Quỷ Tam Quốc [bản dịch]
-
Chương 157
Y Tịch cũng coi như đã từng quen biết Phỉ Tiềm, hắn biết kẻ này là thân tín của Lưu Biểu, cho nên nói Lưu Biểu phái Y Tịch đến mà không hề dặn dò gì, thật sự làm người ta khó mà tin tưởng.
Có điều Y Tịch nói vậy cũng không nằm ngoài dự doán của Phỉ Tiềm, câu trả lời rất chi là ẩn ý.
Thứ nhất, Y Tịch chưa hề nói có, cũng không nói không có, vậy thì chắc chắn Lưu Biểu đã có nhắn nhủ riêng. Sở dĩ Y Tịch phải chơi nước đôi là vì cân nhắc đến tương lai, giả sử Phỉ Tiềm biết được chân tướng, thế nào cũng cảm thấy bất mãn vì bị Y Tịch lừa gạt.
Thứ hai, Y Tịch muốn nhân cơ hội để nói rõ với Phỉ Tiềm, bản thân hắn cũng chịu sự sai khiến của người khác. Ngoài miệng hắn nói nghe theo an bài, tuy nhiên người an bài không phải Phỉ Tiềm mà chính là Lưu Biểu, có vấn đề gì thắc mắc xin mời tìm Lưu Biểu để ý kiến.
Bởi vậy Phỉ Tiềm cũng ngầm hiểu nên không hỏi thêm gì nữa. Sau khi nằm xuống nệm, Phỉ Tiềm thầm tính toán, ngày mai đoàn sứ giả sẽ đi qua Nam Dương, chẳng biết Viên Thuật đã chuẩn bị cho chiến dịch đến đâu rồi? Liệu hắn sẽ ở lại căn cứ hay dẫn quân đi hội ngộ anh hùng ở Toan Tảo?
Lại nói về Viên Thuật, lúc này Viên Công Lộ của chúng ta đang cắn răng nhịn cơn tức, ngồi im lặng nghe một lão già nói văng cả nước bọt.
Trên thực tế, trị sở của quận Nam Dương nằm ở Uyển Thanh, nhưng trước mắt đại bản doanh của Viên Thuật lại đóng ở khu Lỗ Dương. Cục diện Nam Dương trông thế mà cực kì khó xử, cả quận đang bị chia làm hai.
Hướng bắc Nam Dương, tính từ Lỗ Dương kéo dài đến gần Lạc Dương thuộc về phạm vi quản lý của Viên Thuật, nhưng mặt phía nam từ Uyển Thành kéo dài đến tận Tân Dã lại thuộc về Kinh Châu của Lưu Biểu.
Người có thể bắt Viên Thuật ngồi im nghe giảng đạo cũng chỉ có những lão già thuộc hàng tiền bối trong nhà họ Viên. Cụ thể lão già chống gậy tên Viên Tằng đây là thành viên của dòng chính nhà họ Viên, dựa theo vai vế cũng ngang tầm với Viên Phùng và Viên Ngỗi. Đã thế lão ta lớn tuổi, ở thời Hán đụng đến người già sẽ gặp họa, nên Viên Thuật cũng rất bất đắc dĩ.
Gậy lão ta đang cầm có tên là gậy bồ câu. Có tin đồn thứ đồ chơi này xuất hiện vào thời Chu, các vua nhà Chu thiết lập ra “chế độ vương trượng” để tôn vinh thần chim chóc. Nhà Hán thời Hán Văn Đế giữ lại văn hóa này, đưa nó vào luật pháp, người già trên bảy mươi tuổi sẽ được ban thưởng gậy bồ câu, ưu đãi về mặt luật pháp, được mọi người tôn kính, không được vô cớ làm hại.
Gậy bồ câu dài 14,3cm; rộng 4,5 cm và cao 9,6cm. Đầu gậy được thiết kế hình bồ câu mỏ cong dài, mắt lồi, đuôi dài, trang trí thêm bằng lông vũ. Thứ này tương tự như dây đeo triện và ấn ngọc của triều đình, thuộc dạng bằng chứng cho địa vị của mình.
Những người già cầm gậy bồ câu sẽ được triều đình cấp cho bổng lộc tương tự như quan viên, đồng thời pháp luật rất khó đụng vào. Tây Hán có một vị quan thái thú từng tự ý bắt giam một ông lão chống gậy bồ câu, tuy ông lão vẫn được đối xử tốt nhưng về sau triều đình vẫn tuyên án chém đầu thái thú nọ.
Người già mà, nói chuyện sẽ có phần dông dài, đợi lão Viên Tằng giảng xong mớ đạo lý, run rẩy chống gậy bồ câu rời khỏi phủ, trời cũng đã về chiều. Viên Thuật để Diêm Tượng thay mình đi đưa tiễn, còn bản thân ngồi lại trong sảnh, nhắm mắt để bình tâm lại.
Thật ra Viên Thuật không phải bực tức Viên Tằng, mà hắn căm tức những kẻ đứng sau xúi Viên Tằng đến đây kiếm chuyện. Mặc dù Nam Dương giàu có, nhưng có giàu hơn chăng nữa cũng phải có tầng lớp trung lưu và lao động. Những người nông dân có thể thu hoạch được gần trăm ký hạt túc nguyên vỏ đã vui vẻ lạy tạ trời đất. Vậy thì được bao nhiêu người có thể sở hữu gia sản trăm mẫu đất, thóc lúa đầy kho, ngồi mát ăn bát vàng?
Lý do quận Nam Dương được cho là vùng đất giàu có nhất đế quốc là vì khai quốc hoàng đế Lưu Tú của nhà Đông Hán. Thật vậy, ban đầu Lưu Tú khởi binh, có hai địa phương ủng hộ ngài hết mình, cũng bỏ ra vốn liếng lớn nhất. Một trong số đó chính là các sĩ tộc Nam Dương. Chính vì vậy từ đầu thời kỳ Đông Hán cho đến Hán Mạt, triều đình luôn rất rộng rãi với vùng đất này, đồng thời chức thái thú Nam Dương đều dành cho người xuất thân sĩ tộc.
Kết quả một thời gian dài cả quận Nam Dương đều thi hành chính sách có lợi cho thế gia sĩ tộc. Nhưng không ngờ Viên Thuật vừa tới Nam Dương đã bắt tay với Tôn Kiên trực tiếp xử lý thái thú đương nhiệm là Trương Tư.
Đến đây vấn đề vẫn không nghiêm trọng, Trương Tư gốc ở Dĩnh Xuyên, kể cả Dĩnh Xuyên nằm sát bên Nam Dương, ít nhiều có chút liên hệ nhưng Viên Thuật muốn xử lý cũng chả sao. Sĩ tộc Nam Dương không hề có ý báo thù cho người ngoài như Trương Tư, chết thì hết thôi, một thái thú nhỏ bé sao so được với lá cờ đầu phái thanh lưu như nhà họ Viên?
Nguyên nhân lớn nhất để đám quý tộc Nam Dương nhúng tay vào chuyện này là do Viên Thuật không chỉ lấy tiền thuế ruộng Nam Dương để nuôi Tôn Kiên, mà còn không ngừng tăng cường chiêu mộ binh sĩ!
Nói đi cũng phải nói lại, Viên Thuật tuy là con dòng chính nhưng bản thân hắn không có nhiều tiền, nhà họ Viên cũng không có khả năng làm phiếu cơm trọn đời cho Viên Thuật tiêu xài. Kho lương Nam Dương cũng không đủ để một mình chi tiêu cho cả hai nhà Tôn Kiên và Viên Thuật. Thế là Viên Thuật đánh chủ ý lên người những quý tộc và địa chủ giàu có.
Trong lần đầu tiên, Viên Thuật ra lời kêu gọi, các địa chủ quý tộc cũng nể mặt nhà họ Viên bốn đời tam công, ủng hộ vào “quỹ cần vương nhà Hán” của hắn nên Viên Thuật mua sắm được một lượng lớn trang bị, chiêu mộ thành công Kỷ Linh và một đội quân chục ngàn người. Nhưng chiến dịch chống Đổng Trác sắp diễn ra, Viên Thuật vẫn cảm thấy quân đội mình nhỏ yếu, bởi vậy hạ lệnh chiêu mộ binh sĩ thêm một lần nữa.
Cuối cùng tiền chảy đi như thác đổ, đám quý tộc địa chủ không còn nhịn nổi nữa, đành phải liên kết lại gửi cáo trạng lên cho trưởng lão nhà họ Viên là Viên Tằng. Sau đó Viên Tằng chống gậy bồ câu tới tìm Viên Thuật lý luận.
Ban đầu Viên Thuật cũng ỡm ờ cho qua chuyện, dạ dạ thưa thưa một phen. Tuy nhiên Viên Tằng lại chốt bài giảng của lão bằng việc chỉ trích Viên Thuật, yêu cầu hắn không nên ham hưởng lạc, hám danh lợi, phải thường xuyên học tập anh cả Viên Thiệu, chớ nên suốt ngày đòi tiền của địa chủ quý tộc.
Câu nói này chẳng khác nào tạt cả thau xăng vào chậu lửa, Viên Thuật ngồi hồi lâu vẫn không nhịn nổi cơn tức, nhớ lại lão già Viên Tằng ra lệnh mình học hỏi Viên Thiệu, lập tức hất đổ toàn bộ chén dĩa và mâm trái cây trên bàn.
Diêm Tượng tiễn Viên Tằng rồi quay lại, tình cờ chứng kiến cảnh tượng trước mắt, cũng chẳng biết nên nói gì cho tốt, liền đứng ở dưới cúi đầu chờ đợi.
Viên Thuật đứng vịn tường thở hổn hển, sau đó mới chỉnh chu thần thái và trang phục lại rồi mới khoát tay với Diêm Tượng:
“Ôi, ta để Tử Vật chê cười rồi.”
Diêm Tượng, tự Tử Vật, là chủ bạ của Viên Thuật, tính cách chính trực quân tử, năng lực cũng rất mạnh. Viên Thuật vừa tới Nam Dương đã chiêu mộ hắn về phụ tá cho mình. Mặc dù Diêm Tượng biết vì sao Viên Thuật tức giận, nhưng hắn không ngờ Viên Thuật lại mất khống chế tới mức đó.
Nhưng suy cho cùng Viên Thuật cũng đã bình tĩnh lại, nên hắn vẫn bước vào sảnh ngồi chờ. Viên Thuật sai người hầu dọn dẹp sạch sẽ rồi mới quay sang Diêm Tượng:
“Việc này chắc chắn là do nhà họ Hòa âm thầm giở trò quỷ!”
Gia chủ đời này của nhà họ Hòa tên Hòa Hợp, tự Dương Sĩ, là sĩ tộc của khu vực Tây Bình, có tầm ảnh hưởng khá lớn. Hắn từng được triều đình đề cử Hiếu Liêm, nhưng một thời gian ngắn sau lại quay về chức lang quan. Tóm lại dòng họ Hòa ở Nam Dương và Nhữ Nam cũng nổi tiếng lắm.
Lần trước Viên Thiệu hạ lệnh chiêu mộ binh sĩ, hắn có nghe đồn nhà họ Hòa ra mặt phản đối, không ngờ rằng bọn chúng lại dám xúi giục trưởng lão nhà họ Viên ra mặt chỉ trích Viên Thuật…
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook