Quỷ Thủ
Chương 7: Chuyện xưa hiện về

Trong khu rừng vắng hiện ra ba bóng đen. Hai người cưỡi ngựa, và một người dắt ngựa lẽo đẽo theo sau.

Người cưỡi ngựa thì đi thật chậm, nhưng người dắt ngựa thì phải nỗ lực gắng sức, vì con ngựa được dắt đi đang thở phì phì, mũi tỏa đầy khói, rõ ràng là mệt.

Hai người ngồi trên ngựa là Bách Hộ to bè, và Kế Dư mảnh khảnh. Còn người dẫn ngựa lại là Lỗ Bá Phong.

Trên đường chạy vào rừng, trong một ngày Lỗ Bá Phong phải dừng lại ba lần cho ngựa nghỉ chân. Hai con ngựa được Kế Dư và Bách Hộ cỡi không cần phải nghỉ, chỉ có con ngựa to lớn hùng vĩ đen tuyền với bốn vó màu vàng rực bốc lên như lửa là lúc nào cũng thở phì phì, mồ hôi chảy ướt đẫm khắp mình và phải nghỉ ngơi liên tục. Lỗ Bá Phong vuốt ve cổ con ngựa an ủi :

- Đừng buồn! Ngươi bị bệnh nên cần phải nghỉ ngơi, chẳng bao lâu ngươi sẽ khỏi thôi.

Họ Lỗ cầm dây cương dắt con ngựa qua hàng thông hẹp, leo lên một ngọn đồi. Bách Hộ ngồi trên yên một con ngựa khác, lóc cóc theo sau, phàn nàn :

- Ngươi đang chạy trốn, lo lấy thân còn chưa xong mà còn đi trộm ngựa. Trộm con khỏe mạnh nhanh nhẹn thì không trộm, lại đi trộm con ngựa bệnh hoạn và vô dụng này mang theo. Thật là phiền phức. Nếu ta là ngươi, ta đem giết quách nó đi, lấy thịt bán được chút tiền.

Lỗ Bá Phong cười :

- Rất tiếc ngươi không phải là ta. Con ngựa này là một giống quý. Bây giờ nó đã già lại còn bệnh hoạn, nhưng chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian ngắn là nó sẽ khỏe lại.

Bách Hộ nhếch môi mỉa mai :

- Ngựa làm sao khỏe lại khi nó đã già? Ta không tin ngựa có thể trẻ lại.

Lỗ Bá Phong cười cười, con người và súc vật không khi nào đi ngược thời gian mà trẻ lại được. Và khi nghĩ đến hoàn cảnh của Bách Hộ và con ngựa kia chẳng khác gì nhau mấy, lão cũng đã già mà đi chê ngựa già thì hắn càng muốn cười to hơn. Dừng ngựa trên đỉnh đồi, hắn đưa tay ngoắt ngoắt Bách Hộ lại :

- Ngươi lại đây! Ta chỉ cho ngươi xem cái này!

Bách Hộ tưởng Lỗ Bá Phong tìm thấy con suối có vàng thì nhanh chân nhảy xuống ngựa, chạy lại, ai dè Lỗ Bá Phong giơ tay rà rà sau đít con ngựa thân đen tuyền vó vàng kia :

- Ngươi thử làm như ta rồi ngươi sẽ thấy?

Bách Hộ lưỡng lự một lúc, rồi cũng đưa tay rà rà sau đít ngựa. Trời lạnh, nhưng lão lại cảm thấy ấm ấm ngay chỗ đó, nên tò mò thắc mắc để tay ở đó mãi.

Kế Dư đi trước một quãng, quay lại không thấy hai bằng hữu của mình thì vội quay ngựa phóng lại. Vừa tới chỗ họ đứng, lão thấy hai người bạn cứ đứng rà rà sau đít ngựa, vừa bực vừa tức cười, lập tức nói :

- Rắm con ngựa đó thơm lắm hay sao, mà hai ngươi cứ đứng chụm đầu sau đít nó?

Bách Hộ nghe nói giật mình, liếc ánh mắt giận dữ nhìn Lỗ Bá Phong, rụt tay lại ngay.

Lỗ Bá Phong cười cười, đáp :

- Ta đang chỉ cho Bách Hộ cách xem ngựa, xem con nào là giống tốt!

Rồi hắn lại cầm dây cương, dắt ngựa xuống đồi. Bách Hộ nhảy lên ngựa cùng Kế Dư chạy theo sau, trong chốc lát họ đã vượt xa hắn. Khi Lỗ Bá Phong dắt ngựa tới vùng đất bằng đã thấy hai vị bằng hữu của hắn chọn được một chỗ cắm trại kế bên bờ suối. Một người đang nhóm lửa, một người đang tìm củi khô.

Trời lạnh tuyết rơi, trên nền đất tuyết chưa tan hết nên những cành khô trên mặt đất đều ẩm ướt, họ phải bẻ cành chết nhưng vẫn còn treo lơ lửng trên cây. Đi một khoảng rừng lớn họ mới tìm đủ củi để đốt.

Lỗ Bá Phong có vẻ tinh tế hơn, từ lúc vào rừng đến giờ hắn vừa đi vừa chú ý vặt những nhánh cây khô còn trên cành, nên khi tới trại hắn đã có sẵn một bó củi lớn trên lưng ngựa. Họ Lỗ tháo yên cho ngựa đỡ mệt vì đeo nặng, rồi lấy lượt chải chuốt bộ lông. Con ngựa to lớn hơn những con ngựa bình thường, hắn có cảm tưởng là phải cần đến mười mấy bàn tay mạnh khỏe mới có thể chải xong bộ lông.

Hắn vẫn kiên nhẫn, vẫn cắm cúi chải, dù tay đã mỏi mệt.

Sự kiên nhẫn và cần cù của hắn cuối cùng cũng được đến bù thỏa mãn, hắn mỉm cười thích chí khi nhìn thấy bộ lông của con ngựa đen bóng, óng mượt, thêm bốn vó vàng rực của nó ánh lên trong tia nắng chiều yếu ớt, khiến con ngựa nhìn vừa tuyệt đẹp vừa uy nghi. Người thích ngựa như Lỗ Bá Phong thì chẳng có điều gì thú vị hơn là ngắm nhìn một con ngựa đẹp.

Đông sắp tàn, xuân đang tới, nên tuyết đang tan lần lần chừa ra những mảnh đất trống. Từ những mảnh đất trống đó, lưa thưa những ngọn cỏ non đang đâm chồi lên. Lỗ Bá Phong vỗ vào mông ngựa nói :

- Đi, đi mà gặm đám cỏ non kia. Đây là vùng đất tốt, cỏ rất ngon ngọt.

Con ngựa như biết nghe lời, co bốn vó chạy ra bãi đất trống kế bên, tìm những mảng cỏ non gặm.

Kế Dư ngồi bên đống lửa nói :

- Vùng đất này quả nhiên màu mỡ, tốt cho việc chăn nuôi cầy cấy. Nếu ta còn trẻ cỡ hai mươi năm về trước, thì ta sẽ xây một căn nhà ở đây, lấy nghề nông sinh sống.

Lỗ Bá Phong nhìn lão hỏi :

- Tại sao không phải là bây giờ?

Kế Dư lắc đầu :

- Ta đã già, không còn sức làm những công việc nặng nhọc, cả việc chải lông cho ngựa như ngươi vừa làm ta cũng không đủ sức.

Mặt trời bắt đầu hạ xuống thấp hơn, sắp lặn sau rặng cây, vài con thỏ thập thò mò ra ăn đêm.

Kế Dư ráp tên vào cung, nhắm bắn hai con thỏ, rồi đứng lên lượm nhặt chúng. Lão lấy dao bén cạo sạch lông, rồi mới đem thỏ lên nướng trên ngọn lửa đang cháy.

Lỗ Bá Phong cuộn mình trong tấm da thú, ngồi xuống bên gốc cây chờ ăn.

Nhìn cảnh sắc trước mặt, đất đồi nhô lên hụp xuống, thông xanh mọc đầy, suối trong uốn khúc, xa xa có một ngọn núi tuyết vẫn còn phủ trắng trên đỉnh. Họ Lỗ gật gù, công nhận Kế Dư nói đúng, vùng đất này quả đẹp. Cũng như Kế Dư, nếu hắn sống được một đời bình yên sẽ xây một căn nhà lớn, cho hắn và cho đàn ngựa. Khi tưởng tượng một đàn ngựa tuyệt đẹp như con ngựa mà hắn đã trộm được đang gặm cỏ trước mặt, tâm hồn hắn thật phơi phới hân hoan.

Đó là “nếu”, vì hiện tại bọn hắn đang chạy trốn sự truy đuổi của kẻ khác, tìm trong nguy hiểm một sự sống. Và “nếu” bọn hắn còn sống thì nhất định những ước mơ kia phải thành sự thật.

Kế Dư nướng thịt thỏ xong, dùng dao lóc xương, chia phần bỏ lên ba đĩa, giữ lại một đĩa cho mình rồi đưa cho bạn mỗi người một đĩa. Họ ăn uống trong im lặng, không ai nói với ai lời nào.

Ăn xong, Bách Hộ tự nguyện xách nồi niêu xoong chảo của Kế Dư đem ra dòng suối rửa, nhưng thật ra lão đi ngược dòng suối tìm vàng, tính lấy nồi niêu xoong chảo của Kế Dư làm dụng cụ lọc vàng.

Khi Bách Hộ vừa đi khuất, Kế Dư lên tiếng :

- Hắn chẳng tìm được gì đâu! Vàng không có ở nơi đây!

Trong ánh mắt Lỗ Bá Phong hiện lên một tia nhìn khó hiểu, có vẻ thờ ơ nhưng lại ẩn chứa vẻ buồn bã. Hắn thật sự không bao giờ muốn lừa gạt bằng hữu, dù cho người đó là kẻ hồ đồ thô lỗ như Bách Hộ kia. Nhưng tình huống bắt buộc, hắn đã dùng kế, nói dối để lừa bạn, trái với những đạo nghĩa mà hắn cố gắng giữ.

Họ Lỗ đáp :

- Ta biết! Có lẽ niềm hy vọng trong tương lai sẽ làm cho lão ấy vui vẻ hơn là nghĩ đến nguy hiểm trong hiện tại.

Kế Dư không nói về Bách Hộ nữa, lãng sang chuyện khác :

- Ngươi nghĩ là bọn chúng vẫn còn theo đuổi chứ?

Lỗ Bá Phong gật đầu :

- Mã Đạt Kha không phải là con người dễ tha thứ.

- Chúng ta có thể thoát không?

Lỗ Bá Phong hít một hơi dài, đáp :

- Có thể! Mấy hôm nay tuyết bắt đầu tan, xóa luôn dấu chân ngựa... Nhưng linh tính báo cho ta biết là thần chết đang chực chờ.

Kế Dư im lặng không nói nữa. Linh tính của Lỗ Bá Phong không bao giờ sai, hắn nói đến cái chết thì nhất định cái chết sẽ xảy đến, nhưng không biết là ai trong ba người bọn họ. Không phải là lão nhắm mắt tin bậy, thật sự phải mất hơn hai mươi năm trời làm bằng chứng, mới khiến cho lão tin tưởng tuyệt đối như vậy. Hắn có đeo lá bùa hộ mệnh trên cổ, cho nên nhiều lúc lão cứ tưởng là do lá bùa đó báo với hắn. Nhưng càng về sau, lão nghĩ là do hắn tinh tế tìm hiểu kinh nghiệm cuộc đời, nhất là trong những trận chiến họ đã trải qua dưới tay Soái Phàm, cầu mong sự sống để trả thù từ khi còn trẻ sẽ khiến con người có cách suy nghĩ và một linh tính nhạy bén. Lão và Bách Hộ tuy lớn tuổi hơn Lỗ Bá Phong rất nhiều, nhưng so về cơ trí và kinh nghiệm đời vẫn còn kém hơn. Trong suốt hai mươi mấy năm sát cánh bên nhau, tình bằng hữu của họ quan trọng hơn là tuổi tác, cách xưng hô cũng trở nên ngang bằng, không phân biệt cao thấp lớn bé. Người ngoài nhìn vào cứ nghĩ hắn vô lễ với mấy lão già, nhưng thật ra đám người từ Soái Phàm tới thuộc hạ của lão đều cho đó là tự nhiên.

Con ngựa gặm đám cỏ non chán chê no bụng lại lần đến bên hai người. Hơi thở của nó còn nặng nề. Lỗ Bá Phong đứng dậy, vuốt ve nó.

Kế Dư nói :

- Bách Hộ nói đúng, chúng ta đang trốn chạy, không nên dắt theo con ngựa bệnh hoạn này, nó làm chậm bước...

Lỗ Bá Phong cười :

- Lúc trước nó không được chăm sóc cẩn thận, nơi ở không được sạch sẽ, không được tự do chạy nhảy nên mới sinh bệnh...

Kế Dư ngắt lời :

- Ý của ta không phải là như vậy...

Lỗ Bá Phong cũng nghiêm sắc mặt trở lại, nói :

- Ta biết là không nên, nhưng ta vẫn làm vì đó là việc đáng làm...

Lỗ Bá Phong muốn làm gì, ngoài chính bản thân hắn ra, không ai cản được.

Kế Dư nghe hắn nói chắc nịch như vậy cũng im luôn. Lấy tấm chăn da thú ra choàng lên mình, nằm cạnh đống lửa, nhắm mắt bắt đầu dỗ giấc ngủ.

* * * * *

Đêm đen trùm xuống...

Bách Hộ cuối cùng cũng trở về với đống nồi niêu xoong chảo của Kế Dư. Dĩ nhiên lão không đãi được chút vàng nào. Vừa đặt lưng nằm xuống, lão đã ngủ say.

Choàng tấm chăn da thú chặt vào mình để cho đỡ lạnh, Lỗ Bá Phong thả người dựa lưng vào gốc cây, cố gắng chợp mắt ngủ. Vẫn cảm thấy lạnh, hắn lại thẩy thêm một khúc củi vào ngọn lửa đang cháy.

Kế bên Bách Hộ đang ngáy, chỉ nho nhỏ, nhưng giữa đêm khuya vắng lặng đó là tiếng động duy nhất nên được gió đưa đi xa xa.

Kế Dư thì gói gọn trong đám da thú, ngủ không nghe một tiếng động.

Lỗ Bá Phong rút một ngọn phi đao ra khỏi vỏ, đưa ngón tay rà trên lưỡi đao, suy nghĩ về quá khứ năm xưa.

Lúc đó vào mùa xuân, hắn chỉ mười hai tuổi, người cha tặng cho hắn hai ngọn phi đao bảo hắn đủ khôn lớn để cầm vũ khí. Hắn không cầm được lòng kích thích, cha chưa quay lưng đã chạy vào rừng luyện tập phóng phi đao từ sáng tới khi trời tối không còn thấy đường nữa. Hắn phải ngừng lại, ngồi nghỉ dưới gốc cây và cũng không ngừng mân mê đao như bây giờ. Hắn mân mê không được bao lâu thì nghe có tiếng khóc, tiếng khóc vừa hoảng sợ vừa đau đớn. Hắn lần theo tiếng khóc đi đến thì gặp một cô bé chừng năm tuổi đang đứng ôm gốc cây, nước mắt đầm đìa, chân bị kẹt vào những rễ cây rừng trồi lên mặt đất. Khúc chân của cô bé nhìn có vẻ cong cong không được bình thường, có lẽ bị gãy xương. Cô bé vừa hoảng sợ vì trời tối, vừa đau nên gào khóc thảm thiết. Hắn động lòng thương, chạy tới hì hục giúp cô bé rút chân ra, nhưng vẫn không được. Cũng với hai ngọn phi đao nhỏ này, hai tay hắn liên tục cứa đứt một đoạn rễ cây để kéo chân cô bé ra, rồi lại kéo thẳng chân gãy và băng bó lại. Hắn vốn được cha dạy băng bó vết thương cho ngựa, nên làm công việc đó thuần nhuyễn như người rành nghề lâu năm.

Sau đó, hắn cõng cô bé về làng. Trong lòng hắn cảm thấy lâng lâng vì đã làm một việc nghĩa hiệp đầu tiên trong đời. Nhưng khi hắn vừa xuất hiện ở cổng làng, một đám đông ùn ùn kéo đến bao xung quanh. Cô bé từ trên lưng hắn tuột xuống, đứng không vững loạng choạng muốn ngã. Một người trong đám đông nhào tới ôm lấy cô bé.

- Gia gia, con bị lạc trong rừng, bị té ngã gãy chân, rồi còn bị vướng vào rễ cây.

Lỗ Bá Phong nhìn lại thấy người ôm cô bé chính là lão bán bánh bao ở chợ, cách nhà hắn không xa. Áo lão lấm bụi khói màu đen đen chứ không trắng xám như bụi khói lò nướng bánh và bột trộn với nhau, khiến hắn thắc mắc và lấy làm lạ. Hắn từ tốn nói với người bán bánh nọ :

- Tôi tìm thấy cháu ông ở trong rừng, chân bị gãy nhưng được băng bó rồi, có lẽ không sao đâu.

Không ai nói một câu cám ơn, hoặc lên tiếng. Cặp mắt người nào người nấy như xoi mói, muốn đâm thủng cả người hắn.

Lỗ Bá Phong vẫn biết bọn người trong làng không có cảm tình gì đối với gia đình hắn. Nhưng tại sao thái độ và cặp mắt của họ có vẻ lạ lùng, chết chóc. Và càng lạ hơn nữa là vài người trong số họ còn có vết cháy sém trên áo trên quần.

Từ cuối đám đông, Trương Nhất, một người giàu có nhất trong làng từ từ hiện ra. Lão phú hộ đó có thân hình mập mạp, mắt ti hí, dưới mũi còn có một hàng râu rậm. Lão hét :

- Treo cổ nó lên! Hãy diệt giống quỷ đó đi.

Lúc đầu Lỗ Bá Phong còn không hiểu tên phú hộ nói gì, quay lại hỏi người bán bánh :

- Lão ta nói vậy có ý gì?

Lão bán bánh không đáp lời hắn, quay lại hỏi cháu gái mình :

- Có phải tên nhóc này đã dẫn ngươi vào rừng rồi hà hiếp gây thương tích cho ngươi không?

Cô bé lã chã rơi nước mắt đáp :

- Không không! Là do con ham chơi chạy vào rừng rồi lạc, đến nỗi bị gãy chân, không ai làm hại con cả.

Lão bán bánh tiến lên chỉ Lỗ Bá Phong nói :

- Lão nghĩ tên tiểu tử này đã dụ dỗ đứa cháu gái, đe dọa nó để nó nói lời giả dối hòng chạy tội.

Lão nói xong, đám đông im lặng không nhúc nhích, rồi đột nhiên họ chạy tới chộp lấy Lỗ Bá Phong.

Cảm thấy nguy hiểm đang đến, hắn liền tìm đường chạy. Lúc đầu hắn còn luồn lách tránh né, đánh trả được một hai người, nhưng vì họ đông quá, cuối cùng hắn bị một đám có đến chín mười người đè bẹp dí dưới đất. Người giữ chân, kẻ đè gối, đạp tay, nhấn đầu... hắn dù là thần thánh cũng không rục rịch được. Họ trói chặt hắn như một khúc nem, rồi kéo lê đến một khúc cây to.

Một sợi dây thừng được ném qua một nhánh cây to hơn hai cổ tay người, rồi hắn cảm thấy thân hình bị nhấc bổng lên, cổ bị siết lại. Thiếu khí hắn muốn há miệng ra hớp mấy ngụm nhưng lại như không có sức để há ra, muốn vùng vẫy chân tay cũng không cử động được. Chỉ có một cảm giác lửng lơ ở giữa không trung, rồi sau đó mắt hắn mờ đi không thấy gì hết, bên tai vẫn nghe tiếng người quát mắng :

- Chết! Chết đi, đồ khốn nạn!

Hắn chỉ mới mười hai tuổi, biết gì và đã làm gì nên tội mà người ta chửi hắn là “đồ khốn nạn”?

Trong sự tối đen bập bồng lạnh lẽo đó, hắn có cảm giác là như mình đang trôi nổi về chốn âm ty, bỗng đâu hắn cảm thấy một luồng khí ấm áp đưa tới. Hắn nghĩ chắc Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy thương tình vì hắn còn nhỏ, còn ngây thơ nên hạ lệnh cho luồng gió ấm đưa hắn lên trên tiên cảnh. Lại thêm một luồng ấm nữa, rồi một luồng nữa...

Nhưng ở tiên giới sảng khoái đâu không thấy, hắn chỉ cảm thấy cả người đau đớn, như bị lóc da xẻ thịt.

Có tiếng hét khàn khàn :

- Thở, thở! Tiểu tử hãy mau thở!

Luồng khí ấm kia không còn nữa, hắn bất chợt làm theo lời vừa nói, hít vội vào một hơi thở sâu khiến cơn đau tràn đến bật nẩy cả người. Hắn mở mắt nhìn, thấy mình đang nằm trên mặt đất, những lá cây bao phủ xung quanh như một chiếc giường nệm không êm ái lắm. Hắn nghĩ tiên giới sao phàm tục giống trần gian quá.

Sợi dây thừng vẫn tòn ten treo trên nhánh cây to trên đầu, nhưng đầu kia đã bị ai đó cắt đứt. Ánh mắt hắn chuyển hướng nhìn xuống, thấy gương mặt của những con người xa lạ từ từ hiện ra. Một người đầu đã điểm bạc, nhìn hắn nói :

- Đừng nói chuyện, cổ ngươi bầm tím hết rồi, nói sẽ bị đau. Nhưng không sao, ngươi vẫn còn sống. Để ta giúp ngươi đứng dậy.

Vất vả lắm, Lỗ Bá Phong mới đứng vững trên hai chân. Họ là những con người cao thấp mập gầy khác nhau, người nào cũng khỏe mạnh, rắn chắc, lưng hùm vai gấu, ánh mắt sáng quắc. Hắn không biết họ là những ai, nhưng trong đầu hắn họ là những mẫu người lý tưởng, và muốn trở thành một trong bọn họ.

Lỗ Bá Phong đưa tay rờ cổ, thòng lọng dùng để treo cổ hắn vẫn còn đó, liền đưa tay tháo ra khỏi cổ. Da cổ hắn ram rám và chảy máu. Hắn khèn khẹt cố gắng cất tiếng, giọng ngắt quãng rời rạc :

- Tôi... tôi cứu... một đứa bé... nhưng không... không hiểu sao họ lại... không biết tại sao...

- Ta biết!

Một thứ âm thanh rắn rỏi, khiến người nghe phải nể phục vừa vang lên. Lỗ Bá Phong quay người nhìn lại bắt gặp một người tóc cũng râm bạc nhưng bạc hơn nhiều so với người đã đỡ hắn dậy. Lão nói :

- Tối hôm qua, họ đã đốt sạch giết sạch mọi người trong nhà ngươi.

- Không! Không thể nào!

Hắn lắc đầu chối, vì hắn không thể tin được. Cha hắn là người có võ công, lẽ nào không chống cự lại đám người kia?

- Họ chết cả rồi, ta thành thật chia buồn. Bọn chúng bị người mua chuộc dụ dỗ làm mờ con mắt, cho rằng gia đình ngươi bắt đứa nhỏ lấy máu cúng tế ma quỷ. Chỉ có những người đơn giản, ngu ngốc mới bị những lời nói như vậy dụ dỗ lừa gạt.

Nỗi đau trên cổ hắn không còn, chỉ còn nỗi đau trong lòng. Hắn cố gắng giữ bình tĩnh hỏi :

- Tất cả mọi người ư? Không thể nào...

- Tất cả mọi người... trừ ngươi...

Lỗ Bá Phong ngẩng đầu nhìn con người đầu bạc đó, thấy ông ta tướng mạo uy nghi, toàn thân phát xuất một thứ khí mà người ta gọi là chính khí. Con người đó nhìn đàng hoàng thẳng thắn, có cứng rỏi chứ không lừa người. Họ đã cứu hắn sống lại thì tại sao còn nói dối cả gia đình hắn chết. Họ phải nói thật, vì chính mắt họ đã thấy. Nếu đó đã là sự thật, thì hắn cảm thấy cả bầu trời sụp đổ trong tầm mắt, chẳng có vết thương nào đau đớn hơn là mất tất cả người thân.

Một người trong bọn họ nói :

- Bọn ta biết ngươi đang căm hờn, muốn đòi lại công bằng cho ngươi nên đã đem bọn người ngu ngốc giết cả nhà ngươi tới đây.

Lão quay sang nhìn người tóc bạc uy nghi kia như hỏi ý kiến. Người đó hô to :

- Mang họ tới đây!

Họ dẫn ra mười hai người. Tất cả bọn người mà Lỗ Bá Phong đã thấy trên áo trên quần bám những vết bụi cháy đen đen. Lão đầu bạc lại phất tay hạ lệnh cộc lốc :

- Treo cổ!

Trước tiên là lão bán bánh bao bị lôi ra. Lúc trước khi treo cổ Lỗ Bá Phong lão ta to miệng tố cáo thế nào, thì lúc bị treo cổ cũng to miệng như vậy, nhưng là những lời năn nỉ van xin :

- Đừng! Đừng giết tôi!

Một người đàn bà đứng bên ngoài vòng người cũng gào khóc thảm thiết, xin tha mạng cho lão vì lão có gia đình, con cháu.

Lão già đầu bạc cất tiếng nói oang oang :

- Đã làm thì phải chịu. Đứa nhỏ này cũng có gia đình, nhưng bọn chúng dám bán lương tâm để sát hại. Nợ máu thì phải trả bằng máu.

Giọng ông ta cứng rắn quá, cứng rắn đến độ lạnh lùng không còn chút nhân tâm.

Từng người từng người một trong số mười hai người đều bị lão treo cổ chết làm gương cho cả làng.

Bất chợt hắn kêu lên :

- Lão họ Trương đâu?

Không ai trả lời, hắn lại hét đến khản cổ :

- Lão phú hộ đâu? Lão không có mặt ở đây. Chính lão mới là người cầm đầu. Chính lão mới đáng chết.

Một người trong bọn cứu Lỗ Bá Phong nhẹ giọng nói :

- Lão đã trốn mất rồi! Lão có chỗ dựa rất lớn, ngay cả bọn ta cũng không làm gì được.

Hắn muốn lão chết lắm, nhưng làm sao được. Họ với hắn không quen biết nhưng họ đã ra công trả thù cho hắn, chỉ chừa lại một tên phú hộ. Hắn chưa cám ơn họ thì còn quát tháo trách cứ gì nữa.

Như họ đã nói, lão phú hộ có chỗ dựa lớn đến nỗi họ không làm gì được, và có lẽ họ cũng muốn chừa lão ta cho chính tay hắn trả thù.

Mặc kệ đám dân làng khóc than, đào mồ chôn mười hai người kia, Lỗ Bá Phong chạy về nhà. Dưới những ngọn đuốc đỏ rực soi chiếu một vùng, cả gia trang rộng lớn của nhà hắn đã trở thành đám hoang tàn nhuốm một màu đen.

Trong lúc đau thương, hắn còn đứng ngây người, bọn người cứu sống hắn lại chạy vào trong đống đổ nát khiêng ra bảy cái xác, sáu xác đen thui, một xác trắng nhách. Xác to xác nhỏ gì đều đủ cả.

Dù những cái xác đã bị cháy đen thui, không còn nhìn được mặt mũi, nhưng hắn vẫn nhận ra ai là ai. Cái xác to lớn kia chính là cha hắn, cái xác thon thon mảnh khảnh kia là mẹ hắn, còn cái xác nhỏ xíu chính là đứa em một tuổi của hắn.

Còn ba cái xác mập mạp là người làm trong nhà, hai người nô bộc và một bà nhũ mẫu. Xác trắng nhách co quắp nhỏ nhắn kia là đứa em năm tuổi, cách đó mấy đêm nó đã khóc ầm lên vì thấy ác mộng. Nó mơ thấy bị chết vì khói, cha hắn phải làm một lá bùa giả, nói sẽ hộ mệnh cho nó, mẹ hắn phải ôm nó ngủ hằng đêm nó mới chịu yên, không khóc nữa. Và lúc chết trên tay nó còn cầm một lá bùa hộ mệnh giống như lá bùa trên cổ Lỗ Bá Phong.

Đâu đó bên cạnh có người nói :

- Đứa nhỏ đó chết vì khói.

Mắt Lỗ Bá Phong đỏ ngầu nhưng ráo hoảnh...

Hắn không rơi nước mắt. Mà dù hắn muốn khóc đi nữa cũng không làm những cái xác người thân trước mặt hắn sống lại. Họ chết rồi, thì công việc duy nhất hắn có thể làm lúc đó là chôn cất họ chu đáo. Hắn mím môi, bặm miệng hì hục đào bảy lỗ huyệt, đến khi hai tay rướm máu mới thôi.

Lúc đầu những người kia còn giúp hắn, nhưng về sau hình như lão già cứng rắn là người cầm đầu trong bọn ra lệnh cho họ dừng tay, để hắn tự tay chôn người thân. Làm công việc chôn cất xong, giọng nói cứng rắn kia lại vang lên :

- Ngươi nên đi theo bọn ta.

Lão nói như ra lệnh, không cần nghe hắn có muốn đồng ý hay không.

Còn hắn, không người thân, không nơi nương tựa, và càng không muốn ở lại đống hoang tàn này. Mới mười hai tuổi, hắn nên đi đâu? Chỉ còn cách theo bọn họ. Ngay từ mở mắt ra gặp họ, hắn đã muốn trở thành một trong bọn họ, thì ý nghĩa đi chung với họ càng hợp lý.

Một người dắt ngựa đến bên hắn, một người khác đỡ hắn lên lưng ngựa.

Nhìn hắn thật là nhỏ nhoi so với con ngựa thiện chiến to lớn.

Họ cưỡi ngựa cả ngày, dừng chân nghỉ vào ban đêm, có khi trong hang núi, có khi bên bờ suối, có khi nghỉ lại trong khách điếm với bao nhiêu con mắt tò mò dòm ngó.

Trong trọn tháng đầu, hắn không nói một lời.

Lại là lão già cầm đầu, có giọng nói cứng rắn mà khi đó mọi người gọi là Soái Phàm nói :

- Ngươi phải học võ công, không biết võ công thì giết người sao được?

Lão nói chung chung là giết người, nhưng trong thâm tâm hắn hiểu lão muốn nói đến giết tên phú hộ họ Trương kia. Hắn cầm hai ngọn phi đao ra phóng phóng như là luyện tập, lão lại nói :

- Phóng hai ngọn phi đao chỉ giết được hai người, sau đó thì tay trắng. Lấy đó làm ám khí thì tốt hơn.

Lão lại thẩy cho hắn một thanh trường kiếm, bảo một người trong bọn ra đánh với hắn.

Hắn không biết kiếm pháp thì đấu với ai được, nên thân hình hắn bị chém ngang dọc. Tuy bọn họ không nỡ mạnh tay, vết chém không sâu, nhưng cũng làm cho hắn đau đớn và để lại những vết đỏ hồng trên người. Bị đánh nhiều hắn phải học cách đánh trả lại.

Hắn đánh bại người này, lão Soái Phàm lại kêu người khác đánh với hắn.

Lần lượt hắn cũng đánh bại hết mọi người trong đám Soái Phàm. Và cũng từ đó cái danh hiệu “Vô địch kiếm thủ” được họ gắn cho hắn.

Họ băng rừng vượt suối, đánh hết nơi này lại tìm đến nơi khác, họ Lỗ cũng không biết những nơi đó làm gì sai mà phải đánh, chỉ biết những gì lão Soái Phàm nói đều đúng. Vì tính cách lão ta không thể nào sai được. Sai thì thà lão để cho người ta mình giết, còn hơn là làm.

Cũng trong thời gian đó, Lỗ Bá Phong làm quen được một lão già mù trong nhóm Soái Phàm, tên là Thôi Trung Viễn. Lão họ Thôi tuy mù nhưng ngược lại tai và mũi rất thính. Lão là con sói đánh hơi đi trước dọn đường cho bọn Soái Phàm.

Lần đầu tiên gặp hắn lão nói :

- Chúc cho mọi giấc mơ của ngươi thành sự thật, trừ một...

Lỗ Bá Phong hỏi lại :

- Tại sao phải trừ một?

- Một giấc mơ không thành sẽ thôi thúc ngươi sống một cách hữu ích hơn trong quãng đời còn lại.

Thôi Trung Viễn nheo mày hỏi :

- Ngươi có biết tại sao tới bây giờ ngươi vẫn còn muốn sống không?

- Để trả thù!

Lão họ Thôi gật đầu :

- Đúng! Tại vì một kẻ thù của ngươi vẫn còn sống... Nếu ngươi giết được kẻ thù cuối cùng thì sẽ làm gì kế tiếp?

- Sống.

Lão họ Thôi nhíu mày :

- Sống? Sống như thế nào? Động cơ sống của ngươi là gì? Trả thù ư? Ai là kẻ thù? Kẻ thù của ngươi lúc đó đã chết hết. Giết người ư? Ta nhìn ngươi không giống kẻ giết người. Người không có mục đích thường cuộc sống rất nhàm chán.

Lỗ Bá Phong hỏi lão :

- Vậy ông sống có mục đích không?

Thôi Trung Viễn lắc đầu buồn bã :

- Không! Nếu ta có mục đích thì theo Soái Phàm làm gì?

Lỗ Bá Phong ngẩn người suy tư, chẳng lẽ những người theo Soái Phàm đều là những người không có mục đích, không có lý do để sống. Hành động của họ đều do Soái Phàm điều khiển hay sao?

Nghĩ về chính bản thân, hắn hỏi :

- Có phải ông mang ơn Soái Phàm không? Nếu không thì có lẽ ông đã tách rời, tìm cho mình một mục đích để sống từ lâu.

Thôi Trung Viễn gật đầu.

Và cũng từ mẩu chuyện nhỏ này, hai người bọn họ có những mẩu chuyện khác, mà phần lớn là lão Thôi Trung Viễn chỉ dạy Lỗ Bá Phong cách đánh hơi dò theo dấu vết.

Cứ thế, ngày tháng trôi qua, hắn học kiếm xong, lão Soái Phàm lại nhìn hắn nói :

- Ra chơi với Bách Hộ!

Lúc đầu hắn không biết “chơi” của lão Soái Phàm có nghĩa là gì, nhưng chỉ biết là mỗi lần gặp Bách Hộ là hắn bị vật dập xương, nhức thịt. Lần lần thân hình của hắn không còn gầy nhom, mà thớ thịt bắt đầu nổi lên.

Trong thời gian đó hắn vẫn len lén tập phóng đao, dù gì hai ngọn phi đao cũng là do cha tặng. Nào ngờ, bị một người tên Kế Dư bắt gặp. Người đó không nói cho lão Soái Phàm biết, nhưng lại chỉ hắn cách nhắm vừa chính xác vừa hữu hiệu.

Rồi những lần vào sinh ra tử, hai con người Bách Hộ và Kế Dư luôn luôn kè bên hắn trợ giúp, họ coi nhau như bằng hữu.

Một cơn gió lạnh thổi qua khiến Lỗ Bá Phong rùng mình trở về thực tại. Hắn kéo tấm da trùm kín người, rồi lại liếc mắt nhìn hai người bằng hữu già nằm kế bên. Cái ngày đó đã trôi qua hai mươi mấy năm, nhưng trong đầu hắn vẫn còn in dấu ấn sâu đậm.

Khi hắn đã lớn khôn, nhanh nhẹn, võ công kha khá, lão Soái Phàm không biết vô tình hay hữu ý, đưa đám người quay trở lại vùng của hắn ở khi xưa. Trong một đêm, hắn dùng những gì đã học được, mò ra tên phú hộ kia báo thù.

Thù đã trả xong, lão phú hộ đã chết, giận dữ không còn nhưng buồn bã vẫn đọng lại. Thỉnh thoảng hắn nghĩ thà giận dữ còn hơn buồn bã. Buồn bã giống như một con dao nặng ngàn cân đè con tim hắn xuống, ngày tháng trôi qua là con tim hắn bị lưỡi dao nặng nề đó khắc sâu thêm vào vết thương chưa lành, không thể nào nhấc ra nổi. Vết thương lòng của hắn từ đó không bao giơ lành nổi, mà cứ tiếp tục rỉ máu và sâu thêm.

Lỗ Bá Phong buông tấm da thú, đứng lên đi lại gần chỗ bó củi hắn vứt xuống hồi chiều, thẩy vào đống lửa một ít củi. Hắn tự nhủ: “Ngủ đi, đừng nghĩ nữa, để giữ sức lên đường vào ngày mai”.

Nhưng giấc ngủ không đến dễ dàng, những hình ảnh năm xưa cứ chập chờn hiện về, nhất là hai đứa em nhỏ dại.

Kế bên Bách Hộ gầm gừ một tiếng rồi ngồi nhỏm dậy. Lão như người mộng du đi đến một gốc cây to, sau đó chỉ nghe “ồ ồ” tiếng nước chảy.

Lỗ Bá Phong lại chui vào tấm da thú bên đống lửa cho ấm thêm, lòng thầm mong là gốc cây hắn đang ngủ chưa hề bị Bách Hộ ghé thăm.

Bách Hộ lại từ trong gốc cây chui ra, tới gần đống lửa, nói lè nhè :

- Không tìm được vàng... không ngủ được... Ngươi có cần ta canh chừng một lúc không?

Lỗ Bá Phong cười :

- Không cần! Ta vừa chợp mắt chắc có lẽ ngươi đã ngáy to rồi.

Bách Hộ gật gù :

- Đúng! Ta là loại người dễ ngủ!

Bất chợt Lỗ Bá Phong nhíu mày, gương mặt trở nên căng thẳng.

Tiếng lửa kêu tí tách nghe rõ mồn một.

Bách Hộ thấy gương mặt hắn nghiêm trọng như vậy, buột miệng hỏi :

- Chuyện gì vậy!

- Suỵt! Đừng lên tiếng.

Hắn lắng tai nghe trên không một hồi, lại áp tai xuống dưới đất, lẩm bẩm :

- Hai mươi mốt... à không, hai mươi hai, một người đi đầu cách xa hai mươi người kia... và người thứ hai mươi hai đi đằng sau... xa... nhẹ nhàng quá... chắc khá xa...

Bách Hộ lại hỏi :

- Ngươi lẩm bẩm gì vậy?

Lỗ Bá Phong trổi người lên, chạy lại dập tắt đống lửa và xóa hết vết tích, miệng la khẽ :

- Có người rượt đến! Hai mươi hai người... dậy mau Kế Dư.

Kế Dư ngủ rất nhẹ nhàng, nhưng nghe tiếng đánh thức liền trỗi dậy nhanh chóng.

Kế Dư và Bách Hộ lo thu dọn đồ đạc, rồi cả ba nhảy phóc lên lưng ngựa phóng đi.

Họ chạy được một đoạn khá xa, Bách Hộ chợt chửi rủa :

- Mẹ kiếp, ta vừa tiểu nơi gốc cây, bọn chúng ngửi mùi chắc cũng phát giác có người vừa cắm trại ở đó.

Lỗ Bá Phong lại kêu :

- Suỵt!

Hắn nhìn xuống thấy con ngựa của mình đã thở phì phì liền dừng lại ngó xung quanh.

Trời đã lờ mờ sáng...

Bọn họ đang đứng cạnh một triền đồi khá cao, cây cao cây nhỏ lô nhô, đá to cũng hơi nhiều, thuận lợi cho việc ẩn núp.

Lỗ Bá Phong đưa mắt nhìn Kế Dư ra hiệu.

Kế Dư đưa mắt ngó địa thế, nhắm một chỗ thích hợp để ẩn núp, rồi lại đảo mắt tìm đường đi lên chỗ ẩn núp đó.

Bách Hộ xen vào :

- Ngươi nói chúng ta giả chạy trốn, chứ đâu có nói giả quay đầu đấu thẳng?

Nhìn Kế Dư khuất bóng sau chỗ ẩn núp, Lỗ Bá Phong đáp :

- Ẩn núp lại đây để biết kẻ đuổi theo là ai.

Bách Hộ làu bàu :

- Ta không thích ẩn núp, ngươi cứ để ta ở đây đánh một trận, quen hay không quen gì cũng đánh hết vì tội phá giấc ngủ của ta.

Lỗ Bá Phong nhíu mày :

- Đừng nhiều lời nữa, mau tìm một chỗ ẩn thân.

Chưa nói xong hắn đã vỗ mông ba con ngựa cho chúng chạy đi gặm cỏ nơi khác, còn mình phi thân bay lên cao ẩn vào những nhánh thông rậm rạp. Bách Hộ cũng tìm một tảng đá lớn núp vào.

Họ núp chưa được bao lâu đã nghe có tiếng ngựa rầm rập chạy từ xa, nhắm hướng của họ chạy tới.

Lỗ Bá Phong thắc mắc, trong rừng đâu có lối đi rõ rệt, tại sao bọn người đó không đi về hướng đông, hướng tây hay hướng bắc, lại nhắm hướng nam đi về hướng của họ.

Chẳng bao lâu từ đằng xa đã hiện ra bóng người. Đi đầu là một cái bóng rách tả tơi, phía sau bóng tả tơi là một đám lô nhô.

Có lẽ đám lô nhô kia đang rượt đuổi bóng tả tơi kia chứ không phải rượt bọn Lỗ Bá Phong.

Cả đám người chạy về phía họ nhanh như gió.

Khi người cuối cùng trong đám vừa chạy qua, Lỗ Bá Phong từ trên cao nhảy xuống.

Bóng hắn vừa nhảy thì trên sườn đồi tên cũng bay xuống vèo vèo, tiếng kêu la hoảng vang cả một khu rừng, khiến bọn người đi phía trước ghìm cương quay đầu lại. Họ bắt gặp đồng bọn từ trên lưng ngựa ngã xuống chết không ít.

Hai bóng người lạ khi ẩn khi mờ trong màn sương sớm, một bóng có ánh kiếm chớp lóe lên loang loáng, còn một bóng kia tay không nhào vô vật người của họ xuống ngựa rồi đánh lấy đánh để.

Bọn người kia vội thúc ngựa quay trở lại giúp đồng bọn, một nhóm vây lấy bóng người đầu trọc lóc, một nhóm vây người đang cầm kiếm, tách rời hai người không cho họ liên thủ giúp đỡ lẫn nhau. Họ tưởng dùng ngựa có thể đạp chết người đầu trọc, ai dè người đó mạnh khỏe như trâu, người thì né vó ngựa, còn nắm tay cứ nhắm ức ngựa tống tới, chỉ cần hai cú là con ngựa bị đứt kinh mạch ngã lăn quay chết tại chỗ, có khi còn đè luôn cả người cỡi. Những tên nhanh chân thì phóng người nhảy ra xa trước, nên tránh thoát được.

Một giọng oang oang cất lên :

- Hãy để tên trẻ lại cho ta! Các ngươi mau thanh toán tên già kia đi!

Bất chợt hiện trường có hơn mười tên vây quanh Bách Hộ, chỉ còn chừa lại một người đang cầm kiếm vờn vờn Lỗ Bá Phong. Tên đó chính là Tư Mã Đô. Họ Tư Mã nhếch môi cười mỉa :

- Ngươi hãy đem hết tài năng ra thi thố với ta mới mong thoát khỏi!

Lỗ Bá Phong không nói, chân di động theo nhịp chân đối thủ, tay giơ kiếm về trước chờ đợi.

Trận bên này im lặng bao nhiêu thì bên đám người vây công Bách Hộ ồn ào bấy nhiêu. Không những họ hò hét trợ chiến, mà còn có một vài người kêu thét thảm thiết vì bị tên đâm thủng người. Từ trên sườn đồi, Kế Dư cứ từ từ nhắm và xả tên hạ thủ bọn người kia.

Bách Hộ luôn tay chụp đỡ, nắm cổ tay tên này giơ lên đỡ kiếm tên kia, có khi còn ôm cả một tên làm bia đỡ kiếm, nhưng một người tay không đi chống chọi với đông người trong tay cầm vũ khí sắc bén thì chẳng mấy chốc sẽ rơi vào thế hạ phong.

Kế Dư ngồi trên thấy rõ tình thế, muốn nhảy xuống cứu giúp bằng hữu, nhưng ngập ngừng một lát lão lại nghĩ: “Cách trợ giúp tốt nhất là cứ ngồi ở trên bắn tên loại trừ kẻ địch cho Bách Hộ”.

Lão chú ý đến Bách Hộ quá mà không để ý có một tên đang mò lên đến gần chỗ lão.

Lỗ Bá Phong nghe tiếng động, biết Kế Dư đang bị nguy liền hét lớn :

- Kế Dư coi chừng!

Tiếng hét của hắn báo hiệu cho Tư Mã Đô biết tâm thần hắn bị phân tán.

Họ Tư Mã liền vung kiếm nhào tới tấn công ngay, nhằm chiếm thế thượng phong.

Dù có nhanh nhẹn cách mấy, Lỗ Bá Phong cũng không thể phân thân ra đi cứu Kế Dư. Vả lại chiêu thức của kẻ địch trước mắt hung ác hiểm hóc, hắn phải lo chống đỡ, không có thời gian rút phi đao để phóng hòng giải cứu bằng hữu.

Ngược lại, Kế Dư dù nghe Lỗ Bá Phong cảnh báo cũng trở tay không kịp, vì tên kia đã đến gần sát bên, hắn đang giơ kiếm chém xuống. Dù cho lão có phản ứng nhanh cỡ Lỗ Bá Phong cũng chỉ còn cách giơ nỏ lên đỡ mà thôi. Nhưng cung nỏ không sắc bén bằng kiếm, có đỡ được cũng bị kiếm chặt gãy mà chém thẳng vào người. Huống chi lão lại già, không được nhanh nhẹn lắm, nên đành nhắm mắt chờ chết.

Nhắm mắt một hồi, lão vẫn chưa thấy ánh kiếm chém xuống liền mở mắt ra thấy tên đó gục chết trên đất, tay còn giơ lên chưa kịp chém xuống. Trên ngực hắn có cắm một mũi phi đao tương tự như phi đao của Lỗ Bá Phong, nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy cây phi đao này mảnh và lưỡi mỏng hơn.

Kế Dư còn đang bàng hoàng thì tiếng hét của Bách Hộ khiến lão bừng tỉnh ngó xuống. Bách Hộ đã bị đánh thương khá trầm trọng, máu từ trên trán nhỏ xuống làm mờ mắt, lão phải dùng tay quẹt khiến mặt nhuộm màu đỏ. Bên tai phải lão cũng bị cắt một đường khá sâu, máu chảy ròng ròng ra từ đó nhểu xuống bờ vai gấu. Tay chân chỗ nào cũng có vết chém, cả người lão đều thấm máu của chính lão. Tuy bị thương nhưng Bách Hộ vẫn còn hăng máu, tay không đánh đấm liên tục như một tên điên không biết sống chết là gì.

Kế Dư vội vàng giương nỏ hạ một tên nữa cho Bách Hộ, nhưng bên địch đông quá, lão muốn hạ nhanh thì phải bắn nhanh, nhưng bắn nhanh lại không chính xác, có khi lại bắn trúng Bách Hộ, không giết được địch mà lại tốn tên hại người mình. Còn nếu bắn chậm thì càng nguy cho Bách Hộ.

Lão đang phân vân, từ đâu bỗng xuất hiện bóng người rách rưới, vung kiếm nhào vào cứu Bách Hộ, nhờ đó Kế Dư ngồi ở trên cũng đỡ lo, cứ nhắm mục tiêu mà thả tên. Lúc đầu lão còn bắn bị thương hoặc hạ được một vài tên, nhưng về sau bọn người kia để ý tránh né, nên càng lúc càng khó bắn.

Hai tên trong bọn người đó chia làm hai hướng bò lên sườn đồi đến gần Kế Dư. Lão không biết sao hơn đành thay phiên nhắm một trong hai tên đó, nhưng hai tên này khôn lanh nhanh nhẹn, ẩn núp trong lùm cây vách đá tránh né, cuối cùng cũng lên tới gần Kế Dư. Kế Dư nhảy ra khỏi chỗ núp để dễ dàng tránh né, chân chưa chạm đất đã nghe “phập, phập” hai tiếng, hai tên đó lại bị phi đao cắm chết.

Kế Dư càng thắc mắc hơn, chắc chắn phải có người ẩn núp đâu đó cứu giúp, cho dù là Lỗ Bá Phong nhanh tay phóng đao cứu lão đi nữa thì hắn cũng chỉ có hai ngọn phi đao, nhưng chung quanh lão có tới ba xác chết với ba ngọn phi đao cắm ngay tâm huyệt.

Tuy thắc mắc, nhưng sự lo sợ cho Bách Hộ tràn lên, Kế Dư liền quay người, nhắm bắn tiêu diệt thêm một tên, và người áo rách ở phía dưới chém chết một tên, Bách Hộ trước khi ngã xuống còn đấm cho tên cuối cùng vào mặt, nhưng lão cũng lãnh một nhát kiếm trên người.

Tên cuối cùng đang loạng choạng ngã thì người áo rách nhảy tới chém chết liền.

Bây giờ chỉ còn trận chiến giữa Tư Mã Đô và Lỗ Bá Phong, Kế Dư không còn mục tiêu để bắn nữa, chạy xuống xem xét thương thế của Bách Hộ.

Vừa xuống tới nơi Kế Dư nhận ra người ăn mặc rách rưới kia không ai khác mà là Cát Vệ, người cận vệ trẻ của lão Soái Phàm. Lão nói :

- Thì ra Lỗ Bá Phong liều mạng nhảy xuống, vì hắn thấy người bị rượt đuổi là ngươi.

Cát Vệ ngượng ngạo cười, không đáp lời, chỉ cúi xuống xem xét vết thương cho Bách Hộ. Chàng nói :

- Bách Hộ bị thương quá trầm trọng, tôi e lão ta không thoát khỏi tay tử thần.

Kế Dư thở dài, băng bó điều trị thương thế chẳng ai giỏi hơn Lỗ Bá Phong, nhưng hiện tại hắn đang bận đối phó với Tư Mã Đô.

Một già một trẻ chợt cảm thấy chán chường, bất lực, cả hai đều nhận thức rằng họ dựa vào Lỗ Bá Phong quá nhiều, rơi hắn ra là coi như mọi sự đều rắc rối.

Kế Dư không nói không rằng, huýt gió gọi ngựa lại để lấy thuốc rịt vết thương cho Bách Hộ rồi dùng vải băng bó cẩn thận. Dù lão có cố gắng đến đâu cũng không băng bó đẹp đẽ và gọn gàng như họ Lỗ. Sau khi tất cả mọi vết thương trên người Bách Hộ được băng bó, thì lão nhìn chẳng khác gì một cục kén tằm khổng lồ.

Cộng thêm lão nặng quá, hai người mảnh khảnh như Kế Dư và Cát Vệ không sao vực lão lên ngựa để chạy đi kiếm thầy thuốc cứu chữa, chỉ còn cách ngồi xuống kế bên vừa chăm sóc Bách Hộ vừa theo dõi trận đấu giữa Lỗ Bá Phong với Tư Mã Đô.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương