại một cách máy móc vì đang nghĩ đến điều khác:

- Phải, chính lại là hạnh phúc.

- Và rồi, - Bà Bonacieux tiếp tục - nỗi thống khổ của tôi cũng đến hồi kết thúc rồi, ngày mai, có lẽ ngay tối nay cũng nên, tôi sẽ gặp lại chàng và thế là quá khứ sẽ không tồn tại nữa.

- Tối nay ư? Ngày mai ư? - Nghe những lời nói ấy Milady như hết mơ màng, thét lên - cô muốn nói sao? Cô đang đợi tin tức của ông ấy à?

- Tôi đợi chính bản thân chàng.

- Chính chàng! D'Artagnan, ở đây ư?

- Chính chàng.

- Nhưng, không thể thế được? Ông ấy đang cùng với Giáo chủ vây thành La Rochelle kia mà? Ông ấy sẽ chỉ trở về sau khi chiếm được thành?

- Chị cứ tưởng thế đấy thôi chứ làm gì có cái gì lại không có thể với chàng D'Artagnan của em, con người quý tộc trung thực và cao quý ấy.

- Ồ, tôi không thể tin nổi cô đâu?

- Vậy thì, chị đọc đi!

Trong lúc quá vui mừng và kiêu hãnh, người phụ nữ trẻ khốn khổ chìa ngay một bức thư cho Milady.

"Nét chữ của bà De Chevreuse rồi! - Milady tự nhủ - chà, mình vẫn tin chắc chúng thông đồng với nhau về chuyện này mà?".

Và mụ đọc ngốn ngấu mấy dòng chữ đó:

"Em yêu quý, em hãy chuẩn bị sẵn sàng, người bạn của chúng ta sắp tới gặp em rồi, và chàng đến gặp em là chỉ để kéo em ra khỏi cảnh giam cầm mà vì sự an toàn của em buộc phải giấu em ở đấy Vậy em hãy chuẩn bị lên đường và đừng bao giờ thất vọng về bọn ta.

Chàng Gátxông đáng yêu của chúng ta đến để tỏ ra là vẫn luôn can trường và trung thành như mọi khi, em hãy nói với chàng là người ta rất biết ơn chàng về thông báo chàng đã đưa ra".

- Phải, phải, - Milady nói - Phải, bức thư rất rõ ràng. Cô có biết thông báo đó là về cái gì không?

- Không, em chỉ ngờ rằng chàng đã báo cho Hoàng hậu về một âm mưu mới nào đấy của Giáo chủ.

- Phải, chắc là như thế! - Milady vừa nói vừa trả lại bức thư cho bà Bonacieux rồi gục đầu xuống trầm ngâm.

Đúng lúc ấy có tiếng vó ngựa.

- Ồ! Bà Bonacieux vừa reo lên vừa lao ra cửa sổ - Chàng đã đến rồi ư?

Milady vẫn đang ở trong giường, đờ người ra vì kinh ngạc.

Bao nhiêu chuyện bất ngờ bỗng đến với mụ, và lần này thì mụ thật sự hoang mang. Mụ lẩm bẩm:

- Hắn! Hắn ư? Thật hắn ư?

Nhưng mụ vẫn ở lì trên giường, mắt chăm chăm.

- Ôi! Không phải - Bà Bonacieux nói - Đó là một người đàn ông, em không quen biết, có vẻ như đang đến đây. Đúng, ông ta cho ngựa chạy chậm lại, dừng ở trước cửa và giật chuông.

Milady nhảy ngay ra khỏi giường và hỏi:

- Cô có thật tin chắc không phải chàng không?

- Ồ, vâng, chắc quá đi chứ?

- Cô nhìn nhầm chăng?

- Ồ, em chỉ thấy lông cài mũ và vạt áo chàng là em đã nhận được ngay ra chàng mà.

Milady vẫn cứ mặc quần áo vào.

- Không sao! Cô bảo người đàn ông đó đến đây?

- Phải, ông ta đã vào rồi.

- Thế thì hoặc để gặp cô hoặc để gặp tôi.

- Ôi, Chúa ơi! Sao trông chị có vẻ bồn chồn thế

- Đúng, tôi xin thú thực, tôi không có được lòng tin như cô, tôi sợ Giáo chủ đủ thứ.

- Suỵt! - Bà Bonacieux - họ tới đấy!

Quả nhiên, cửa mở và bà nhất bước vào hỏi Milady:

- Có phải bà từ Bulônhơ đến không?

- Vâng, chính tôi - Mụ trả lời, cố giữ bình tĩnh -Ai hỏi tôi ư?

- Một người không muốn nói tên ra, nhưng là người do Giáo chủ phái đến.

- Và muốn nói chuyện với tôi?

- Muốn nói chuyện với một bà từ Bulônhơ đến.

- Thế thì tôi xin bà, bà để ông ấy vào đi.

- Ôi lạy Chúa! Lạy Chúa! - Bà Bonacieux nói - Hay là lại có một tin dữ nào ư?

- Tôi sợ là như thế.

- Vậy em để chị gặp người lạ mặt đó, nhưng ngay khi người ấy đi khỏi, nếu chị cho phép, em sẽ trở lại.

- Sao lại không chứ! Tôi mong cô đến đấy.

Milady còn lại một mình, mắt chăm chăm nhìn ra cửa, một lát sau, có tiếng đinh thúc ngựa vang lên trên cầu thang rồi tiếng bước chân lại gần, cửa mở, và một người đàn ông hiện ra.

Milady reo lên mừng rỡ, người đàn ông đó chính là Bá tước De Rochefort, linh hồn tội lỗi của Giáo chủ.

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Dịch giả: Nguyễn Bản

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương