Âm Dương Giới
Chương 11: Đáy giếng gặp kỳ duyên

Văn Thiếu Côn bị một chưởng của lão hòa thượng bay bổng lên không trung hơn mấy trượng rồi rơi ùm xuống một cái giếng lâu năm.

Giếng này không biết đào tự bao giờ, ở giữa một vùng cây cối rậm rạp, chu vi hơn tám thước, lòng sâu thăm thẳm có năm sáu mươi trượng, xung quanh bờ dựng đứng và rong rêu phủ kín, trơn như trám mỡ.

Trong lúc bị tung đi bất ngờ, Văn Thiếu Côn hoảng vía đưa hai tay quờ quạng bốn phía hy vọng bám trúng một cái gì.

Chàng rơi mãi hồi lâu chưa tới đáy, hai tai gió lộng ù ù, thỉnh thoảng chộp nhằm đá nhưng vì quá trơn nên bị tuột đi luôn.

Sau cùng nghe ùm một tiếng, nước văng tứ tung. Té ra dưới giếng có nước.

Cũng may nước không sâu lắm, chàng lóp ngóp uống mấy ngụm rồi ngóc đầu lên được. Dưới chân là cát, nước đến ngang vai và lạnh như băng giá.

Nước lạnh tê buốt cả da thịt, mấy đầu gân cũng bị lạnh cóng cả, cử động thấy đau nhức lắm.

Văn Thiếu Côn loay hoay một chập đứng vững được nên lặng yên suy nghĩ, trong khi hai hàm răng chạm vào nhau lộp bộp như mỏ thúc.

Giếng quá sâu, tứ bề tối đen như mực.

Văn Thiếu Côn cảm thấy như vừa trải qua một cơn ác mộng, lặng lẽ đuư tay sờ chung quanh thì thấy bờ đá láng trơn, chỗ nào cũng nhẵn lì không nắm vào đâu được, muốn trèo lên cũng không thể được.

Chàng thở dài than thầm :

- “Thật không ngờ ân sư nỡ ra tay ác độc đánh ta văng xuống nơi này. Hình như ông ta có âm mưu trước nên mới gạt mình đi theo để hãm hại. Con người hiền từ đạo mạo bề ngoài mà thâm tâm sao hiểm ác thế. Lão đã cố tình giết hại mình thì chỉ một búng tay cũng hết thở, việc gì phải khổ công rèn luyện suốt một ngày một đêm, để rồi cuối cùng hất ta xuống đây trong tình cảnh nửa sống nửa chết như thế này. Thật vô lý, vô lý quá”.

Càng nghĩ càng tức, chàng lồng lộng kêu lên :

- Sư phụ ơi, sư phụ!

Tứ bề vách đá phẳng lặng dội lại tiếng kêu gây nên những tiếng vang rền bất tuyệt.

Gọi mãi hàng mấy chục tiếng nhưng vẫn không nghe đáp lại.

Chẳng rõ tiếng chàng có lên đến miệng giếng hay không?

Chập chập chàng đưa tay vào mồm ngửa mặt lên trời kêu gọi nữa. Gọi xong lại lắng tai nghe ngóng may ra hoặc đến tai sư phụ hoặc Vô danh tăng.

Suốt mấy tiếng đồng hồ, chàng kiên tâm gọi mãi :

- Sư phụ ơi, sư phụ, nếu đệ tử có tội gì cứ trách phạt, nỡ đâu gạt theo để liệng vào giếng này.

Thanh âm trả lời rền vang rồi chìm trong yên lặng. Chàng tái người, đưa mắt lên thấy tận phía trên chót vót có một lỗ hổng lớn hơn miệng chén, da trời màu xanh.

Tính thời gian thì có lẽ đã sáng từ lâu, nhưng giếng sâu nên ánh mặt trời không rọi tới đây, đưa tay trước mặt nhìn không rõ.

Chàng tiếp tục kêu gào, dẫu biết kêu bao nhiêu cũng vô ích.

Kêu hoài đến nỗi khan cổ lạc giọng, nhưng vẫn há miệng kêu, và thét như người mất trí chớ không chịu ngừng.

Mãi đến khi đuối lả người mới tạm nghỉ để thở hồng hộc như trâu điên.

Khi thấy đã hoàn toàn tuyệt vọng, Văn Thiếu Côn bèn đứng dựa lưng vào thành giếng, cả thân mình trầm trong nước lạnh, ló cổ và đầu bên ngoài, nhắm mắt mơ màng.

Bỗng có tiếng nho nhỏ nhưng rõ ràng và trong trẻo từ trên vọng xuống :

- Đồ nhi, đã biết thân phận chưa.

Văn Thiếu Côn nhận ra tiếng nói của sư phụ, mừng rỡ như được hồi sinh vội vàng gào lớn :

- Sư phụ ơi, đệ tử đã nghe rồi và cũng đã biết thân rồi. Xin sư phụ cứu đệ tử lên với.

Nói xong chàng nhìn lên miệng giếng lắng tai nghe.

Tiếng nói của lão hòa thượng lại vọng xuống nho nhỏ rõ ràng như nói sát bên tai :

- Không được, thầy không thể cứu con được đâu.

Thì ra lão hòa thượng đã vận dụng lối thiên lý truyền âm để hỏi chuyện cùng chàng.

Văn Thiếu Côn tức quá đập tay quậy nước ầm ầm la lớn :

- Trời ơi, sao sư phụ quá nhẫn tâm. Đệ tử có thù hận chi đâu mà nỡ ra tay như vậy?

Tiếng nói lại vang lên :

- Nào có thù oán gì...

Ngừng một chập lại nghe tiếp :

- Đồ đệ, mọi việc phải trông cậy vào mình trước tiên. Đừng ỷ lại vào người, phải tự tìm cách nào cứu lấy mình thì hơn. Đồ đệ cứ tin tưởng và bền chí sẽ có ngày leo lên được.

Văn Thiếu Côn hét lên :

- Sâu quá, trơn quá, làm sao bò lên được. Nếu sư phụ không ra tay giải cứu, đệ tử chắc phải bỏ thây trong giếng này.

Cất tiếng cười rồi hòa thượng nói thêm :

- Nếu cứ yếu hèn như thế thì dù ngươi chết cũng đáng lắm.

Vì nước giếng chấm vai, chàng không thể ngồi để nghỉ chân, chỉ có cách dựa vào thành đá đứng có một chân cho đỡ mỏi, chốc lát lại thay qua chân khác.

Câu nói vừa rồi là lời nói cuối cùng của lão hòa thượng.

Văn Thiếu Côn xót xa và tức tối quá bặm môi phụng phịu với sự đau nhức quá giới hạn mà chàng đang chịu đựng: rét lạnh, mỏi mệt, ê ẩm và tuyệt vọng.

Tụ tương tự sát vẫn vơ trong trí :

- Phải, chỉ có chết là giải thoát! Chết là hết đau, hết lo, hết bực tức. Chết cho người ta hài lòng.

Chàng lẩm bẩm.

Nhưng bất cứ trong cảnh tuyệt vọng nào cũng vẫn còn hy vọng. Chính cái hy vọng mỏng manh xa vời vô lý ấy đã giúp chàng đánh đổi được ý nghĩ tự sát.

Mọi sự đau khổ không gì bằng cái đói. Đã ba hôm nay chàng chưa có thứ gì vào bụng, lúc này lại ngâm mình trong nước lạnh, cái đói lại đến muốn cào cả ruột gan.

Càng lâu đói càng tợn, nơi đây ngoài nước, không có gì ăn được cả. Tôm cá không có, ngay ếch nhái cũng không có. Rong rêu thì quá nhớt, hôi hám, không thể nào ngửi được.

Chân tay chàng dần dần tê cứng, mắt ngước lên nhìn miệng giếng vẫn thấy vòm trời xanh không có bóng người.

Thành giếng đen xì, mờ mờ ẩn hiện dựng đứng cao tít mù. Chẳng bao lâu đã quá một ngày một đêm, trọn mười hai giờ rồi.

Chàng thử cử động tay chân, nhưng hình như chân tay của kẻ khác, không còn cảm giác nữa. Cặp giò hình như đóng thành băng, hai tay buồng thõng chứ đưa lên không nổi nữa.

Chàng hít mạnh vào một hơi, lồng ngực sắp vỡ, máu huyết đảo lộn như chạy ngược về tim, đầu váng mắt hoa, bụng đói như cào. Sống như thế này còn khổ gấp mấy lần được chết. Một ngày nơi đáy giếng dài thăm thẳm hơn cả một năm trường.

Nhưng mà cuối cùng rồi cũng rán chịu đựng.

Vòm trời trên cao hết xanh đến đen, tính đã bảy lần. Kể từ khi rơi xuống giếng đến nay đã một tuần trọn, Văn Thiếu Côn vẫn phải đứng hoài trong giếng.

Nước ngâm lâu ngày, da mặt dộp lại co rút, chân tay mình mẩy đã tiết ra nước nhờn.

Thần trí chàng lơ mơ, thân hình tê liệt, thậm chí dù muốn tự vẩn cùng chẳng còn hơi sức nữa. Sự đau khổ có lẽ đã đến mức tột cùng.

Bỗng nhiên mắt chàng hoa lên. Một tia sáng từ trong lòng nước vọt thăng lên cao rồi lại rơi xuống nước tung lên ào ào, bỏm bỏm, đưa vào tai chàng.

Chàng cố định thần nhìn lại kỳ. Luồng ánh sáng đó cứ từng chập vọt lên khi cao khi thấp, lúc trước mặt khi bên tả, rõ ràng là sự thật chứ không phải ảo giác.

Độ nửa giờ sau, tiếng nước reo gần chàng, một lằn đỏ sáng chói lại xẹt, thấy lên cao gần một trượng rồi rơi xuống giếng.

Lần này chàng nhìn kỳ thấy một vật dài chừng ba thước, lớn cỡ nắm tay, trong ánh đỏ có những tia vàng sáng chói, hoa cả mắt.

Suốt bảy tám ngày trời không ăn, con người đã đói đến cực độ, mặc dầu chân khí tiêu tan nhưng khi thấy có một thứ có thể ăn được, tự nhiên có thể chuyển động, kích thích gân cốt khiến chàng cục cựa và di chuyển được để bắt mồi.

Chờ độ vài phút sau, mặt nước chuyển động nữa. Khi tiếng reo chưa dứt, luồng sáng đỏ vàng lại vọt lên gần chàng hơn nữa.

Tâm thần phấn khởi, khả năng sinh tồn thúc đẩy, chàng vùng đưa tay được ra khỏi mặt nước cào nhanh vào lằn sáng đỏ vừa đúng lúc đang rơi xuống.

Tay chàng nắm được một vật mềm mềm ấm ấm.

Nhờ ánh sáng rực rỡ của làn da chiếu ra, Văn Thiếu Côn nhìn kỹ đó là một con lươn khá lớn và kỳ lạ.

Thân hình con lươn này đỏ như son, từ đầu đến đuôi có hai đường chỉ vàng sáng rực rỡ như kim tuyến chạy song song thật đẹp.

Trong khi con lươn dãy dụa, ánh sáng đỏ vàng lẫn lộn càng rực rỡ chiếu ửng hồng cả mặt nước.

Hai mắt đỏ ngầu, hai tay run run, trong lúc quá đói, bất cứ bắt được thứ gì cũng ăn, rồi hậu quả ra sao mặc kệ.

Chàng không ngần ngại đưa con lươn vào miệng, cắn cổ hút máu rồi thấy thịt ngọt ngọt, ấm ấm dễ ăn nên ăn hết không còn tí xương.

Khi ăn xong tinh thần bỗng nhiên thấy khoan khoái, cả thân hình giá lạnh tê cứng đã trở nên ấm áp dễ chịu.

Chàng đưa tay vịn bấu thành giếng vận công điều khí.

Ngay lúc ấy một cơn đau buụg nổi lên dữ dội khiến chàng hoảng sợ không dám vận công nữa.

Nhưng cơn đau bụng cũng không vì thế mà giảm bớt, trái lại càng đau tợn, đau xoắn từng cơn khiến chàng toát cả mồ hôi, da mặt co rúm lại, như muốn dứt hơi.

Chàng hối hận tự trách :

- Vừa rồi ta ăn bậy một con rắn không ra rắn, lươn không thành lươn, hình thù quỳ quái, dữ lành chưa biết, mà lại nổi cơn đau bụng như vầy chắc đã trúng độc. Vừa khỏi đói lại bị đau đớn cũng chả hơn gì. Mặc kệ, đến chết là cùng!

Chết được càng mát thân.

Im lặng suy nghĩ một chập, cơn đau đớn dẫn Văn Thiếu Côn nhích thân dựa vào vách đá nghỉ dưỡng.

Chừng nửa giờ sau, cơn đau tái phát. Lần này càng dữ dội gấp mấy lần.

Tại Đan điền một luồng khí nóng xông lên rần rật, mỗi lúc càng nhiều.

Vừa đau vừa nóng, chàng vật mình chán, mím môi chịu đựng. Mặc dầu ngâm trong nước mà người chàng cũng toát mồ hôi, trên đầu muốn bốc hỏa.

Lúc ấy khí huyết chuyển động thật mạnh như muốn phá tan cái huyết quản, máu càng sôi, bụng càng đau dữ. Văn Thiếu Côn ráng bậm môi chịu trận để khỏi buột mồm rên siết.

Làn khi nóng từ Đan điền cứ xông mãi liên miên vô tận tựa hồ như không bao giờ chấm dứt được.

Sau hết sức nóng lại xông đến tận “Sinh tử huyền quan” rồi đi luôn vào hai mạch “Nhâm đốc”.

Ba nơi này đã bị luồng nhiệt khí đả thông luôn, đầu óc chàng như búa bổ, hoàn toàn mất trí giác.

Giếng nước trở nên im lặng như tờ.

Văn Thiếu Côn đứng nghếch đầu vào thành giếng, mắt nhắm như người ngủ say, hơi nóng từ trong người chàng lên ngùn ngụt hình như một màn sương dày bao phủ.

Không rõ thời gian bao lâu, chàng mở bừng đôi mắt ngơ ngác.

Qua bao nhiêu sự dày vò khổ sở, bụng đói gân tê, tay chân mỏi, toàn thân chàng phải kiệt quệ, mất hết sinh lực.

Nhưng sự thực lại khác hẳn.

Chàng cảm thấy trong người nhẹ nhàng, tinh thần khoan khoái, mình mẩy ấm áp không cảm thấy lạnh lẽo. Từ bé đến giờ chưa bao giờ thấy khỏe mạnh và dễ chịu như lúc này.

Kinh ngạc quá, chàng thắc mắc :

- Suốt bảy ngày ngâm trong nước giếng, đói quá ta đã ăn trúng một con rắn đỏ, đau bụng muốn đứt cả ruột, huyết mạch như nung đốt, mà bây giờ sao tự nhiên khác hẳn như vậy? Việc gì đã xảy ra chăng?

Ngạc nhiên hơn nữa là chàng thấy trong đáy giếng sáng trưng không còn tối tăm như trước nữa. Mọi vật đều ngó thấy rõ ràng, cọng rêu trên thành đá đàng xa cho đến những đợt sóng lăn tăn gợn trên mặt nước.

Chàng vừa mừng vừa sợ, thử vận công điều khí.

Chẳng ngờ vừa mới vận công, một làn sóng nóng lập tức nổi lên xói ngay vào mạch sinh tử huyền quan đi thông suốt xuống hai mạch Nhâm đốc, rồi theo đường kinh lạc chạy suốt các huyệt đạo từ đầu mình đến tứ chi chỉ thấy một luồng sinh khí chuyển động thông suốt dễ dàng.

- Trời! Chàng mừng quá la lớn.

Quả thật điều không ngờ! Đây là một hiện tượng hiếm có, một hy vọng tối cao mà tất cả những nhân vật luyện võ hằng mơ ước, ít ai đạt được, là đánh thông sanh tử huyền quan, mở hai mạch Nhâm đốc.

Chàng như say mê với sự sung sướng tột cùng và chưa dám tin là sự thật.

Khích động vì niềm vui bất ngờ, chàng thử vung tay đánh một quyền vào thành giếng.

Chỉ một động tác vô tình do nội tâm thúc giục, không ngờ đã gây một ảnh hưởng ghê gớm khiến chàng mất cả hồn vía.

Số là từ khi chàng vừa vung ra, một luồng kình lực như bài sơn đảo hải đánh ầm vào vách đá, nổ lên một tiếng “đùng” như sấm dậy.

Cổ thành giếng rung rinh như bị động đất, đá văng tứ tung sập xuống một mảng khá to.

Văn Thiếu Côn trợn mắt nhìn lổ đá vừa lở rồi ngó lại tay mình, ngơ ngác.

Chàng cố nén sự vui mừng xen lẫn sợ hãi kích động trong lòng, và định thần nhìn lại. Nơi đã bị lỡ đã bày ra một lỗ hổng to tướng, khiến chàng chỉ biết há miệng trân trối nhìn chẳng biết nói sao, rồi trong lúc kích động mãnh liệt tung người nhảy nhót cho thỏa thích.

Lại một việc bất ngờ xảy ra nữa.

Chàng chỉ nhè nhẹ một cái mà toàn thân như một mũi tên bật khỏi cánh cung, vọt thẳng lên cao gần mười trượng rồi rơi xuống giếng.

Văn Thiếu Côn thích chí quá nghĩ bụng :

- “Công lực mình tự nhiên tăng tiến quá cao có lẽ vì con rắn lúc nãy ư? Nếu vậy thì may quá. Xem chừng với bản lãnh này ta hy vọng vượt ra khỏi giếng này rồi”.

Nghĩ thế, chàng từ từ vận công lực, đem hết nội lực từ Đan điền di chuyển trong toàn thân, dồn xuống hai chân rồi tung người lao vút lên không như một chiếc tên bắn.

Một cái nhảy đã vượt qua trên mấy chục trượng ra khỏi miệng giếng dễ dàng, nhẹ nhàng rơi trên đám lau mọc giữa sân.

Chàng đứng ngẩn ngơ một chập, lòng băn khoăn như chợt tỉnh một cơn ảo mộng.

Mơ mộng đi qua, Văn Thiếu Côn trở lại thực tế, đưa mắt nhìn quanh.

Lúc đó vào khoảng nửa đêm. Trên bầu trời đen lốm đốm nhiều sao nhấp nhánh. Ngôi cổ tự chìm đắm trong sự cô tịch hoàn toàn.

Gió lạnh thổi từng cơn làm quần áo chàng khô ráo, bay tung phần phật.

Tuy giữa đêm khuya nhưng màn đêm không che nổi đôi mắt chàng, tuy trong tối nhưng nhìn thấy rõ ràng mọi vật.

Đứng một chập lâu, chàng rảo bước đi vào chánh diện.

Trong chùa vắng lặng như tờ, trừ tiếng gió thổi qua mấykhe ngói lở xào xạt, và tiếng trùng dế nỉ non, không còn tiếng động nào khác.

Trong điện tối om, không có ánh đèn, tòa đại điện dột nát đầy cả bụi phủ nhện giăng. Có lẽ lão hòa thượng và Vô danh tăng đã bỏ đi nơi khác rồi.

Văn Thiếu Côn đi lần quá bên trái, đưa mắt nhìn trên chiếc bàn gỗ đã xiêu vẹo, thình lình chàng trông thấy một miếng lụa vàng cuốn thành cuộn dài dằn dưới bát hương bằng sành đặt bên ấy.

Chàng vội vàng bốc ra xem, trên mảnh lụa có viết :

“Bạch Hải nhi con, Trước khi nhận một nhiệm vụ trọng đại mà đấng thiêng liêng đã lựa chọn giao phó cho, con đã trải qua tất cả những gì đau đớn nhất, khổ sở nhất từ thể xác đến tinh thần, những cái gì dày vò cơ cực nhất mà người trần có thể chịu đựng.

Con đã chịu nổi, đã vượt qua gian khổ và con đã thành công.

Trong những giờ phút đau khổ sở chắc con oán hận thầy lắm. Bây giờ con cũng hiểu ít nhiều, và hết còn trách thầy ác độc.

Con vật mà con đã ăn vừa rồi là một con lươn quý, một thần vật sống hàng vạn năm, thế gian hiếm có, gọi là “Vạn niên kinh thiện”. Người nào ăn được nó là được sống lâu, tiêu trừ bá bệnh, chống lại mọi độc, thêm một công lực phi thường.

Thầy phát hiện được thần vật hàng mấy năm nay, nhưng nghĩ rằng tuổi tác đã cao, không muốn phung phí một vật chí bảo của trời tạo, nên thầy cố dành lại để tặng con là người có điềm phúc.

Con hãy nhớ nằm lòng những điều thầy dặn trước khi thu nhận làm đồ đệ.

- Thuận theo lòng trời - Bớt gây nghiệp chướng - Bài trừ gian bạo - Giúp kẻ khốn cùng Đó là phương châm cần thiết để diệt trừ ma quỷ, bảo vệ đạo pháp, tiến thân trên đường võ nghiệp. Được thế, con sẽ không phụ tấm lòng kỳ vọng của thầy.

Bao nhiêu võ công thầy đã truyền cho con là tất cả thiên hoa thu thập suốt đời người, tất cả sự kiên trì khổ luyện nghiên cứu, đã giúp thầy xưng hùng xưng bá một thời gian.

Tuy không phải là những môn võ công tối thượng, vì con nhớ rằng “núi cao còn có núi cao hơn, người tài còn lắm kẻ tài hơn”, những điều đó cũng có thể giúp được nhiều cho con, để gầy dựng cuộc đời võ nghiệp. Những chông gai trên đời trùng trùng điệp điệp, lòng người độc ác nham hiểm khôn lường, con nên luôn luôn để ý đề phòng, khỏi lầm vào những cạm bẫy.

Câu chuyện “Vô Nhân cốc” là vấn đề đang xáo trộn võ lâm và cũng là mối lo ngại nhất của thầy. Thầy đã để tâm tra xét hàng bao năm vẫn chưa có kết quả.

Việc này con nên xử lý thận trọng để khỏi gây ra điều đáng tiếc, lưu huyết trong giang hồ.

Thầy đây chỗ ở không nhất định, rày đây mai đó và chỉ một thời gian ngắn thầy sẽ trở về Vô Lượng Sơn, con chớ để tâm tìm kiếm.

Cuộc đời ly tan, hội hợp, mệnh trời đã đinị, lòng người muốn cãi cũng không được đâu.

Con khá bảo trọng lấy mình.

Thầy: Nhất Liêu”

Đọc xong bức thư, Văn Thiếu Côn bàng hoàng cảm động. Té ra thầy chàng đã dự liệu hết mọi việc đã xảy ra và cố tình sắp đặt để chu toàn cho mình.

Thật là một đại ân mà suốt đời cần ghi nhớ.

Chàng không biết Nhất Liêu đại sư cùng sư huynh đã đi đâu rồi.

Chàng quỳ xuống cúi lạy thỉnh không bốn lạy, lầm bầm khấn :

- Đệ tử Văn Thiếu Côn xin phát thệ suốt đời tuân theo lời giáo huấn của ân sư, nếu sai lời xin đất trời chứng giám.

Khấn xong đứng dậy, xếp bức thư cẩn thận để vào bọc rồi bước ra khỏi cổ miếu.

Bây giờ đã qua canh ba, Văn Thiếu Côn suy nghĩ :

- “Nơi đây là dãy Kỳ Liên sơn, chắc hang Vô Nhân cốc cũng gần đâu đây.

Hay ta nhân lúc này đi tìm thử cho tiện. Cứ như lời nói của Niệp Sáp hòa thượng thì Độc Nhãn Thần Cái sau khi đến Vô Nhân cốc mới nhờ Niệp Sáp hòa thượng đưa mình về Lăng Vân sơn trang trong núi Hạ Lan sơn. Như thế thân thế mình đối với Vô Nhân cốc hình như có một sự liên hệ thần bí. Biết đâu vào Vô Nhân cốc ta sẽ tìm ra đầu mối của thân thế mình. Nhưng Vô Nhân cốc ở đâu, tìm ra được đâu phải dễ?”

Đưa mắt nhìn quanh, chàng thấy đêm tối mịt mù, núi non trùng điệp, một dãy Kỳ Liên sơn dài hơn mấy trăm dặm, muốn tìm ra Vô Nhân cốc có khác vào đáy biển mò kim.

Tuy nhiên chàng vẫn quả quyết đi tìm rồi tung mình biến vào đêm tối.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương