Ông Thạch nhìn chằm chằm Văn, bản thân đã đúng khi đoán chàng trai ấy tìm đến tận con hẻm sâu hút này là vì muốn hỏi mình về quá khứ của Du. Hiển nhiên ông không thích thế, chẳng ai lại thích cái việc đi nói cho người ngoài nghe chuyện lục đục của gia đình. Về phần Văn, anh nhanh chóng phát hiện ra sự khó chịu vụt qua tia nhìn kia. Trước đó đã chuẩn bị sẵn cho tình huống này, Văn bảo:

- Chú à, Du đang viết nhật kí điều trị tâm lí và cháu là người đọc nó. Ban đầu cháu nghĩ Du thật tàn nhẫn khi ra tay giết người nhưng dần dần cháu nhận thấy cô ấy không phải người xấu. Nỗi sợ hãi, đau đớn, dằn vặt lẫn khổ sở mà Du giãi bày trong nhật kí đủ chứng tỏ cô ấy không cố ý giết người. Và cháu muốn giúp Du. Cháu cần biết chuyện gì đã xảy ra để khuyên Du nói rõ với luật sư.

Nghe từng lời chân thành của Văn, vẻ khó chịu dần biến mất trên mặt ông Thạch. Ông không ngờ con gái lại đang chịu đựng sự giày vò cùng cực đến vậy, bản thân cũng rất muốn giúp con thế nhưng có những điều người ta chưa dám nói ra, vì chưa đủ can đảm. Bởi, chính ông cũng mang một phần lỗi khi đẩy Du đến bước đường cùng hôm nay, điều mà có lẽ Văn chẳng bao giờ biết được.

- Tôi hiểu tấm lòng của bác sĩ, chỉ là chuyện của con Du quả thật tôi không rõ gì mấy. Tôi có thể nói về mối mâu thuẫn giữa con Du với vợ tôi, bà Nhuệ. Lúc tôi lấy bà ấy về, con Du vẫn bình thường, không thương không ghét. Nhưng một thời gian sau nó lại tỏ ra không thích, vì bà Nhuệ độc đoán và mê đánh đề, thỉnh thoảng còn cờ bạc. Gia đình vốn khó khăn, bà ấy thường xuyên lấy tiền đi nên con Du mới phản đối gay gắt.

Thêm phần bà ấy chẳng yêu thương gì nó... Bác sĩ cũng biết cái câu: Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng. Lúc ấy tôi biết rõ nhưng chẳng mấy để tâm vì nghĩ đó là chuyện thường tình giữa mẹ kế con chồng. Nào ngờ đến một ngày... con Du bỏ nhà đi biệt tích. Mãi bốn năm sau tôi mới tìm thấy nó ở một phòng trọ rất xa.

- Mối mâu thuẫn giữa họ đơn thuần chỉ xoay quanh tiền bạc ư?

Trông cái gật đầu gượng gạo của ông Thạch, Văn có chút hồ nghi. Chỉ vì thế thôi mà khiến Du giết bà Nhuệ thì thật vô lí. Đối với một người bình thường khi bị dồn đến mức phải giết người thì lí do ấy phải lớn thế nào. Rõ ràng người cha này còn che giấu điều gì.

- Vậy lúc tìm được Du, chú có gặp cha của bé Oanh?

- Không... Tôi không gặp ai ngoài hai mẹ con nó.

Văn để ý mỗi lần nghe nhắc đến cha của Oanh là ông Thạch có chút biến sắc. Giống hệt Du. Phản ứng đều đổi khác. Lúc này thì Văn lại có thêm suy đoán, sự ra đời của Hoàng Oanh mang một ẩn tình sâu xa. Cha của đứa trẻ này là người thế nào, có mối quan hệ gì với gia đình ông Thạch không?

- Tôi đã nói hết những gì tôi biết cho bác sĩ nghe, phần còn lại có lẽ bác sĩ nên hỏi con Du sẽ tốt hơn.

Văn hiểu việc tìm kiếm sự thật nơi ông Thạch đã thất bại lần nữa. Bây giờ có tiếp tục gặn hỏi thì chỉ tốn công vô ích nên Văn gật đầu, như thể mình đã chấp nhận những lời kể vừa rồi là tất cả sự thật. Ông Thạch nhẹ cả người, liền đứng dậy nói mình đi gọt ít trái cây. Văn chưa kịp từ chối là ông đã rời đi rất nhanh. Văn thở ra, khoanh tay trầm tư. Chợt, anh thấy Oanh len lén nhìn xuống nhà dưới canh ông ngoại rồi nhảy tót lại gần.

- Chú Văn ơi, mẹ Du bị bệnh ạ?

- Mẹ Du khỏe lại rồi, bé Oanh đừng lo nhé. Mà con có nhận thư mẹ gửi chưa?

- Rồi ạ, ông ngoại đọc cho con nghe. Con sẽ vẽ cho mẹ một bức tranh.

Văn lại vỗ nhẹ mái đầu nhỏ đó, cười gật đầu. Tự dưng Oanh nhìn Văn, hỏi:

- Con nghe chú hỏi ông ngoại về bà ngoại kế.

Văn ngạc nhiên thoáng chốc rồi sực nghĩ, còn một "nhân chứng" Hoàng Oanh có thể giúp mình tìm ra sự thật, liền chậm rãi hỏi tiếp:

- Oanh gặp bà ngoại kế lần nào chưa?

- Dạ rồi, là lần đầu tiên bà đến bệnh viện. Bà đáng sợ lắm và hét rất to. Mẹ Du nói bà là người xấu và bảo con phải tránh xa.

- Oanh có biết mẹ và bà ngoại vì sao lại ghét nhau không?

- Không ạ. Nhưng đêm trời mưa hôm đó trong bệnh viện, bà vào thăm con đã đi cùng một người đàn ông khác. Con sợ lắm...

Văn nhíu mày khó hiểu, đúng lúc nghe ông Thạch lớn giọng:

- Oanh! Ai cho con nói lung tung hả?

Tiếng quát của ông ngoại làm Oanh giật mình, liền im thin thít. Ông Thạch phát hiện bản thân vừa hành động hơi quá với cháu, lại lo lắng Văn sẽ nghi ngờ nên liền nhìn anh cười bảo, con nít nói bậy bạ mong bác sĩ đừng để ý. Văn không đáp lời, chỉ gật đầu cho qua. Quan sát Oanh đi đến chỗ ông ngoại, Văn nghĩ những lời con bé nói ban nãy có thể đáng tin hơn. Vì con nít thường nói thật!

*****

Hôm nay con Muội đến phòng thăm tù để gặp mẹ và cha dượng. Lí do khiến nó miễn cưỡng đồng ý đi là vì quản giáo Ngà ra vào buồng giam tận ba lần, bảo nó đến gặp mẹ vì hình như bà đang bệnh. Mấy chị bạn tù khác cũng khuyên nhủ đủ điều, "mày đi cho bả vui không thì tội bả". Nên sau cùng con Muội đành theo quản giáo Ngà thôi. Nó nghĩ, giờ mẹ mang cả chuyện bệnh tật ra mà ép con phải đến gặp mặt. Con Muội tin chắc cuộc trò chuyện chẳng kéo dài bao lâu.

Bước vào phòng thăm, con Muội trông cảnh mẹ mặt mày trắng bệch, vẻ mệt mỏi lắm. Bên cạnh cha dượng không ngừng xoa lưng nhè nhẹ. Tự dưng nhìn cảnh đó con Muội thấy xốn con mắt, vô thăm tù mà hai người cũng tình tứ dữ.

Dường như cố tình hay sao mà con Muội kéo ghế ra thật mạnh rồi ngồi xuống cái phịch. Mẹ và cha dượng nó cũng phải giật mình.

Con Muội mở đầu bằng câu hỏi cộc lốc như mọi lần:

- Sao mẹ vô thăm tôi hoài vậy? Tôi không muốn gặp mẹ mà.

Cha dượng liền lên tiếng nhắc:

- Con ăn nói lễ phép với mẹ một chút đi!

Con Muội nhìn ông cười khỉnh:

- Tôi không hứng ngồi nghe cha mắng mỏ hay giảng đạo nghĩa gì đâu à!

Mẹ nó đưa tay qua ngăn chồng lại như thể quá quen với thái độ hỗn hào của con gái từ lâu rồi. Bà cất tiếng, nghe có vẻ mệt:

- Dù con không thích gặp nhưng mẹ vẫn mong thấy mặt con, có vậy mới yên tâm. Dạo này con khỏe chứ, ăn uống có đầy đủ?

- Không nghe mẹ cằn nhằn, tôi sống khỏe hơn đó. Mẹ đừng hỏi mấy câu nhạt thếch vậy nữa, nói nhanh để tôi còn về buồng.

Cha dượng lại chen vào, bảo với giọng chua xót làm sao:

- Muội ơi Muội, con hãy thương mẹ chứ con! Đêm nào mẹ con cũng thao thức vì lo cho con, buồn riết giờ sinh bệnh.

- Ông cứ để mẹ con tôi được nói chuyện. - Mẹ con Muội cắt ngang, ho khục khục - Muội à, mẹ đã đi gặp cô gái mà con đánh để xin lỗi rồi.

Tức thì con Muội chưng hửng, mẹ làm thế chi? Mẹ nó vuốt ngực, giọng hơi khàn:

- Để người ta tha thứ cho con chứ làm gì nữa. Con đánh người ta, để người ta thương tật thế kia là tội lỗi lắm. Cô ấy cũng có cha mẹ, họ xót con họ lắm chứ. Rồi nhỡ sau này con ra tù, người ta ghi hận trong lòng đến trả thù con thì sao.

- Nó mà dám trả thù, tôi đập cho nó chết luôn!

- Muội! Con làm ơn đừng có sống kiểu này nữa, vô tù rồi mà vẫn không hối hận ư? Mẹ không có sống hoài để lo cho mày đâu con ạ!

- Tôi đâu cần mẹ lo.

Lần này cha dượng hết kìm nổi cơn giận, gắt lên thật to:

- Mày đúng là hết thuốc chữa rồi!

Cán bộ phòng thăm liền nhắc nhở thân nhân của phạm nhân giữ trật tự. Cha dượng cố dằn lòng xuống nhưng cơn giận dữ khiến người ông cứ run lên. Còn con Muội thì gương mặt vẫn bơ bơ vô cảm tuy nhiên trong lòng hả hê vì chọc tức được ông.

Mẹ con Muội ho xong lại tiếp tục nói khẽ khàng, do bản thân chẳng còn hơi sức mà la mắng đứa con gái bất trị này nữa:

- Dù sao mẹ đã thuyết phục cô gái đó rồi, cô ấy cũng đồng ý vào đây gặp con.

- Con nhỏ đó gặp tôi làm gì? Mẹ muốn nói chửi vô mặt tôi à?

- Mẹ muốn con hãy nói xin lỗi người ta.

Con Muội trợn mắt, dường như không tin vào tai mình. Mẹ nó nghĩ gì mà lại bảo nó xin lỗi nhỏ tình địch mình ghét cay ghét đắng? Nó thù hằn lắm mới đánh nhỏ đó ra nông nỗi này. Con Muội cười nhạt nhẽo nghĩ, mẹ kiếm tiền nhiều quá nên đầu óc hỏng rồi hay sao? Nếu phải hạ mình xin lỗi kẻ địch thì thà nó chết đi còn sướng hơn. Tức thì con Muội đứng phắt dậy, gằn giọng:

- Tôi không bao giờ làm cái việc như thế! Mẹ về đi!

Chẳng kịp để cán bộ phòng thăm cất tiếng nhắc nhở lần hai là con Muội đã nói mình thấy mệt nên muốn về buồng giam. Mặc cho mẹ và cha dượng không ngừng gọi theo, nó kiên quyết rời khỏi phòng đi theo quản giáo Ngà. Được một đoạn, nó còn nghe tiếng ho dữ dội của mẹ nhưng vẫn lạnh lùng chẳng quan tâm.

Thấy con Muội trở về với vẻ hậm hực, chị Giảo liền hỏi chuyện. Lòng khó chịu quá, nó chẳng đáp chẳng rằng nằm vật xuống chiếu, nhắm mắt ngủ. Chị Giảo nhìn sang Du, lắc đầu. Đúng lúc, Du nghe quản giáo Ngà gọi ra nhận thư.

- Con gái em gửi phải không? Lần trước thấy em gửi thư cho cháu, chắc giờ cháu gửi lại. Cháu nó biết viết chữ rồi hả?

- Dạ, là em tập cho cháu học chữ. Con bé cũng mới viết được vài chữ thôi.

- Thấy cháu thương mẹ lắm. Dễ thương hết biết à!

Chị Ngà cười khen, một tay cầm lấy sổ ký nhận còn một tay đưa thư cho Du. Trở lại chỗ nằm, Du nghe chị Giảo hỏi thư của ai. Du trả lời của con gái rồi cẩn thận mở nắp bì thư được dán keo cứng ngắc. Bên trong là tờ giấy đôi với mấy dòng chữ siêu vẹo nhưng được viết tẩn mẩn bởi bàn tay nhỏ bé:

"Ông ngoại đọc thơ của mẹ Du cho Oanh nghe rồi ạ. Giờ con "diết" thơ lại cho mẹ. Con còn "dẽ" bức hình xếp thành máy bay "dáy" nữa, mẹ Du và Oanh sẽ được "bai"."

Du buồn cười trước lá thư sai lỗi chính tả của con. Cô lấy ra một chiếc máy bay giấy, từ từ mở các nếp gấp. Bức hình nguệch ngoạc vẽ hai mẹ con ngồi bên nhau cười vui. Những nét chữ ngây ngô bằng bút sáp đen khiến Du rơi nước mắt: Con nhớ mẹ Du. Đôi tay run run gấp máy bay lại, cô để nó lên bậu cửa sổ.

Biết đâu một ngày, gió sẽ đưa chiếc máy bay đến nơi bình yên.

Du hướng đôi mắt ra khỏi song cửa sổ, về phía bức tường cao sững ở xa với một mong mỏi khắc khoải.

*****

Lần điều trị trước, Vân Du và Đồng Văn thoải mái trò chuyện bao nhiêu thì lần gặp thứ tư này, cả hai im lặng bấy nhiêu. Vì mỗi người đều chìm vào những suy tư riêng của chính mình. Họ ngồi đối diện nhau, nhưng liệu có nhận ra sự hiện diện từ đối phương hay phía trước chỉ là một khoảng trắng mờ mịt?

- Tình hình sức khỏe của cô đã tốt hơn chưa?

Trước khi Văn kịp nhận thức rõ hành động của mình thì câu hỏi thừa thãi ấy đã phát ra rồi. Du gật đầu, lại tiếp tục nói lời cảm ơn thật dư thừa. Văn thấy đầu óc có chút trống rỗng khi nhìn Du, bởi lòng cứ để tâm đến những lời ông Thạch kể, cả sự tiết lộ bí mật từ bé Oanh. Lát sau Văn tự nhủ, bản thân giữ mãi thắc mắc cũng chẳng được gì trong khi người anh muốn tìm hiểu đã ở ngay trước mặt. Văn thở ra nhè nhẹ, hỏi sang chuyện khác:

- Cán bộ có nói khi nào cô sẽ đi gặp luật sư không?

Một chút ớn lạnh chạy dọc sống lưng Du, giọng nói trở nên khó khăn:

- Là vào tuần sau, có thể sẽ lâu hơn nữa.

- Vẻ như tinh thần cô vẫn chưa ổn định? Xem ra việc uống thuốc và viết nhật kí không giúp ích được lâu dài. Tôi sẽ dùng cách trị liệu khác.

Du lặng thinh, không ai hiểu mình bằng chính mình. Thời gian qua, nhờ uống thuốc rồi viết nhật kí điều trị khiến Du cảm giác dễ chịu hơn. Ít ra, nó giúp cô giải tỏa những xúc cảm tồi tệ đang đè nặng. Nhưng điều này không làm Du vơi đi nỗi ân hận, giày vò. Đúng hơn là, chỉ khi nào tâm hồn tội lỗi của Du được cứu rỗi thì lúc đó cô mới thật sự bình ổn. Du muốn nói rõ với Văn như thế, vậy mà sau cùng lại nói một điều lạ lùng:

- Bác sĩ đã không viết nhật kí gửi lại tôi...

Văn không nghĩ việc mình không viết đáp lại Du đợt vừa rồi lại khiến bệnh tình của cô trở nên nặng hơn, mới bảo:

- Vì tôi bận suy nghĩ một chuyện, lòng cứ vướng mắc chẳng yên.

- Chuyện có liên quan đến tôi phải không?

Mọi lần, Văn sẽ lưỡng lự nhưng bây giờ bỗng dưng lòng kiên quyết đến không tưởng nên đã nhìn trực diện vào Du, hỏi rành rọt:

- Tôi rất muốn biết vì sao cô lại giết người?

Chẳng rõ Du vừa đánh rơi mất biểu cảm trên gương mặt hay do bình thường vốn đã là người lạnh lùng, mà ngay lúc này vẻ mặt cô hoàn toàn tĩnh lặng. Đầu óc gần như trống rỗng, Du chưa sẵn sàng cho việc có thể kể hết mọi chuyện của mình cho Văn nghe. Dẫu Du hiểu, anh chàng bác sĩ ấy luôn tò mò về quá khứ mà cô đang lẩn tránh và che giấu, nhưng khi vừa nghe anh hỏi xong thì tim cô vẫn nhói lên như bất ngờ bị kim châm vào.

- Lí do gì bác sĩ lại muốn biết chuyện của tôi?

- Bản thân cô cứ dằn vặt về chuyện giết người, vậy sao cô không chia sẻ với tôi?

- Tôi chưa thể nói về chuyện đó.

- Cô cứ giấu mọi thứ ở trong lòng rồi một mình chịu đựng tất cả.

Đôi mắt hờ hững chợt chuyển qua buồn bã khi Du nhìn thẳng vào Văn:

- Chẳng phải bác sĩ cũng đang che giấu trong lòng một bí mật mà chẳng muốn giãi bày với người khác ư?

Văn thoáng kinh ngạc. Lẽ nào Văn đã vô ý để lộ điều gì bất thường sao? Hay bởi cả hai quá giống nhau nên Du cảm nhận được nỗi u uất chất chứa trong lòng Văn cũng như anh từng thấy điều này ở nơi cô trong lần gặp đầu tiên?

- Bác sĩ cũng hiểu việc giãi bày đó là không hề dễ dàng.

Lồng ngực Văn bất giác khó thở hơn, hệt bị ai vét hết không khí ra ngoài. Và buổi gặp mặt trị liệu hôm nay trở thành bế tắc với cả phạm nhân lẫn bác sĩ. Nó kết thúc sau câu nói tự sự của Du, và cả việc cô không lấy theo cuốn nhật kí nữa.

*****

Chiều chiều, các phạm nhân nữ làm việc ngoài vườn cây. Chỉ còn nửa tiếng là kết thúc buổi lao động nên ai nấy đều rất thông thả, vừa làm vừa nói chuyện khe khẽ. Chị Giảo ngồi bệt dưới gốc cây sung quệt mồ hôi, ngó thấy Vân Du và con Muội còn lẳng lặng nhổ cỏ thì liền gọi hai đứa lại đây ngồi nghỉ chờ đến hết giờ. Con Muội dạo này hay bướng, lắc đầu chẳng chịu nghe theo. Về phần Du, ngước nhìn mặt trời đang dần xuống thì thấy thích cái việc ngồi ngắm cảnh hơn nên gom đống cỏ lại cho gọn gàng, rồi đến bên chị Giảo đang cầm nón lá quạt mát. Vài phạm nhân nữ cũng đã ngồi nghỉ uống nước.

Chị Giảo khoe hôm trước nhận được thư của hai đứa con gửi vô. Chúng nó hiện giờ đang sống với dì Tàng, em gái chị. Chúng kể nhiều lắm, nào là mọi người ở làng tội cho chị đi tù nên thương hai đứa con nhỏ ở lại vì vậy mà họ có gì đều mang qua nhà dì Tàng một ít, coi như là thay nhau chăm nuôi lũ trẻ. Hồi trước chị Giảo cũng hay giúp đỡ hàng xóm, giờ người ta giúp lại. Họ cũng hiểu chị vì cái đói cái nghèo mà đi vào vòng tù tội.

Các con chị còn kể, bọn trẻ trong làng không có xa lánh chúng ngược lại đến nhà chơi nhiều hơn. Thêm cái mừng, chồng chị đã cai nghiện, do thấy có lỗi với vợ mà quyết tâm đi làm thuê cho người ta. Nhỏ Hai hớn hở viết: Tháng sau ba dẫn bọn con vô thăm má!

Chị Giảo mừng rơn, đôi mắt ươn ướt. Nghĩ lạ, sao lúc mình còn ở làng thì chuyện nó không tốt được như vậy cà? Phải chi còn cái tình cái nghĩa thế này, rồi con ngoan chồng thương thì dẫu nghèo khổ đến mấy chị cũng không đời nào đi bán ma túy. Nghe tiếng chị Giảo đầy tiếc nuối, Du mới bảo:

- Nhưng chị như thế cũng may rồi, sống mà người ta nhớ đến mình, thương cho mình chứng tỏ là mình ăn ở nghĩa tình.

- Nghe nói cứ như em toàn gặp người xấu.

Du chẳng đáp, chỉ cười bâng quơ. Trông nụ cười buồn da diết ấy, chị Giảo chậc lưỡi, mình đâu có quyền đòi hỏi người ta phải đối tốt với mình em ạ! Du biết, nhưng chí ít người ta cũng đừng làm khổ mình! Giữa hai chị em không phát ra âm thanh nào ngoài nhịp thở khe khẽ, tiếng gió vút qua từ chiếc nón lá phe phẩy và tiếng lao xao xung quanh.

Cả hai đều hướng mắt về phía xa, nơi những ngôi nhà đang chìm ngập trong cái màu ráng chiều thê lương. Mặt trời ngoi ngóp đằng sau đám mây to như cố níu kéo ngày đừng tàn. Vài tia nắng nhỏ nhoi cứ nhảy múa lung linh trên các mái tôn, cành cây cong oằn, hay dưới bãi cỏ xanh mướt ở đây. Dáng ngồi cong vòng của con Muội thật buồn bã, ngược chiều nắng làm bóng đổ in dài xuống cỏ trông liêu xiêu. Gió cuộn từng cơn thổi thốc đến, mát mẻ dễ chịu. Có mùi ngai ngái từ đất, đánh thức khứu giác của mọi người.

Du nhắm mắt, tận hưởng khoảnh khắc thanh thản hiếm hoi trong nhịp sống gấp gáp này. Bên tai nghe gió vờn lá, cảm nhận nắng chảy tràn trên người mình, thân thể trở nên bồng bềnh dịu êm như trôi về một miền khác. Và dáng vẻ an nhiên lạ thường đó của Du đã được Đồng Văn bắt gặp.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương